NHỮNG TỜ BÁO CỦA ĐẢNG BỘ HÀ TĨNH NĂM 1930-1931

Tác giả: Nguyễn Vân Anh
Ngày 2024-06-27 07:25:01

Đầu năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, đánh dấu bước ngoặt trọng đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Vừa mới ra đời, Đảng rất chú trọng tới công tác báo chí để tuyên truyền, phổ biến mục đích, đường lối của Đảng, cổ động Nhân dân đứng lên đòi những quyền tự do, dân chủ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, từ cấp Trung ương xuống các địa phương, nhiều tờ báo cách mạng cũng được ra đời, đặc biệt là ở Nghệ -Tĩnh.

Cuối tháng 3/1930, Đảng bộ lâm thời Hà Tĩnh  được thành lập đã chỉ đạo sát sao các cấp bộ Đảng thiết lập, phát triển các tờ báo của mình trở thành vũ khí sắc bén trong cuộc đấu tranh quyết liệt với kẻ thù. Trong những năm 1930-1931, nhiều tờ báo lần lượt được ra đời như: Báo “Bước tới” của Tỉnh ủy lâm thời Hà Tĩnh, xuất bản năm 1930; Báo “Cổ động” của Huyện ủy La Sơn, Đức Thọ; Báo “Tiếng gọi” của Huyện ủy Thạch Hà, xuất bản năm 1930; Báo “Tự cứu” của Huyện ủy Can Lộc, xuất bản năm 1931; Báo “Dân cày” của Huyện ủy Hương Sơn, xuất bản năm 1930; Báo “Bước tới” của Huyện uỷ Cẩm Xuyên, xuất bản năm 1931….

Qua thống kê, dù chưa đầy đủ, các tờ báo nêu trên của Đảng bộ Hà Tĩnh đã minh chứng, khẳng định vai trò của báo chí cách mạng góp phần quan trọng vào thắng lợi của phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh.

Xuất hiện trong hoàn cảnh Đảng mới ra đời, lại hoạt động trong điều kiện bí mật, các tờ báo chủ yếu được in thủ công, số lượng phát hành mỗi tờ báo không nhiều, ra không định kỳ, ngôn ngữ phần nhiều mang tính địa phương, văn phong mộc mạc, khổ báo cũng không đều, trình bày đa dạng…

Nội dung của các tờ báo chủ yếu tập trung vạch trần những âm mưu, chính sách và những tội ác của đế quốc, phong kiến, nêu cao tinh thần chiến đấu chống kẻ thù xâm lược của Nhân dân, tuyên truyền chủ nghĩa Mác – Lênin, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, đồng thời thức tỉnh quần chúng đấu tranh dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng. Báo chí cùng các truyền đơn, Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương, Xứ ủy, Tỉnh ủy Hà Tĩnh được in phân phát xuống tận cơ sở đã trở thành tiếng nói của Đảng nhằm tuyên truyền, cổ vũ các tầng lớp Nhân dân Hà Tĩnh. Nhờ sự tuyên truyền, cổ động mạnh mẽ và sâu sát của các bài báo, phong trào đấu tranh của quần chúng nổ ra ngày càng mạnh mẽ dẫn đến sự ra đời chính quyền Xô viết ở nhiều địa phương trong tỉnh.

Tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh đang bảo quản, trưng bày sưu tập báo chí của Đảng trong đó có báo “Bước tới” - cơ quan ngôn luận của Tỉnh ủy Hà Tĩnh. Phụ trách viết bài có đồng chí Lê Lộc[1] và hai đồng chí Lê Danh Tôn, Mai Trọng Đạn. Các tin bài được viết trên đá thanh rồi dùng ru lô thấm mực tàu trên nền giấy pơ luya mỏng, nhám để in báo. Cuối tháng 10/1930, báo tăng lên 6 trang và sang năm 1931 tăng lên 8 trang. Lúc đầu mỗi tháng một số, về sau lên 2, 3 số. Nội dung báo ngày một phong phú sát thực tế, phục vụ cơ sở kịp thời.  

Báo “Bước tới” số ra đầu tiên ngày 1/5/1930 đưa tin: “ Kỷ niệm 1/5/1930 chúng ta phải làm gì?”.

Báo “Bước Tới” số 25 ngày 5/2/1931 đưa tin đấu tranh ở huyện Đức Thọ, Nghi Xuân; Báo “Bước Tới” (không rõ số) với nhan đề: “Do dự là tội chết của công nông. Tranh đấu là quyền chính đáng của các nhà lao động… Mau mau đứng dậy để phất cờ tranh đấu chống lại chính sách khủng bố tối dạ của đế quốc Pháp…”

Báo “Bước tới” số 33 ra ngày 6/6/1931 được Pháp sao lại bằng tiếng Pháp với nội dung nói về phong trào đấu tranh của Nhân dân trong tỉnh và thế giới, kêu gọi quần chúng đứng lên đấu tranh…

Năm 1931, Tỉnh uỷ điều thêm đồng chí Thái Văn Giai ở Hương Sơn, Lê Phú Thành ở Đức Thọ, Võ Đỉnh ở Can Lộc lên bổ sung cho Ban tuyên truyền cổ động và Ban biên tập báo “Bước tới”.

Theo lời kể của đồng chí Lê Lộc (Thường vụ Tỉnh ủy, kiêm Trưởng ban Tuyên truyền Cổ động) từ 5/1931 đến tháng 10/1931: “… Nhiệm vụ trước mắt trong ba ngày phải in xong 320 tờ báo Bước tới số 1 để kịp chuyển xuống các chi bộ trong tỉnh trước ngày 1/5/1930… Báo Bước tới số 1 có 4 trang, trang đầu là bài xã luận nêu rõ ý nghĩa ngày Quốc tế lao động 1/5, tiếp theo là tố cáo tội ác của đế quốc phong kiến và cuối cùng là lời hiệu triệu…”[2].

Theo Báo cáo của mật thám Hà Tĩnh gửi lên cấp trên hiện lưu trữ tại văn phòng Trung ương Đảng có viết: “Ngày 3/5/1930, chúng tôi phát hiện và tịch thu được một số báo Bước tới số đầu tiên in vào ngày 1/5/1930. Đây là tờ báo cộng sản đầu tiên của Tỉnh ủy lâm thời ở Hà Tĩnh. Báo đó đã hô hào, kích động công nông, thương gia, binh sĩ, trí thức theo cộng sản phá rối nền bảo hộ của người Pháp và sự chăn dắt của Nam triều. Thật nguy hiểm vì nó cố tình kích động nhân dân làm loạn”. Báo “Bước tới” ra đời cùng với một số tờ báo khác như một luồng gió mới, thổi vào phong trào đấu tranh của Nhân dân toàn tỉnh Hà Tĩnh.                                                          

Bên cạnh Báo “Bước tới” của Tỉnh ủy còn có Báo “Tiếng gọi”, cơ quan truyên truyền của huyện ủy Thạch Hà do đồng chí Lê Hữu Viên ở xã Thạch Liên làm chủ bút. Tờ báo ra đời nhằm tuyên truyền đấu tranh cách mạng, chống manh động, ám sát cá nhân…

Báo “Tiếng gọi” số 2 ra ngày 12/2/1931 có bài viết với nhan đề: “Quân thù của anh em chị em chúng ta là gì; Tin tức đấu tranh trong huyện”. Tờ báo viết: “…Từ xưa tới nay, chúng ta làm lụng suốt năm, mồ hồi lộn nước mắt chân lấm tay bùn, dầm mưa dại nắng, cực khổ biết bao, mà vợ vẫn kêu đói con van rét, thậm chí một mình mà cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, là tại làm sao? Có phải tại chúng ta nhả nhớn hay tại số phận gì đâu.  Nguyên nhân chỉ vì mấy bọn ăn cướp rất có quyền. Chính bọn phong kiến quan lại. Bọn này ăn rồi ngồi trên giường cao chiếu miến, lính tráng hầu hạ, đi đâu thì có ngựa xe… Bọn địa chủ. Bọn này cũng thật là sung sướng, nào lầu cao gác rộng, áo nọ mũ kia, suốt đời chỉ ăn không ngồi rồi mà kiếm tiền chan chứa… Bọn cường hào. Bọn này ra làm việc làng việc xã để ăn bớt của dân, cái gì tiêu hết 1 đồng thì bắt dân trả thành 3,4… Bọn đế quốc tư bản. Bọn này thật là ghê gớm! Chúng nó cũng nhờ bóc lột anh em chị em lao khổ mà làm nên giàu… Vậy từ nay về sau, anh em chị em hãy nên trông gương “tranh đấu thắng lợi” …phá bỏ cái chế độ xạ hội hủ bại, cướp lấy chính quyền, lập nên chính Công nông Bình, thì anh em chị em mới có thể sống và sung sướng được…”

Báo “Tiếng gọi số ra ngày 17/5/1931 với nội dung: “Vì sao phải biểu tình? Khủng bố đế quốc có chuyển sang cách mạng không? Tin tức thế giới. Tin tức của Huyện…”  (được Pháp sao lại bằng tiếng Pháp).

Báo “Cổ động” của Huyện bộ La Sơn, huyện Đức Thọ số ra ngày 15/2/1931 đưa tin: “Cải lương và cách mệnh. Sau khi đã nhận thẻ quy thuận rồi chúng ta phải thế nào”. Nội dung chính của bài báo là làm rõ khái niệm cách mạng và cải lương, bài báo viết: “Cải lương! Cải lương! Đó là một cái mưu giải quyết của Đế quốc Pháp và bọn Nam triều dùng lừa dối anh em chị em ta hòng làm cho lạc lối tinh thần cách mệnh. Anh em chị em ta phải biết, cách mệnh và cải lương hai đường khác nhau như trời với vực. Cách mệnh là gì? Tức là đánh đổ tất cả giai cấp, đánh đổ cái xã hội hụi bại hiện thời để mở xiềng xích chuyên chế cho anh em chị em vô sản và đưa anh chị em vô sản lên con đường hạnh phúc…”

Theo Hồi ký đồng chí Trần Chí Tín lưu tại kho lưu trữ Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh, tháng 10/1930, Huyện uỷ lâm thời Hương Sơn được thành lập và xuất bản tờ báo “Dân cày” do đồng chí Trần Chí Tín làm chủ bút và đồng chí Nguyễn Mật phụ trách. Tờ báo “Dân cày” được phát hành rộng rãi trong quần chúng để phổ biến các cuộc đấu tranh và tuyên truyền mọi chủ trương của Đảng, in thêm tài liệu huấn luyện hội viên Nông hội đỏ ở tỉnh gửi về để đủ cung cấp cho các Nông hội. Cơ quan ấn loát được đặt tại nhà ông Đinh Nho Huề làng Gôi Mỹ (Hương Sơn). “Để thực hiện nghị quyết của Huyện uỷ, tôi bắt đầu viết và in tờ báo Dân cày cùng một số ít anh em giúp việc. Báo xuất bản được 5 số thì phải đình bản vì điều kiện giao thông và liên lạc giữa Huyện uỷ và Thường vụ La Hương Hương rất chi là khó khăn…”[3].

 “Công việc phải làm ban đêm, gần sáng phải xong để kịp thời thu giấu dụng cụ in và tài liệu. Việc cất giấu cũng phải tốn công. Cứ in được 20 tờ thì gấp lại thành một bó, đem bỏ vào thùng sắt tây chôn sẵn trong một đám đất trồng rau luôn luôn được cuốc xới để xoá vết tích. Đến tối các giao thông viên đem về các làng”[4]

Thường vụ Xứ ủy Trung Kỳ cũng thường xuyên quan tâm, chỉ đạo cấp ủy tỉnh, huyện ở Hà Tĩnh tổ chức xuất bản báo bí mật, làm sao để nội dung sát với trình độ người đọc. Trong bức thư ngày 13/8/1931, của Thường vụ Xứ ủy Trung Kỳ gửi Tỉnh ủy Hà Tĩnh có viết như sau: “… Báo viết không căn cứ vào những sự áp bức, bóc lột trong quần chúng, ít bày tỏ chính sách Đảng, chỉ viết bông lông theo lối văn chương tư bản, và vả chăng lại hay làm qua chuyện, chỉ in, phát rời tay là được; không cử người giảng cho quần chúng, không chú ý xem xét nó có hợp với sở hữu quần chúng không… Báo phải viết cho vắn tắt, dễ hiểu và cho hùng hồn, cảm kích như một bài diễn thuyết. Nơi nào quần chúng ít biết chữ quốc ngữ thì in bằng chữ nôm cũng được, miễn làm thế nào cho quần chúng hiểu là tốt. Cứ căn cứ vào sự thực mà nói, chứ không văn chương cho lắm”.

Tuy ngày nay, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh chỉ còn giữ được một số lượng ít những tài liệu, trang báo ấy, nhưng đó là tư liệu lịch sử quý giá, giúp cho mọi người có thêm những thông tin và hiểu rõ hơn về các tờ báo cách mạng của Đảng bộ trong những năm 1930 -1931. Đồng thời, đây cũng là những minh chứng về vai trò sứ mệnh báo chí cách mạng là “những tế bào tổ chức” và “người tuyên truyền cổ động tập thể như Lênin từng nói.

Có thể khẳng định rằng, Báo chí cách mạng ở Hà Tĩnh những năm 1930-1931 thực sự góp phần quan trọng vào sự phát triển của phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh - đỉnh cao của cao trào cách mạng 1930-1931.

                                         Nguyễn Vân Anh

Phòng STKKBQ - Bảo tàng XVNT

 


[1] Đồng chí Lê Lộc quê ở xã Vượng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.

[2] Theo bài báo “ Một thời làm báo “ Bước tới” Tờ báo đảng đầu tiên ở Hà Tĩnh”

[3] Trích Hồi ký đồng chí Trần Chí Tín lưu tại kho lưu trữ Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh.

[4] Trích Hồi ký đồng chí Đinh Nho Khoách lưu tại kho lưu trữ Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh.

 

 

 

 

 

Video