Khay đồng, đĩa sứ của gia đình đồng chí Lê Tử Trâm - Đảng viên 1930 - 1931 ở xã Bình Lộc, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh.

Tác giả: admin
Ngày 2018-08-26 14:10:13

Đồng chí Lê Tử Trâm sinh năm 1903 trong một gia đình thuần nông nhưng giàu lòng yêu nước và cách mạng tại làng Vĩnh Hòa, tổng Canh Hoạch, phủ Thạch Hà (nay là xã Bình Lộc, huyện Lộc Hà), tỉnh Hà Tĩnh. Thủa nhỏ đồng chí được gia đình cho đi học 3 năm chữ Hán và 2 năm học chữ Quốc Ngữ do thầy giáo Nguyễn Xuân Phương dạy. Trong thời gian theo học, đồng chí đã sớm tiếp thu thơ văn yêu nước và tư tưởng tiến bộ, dần dần hiểu biết thêm về thời cuộc, căm thù bọn đế quốc và cường hào, thông cảm với nỗi thống khổ của nhân dân.

Năm 1927, lực lượng thanh niên trí thức ở huyện Thạch Hà đã tập hợp nhau lại trong tổ chức Tân Việt để hoạt động yêu nước. Các hội viên đã chia nhau về các xã, thôn trong huyện xây dựng cơ sở, những tài liệu, sách báo cách mạng, đặc biệt là tập bài giảng “Đường cách mệnh” của Nguyễn Ái Quốc thông qua hoạt động của tổ chức mà được đem về phổ biến ở làng Vĩnh Hòa và bí mật truyền tay nhau đọc.

Năm 1929, kết quả của sự vận động tuyên truyền cách mạng, tổ chức Tân Việt ở Vĩnh Hòa lấy tên là “Phường Nghèo” ra đời, gồm một số sỹ phu, thanh niên yêu nước như thầy giáo Nguyễn Xuân Phương, Lê Thúc Cơ, Lê Bá Tuân, Nguyễn Đình Thản, Trần Tuế…, nhằm tập hợp những người có chí khí, có lòng yêu nước, vận động quần chúng tương trợ lẫn nhau trong sản xuất và đời sống, tuyên truyền cách mạng…

Ngày 3/2/1930 Đảng Cộng Sản Việt Nam ra đời. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào cách mạng trong tỉnh phát triển mạnh, nhiều cuộc đấu tranh của nhân dân Hà Tĩnh tác động mạnh mẽ đến phong trào ở tổng Canh Hoạch, huyện Thạch Hà.

Tháng 5/1930, Chi bộ ghép Xuân Sắc gồm 3 làng: Vĩnh Hòa, Bình Nguyên, Lộc Nguyên (nay là xã Bình Lộc và An Lộc) được thành lập, do đồng chí Bùi Miên làm bí thư, Phan Đình Duyệt làm phó bí thư. Thời gian này có các đồng chí cán bộ Huyện ủy được cử về để chỉ đạo phong trào cách mạng: đồng chí Nguyễn Dương trực tiếp phụ trách 3 làng Vĩnh Hòa, Lộc Nguyên, Bình Nguyên và đồng chí Nguyễn Duy Ca phụ trách chung toàn tổng Canh Hoạch. Trụ sở và ban ấn loát huyện ủy cũng được đặt tại nhà đồng chí Lê Tử Trâm. Mỗi khi có cán bộ về hội họp, cán bộ ấn loát, ăn nghỉ tại nhà, gia đình đồng chí Lê Tử Trâm làm nhiệm vụ canh gác và phục vụ cơm nước. Khay đồng, đĩa sứ…là những vật dụng của gia đình dùng dọn cơm ăn, nước uống hàng ngày cho các đồng chí: Nguyễn Dương, Nguyễn Duy Ca, Lê Viên, Tử Quân Lê Đình Ích, Lê Trọng Dương...
Đầu tháng 6 năm 1930, trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng ở địa phương, chi bộ ghép Xuân Sắc tách ra làm 2 chi bộ: Vĩnh Hòa và Lộc Nguyên. Chi bộ Vĩnh Hòa gồm 7 Đảng viên: Phan Đình Duyệt (Bí thư), Nguyễn Đình Thản, Nguyễn Xuân Phương, Nguyễn Đình Thích, Lê Tử Anh, Lê Trọng Hòa, Trần Tuế, đặt trụ sở liên lạc chi bộ tại nhà bà Nguyễn Thị Truy. Dưới sự lãnh đạo của huyện ủy, công tác củng cố tổ chức đảng ở Vĩnh Hòa được đẩy mạnh. Những người hăng hái, tích cực trong các tổ chức, phong trào đều được kết nạp vào đảng, trong đó có đồng chí Lê Tử Trâm…Chi bộ ra đời thì Nông hội đỏ, Tự vệ đỏ, Thanh niên, Phụ nữ cũng được thành lập nhằm để giúp đỡ nhau khi làm nhà, làm sân, ma chay, cưới hỏi… Chi bộ Vĩnh Hòa đã làm tốt công tác truyên truyền, cổ động, có tác động mạnh đến các tầng lớp nhân dân nên nhiều cuộc đấu tranh đã nổ ra. Mở đầu là cuộc biểu tình ngày 1/8/1930, hàng trăm nông dân hai tổng Canh, Vĩnh đã kéo về huyện lỵ Can Lộc phổi hợp với nông dân các tổng Phù Lưu, Lai Thạch biểu tình thị uy, buộc tri huyện phải cúi đầu nhận yêu sách của nhân dân.

Tháng 12/1930, tại xóm Nhà Ao (Tiền Lương) Huyện ủy tổ chức cuộc họp hội nghị đại biểu các chi bộ để tổ chức cuộc mít tinh kỷ niệm ngày Quảng Châu cđồng chí xã vào ngày 11/12/1930, nêu lên các yêu cầu của cuộc mít tinh và thống nhất ngày giờ, địa điểm tập hợp lực lượng. Nhận được chỉ thị của Huyện ủy, Chi bộ Vĩnh Hòa phân công đồng chí Lê Tử Trâm, Trần Tuế, Phan Đình Biểu phụ trách công tác in ấn tuyên truyền. Tổ ấn loát làm việc cả ngày đêm. Thời gian này gia đình đồng chí Lê Tử Trâm đã phục vụ cơm nước hàng ngày cho các đồng chí cán bộ huyện cũng như trong tổ ấn loát. Nhờ sự giúp đỡ, đùm bọc của một số gia đình như nhà đồng chí Lê Tử Trâm…chỉ trong thời gian ngắn đã có hàng nghìn truyền đơn, tài liệu đựơc in ra rải khắp các ngả đường thôn xóm, làm cho bọn tay chân của thực dân vô cùng hoang mang.

Theo kế hoạch đã định, sáng sớm ngày 11/12/1930, quần chúng nhân dân làng Vĩnh Hòa cùng quần chúng nhân dân các tổng Canh, Vĩnh kéo về tập kết tại Ngọc Lụy ( Thạch Thượng) có khoảng 500 người, dự định đi qua Đò Điệm kéo vào thị xã Hà Tĩnh nhưng vừa mới đến Đò Điệm thì bị địch đàn áp rất ác liệt, nên đoàn biểu tình kéo về chùa Thân (Thụ Lộc) tổ chức mít tinh rồi giải tán.

Tháng 2/1931 đồng chí Phan Đình Duyệt, bí thư chi bộ bị địch truy bắt phải chuyển đi nơi khác, chi bộ họp phân công đồng chí Lê Tử Anh làm bí thư chi bộ.
Cuối năm 1931, địch tăng cường đàn áp, khủng bố lùng bắt cán bộ đảng viên, cơ sở Đảng ở Vĩnh Hòa bị tan vỡ, đồng chí Lê Tử Trâm và các đồng chí khác bị địch bắt đưa về đồn Xóm Họ giam 2 tháng, bị tra khảo dã man nhưng địch không thu được kết quả gì nên phải thả đồng chí Lê Tử Trâm ra. Sau khi được tha về, đồng chí Lê Tử Trâm cùng các đồng chí còn lại tiếp tục hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân trong xã học chữ quốc ngữ, bài trừ mê tín, xây dựng nếp sống mới, tập hợp lực lượng chuẩn bị đấu tranh …

Tháng 2/1939, đồng chí Lê Tử Trâm được bầu làm ủy viên của hội đồng dân chủ làng Vĩnh Hòa. Lúc này trong làng lại có cuộc đấu tranh mới, chi bộ hướng cho quần chúng kiện lý trưởng Nguyễn Văn Thích về tội nhũng loạn, đánh đập nhân dân. Chi bộ vận động nhân dân viết đơn và lấy chữ ký dân làng đưa lên tri huyện Thạch Hà nhưng tên tri huyện bao che cho hành động của lý trưởng, đồng thời phái lính về bắt đồng chí Lê Trọng Hòa và Lê Tử Trâm, đưa về nhà lao Hà Tĩnh. Quan huyện Thạch Hà còn ghi tội danh của 2 đồng chí: “tên Hòa và Trâm là cán bộ cộng sản phá rối an ninh trong thôn và hành hung các chức dịch”, bị nhốt trong xà lim, chịu đựng mọi cực hình tra tấn nhưng đồng chí vẫn không khai báo điều gì, sau một thời gian địch đưa đồng chí vào giam ở nhà lao Ly Hy, Thừa Thiên Huế.

Tháng 3/ 1945, đồng chí Lê Tử Trâm vượt ngục trở về quê, lúc này các đồng chí Nguyễn Dương, Nguyễn Duy Ca về làng Vĩnh Hòa bắt liên lạc với đồng chí Lê Tử Trâm, Nguyễn Xuân Thăng, Lê Trọng Hoà, Bùi Miên, Lê Tử Anh, Phan Đình Nhàn, Lê Xuân Tuân, Lê Trọng Dương..tổ chức họp chi bộ bầu đồng chí Nguyễn Xuân Thăng làm bí thư và thành lập mặt trận Việt Minh, bầu đồng chí Lê Tử Trâm làm chủ tịch.

Sau cách mạng tháng Tám, đồng chí Lê Tử Trâm tiếp tục công tác và hoạt động trong các phong trào đoàn thể ở địa phương, giữ nhiều chức vụ khác nhau: trưởng ban bình dân học vụ xã, chủ tịch liên việt xã, trưởng ban công trái quốc gia, Đảng ủy viên chi bộ Bình Lộc…

Năm 1990: Đồng chí Lê Tử Trâm vì tuổi già sức yếu đã qua đời.
Đồng chí Lê Tử Trâm là một tấm gương sáng về ý chí kiên cường và tinh thần cách mạng tuyệt vời, với những đóng góp cho phong trào cách mạng địa phương, đồng chí Lê Tử Trâm đã được Nhà nước truy tặng thưởng Huân chương độc lập hạng ba. Những hiện vật: Khay đồng, đĩa sứ là vật dụng của gia đình gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí, được Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh lưu giữ.

                                                                                       Nguyễn Vân Anh - Bảo tàng XVNT

Video