Bảo tàng XVNT với công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng

Tác giả: admin
Ngày 2010-11-15 03:21:25

Truyền thống cách mạng là truyền thống của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam ra đời và phát triển trong cuộc đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong chiều dài lịch sử Việt Nam, Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931 là một mốc son chói ngời trong trang lịch sử bằng vàng của dân tộc. Lần đầu tiên dưới sự lãnh đạo của Đảng, quần chúng công nông Nghệ Tĩnh đã vùng lên đấu tranh lật đổ ách thống trị của thực dân phong kiến, thành lập chế độ Xô viết công nông ở nhiều nơi trong hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Tuy tồn tại không lâu, nhưng XVNT đã để lại một di sản vô cùng quý báu, xứng đáng là “ cuộc tổng diễn tập đầu tiên” cho sự thành công của cách mạng tháng Tám và luôn đồng hành cùng chúng ta trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng xã hội mới. Ý nghĩa lịch sử và những bài học kinh nghiệm của/từ XVNT còn giữ nguyên giá trị to lớn cho tới hôm nay và cả mai sau.

Vai trò giáo dục truyền thống của Bảo tàng là hết sức quan trọng. Ngày 20/1/1960, đến thăm Viện Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết vào sổ vàng: “ Viện Bảo tàng Cách mạng là một cuốn sử sống. Các cán bộ, đảng viên và người ngoài Đảng, nhất là thanh niên, thiếu niên, nhi đồng đến xem Viện bảo tàng sẽ thấy được các liệt sỹ đã hy sinh cho dân tộc như thế nào. Đảng đã lãnh đạo cách mạng vượt qua bao nhiêu gian khổ và đưa cách mạng đến thắng lợi như thế nào?...Viện bảo tàng là một trường học tốt về lịch sử cách mạng của dân tộc Việt Nam ta...Các tài liệu, hiện vật trưng bày sẽ làm cho mọi người tăng thêm lòng tin tưởng ở Đảng và chế độ tốt đẹp của chúng ta.”

Để giữ gìn và phát huy những giá trị to lớn của Xô Viết Nghệ Tĩnh, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho nhân dân, Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh sớm được ra đời. 50 năm qua, cùng với quá trình hình thành và phát triển, Bảo tàng luôn chăm lo phát triển hoạt động tuyên truyền, giáo dục truyền thống đấu tranh anh dũng, đầy hy sinh gian khổ nhưng vô cùng vẻ vang của nhân dân Nghệ- Tĩnh trong những ngày đầu có Đảng.

Trước hết, cơ sở để tuyên truyền, giáo dục của Bảo tàng phải là khối lượng tàng trữ các tài liệu, hiện vật. Đến nay kho bảo quản đã có gần 15.000 tài liệu, hiện vật, trong đó có hơn 3.500 tài liệu, hiện vật gốc, 5.000 phim, ảnh tư liệu có giá trị, gần 6000 bộ hồ sơ cá nhân, 2000 trang tư liệu tiếng Pháp được khai thác từ các trung tâm lưu trữ quốc gia và hải ngoại Pháp…các hồi ký của các bậc lão thành cách mạng và một khối lượng di sản văn hóa phi vật thể như thơ ca, hò vè về Xô viết Nghệ Tĩnh, phim, nhạc, băng ghi âm lời kể nhân chứng…Bảo tàng XVNT với diện tích sàn trưng bày hơn 1000m2, bao gồm 9 phòng trưng bày chuyên đề; Nhà Tưởng niệm các liệt sỹ XVNT và Đài tưởng niệm Nhà lao Vinh là một quần thể đa dạng, phong phú và khá hoàn chỉnh, lại nằm ngay trong Di tích Thành cổ Vinh, trên vùng đất Nhà lao Vinh thời thuộc Pháp…là một khối tài sản có giá trị hết sức to lớn trong giáo dục truyền thống.

Từ năm 1984 đến năm 2002, Bảo tàng XVNT đã nghiên cứu, trình xếp hạng được 47 di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia và sau này trình xếp hạng hàng chục di tích cấp tỉnh ở Nghệ An và Hà Tĩnh.

Năm mươi năm qua, Bảo tàng XVNT tập trung vào các hoạt động phát huy giá trị XVNT phục vụ công tác tuyên truyền của Đảng, Nhà nước với các nội dung và hình thức như sau:

Về nội dung:
Một là giáo dục truyền thống văn hóa, yêu nước và đấu tranh kiên cường của nhân dân Nghệ Tĩnh trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Truyền thống đó chính là một trong những tiền đề, điểu kiện lịch sử quan trọng để giải thích rằng vì sao cao trào Xô viết lại xẩy ra và đạt đến đỉnh cao ở Nghệ - Tĩnh.

Hai là giáo dục truyền thống đi đầu, dậy trước, liên minh chặt chẽ của giai cấp công nhân và nông dân Nghệ - Tĩnh trong đấu tranh cách mạng thông qua các tài liệu, hiện vật mang đậm dấu ấn lịch sử 1930 – 1931.

Ba là giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường, hy sinh anh dũng của những người cộng sản; sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Đảng đối với phong trào cách mạng của nhân dân.

Bốn là giáo dục ý nghĩa to lớn, ảnh hưởng sâu rộng của Xô viết Nghệ Tĩnh đối với cách mạng Việt Nam và thế giới.

Năm là giáo dục những bài học kinh nghiệm quý báu rút ra từ những thành công và thất bại của Xô viết Nghệ Tĩnh để vận dụng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức các phong trào quần chúng.

Về hình thức tuyên truyền:
Một là, phục vụ khách tham quan tại chỗ thông qua nội dung nhà trưng bày dưới sự hướng dẫn của các thuyết minh viên. Với 9 phòng trưng bày, Bảo tàng đã giúp người xem hiểu được toàn bộ tiến trình của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, từ nguyên nhân, diễn biến đến ảnh hưởng và ý nghĩa của phong trào.

Trong những năm chiến tranh cũng như khi đất nước đã hòa bình, với lòng say mê nghề nghiệp, các thế hệ thuyết minh viên của Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh đã góp phần làm sống lại hào khí anh hùng của Xô Viết Nghệ Tĩnh, tuyên truyền giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho các thế hệ người Việt Nam. Nhân dân coi đây là chốn linh thiêng, là “ Nhà thờ của Đảng”, là trường học cho mọi tầng lớp.

Có thể trích dẫn đôi lời cảm tưởng của khách tham quan: “ Xin cám ơn Bảo tàng, cám ơn các đồng chí thuyết minh của Bảo tàng. Tin rằng, nhà trưng bày với sự trông coi của các đồng chí sẽ ngày càng sâu sắc, phong phú, xứng đáng là ngọn cờ văn hóa- cách mạng của quê hương Xô viết, là trung tâm giáo dục truyền thống cách mạng cho nhân dân”.
(Nguyễn Khoa Điềm- Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin - 25/1/1996)

“ Nếu nước Pháp từ nay trở đi còn một lần đối xử và quan hệ không tốt với nhân dân Việt Nam, chúng tôi sẽ là người đứng lên phản đối đầu tiên.” ( Đoàn trí thức Pháp)

Trong vài chục năm trở lại đây, đứng trước thực trạng khách đến các Bảo tàng cách mạng ngày càng ít đi, Bảo tàng đã trực tiếp đến các cơ quan, đơn vị bộ đội, phường, xã mời họ đến tham quan, nghe nói chuyện truyền thống, xem phim tư liệu v.v.

Từ năm 2005 Bảo tàng đã tham mưu cho Tỉnh ủy UBND tỉnh, Sở Văn hóa -Thể thao và Du lịch, Sở Giáo dục- Đào tạo kế hoạch “ Đưa Xô viết Nghệ - Tĩnh vào trường học”. Sau khi chủ trương được phê duyệt, Bảo tàng đã triển khai phối hợp với Sở Giáo dục – Đào tạo để tổ chức cho học sinh các trường THCS, THPT trong thành phố Vinh và các huyện phụ cận đến tham quan Bảo tàng. Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho các trường có thêm tư liệu về Xô Viết Nghệ Tĩnh, Bảo tàng đã kết hợp với Đài truyền hình Nghệ An xây dựng bộ phim tư liệu khoa giáo về Xô Viết Nghệ Tĩnh; soạn bài giảng làm tài liệu ngoại khóa cho học sinh lớp 9 và lớp 12. Kết quả, sự hiểu biết của các em học sinh phổ thông được nâng cao rõ rệt, hiệu quả giáo dục được ngành GD-ĐT đánh giá cao.

Hai là, tổ chức trưng bày lưu động phục vụ nhân dân các địa phương, nhất là các huyện vùng sâu, vùng xa. Trong thời kỳ chiến tranh, với bộ trưng bày đơn giản, gọn nhẹ, bảo tàng đã phục vụ nhiều điểm ở các huyện Thanh Chương, Nghi Lộc, Hưng Nguyên v.v, kịp thời động viên bộ đội, nhân dân vừa lao động sản xuất vừa tham gia chiến đấu, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần trong các xóm làng. Từ năm 1987, bảo tàng XVNT trở thành chi nhánh của Bảo tàng cách mạng Việt Nam, Bộ trưng bày lưu động cũng được xây dựng lại quy mô hơn, hấp dẫn, tiện lợi hơn. Nhân dịp kỷ niệm 70 năm cách mạng tháng Mười Nga (7/11/1917- 7/11/1987), Bảo tàng đã tổ chức các đợt trưng bày lưu động với chủ đề: “ Từ cách mạng tháng Mười đến Xô viết Nghệ Tĩnh” ở các huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Đô Lương (Nghệ An), Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Trong bối cảnh lịch sử trong nước và thế giới phức tạp lúc bấy giờ, bộ trưng bày lưu động đã góp một phần không nhỏ giáo dục truyền thống cách mạng, củng cố niềm tin vào chế độ XHCN và sự lãnh đạo của Đảng.

Vào dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc, ngày sinh các danh nhân cách mạng, trưng bày lưu động ngoài nội dung tuyên truyền về Xô Viết Nghệ Tĩnh, tùy thuộc vào đặc điểm từng thời kỳ, địa phương Bảo tàng còn xây dựng thêm một số nội dung phù hợp để phục vụ công chúng như chuyên đề: “ 60 năm Xô Viết Nghệ Tĩnh và lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam”, “ Chủ tịch Hồ Chí Minh với Xô viết Nghệ Tĩnh”, “ Từ Xô viết Nghệ Tĩnh đến cách mạng tháng Tám”, “Từ chính quyền Xô viết đến chính quyền dân chủ nhân dân”, “ Đảng cộng sản Việt Nam qua các kỳ Đại hội”…và giới thiệu chân dung các chiến sỹ Xô viết của địa phương để phục vụ việc tìm kiếm thân nhân của các gia đình cách mạng, đồng thời khơi dậy lòng tự hào, niềm kiêu hãnh về truyền thống yêu nước và cách mạng đối với thế hệ trẻ.

Ba là tổ chức các chương trình Giao lưu văn hóa. Mỗi năm, Bảo tàng thường tổ chức từ 4-5 cuộc giao lưu văn hóa tại Bảo tàng và ở các địa phương. Đối tượng tham gia giao lưu chủ yếu là học sinh, sinh viên, bộ đội, công an, thanh niên các phường, xã. Nội dung và hình thức giao lưu thường xuyên đổi mới để ngày càng hấp dẫn hơn. Các chương trình giao lưu đều có hai nội dung: thi tìm hiểu lịch sử XVNT và liên hoan văn nghệ kết hợp tham quan.. Đây là hình thức sinh hoạt văn hóa vừa sinh động vừa hấp dẫn, tạo sân chơi để thế hệ trẻ hôm nay được tìm hiểu kỹ hơn, sâu hơn về truyền thống cách mạng của quê hương mình, về những người con đã cống hiến trọn đời cho nền độc lập của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân. Tiêu biểu như: giao lưu: “ Tuổi trẻ Quế Phong với Xô Viết Nghệ Tĩnh”, “ Tuổi trẻ thành phố Vinh với các nhân chứng lịch sử”…

Bốn là, tổ chức tuyên truyền miệng, nói chuyện chuyên đề XVNT. Đây là hình thức tuyên truyền có hiệu quả được tiến hành ở các địa phương có di tích Xô Viết Nghệ Tĩnh tiêu biểu như đình Võ Liệt ở Thanh Chương, đền Chính Vị ở Nghi Lộc, Tràng Kè ở Yên Thành, đình Tám Mái ở Quỳnh Lưu v.v. kết hợp chiếu phim tư liệu về phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, giúp khán giả sống lại với hào khí oai hùng của XVNT 1930-1931.

Từ những hoạt động đó, lượng khách tham quan, học tập tại bảo tàng và ở cơ sở ngày càng cao, mỗi năm có hơn 500 ngàn lượt người tham quan trưng bày tại chỗ và trưng bày lưu động.

Năm là, tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng.
50 năm qua, đã có hàng trăm bài nghiên cứu được đăng tải trên các báo, tạp chí ở Trung ương và địa phương. Nội dung các bài viết là những tư liệu, hiện vật cụ thể, di tích cách mạng, nhân vật lịch sử liên quan đến phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931. Năm 2008, đã xây dựng và đưa vào vận hành trang thông tin điện tử Bảo tàng Xô viết Nghệ - Tĩnh. Từ ngày đi vào hoạt động, trang website của Bảo tàng luôn cập nhật những thông tin mới nhất, những bài viết hay, có độ chính xác cao để giới thiệu với công chúng, đến nay đã có hơn 300.000 lượt bạn đọc truy cập. Trang Website của Bảo tàng cũng đã có baner tại một số trang Web khác như trang Website Du lịch Nghệ An, Website Văn hóa Nghệ An…

Sáu là, tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học, xuất bản nhiều công trình nghiên cứu khoa học có giá trị như Kỷ yếu Hội thảo khoa học về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của đồng chí Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Trương Vân Lĩnh, Phan Thái Ất, Lê Mao, Nguyễn Phong Sắc; các kỷ yếu Hội thảo khoa học 60 năm, 65 năm, 70 năm, 75 năm XVNT, Nhà lao Vinh…Những công trình đó góp phần làm sáng tỏ thêm những vấn đề lịch sử, những nhân vật lịch sử trong phong trào XVNT, từ đó nâng cao nhận thức, hiểu biết lịch sử, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho nhân dân. Nhìn lại chặng đường hoạt động của Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh 50 năm qua, chúng ta tự hào về những kết quả đã đạt được, một kết quả đã góp phần khẳng định vai trò, vị trí của Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh trong các binh chủng hợp thành làm công tác tuyên truyền, giáo dục của Đảng, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, tư tưởng mà Đảng và Nhà nước giao phó.

Trong xu thế hội nhập quốc tế mạnh mẽ như hiện nay, các trào lưu văn hóa ngoại lai thâm nhập ngày càng nhiều, nhu cầu và thị hiếu hưởng thụ văn hóa của xã hội ngày càng cao và phức tạp, công tác tuyên truyền, giáo dục của Đảng càng cần phải được quan tâm đặc biệt. Nằm trong đội ngũ làm công tác tuyên truyền của Đảng, Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh phải nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa để xứng đáng là địa chỉ đỏ, là nơi trưng bày và giới thiệu những tài liệu, hiện vật về các vị tiền bối của Đảng, về cao trào cách mạng đầu tiên của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Tuy nhiên, phải thắng thắn thừa nhận rằng, hiện nay, các bảo tàng nói chung và bảo tàng lịch sử, cách mạng nói riêng sức hấp dẫn còn hạn chế, vắng khách. Hiện thực đó đòi hỏi những người làm công tác tuyên truyền của Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh phải trăn trở tìm tòi những nội dung, hình thức, giải pháp mới để không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động.

Một là phải đổi mới, nâng cao nội dung và hình thức trưng bày tại Nhà Trưng bày bảo tàng và các bộ trưng bày lưu động, ứng dụng được các thành tựu mới về trưng bày bảo tàng của Việt Nam và thế giới để nâng cao sức hấp dẫn của bảo tàng đối với công chúng.

Hai là phải đổi mới công tác thuyết minh để tạo cho mỗi tư liệu, hiện vật là một mẩu chuyện sinh động, hấp dẫn về những con người làm nên XVNT nhằm tránh bớt cảm giác khô khan cho khách tham quan.

Ba là phải tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của Bảo tàng, đặc biệt là duy trì và phát triển trang Thông tin điện tử Bảo tàng XVNT.

Bốn là phải tăng cường đi cơ sở, nhất là vùng sâu, vùng xa, tổ chức nói chuyện truyền thống, trưng bày lưu động, giao lưu văn hóa tại các di tích XVNT, biến nơi đây thành trường học lịch sử ở địa phương. Cần nghiên cứu để đổi mới hình thức tổ chức, phối hợp với các đơn vị nghệ thuật, điện ảnh, các trung tâm văn hóa, chính quyền địa phương, đoàn thanh niên và bộ đội biên phòng…để đa dạng hóa hoạt động, làm cho các hoạt động này trở thành ngày hội quần chúng.

Năm là tăng cường quảng bá rộng rãi về XVNT trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên Website của Bảo tàng, nghiên cứu để đưa ra những vấn đề hấp dẫn để thảo luận, cuốn hút công chúng đến với Bảo tàng.

Sáu là tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, sưu tầm tài liệu, hiện vật, xây dựng các bộ sưu tập ài liệu, hiện vật gốc có giá trị để tạo được bản sắc riêng độc đáo của Bảo tàng, tăng cường sức hấp dẫn đối với người xem.

Bảy là đẩy mạnh thực hiện Chương trình “Đưa XVNT vào trường học” ở Nghệ An và triển khai Chương trình này ở Hà Tĩnh để cung cấp cho các em những kiến thức cơ bản về XVNT, góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Tám là nghiên cứu tổ chức các hoạt động dịch vụ thích hợp tại Bảo tàng để tạo ra một sân chơi, một tụ điểm sinh hoạt văn hóa, vui chơi, giải trí lành mạnh, kết hợp tham quan bảo tàng thông qua đó để giáo dục truyền thống một cách nhẹ nhàng, hiệu quả.

Phát huy những thành tựu đã đạt được trong 50 năm xây dựng và phát triển, Bảo tàng XVNT phải luôn luôn cập nhật được sự phát triển của các bảo tàng trong nước, trong khu vực, cập nhật được sự phát triển của đời sống xã hội, để làm sao vừa kế thừa được những thành tựu trong 50 qua, vừa mạnh dạn sáng tạo nội dung và hình thức hoạt động mới hiệu quả hơn, góp phần đắc lực phục vụ tốt công tác tuyên truyền, giáo dục của Đảng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nguyễn Xuân Thủy- Bảo tàng XVNT

 

 

Video