Cung cấp thêm tư liệu về cuộc đấu tranh của nhân dân các dân tộc Môn Sơn Con Cuông năm 1931. Hoạt động của bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh phục vụ sự nghiệp đổi mới.

Tác giả: admin
Ngày 2009-04-02 09:12:18

Con Cuông là một huyện miền núi cao, cách thành phố Vinh 200km. Tại đây có một địa chỉ đỏ, đó là chi bộ Đảng Môn Sơn, niềm tự hào của nhân dân các dân tộc ở miền Tây xứ Nghệ chúng ta.

Khi xâm lược nước ta, thực dân Pháp lên miền núi cao tỉnh Nghệ An, dùng hình thức “Thổ quan” thay cho “Lưu quan”, nhằm duy trì, nuôi dưỡng chức dịch, quan lại người dân tộc thiểu số để cai trị dân tộc mình. Đứng đầu là tri phủ Tương Dương là Lang Vi Năng (phủ Tương Dương lúc đó có cả Kỳ Sơn, Tương Dương Con Cuông). Nghị định toàn quyền Đông Dương ngày 15/3/1899, thực dân Pháp thành lập đại lý hành chính ở Cửa Rào (Tương Dương) để kiểm soát, chi phối toàn bộ hoạt động để đàn áp, bóc lột nhân dân tại miền Tây xứ Nghệ. Chúng bòn rút nhân dân đến xương tuỷ. Tài khoá 1899 biên lai tỉnh Nghệ An ghi thu thuế ở làng Môn Sơn (Tư liệu: “Hồ sơ di tích Môn Sơn Con Cuông” lưu tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh), giá tiền thuế người và thuế quân dịch, mỗi gia đình là 2,2đ. Trong đó Môn Sơn có 16 nhà * 2,2đ = 35,2đ.

Không chịu được áp bức bóc lột của bọn thực dân, phong kiến, nhân dân các dân tộc Môn Sơn Con Cuông đã đứng lên trong phong trào Văn thân Cần Vương, vùng Anh Sơn, Con Cuông thuộc khu vực hoạt động của Lê Doãn Nhã. Hưởng ứng phong trào đấu tranh chống Pháp, Lang Văn Út (Hầu Bông) – Người dân tộc Thái ở Môn Sơn cùng với cháu là Quản Thế khống chế đường 7, tấn công đồn binh Pháp ở chợ Dừa (Anh Sơn).

Môn Sơn, Con Cuông là một địa phương có nhiều cảnh đẹp; thành Trà Lân, Bia Ma Nhai, Tạ Bó, Vực Bồng, Cửa Rọ, đập Pà Lai, Thẩm Hoi, Thác Kẽm, Thắm Nàng Màn, khe cá, mỏ tôm…

Đầu năm 1931, khi phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh ở xuôi bị thực dân Pháp khủng bố trắng, để duy trì lực lượng Đảng ta chủ trương phát triển phong trào cách mạng lên miền núi cao.

Xứ uỷ Trung Kỳ cử đồng chí Lê Xuân Đào, Trưởng ban tài chính Xứ uỷ. Đồng chí đi từ làng  Yên Dũng (tổng Yên Trường, Hưng Nguyên) lên Môn Sơn - Lục Dạ để xây dựng cơ sở cách mạng. Các đồng chí Lê Mạnh Duyệt người Anh Sơn và đồng chí Bình - Định, đặc phái viên của Tỉnh uỷ Nghệ An cũng lên Đồng Khùa (Môn Sơn) phối hợp hoạt động. Trên con đường xuất dương qua Xiêm (Thái Lan) các đồng chí cán bộ cách mạng thường dừng chân ở Môn Sơn, Lục Dạ. Đây là con đường xuất dương an toàn gần và kín đáo nhất.

Theo đồng chí Vi Văn Lâm, cán bộ lão thành cách mạng năm 1931 ở Môn Sơn kể thì: “Hoạt động tuyên truyền năm 1931 ở đây rất khổ, tôi phải đưa một cái túi thổ cẩm để vào đó nào dao, kéo, tông đơ, khăn, đi cùng làng, từ Môn Sơn đến Lục Dạ để cúp hua (cắt tóc) vừa tuyên truyền cách mạng, các đồng chí Vi Văn Hanh, Vi Văn Quý, Trần Ngân đêm đêm đem truyền đơn đi rải ở Môn Sơn, Đồng Khùa, Kẻ Tại, Lục Dạ. Sau đó, nhân dân được giác ngộ, che chở cho cán bộ cách mạng hoạt động”. (Lời kể của dồng chí Vi Văn Lâm ngày 18/9/1993). Đến tháng 4/1931 Chi bộ Đảng ở Môn Sơn, Lục Dạ được thành lập do đồng chí Vi Văn Khang làm Bí thư, Lê Mạnh Duyệt, Vi Văn Hanh, Ngân Văn Quý, Trần Ngân là đảng viên trong chi bộ đầu tiên.

Thời gian này nhà đồng chí Vi Văn Khang là nơi hội họp của chi bộ Đảng, để tránh sự theo dõi của bọn lý trưởng, chánh tổng nhòm ngó, chi bộ thường họp đêm. Ban ngày họ vào rừng sâu, chọn vị trí kín đáo để làm việc, họ thường in truyền đơn tài liệu ở hòn dó chụm Khe Bẩm. Truyền đơn in xong cất dấu ở Đền Chố (Lời kể của đồng chí Vi Văn Tiêu, cán bộ huyện Con Cuông ngày 18/9/1993) đồng chí Vi Văn Lâm thường dùng cái niếng (chõ) để hông xôi đem vào trong núi cho chi bộ hoạt động. Vợ đồng chí Vi Văn Hanh là bà Vi Thị Lan và vợ đồng chí Vi Văn Khang được giao nhiệm vụ bảo vệ liên lạc. Trong một thời gian dài, hai bà thay nhau, bí mật đưa cơm nước vào phục vụ cho các đồng chí làm việc trong rừng.

Tháng 5/ 1931, trong một lần trời mưa to, các đồng chí cán bộ cách mạng họp tại nhà đồng chí Vi Văn Lâm ở Môn Sơn, đang trao đổi thì nghe ám hiệu có bọn lý trưởng, chánh tổng đến, các đồng chí vội chạy ra cửa sau, vào rừng thoát khỏi sự vây bắt của địch. Bà Vi Thị Ba, vợ đồng chí Vi Văn Lâm ngơ ngác không biết có chuyện gì xảy ra. Nhưng rồi bà trấn tĩnh lại, nhìn tập truyền đơn, giấy tờ còn để lại trên giường, bà vội nhặt tất cả bỏ vào các cà bèm (cái giỏ), phủ lúa hoa lên dấu trên bếp. Ba tiếng sau, không có động tĩnh gì, các đồng chí cách mạng trở lại, lo lắng không biết tài liệu đi đâu hết, bà Ba tươi cười chỉ tay lên gác bếp xách cái cà bèm xuống trả lại giấy tờ truyền đơn cho các cán bộ Đảng (Theo lời kể của bà Vi Thị Ba trong hồ sơ: “cái Cà Bèm” lưu tại Bảo tàng XVNT.)

Như vậy sự ra đời của Chi bộ Đảng Môn Sơn Lục Dạ, không phải là ngẫu nhiên, mà có sự chỉ đạo của Xứ uỷ, Tỉnh uỷ, của các chiến sỹ cách mạng đã từng xuất dương về nước xây dựng cơ sở trong quần chúng.

Chỉ sau một thời gian ngắn, chi bộ Đảng đã xây dựng được các tổ Nông hội đỏ, Tự vệ đỏ, Phụ nữ đoàn, ở làng Môn, làng Bàu, Đồng Khùa, Cửa Rào, Kẻ Tại, làng Yên, Hửa Nà (Lục Dạ) gồm các ông: Hà Văn Hoa tổ trưởng Nông hội đỏ, Vi Văn Noọng tổ trưởng Tự vệ đỏ, Vi Thị Thiện Hương, Vi Thị Mày phụ trách phụ nữ.

Cùng với việc tổ chức quần chúng, chi bộ Đảng trực tiếp chỉ đạo xây dựng 3 đội tự vệ đỏ gồm 20 hội viên để bảo vệ cơ sở Đảng và quần chúng đấu tranh. Các tổ chức Nông hôi đã tiến hành những hoạt động thiết thực, vận động nhân dân quyên góp lương thực ủng hộ đồng bào Phúc Sơn(Anh Sơn) đang lánh nạn, tránh sự đàn áp của thực dân Pháp.

Môn Sơn – Lục Dạ là 2 xã đời sống nhân dân rất khó khăn đã thế bọn thực dân phong kiến còn ra sức bòn rút nhân dân cùng cực.

Báo “Tiến lên” cơ quan tuyên truyền của Đảng bộ tỉnh Nghệ An năm 1931 viết: “Mới rồi đây bầy chó săn bang tá ở Cát Ngạn đi nốc từ mé sông Giăng lên làng Yên, tổng Môn Sơn, huyện Tương Dương, rồi húc vào trong làng lừa dối quần chúng đi mua lúa cận, ai có thì gánh ra nốc cho chúng nó. Quần chúng lầm tưởng thật, kẻ nhiều người ít gánh ra bán để lấy tiền mà tiêu, không ngờ là quân ăn cướp. Gánh lúa ra nốc, chúng không trả một đồng xu nào, chúng còn cho tụi đoàn phu vào làng nào có đồ vật gì thì doạ nạt cướp lấy, bắt lợn, gà, đem ra nốc làm thịt ăn. Tình cảm anh chị em ta cực khổ như vây, chẳng lẽ cứ để cho quân cướp nước hà hiếp mãi sao? Không! Quyết không! Giới vô sản kịch liệt tranh đấu hàng ngày mà đạp trúc chủ nghĩa tư bản đi thì mới thoát khỏi ách quân cường quyền tàn bạo kia” (Tài liệu lưu trữ, văn kiện Đảng bộ Nghệ An tập 2, năm 1971, tr 303 – 304).

Để chống lại sự áp bức của bọn thực dân, phong kiến và đưa phong trào phát triển, ngày 9/8/1931, chi bộ Đảng đã triệu tập Nông hôi đỏ, Tự vệ đỏ, lãnh đạo 300 quần chúng nhân dân các dân tộc Thái, Đan Lai, Lý Hà, Kinh tham gia biểu tình. Họ tập trung tại đền Cả đi từ làng Bãi Cánh, Đồng Khùa, dọc theo xã Môn Sơn, lên Lục Dạ. Bà con hừng hực khí thế, trống dong cờ mở. Họ treo cờ lên cây Trổ Bãi Cánh, cây Đa Cồn Chùa để cổ vũ nhân dân tiến lên. Đồng bào ở Gát – Vều và một số nhân dân Yên Phúc(Anh Sơn) đang lánh nạn cùng tham gia. Quần chúng kéo đến nhà chánh đoàn Ba Uôn, nhưng Ba Uôn đã lên huyện trình báo có cộng sản. Lính trong nhà Ba Uôn bắn mũi tên độc làm một số người bị thương. Về cuộc đấu tranh này, bà Vi Thị Hiếu, con gái cụ Vi Văn Hanh đảng viên năm 1931, khi Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh lên sưu tầm năm 1997, có kể: “Năm 1931, cứ vài tháng lại có một cuộc đấu tranh. Chính cụ Vi Văn Khang làm bí thư, cha tôi, cụ Vi Văn Hanh làm Phó bí thư chi bộ, lãnh đạo một số cuộc biểu tình. Chính đồng chí Nguyễn Văn Đa, người Yên Phúc (Anh Sơn) cũng có tham gia đấu tranh. Trong công văn mật Grieimes đồn trưởng Cửa Rào gửi giám binh đồn lính Khố xanh ở Vinh tháng 9/1931 có báo cáo tin tức về vụ cướp xảy ra ở làng Môn Sơn (Con Cuông), chúng bắt được 2 tên Bảy và Đa, mỗi tên đều có nòng súng lục cỡ lớn…” (Hồ sơ mật thám Pháp lưu tạiBảo tàng XVNT).

Quyến suất Nguyễn Cư số 11 ngày 18/9/1931 từ Con Cuông gửi tổng đốc An Tĩnh ở Vinh như sau: “Kính bẩm cụ lớn Chánh đoàn Ba Uôn ở Con Cuông có báo cáo cho tôi biết, một toán cộng sản có đến định cướp tại nhà cha của y, tôi liền đến ngay tại chỗ, có đem các lính số 49, 59, 48 khi tôi đến nơi bọn phiến loạn đã phân tán mất rồi” (Hồ sơ mật thám Pháp lưu tại Bảo tàng XVNT).

Còn án sát Hà Xuân Hải, tháng 9/1931 thay mặt Tổng đốc Anh Tĩnh gửi ông Cẩm đặc biệt Ty Liêm Phóng Vinh: Khoảng 10 giờ đêm, bọn cướp có vũ khí tới định cướp nhà Trùm – Ôn, cha đẻ của chánh đoàn Lộc. Tôi đã ra lệnh cho viên tri huyện giam bọn bị bắt lại để điều tra và nghị an(Hồ sơ mật thám Pháp lưu tại Bảo tàng XVN).

Sau cuộc đấu tranh này bọn thực dân phong kiến đàn áp khốc liệt phong trào Môn Sơn. Tri huyện Lang Vi Năng đem 20 lính vào bắt 30 người, có cả đảng viên và quần chúng. Sau khi lấy khẩu cung chúng bắt 3 đảng viên Vi Văn Khang, tù 3 năm, Vi Văn Hanh, Trần Ngân, Hà Văn Thị, tù 1 năm ở nhà tù phủ Tương Dương. Lê Mạnh Duyệt, Nguyễn Hữu Bình tù ở nhà lao Vinh. Trong thời gian này có đồng chí Lô Văn Khum ở Trung Lung, Tương Dương cũng đã tham gia hoạt động cách mạng và cũng bị tù ở nhà lao Ban Mê Thuột năm 1935. Đồng chí Vi Văn Châu người Môn Sơn Con Cuông, là đảng viên cộng sản năm 1932, bị kết án giam vào ngục tối quản thúc 6 tháng. Đồng chí bị bắt ngày 6/3/1933, sau đó chết tại bệnh viện Cửa Rào Tương Dương ngày 28/7/1933. (Bản án số 166 ngày 28/6/1932).

Danh sách những người tham gia đấu tranh ở Môn Sơn bị thực dân, phong kiến bắt năm 1931 còn có các ông bà: Lê Mạnh Duyệt, Hà Văn Hoa, Lô Thuần, Lô Côi, Vi Văn Nọng, Vi Văn Ích, Lô Châu, Vi Thị Thiên Hương, Tâm Bường, Đậu Trọng Thản, Hà Văn Thị, ông Đông, Lộc Thuần, Vi Văn Quyền.

Cuộc đấu tranh của nhân dân các dân tộc Môn Sơn - Lục Dạ huyện Con Cuông đã bị đàn áp khốc liệt. Nhưng nó đã ghi dấu ấn hết sức có ý nghĩa. Huyện Con Cuông cùng huyện Nghĩa Đàn (xã Nghĩa Khánh), là những địa phương có đồng bào dân tộc sinh sống, đã dũng cảm đứng lên đấu tranh trong những năm 1930 – 1931, dưới sự lãnh đạo của Đảng, làm cho trang sử vàng Xô Viết Nghệ Tĩnh toả sáng mãi mãi trong tâm hồn người dân xứ Nghệ

Ngày nay nhắc đến Môn Sơn Lục Dạ (Con Cuông), nhắc đến đồng bào Nghĩa Khánh (Nghĩa Đàn), là chúng ta thấy cần phải làm cái gì đó để biết ơn, tôn vinh giá trị truyền thống vĩnh hằng của đồng bào các dân tộc.

Với ý nghĩa đó, để phát huy tình cảm cách mạng trong sáng, hàng chục năm nay, cứ đến dịp tháng tư mỗi năm (đúng ngày thành lập chi bộ Đảng Môn Sơn), dù là lễ hội cấp tỉnh, cấp huyện, hoặc cấp vùng, bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh lại đến với nhân dân, ở nhà sàn cùng đồng bào. Giao lưu với học sinh cấp 2, cấp 3, với thanh niên trong 15 bản của xã Môn Sơn. Tổ chức thi tìm hiểu về truyền thống yêu nước và cách mạng của quê hương, về nên văn hóa đầy bản sắc của một vùng địa linh nhân kiệt. Hoặc những đợt trưng bày lưu động, ngoài những tư liệu lịch sử của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, chúng tôi có giới thiệu các tư liệu, hiện vật, hình ảnh của bà con các dân tộc trong chi bộ Đảng, cuộc đấu tranh của nhân dân Môn Sơn Lục Dạ. Những hy sinh to lớn của bà con, đã góp phần làm cho đất nước được đơm hoa kết trái độc lập tự do.

Những cuộc viếng thăm di tích lịch sử, các lễ dâng hoa dâng hương tại nhà cụ Vi Văn Khang, hay các dịp trao quà kỉ niệm cho các gia đình tiền bối cách mạng Xô Viết Nghệ Tĩnh. Đó là nghĩa cử, tình cảm của Bảo tàng Xô Viết, của thế hệ con cháu với các chiến sỹ cách mạng ở địa phương.

Năm 2006, vừa chẵn 75 năm ngày thành lập Chi bộ Đảng miền Tây xứ Nghệ (Chi bộ Đảng Môn Sơn Con Cuông); Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh kết hợp với huyện Con Cuông tổ chức tọa đàm khoa học, tổ chức trưng bày lưu động, giao lưu văn hóa với chuyên đề: “Nhân chứng lịch sử Xô Viết Nghệ Tĩnh”; thi tìm hiểu truyền thống quê hương cho thế hệ trẻ địa phương. Những hoạt động như thế góp phần tôn vinh giá trị truyền thống, tạo nên hương sắc trong dịp kỉ niệm. Và cũng là tình cảm của Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh phục vụ lễ hội truyền thống quê hương Môn Sơn, Lục Dạ, huyện Con Cuông. 

T.S Phan Xuân Thành
Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh

Video