Đền Hai Hầu (xã Xuân Tường, Thanh Chương, Nghệ An)

Tác giả: admin
Ngày 2014-10-16 03:32:36

Đền Hai Hầu là công trình kiến trúc được xây dựng dưới thời Lê Trung Hưng (1533 – 1789). Đền được xây dựng để thờ hai nhân vật lịch sử có công với dân với nước, đồng thời cũng là hai cha con, đó là Tiến sĩ Nguyễn PhùngThời và Tiến sĩ Nguyễn Bá Quýnh. Hai ông được triều đình phong đến tước Hầu nên nhân dân thường gọi là đền Hai Hầu.

Di tích đền Hai Hầu thuộc xóm 8, xã Xuân Tường, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Trải qua hàng trăm năm, địa danh nhiều lần thay đổi nhưng vị trí của di tích vẫn giữ nguyên như ban đầu.

Đền Hai Hầu cách thành phố Vinh, trung tâm kinh tế - chính trị và văn hóa về hướng Tây Bắc, cách huyện lỵ Thanh Chương 11km về hướng Đông Nam. Du khách muốn đến tham quan di tích có thể đi bằng nhiều phương tiện khác nhau, theo tuyến quốc lộ 46 (tuyến Vinh-Thanh Chương), đến km 46 rẽ phải đi khoảng 200m là đến di tích.

Dựa vào những ghi chép trong chính sử như: Đại Việt sử ký tục biên (1676- 1789) của Sử thần triều Lê; Khâm định Việt sử thông giám cương mục của Quốc sứ quán triều Nguyễn; Nghệ An ký, Thanh Chương huyện chí của Bùi Dương Lịch và nội dung các đạo sắc phong đang được lưu giữ trong đền thì Tiến sĩ Nguyễn Phùng Thời và Tiến sĩ Nguyễn Bá Quýnh không chỉ là hai cha con mà còn là hai bậc danh Nho nổi tiếng có nhiều đóng góp cho đất nước được triều đình phong thưởng và nhân dân hết sức tôn kính.

Tiến sĩ Nguyễn Phùng Thời (1684 – 1754)
Ông là con trai thứ 3 của ông Nguyễn Bình Nghĩa ở xã Hoa Lâm, huyện Nam Đường, hay là xã Xuân Tường, huyện Thanh Chương. Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo vừa đi học vừa phải đi cày, nhưng ông nổi tiếng thông minh, học giỏi từ thủa nhỏ. Năm Tân Mão (1711) Nguyễn Phùng Thời thi đậu Hương Cống. Bốn năm sau tại khoa thi Hội năm Ất Mùi đời Lê Dụ Tông niên hiệu Vĩnh Thịnh năm thứ 11 (1715) ông đậu Đệ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Ngay sau khi đậu Tiến sĩ, ông được vua Lê Dụ Tông bổ nhiệm làm Giám sát Ngự sử đạo Lạng Sơn. Vốn xuất thân từ một vùng quê nghèo nên ông hiểu hơn ai hết nỗi thống khổ của người nông dân nên đã ra sức nỗ lực chăm lo đến đê điều, khắc phục lũ lụt thiên tai, trong xét xử thì công minh liêm chính nên được nhân dân yêu mến. Ngày 11 tháng 11 năm Bảo Thái thứ nhất (1720), Nguyễn Phùng Thời được triều đình tin tưởng bổ làm Giám sát Ngự sử đạo Hải Dương. Tại Hải Dương ông đã có nhiều công lao lớn trong việc ổn định tình hình chính trị, xã hội, tạo điều kiện cho nhân dân có cuộc sống yên ổn và phát triển kinh tế. Ông đứng ra tổ chức chiêu dân, khai hoang lập ấp, mở rộng và cải tạo đất đai biến nhiều vùng đất hoang hóa thành vùng trù phú. Với những đóng góp của mình cho Hải Dương nên năm 1924, ông được triệu về kinh và thăng chức Hàn lâm Viện Thị Chế. Ngày 24 tháng 12 năm Bảo Thái thứ 8 (1728) ông được giao nhiệm vụ làm Hiến sát sứ xứ Kinh bắc.

Chỉ trong một thời gian làm quan, ông đã tỏ rõ là một người có tài, có đức, văn võ song toàn được triều đình nhà vua tin tưởng, cử giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều cũng như quan ở các địa phương. Năm 1734, ông được thăng Tham chính xứ Hải Dương; Thị lang, Hàn lâm viện thị độc. Ngày 3 tháng 10 năm Vĩnh Hựu thứ 2 (1736) vua Lê Ý Tông bổ nhiệm ông làm Triều Liệt Đại phu -Tế tửu Quốc Tử Giám. Năm 1739, ông được thăng Triều Liệt Đại phu Đông các Đại học sỹ. Năm 1740, ông giữ chức Đông các Đại học kiêm đô Ngự Sử.

Là một người tài cao, đức rộng Nguyễn Phùng Thời đã trải qua một thời gian khá lâu làm quan trong triều và dù ở cương vị nào ông cũng tỏ rõ là một vị quan thanh liêm, hết lòng vì dân, vì nước. Sau khi giữ chức Đông các Đại học kiêm đô Ngự Sử, ông con tiếp tục được triều đình bổ nhiệm những chức vụ khác như: Tả thị lang bộ Hình, tước Lâm Xuyên Hầu; năm 1749 giữ chức Hữu thị lang bộ Hình hành tả thị lang bộ Lễ, tước lâm Xuyên Hầu, được cử làm Giám thí khoa thi Hội. Sau khi hoàn thành công việc trường thi, ông được ban tặng Công bộ Thượng Thư tước Lâm Xuyên Hầu.

Lúc tuổi già ông trở về quê nhà sống cuộc sống an lành và mở trường dạy học, học trò trong vùng theo học rất đông, nhiều người đỗ đạt. Sách Nghệ An nhân vật chí có ghi rằng: “Ông Nguyễn Phùng Thời ở tổng Xuân Lâm là một trong những bậc mô phạm dạy học trò đỗ đạt rất nhiều, con trai ông là Nguyên Bá Quýnh cũng đỗ Tiến sĩ, cha con đồng triều một đời vinh hiển”. Năm Cảnh Hưng thứ 15 (1754), Nguyễn Phùng Thời qua đời, được tặng phong Công bộ Thượng thư, Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu, tước Lâm Xuyên Hầu. Các triều phong kiến đã có sắc phong thần cho ông và giao cho dân sở tại phụng sự. Hiện nay tại di tích còn lưu giữ nhiều đạo sắc của ông.

Tiến sĩ Nguyễn Bá Quýnh (1710 – 1772).
Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống nho học, từ nhỏ đã nổi tiếng thông minh, được nhân dân trong vùng tôn là thần đồng. Ông được hưởng trọn vẹn những niềm hạnh phúc của tuổi thơ, được cha là Tiến sĩ Nguyễn Phùng Thời trực tiếp dạy học và giáo dục về mọi mặt của cuộc sống. Mẹ ông- một người phụ nữ dịu hiền đảm đang luôn lo lắng cuộc sống cho chồng con.

Năm 19 tuổi, Nguyễn Bá Quýnh đậu Hương Cống (1729), bốn năm sau đó khoa thi Hội năm Quý Sửu, niên hiệu Long Đức thứ 2 (1733) ông đậu Đệ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân lúc 23 tuổi. Hiện nay, tại văn bia miếu Quốc Tử Giám Hà Nội, bia số 66 có đề tên ông “Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân...Nguyễn Bá Quýnh: xã Hoa Lâm, huyện Nam Đường, nho sinh trúng thức”, tại khoa thi lần này cả tỉnh Nghệ An chỉ được mình ông đậu.

Ông làm quan đồng triều với cha, thăng đến chức Tư Nghiệp Quốc Tử Giám kiêm Đông các đại học sĩ. Làm quan với tư tưởng trung quân ái quốc, nhưng tính ông thẳng thắn, khẳng khái nên chúa Trịnh không bằng lòng. Một thời gian sau ông được chuyển về làm Giám sát Ngự sử đạo Nghệ An. Trong thời gian trị nhậm ở Nghệ An ông đã xử một vụ kiện giữa nhà giàu thôn Đồng Loan, xã Đại Đồng, huyện Thanh Chương với nhân dân trong vùng bị lấn chiếm ruộng đất. Ông giữ liêm chính, công tâm không lợi dụng chức vụ và đã xử cho dân thắng kiện. Chính bởi lòng yêu nước thương dân nên ông không nghĩ đến cuộc sống của riêng mình, trong những ngày làm quan ở Quốc Tử Giám và Giám sát ngự sử Nghệ An, ông càng cảm thông sâu sắc nỗi thống khổ của nhân dân. Thấy cảnh quan lại Lê - Trịnh mục nát, suy tàn, ông đã từ quan về quê và mở trường dạy học nhằm gửi gắm kiến thức và nỗi lòng của mình vào thế hệ tương lai. Trường học của ông mang tên là Mai Sơn giảng học đường. Trong khoảng thời gian ông truyền bá học vấn, đạo đức, nhân nghĩa cho các học trò trong vùng, nhiều học trò thành đạt có chức vụ trong xã hội bấy giờ.

Năm Nhâm Thìn (1772), ông qua đời, cảm phục đức độ và công lao, vua Lê đã có sắc phong truy tặng cho ông tước Mai Lĩnh Hầu, phong làm phúc thần, được thờ chung một ngôi đền với cha là Lâm Xuyên Hầu Nguyễn Phùng Thời ở thôn Thượng Thọ.
Di tích đền Hai Hầu tồn tại đã tồn tại hàng trăm năm và là nơi gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử của huyện nhà, đặc biệt là trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931.

Di tích đền Hai Hầu là nơi chứng kiến cuộc đấu tranh quyết liệt của nhân dân tổng Xuân Lâm (nay là xã Xuân Trường) trong cuộc đấu tranh ngày 1/9/1930 ở Thanh Chương. Đây được xem là mốc mở đầu đánh dấu sự ra đời của chính quyền Xô Viết ở Nghệ Tĩnh- đỉnh cao của cao trào cách mạng 1930 - 1931 trong toàn quốc.

Ngay từ đêm 31/8/1930 các đội tự vệ đỏ ở các làng đã tỏa ra canh gác các ngả đường, bến đò, để cô lập Huyện đường Thanh Chương với các làng xã. Tự vệ tổng Xuân Lâm phá phà Rào Gang, cắt đứt liên lạc của địch từ Vinh lên. Sau đó kéo về bao vây trấn áp bọn tổng lý các làng Xuân Bảng, Tú Viên, Xuân Tường, Phong Nậm, Nguyệt Bổng và Ngọc Sơn. Truyền đơn được rải khắp các ngả đường. Cờ đỏ được cắm trên các nóc đình, các cây cao và các đỉnh núi.

Đánh hơi được kế hoạch của ta, bọn địch đã tìm mọi cách đối phó. Chúng điều lính từ đồn Thanh Quả do tên Côngđô Minát chỉ huy xuống bảo vệ huyện đường. Đồng thời tập trung tất cả thuyền đò dọc sông Lam về bến đò Rộ nhằm ngăn cản nhân dân Xuân Lâm và nhân dân Đại Đồng sang.

Từ 1h sáng ngày 1/9/1930, sau tiếng trống phát lệnh ở các đỉnh núi cao của tổng Xuân Lâm, núi Tiến (tổng Võ Liệt), rú Nguộc (Ngọc Sơn), núi Sừng Bò (Hoa Quân)…cả Thanh Chương náo động tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng mõ và tiếng reo hò. Tri huyện Phan Sỹ Bàng ra lệnh cho lính bắn vào đoàn biểu tình làm nhiều người bị thương và chết. Ngọn lửa căm thù ngùn ngụt cháy, quần chúng xông vào bao vây huyện đường, thiêu hủy giấy tờ sổ sách, đập phá nhà giam, giải thoát tù nhân… Tri huyện và bọn nha lại, lính tráng bỏ công đường chạy tháo thân. Chính quyền Xô Viết của nhân dân được thành lập.

Tỉnh ủy Nghệ An đã đánh giá sự kiện này như sau: “ Cuộc biểu tình dữ dội này, chưa từng thấy có ở An Nam bao giờ đã đưa anh em công nông đến một thời kỳ mới, thời kỳ đấu tranh kịch liệt chống lại tư bản đế quốc và địa chủ phong kiến, thời kỳ công nông phải hy sinh cho cách mạng để đòi quyền sống và quyền tự do…”

Di tích đền Hai Hầu còn là địa điểm mà Đảng bộ huyện Thanh Chương chọn làm cơ sở hoạt động bí mật, in ấn tài liệu, tuyên truyền cách mạng… Theo lời kể của ông Nguyễn Duy Trân – cán bộ lão thành cách mạng của xã Thanh Yên thì nhà Bái Đường của đền từng được ông cùng các đồng chí Nguyễn Đăng Tâm (Nghi Lộc), Nguyễn Sỹ Triêm, Nguyễn Thỉ Thế (Thanh Dương) trong ban ấn loát của Đảng bộ huyện Thanh Chương chọn làm nơi in ấn tài liệu vì ở đây có các đồ tế khí dùng để làm dụng cụ phục vụ cho in ấn như mâm đồng, hòm đựng sắc để cất tài liệu…Ngoài ra bái đường còn là địa điểm hội họp nghe cán bộ Đảng về diễn thuyết, vì vậy nên trong dân gian còn lưu truyền câu ca về di tích Đền hai Hầu trong những năm 1930-1931 như sau:
                          “Đền Hai Hầu mấy ai không biết
                           Năm 30 diễn thuyết trong đêm
                           Có hai hầu Mai Lĩnh, Lâm Xuyên
                           Con ngựa hồng, ông tượng đá cũng đứng lên đồng tình.”

Đền Hai Hầu được xây dựng trên vùng đất cao ráo, nằm ngoảnh mặt về hướng Nam, kết cấu kiến trúc theo hình chữ đinh. Phía trước là con đường liên hương chạy dài theo dải đất từ đầu xóm đến cuối xóm, ba phía còn lại giáp với xóm làng, xung quanh bao bọc bởi những lũy tre và hệ thống cây xanh tạo nên nét thâm nghiêm, yên tĩnh, cổ kính.

Ngày nay khuôn viên di tích có tổng diện tích 660m2 bao gồm các hạng mục công trình như sau: Cổng đền, Sân vườn, tường bao, Bái đường và Hậu cung. Trong đó Hậu cung, Cổng đền là các hạng mục kiến trúc gốc của di tích, các hạng mục còn lại mới được tôn tạo.

Cổng đền:
Cổng đền được tạo thành bởi 2 trụ bố trí đăng đối, cách nhau 3,1m, mỗi trụ cao 4,5m được làm bằng chất liệu gạch, vữa tam hợp, bao gồm các bộ phận chính: chân bệ, thân trụ, đỉnh trụ.

Sân vườn:
Sau cổng là lối dẫn vào sân đền được lát bằng gạch vuông màu nâu khá sạch. Sân đền có diện tích 50m2. Vườn đền rộng trồng các loại cây xanh bóng mát như: sung, đa, vải, nhãn, dừa.

Bái đường:
Đây là công trình kiến trúc chính của đền Hai Hầu. Công trình này mới được phục dựng lại vào năm 2009, tương đối bề thế nằm ở phía sau sân đền. Nhà Bái đường được làm bằng gỗ lim, dổi, gạch ngói, vữa tam hợp kiến trúc 3 gian, 2 hồi. Do tính chất của nhà Bái đường là nơi để tập trung trước khi vào hành lễ nên bài trí ở đây khá đơn giản.

Sân lộ thiên:
Từ nhà Bái đường vào Hậu cung đi qua một khoảng sân nhỏ, đó là sân lộ thiên. Mặt sân thấp hơn nhà Bái đường 10cm. Sân này được lát gạch vuông màu đỏ khá sạch sẽ hai bên sân xây tường và được đắp nổi hình ngựa hồng và bạch ngựa.

Hậu cung:
Nhà Hậu cung là kiến trúc gốc của đền, được khởi dựng dưới thời Hậu Lê và được tôn tạo vào năm Tự Đức thứ 22 (1869). Nhà được làm bằng gỗ lim, dổi, gạch ngói, vữa tam hợp, kiến trúc gồm 2 gian, diện tích rộng 33,1m2. Nơi đây còn lưu giữ nhiều lọi đồ thờ có chất liệu bằng gỗ, gốm, giấy quý cần được bảo vệ và phát huy.

Phía trong nhà Hậu cung được bài trí thờ dọc, gồm 2 cung thờ:
Cung thờ gian ngoài: Đặt một hương án sơn son được chạm trổ các hình tượng “tứ linh” “tứ quý” có kích thước dài 1,6m; cao 1,2m; rộng 60cm. Phía trên hương án đặt hai bát hương bằng đồng, hai hạc gỗ, cọc nến, chén sứ.

Cung thờ gian trong: Là nơi đặt long ngai bài vị của hai cha con tiến sĩ Nguyễn Phùng Thời và Nguyễn Bá Quýnh. Vị hiệu của Nguyễn Phùng Thời có ghi “Lê triều Ất vị khoa Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, Hình bộ Tả thị lang, Hành lễ bộ Tả thị lang, Thiên sai bồi tụng Lâm Xuyên Hầu trí sĩ Nguyễn tướng công, gia hàm Công bộ Thượng thư, Tứ thụy đoan nghĩ, Trụ quốc thượng giai, lịch triều sắc phong dực bảo Trung hưng thượng đẳng bản cảnh thành hoàng tôn thần”.

Vị hiệu của Nguyễn Bá Quýnh “Lê triều Ất vị khoa Đệ tam giáp Tiến sĩ xuất thân Triều liệt Đại phu thiếu tuấn Quốc Tử Giám tư nghiệp tặng. Phong kiêm Đông các Đại học sĩ thụy tuấn dinh tiên sinh, gia phong Trịnh thục thần túy đại vương lịch triều sắc phong dực bảo trung hưng Mai Lĩnh tôn thần”.

Long ngai to, sơn son thiếp vàng, chạm khắc công phu, chân ngai tạc kiểu chân quỳ, thân ngai mô phỏng dáng người ngồi, tay ngai bằng gỗ uốn cong được cách điệu bằng hai đồng rồng. Nâng đỡ tay ngai là những con tiện tròn. Long ngai không chỉ là đồ thờ tượng trưng cho uy linh của hai vị nhân thần đã có công trong sự nghiệp xây dựng, phát triển quê hương, đất nước mà là các tác phẩm có giá trị về lịh sử cổ vật và mỹ thuật.

Ở hai cột cái của gian giữa treo đôi câu đối có nội dung như sau:
Phiên âm: “Nhất môn khoa giáp phụ nhi tử 
                     Lịch đại bao phong Lê chí Kim”

Tạm dịch: “Sắc phong hai chữ Lê và Nguyễn
                     Khoa giáp một nhà Bố và Con”

Ngoài các giá trị vật thể về kiến trúc, đền Hai Hầu còn có giá trị về mặt văn hóa tâm linh. Hàng năm vào ngày 11 và 12 tháng 3 âm lịch, nhân dân làng Thượng Thọ, xã Xuân Lâm và nhiều làng khác ở trong vùng đã tổ chức lễ hội long trọng, hiến dâng lễ vật tưởng nhớ hai vị Tiến sĩ Nguyễn Phùng Thời và Tiến sĩ Nguyễn Bá Quýnh - đồng thời cũng là hai vị Thành hoàng làng có công lao đối với sự phát triển của địa phương và đất nước. Lễ hội đã thu hút đông đảo nhân dân thập phương đến tham quan.

Lễ hội ở dền Hai Hầu thường có hai phần theo phong tục cổ truyền đó là phần Lễ và phần Hội.
Phần Lễ gồm các nội dung:
Lễ Khai quang: Báo cáo thần linh, tổ tiên cho phép con cháu làm tổng vệ sinh ở khu vực đền và mộ. Sau khi làm lễ khai quang xong, mọi người bắt tay vào lau chùi các đồ tế khí, vệ sinh phát quang khuôn viên..
Lễ Yết cáo: Báo cáo với Thành hoàng Nguyễn Phùng Thời, Nguyễn Bá Quýnh, trời đất, thần linh về thời gian, nội dung, thành phần lễ tế và mời các vị tham dự.
Lễ Đại tế: Dâng hương, hiến đâng vật phẩm, tấu nhạc, đọc văn… tưởng nhớ công lao của hai vị Tiến sĩ, cầu xin hai ngài tiếp tục ban phước, giải hạn cho con cháu.
Lễ Tạ: Cảm ơn, đưa tiễn các thần linh trở về với cõi âm trực tiếp ban phúc và xin lượng thứ cho các con cháu những điều gì chưa được chu đáo và xin gặp lại vào năm sau.

Phần Hội: Diễn ra trong hai ngày 11 và 12 tháng 3 âm lịch, tổ chức trước sân đền. Phần Hội gồm các hoạt động văn nghệ dân gian như đánh cờ, chọi gà, chơi đu…thu hút rất đông người đến tham dự. Thông qua lế hội, nhân dân các làng, du khách thập phương có dịp tập trung ở đền thờ, gặp gỡ gaio lưu, tham gia các sinh hoạt văn hóa hướng về nguồn cội.

Đền Hai Hầu là di tích cổ, quý có kiến trúc, cảnh quan đẹp, lưu giữ nhiều tư liệu có giá trị về lịch sử và mỹ thuật. Đền là nơi thờ hai cha con Tiến sĩ cũng là hai Thành hoàng của làng có công với dân với nước nước. Nơi đây gắn với nhiều sự kiện lịch sử trong phong trào đấu tranh giữ nước, đặc biệt là phong trào cách mạng 1930 – 1931. Đồng thời còn là nơi diễn ra các hoạt động tế thần, cầu phúc, cầu lộc, cầu tài của nhân dân xã Xuân Tường, huyện Thanh Chương. Với những giá trị to lớn, di tích Đền Hai Hầu đã được UBND tỉnh công nhận là Di tích văn hóa lịch sử cấp tỉnh vào năm 2008. Năm 2013, Cục Di sản văn hóa đã có văn bản số 247/DSVH-DT ngày 26/4/2013 về việc xét duyệt di tích đền Hai Hầu có đủ tiêu chí lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch xem xét xếp hạng di tích Quốc gia.

Video