Đồng chí Phan Văn Huề - tấm gương cộng sản kiên trung của quê hương Đức Thọ
, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Là người yêu nước và giàu lòng trắc ẩn, chứng kiến sự áp bức của chính quyền thực dân Pháp và tay sai đối với người dân quê hương nên đồng chí Phan Văn Huề đã sớm tham gia vào các tổ chức yêu nước tiến bộ tại địa phương. Năm 1926, đồng chí Phan Văn Huề là một trong những thành viên của Đại tổ Phục Việt Đức Thọ - Hương Sơn. Nhờ hoạt động năng nổ của đồng chí Phan Văn Huề và Đại tổ, tư tưởng yêu nước tiến bộ đã được tuyên truyền rộng rãi cho Nhân dân. Đến c
uối năm 1929, trước diễn biến mới của phong trào cách mạng và ảnh hưởng hoạt động của Hội Thanh niên, các đồng chí Phan Trọng Thành và Phan Văn Huề đã chuyển sang gia nhập Hội Thanh niên ở Yên Đồng.
Ảnh: Đồng chí Phan Văn Huề
Đầu năm 1930, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nâm được thành lập, đồng chí Trần Hữu Thiều (tức Lai, Trung Thiên) được Xứ ủy Trung Kỳ cử về Hà Tĩnh xây dựng cơ sở Đảng. Đồng chí đã cùng với đồng chí Trần Hưng về huyện Đức Thọ để tìm hiểu tình hình. Đồng chí Trần Hưng là người trực tiếp về Việt Yên công tác. Nhận thấy các đồng chí: Phan Trọng Thành, Phan Văn Huề, Bùi Thức Huệ,… là những thanh niên có tư tưởng yêu nước tiến bộ và năng nổ trong phong trào đấu tranh tại địa phương, đồng chí Trần Hưng đã tiến hành tiếp cận và tuyên truyền về sự kiện thành lập Đảng. Cuối tháng 3/1930, dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Hưng, hội nghị thành lập chi bộ đảng để nhận nhiệm vụ lãnh đạo phong trào đấu tranh của Nhân dân hai xã Việt Yên Hạ và Yên Đồng đã được triệu tập. Đặc biệt, hội nghị thành lập chi bộ này còn có sự tham dự của đồng chí Trần Hữu Thiều. Chi bộ Việt Yên ra đời gồm 5 đồng chí: Phan Trọng Thành, Phan Văn Huề, Bùi Thức Huệ, Trần Đình Lan, Bùi Thức Kỳ. Đồng chí Phan Trọng Thành được bầu làm Bí thư đầu tiên của chi bộ. Đến tháng 4/1930, đồng chí Phan Văn Huề được bổ sung vào chi ủy và sau đó được tín nhiệm bầu giữ chức vụ Bí thư chi bộ Việt Yên.
Chi bộ Việt Yên là một trong năm chi bộ Đảng được thành lập đầu tiên ở huyện Đức Thọ. Sự đời của chi bộ đã dánh dấu bước phát triển mới trong phong trào cách mạng ở hai xã Việt Yên Hạ và Yên Đồng. Ngay sau khi thành lập, đồng chí Phan Văn Huề và các đồng chí trong chi bộ đã xúc tiến công tác tuyên truyền, giác ngộ đảng viên. Thông qua hoạt động năng nổ của các đồng chí, chỉ vài tháng sau, chi bộ phát triển, kết nạp thêm được một số quần chúng yêu nước tiến bộ vào tổ chức.
Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Phan Văn Huề và chi bộ, Nhân dân Việt Yên Hạ - Yên Đồng đã tiếp tục phát huy truyền thống đấu tranh kiên cường bất khuất của các thế hệ tiền bối, dũng cảm đứng lên trong cuộc đấu tranh trực diện với kẻ thù.
Nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5/1930, thực hiện chủ trương của Huyện ủy lâm thời Đức Thọ, đồng chí Phan Văn Huề và Chi bộ Việt Yên Hạ - Yên Đồng đã phát động một đợt rải truyền đơn ở các làng trong vùng. Dưới sự chỉ đạo của chi bộ, cờ đỏ búa liềm được treo lên, bay cao trong gió, truyền đơn có nội dung chống đàn áp, đòi giảm sưu thuế, chống bắt phu, bắt lính; đoàn kết công – nông; ủng hộ phong trào công nhân quốc tế,… đã được rải rộng khắp từ đền làng Vạn Hộ tới phủ lỵ Đức Thọ. Không chỉ là người lãnh đạo phong trào, đồng chí Phan Văn Huề còn là người trực tiếp thực hiện rải truyền đơn tại địa phương. Việc cờ Đảng lần đầu tiên xuất hiện cũng đã tạo nên tiếng vang lớn, thu hút sự chú ý của đông đảo quần chúng, thúc đẩy tinh thần đấu tranh của Nhân dân.
Tháng 8/1930, nhân lúc giáp hạt, nông dân một số làng bị đói nặng, đồng chí Phan Văn Huề và Chi bộ Việt Yên đã lãnh đạo Nhân dân đấu tranh “vay thóc” cứu đói. Cuộc đấu tranh đã giành được thắng lợi với 3.600kg thóc phân phát cho quần chúng nhân dân. Người chỉ đạo thực hiện cuộc đấu tranh này là các đồng chí: Phan Trọng Thành, Phan Văn Huề và Mai Trọng Đạn.
Tiếp đó, nhân ngày Quốc tế chống chiến tranh đế quốc (1/8/1930), thực hiện chỉ thị về việc tổ chức "các cuộc biểu tình phải có tính chất chính trị và đòi một số quyền lợi về đời sống kinh tế" của Tỉnh ủy Hà Tĩnh, đồng chí Phan Văn Huề và các đồng chí trong Chi bộ Việt Yên đã nhanh chóng tiến hành các hoạt động tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân. Kết quả, dưới sự lãnh đạo của chi bộ, đông đảo quần chúng xã Việt Yên Hạ và Yên Đồng đã tích cực tham gia cuộc mít tinh. Tối ngày 1/8/1930, cờ đỏ búa liềm một lần nữa xuất hiện, hiên ngang bay trên đình làng Đông Thái. Quần chúng nhân dân theo sự chỉ đạo của chi bộ, từ các ngả bắt đầu kéo về tập trung tại Mục Vấn. Sau khi nghe đồng chí Phan Văn Huề và các đồng chí đảng viên diễn thuyết, mọi người liền hô vang các khẩu hiệu đấu tranh: "Đả đảo chiến tranh đế quốc", "Đả đảo bóc lột", "Đả đảo đàn áp biểu tình", "Bãi bỏ thuế thân, thuế chợ",... Sau đó, đoàn người tiếp tục biểu tình thị uy, vừa đi vừa rải truyền đơn tạo nên một không khí đấu tranh mạnh mẽ khiến hào lý địa phương sợ hãi, không dám manh động.
Từ tháng 9/1930, để tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, đồng chí Phan Văn Huề cùng chi bộ Việt Yên đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thành lập các tổ chức quần chúng yêu nước. Nhờ hoạt động sâu sát của các đồng chí, chỉ sau một thời gian ngắn, các tổ chức: Nông hội đỏ, Phụ nữ, Thanh niên, Cứu tế đỏ, Tự vệ đỏ,… lần lượt ra đời, thu hút đông đảo quần chúng tham gia. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ, Nhân dân Việt Yên Hạ - Yên Đồng đã hăng hái tham gia vào các cuộc đấu tranh lớn ở địa phương, như: cuộc mít tinh và tuần hành thị uy kỷ niệm ngày Cách mạng Tháng Mười Nga tại nhà Thánh Yên Đồng với quy mô hàng trăm người tham dự (7/11/1930); phối hợp với Nhân dân tổng Yên Hồ, Thịnh Quả tổ chức cuộc mít tinh, sau đó tuần hành kéo lên huyện lỵ với quy mô lên đến gần 2.000 người nhân dịp kỷ niệm ngày Quảng Châu công xã (12/12/1930);…
Bên cạnh nhiệm vụ lãnh đạo phong trào đấu tranh trên địa bàn xã Việt Yên Hạ - Yên Đồng, Chi bộ Việt Yên còn làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền phát triển Đảng ra các địa phương khác như Yên Trung, Phụng Công và nhiều nơi khác trong tổng Việt Yên.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của làn sóng đấu tranh tại Việt Yên Hạ - Yên Đồng nói riêng, của Nhân dân Nghệ Tĩnh nói chung, thực dân Pháp và chính quyền phong kiến tay sai đã thi hành nhiều biện pháp khủng bố với mong muốn dập tắt phong trào này. Trước sự truy lùng ráo riết của hệ thống bang tá, mật thám tay sai, tháng 2/1931, đồng chí Phan Văn Huề cùng một số đồng chí đảng viên đã bị rơi vào tay giặc. Mọi thủ đoạn đều không khuất phục được ý chí của đồng chí Phan Văn Huề, kẻ địch đã chuyển đồng chí từ Nhà lao Linh Cảm lên nhà lao huyện Hương Khê với mục đích: cách ly đồng chí Phan Văn Huề với phong trào cách mạng địa phương.
Năm 1936, sau khi được trả tự do, đồng chí Phan Văn Huề đã tiếp tục bắt liên lạc với các đảng viên, cựu tù chính trị để tiếp tục hoạt động. Tháng 9/1936, được tin Chính phủ Mặt trận Nhân dân Pháp chuẩn bị cử phái đoàn sang điều tra tình hình các nước thuộc địa Đông Dương, Trung ương Đảng đã chủ trương phát động một phong trào thu thập nguyện vọng của quần chúng Nhân dân để trình lên phái đoàn. Thực hiện chủ trương đó, huyện Đức Thọ tuy chưa khôi phục được tổ chức nhưng các đồng chí đảng viên, cựu tù chính trị đã chủ động tổ chức cuộc họp bàn tại Bùi Xá. Hội nghị đã thành lập ra Ban Vận động Đông Dương đại hội của huyện gồm 8 đồng chí. Đồng chí Phan Văn Huề là một trong 8 ủy viên của Ban Vận động, đã tích cực tham gia các hoạt động vận động quần chúng tham gia các cuộc biểu tình; thu thập ý kiến của Nhân dân để xây dựng ra “Bản dân nguyện” để trình lên phái đoàn điều tra.
Không chỉ tích cực trong phong trào của toàn huyện, đồng chí Phan Văn Huề còn trở về quê hương tiến hành móc nối liên lạc để khôi phục tổ chức Đảng. Đến tháng 7/1937, các đồng chí Phan Văn Huề, Kiều Hữu Thao, Kiều Ngọc Lung đã tái lập được một tổ Đảng ở Việt Yên Hạ - Yên Đồng. Sự kiện này chính là mốc son đánh dấu việc khôi phục thành công tổ chức Đảng đầu tiên tại Việt Yên sau khi bị địch đàn áp, tạm giải thể trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Tháng 8/1941, đồng chí Phan Văn Huề bị địch bắt lần thứ hai. Trong lần bắt giam này, kẻ địch đã ra quyết định giải đồng chí từ Nhà lao Hà Tĩnh vào Căng an trí Ly Hy ở Thừa Thiên, nhằm cách ly hoàn toàn đồng chí Phan Văn Huề với phong trào cách mạng Hà Tĩnh (8/1941 đến 11/1942).
Ngày 19/5/1945, Ban Vận động Việt Minh liên tỉnh Nghệ Tĩnh được thành lập, đã đưa ra Chương trình hành động trong tình hình mới, trong đó có nhiệm vụ “Xúc tiến việc thành lập mặt trận Việt Minh”. Tháng 6/1945, được sự chỉ đạo của Ban Vận động Việt Minh liên tỉnh Nghệ Tĩnh, Ban Liên lạc Việt minh huyện Đức Thọ đã được ra đời. Đồng chí Phan Văn Huề là một trong 11 ủy viên của Việt Minh huyện Đức Thọ, nhận nhiệm vụ phụ trách Việt Minh tổng Việt Yên.
Tháng 8/1945, thực hiện chủ trương của Việt Minh liên tỉnh Nghệ Tĩnh về việc chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa, Ủy ban Khởi nghĩa tổng Việt Yên đã được thành lập. Đồng chí Phan Văn Huề được tín nhiệm làm Chủ tịch Ủy ban. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Phan Văn Huề và Ủy ban Khởi nghĩa, Nhân dân tổng Việt Yên đã phối hợp với nhân dân các tổng đứng lên chớp thời cơ xóa bỏ chính quyền thực dân phong kiến, thành lập chính quyền cách mạng của Nhân dân trên địa bàn toàn huyện.
Ngày 25/10/1945, cuộc họp cán bộ đảng viên huyện Đức Thọ đã tiến hành họp bàn và cử ra Ban Chấp hành Huyện ủy lâm thời gồm đồng chí Phan Văn Huề và 5 đồng chí khác. Đến tháng 4/1946, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Đức Thọ được triệu tập với mục địch kiện toàn Ban Chấp hành, bàn bạc kế sách hoạt động của Đảng bộ trong tình hình mới. Với những đóng góp và uy tín của mình, Đại hội tín nhiệm bầu đồng chí Phan Văn Huề làm Bí thư Huyện ủy.
Trong các giai đoạn lịch sử tiếp theo, đồng chí Phan Văn Huề đã được Đảng, Nhà nước giao giữ nhiều trọng trách quan trọng, như: Phó Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh (12/1947-12/1948), Bí thư Liên chi 1 tỉnh Hà Tĩnh (5/1949-6/1949), Trưởng Ban Tài chính tỉnh Hà Tĩnh (3/1951-12/1951); Trưởng phòng Tổ chức Hành chính ngân hàng Hà Tĩnh (10/1956-9/1959), Chủ nhiệm Công ty Mỹ nghệ Vàng bạc Ngân hàng Trung ương,… Ở bất cứ vị trí nào, người chiến sỹ cộng sản ưu tú của quê hương Đức Thọ luôn nỗ lực vượt khó để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Với những đóng góp to lớn cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, đồng chí Phan Văn Huề đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận, tặng thưởng nhiều huân chương cao quý: Huân chương Kháng chiến hạng Nhì (1961), Huân chương Độc lập hạng Ba,… Cuộc đời hoạt động của đồng chí Phan Văn Huề xứng đáng là tấm gương sáng để các thế hệ học tập và noi theo.
ThS. Đặng Huyền Trang
Trưởng phòng STKKBQ - Bảo tàng XVNT
Chú thích:
- Lịch sử Đảng bộ huyện Đức Thọ, NXB Chính trị Quốc Gia, 1998.
- Lịch sử Đảng bộ xã Tùng Ảnh, Xí nghiệp in Hà Tĩnh, 2004.
- Lý lịch Đảng viên và tài liệu do thân nhân đồng chí Phan Văn Huề cung cấp.
-->
Đồng chí Nguyễn Gia – Phó Bí thư Thanh niên Cộng sản Đoàn tỉnh Nghệ An năm 1931, Bí thư Huyện ủy Nam Đàn – tấm gương chiến sỹ cộng sản kiên trung của quê hương Nghệ An
, quê ở làng Đan Nhiệm, tổng Xuân Liễu (nay là xã Xuân Hòa), huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Cha của Nguyễn Gia là một nhà Nho nghèo có tinh thần yêu nước tiến bộ. Nhận thấy tư chất thông minh và giàu lòng trắc ẩn của con, ông bà đã tạo điều kiện để cậu được tham gia lớp học chữ Hán và các lớp học chữ Quốc ngữ từ năm tròn 7 tuổi.
Ảnh: Đồng chí Nguyễn Gia
Năm 1927, cơ sở Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội đã được ươm mầm, phát triển ở các tỉnh Trung Kỳ. Tiểu tổ Hội ở Kim Liên, Nam Đàn lúc này được xem là một trong những tiểu tổ Thanh niên được thành lập sớm ở Nghệ An. Từ tiểu tổ Thanh niên đầu tiên ở Kim Liên, cơ sở Hội đã dần được phát triển sang các làng khác như: Đan Nhiệm, Thanh Thủy, Thanh Đàm,… Dưới sức ảnh hưởng mạnh mẽ của Hội Thanh niên, đồng chí Nguyễn Gia đã được tiếp cận với nhiều sách báo tiến bộ, sớm tích cực tham gia vào các hoạt động yêu nước tại địa phương. Là người hiểu biết, đồng chí trở thành thành viên tích cực tham gia tuyên truyền văn thơ yêu nước, cách mạng thông qua lớp dạy chữ Quốc ngữ được đặt tại nhà thờ họ Nguyễn Cảnh Hiến.
Tháng 4/1930, Ban Chấp hành lâm thời Huyện ủy Nam Đàn được thành lập, nhận nhiệm vụ lãnh đạo phong trào cách mạng của quần chúng Nhân dân. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đó, Xứ ủy và Tỉnh ủy đã chỉ đạo kiện toàn lại Ban Chấp hành Huyện ủy Nam Đàn mới do đồng chí Đặng Chánh Kỷ làm Bí thư. Sau khi được thành lập, các đồng chí Huyện ủy viên đã hội họp và ra quyết định nhanh chóng tuyên truyền để thành lập các tổ chức cơ sở Đảng trên địa bàn toàn huyện. Chỉ trong một thời gian ngắn, Đảng bộ huyện Nam Đàn đã xây dựng hệ thống tổ chức Đảng quy củ từ cấp tổng đến làng, xã.
Tại đình làng Đan Nhiệm, Chi bộ Đan Lạc đã được thành lập, chịu trách nhiệm lãnh đạo phong trào đấu tranh chung của Nhân dân hai làng Đan Nhiệm và Thịnh Lạc. Để sự lãnh đạo của Đảng đến tận các thôn xóm, chi bộ làng Đan Nhiệm cũng được ra đời. Đồng chí Nguyễn Gia đã được các đồng chí đảng viên trong chi bộ tín nhiệm bầu là Bí thư. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Gia và Chi bộ Đan Nhiệm, Nhân dân đã nhanh chóng tham gia các hoạt động nghe diễn thuyết, tuyên truyền cách mạng. Chỉ sau một thời gian ngắn, quần chúng đã được giác ngộ, hăng hái tham gia phong trào đấu tranh chung của tổng, huyện và toàn tỉnh.
Đầu tháng 6/1930, Huyện ủy Nam Đàn triệu tập hội nghị tại núi Chung, bàn kế hoạch vận động quần chúng biểu tình, đưa yêu sách lên Tri huyện Nam Đàn, phản đối thực dân Pháp, phong kiến Nam triều khủng bố Nhân dân ở Vinh - Bến Thủy và Hạnh Lâm (Thanh Chương), đòi chúng thực hiện các yêu sách của công nhân và nông dân đưa ra trong ngày Quốc tế Lao động (1/5/19530). Để tập hợp lực lượng quần chúng và tạo sự bất ngờ đối với kẻ địch, Huyện ủy quyết định chọn ngày 18/6/1930 (ngày họp chợ Đồn) là ngày tiến hành cuộc đấu tranh.
Thực hiện chủ trương của Huyện ủy, đồng chí Nguyễn Gia và các đồng chí trong chi bộ đã nhanh chóng tiến hành công tác tuyên truyền chủ trương đến bà con Nhân dân. Chi bộ Đan Nhiệm đã tổ chức nhiều cuộc mít tinh, diễn thuyết với quy mô nhỏ ở đình làng để vận động bà con vùng lên chống áp bức, bóc lột.
Nhờ sự vận động kịp thời của chi bộ, ngay từ sáng sớm ngày 18/6, Nhân dân làng Đan Nhiệm đã nhập vào các dòng người từ các ngả kéo về chợ Đồn. Cuộc biểu tình đã tạo bất ngờ đối với bọn quan lại trong huyện. Tri huyện Lê Khắc Tưởng hốt hoảng định lẩn trốn về Vinh nhưng bị đoàn biểu tình chặn lại, buộc y phải trở về huyện đường và nhận bản yêu sách của đoàn biểu tình để chuyển lên cấp trên. Tiếp đó, Huyện uỷ cử đại diện diễn thuyết tại chợ Đồn, đòi giảm sưu thuế, chống phu phen, tạp dịch,... Cuộc biểu tình của Nhân dân Nam Đàn ngày 18/6 ở chợ Đồn gây tiếng vang lớn, góp phần cùng công nhân Vinh - Bến Thuỷ, Nhân dân các huyện thúc đẩy phong trào đấu tranh cách mạng trên địa bàn toàn tỉnh phát triển.
Giữa tháng 8/1930, trong tình thế cách mạng sục sôi, Huyện ủy Nam Đàn đã triệu tập hội nghị cán bộ tại nhà Cố Cơ (ở xã Kim Liên). Hội nghị chủ trương dựa vào tình thế cách mạng đang dâng cao để vận động quần chúng tham gia cuộc biểu tình trên quy mô lớn toàn huyện. Thực hiện chủ trương của Huyện ủy, đồng chí Nguyễn Gia và chi bộ đã không quản ngại khó khăn để đi sâu, vận động Nhân dân Đan Nhiệm gấp rút chuẩn bị tinh thần sẵn sàng cho cuộc đấu tranh mới với quy mô lớn. Nhờ hoạt động năng nổ của các đồng chí, công tác chuẩn bị cho cuộc biểu tình đã được sắp xếp chu đáo, cụ thể.
Ngày 30/8/1930, dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, Nhân dân mỗi tổng sẽ tổ chức tập trung tại một địa điểm, tập trung riêng trước khi tiến hành tập hợp. Khi trời vừa hửng sáng, tiếng trống, mõ, tiếng chuông, tiếng reo hò, hô khẩu hiệu đã vang khắp các thôn, xóm. Quần chúng Nhân dân Đan Nhiệm dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Gia đã kéo về chùa Tân Đường (là địa điểm tập trung của quần chúng tổng Xuân Liễu). Tại đây, Nhân dân được nghe cán bộ Đảng diễn thuyết, khích lệ tinh thần cách mạng, tố cáo tội ác của thực dân, phong kiến, kêu gọi ủng hộ Đảng,... Sau khi nghe diễn thuyết, dưới lá cờ búa liềm, đoàn người biểu tình của các tổng vừa đi, vừa đánh trống, chiêng, vừa hô vang khẩu hiệu, truyền đơn rải khắp mọi nơi. Đoàn biểu tình mang theo gậy đi qua các làng, đập phá điếm canh, trừng trị bọn hào lý chống phá cách mạng.
Khi Tri huyện sai lính đóng cổng huyện đường, đoàn biểu tình đã phá cổng, phá rào, tràn vào khiến bọn lính và các viên chức trong huyện tìm cách lẩn trốn. Quần chúng biểu tình phá cửa nhà lao, giải phóng những người bị giam giữ, đốt hết hồ sơ, sổ sách, bắt Tri huyện Lê Khắc Tưởng ra trước quần chúng để diễn thuyết vạch trần tội ác. Sợ hãi trước khí thế đấu tranh của quần chúng, Tri huyện phải ký và đóng dấu vào bản cam kết: "Tri huyện Nam Đàn từ này không được nhũng nhiều Nhân dân”.
Trên đà thắng lợi đó, Huyện ủy Nam Đàn đã chủ trương cho từng tổng, từng xã tổ chức mít tinh, biểu tình thị uy, trấn áp trừng trị bọn cường hào phản động, bắt chúng nộp triện bạ, sổ sách cho Xã bộ nông (Ban Chấp hành Nông hội). Xã bộ nông, Thôn bộ nông chính thức ra mắt Nhân dân và điều hành mọi công việc trong xã, trong thôn từ việc xây dựng, bảo vệ chính quyền cách mạng đến việc tổ chức đời sống kinh tế, chính trị xã hội địa phương. Với uy tín của mình, đồng chí Nguyễn Gia đã được tổ chức tín nhiệm bầu làm Bí thư Nông hội làng Đan Nhiệm.
Đầu năm 1931, đồng chí Nguyễn Gia được Tỉnh ủy điều đi nhận nhiệm vụ khác. Tháng 5/1931, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã chỉ định đồng chí làm Phó Bí thư đầu tiên của Thanh niên Cộng sản Đoàn tỉnh Nghệ An. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí, của Tỉnh đoàn, tuổi trẻ Nghệ An đã trở thành lực lượng nòng cốt của các cấp bộ Đảng và các đoàn thể quần chúng, là động lực chính của các cuộc đấu tranh trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931.
Những hoạt động năng nổ của đồng chí Nguyễn Gia đã bị mật thám Pháp và chính quyền tay sai để ý. Tháng 1/1932, đồng chí Nguyễn Gia bị địch bắt và kết án 03 năm tù giam 02 năm quản thúc, theo Bản án số 38 ngày 2/1/1932 của Tòa án Nam triều tỉnh Nghệ An.
Năm 1933, sau khi được trả tự do, đồng chí Nguyễn Gia trở về quê hương, bắt liên lạc với các tổ chức Đảng ở Vinh và Thanh Chương, tiếp tục hoạt động cách mạng, gây dựng lại phong trào của huyện Nam Đàn. Hồ sơ theo dõi của địch, mật thám Pháp đã viết: “… tháng 5/1935, theo dõi hoạt động vì gặp gỡ những đảng viên cộng sản ở Huyện bộ Thanh Chương…”.
Trong phong trào cách mạng dân chủ 1936-1939, đồng chí Nguyễn Gia đã trở thành một trong những ngọn cờ đầu của huyện Nam Đàn. Ngày 20/9/1936, cùng với các đồng chí: Phạm Nghiêm, Lê Văn Thông, Huyễn Hữu Thái,… đồng chí Nguyễn Gia đã thay mặt Nhân dân Nam Đàn tham dự Đông Dương Đại hội toàn tỉnh tại hội trường Quảng Trị, thành phố Vinh. Đây được xem là thắng lợi đầu tiên của phong trào đấu tranh hợp pháp ở Nghệ An trong thời kỳ 1936-1939.
Sau cuộc họp này, để kịp thời chỉ đạo việc khôi phục Đảng bộ và phát động phong trào Đông Dương Đại hội ở Nam Đàn, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Đức Dương, đại diện Tỉnh ủy Nghệ An, Ban Chấp hành Huyện ủy lâm thời Nam Đàn đã được thành lập gồm ba đồng chí: Nguyễn Gia, Phạm Nghiêm và Nguyễn Hà Sâm. Đồng chí Nguyễn Gia được cử làm Bí thư.
Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, đồng chí Nguyễn Gia đã lãnh đạo các đảng viên đi sâu vào từng làng xã để móc nối liên lạc với các đồng chí đảng viên, tù chính trị, đồng thời tăng cường công tác vận động quần chúng Nhân dân. Ngày 23/2/1937, đồng chí Nguyễn Gia và Huyện ủy lâm thời Nam Đàn đã vận động quần chúng Nhân dân xuống Vinh dự cuộc đón tiếp Gordard, phái viên điều tra của Chính phủ Mặt trận Nhân dân Pháp. Bản Dân nguyện của các làng, xã cũng đã được đồng chí Nguyễn Gia và Huyện ủy tập hợp lại bàn giao cho đoàn đại biểu tỉnh trực tiếp trao cho Gordard. Bên cạnh đó, nhờ sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Gia cũng như hoạt động tích cực của các đồng chí đảng viên, cựu tù chính trị, các chi bộ Đảng ở Nam Đàn đã dần được khôi phục để vận động, lãnh đạo Nhân dân tham gia các tổ chức công khai, nửa công khai để đoàn kết đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ trong tình hình mới.
Tháng 3/1938, Đại hội Đảng bộ huyện Nam Đàn được tổ chức, đã bầu ra Ban Chấp hành chính thức Huyện ủy, gồm 5 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Gia được Đại hội tín nhiệm bầu tiếp tục giữ chức vụ Bí thư. Đồng chí Nguyễn Gia và Nguyễn Hà Sâm cũng là hai đại biểu của huyện vinh dự tham gia Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ hai (tháng 4/1938).
Ngày 23/10/1939, do bị chỉ điểm nên đồng chí Nguyễn Gia bị địch bắt. Biết đồng chí là cán bộ Đảng cốt cán, Bí thư Huyện ủy, kẻ địch đã dùng nhiều thủ đoạn mua chuộc, dụ dỗ, đánh đập để lấy thông tin. Không khai thác được gì, chính quyền Nam triều phong kiến đã kết án đồng chí 01 năm tù giam, 01 năm quản thúc theo Bản án số 44, ngày 12/3/1940. Đến ngày 24/10/1940, đồng chí Nguyễn Gia bị địch xem là “phần tử nguy hiểm” nên đã giải đồng chí từ Nhà lao Vinh đi an trí ở Trà Khê (Phú Yên).
Tháng 3/1945, đồng chí Nguyễn Gia được trả tự do, trở về quê hương. Đồng chí tiếp tục bắt tay cùng các đảng viên, cựu tù chính trị tham gia tích cực phong trào cách mạng địa phương, góp phần làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám trên địa bàn toàn huyện vào ngày 23/8/1945. Sau khi giành chính quyền, Ủy ban Cách mạng lâm thời huyện Nam Đàn cũng nhanh chóng được cử ra, giới thiệu trước toàn thể Nhân dân. Đồng chí Nguyễn Gia đã được tín nhiệm bầu là một trong 11 Ủy viên của Ủy ban, phụ trách công tác Tư pháp.
Trong các giai đoạn lịch sử tiếp theo, đồng chí Nguyễn Gia đã luôn phát huy tinh thần kiên trung, bất khuất của người chiến sỹ Xô Viết Nghệ Tĩnh, đóng góp sức mình vào công cuộc đấu tranh và giải phóng đất nước. Đồng chí đã từng kinh qua nhiều nhiệm vụ quan trọng, như: Bí thư chi bộ xã Hùng Tiến (1948), Ủy viên Ban Chấp hành Huyện ủy Nam Đàn (1949), cán bộ Bộ Nội vụ (1955-1959), Phó phòng Tổ chức Bệnh viện Hữu nghị Việt -Xô tại Hà Nội (1959-1965),…
Được tôi luyện từ khó khăn, gian khổ trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, đồng chí Nguyễn Gia đã trở thành một trong những tấm gương chiến sỹ cách mạng kiên trung của quê hương Nam Đàn. Trong cuộc đời công tác của mình, đồng chí đã được Đảng, Nhà nước tín nhiệm, giao phó nhiều nhiệm vụ, trọng trách quan trọng và ở bất cứ vị trí nào, đồng chí vẫn luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Với những đóng góp của mình trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, đồng chí Nguyễn Gia đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận và trao tặng nhiều phần thưởng cao quý, như: Huân chương Độc lập hạng Nhì (1985, Huy chương Kháng chiến hạng Nhất (1987), Kỷ niệm chương Chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù, đày (1997), Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng (2000),…
ThS. Đặng Huyền Trang
Trưởng phòng STKKBQ - Bảo tàng XVNT
-->
Đồng chí Lê Cảnh Cải - Người chiến sỹ cộng sản kiên cường của quê hương Ngọc Sơn
dạy chữ, Lê Cảnh Cải còn được thầy giáo dục tinh thần yêu nước, thương dân và căm thù giặc sâu sắc thông qua những sách báo tiến bộ và những áng văn thơ yêu nước của cụ Phan Bội Châu.
Năm 1925, tổ chức Hội Phục Việt ra đời và nhanh chóng phát triển ở nhiều địa bàn huyện Thanh Chương và khu vực tổng Xuân Lâm. Thời gian này, Lê Cảnh Cải thấy thầy Tốc, thầy Cò và anh Đồng thường ra quán Tế Thánh đầu làng bàn chuyện, nhiều hôm thầy Tốc còn đưa cả cậu học trò nhỏ đi theo và dặn nếu có lính đi tuần thì chạy vào báo thầy. Từ đó, Lê Cảnh Cải được thầy tin tưởng và giao nhiệm vụ canh gác cho những cuộc họp bí mật.
Tháng 3/1926, dưới sự lãnh đạo của Võ Văn Đồng, Nhân dân Phong Nậm nổi dậy đấu tranh chống lại sự bóc lột của địa chủ. Tháng 3/1928, căm phẫn trước thủ đoạn cướp đất của địa chủ, Nhân dân tiếp tục nổi dậy đấu tranh đòi hào lý phải trả lại ruộng đất, lúc này Lê Cảnh Cải đã theo chân bà con trong làng đấu tranh đòi quyền lợi.
Tháng 9/1929, đồng chí Nguyễn Phong Sắc cùng đồng chí Phan Thái Ất lên Thanh Chương lập ra tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng đầu tiên của huyện. Dưới sự hướng dẫn của các đồng chí, huyện Thanh Chương đã có 3 chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng, bao gồm: Chi bộ Hạnh Lâm - La Mạc (do đồng chí Võ Văn Đồng làm Bí thư), Chi bộ Xuân Trường và Chi bộ Võ Liệt. Ngay sau đó, đồng chí Võ Văn Đồng được tổ chức giao nhiệm vụ xây dựng cơ sở đảng ở làng Phong Nậm.
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, ngày 20/3/1930, Đảng bộ huyện Thanh Chương cũng được thành lập. Các tổ chức quần chúng như: Nông hội đỏ, Thanh niên Cộng sản Đoàn, Phụ nữ giải phóng, … cũng phát triển nhanh chóng. Tại làng Phong Nậm, đồng chí Võ Văn Đồng đã liên lạc với các thầy giáo làng là Nguyễn Phùng Trớp và Nguyễn Sỹ Cò nhằm thành lập chi bộ Đảng. Thời gian này, Lê Cảnh Cải cũng được thầy Nguyễn Sỹ Cò giới thiệu vào tổ chức Đoàn Thanh niên thôn bộ Phong Nậm do đồng chí Lê Cảnh Nhượng phụ trách. Đoàn Thanh niên thôn bộ chịu sự chỉ đạo của Tổng bộ Thanh niên, với nhiệm vụ cổ động các cuộc đấu tranh, bảo vệ Nhân dân trong các cuộc biểu tình, vận động thanh niên trong làng tham gia đấu tranh.
Thực hiện kế hoạch kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động (1/5), Huyện ủy Thanh Chương chỉ đạo treo cờ đỏ búa liềm, rải truyền đơn trong toàn huyện. Nhận chỉ thị của cấp trên, Lê Cảnh Cải được giao nhiệm vụ vận động thanh niên trai tráng trong làng tham gia treo cờ lên các cây cao dọc hai bên đường trong làng. Từ sáng sớm ngày 01/5/1930, khắp các tổng trong huyện, Nhân dân tập trung về đình làng nghe diễn thuyết, sau đó kéo đi biểu tình.
Tiếp đó, ngày 1/6/1930, được sự vận động của các cơ sở đảng, đồng chí Lê Cảnh Cải cùng đoàn thanh niên thôn bộ Phong Nậm và Nhân dân các làng Phong Nậm, Nguyệt Bổng, Ngọc Sơn kéo về huyện lỵ đấu tranh đưa yêu sách đòi: “hoãn sưu thuế đến tháng 10; bỏ thuế hoa lợi, bỏ thuế tuần sương, bồi thường cho những người bị bắn chết ở Hạnh Lâm và những nơi khác; thả hết tù chính trị và những người bị bắt”.
Tháng 8/1930, dưới sự lãnh đạo của các chi bộ: Phong Nậm, Nguyệt Bổng, Ngọc Sơn, Phúc Xá, quần chúng cách mạng kéo lên đập phá nhà tên Phó tổng Thịnh Toàn, lấy thóc chia cho Nhân dân. Tiếp đó, sáng ngày 1/9/1930, Lê Cảnh Cải cùng Nhân dân tổng Phong Nậm, Nguyệt Bổng hăng hái tham gia đấu tranh với quy mô lớn chưa từng có của huyện. Đoàn người từ tổng Cát Ngạn vượt sông Giăng, sông Trai xuống nhập với đoàn tổng Võ Liệt, đoàn tổng Xuân Lâm và Đại Đồng gặp nhau tập trung chật kín cả bến đò Nguyệt Bổng. Hoảng sợ trước khí thế của quần chúng, binh lính bắn vào đoàn biểu tình làm đồng chí Nguyễn Công Thường hy sinh và hai người khác bị thương. Căm phẫn trước hành động của thực dân Pháp, quần chúng cách mạng xông lên đập phá huyện đường, phá nhà giam giải thoát tù chính trị, đốt nhà tri huyện Phan Sỹ Bàng. Hoảng sợ, tri huyện Phan Sỹ Bàng cùng nha lại, lính tráng bỏ chạy tháo thân. Chỉ trong một ngày, quần chúng cách mạng Thanh Chương đã phá tan chính quyền từ huyện, tổng đến xã. Cuộc biểu tình của hơn 2 vạn nông dân ở Thanh Chương kết thúc thắng lợi. Báo Công Luận của Pháp đưa tin: “vụ đánh phá huyện đường Thanh Chương, quân cách mạng tổ chức có kỷ cương, có binh luật”. Cuộc đấu tranh này đã đánh dấu sự ra đời đầu tiên của chính quyền Xô viết Nghệ Tĩnh.
Sau cuộc đấu tranh ngày 1/9/1930, đồng chí Lê Cảnh Tốn được triệu tập lên công tác ở Tổng bộ Xuân Lâm, đồng chí Lê Cảnh Cải được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ giữ chức Tổng bộ Thanh niên Phong Nậm. Từ đây, Lê Cảnh Cải tích cực vận động anh em trai tráng trong làng ngày đêm luyện tập, tìm cách vay lúa cứu đói cho bà con.
Đầu năm 1931, Thanh Chương xảy ra nạn đói lớn, trước tình hình đó, Huyện ủy chủ trương tịch thu và vay lúa của địa chủ để cứu đói cho Nhân dân. Ở tổng Xuân Lâm, đồng chí Phạm Tình, quê ở Nguyệt Bổng làm tổng chỉ huy, đồng chí Lê Cảnh Cải được phân công dẫn đầu đoàn thanh niên tự vệ Phong Nậm bảo vệ Nhân dân đi vay thóc. Từ mờ sáng, quần chúng cách mạng đã kéo về bao vây, canh gác xung quanh Nhà chung của Giáo xứ Tràng Đen. Linh mục không chịu hợp tác, quần chúng tràn vào phá kho thóc lấy chia cho Nhân dân. Cuộc đấu tranh giành thắng lợi, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần đấu tranh của quần chúng.
Sau thời gian hoạt động tích cực trong Tổng bộ Thanh niên Phong Nậm, cuối tháng 3/1931, đồng chí Lê Cảnh Cải chính thức được đứng vào hàng ngũ của Đảng và được giao nhiệm vụ làm giao thông liên lạc cho Ban Tài chính của Xứ ủy Trung Kỳ, do đồng chí Chắt Lũ làm Trưởng Ban. Nhận nhiệm vụ mới, Lê Cảnh Cải không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, đã nhiều lần đưa tài liệu của Xứ ủy Trung kỳ từ Tràng Ri xuống Vinh trót lọt cũng như dẫn đường cho các đồng chí: Lê Cảnh Mười, Lê Cảnh Nhượng, Tôn Thị Quế, Chắt Lũ rút lên lèn Kim Nhan và Tràng Ri an toàn.
Tháng 2/1932, đồng chí Lê Cảnh Cải được giao nhiệm vụ dẫn đường cho đồng chí Chắt Lũ di chuyển từ Tràng Ri về Đồn Nhượng. Trong lúc đang nghỉ tại chùa Kẻ Trẹ (Hưng Nguyên), hai đồng chí đã bị thực dân Pháp vây bắt. Đồng chí Chắt Lũ bị bắn và hy sinh tại chỗ, đồng chí Lê Cảnh Cải bị bắt giải về giam tại nhà lao phủ Hưng Nguyên, sau đó chuyển xuống Nhà lao Vinh. Tại đây, thực dân Pháp đã dùng mọi thủ đoạn mua chuộc để đồng chí khai ra cơ sở đảng và tra hỏi thông tin về đồng chí Chắt Lũ, nhưng đồng chí một mực trả lời: “Tôi cha mẹ mất sớm không còn ai, phải đi xin ăn nên không biết người này là ai”. Khi không dụ dỗ và mua chuộc được đồng chí, bọn chúng đã dùng roi da bò đóng đinh quất thẳng vào người. Lần khác, chúng dùng kẹp bằng nứa kẹp 10 đầu ngón tay đồng chí đến tướt máu, dùng điện dí vào người,… Tại nhà lao Vinh, thực dân pháp còn tìm cách giết chết người tù bằng ăn uống. Chúng cho các đồng chí ăn cơm nấu bằng gạo mục nát, đầy trấu và sạn, cá ươn đã có giòi, không có canh, nước uống, sinh hoạt không đủ dùng. Ốm đau không có thuốc men chữa trị,… vì vậy nhiều đồng chí hy sinh tại nhà lao Vinh do bệnh kiết lỵ.
Để chống lại chính sách tra tấn dã man và chế độ ăn uống kham khổ tại Nhà lao Vinh, đồng chí Lê Cảnh Cải đã cùng anh em tù chính trị biến nhà tù thành trường học cách mạng, đấu tranh chống lại ách cai tù khắc nghiệt bằng nhiều hình thức như: tuyệt thực, hô khẩu hiệu, reo hò buộc thực dân Pháp phải nhượng bộ.
Bị giam tại nhà lao Vinh gần một năm, thực dân pháp đưa đồng chí Lê Cảnh Cải ra xét xử và kết án 3 năm tù khổ sai, đưa đi cải tạo tại nhà lao đồn Kim Nhan. Cuối năm 1934, khi Bảo Đại hồi loan, tù chính trị được ân xá, đồng chí Lê Cảnh Cải được tha về.
Trở về quê hương, đồng chí Lê Cảnh Cải nhanh chóng tìm cách bắt mối liên lạc với một số cán bộ, đảng viên mới được thả tự do như các đồng chí: Lê Cảnh Liệu, Hoàng Chính, Lê Cảnh Xoan,… và tìm cách nối lại đường dây liên lạc với Tổng ủy, Tỉnh ủy. Đến tháng 5/1935, đồng chí Phan Sỹ Cồng (Võ Liệt) đã bắt liên lạc được với đồng chí Lê Cảnh Cải lập lại Chi bộ Phong Nậm gồm có các đồng chí: Lê Cảnh Liễu, Hoàng Văn Liễn, Lê Cảnh Xoan, Lê Cảnh Cải, do đồng chí Lê Cảnh Cải làm Bí thư.
Tháng 7/1935, đồng chí Lê Cảnh Cải được đồng chí Chín giao cho bản Nghị quyết A1 của Huyện ủy Thanh Chương về công tác phát triển đảng viên và củng cố chi bộ tại cơ sở. Nhận được chỉ thị của cấp trên, đồng chí nhanh chóng triệu tập các đồng chí trong Chi bộ Phong Nậm triển khai nội dung của Nghị quyết, trong lúc họp, bất ngờ bị thực dân Pháp ập vào khám xét, cuộc họp bị lộ, cả 4 đồng chí bị bắt. Lần này, thực dân Pháp kết án đồng chí Lê Cảnh Cải 13 năm tù khổ sai tại nhà lao đồn Cửa Rào.
Nhà lao đồn Cửa Rào được xây trên đỉnh núi, từ chân núi lên đến đồn phải đi qua 120 cấp, chế độ ăn uống kham khổ, cơm không đủ no, làm việc ngày từ 10 đến 12 tiếng, lúc đi làm về mỗi người tù nhân phải gánh đất sét lên núi để đóng gạch xây đồn. Tại đây, đồng chí Lê Cảnh Cải tiếp tục kêu gọi anh em tù chính trị tuyệt thực buộc cải thiện chế độ ăn uống, giảm thời gian làm việc xuống 8 giờ mỗi ngày.
Bị giam ở đồn Cửa Rào hơn một năm thì Mặt trận Bình dân Pháp lên cầm quyền có chính sách ân xá cho tù chính trị, đồng chí Lê Cảnh Cải được đưa về Vinh hưởng chế độ an trí. Trong thời gian an trí tại Vinh, Lê Cảnh Cải tranh thủ dạy chữ quốc ngữ cho các bạn tù. Không có giấy bút để học, đồng chí đã dùng ngón tay để làm bút, dùng nước uống làm mực, dùng nền nhà làm giấy. Với tinh thần người biết chữ dạy cho người chưa biết, nên chỉ sau một thời gian ngắn, nhiều đồng chí đã đọc thông, viết thạo. Đến cuối năm 1939, đồng chí được tha về.
Vốn mang trong mình nhiệt huyết cách mạng, ngay khi trở về quê nhà được ít tháng, Lê Cảnh Cải cùng với đồng chí Mười, bắt mối với các đồng chí: Linh, Yến (Nguyệt Bổng), Chu (Xuân Trường), Ngoạn, Miễn (Kim Bảng), tìm cách gây dựng lại cơ sở cách mạng. Đến tháng 6/1940, Lê Cảnh Cải lại sa vào tay giặc lần thứ tư. Lần này, thực dân Pháp bắt Lê Cảnh Cải và đồng chí Lê Cảnh Mười giam ở nhà lao huyện Thanh Chương, đây là nơi cực kỳ ẩm thấp, bẩn thỉu, sàn ngủ của tù nhân được làm bằng cây tre để nguyên mắt chẻ đôi, dưới sàn là bùn lầy, hôi thối vô cùng. Hầu hết các tù nhân ở đây bị tra tấn, đánh đập rất dã man, các vết thương bị lở loét, ruồi nhặng bám đầy người. Đi vệ sinh không được ra ngoài, người ốm đau hay khỏe mạnh đều nằm chung trên sàn tre, thậm chí có người chết từ đầu hôm nằm chung với người sống đến ngày hôm sau mới được khiêng ra. Đồng chí Lê Cảnh Cải bị giam tại đây hơn một năm thì được tha về.
Trở về quê nhà, để tránh bị theo dõi và tìm lại tổ chức, đồng chí Lê Cảnh Cải đã học nghề nấu cao thuê để có cơ hội đi nơi này, nơi khác. Đầu năm 1943, trong một lần đi nấu cao thuê cho nhà ông Dương ở Vĩnh Giang đồng chí được biết tin đồng chí Trần Hữu Doánh bị giam tại nhà tù Buôn Ma Thuột đã vượt ngục thành công và đang ẩn náu tại Vinh Giang, vì vậy đã tìm cách bắt liên lạc. Biết ông chủ Dương là người có lòng tốt với cách mạng, đồng chí Trần Hữu Doánh và Lê Cảnh Cải đã cảm hóa và thuyết phục ông Dương góp tiền mở lò làm ngói. Đồng chí Trần Hữu Doánh đóng vai ông chủ xưởng thường đứng ra tìm và thuê nhân công, đồng chí Lê Cảnh Cải chịu trách nhiệm đôn đốc và hướng dẫn công nhân làm việc. Nhờ công việc này, Lê Cảnh Cải và Trần Hữu Doánh có cơ hội gặp gỡ và tập hợp được những thanh niên yêu nước, hướng dẫn cho anh em cách thức vận động quần chúng, cách đánh du kích, cách xây dựng căn cứ địa chống Pháp, Nhật. Bên cạnh đó, Lê Cảnh Cải còn tìm cách móc nối lại với một số tù chính trị trở lại hoạt động. Từ năm 1943-1944, bằng nhiều hình thức, tranh thủ mọi hoàn cảnh, đồng chí Lê Cảnh Cải cùng đồng chí Trần Hữu Doánh đã khôi phục, phát triển thêm các cơ sở quần chúng cách mạng ở Vĩnh Giang, Trà Ná,... Tháng 4/1945, đồng chí Trần Hữu Doánh hy sinh tại Truông Giong, cơ sở cách mạng bị lộ, đồng chí Lê Cảnh Cải trở về quê nhà.
Được một thời gian, đồng chí Lê Cảnh Cải được đồng chí Côn, quê ở Xuân Dương lên trao đổi công việc và giao nhiệm vụ liên lạc trong cho Tổng bộ Việt Minh tại Thanh Chương. Từ đây, đồng chí lại bắt tay vào nhiệm vụ mới cho đến ngày Cách mạng Tháng Tám thành công.
Sau Cách mạng Tháng Tám, đồng chí Lê Cảnh Cải được huyện điều đi học quân sự lớp Hồng lam Quân chính và được phân công đi tập dân quân cho huyện đến ngày nghỉ hưu. Dù ở cương vị công tác nào, đồng chí đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và Nhân dân giao phó.
Với nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng, đồng chí Lê Cảnh Cải đã được Nhà nước tặng nhiều danh hiệu cao quý, như: Huân Chương Độc lập hạng Ba; Huy chương Kháng chiến hạng Nhì; Cán bộ hoạt động cách mạng trước năm 1935,… Đến năm 1973, do tuổi cao và di chứng của những trận đòn tra tấn trong nhà tù đế quốc, đồng chí đã từ trần tại quê nhà, hưởng thọ 62 tuổi.
ThS. Nguyễn Thị Hội
Trưởng Phòng TBTTGD – Bảo tàng XVNT
Tài liệu tham khảo
- Lịch sử Đảng bộ huyện Thanh Chương (1930-1975), Nxb Chính trị Quốc gia, 2005.
- Lịch sử Đảng bộ xã Ngọc Sơn (1969-2015), Nxb Lao động, 2020.
- Hồi ký cách mạng của đồng chí Lê Cảnh Cải, lưu tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh.
- Lời kể của thân nhân gia đình đồng chí Lê Cảnh Cải.
-->
Đồng chí Trần Đào – Bí thư Huyện ủy Cẩm Xuyên năm 1931
vừa dạy học vừa gây dựng tổ chức. Đồng chí Trần Đào là người thanh niên đầu tiên mà đồng chí Trần Hưng tiếp xúc. Nhận thấy
Trần Đào là người giàu tình cảm và luôn đau đáu với khát khao được góp sức mình cho công cuộc giải phóng quê hương khỏi ách áp bức của chính quyền thực dân phong kiến, nên đồng chí Trần Hưng đã thường xuyên đến nhà, trò chuyện cùng đồng chí. Sau đó, đồng chí Trần Đào đã thôi nghề dạy học và dành nhiều thời gian để nghiên cứu những tài liệu, truyền đơn của Đảng và chính thức bước chân vào con đường cách mạng. Trong thời gian này, đồng chí Trần Đào đã được đồng chí Trần Hưng giao phó một số nhiệm vụ như: rải truyền đơn, cắm cờ đỏ trong các ngày có lễ kỷ niệm lớn. Nhiệm vụ nào đồng chí Trần Đào cũng đều dũng cảm, mưu trí hoàn thành.
Tháng 10/1930, sau một thời gian thử thách, đồng chí Trần Đào đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Sau khi chính thức đứng vào hàng ngũ của Đảng, đồng chí được cấp trên giao nhiệm vụ xúc tiến thành lập chi bộ và các tổ chức quần chúng yêu nước địa phương để phù hợp với tình hình đấu tranh mới. Với nỗ lực và uy tín của mình, đồng chí Trần Đào đã kết nạp thêm được hai quần chúng ưu tú vào Đảng, đó là đồng chí Trần Đắc Điền và Trần Lân. Tháng 11/1930, chi bộ Yên Dượng được thành lập do đồng chí Trần Đào làm Bí thư. Sau khi thành lập, đồng chí Trần Đào và các đồng chí trong chi bộ tiếp tục đã phân công nhau mở rộng địa bàn hoạt động, tổ chức tuyên truyền, vận động và kết nạp đảng viên. Nhờ đó, đến tháng 12/1930 đã có thêm chi bộ Yên Xá, chi bộ Thạch Khê Hạ được ra đời, nhận nhiệm vụ lãnh đạo phong trào đấu tranh của Nhân dân địa phương.
Tuy nhiên, khi phong trào cách mạng ở Cẩm Xuyên đang trong giai đoạn phát triển thì các đồng chí trong Ban Chấp Hành Huyện ủy đã lần lượt rơi vào tay kẻ địch. Ngày 22/12/1930, hòng lung lay tinh thần cách mạng của Nhân dân Cẩm Xuyên, thực dân Pháp đã dẫn đồng chí đồng chí Nguyễn Đình Liễn – Bí thư Huyện ủy từ nhà lao Hà Tĩnh về xử chém tại huyện Cẩm Xuyên.
Đứng trước tình hình khó khăn của phong trào cách mạng địa phương cũng như đòi hỏi cần phải có sự lãnh đạo của Đảng bộ sau khi tổ chức bị địch phá vỡ, tháng 2/1931, đồng chí Trần Đào đã tổ chức cuộc hội nghị các đại biểu. Sau khi đánh giá tình hình và bàn các chủ trương hoạt động trong tình hình mới, hội nghị đã cử ra Ban Cán sự Huyện ủy Cẩm Xuyên, gồm 3 đồng chí. Đồng chí Trần Đào được hội nghị tín nhiệm bầu làm Bí thư.
Đồng chí Trần Đào và các đồng chí trong Ban Cán sự đã tích cực hoạt động tuyên truyền, củng cố các tổ chức quần chúng và các cơ sở Đảng. Nhờ uy tín và hoạt động năng nổ của mình mà chỉ trong một thời gian ngắn, đồng chí Trần Đào đã chỉ đạo phục hồi được nhiều chi bộ Đảng tại các thôn xã trong huyện. Tính đến tháng 6/1931, Đảng bộ huyện Cẩm Xuyên đã có 23 chi bộ với 117 đảng viên.
Không chỉ quan tâm đến công tác xây dựng tổ chức Đảng và các tổ chức quần chúng yêu nước, đồng chí Trần Đào còn chỉ đạo sát sao phong trào đấu tranh của Nhân dân. Đồng chí đã chỉ đạo các chi bộ tổ chức nhiều cuộc mít tinh, diễn thuyết nhằm vạch trần tội ác của chính quyền thực dân phong kiến, tuyên truyền chủ trương của Đảng… Tham gia các buổi mít tinh đó, quần chúng Nhân dân đã được giáo dục thêm tinh thần yêu nước, cách mạng, sẵn sàng tham gia các cuộc đấu tranh do Đảng lãnh đạo. Nhờ đó, phong trào đấu tranh của quần chúng Nhân dân Cẩm Xuyên đã dần được củng cố sau một thời gian bị địch khủng bố. Tiêu biểu cho phong trào đấu tranh của Nhân dân Cẩm Xuyên thời gian này có thể kể đến hai cuộc mít tinh nghe diễn thuyết và biểu tình thị uy của quần chúng tổng Vân Tán, Cẩm Xuyên phối hợp với Nhân dân huyện Thạch Hà (tháng 3/1931); cuộc mít tinh, biểu tình với sự tham gia của hơn 15.000 quần chúng Cẩm Xuyên phối hợp với tổng Hạ Nhất (Thạch Hà) vào ngày 1/5/1931…
Để đáp ứng yêu cầu lãnh đạo phong trào quần chúng trong tình hình mới, ngày 25/6/1931, Đại hội Đảng bộ huyện Cẩm Xuyên đã được triệu tập ở làng Yên Nhân (nay thuộc xã Yên Hòa). Với những đóng góp to lớn cho phong trào cách mạng địa phương, đồng chí Trần Đào đã chính thức được Đại hội bầu giữ chức vụ Bí thư Huyện ủy Cẩm Xuyên. Không chỉ tiếp tục nhận nhiệm vụ lãnh đạo phong trào cách mạng Cẩm Xuyên mà đồng chí Trần Đào và Ban Chấp hành Huyện ủy Cẩm Xuyên còn được Tỉnh ủy giao trách nhiệm giúp đỡ phong trào đấu tranh của Nhân dân Kỳ Anh. Với sự góp sức của đồng chí Trần Đào, các chi bộ Đảng và tổ chức quần chúng ở Kỳ Anh đã dần được củng cố sau một thời gian tan rã do bị địch khủng bố.
Tuy nhiên, trước làn sóng đấu tranh của nhân dân Nghệ Tĩnh, thực dân Pháp và chính quyền tay sai đã tiến hành nhiều chính sách bắt bớ, khủng bố hòng dập tắt làn sóng cách mạng mạnh mẽ này. Do phong trào chung của toàn tỉnh đã bị khủng bố nặng nên dù đồng chí Trần Đào và Huyện ủy Cẩm Xuyên đã tích cực củng cố tổ chức và xây dựng phong trào quần chúng, nhưng tình hình cách mạng ở Cẩm Xuyên gặp rất nhiều khó khăn. Lúc này, Huyện ủy chỉ còn lại ba đồng chí là Trần Đào, Trần Đắc Điền và Nguyễn Hữu Thái. Bị địch tầm nã, vây bắt gắt gao, các đồng chí đã quyết định thoát ly gia đình, bí mật đi sâu sát vào từng cơ sở. Chưa tổ chức được các hoạt động mít tinh, các đồng chí Trần Đào và Nguyễn Hữu Thái đã sáng tác nhiều tác phẩm thơ - ca để tiếp tục tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước, cách mạng cho quần chúng Nhân dân. Những bài: “Tuyên truyền cộng sản”, “Kêu gọi nông dân”, “Vợ khuyên chồng”… với ngôn từ dễ hiểu đã được phổ biến rộng rãi trong quần chúng. Với những hoạt động năng nổ và sáng tạo của các đồng chí, tinh thần yêu nước và phong trào quần chúng ở Cẩm Xuyên vẫn được duy trì. Tuy không tổ chức được các cuộc biểu tình, đấu tranh sôi nổi như trước nhưng các cơ sở Đảng, tổ chức quần chúng các thôn xã như Gai Hội, Yên Bình, Yên Ốc… đều dần được phục hồi.
Phong trào cách mạng vừa được nhen nhóm trở lại thì thực dân Pháp và chính quyền tay sai đã tiếp tục cử mật thám Pháp kéo theo lính khố xanh về Cẩm Xuyên truy nã, lùng bắt các đảng viên và quần chúng yêu nước. Tháng 3/1932, trong một lần đang họp bàn, đồng chí Trần Đào bị lính Tây kéo đến vây bọc và bắt giữ. Biết đồng chí Trần Đào là cán bộ Huyện ủy cốt cán, kẻ địch đã dùng nhiều thủ đoạn mua chuộc, tra tấn nhưng đều không khai thác được thông tin gì từ đồng chí. Do đó, từ tháng 3/1932 đến tháng tháng 3/1940, đồng chí Trần Đào đã bị địch giam tại nhà lao Hà Tĩnh, sau đó bị tăng án do tham gia các cuộc đấu tranh chính trị trong tù và bị đày vào Quảng Nam.
Năm 1940, đồng chí Trần Đào được trả tự do. Về đến quê hương, đồng chí đã tiếp tục bắt liên lạc để hoạt động. Tuy nhiên tháng 8/1941, xác định đồng chí là cán bộ Đảng tiêu biểu ở Cẩm Xuyên, đồng chí Trần Đào đã bị kẻ địch tiếp tục bắt giam.
Tháng 3/1943, đồng chí Trần Đào ra tù, đã bắt mối liên lạc với các cơ sở Đảng để tiếp tục hoạt động. Sau sự kiện Nhật đảo chính Pháp ngày 9/3/1945, đồng chí Trần Đào, Nguyễn Huỳnh, Nguyễn Đình Hài đã họp bàn để tìm cách lãnh đạo quần chúng Nhân dân tương trợ giúp đỡ nhau cùng giải quyết nạn đói trước mắt.
Sau ngày Mặt trận Việt Minh liên tỉnh Nghệ Tĩnh được thành lập (ngày 19/5/1945), tổ chức Việt Minh huyện Cẩm Xuyên cũng được phát triển mạnh mẽ từ huyện xuống các tổng. Ngay trong tháng 5/1945, đồng chí Trần Đào, Nguyễn Huỳnh, Phạm Thế Đống và Nguyễn Thuần đã nhanh chóng nắm bắt tình hình và họp hội nghị ở làng Cát Khánh thành lập Tổng ủy Việt Minh tổng Vân Tán.
Ngày 8/8/1945, Đại hội Đại biểu Việt Minh Nghệ Tĩnh được tổ chức để họp bàn kế hoạch khởi nghĩa. Đại hội cũng đã thống nhất chia các huyện trên địa bàn 2 tỉnh thành 6 phân khu và phân công cán bộ phụ trách. Huyện Cẩm Xuyên là một trong số các huyện thuộc phân khu 6, hay còn gọi là phân khu Việt Minh Nam Hà.
Thực hiện chỉ thị “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” của Ban Thường vụ Trung ương Đảng và lời Lệnh Khởi nghĩa của Ban Lãnh đạo Việt Minh liên tỉnh Nghệ Tĩnh, ngày 13/8/1945, Việt Minh Nam Hà đã tổ chức cuộc họp tại Nhượng Bạn (Cẩm Xuyên) và ra quyết định thành lập Ủy ban Khởi nghĩa các cấp, khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho công cuộc khởi nghĩa giành chính quyền. Đại diện cho huyện Cẩm Xuyên ở cuộc họp này có đồng chí Trần Đào và 8 đồng chí khác.
Ngày 14/8/1945, đồng chí Trần Đào và các đồng chí trong Việt Minh huyện Cẩm Xuyên đã tiến hành họp bàn và ra quyết định về việc thành lập Ủy ban Khởi nghĩa, vận động quần chúng chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Trần Đào và Ủy ban Khởi nghĩa, Nhân dân Cẩm Xuyên đã đồng lòng đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ngày 17/8/1945.
Ngày 25/5/1945, Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời huyện Cẩm Xuyên đã chính thức ra mắt trước đông đảo quần chúng Nhân dân. Ủy ban gồm 3 đồng chí: Nguyễn Hữu Thái (Chủ tịch), Tôn Sỹ Khuê (Phó Chủ tịch) và Trần Đào (Thư ký).
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, đồng chí Trần Đào được tổ chức tín nhiệm, phân công giữ nhiều vị trí quan trọng, như: Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính Kháng chiến và Phó Bí thư Huyện ủy Cẩm Xuyên (từ tháng 12/1946 đến tháng 7/1947); được bầu làm ủy viên Tỉnh ủy Hà Tĩnh (tháng 8/1947 đến tháng 11/1948);… Đến năm 1949, đồng chí Trần Đào được điều ra Trung ương giữ vị trí ủy viên Ủy ban Nông vận Trung ương và đảm nhận công tác Nông vận (tháng 9/1949 đến tháng 5/1955).
Sau khi về hưu, đồng chí Trần Đào trở về quê hương và tiếp tục hoạt động năng nổ trong các tổ chức chính trị - xã hội địa phương, như: Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh (năm 1967). Năm 1969, đồng chí Trần Đào đã qua đời do tuổi cao cùng các di chứng trong lao tù đế quốc.
Đồng chí Trần Đào, người Bí thư Huyện ủy Cẩm Xuyên năm 1931 là một chiến sỹ cộng sản tiêu biểu của quê hương Cẩm Xuyên. Tham gia cách mạng từ khi Đảng vừa mới thành lập, cuộc đời hoạt động của đồng chí Trần Đào là tấm gương luôn dũng cảm, mưu trí và nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Với những đóng góp của mình, đồng chí Trần Đào đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận và trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, …
ThS. Đặng Huyền Trang
Trưởng phòng STKKBQ - Bảo tàng XVNT
-->
Đồng chí Hà Huy Giáp – vị cán bộ lão thành cách mạng kiên trung của quê hương Hà Tĩnh, người gắn liền với sự kiện cắt băng khánh thành Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh ngày 12/9/1963
Có tài liệu ghi đồng chí Hà Huy Giáp sinh năm 1908
Theo tài liệu Mật thám Pháp về đồng chí Hà Huy Giáp, tên cha của đồng chí là Hà Huy Đỉnh
Bản dịch hồ sơ mật thám Pháp về đồng chí Hà Huy Giáp do Bộ Công an cung cấp lưu tại BTXVNT
Bản dịch hồ sơ mật thám Pháp về đồng chí Hà Huy Giáp do Bộ Công an cung cấp lưu tại BTXVNT
Bản dịch hồ sơ mật thám Pháp về đồng chí Hà Huy Giáp do Bộ Công an cung cấp lưu tại BTXVNT
Năm 1945, ở Nam Bộ có 2 Xứ ủy cùng hoạt động lãnh đạo phong trào cách mạng. Để phân biệt, từ tháng 5/1945, Trung ương Đảng đã gọi hai xứ ủy theo tên gọi tờ báo đại diện cơ quan ngôn luận của hai xứ ủy là: Xứ ủy Tiền Phong (hoặc nhóm Tiền Phong ) và Xứ ủy Giải phóng (hoặc nhóm Giải phóng).
-->