Đồng chí Phan Thái Ất – cán bộ cách mạng tiền bối tiêu biểu của Đảng, người con ưu tú của quê hương Nghệ An – Quảng Ngãi

Tác giả: Trần Thị Hồng Nhung
Ngày 2024-03-22 08:39:48

 

“… Sống chiến đấu cho Đảng, cho cách mạng, chết cũng vì Đảng, vì cách mạng”!  Đó chính là chân lý, lẽ sống của người cộng sản kiên trung Phan Thái Ất trong những năm tháng sống, chiến đấu vì quê hương, đất nước. Đồng chí Phan Thái Ất (bí danh Tân, Bạch, Hồng Sơn), nguyên Bí thư Tổng Nông hội Nghệ An (1929), nguyên Ủy viên Xứ ủy Trung Kỳ, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi (1930-1931), sinh ra tại Nghệ An và trưởng thành từ phong trào cách mạng quê hương. Đồng chí đã sớm đứng vào hàng ngũ của Đảng, tận hiến cả tuổi thanh xuân của mình cho cách mạng, đặc biệt là phong trào cách mạng của Nghệ An, Quãng Ngãi, do đó đồng chí đã trở thành người con ưu tú, niềm tự hào của Đảng bộ, Nhân dân hai tỉnh Nghệ An, Quảng Ngãi.

Từ một thanh niên tràn đầy nhiệt huyết trở thành Bí thư Tổng Nông hội Nghệ An

Đồng chí Phan Thái Ất sinh năm 1894, trong một gia đình có truyền thống yêu nước tại xã Lĩnh Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. Quê hương Lĩnh Sơn nằm bên hữu ngạn sông Lam, là vùng đất nổi tiếng với chè Gay và những cuộc đấu tranh quyết liệt giữa phe hộ chống phe hào. Chứng kiến cảnh áp bức bất công của chính quyền thực dân, phong kiến đối với bà con Nhân dân, những cuộc đấu tranh mạnh mẽ của quần chúng… đã thắp lên ngọn lửa yêu nước, thương dân trong tâm hồn Phan Thái Ất và sớm hình thành trong tâm trí anh những tư tưởng yêu nước tiến bộ.

Năm 1920, trước làn sóng băng rừng, vượt núi xuất dương của thanh niên Nghệ Tĩnh đi theo tiếng gọi của nhà chí sỹ Phan Bội Châu, Phan Thái Ất đã ở lại quê nhà ấp ủ một hoài bão lớn lao. Năm 1923, đồng chí đã cùng những thanh niên tiến bộ ở quê hương lập Hội Tâm giao, quyên góp tiền, cổ động và ủng hộ thanh niên xuất dương qua Xiêm (Thái Lan) du học; lập “Trại Cày” ở bãi Lơi Lơi, mở hiệu buôn Yên Xuân làm nơi tập hợp những người có xu hướng tiến bộ trong vùng đến đọc sách báo và bàn việc chống Pháp. Năm 1926, đồng chí Phan Thái Ất tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tỉnh Nghệ An.

Ngày 25/9/1929, đồng chí được kết nạp vào tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng và được bầu làm Bí thư chi bộ Dương Xuân. Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Anh Sơn. Tháng 11/1929, Tổng Nông hội đỏ Nghệ An được thành lập, do đồng chí Phan Thái Ất làm Bí thư. Với trách nhiệm được giao, đồng chí Phan Thái Ất đã tích cực gây dựng, phát triển lực lượng cách mạng nhiều nơi trong tỉnh Nghệ An như Thanh Chương, Anh Sơn, Yên Thành, Diễn Châu…

Những hoạt động tích cực của đồng chí đã góp phần làm cho cơ sở Đảng, Nông hội và các tổ chức quần chúng hình thành nhanh và phát triển mạnh ở các vùng nông thôn, đó cũng chính là nhân tố chính thúc đẩy phong trào đấu tranh đạt đến đỉnh cao với sự ra đời chính quyền Xô viết ở các làng xã ở Nghệ Tĩnh năm 1930-1931.

Người thắp lửa cho phong trào cách mạng ở các tỉnh miền Trung – Trung Kỳ

 Bị địch truy nã gắt gao, để tránh tổn thất cho phong trào cách mạng, từ tháng 02/1930, đồng chí Phan Thái Ất được Ban Chấp hành Kỳ bộ Trung kỳ điều động vào công tác tại các tỉnh Nam Trung Bộ, chịu trách nhiệm xây dựng cơ sở Đảng và phong trào cách mạng ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Tháng 4/1930, với tư cách là phái viên Phân cục Xứ ủy Trung kỳ, đồng chí Phan Thái Ất được phân công về hoạt động ở tỉnh Quảng Ngãi, cùng với đồng chí Nguyễn Nghiêm trực tiếp chỉ đạo việc soạn thảo chương trình, đề ra những chủ trương để phát triển phong trào cách mạng phù hợp với thực tế của tỉnh và tổ chức Đại hội lần thứ nhất Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi vào tháng 6/1930. Tại Đại hội này, đồng chí Nguyễn Nghiêm được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Phan Thái Ất được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy.

 Thực hiện trọng trách được giao, đồng chí Phan Thái Ất đã cải trang làm thầy lang chuyên trị bệnh, cứu người, đi đến nhiều nơi trong tỉnh Quảng Ngãi. Từ Đức Phổ lên Ba Tơ, qua Minh Long, xuống Nghĩa Hành, Mộ Đức, Tư Nghĩa, thị xã Quảng Ngãi rồi ra Sơn Tịnh, Bình Sơn, Sơn Hà, Trà Bồng. Được sự che chở, nuôi giấu, đùm bọc của nhân dân Quảng Ngãi, đồng chí đã gây dựng được nhiều cơ sở cách mạng, cơ sở đảng. Từ đó, các cuộc đấu tranh đòi quyền lợi cho nhân dân như: tăng công cày, công cấy, công gặt được tổ chức khắp nơi và giành nhiều thắng lợi. Khi nhắc đến đồng chí Phan Thái Ất, một số cụ già cao tuổi ở những nơi đồng chí hoạt động và nhiều đồng chí lão thành cách mạng ở Quảng Ngãi thường nhắc đến cái tên “Ông Cọc Cạch”, có răng đen, hay mặc áo dài, nói giọng Bắc (giọng nói của người Xứ Nghệ).

Để đẩy mạnh phong trào cách mạng lên bước phát triển mới, đồng chí Phan Thái Ất cùng đồng chí Nguyễn Nghiêm trực tiếp lãnh đạo, tổ chức nhiều cuộc đấu tranh, biểu tình lớn, làm cho thực dân Pháp và tay sai hết sức hoang mang, lo sợ.

Tháng 9/1930, phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh phát triển mạnh, các cuộc đấu tranh như sóng vỡ bờ nổ ra dồn dập và giành thắng lợi với sự ra đời của chính quyền Xô viết ở nhiều địa phương trong hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Tin tức từ phong trào cách mạng quê nhà dội vào Quảng Ngãi, thực hiện chỉ thị của Phân cục Trung Kỳ, đồng chí Phan Thái Ất cùng Tỉnh ủy Quảng Ngãi phát động phong trào đấu tranh ủng hộ Xô viết Nghệ Tĩnh. Mở đầu là cuộc biểu tình, biểu dương lực lượng, chiếm huyện
đường Đức Phổ vào đêm ngày 07, rạng sáng ngày 08/10/1930 của nhân dân theo lời hiệu triệu của đồng chí Phan Thái Ất:

“... Công – Nông – Binh!

Cùng nhau xiết chặt giành quyền lợi chung

Phá tan nô lệ quyết vùng đứng lên…”

 Sau khi nghe đồng chí Phan Thái Ất diễn thuyết, gần 5.000 quần chúng nhân dân rầm rập tiến về huyện lỵ, xông vào huyện đường, đốt cháy công văn, hồ sơ, tịch thu ấn tín, thả tù nhân, dán áp phích, rải truyền đơn, treo cờ đỏ búa liềm trong huyện
đường, hô vang các khẩu hiệu, tuần hành, làm chủ huyện lỵ, đến 7 giờ sáng thì giải tán. Cuộc biểu dương lực lượng đầu tiên của nhân dân Đức Phổ giành được thắng lợi lớn, báo hiệu cao trào cách mạng mới sẽ dâng lên mạnh mẽ ở Quảng Ngãi. Noi gương Đức Phổ, nhân dân các huyện trong tỉnh cũng liên tiếp nổi dậy biểu tình. Từ Quảng Ngãi, phong trào lan nhanh sang các tỉnh khác tạo thành làn sóng cách mạng Trung – Trung Kỳ “chia lửa” với Nghệ Tĩnh, góp phần cùng cả nước làm nên cao trào cách mạng 1930-1931.

Hòng ngăn chặn sự phát triển của phong trào cách mạng trong tỉnh, thực dân Pháp thi hành chính sách “Khủng bố trắng” tăng cường truy lùng, vây bắt cán bộ. Để kịp thời chỉ đạo phong trào cách mạng của tỉnh Quảng Ngãi, tháng 10/1930, Tỉnh ủy chia làm hai bộ phận Bắc Trà Khúc và Nam Trà Khúc (tức là phía Bắc và Nam tỉnh Quảng Ngãi). Đồng chí Phan Thái Ất được phân công phụ trách bộ phận phía Bắc sông Trà Khúc gồm các huyện: Sơn Tịnh, Bình Sơn, Trà Bồng, Sơn Hà. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của đồng chí Phan Thái Ất, phong trào cách mạng các huyện phía Bắc sông Trà Khúc phát triển ngày càng mạnh mẽ. Từ cuối tháng 10/1930 đến tháng 02/1931, hàng chục cuộc biểu tình lớn liên tục nổ ra ở khắp nơi tạo thành những cao trào cách mạng ở các huyện trong tỉnh.

Nhiều nơi, chính quyền địch hầu như tê liệt. Các tổ chức đoàn thể như: Nông hội đỏ, Công hội đỏ, Tự vệ đỏ, Cứu tế đỏ… phát triển mạnh mẽ. Cũng thời gian này, đồng chí Phan Thái Ất và đồng chí Nguyễn Nghiêm được Xứ ủy Trung kỳ phân công phụ trách hướng dẫn, giúp đỡ phong trào cách mạng các tỉnh Bình Định, Phú Yên. Ngày 06/3/1931, đồng chí Nguyễn Nghiêm bị địch bắt và bị chúng xử chém tại bãi sông Trà Khúc. Tỉnh ủy Quảng Ngãi cử đồng chí Phan Thái Ất làm Bí thư. Với những đóng góp của đồng chí Phan Thái Ất cho phong trào cách mạng ở Nghệ An và các tỉnh miền Trung, tháng 6/1931 đồng chí Phan Thái Ất được bổ sung vào Xứ ủy Trung kỳ và được phân công làm ủy viên Thường trực Xứ ủy.

Đánh giá về phong trào đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và Nhân dân Quảng Ngãi trong 2 năm 1930-1931 dưới sự lãnh đạo của đồng chí Phan Thái Ất, Trung ương Đảng đã khẳng định: “Rồi tới Quảng Ngãi, tuy phong trào chưa bằng Nghệ Tĩnh, nhưng nó vẫn là mạnh nhất trong phía Nam Trung Kỳ”. Hồ sơ của mật thám Quảng Ngãi gửi Khâm sứ Trung Kỳ đã thừa nhận: Trong tỉnh này, phong trào cộng sản đã đạt được rất nhiều thắng lợi, nhờ có hoạt động của những người phụ trách Phan Thái Ất tức Cọc Cạch, quê Nghệ An và Nguyễn Nghiêm tỉnh Quảng Ngãi…”.

14 năm kiên cường trong lao tù đế quốc (1931-1945)

Trong khi phong trào cách mạng đang phát triển mạnh mẽ thì đồng chí Phan Thái Ất cùng đồng chí Tôn Diêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy bị thực dân Pháp bắt tại chùa Khánh Vân, huyện Sơn Tịnh vào ngày 27/7/1931. Ngày 26/8/1931, tại nhà lao Quảng Ngãi, đồng chí Phan Thái Ất bị thực dân Pháp kết án tử hình, nhưng bị dư luận phản đối, buộc chúng phải hạ xuống án chung thân khổ sai và đày lên nhà tù Buôn Ma Thuột. Trong tù, đồng chí vẫn tham gia lãnh đạo các cuộc đấu tranh của anh em tù chính trị nên bị thực dân Pháp đày ra Côn Đảo.

Từ nhà lao Quảng Ngãi tới nhà đày Buôn Ma Thuột, ra nhà tù Côn Đảo, ở đâu đồng chí cũng bị kẻ địch dùng mọi cực hình tra tấn. Đòn roi, kìm kẹp hay rừng thiêng nước độc, án tử hình đến “địa ngục trần gian” chẳng thể nào khuất phục khí tiết kiên trung của người cộng sản. Những câu trả lời đanh thép của anh với tên tuần vũ Quảng Ngãi và Chánh mật thám Trung Kỳ Li-véc-xê đã đi vào sử sách: “… Những người cộng sản chúng tôi thà chết chứ không thèm làm những việc nhơ bẩn như các ông. Chúng tôi sống chiến đấu của Đảng, cho cách mạng, chết cũng vì Đảng, vì cách mạng”.

Tại nhà đày Buôn Ma Thuột, Phan Thái Ất bị đánh gãy cả ba-toong, đứt roi gân bò, thậm chí nát cả chổi. Nhiều lần đứng trên ranh giới giữa sự sống và cái chết nhưng tinh thần, nghị lực của người cộng sản đã giúp đồng chí vượt lên tất cả những đau đớn về thể xác để tiếp tục sống, chiến đấu với niềm tin sắt son vào thắng lợi của cách mạng. Không lay chuyển ý chí của người cộng sản, chúng tiếp tục đày đồng chí ra Côn Đảo. Tại đây, bọn chúa ngục Côn Đảo đưa Phan Thái Ất xuống giam ở “hầm xay lúa” cùng với nhiều chiến sĩ cộng sản mà chúng cho là “cứng đầu”. Đồng chí vẫn tham gia sinh hoạt chi bộ đảng và tiếp tục chiến đấu.

 Sống trong ngục tù đen tối của thực dân Pháp, nhiều đồng chí đã hy sinh. Số còn lại, ai nấy đều ốm yếu không còn ra hình người. Ăn uống khổ sở, lao động mệt nhọc, bệnh tật uy hiếp thường xuyên. Đồng chí Phan Thái Ất đã nhường cơm sẻ áo, nhường thuốc men cho anh em đồng chí của mình. Có lần bệnh sốt rét và kiết lỵ lan tràn trong nhà tù. Trước sự đấu tranh của anh em tù, bọn cai ngục phát cho mỗi đồng chí hai viên ký - ninh để uống phòng. Thấy đồng chí Lương Nhưng sức khoẻ kém hơn mình, đồng chí Phan Thái Ất tìm cách giấu hai viên thuốc đó rồi trao cho đồng chí Lương Nhưng… Đồng chí Nhưng cũng lấy hai viên thuốc của mình trao lại cho đồng chí Phan Thái Ất.

Xúc động trước tình cảm của anh em, đồng chí, Phan Thái Ất càng tin tưởng vào sức mạnh của cuộc đấu tranh trong chốn lao tù đế quốc. Khi nghe tin Hồng quân Liên Xô tấn công phát xít Đức, đồng chí đã làm bài thơ “Gửi mẹ”với niềm lạc quan:

“… Mẹ ơi, xin mẹ vui lòng

Bĩ rồi sang thái, lẽ cùng tất nhiên…”

Góp phần xây dựng cơ sở, lực lượng cách mạng cho nước bạn Camphuchia

Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, đồng chí cùng anh em tù chính trị được đón về đất liền trong niềm vui hân hoan của nhân dân cả nước. Sau gần 15 năm xa quê hương và gia đình, đồng chí tiếp tục được Đảng, Nhà nước cử đi làm nhiệm vụ quốc tế. Gác lại tình riêng, đồng chí Phan Thái Ất lên đường giúp nước bạn Campuchia và đảm đương các chức vụ: Tổng Thư ký Tổng bộ liên đoàn Việt kiều cứu quốc Cao Miên; Bí thư Ban cán sự đảng Đông Nam Cao Miên, làm nhiệm vụ xây dựng cơ sở cho cách mạng Campuchia trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Trong thời gian ở nước bạn, dù bất đồng ngôn ngữ, phong tục tập quán khác biệt, bằng kinh nghiệm cộng với ý chí tiến công, sau 3 tháng đồng chí đã gây dựng được cơ sở tại các tỉnh Tà Keo, Nam Vang. Đầu năm 1946, đồng chí bị chính quyền phản động Cao Miên bắt. Sau 6 tháng giam cầm không có chứng cứ buộc tội, chúng phải thả tự do cho đồng chí.

Trở lại hoạt động, Phan Thái Ất đã móc nối liên lạc với sơ sở ở khu Việt kiều để tuyên truyền, giác ngộ những người yêu nước làm nòng cốt xây dựng lực lượng cách mạng và phát triển đảng viên. Tháng 3/1947, đồng chí đã gây dựng được 7 khu Việt kiều ở các tỉnh: Tà Keo, Nam Vang, Công – pông – chàm, Biển hồ.

Suốt 7 năm trên đất bạn, khó khăn thiếu thốn trăm bề, đồng chí Phan Thái Ất phải chiến đấu với bệnh tật, vừa phải đối phó với âm mưu phá hoại của địch. Nhờ kiên trì bám trụ, đồng chí đã cùng đoàn công tác của ta xây được hệ thống cách mạng từ Trung ương đến địa phương làm căn cứ cho cuộc kháng chiến chống Pháp.

Đất nước, quê hương tưởng nhớ, tri ân

 Năm 1953, đồng chí được trở về quê hương tiếp tục công tác và điều trị bệnh. Năm 1961, đồng chí nghỉ hưu. Sau một thời gian lâm bệnh nặng, do hậu quả của những năm tháng bị tù đày, tra tấn dã man của kẻ thù, đồng chí đã qua đời vào ngày 29/6/1967 và được mai táng tại huyện Thanh Chương. Năm 2014, gia đình di dời mộ đồng chí về cải táng tại nghĩa trang tộc họ ở xã Lĩnh Sơn quê nhà.

Ghi nhận công lao cống hiến trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, đồng chí vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng và truy tặng: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng Nhất và nhiều Huân chương cao quí khác.

Những đóng góp của đồng chí Phan Thái Ất đối với phong trào cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Nghệ An và Quảng Ngãi là vô cùng to lớn, được các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân hai tỉnh trong các thời kỳ cách mạng luôn luôn nhớ ơn và khắc ghi vào lịch sử truyền thống của Đảng bộ tỉnh. Tiếp nối tinh thần đấu tranh cách mạng kiên cường, bất khuất, hết lòng vì sự nghiệp cách mạng mà đồng chí Phan Thái Ất, các bậc cách mạng tiền bối của tỉnh qua nhiều thời kỳ đã trao truyền lại, những thế hệ cán bộ lãnh đạo tỉnh Nghệ An, Quảng Ngãi đã và đang phát huy, tiếp tục lãnh đạo Đảng bộ, nhân dân trong tỉnh nêu cao tinh thần cách mạng, năng động, sáng tạo, quyết tâm phấn đấu nỗ lực, tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá về phát triển kinh tế - xã hội - văn hóa. Là những tỉnh nghèo, bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh và thiên tai nhưng Nghệ An và Quảng Ngãi đã vươn lên gặt hái nhiều thành tựu đáng khích lệ,  tiến nhanh trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.

Trong những năm qua, Tỉnh ủy Quảng Ngãi và Tỉnh ủy Nghệ An đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm ngày sinh đồng chí Phan Thái Ất như xây dựng nhà bia tưởng niệm đồng chí tại quê hương Anh Sơn, trao tặng trường THCS Phan Thái Ất nhiều phần quà giá trị phục vụ cho việc dạy và học.... Sáng 27/12/2023, tại xã Lĩnh Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An), Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Nghệ An cũng đã tổ chức trang trọng Lễ kỷ niệm 130 năm ngày sinh đồng chí Phan Thái Ất (1/1/1894 - 1/1/2024) đồng thời cắt băng khánh thành Nhà bia ghi công đồng chí trong khuôn viên nhà thờ họ Phan tại xã Lĩnh Sơn, huyện Anh Sơn.

 Kỷ niệm 130 năm ngày sinh đồng chí Phan Thái Ất (1894-2024) là dịp để cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân hai tỉnh Nghệ An, Quảng Ngãi và trong cả nước tôn vinh những cống hiến của đồng chí đối với dân tộc trong suốt thời gian qua. Và đây cũng là dịp để tuyên truyền giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào và lòng biết ơn sâu sắc đối với các thế hệ tiền bối cách mạng; qua đó khơi dậy ý chí quyết tâm của toàn Đảng bộ, toàn dân, toàn quân hai tỉnh hoàn thành tốt các
mục tiêu, nhiệm vụ nêu trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XX, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng
.

ThS. Trần Thị Hồng Nhung

Phó Giám đốc Bảo tàng XVNT

Video