Đồng chí Phan Văn Huề - tấm gương cộng sản kiên trung của quê hương Đức Thọ

Tác giả: Đặng Huyền Trang
Ngày 2024-06-19 07:33:43

Xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh nổi tiếng là mảnh đất sơn thủy hữu tình, là nơi sản sinh những nhà yêu nước và khoa bảng nổi tiếng như: Phan Đình Phùng, Bùi Dương Lịch, Phạm Văn Ngôn,… và là quê hương của đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trải qua thăng trầm của lịch sử, Nhân dân Tùng Ảnh với truyền thống cần cù sáng tạo, hiếu học, yêu nước đã có nhiều đóng góp to lớn cho công cuộc chống giặc ngoại xâm, bảo vệ bờ cõi. Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, Nhân dân Tùng Ảnh đã phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương, dũng cảm đứng lên, đoàn kết một lòng chiến đấu dưới lá cờ vẻ vang của Đảng. Đồng chí Phan Văn Huề là một trong những tấm gương chiến sỹ cộng sản tiêu biểu của quê hương Đức Thọ nói riêng và quê hương Hà Tĩnh nói chung.

Đồng chí Phan Văn Huề (hay còn gọi là Phan Trọng Huề) sinh ngày 8/9/1909 tại thôn Yên Hội, xã Yên Đồng, tổng Việt Yên (nay là xã Tùng Ảnh)[1], huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Là người yêu nước và giàu lòng trắc ẩn, chứng kiến sự áp bức của chính quyền thực dân Pháp và tay sai đối với người dân quê hương nên đồng chí Phan Văn Huề đã sớm tham gia vào các tổ chức yêu nước tiến bộ tại địa phương. Năm 1926, đồng chí Phan Văn Huề là một trong những thành viên của Đại tổ Phục Việt Đức Thọ - Hương Sơn. Nhờ hoạt động năng nổ của đồng chí Phan Văn Huề và Đại tổ, tư tưởng yêu nước tiến bộ đã được tuyên truyền rộng rãi cho Nhân dân. Đến cuối năm 1929, trước diễn biến mới của phong trào cách mạng và ảnh hưởng hoạt động của Hội Thanh niên, các đồng chí Phan Trọng Thành và Phan Văn Huề đã chuyển sang gia nhập Hội Thanh niên ở Yên Đồng.

Ảnh: Đồng chí Phan Văn Huề

Đầu năm 1930, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nâm được thành lập, đồng chí Trần Hữu Thiều (tức Lai, Trung Thiên) được Xứ ủy Trung Kỳ cử về Hà Tĩnh xây dựng cơ sở Đảng. Đồng chí đã cùng với đồng chí Trần Hưng[2] về huyện Đức Thọ để tìm hiểu tình hình. Đồng chí Trần Hưng là người trực tiếp về Việt Yên công tác. Nhận thấy các đồng chí: Phan Trọng Thành, Phan Văn Huề, Bùi Thức Huệ,… là những thanh niên có tư tưởng yêu nước tiến bộ và năng nổ trong phong trào đấu tranh tại địa phương, đồng chí Trần Hưng đã tiến hành tiếp cận và tuyên truyền về sự kiện thành lập Đảng. Cuối tháng 3/1930, dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Hưng, hội nghị thành lập chi bộ đảng để nhận nhiệm vụ lãnh đạo phong trào đấu tranh của Nhân dân hai xã Việt Yên Hạ và Yên Đồng đã được triệu tập. Đặc biệt, hội nghị thành lập chi bộ này còn có sự tham dự của đồng chí Trần Hữu Thiều. Chi bộ Việt Yên ra đời gồm 5 đồng chí: Phan Trọng Thành, Phan Văn Huề, Bùi Thức Huệ, Trần Đình Lan, Bùi Thức Kỳ. Đồng chí Phan Trọng Thành được bầu làm Bí thư đầu tiên của chi bộ. Đến tháng 4/1930, đồng chí Phan Văn Huề được bổ sung vào chi ủy và sau đó được tín nhiệm bầu giữ chức vụ Bí thư chi bộ Việt Yên.

 Chi bộ Việt Yên là một trong năm chi bộ Đảng được thành lập đầu tiên ở huyện Đức Thọ. Sự đời của chi bộ đã dánh dấu bước phát triển mới trong phong trào cách mạng ở hai xã Việt Yên Hạ và Yên Đồng. Ngay sau khi thành lập, đồng chí Phan Văn Huề và các đồng chí trong chi bộ đã xúc tiến công tác tuyên truyền, giác ngộ đảng viên. Thông qua hoạt động năng nổ của các đồng chí, chỉ vài tháng sau, chi bộ phát triển, kết nạp thêm được một số quần chúng yêu nước tiến bộ vào tổ chức.

Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Phan Văn Huề và chi bộ, Nhân dân Việt Yên Hạ - Yên Đồng đã tiếp tục phát huy truyền thống đấu tranh kiên cường bất khuất của các thế hệ tiền bối, dũng cảm đứng lên trong cuộc đấu tranh trực diện với kẻ thù.

Nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5/1930, thực hiện chủ trương của Huyện ủy lâm thời Đức Thọ, đồng chí Phan Văn Huề và Chi bộ Việt Yên Hạ - Yên Đồng đã phát động một đợt rải truyền đơn ở các làng trong vùng. Dưới sự chỉ đạo của chi bộ, cờ đỏ búa liềm được treo lên, bay cao trong gió, truyền đơn có nội dung chống đàn áp, đòi giảm sưu thuế, chống bắt phu, bắt lính; đoàn kết công – nông; ủng hộ phong trào công nhân quốc tế,… đã được rải rộng khắp từ đền làng Vạn Hộ tới phủ lỵ Đức Thọ. Không chỉ là người lãnh đạo phong trào, đồng chí Phan Văn Huề còn là người trực tiếp thực hiện rải truyền đơn tại địa phương. Việc cờ Đảng lần đầu tiên xuất hiện cũng đã tạo nên tiếng vang lớn, thu hút sự chú ý của đông đảo quần chúng, thúc đẩy tinh thần đấu tranh của Nhân dân.

Tháng 8/1930, nhân lúc giáp hạt, nông dân một số làng bị đói nặng, đồng chí Phan Văn Huề và Chi bộ Việt Yên đã lãnh đạo Nhân dân đấu tranh “vay thóc” cứu đói. Cuộc đấu tranh đã giành được thắng lợi với 3.600kg thóc phân phát cho quần chúng nhân dân. Người chỉ đạo thực hiện cuộc đấu tranh này là các đồng chí: Phan Trọng Thành, Phan Văn Huề và Mai Trọng Đạn.

Tiếp đó, nhân ngày Quốc tế chống chiến tranh đế quốc (1/8/1930), thực hiện chỉ thị  về việc tổ chức "các cuộc biểu tình phải có tính chất chính trị và đòi một số quyền lợi về đời sống kinh tế" của Tỉnh ủy Hà Tĩnh, đồng chí Phan Văn Huề và các đồng chí trong Chi bộ Việt Yên đã nhanh chóng tiến hành các hoạt động tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân. Kết quả, dưới sự lãnh đạo của chi bộ, đông đảo quần chúng xã Việt Yên Hạ và Yên Đồng đã tích cực tham gia cuộc mít tinh. Tối ngày 1/8/1930, cờ đỏ búa liềm một lần nữa xuất hiện, hiên ngang bay trên đình làng Đông Thái. Quần chúng nhân dân theo sự chỉ đạo của chi bộ, từ các ngả bắt đầu kéo về tập trung tại Mục Vấn[3]. Sau khi nghe đồng chí Phan Văn Huề và các đồng chí đảng viên diễn thuyết, mọi người liền hô vang các khẩu hiệu đấu tranh: "Đả đảo chiến tranh đế quốc", "Đả đảo bóc lột", "Đả đảo đàn áp biểu tình", "Bãi bỏ thuế thân, thuế chợ",... Sau đó, đoàn người tiếp tục biểu tình thị uy, vừa đi vừa rải truyền đơn tạo nên một không khí đấu tranh mạnh mẽ khiến hào lý địa phương sợ hãi, không dám manh động.

Từ tháng 9/1930, để tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, đồng chí Phan Văn Huề cùng chi bộ Việt Yên đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thành lập các tổ chức quần chúng yêu nước. Nhờ hoạt động sâu sát của các đồng chí, chỉ sau một thời gian ngắn, các tổ chức: Nông hội đỏ, Phụ nữ, Thanh niên, Cứu tế đỏ, Tự vệ đỏ,… lần lượt ra đời, thu hút đông đảo quần chúng tham gia. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ, Nhân dân Việt Yên Hạ - Yên Đồng đã hăng hái tham gia vào các cuộc đấu tranh lớn ở địa phương, như: cuộc mít tinh và tuần hành thị uy kỷ niệm ngày Cách mạng Tháng Mười Nga tại nhà Thánh Yên Đồng với quy mô hàng trăm người tham dự (7/11/1930); phối hợp với Nhân dân tổng Yên Hồ, Thịnh Quả tổ chức cuộc mít tinh, sau đó tuần hành kéo lên huyện lỵ với quy mô lên đến gần 2.000 người nhân dịp kỷ niệm ngày Quảng Châu công xã (12/12/1930);…

Bên cạnh nhiệm vụ lãnh đạo phong trào đấu tranh trên địa bàn xã Việt Yên Hạ - Yên Đồng, Chi bộ Việt Yên còn làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền phát triển Đảng ra các địa phương khác như Yên Trung[4], Phụng Công[5] và nhiều nơi khác trong tổng Việt Yên.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của làn sóng đấu tranh tại Việt Yên Hạ - Yên Đồng nói riêng, của Nhân dân Nghệ Tĩnh nói chung, thực dân Pháp và chính quyền phong kiến tay sai đã thi hành nhiều biện pháp khủng bố với mong muốn dập tắt phong trào này. Trước sự truy lùng ráo riết của hệ thống bang tá, mật thám tay sai, tháng 2/1931, đồng chí Phan Văn Huề cùng một số đồng chí đảng viên đã bị rơi vào tay giặc. Mọi thủ đoạn đều không khuất phục được ý chí của đồng chí Phan Văn Huề, kẻ địch đã chuyển đồng chí từ Nhà lao Linh Cảm lên nhà lao huyện Hương Khê với mục đích: cách ly đồng chí Phan Văn Huề với phong trào cách mạng địa phương[6].

Năm 1936, sau khi được trả tự do, đồng chí Phan Văn Huề đã tiếp tục bắt liên lạc với các đảng viên, cựu tù chính trị để tiếp tục hoạt động. Tháng 9/1936, được tin Chính phủ Mặt trận Nhân dân Pháp chuẩn bị cử phái đoàn sang điều tra tình hình các nước thuộc địa Đông Dương, Trung ương Đảng đã chủ trương phát động một phong trào thu thập nguyện vọng của quần chúng Nhân dân để trình lên phái đoàn. Thực hiện chủ trương đó, huyện Đức Thọ tuy chưa khôi phục được tổ chức nhưng các đồng chí đảng viên, cựu tù chính trị đã chủ động tổ chức cuộc họp bàn tại Bùi Xá. Hội nghị đã thành lập ra Ban Vận động Đông Dương đại hội của huyện gồm 8 đồng chí. Đồng chí Phan Văn Huề là một trong 8 ủy viên của Ban Vận động, đã tích cực tham gia các hoạt động vận động quần chúng tham gia các cuộc biểu tình; thu thập ý kiến của Nhân dân để xây dựng ra “Bản dân nguyện” để trình lên phái đoàn điều tra.

Không chỉ tích cực trong phong trào của toàn huyện, đồng chí Phan Văn Huề còn trở về quê hương tiến hành móc nối liên lạc để khôi phục tổ chức Đảng. Đến tháng 7/1937, các đồng chí Phan Văn Huề, Kiều Hữu Thao, Kiều Ngọc Lung đã tái lập được một tổ Đảng ở Việt Yên Hạ - Yên Đồng. Sự kiện này chính là mốc son đánh dấu việc khôi phục thành công tổ chức Đảng đầu tiên tại Việt Yên sau khi bị địch đàn áp, tạm giải thể trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.

  Tháng 8/1941, đồng chí Phan Văn Huề bị địch bắt lần thứ hai. Trong lần bắt giam này, kẻ địch đã ra quyết định giải đồng chí từ Nhà lao Hà Tĩnh vào Căng an trí Ly Hy ở Thừa Thiên, nhằm cách ly hoàn toàn đồng chí Phan Văn Huề với phong trào cách mạng Hà Tĩnh (8/1941 đến 11/1942).

Ngày 19/5/1945, Ban Vận động Việt Minh liên tỉnh Nghệ Tĩnh được thành lập, đã đưa ra Chương trình hành động trong tình hình mới, trong đó có nhiệm vụ “Xúc tiến việc thành lập mặt trận Việt Minh”. Tháng 6/1945, được sự chỉ đạo của Ban Vận động Việt Minh liên tỉnh Nghệ Tĩnh, Ban Liên lạc Việt minh huyện Đức Thọ đã được ra đời. Đồng chí Phan Văn Huề là một trong 11 ủy viên của Việt Minh huyện Đức Thọ, nhận nhiệm vụ phụ trách Việt Minh tổng Việt Yên.

Tháng 8/1945, thực hiện chủ trương của Việt Minh liên tỉnh Nghệ Tĩnh về việc chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa, Ủy ban Khởi nghĩa tổng Việt Yên đã được thành lập. Đồng chí Phan Văn Huề được tín nhiệm làm Chủ tịch Ủy ban. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Phan Văn Huề và Ủy ban Khởi nghĩa, Nhân dân tổng Việt Yên đã phối hợp với nhân dân các tổng đứng lên chớp thời cơ xóa bỏ chính quyền thực dân phong kiến, thành lập chính quyền cách mạng của Nhân dân trên địa bàn toàn huyện.

Ngày 25/10/1945, cuộc họp cán bộ đảng viên huyện Đức Thọ đã tiến hành họp bàn và cử ra Ban Chấp hành Huyện ủy lâm thời gồm đồng chí Phan Văn Huề và 5 đồng chí khác. Đến tháng 4/1946, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Đức Thọ được triệu tập với mục địch kiện toàn Ban Chấp hành, bàn bạc kế sách hoạt động của Đảng bộ trong tình hình mới. Với những đóng góp và uy tín của mình, Đại hội tín nhiệm bầu đồng chí Phan Văn Huề làm Bí thư Huyện ủy.

Trong các giai đoạn lịch sử tiếp theo, đồng chí Phan Văn Huề đã được Đảng, Nhà nước giao giữ nhiều trọng trách quan trọng, như: Phó Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh (12/1947-12/1948), Bí thư Liên chi 1 tỉnh Hà Tĩnh (5/1949-6/1949), Trưởng Ban Tài chính tỉnh Hà Tĩnh (3/1951-12/1951); Trưởng phòng Tổ chức Hành chính ngân hàng Hà Tĩnh (10/1956-9/1959), Chủ nhiệm Công ty Mỹ nghệ Vàng bạc Ngân hàng Trung ương,… Ở bất cứ vị trí nào, người chiến sỹ cộng sản ưu tú của quê hương Đức Thọ luôn nỗ lực vượt khó để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Với những đóng góp to lớn cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, đồng chí Phan Văn Huề đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận, tặng thưởng nhiều huân chương cao quý: Huân chương Kháng chiến hạng Nhì (1961), Huân chương Độc lập hạng Ba,… Cuộc đời hoạt động của đồng chí Phan Văn Huề xứng đáng là tấm gương sáng để các thế hệ học tập và noi theo.

ThS. Đặng Huyền Trang

Trưởng phòng STKKBQ - Bảo tàng XVNT

Chú thích:

[1]  Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, xã Việt Yên Hạ gồm 2 thôn Tùng Ảnh và Trinh Nguyên; xã Yên Đồng gồm 3 thôn Đông Thái, Yên Hội, Yên Nội.

[2]  Tức giáo Hoàng, quê ở làng Vĩnh Khánh

[3] Gần làng Cẩn Ky, nay thuộc xã Tân Dân, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh

[4] Nay thuộc Thị trấn Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh

[5] Nay thuộc xã Hòa Lạc, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh

[6] Theo Lý lịch Đảng của đồng chí Phan Văn Huề, không rõ Bản án

Tài liệu tham khảo:

- Lịch sử Đảng bộ huyện Đức Thọ, NXB Chính trị Quốc Gia, 1998.

- Lịch sử Đảng bộ xã Tùng Ảnh, Xí nghiệp in Hà Tĩnh, 2004.

 

- Lý lịch Đảng viên và tài liệu do thân nhân đồng chí Phan Văn Huề cung cấp.

 

 

Video