107
475
1107
10307
16514
6784679
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đến tháng 3/1930, Phân cục Trung ương lâm thời ở Trung Kỳ(1) đã được thành lập, đặt hai trụ sở, một ở Vinh và một ở Đà Nẵng. Phân cục Trung ương đã chỉ định ra hai Ban chấp hành lâm thời Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tại Nghệ An là Tỉnh bộ Vinh và tỉnh bộ Nghệ An.
Để kịp thời cổ vũ phong trào đấu tranh của nhân dân, đồng thời thể hiện vai trò lãnh đạo cách mạng Việt Nam của Đảng, thời kỳ từ sau khi Tỉnh bộ ra đời đến tháng 5/1930, tại Nghệ An, công tác tuyên truyền được giao nhiệm vụ cho đồng chí Bí thư Tỉnh bộ kiêm nhiệm: “Nghệ An: Đảng bộ có 611 đồng chí. Cách tổ chức: có Tỉnh ủy 5 người: 1 Bí thư kiêm tuyên truyền, 1 huấn luyện kiêm cổ động, 1 củ soát kiêm tổ chức, 2 phụ trách quần chúng”(2). Báo chí, truyền đơn thời kỳ này là tiếng nói của Đảng nhằm tuyên truyền, cổ vũ các tầng lớp nhân dân gia nhập các tổ chức cách mạng như Công hội, Nông hội, Sinh hội, Binh hội đỏ; đồng thời hoan nghênh việc hợp nhất các tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản Việt Nam; kêu gọi đảng viên và quần chúng xóa bỏ mọi thành kiến cũ, đoàn kết trong Đảng và các hội quần chúng. Với phương châm “mưa dầm thấm đất”, truyền đơn thường được các đồng chí cất giấu trong túi xách hay dưới đáy quang gánh, trên là đủ thứ rau, quả, cải trang thành người đi chợ. Đến các điểm tập trung đông người, các đường thôn, ngõ xóm, khi đã cắt đuôi được mật thám theo dõi, các đồng chí liền đưa truyền đơn ra rải. Mỗi khi nhặt được truyền đơn, quần chúng nhân dân lại bí mật đọc và truyền tai nhau. Người vận động người. Số anh chị em, bà con sau khi được giác ngộ lại tiếp tục tuyên truyền cho những anh chị em, bà con khác. Nhờ đó, sự chuyển hóa tư tưởng trong đông đảo quần chúng nhân dân ngày một tăng lên, vai trò lãnh đạo của Đảng ngày càng phát huy cao độ trong phong trào cách mạng tại Nghệ An.
Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh hiện đang lưu giữ, bảo quản và trưng bày nhiều truyền đơn của Đảng Cộng sản Việt Nam thời kỳ này như: Truyền đơn kêu gọi dân cày đứng lên đấu tranh chống sưu cao thuế nặng:
“Anh em dân cày
Đế quốc Pháp tàn hại anh em đã lắm rồi! Sưu cao, thuế nặng, bóc lột đủ đường. Nay nó lại bắt anh em canh giờ nghiêm khắc, cực khổ, bắt lập đoàn phu xã như thế để làm gì? Đó là một cách của nó, cốt để bài trừ đảng Cộng sản là đảng bênh vực quyền lợi cho anh em, cốt để ngăn cản phong trào tranh đấu của nông dân, thiệt là một cách bắt nông dân giết hại nông dân! Độc ác thay! Vậy anh em phải đứng dậy làm biểu tình:
1. Không được bắt nông dân giết hại nông dân
2. Không được lập đoàn phu xã
3. Phải bỏ lệ tuần canh”(3)
Ngày 13/3/1930, thực dân Pháp và phong kiến Nam triều thi hành án chém đối với hai cán bộ của Nông hội Nghệ An là Phan Hoàng Thân và Nguyễn Đừu (quê ở Anh Sơn)(4). Truyền đơn phản đối hành động của thực dân Pháp được rải khắp mọi nẻo đường càng kích động mạnh mẽ vào lòng căm thù giặc trong toàn dân xứ Nghệ.
“Anh em dân cày!
1. Phản đối tăng thuế
2. Phản đối sự giết anh Thân và anh Đìu là người có chân trong Tổng Nông hội Nghệ An”(5)
Để hướng dẫn quần chúng nhân dân đấu tranh có kết quả, với phương châm “In thật sạch sẽ và rõ ràng các truyền đơn, phân phát truyền đơn với số lượng nhiều sao cho nó được nhiều người đọc và nhiều người bình luận”; “Thuật ngữ tuyên truyền phải được tuyệt đại đa số quần chúng hiểu biết” (6) , ngày 18/3/1930, thực hiện chủ trương của Phân cục Trung Kỳ, các đồng chí trong Tỉnh ủy Nghệ An đã chỉ đạo anh em tích cực tổ chức in ấn và rải tài liệu, truyền đơn kêu gọi. Thời kỳ này có 2 cách in tài liệu, truyền đơn là in li tô trên bàn đá và in thạch nhưng chủ yếu các đồng chí sử dụng phương pháp in thạch. Phương pháp này có ưu điểm là đơn giản, dễ thao tác, có thể sử dụng những đồ dùng thường ngày của gia đình như mặt mâm chè, mâm đồng, mặt mâm gỗ, hoặc nền sáp, khuôn đất sét.. để làm khuôn in.
Nhân ngày Quốc tế Lao động 1/5, ngày Chống chiến tranh đế quốc 1/8, kỷ niệm ngày Cách mạng tháng Mười Nga 7/11, Quảng Châu công xã…, TW Đảng chủ trương phát động các phong trào đấu tranh rộng khắp trên quy mô toàn quốc. Tại Nghệ An, công tác tuyên truyền, cổ động phong trào đấu tranh của nhân dân ngày càng được tổ chức khẩn trương, gấp rút. Thực hiện chỉ thị của TW Đảng“Luôn luôn tuyên truyền, tuyên truyền nữa, luôn luôn có những cuộc nói chuyện và những cuộc nói chuyện nữa để cổ vũ, thúc đẩy quần chúng hi sinh cho sự nghiệp chung”(7), ngoài truyền đơn, các ấn phẩm báo chí của Tỉnh ủy, Huyện ủy lần lượt ra đời, bí mật truyền bá khắp mọi tầng lớp nhân dân. Tỉnh uỷ Nghệ An xuất bản báo “Tiến lên”, các huyện đảng bộ cũng xuất bản thêm tờ báo tuyên truyền riêng của mình và lưu hành rộng rãi: huyện bộ Anh Sơn ra báo “Gương vô sản”, huyện bộ Quỳnh Lưu với báo “Lao động” , huyện bộ Thanh Chương có tờ “Nhà quê”, huyện Nam Đàn có báo “Giác ngộ”, báo “Sản nghiệp”, huyện Nghi Lộc có tờ “Dân nghèo”...
Nội dung truyền đơn của Đảng trong giai đoạn này nhằm khơi dậy lòng căm thù đế quốc, phong kiến đồng thời kêu gọi, phát động quần chúng không phân biệt giai cấp cùng vùng lên đấu tranh đòi quyền lợi, thông tin về diễn biến, thành quả các cuộc đấu tranh đến nhân dân, giáo dục tinh thần quốc tế vô sản, ủng hộ Liên bang Xô Viết, thắt chặt tình đoàn kết trong cộng đồng dân tộc bán đảo Đông Dương.
Truyền đơn kêu gọi đấu tranh kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động với 24 điều của Đảng Cộng sản Việt Nam:
“ Ngày kỷ niệm Quốc tế lao động mồng 1 tháng 5.
Phản đối
1. Phản đối hạ tiền lương và phạt tiền lương thợ thuyền
…
7. Phản đối đế quốc tăng thêm sưu thuế, bắt đóng thêm thuế mới, phản đối mở quốc trái;
Phản đối lễ tuần canh ở các làng;
Phản đối tư bản đế quốc dùng cách ám muội để mộ phu đi Tân thế giới và đi các đồn điền Nam Kỳ;
Phản đối phạt lương lính cùng các cách phạt dã man quân lính;
Phản đối nghị định các cách phạt học sinh…”(8)
Truyền đơn kêu gọi tất cả các tầng lớp bị bóc lột đoàn kết nhau lại đấu tranh, tránh âm mưu nồi da nấu thịt:
“ Anh em chị em thợ thuyền, dân cày, binh lính, thanh niên, học sinh! Anh em chị em bị áp bức, bóc lột!
Dân Annam đang bị chánh sách khủng bố của đế quốc Pháp làm cho sống dở, chết dở…
Anh em chị em! Chúng ta đã chịu khổ nhiều rồi! Đành chịu cho quân đế quốc chém giết những người cách mệnh hết sức hi sinh để bênh vực chúng ta sao?
Anh em chị em! Ai là người bị bóc lột áp bức, ai là người bị khổ sở hãy đứn dậy cùng Đảng Cọng sản chống lại khủng bố dã man của đế quốc Pháp. Chỉ có sức anh em chị em mới ngưng được cái tay của đế quốc hút máu giết người nay -
1. Đánh đổ chánh sách khủng bố!
2. Đánh đổ Hội đồng đề hình!
…
8. Bỏ thuế hoa lợi, thuế muối, thuế chợ và công sưu!
9. Cấp cơm gạo cho dân bị đói!
10. Lấy ruộng đất của Đại địa chủ cho dân nghèo!
11. Công nhân làm 8 giờ, tăng lương!”
Truyền đơn kêu gọi Học sinh tham gia đấu tranh:
“ Khẩu hiệu của học sinh
1. Tự do xem sách báo
2. Tự do lập hội
3. Tự do bãi khóa
4. Tự do du học nước ngoài
5. Phản đối đánh đập chửi mắng học trò
6. Phản đối vô cớ đuổi học trò
7. Phản đối bắt học trò phải có người đảm bảo
8. Phản đối can thiệp hành động của học trò ở ngoài trường”(9)
Hưởng ứng lời kêu gọi của TW Đảng, chi bộ Đảng các cấp, nhân dân Nghệ An đã hăng hái đứng lên mở đầu cho cao trào biểu tình, bãi công, đấu tranh đòi quyền lợi. Ngày 1/5/1930, dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Trung Kỳ, Tỉnh ủy Vinh – Bến Thủy, đứng đầu là đồng chí Lê Mao, khoảng 1.200 nông dân các làng Yên Dũng, Lộc Đa, Đức Thịnh, An Hậu, Đức Hậu tập trung kéo về tỉnh lỵ Vinh phối hợp với công nhân các nhà máy đấu tranh đòi Pháp thực hiện yêu sách. Thực dân Pháp và tay sai đã xả súng vào đoàn người khiến 6 người chết và 18 người bị thương. Một số binh lính nhận lệnh nhưng đã chĩa súng bắn lên trời mà không bắn vào đồng bào mình. Có thể nói đây là “lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng xứ ta, công – nông – binh bắt tay nhau giữa trận tiền(10) .
Ngày 1/8/1930, công nhân khu công nghiệp Vinh - Bến Thủy tổng bãi công, đánh dấu một thời kỳ mới, thời kỳ đấu tranh kịch liệt đã đến. Hòa nhịp với phong trào đấu tranh của công nhân, nông dân Nghệ - Tĩnh đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình có vũ trang tự vệ kéo đến các huyện đường: Nam Đàn vào ngày 6/8 và 30/8, Nghi Lộc ngày 29/8, Thanh Chương ngày 1/9 và lan rộng ra hầu khắp các huyện trong toàn tỉnh.
Truyền đơn, báo chí cách mạng đã trở thành vũ khí tư tưởng, lý luận của các tổ chức cách mạng Việt Nam nói chung, Nghệ An nói riêng, góp phần nâng cao lòng yêu nước, nhận thức chính trị của quần chúng, phát động các phong trào chính trị. Nhờ sự tuyên truyền, cổ động mạnh mẽ của các tờ truyền đơn, các bài báo, lòng yêu nước, căm thù giặc ngày một sục sôi, phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân Nghệ An nổ ra ngày càng mạnh mẽ. Đến tháng 9/1930 phong trào đấu tranh phát triển đến đỉnh cao. Ngày 1/9/1930, khoảng 20.000 nông dân huyện Thanh Chương biểu tình đòi bỏ thuế, thả tù chính trị. Lính Pháp nổ súng nhưng những người biểu tình vẫn tiến vào đốt huyện đường, đốt hồ sơ, sổ sách, phá nhà giam, thả tù nhân. Ngày 12/9/1930, khoảng 8.000 nông dân huyện Hưng Nguyên và Nam Đàn đấu tranh với khẩu hiện như “Đả đảo chủ nghĩa đế quốc! đả đảo phong kiến”. Đoàn biểu tình xếp thành hàng dài kéo về thành phố Vinh. Thực dân Pháp đã cho máy bay ném bom xả súng liên thanh vào đoàn biểu tình, làm chết 217 người, bị thương 125 người, đốt cháy 177 nóc nhà. Hai làng Lộc Châu và Lộc Hải bị thiêu rụi hoàn toàn. Song điều đó cũng không ngăn cản được phong trào đấu tranh của nông dân, mà càng làm cho cuộc đấu tranh thêm sục sôi khiến cho chính quyền thực dân hết sức lo sợ. Trước sự sụp đổ của chính quyền thực dân và phong kiến ở Nghệ - Tĩnh, các chi bộ và tổ chức Nông hội đỏ đã quản lý và điều hành mọi hoạt động trong làng xã, lập ra chính quyền Xô viết – chính quyền công - nông đầu tiên ở Việt Nam.
Tin tức các cuộc biểu tình đấu tranh của nhân dân Nghệ An theo truyền đơn, báo chí đã góp phần thôi thúc những địa phương khác đứng lên “ủng hộ Nghệ Tĩnh Đỏ”. Để kịp thời phục vụ cho công tác tuyên truyền, truyền đơn, báo chí của Đảng ta thời kỳ này còn sử dụng thêm phương pháp in Li-tô. Đây là phương pháp in trên mặt đá mài nhẵn, tuy có nhược điểm là công cụ sử dụng to, nặng, dễ lộ nếu bị khám xét. Nhưng xét về mặt ưu điểm thì phương pháp này có thể một lúc in được số lượng lớn báo chí, truyền đơn nên thường được sử dụng tại các cơ sở ấn loát của Xứ ủy, Tỉnh ủy. Các truyền đơn, báo chí in ấn số lượng lớn, lượng thông tin mang tính thời sự cao, đã được phân phát nội bộ, rải, dán khắp mọi nơi vừa góp phần cổ động, khích lệ tinh thần chiến đấu, khơi dậy niềm tin mãnh liệt vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng trong các tầng lớp nhân dân, đồng thời làm cho kẻ địch phải run sợ.
Từ giữa năm 1931, thực dân Pháp và triều đình phong kiến tay sai tăng cường chính sách khủng bố trắng, thủ đoạn lừa phỉnh, dụ dỗ nhân dân hòng dập tắt phong trào cách mạng đang dâng cao. Tại Nghệ An, tính đến đầu năm 1932, có đến 6.681 người bị bắt giam, gần 1.500 người bị giết. Trước tình hình phức tạp và căng thẳng đó, Xứ ủy Trung Kỳ và Tỉnh ủy Nghệ An đã vận động, hướng dẫn các cấp bộ Đảng, đoàn thể quần chúng tạm rút lui vào rừng núi hoạt động bí mật. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, công tác tuyên truyền, cổ động của Đảng vẫn được các đồng chí duy trì.
Bảo Tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh hiện lưu giữ, trưng bày nhiều báo chí, truyền đơn tuyên truyền, cổ động của Đảng ở Nghệ An thời kỳ 1930-1931. Có thể kể đến: truyền đơn của Đảng Cộng sản Đông Dương kêu gọi anh em binh lính đoàn kết vạch trần âm mưu “của đế quốc Pháp liên hiệp với vua Xiêm để tiêu diệt cách mạng Việt Nam”; truyền đơn của Đảng Cộng sản Đông Dương kêu gọi anh chị em thợ thuyền Vinh – Bến Thủy đứng lên biểu tình, bãi công chống đế quốc phong kiến nhân kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1/5/1931; truyền đơn kêu gọi anh chị em công nông đứng lên đấu tranh đánh đổ khủng bố trắng “Kỷ niệm Sôviết Nghệ An” của Đảng Cộng sản Đông Dương vào ngày 10 tháng 9 năm 1931… Các đầu báo là cơ quan ngôn luận của Xứ ủy, Tỉnh ủy, Huyện ủy như: Báo Lao khổ số 13, phụ trương ngày 23/9/1930 của Xứ ủy Trung Kỳ đưa tin “Phải coi chừng kẻo mắc bẫy”; Báo Chỉ đạo số 3 ngày 17/8/1931 đề ra phương pháp tuyên truyền, cổ động quần chúng đấu tranh từ chi bộ trở lên: “Chúng ta bây giờ đang ở vào lúc đế quốc thẳng tay khủng bố, lại vừa lúc quần chúng đã mệt. Trong thời kỳ đặc biệt này, phải hết sức mở rộng tuyên truyền và tranh đấu để lấy lại tinh thần quần chúng”; Báo Bước tới số 25 ngày 5/2/1931; Gương vô sản số 4 của cơ quan Đảng bộ Anh Sơn với bài “Quyết liệt đả đạo tụi hoạt đầu”…
Các tài liệu trong sưu tập truyền đơn, báo chí trên là nguồn tư liệu sinh động và quý giá về thời kỳ hoạt động gian khó mà hào hùng của toàn Đảng, toàn dân Nghệ An. Với nội dung tuyên truyền, cổ động vừa đa dạng, phong phú, gần gũi, vừa mang đầy đủ tính chất giáo dục, tính thời sự, định hướng nhân dân đấu tranh chống lại thực dân Pháp và tay sai, chúng ta có thể khẳng định vị trí, vai trò quan trọng công tác tuyên truyền trong tiến trình cách mạng Việt Nam. Thông qua báo chí, truyền đơn, Đảng đã từng bước nâng cao vai trò lãnh đạo của mình, tập trung được lực lượng quần chúng cách mạng, xây dựng khối liên minh công nông vững chắc và cổ vũ, khích lệ niềm tin, tinh thần đấu tranh của nhân dân, góp phần làm nên cao trào cách mạng 1930 – 1931 mà đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh – cuộc tổng diễn tập đầu tiên để tổng khởi nghĩa tháng 8/1945 diễn ra thành công trong cả nước.
Đặng Huyền Trang – Bảo tàng XVNT
Chú thích:
(1): Giữa năm 1930, Phân cục Trung ương lâm thời họp bầu Ban chấp hành chính thức và đổi tên gọi Phân cục Trung ương Trung Kỳ thành Kỳ bộ Trung Kỳ. Đứng đầu Kỳ bộ là Xứ uỷ. Tháng 12/1930, Hội nghị Trung ương lần thứ nhất họp ở Hương Cảng, Trung Quốc, Phân cục Trung ương được chuyển thành Xứ uỷ Trung Kỳ.
(2): Báo cáo của Trung Kỳ chấp ủy khuếch đại hội nghị năm 1930 lưu tại Văn phòng tỉnh ủy Nghệ An
(3): Truyền đơn kêu gọi dân cày biểu tình của Đảng lưu tại Kho Bảo tàng XVNT
(4): Có tài liệu ghi là Hoàng Văn Thân và Nguyễn Văn Điều (Đào hoặc Đìu)
(5)(8)(9): Truyền đơn của Đảng lưu tại Kho Bảo tàng XVNT
(6) (7): Văn kiện Đảng toàn tập, tập 2, tr.64, 66, NXB Chính trị Quốc gia, 1998