Đồng chí Ngô Đức Đệ - Người chiến sỹ cộng sản kiên trung, người con ưu tú của quê hương Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh

Tác giả: Đặng Huyền Trang
Ngày 2024-01-25 08:00:33

Nằm trong vùng đất "phiên trại" của Tổ quốc, Can Lộc là địa phương có bề dày văn hóa, truyền thống yêu nước và cách mạng. Trải qua các thời kỳ dựng nước và giữ nước, quê hương Can Lộc đã sản sinh ra nhiều danh thần, võ tướng, những dòng họ lớn có công với nước với dân.

Họ Ngô Trảo Nha là một trong những dòng họ lớn của quê hương Can Lộc. Đầu thế kỷ XX, nối tiếp truyền thống tốt đẹp của dòng họ, các thế hệ con cháu họ Ngô đã đứng lên, đồng cam cộng khổ cùng nhân dân cả nước tham gia vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Tiêu biểu có thể kể đến những tấm gương như: chí sĩ Ngô Đức Kế (một trong những người đi đầu trong các phong trào chống Pháp), Ngô Đức Thiệu (tham gia phong trào Đông Du), Ngô Đức Diễn (một trong những người sáng lập Tân Việt Cách mạng Đảng)... và đồng chí Ngô Đức Đệ.

Đồng chí Ngô Đức Đệ sinh năm 1905, quê ở Trảo Nha (nay là thị trấn Nghèn), huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.  Đồng chí là con trai của cụ Ngô Đức Thiện thuộc chi 9, dòng họ Ngô Trảo Nha. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học và yêu nước, đồng chí Ngô Đức Đệ đã được cho đi học chữ từ nhỏ. Sau khi tốt nghiệp bậc Tiểu học, đồng chí về làm thầy giáo trường làng của huyện Can Lộc. Không chỉ là một người thầy dạy chữ mà đồng chí Ngô Đức Đệ còn tích cực tuyên truyền cho các học trò về những tấm gương yêu nước của quê hương.

Ảnh: Đồng chí Ngô Đức Đệ

Mùa hè năm 1925, thầy giáo Ngô Đức Diễn – thành viên sáng lập hội Phục Việt[1] đã về Can Lộc hoạt động. Đồng chí Ngô Đức Diễn chính là chú của đồng chí Ngô Đức Đệ[2]. Nhận thấy đồng chí Ngô Đức Đệ là thanh niên có tinh thần yêu nước tiến bộ, đồng chí Ngô Đức Diễn đã lựa chọn đồng chí tham gia công tác tuyên truyền gây dựng tổ chức. Tháng 9/1925, tổ Phục Việt đầu tiên của huyện Can Lộc đã được thành lập gồm đồng chí Ngô Đức Đệ và bốn đồng chí khác. Sau khi thành lập, các đồng chí đã bí mật tổ chức các hoạt động tuyên truyền tư tưởng “hợp quần”, “ái quốc” cho quần chúng nhân dân. Nhờ hoạt động năng nổ của đồng chí Ngô Đức Đệ và các hội viên, hội Phục Việt ngày phát triển và lan tỏa mạnh mẽ tại Hà Tĩnh. Năm 1927, đồng chí Ngô Đức Đệ được tín nhiệm bầu giữ chức vụ Bí thư Tân Việt tỉnh Hà Tĩnh.

Tháng 12/1927, để chấn chỉnh tổ chức, sắp xếp lại cán bộ một số địa phương, Tổng bộ Tân Việt đã cử đồng chí Ngô Đức Đệ vào phụ trách Liên tỉnh Tứ Định, gồm có 4 tỉnh: Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Kon Tum. Tổng bộ lấy Quy Nhơn, Bình Định là nơi đặt cơ quan chỉ đạo.

Tại Quy Nhơn, đồng chí Ngô Đức Đệ đã bắt liên lạc với các đồng chí theo giấy giới thiệu và xúc tiến thành lập Ban Phụ trách liên tỉnh lâm thời. Đến cuối năm 1928, theo chủ trương của Tổng bộ, Ban liên tỉnh Tứ Định của Tân Việt được thành lập. Đồng chí Ngô Đức Đệ đã được tổ chức tín nhiệm bầu là Bí thư Tân Việt liên tỉnh Tứ Định. Để hoạt động che mắt địch, đồng chí Ngô Đức Đệ và các đồng chí trong tổ chức trong vai trò là các thầy giáo, thường lấy ngày chủ nhật đi thăm hỏi phụ huynh làm cớ để ngụy trang hoạt động tuyên truyền và gây cơ sở.

Cuối năm 1929, đồng chí Ngô Đức Đệ ra Hà Tĩnh tham dự Đại hội Tân Việt toàn quốc. Ngày 29 và 30 tháng 12 năm 1929, Đại hội thành lập Đông Dương Cộng sản Liên đoàn đã được tiến hành, gồm có các đồng chí: Ngô Đức Đệ, Nguyễn Xuân Thanh, Trần Đại Quả, Lê Tiềm, Nguyễn Tốn (đại biểu Trung Kỳ); Trần Hữu Chương, Nguyễn Khoa Văn (đại biểu Nam Kỳ); Ngô Đình Mẫn (đại biểu Bắc Kỳ). Đại hội quyết định bỏ tên gọi Tân Việt, đặt tên mới là Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Ngày 1/1/1930, do lo sợ bị lộ, Đại hội quyết định thay đổi địa điểm họp mới. Trong quá trình di chuyển, đồng chí Ngô Đức Đệ và các đại biểu đã bị địch bắt tại bến Đò Trai, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.

Trong hồ sơ của mật thám Pháp hiện lưu tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh dã ghi rõ: “… Từ Bình Định đến Phan Thiết thì Ngô Đức Đệ phụ trách các công việc của Đảng… Đầu năm 1930, các đồng chí mở một cuộc họp tại Đò Trai gồm 8 người: Lê Tiêm, Nguyễn Xuân Thanh, Trần Văn Chương, Nguyễn Văn Khoa, Ngô Đức Đệ… Mục đích của cuộc họp là để sáng lập một Đảng mới. Không may vừa họp xong thì tất cả đều bị bắt.”[3]

Tại nhà lao Hà Tĩnh, đồng chí Ngô Đức Đệ đã liên lạc được với đồng chí Trần Mậu Toàn và viết Bản Thông báo về nội dung, quyết định của Đại hội kèm theo những mật hiệu liên lạc với các địa phương gửi ra cho cơ quan Tỉnh bộ Tân Việt Hà Tĩnh. Nhờ vậy sau đó, các quyết định của Đại hội đều được thông đạt đến hầu hết các đảng viên Tân Việt.

Tiếp đó, đồng chí Ngô Đức Đệ bị áp giải ra nhà lao Vinh. Sau một thời gian tra khảo, kẻ địch đã kết án đồng chí 2 năm tù. Tháng 5/1930, do tham gia đấu tranh chống đòi sửa đổi chế độ ăn uống cho tù chính trị tại Nhà lao Vinh, đồng chí Ngô Đức Đệ đã bị xét là kẻ cầm đầu và tăng án thành 3 năm tù giam và đày vào Kon Tum. Hồ sơ mật thám Pháp lưu tại Cục Hồ sơ nghiệp vụ Bộ Công an đã nêu rõ: “… ông là người tổ chức cuộc đấu tranh trong tù cùng các chiến sĩ cộng sản khác nên chuyển ông tới giam tại nhà lao Kon Tum…”

Ngục Kon Tum được Pháp được xây dựng trong khoảng năm 1915 – 1917, nằm ở phía bắc sông Đắk Bla, thuộc địa phận tổng Tân Hương, tỉnh Kon Tum (nay là thành phố Kon Tum). Từ năm 1930 – 1933, Ngục Kon Tum vừa là nơi giam cầm, đày ải hơn 500 tù nhân chính trị, đồng thời cũng là nơi cung ứng nhân công mở đường Quốc lộ 14. Mặc dù bị đàn áp, nhưng những người tù chính trị đã dũng cảm, mưu trí, biến Ngục Kon Tum trở thành “trường học cách mạng”, lò luyện thép cho nhiều chiến sĩ cộng sản. Tại đây, Chi bộ Đảng đầu tiên đã được thành lập vào tháng 9 /1930 . Đây là sự kiện vô cùng quan trọng, có tính bước ngoặt, xác lập vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với phong trào đấu tranh cách mạng tại Kon Tum, đồng thời tạo ra cầu nối giữa cách mạng Kon Tum với phong trào cách mạng trên cả nước. Đây là sự kiện gắn liền với tên tuổi người chiến cộng sản kiên cường của quê hương Hà Tĩnh: đồng chí Ngô Đức Đệ.

Kon Tum trước là một trong 4 tỉnh thuộc liên tỉnh Tứ định Tân Việt mà đồng chí Ngô Đức Đệ phụ trách. Do đó, ngay sau khi bị đày vào ngục Kon Tum, đồng chí Ngô Đức Đệ đã xúc tiến tìm hiểu tình hình để chuẩn bị công tác gây dựng phong trào. Trải qua một thời gian tuyên truyền, vận động, đồng chí Ngô Đức Đệ đã giác ngộ xếp lao Huỳnh Đăng Thơ (cai Thơ, đội Phụng) và cai Liễu, cai Cừ. Ngày 25/9/1930, chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên tại Nhà lao Kon Tum được thành lập gồm 4 người, do đồng chí Ngô Đức Đệ làm Bí thư chi bộ.

Sau khi thành lập Chi bộ, đồng chí Ngô Đức Đệ đã cùng với các đảng viên tìm cách móc nối, tuyên truyền, vận động. Kết quả, đầu năm 1931, các đồng chí đã phát triển thêm một số đảng viên và thành lập thêm được chi bộ đường phố ở Kon Tum. Tuy nhiên, đến tháng 3/1931, hoạt động của Chi bộ binh và Chi bộ đường phố bị lộ. Đồng chí Ngô Đức Đệ bị bị địch đưa giam ở Lao Ngoài của ngục Kon Tum. Từ đó, Chi bộ binh do đồng chí Đệ sáng lập bị tan rã. Tuy chỉ tồn tại một thời gian ngắn nhưng chi bộ do đồng chí Ngô Đức Đệ xúc tiến thành lập là chi bộ Đảng đầu tiên của Kon Tum. Sau này, vào ngày 17/3/2006, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Kon Tum cũng đã ban hành Thông báo số 59-TB/TU “Kết luận về việc chọn ngày kỷ niệm các sự kiện lịch sử quan trọng của tỉnh và ngày truyền thống Đảng bộ tỉnh”. Theo đó, ngày 25/9/1930 chính thức được chọn là ngày truyền thống của Đảng bộ tỉnh Kon Tum.

Tại Lao Ngoài, đồng chí Ngô Đức Đệ tiếp tục bắt liên lạc cùng với các chiến sỹ cộng sản yêu nước khác như: Đặng Thái Thuyến, Trương Quang Trọng, Hồ Độ, Lê Viết Lượng..., thành lập Ban Lãnh đạo nhà lao nhằm lãnh đạo phong trào đấu tranh của anh em tù chính trị ngục Kon Tum. Đồng chí Ngô Đức Đệ nhận nhiệm vụ phụ trách chung. Dưới sự chỉ đạo của Ban lãnh đạo, anh em tù chính trị ngục Kon Tum đã dũng cảm đoàn kết đứng lên chống lại chế độ lao dịch hà khắc của thực dân Pháp và phong kiến tay sai Nam triều. Tiêu biểu là cuộc đấu tranh lưu huyết và cuộc đấu tranh tuyệt thực vào tháng12/1931.

Sau các cuộc đấu tranh này, đồng chí Ngô Đức Đệ đã bị kẻ địch xác định đóng vai trò lãnh đạo, chỉ huy chính, "cầm đầu" trong các cuộc đấu tranh. Tháng 2/1932, đồng chí đã bị Tòa án Kon Tum kết án tử hình, sau đó tòa án Pháp hạ xuống án khổ sai chung thân: “… bị địch kết án tù khổ sai chung thân, đày đi Lao Bảo vì địch nghi ngờ ông là người khởi xướng cuộc đấu tranh của những người tù chung thân ở Kon Tum...[4]

Tháng 3/1932, đồng chí Ngô Đức Đệ bị chuyển xuống nhà đày Lao Bảo. Nhà đày Lao Bảo là một trong những nhà tù khét tiếng tàn độc, được thực dân Pháp và chính quyền tay sai xây dựng ở vùng rừng núi heo hút phía Tây tỉnh Quảng Trị. Kẻ địch những tưởng giữa vùng núi heo hút, rừng thiêng nước độc ấy, chúng có thể cách ly những người yêu nước và các chiến sỹ cộng sản với bên ngoài, đọa đày tinh thần, thể xác người tù cộng sản bởi những chính sách cai trị hà khắc. Tuy nhiên, bằng ý chí kiên cường, nghị lực chiến đấu phi thường của mình, các chiến sỹ bị giam cầm tại nhà đày Lao Bảo đã đoàn kết đứng lên đấu tranh biến lao tù đế quốc thành một trận địa đấu tranh mới.

Khi bị đày đến Lao Bảo, đồng chí Ngô Đức Đệ đã nhanh chóng bắt liên lạc với các đồng chí trong “Ban chấp hành Trung ương nhà đày” (còn gọi là Hội Tù nhân). Đồng chí Ngô Đức Đệ là thành viên chủ chốt của Ban Tăng gia sản xuất, được anh em cử làm Chủ tịch vườn rau. Nhờ hoạt động của các đồng chí trong Ban mà anh em tù chính trị tại nhà đày Lao Bảo đã có thêm lương thực cải thiện đời sống, sức khỏe.

Trong thời gian bị giam cầm tại nhà đày Lao Bảo, đồng chí Ngô Đức Đệ còn cùng anh em chiến sỹ trong Hội Tù nhân đứng lên đấu tranh trực diện với kẻ thù, tiêu biểu có thể kể đến: cuộc đấu tranh đòi đưa ra khỏi lao hầm (tháng 6/1932), cuộc đấu tranh đòi quyền lợi bằng hình thức tuyệt thực (cuối năm 1933), cuộc đấu tranh đòi cải thiện chế độ sinh hoạt (tháng 9/1934)…

Ngày 20/7/1936, trước phong trào đấu tranh mạnh mẽ của anh em tù chính trị, Khâm sứ Trung Kỳ đã ra lệnh cho Bộ Hình Nam triều chuyển hết tù chính trị ở Lao Bảo vào Ban Mê Thuột. Theo đó, tháng 8/1936, đồng chí Ngô Đức Đệ bị chuyển vào nhà đày Ban Mê Thuột. Đến tháng 2/1945, đồng chí tiếp tục bị đưa đi Căng an trí ở Đắk Tô.

Ở Trại giam Đắk Tô (Căng An trí Đắk Tô) một thời gian, tháng 3/1945, sau khi Nhật đảo chính Pháp, đồng chí Ngô Đức Đệ và một số đồng chí khác đã nắm bắt tình hình và tổ chức vượt ngục. Sau khi vượt ngục thành công, đồng chí Ngô Đức Đệ đã về Bình Định bắt mối liên lạc để tiếp tục hoạt động.

Tháng 5/1945, đồng chí Ngô Đức Đệ, Trần Quang Khanh, Đinh Trung… đã xúc tiến thành lập Ủy ban Vận động cứu quốc tỉnh Bình Định nhằm chuẩn bị mọi mặt cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Bình Định.

Ngày 30/8/1945, đồng chí Ngô Đức Đệ chủ trì cuộc họp của Ủy ban vận động cứu quốc tỉnh và đại biểu Việt Minh các huyện, đã ra quyết định thống nhất lực lượng Việt Minh toàn tỉnh, củng cố chính quyền cách mạng các cấp. Tiếp đó, đồng chí Ngô Đức Đệ đã tích cực tham gia công tác tổ chức, lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền tại Bình Định. Sáng ngày 3/9/1945, sau lời kêu gọi đại diện Mặt trận Việt Minh tỉnh, Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh Bình Định đã được giới thiệu, ra mắt nhân dân. Đồng chí Ngô Đức Đệ được tín nhiệm bầu là một trong 11 ủy viên của Ủy ban.

Trong quãng thời gian hoạt động tiếp theo, đồng chí Ngô Đức Đệ với uy tín của mình đã được Đảng, Nhà nước tín nhiệm bầu giữ nhiều chức vụ quan trọng: Trưởng ban Dân quân Trung Bộ (tháng 1/1948); Ủy viên thường vụ Liên khu V (1949 – 1955); Phó Ban Thống nhất Trung ương (1955 – 1959); Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan (1960 – 1962); Viện trưởng viện Huân Chương của Chính phủ và Quốc hội (1963 – 1973).

Sớm tham gia các hoạt động yêu nước, cả cuộc đời của đồng chí Ngô Đức Đệ là sự nỗ lực, phấn đấu, cống hiến hết mình cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập cho tổ quốc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Dù bất cứ ở cương vị công tác nào, đồng chí Ngô Đức Đệ - người chiến sỹ cộng sản kiên trung, người con ưu tú của quê hương Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh vẫ luôn luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Đồng chí Ngô Đức Đệ xứng đáng là tấm gương sáng để các thế hệ nhân dân học tập, noi theo. Ghi nhận những đóng góp của đồng chí, Đảng và Nhà nước đã trao tặng cho đồng chí Ngô Đức Đệ nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương chống Pháp hạng Nhất, Huân chương chống Mỹ hạng Nhì, Huân chương Độc lập hạng Nhì…

ThS.Đặng Huyền Trang

Trưởng phòng STKKBQ - Bảo tàng XVNT

Chú thích:

[1]Tổ chức Phục Việt sau đổi thành Hưng Nam, rồi chuyển thành Tân Việt Cách mạng Đảng (1928), sau đó cải tổ thành Đông Dương Cộng sản Liên đoàn (tháng 01/1930).

[2] Cụ Ngô Huệ Liên (ông nội của đồng chí Ngô Đức Đệ) lấy vợ cả có 3 con là Ngô Đức Kế, Ngô Đức Thiệu (bố đồng chí Ngô Đức Đệ) và Ngô Đức Vóc; vợ hai 2 người con là Ngô Đức Diễn và Ngô Thị Ninh.

[3] 357/HS.40 bản dịch trang 18, kho KKBQ, BTXVNT.

[4] Hồ sơ mật thám Pháp về đồng chí Ngô Đức Đệ lưu tại Cục Hồ sơ nghiệp vụ Bộ Công an.

Tài liệu tham khảo:

- Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh tập 1, NXB Chính trị quốc gia, 1993;

- Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Định (1930-1945), Tiểu ban Lịch sử Đảng tỉnh Bình Định, 2015;

- Lịch sử Đảng bộ huyện Can Lộc (1930-2000), NXB Chính trị quốc gia, 2005;

- Lịch sử nhà đày Buôn Ma Thuột (1930-1945), Tỉnh ủy Đắk Lắk – Viện Lịch sử Đảng, 2010;

- Nhà đày Lao Bảo (1896-1945), NXB Chính trị Quốc gia, 2002;

- Bình Định - Lịch sử chiến tranh nhân dân 30 năm (1945-1975), Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Định, 1992;

- Từ Hà Tĩnh đến nhà đày Kon Tum (hồi ký), Ban Quản lý Di tích tỉnh Kon Tum, 2017;

- Hồ sơ mật thám Pháp về đồng chí Ngô Đức Đệ Lưu tại Bộ Công an.

 

 

Video