Đài tưởng niệm các chiến sỹ yêu nước và cách mạng bị giam cầm tại nhà lao Vinh
Tác giả:
admin
Ngày 2018-08-25 15:42:58
Ngày 30/6/2004, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh khởi công xây dựng “Đài tưởng niệm các chiến sỹ yêu nước và cách mạng bị giam cầm tại nhà lao Vinh”, công trình được khánh thành nhân dịp kỷ niệm 75 năm Xô Viết Nghệ Tĩnh (12/9/1930 - 12/9/2005). Đài được đặt ở một phần vị trí của nhà lao Vinh trước đây - Là nơi tôn vinh tinh thần đấu tranh oanh liệt của các chiến sỹ yêu nước và cách mạng bị giam cầm tại nhà lao Vinh.
Những hình ảnh sống động, hài hoà của Đài đã thể hiện được sức sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo của hội nghệ sỹ tạo hình Nghệ An như: Tiêu cao Sơn, Hoàng Hải Thọ, Ngô Hoàng Lương, Đào Phương.
Đài tưởng niệm có diện tích 400 m2, bao gồm: đài chính và 5 bức phù điêu được ghép bằng các khối đá thạch anh, xung quanh đài được trang trí 10 cây đèn đá, tượng trưng cho sự vĩnh hằng. Những chất liệu sử dụng xây dựng đài đều là vật liệu quý, bền vững, thể hiện ý chí cách mạng, tinh thần đấu tranh bất khuất của các chiến sỹ Xô Viết; tấm gương của họ mãi toả sáng và trường tồn cùng non sông, đất nước.
* Đài chính: cao 9,5m được ghép bằng đá nguyên khối, ba mặt là ba bức phù điêu bằng đồng cao 3,2 m rộng 1,5 m thể hiện tư thế đấu tranh của các chiến sỹ yêu nước và cách mạng trong nhà lao.
Bức phù điêu chính diện: là hình tượng đấu tranh không khoan nhượng của các thế hệ tù chính trị. Dù bị giam cầm tra tấn dã man nhưng ngọn lửa đấu tranh không bao giờ tắt, người trước ngã xuống, người sau tiếp bước đứng lên.
Bức phù điêu bên trái: là hình tượng người phụ nữ đấu tranh trong phong trào cách mạng được lấy nguyên mẫu từ bà Nguyễn Thị Thanh (chị gái Chủ tịch Hồ Chí Minh); những đường nét sắc sảo, tinh tế đã khắc hoạ được ý tưởng: người phụ nữ đã dũng cảm vượt lên khỏi lễ giáo phong kiến, hăng hái tham gia cách mạng, góp phần giải phóng dân tộc, giải phóng chính bản thân mình.
Bức phù điêu bên phải: là hình tượng đấu tranh của tầng lớp trí thức yêu nước trong phong trào cách mạng; với tư thế hiên ngang, ngẩng cao đầu đã toát lên niềm lạc quan, tin tưởng vào tiền đồ tươi sáng của phong trào đấu tranh cách mạng.
* 5 bức phù điêu phía sau đài: thể hiện 5 chương đấu tranh anh dũng của các chiến sỹ yêu nước và cách mạng bị giam ở nhà lao Vinh.
Bức phù điêu thứ nhất: là hình ảnh các sỹ phu tham gia phong trào Văn thân Cần Vương chống Pháp bị giam cầm tại nhà lao Vinh nhưng vẫn giữ vững được khí tiết của người chiến sỹ yêu nước.
Bức phù điêu thứ 2: là hình ảnh các chiến sỹ cộng sản trước sự tra tấn dã man của địch, nhưng họ vẫn kiên trung không khuất phục.
Bức phù điêu thứ 3: thể hiện sự đoàn kết, thương yêu, đùm bọc nhau của các chiến sỹ trong nhà lao đế quốc. Đây chính là ngọn lửa hồng sưởi ấm cho các chiến sỹ để vượt qua sự tra tấn dã man của kẻ thù.
Bức phù điêu thứ 4: thể hiện cuộc đấu tranh với những hình thức như tuyệt thực, làm reo của chính trị phạm chống lại chế độ hà khắc trong nhà lao Vinh.
Bức phù điêu thứ 5: là cảnh lớp học văn hoá trong nhà lao. Các chiến sỹ đã biến nhà tù đế quốc thành trường học, nơi rèn luyện ý chí cách mạng.
* Về nghệ thuật: các mảng phù điêu đứt gãy, rạn vỡ là ý tưởng thể hiện sự đổ vỡ những âm mưu xảo quyệt, đê hèn của thực dân Pháp.
Đài tưởng niệm là bức tranh nghệ thuật sinh động về tinh thần đấu tranh kiên cường, quyết hy sinh đến hơi thở cuối cùng của các chiến sỹ yêu nước và cách mạng Nghệ An và Hà Tĩnh tại nhà lao Vinh.