Đồng chí Võ Văn Bính – tấm gương cộng sản kiên trung của quê hương Nghi Lộc suốt đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của Nhân dân

Tác giả: Trần Thị Hồng Nhung
Ngày 2024-04-20 08:00:58

Nghi Lộc là mảnh đất có bề dày truyền thống yêu nước và cách mạng. Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, đất và người nơi đây đã có những đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng.                                                                  Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, nhiều thanh niên ưu tú của quê hương Nghi Lộc đi theo tiếng gọi của Đảng, không ngại hy sinh gian khổ, tích cực học tập, rèn luyện trở thành những cán bộ tiền bối tiêu biểu của Đảng trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh như: Trần Văn Cung, Nguyễn Duy Trinh, Hoàng Văn Tâm, Nguyễn Thị Xân, Nguyễn Thị Thiu, Lê Huy Điệp, Nguyễn Thị Nhã, Nguyễn Thị Phúc, Bùi Khắc Thựu, Võ Văn Bính… Các đồng chí đã trở thành những tấm gương cộng sản kiên trung trên quê hương Xô viết anh hùng.

Đồng chí Võ Văn Bính tên thường gọi là Võ Bính (bí danh là Kim, Long Giang), sinh ngày 16/3/1906 trong một gia đình yêu nước, giàu truyền thống cách mạng ở làng Long Trảo (nay là thôn Long Tân), xã Nghi Khánh, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.

Thân phụ là cụ Võ Văn Vơn, một chiến sỹ yêu nước trong phong trào Văn Thân, bị thực dân Pháp bắt, tịch thu hết gia sản và bị giam ở nhà lao Vinh, sau đó được thả về nhưng vẫn bị quản thúc. Lớn lên trong cảnh nhân dân chịu cảnh một cổ đôi tròng của chính quyền thực dân, phong kiến, chứng kiến tinh thần yêu nước các những người thân yêu bị đàn áp, người thanh niên yêu nước Võ Văn Bính càng khát khao thực hiện ước mơ, hoài bão của mình. Anh sớm được giác ngộ cách mạng bằng những văn thơ yêu nước, sách báo tiến bộ.

Theo bước chân xuất dương của những đàn anh đi trước, năm 1925 Võ Văn Bính cùng một số thanh niên yêu nước tìm đường sang Trung Quốc để tham gia tổ chức cách mạng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập tại Quảng Châu nhưng việc bị lộ, anh bèn quay về khoác áo cà sa ở chùa Lâm Tiêu, hòng che mắt địch để dễ bề hoạt động cách mạng.

Tháng 2 năm 1928, từ một thanh niên yêu nước, Võ Văn Bính trở thành Đảng viên Tân Việt Cách mạng Đảng.

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, tháng 3/1930, đồng chí Nguyễn Phong Sắc - Ủy viên BCH lâm thời Đảng Cộng sản Việt Nam đã thành lập ra Phân cục Trung ương Đảng ở Trung Kỳ tại thành phố Vinh và chỉ định ra 2 BCH lâm thời tại Nghệ An bao gồm:

- Tỉnh bộ Vinh (gồm Vinh – Bến Thủy, huyện Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Thị xã Thanh Hóa).

- Tỉnh bộ Nghệ An (gồm các huyện còn lại trong tỉnh).

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Phân cục Trung ương và Tỉnh ủy Vinh, tháng 4/1930, đồng chí Phạm Duy Thanh, Nguyễn Hữu Cơ cùng đồng chí Nguyễn Thức Mẫn đã nhóm họp các đảng viên Tân Việt có xu hướng cộng sản trong huyện Nghi Lộc thảo luận về chủ trương thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và lời kêu gọi của đồng chí Nguyễn Ái Quốc nhân dịp thành lập Đảng. Hội nghị đã cử ra BCH Huyện ủy lâm thời Đảng Cộng sản Việt Nam ở Nghi Lộc gồm các đồng chí: Nguyễn Thức Mẫn, Nguyễn Hữu Cơ, Nguyễn Đình Xuân, Hoàng Văn Tâm… Đồng chí Nguyễn Thức Mẫn được cử làm Bí thư.

Nhờ sự chỉ đạo trực tiếp của Phân cục Trung ương, Tỉnh ủy Vinh và hoạt động tích cực của Huyện ủy lâm thời, cơ sở Đảng và các tổ chức quần chúng cách mạng của Đảng ở huyện Nghi Lộc phát triển nhanh chóng. Trong thời gian này, đồng chí Võ Văn Bính cũng vinh dự được kết nạp vào Đảng và là một trong số những đảng viên đầu tiên trên quê hương Nghi Lộc.

Ngay sau khi Đảng bộ được thành lập, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy Vinh, Huyện ủy Nghi Lộc đã chỉ đạo các chi bộ phát động phong trào cách mạng sâu rộng trong quần chúng. Nhiều làng xã tổ chức việc treo cờ búa liềm, rải truyền đơn, tuyên truyền vận động Nhân dân ủng hộ cuộc đình công của công nhân nhà máy dệt Nam Định và chuẩn bị kỉ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5/1930.

Khi phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh nổ ra, đồng chí Võ Văn Bính đã tích cực vận động quần chúng Nghi Lộc tham gia đấu tranh ủng hộ phong trào cách mạng. Rạng sáng ngày 1/5/1930, dưới sự chỉ huy của Nông hội đỏ, Nhân dân các làng nô nức ngược đường Cửa Hội – Vinh kéo đến tập trung ở làng Lộc Đa (Hưng Lộc). Sau khi nghe đại biểu của Đảng diễn thuyết về ý nghĩa ngày Quốc tế Lao động và nội dung biểu tình, đoàn người xếp thành hàng, theo ngọn cờ của người tổng chỉ huy tiến vào Vinh phối hợp với nông dân các làng Yên Dũng, Lộc Đa, Đức Thịnh… và công nhân các nhà máy biểu tình lên Tòa Công sứ tỉnh Nghệ An đưa yêu sách: đòi tăng lương, giảm giờ làm cho công nhân; giảm sưu hoãn thuế cho công nhân… Cuộc biểu tình đã bị Công sứ và Tổng đốc Nghệ An huy động quan lại và lính trong thành phố tập trung đàn áp làm 6 người chết, 18 người bị thương và bắt giam 100 người. Cuộc đấu tranh mở đầu phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh tuy bị đàn áp nhưng đã chứng tỏ tinh thần yêu nước, sức mạnh đoàn kết của Nhân dân các huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên, thành phố Vinh… góp phần cổ vũ phong trào đấu tranh của nhân dân hai tỉnh Nghệ Tĩnh bùng lên mạnh mẽ.

Sau một thời gian tích cực hoạt động, tháng 8/1930, đồng chí Võ Văn Bính được bầu là tổ trưởng tổ Đảng thôn Khánh Duệ, chỉ huy lực lượng Tự vệ đỏ của thôn. Tháng 10/1930, đồng chí là Bí thư chi bộ thôn Long Trảo. Khi phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh lan rộng ra các huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương, Nghi Lộc… từ 11/1930 đến 5/1931, đồng chí được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ làm Phân ủy viên, kiêm Tổng chỉ huy lực lượng Tự vệ đỏ vùng Bắc huyện Nghi Lộc. Trong thời gian này, Võ Văn Bính cùng với lực lượng tự vệ đã ra sức bảo vệ quần chúng Nhân dân trong các cuộc mít tinh, biểu tình, bảo vệ các cơ sở Đảng và tiêu diệt nhiều tên tay sai gian ác.

Năm 1931, thực dân Pháp tăng cường đàn áp, khủng bố trắng hòng dập tắt phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, các cơ sở Đảng lần lượt rút lui vào hoạt động bí mật để bảo toàn lực lượng. Trước sự càn quét của địch, nhiều đảng viên đã bị bắt, nhà lao Vinh và các nhà lao tại phủ, huyện chật ních tù chính trị.

Ngày 26/6/1931, khi các đại biểu đang trên đường về dự Hội nghị cán bộ chủ chốt của Đảng bộ huyện Nghi Lộc tại làng Xuân Đình (nay thuộc xã Nghi Thạch) nhằm củng cố tổ chức thì có kẻ phản bội chỉ điểm. Tri huyện Trần Mậu Trinh cùng với viên sĩ quan lê dương chỉ huy đồn chợ Xâm đưa lính đến vây bắt. Được Nhân dân bảo vệ, một số đồng chí đã thoát khỏi vòng vây của chúng nhưng đồng chí Võ Văn Bính bị thực dân Pháp bắn bị thương và bị bắt cùng với 5 cán bộ cách mạng cốt cán của huyện như Quyền Thử, Hoàng Văn Tâm, Đạo Huyền… Sau lần bắt này, đồng chí bị tòa án Nam triều kết án tử hình. Trong thời gian chờ thi hành án, nhờ tinh thần đấu tranh quyết liệt của quần chúng Nhân dân và tài bào chữa của mình, đồng chí được giảm án xuống tù chung thân và đày đi nhà tù Lao Bảo, sau đó chuyển qua nhà đày Buôn Ma Thuột từ tháng 10/1931 đến 4/1945.

Tại nhà đày Buôn Ma Thuột, tù nhân bị ngược đãi với chế độ lao tù vô cùng tàn bạo, bệnh tật lan tràn khiến các chiến sỹ chết dần, chết mòn. Trong 100 tù nhân thì 99 người có ký sinh trùng sốt rét trong máu, có những bệnh nhân sốt cao liên tục 4-5 ngày nhưng vẫn phải đi lao dịch và không được viên thuốc nào. Trong tình cảnh như thế, tù nhân chỉ có hai con đường: hoặc là chết mòn trong yên lặng hoặc đoàn kết đấu tranh đòi cải thiện chế độ lao tù khắc nghiệt.

Cùng chung hoàn cảnh đau thương khi hàng ngày chứng kiến sự ra đi của nhiều anh em, đồng chí, Võ Văn Bính cùng nhiều chiến sỹ cách mạng đều có một nguyện vọng, quyết tâm chung là tiếp tục giữ vững chí khí để đấu tranh trong lao tù đế quốc. Họ nhận ra rằng, tuy bị tù đày, bị mất tự do nhưng phải tiếp tục đấu tranh để trước hết giành sự sống. Sống để phá tan âm mưu của kẻ thù muốn giết dần những người cộng sản, sống để về với Đảng, với phong trào cách mạng của Nhân dân. Nhưng muốn sống và để giữ vững khí tiết cách mạng thì không thể hành động theo phản ứng tự nhiên cô độc, mà phải liên lạc với nhau, bàn cách đấu tranh từ thấp lên cao để buộc kẻ thù giảm bớt chế độ lao tù khắc nghiệt…

Trải qua gần 15 năm trong lao tù đế quốc, nếm trải nhiều cực hình tra tấn dã man nhưng đồng chí Võ Văn Bính vẫn giữ vững khí tiết người cộng sản, kiên trì đấu tranh với địch, tích cực học tập truyền bá chủ nghĩa yêu nước trong nhà tù. Đối với đồng chí và anh em tù chính trị tại đây, nhà tù đế quốc là trận tuyến đấu tranh mới, là nơi rèn luyện phẩm chất, khí tiết người cộng sản, là nơi học tập nâng cao trình độ các mặt và tổng kết kinh nghiệm cách mạng.

Khi đế quốc Nhật nhảy vào Đông Dương thay chân thực dân Pháp, trước phong trào đấu tranh mạnh mẽ trong nước và quốc tế, đồng chí Võ Văn Bính và một số chiến sỹ cách mạng được ra tù. Trước lúc trở về quê hương, đồng chí đã làm bài thơ “Chào bạn tôi về” thể hiện khí tiết của người cộng sản:

“Chào bạn tôi về quyết ruổi rong

Thề đem máu nóng tới non sông

Lợi quyền vô sản xin ghi dạ,

Đoàn kết công nông vẫn tạc lòng,

Kẻ ở xông pha dè cát bụi

Người về chiến đấu lướt sương phong

Đồng tâm quét sạch loài lang sói

Chung hưởng hòa bình cõi Á Đông”.

Trở về quê hương sau 15 năm giam cầm tra tấn trong tù ngục, mặc dù sức khỏe yếu đi rất nhiều, nhưng đồng chí đã nhanh chóng bắt liên lạc với các tổ chức cơ sở Đảng, tích cực hoạt động vận động quần chúng chuẩn bị Tổng khởi nghĩa ở Nghệ An.

Cách mạng Tháng 8 bùng nổ ở Vinh, đồng chí được trên giao nhiệm vụ Phó Bí thư Thành ủy, kiêm Chủ nhiệm Việt Minh thành phố. Cách mạng Tháng 8 thành công, trong lúc Nhân dân khắp mọi miền trên cả nước ra sức củng cố chính quyền cách mạng, từng bước ổn định đời sống thì bọn phỉ Vàng Pao tăng cường chống phá vùng phía Tây Nghệ An. Ngày 28/6/1946, đồng chí Võ Văn Bính được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ là Ủy viên công tác đặc biệt, kiêm Tổng chỉ huy mặt trận đường 7 - Tây Nghệ An. Năm 1948-1949, đồng chí là chính trị viên, Bí thư chi bộ mặt trận Tây Nghệ An - Thanh Hóa.

Sau khi tình hình Tây Nghệ An, Thanh Hóa ổn định, đồng chí tiếp tục được điều động làm Phó Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Trung đoàn 51 thuộc Bộ Tư lệnh 4. Từ tháng 1 đến tháng 8/1951, đồng chí là Bí thư, Chính ủy Trung đoàn 44, sau đó được cử đi học tại trường Sỹ quan Lục quân. Kết thúc khóa học, đồng chí được giữ lại làm cán bộ khung huấn luyện, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng ủy Tiểu đoàn 4, Trường sỹ quan Lục quân. Tháng 2/1957, đồng chí là Hiệu ủy viên, Chủ nhiệm Hậu cần Trường sỹ quan Lục quân. Tháng 3/1957, sau sự kiện cải cách ruộng đất, đồng chí được lựa chọn, biệt phái làm cán bộ sửa sai ở các huyện Thanh Chương, Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.

Khi miền Bắc sôi nổi đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, tháng 8/1958 đồng chí tiếp tục được điều động chuyển ngành đi xây dựng kinh tế, làm Tổng chỉ huy công trường đỏ, kiêm Giám đốc, Bí thư Đảng ủy nông trường Bình Minh, thuộc địa bàn huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Kết thúc nhiệm vụ ở nông trường Bình Minh, từ tháng 1/1961, đồng chí được cấp trên tin tưởng điều về công tác tại Bộ Nông nghiệp, lần lượt đảm nhận các chức vụ: Cục phó Cục quy hoạch khai hoang; Cục trưởng Cục chăn nuôi (6/1963); Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (7/1967), Phó ban quản lý nông trường (7/1971). Tháng 7/ 1975, đồng chí nghỉ hưu theo chế độ khi đã gần 70 tuổi.

Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Võ Văn Bính là một tấm gương tiêu biểu của một chiến sỹ cách mạng hết lòng phấn đấu vì sự nghiệp cách mạng của Đảng. Dù bất cứ ở đâu, làm việc gì cũng luôn chấp hành sự phân công của tổ chức, hết lòng, hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ Nhân dân. Với những cống hiến cao cả đó, đồng chí đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng những phần thưởng cao quý như: Huân chương độc lập hạng Nhất; Huân chương chiến công hạng Hai; Huân chương chiến thắng hạng Hai; Huân chương chiến sỹ vẻ vang 1,2,3.

Do tuổi cao sức yếu, ngày 19/2/1995 (Âm lịch), đồng chí mất tại bệnh viện Hữu nghị Việt Xô, hưởng thọ 90 tuổi, thi hài của đồng chí được an táng tại nghĩa trang Mai Dịch - Hà Nội.

Năm 2019, tại Ninh Bình, để tri ân những cống hiến của đồng chí Võ Văn Bính cho mảnh đất Kim Sơn, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã có quyết định đặt tên đồng chí cho một đại lộ ở thị xã Kim Sơn.

Với 65 năm tuổi Đảng, trong đó có gần 15 năm sống, chiến đấu trong lao tù đế quốc, đồng chí Võ Văn Bính đã cống hiến trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, mãi mãi là tấm gương sáng cho cán bộ, đảng viên và thế hệ trẻ hôm nay, mai sau học tập và noi theo.

ThS. Trần Thị Hồng Nhung

Phó Giám đốc Bảo tàng XVNT

Tài liệu tham khảo:

 

- Theo gia phả họ Võ Văn, thôn Long Tân, xã Nghi Khánh

 

- Lý lịch đảng viên cụ Võ Văn Bính.

 

- Người Nghi Lộc - Vũ Đăng Hiến

 

- Lịch sử Đảng bộ huyện Nghi Lộc (1930-2010)

 

- Lịch sử Nhà đày Buôn Ma Thuột (1930-1945)

Video