Liệt sỹ Nguyễn Hữu Giảng – tấm gương cộng sản kiên trung của quê hương Quỳnh Lưu trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 1930 -1931

Tác giả: Phan Thị Thảo
Ngày 2024-07-05 10:18:54

Xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An là mảnh đất có truyền thống yêu nước và cách mạng với nhiều công trình kiến trúc văn hóa tâm linh, như: miếu Nhà Ông, chùa Yên Thái, đền Voi,... Trong suốt chặng đường đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, các thế hệ con em Quỳnh Hồng đều sẵn sàng tòng quân, ứng nghĩa, nguyện cống hiến trọn cả tuổi thanh xuân và xương máu của mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, xây dựng làng xóm, gìn giữ quê hương. Đặc biệt, trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh năm 1930 -1931, tiêu biểu cho những người con kiên trung, bất khuất của quê hương Quỳnh Hồng có đồng chí Nguyễn Hữu Giảng.

Đồng chí Nguyễn Hữu Giảng (bí danh là Nguyễn Huy)  sinh 1904 tại làng Đồng Yên (nay là xã Quỳnh Hồng), huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, trong một gia đình nông dân giàu lòng yêu nước. Thân phụ là ông Nguyễn Hữu Chi, thân mẫu là bà Hồ Thị Đạt. Được sinh ra, nuôi dưỡng và lớn lên trên quê hương có bề dày lịch sử, văn hóa, được tiếp thu những nét đẹp truyền thống của gia đình, quê hương, đồng chí đã sớm đi theo con đường yêu nước của các bậc tiền bối, tham gia vào các phong trào tại địa phương chống cường quyền và đòi quyền lợi cho Nhân dân.

Năm 1925, ở trong nước, hàng loạt các tổ chức yêu nước ra đời. Tại thành phố Vinh, Hội Phục Việt (tiền thân của tổ chức Tân Việt) cũng được thành lập. Bên cạnh Tân Việt, năm 1926, ở Vinh, cũng đã xuất hiện tổ chức của Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội. Các thành viên của hai tổ chức trên đi sâu vào quần chúng nhằm phổ biến, tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin và cách mạng vô sản, giác ngộ tư tưởng cách mạng trong thanh niên, học sinh, kết nạp thêm hội viên mới,…

Năm 1926, đồng chí Thái Văn Đắc là đảng viên Tân Việt của Nghệ An (quê Hà Tĩnh) ra dạy học tại Trường Tiểu học Quỳnh Lưu đã liên hệ với một số người, thành lập ra tổ chức Tân Việt ở Quỳnh Lưu với những đảng viên đầu tiên như: Nguyễn Đức Mậu, Nguyễn Hữu Giảng, Nguyễn Nhật Tiến, Phạm Tam Phiệt,… Từ tổ chức này, địa bàn tuyên truyền, hoạt động của Tân Việt được mở rộng và tác động nhiều đến tinh thần yêu nước của thanh niên.

Đầu năm 1927, các đồng chí Dương Đình Thuý, Nguyễn Hữu Giảng, Hoàng Ngọc Ân đã tiếp xúc với Chu Trang và Chu Huệ là hai cán bộ của tổ chức Thanh niên ở tổng Hoàng Trường (Diễn Châu) về hoạt động ở Quỳnh Giang, Quỳnh Diễn, để gây dựng cơ sở Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội ở Quỳnh Lưu. Đồng chí Nguyễn Hữu Giảng là người có công thành lập và trở thành Bí thư chi bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội đầu tiên tại xã nhà (năm 1927). Trong thời gian này, toàn huyện có hơn 20 đảng viên thuộc tổ chức Thanh niên; cuối năm 1928, có gần 30 đảng viên Tân Việt. Cùng với sự ra đời và hoạt động của các tổ chức Thanh niên, Tân Việt, tại nhiều nơi trong huyện, các phường hội nhóm lập dưới danh nghĩa khuyến học, phường vải,… nhằm tập hợp lực lượng, tuyên truyền chủ nghĩa Mác – Lênin, vận động quần chúng chống lại cường hào ác bá và những tệ nạn ở hương thôn. Sau khi các tổ chức cách mạng được thành lập, phong trào đấu tranh ở Quỳnh Lưu ngày càng phát triển.

Tháng 6 năm 1929, tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời ở Bắc Kỳ và đã cử Nguyễn Phong Sắc, Trần Văn Cung vào Nghệ An liên lạc với Võ Mai để phát triển cơ sở, sau đó đã lập ra Kỳ bộ Đông Dương Cộng sản ở Trung Kỳ, ra báo Bônsơvích.

Tháng 7/1929, đồng chí Nguyễn Hữu Giảng đã liên lạc với chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng ở Vạn Phần (Diễn Châu), cùng đồng chí Nguyễn Đức Mậu đứng đầu nhóm Tân Việt, chuẩn bị thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng tại Quỳnh Lưu. Thế nhưng, khi công việc chuẩn bị đang trên đà xúc tiến thì ngày 21/8/1929, đồng chí Nguyễn Hữu Giảng bị địch bắt giam tại Nhà lao Vinh, việc thành lập tạm thời bị ngừng lại. Trong lao tù đế quốc, Nguyễn Hữu Giảng bị đánh đập, tra tấn hết sức dã man trong gần 2 tháng, nhưng đồng chí vẫn một mực không chịu khuất phục, kiên quyết không khai. Không tìm ra được chứng cứ xác thực để buộc tội, cuối cùng bọn chúng đành phải trả tự do cho đồng chí Nguyễn Hữu Giảng vào đầu năm 1930.

Sau khi ra tù Nguyễn Hữu Giảng đã cùng với các đồng chí thầy giáo Nguyễn Đức Mậu (một trong những người lãnh đạo Tân Việt trước đây ở Thanh Sơn) và Đào Quang (một người lãnh đạo tổ chức Thanh niên trước đây ở Quỳnh Thuận), tham gia lãnh đạo phong trào trong huyện, bắt liên lạc với cơ sở Đông Dương Cộng sản Đảng ở Vinh, Diễn Châu, triệu tập những đồng chí trung kiên trong hai tổ chức Thanh niên và Tân Việt ở huyện, chuẩn bị cho việc thành lập Đảng bộ Đảng Cộng sản huyện nhà.

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, ngày 20/4/1930, tại Thanh Sơn (Sơn Hải), Quỳnh Lưu đã diễn ra Hội nghị hai tổ chức Thanh niên và Tân Việt. Hội nghị đã quyết định thành lập Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam huyện Quỳnh Lưu, thông qua phương hướng hoạt động của Đảng bộ, bầu Ban Chấp hành lâm thời gồm 5 đồng chí: Nguyễn Đức Mậu (Bí thư), Nguyễn Hữu Giảng, Đào Quang, Nguyễn Xuân Đào và Hoàng Văn Hợp (Huyện uỷ viên). Hội nghị nhất trí phát hành tờ báo “Lao động” để tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin cho đảng viên và giác ngộ quần chúng Nhân dân đấu tranh chống chế độ thực dân, phong kiến.

Đầu tháng 5/1930, Huyện uỷ lâm thời họp bàn về việc phát triển các cơ sở Đảng, phân công các Huyện uỷ viên phụ trách từng địa bàn trong huyện. Đồng chí Nguyễn Hữu Giảng được cử về chỉ đạo, hoạt động ở vùng Đồng Yên (đã tổ chức được 2 chi bộ với 10 đảng viên).

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, từ cuối tháng 5 năm 1930, không khí đấu tranh trong toàn quốc nhất là 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sôi nổi chưa từng thấy. Tiểu biểu ở Nghệ An  có các cuộc biểu tình của nông dân các làng Yên Dũng, Lộc Đa, Đức Thịnh (Hưng Nguyên); Ân Hậu, Đức Hậu, Yên Đại ( Nghi Lộc)… đã gây một tiếng vang lớn, có tầm ảnh hưởng nhất định đến tình hình ở Quỳnh Lưu.

Thực hiện kế hoạch của Tỉnh ủy Nghệ An về việc phối hợp đấu tranh với các vùng khác, được sự cổ vũ của phong trào cách mạng ở Vinh - Bến Thủy, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Thanh Chương, Huyện ủy Quỳnh Lưu đã họp Hội nghị vào trung tuần tháng 6 năm 1930 tại Quỳnh Thuận. Hội nghị đã quyết định phát động diêm dân ở tổng Thanh Viên đấu tranh chống áp bức, bóc lột của đế quốc và phong kiến tay sai để mở đầu cho thời kỳ đấu tranh cách mạng mới của huyện. Đây là lần đầu tiên, các đồng chí trong Ban Chấp hành Huyện ủy Quỳnh Lưu, như: Nguyễn Đức Mậu, Nguyễn Hữu Giảng, Đào Quang,… lãnh đạo nhân dân, chủ yếu là diêm dân đứng lên đấu tranh trực diện với bọn Tây đoan đòi giải quyết các yêu sách.

Đúng kế hoạch, sáng sớm ngày 20/6/1930 ( tức là này 25/5 năm Canh Ngọ), nhằm phiên chợ chính ở Quỳnh Thuận, khoảng 3000 người từ các nẻo đường của các làng xã phía đông, nam huyện tiến về chợ Đình, nơi dưới gốc cây đa có người cán bộ tay cầm cờ đỏ búa liềm đang diễn thuyết kêu gọi đấu tranh chống áp bức, bóc lột của đế quốc, phong kiến. Sau khi nghe diễn thuyết, đoàn người tiến đến đồn lính Phú Đức đưa yêu sách:

- Tăng giá muối lên 30%

- Để cho dân đem một số muối về dùng, không được tự tiện vào nhà khám muối.

- Được tự do đổ nước, cạo muối

- Không được đánh đập dân làm muối.

- Phải thả tù chính trị ở các nơi…

Đoàn người biểu tình với băng cờ trên tay, khí thế sôi nổi. Bọn địch ở hai tổng Thanh Viên và Phú Hậu không dám đàn áp. Lính đồn Phú Đức đóng cửa bỏ chạy tháo thân trước khi đoàn biểu tình kéo đến, chỉ còn tên đồn trưởng người Pháp Guyômơ. Đoàn biểu tình phá cửa đồn tiến vào, đồn trưởng hoảng sợ buộc phải nhận yêu sách và hứa 3 ngày sẽ trả lời dân chúng.

Phát huy thắng lợi, đoàn biểu tình kéo sang đồn Thanh Đàm, bọn lính và cai lệ đã bỏ chạy chỉ còn lại đồn trưởng đang tái mặt, run sợ. Đoàn biểu tình cảnh cáo và y hứa từ nay không chỉ huy lính ức hiếp dân làm muối nữa.

Cuộc đấu tranh ngày 20/6/1930 nổ ra đúng hai tháng sau khi Đảng bộ huyện được thành lập, đã tỏ rõ năng lực lãnh đạo của Đảng bộ huyện và chi bộ cơ sở. Dưới sự lãnh đạo của Ban chấp hành Đảng bộ huyện, trong đó có đồng chí Nguyễn Hữu Giảng, phong trào cách mạng của nhân dân Quỳnh Lưu đã phát triển mạnh mẽ và thu được nhiều thắng lợi.

Hoảng sợ trước sự lớn mạnh của phong trào, thực dân Pháp và phong kiến tay sai một mặt mở chiến dịch khủng bố trắng, mặt khác ra lệnh cho mật thám lùng sục ở nhiều vùng trong hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, hòng vây bắt bằng được các đồng chí lãnh đạo chủ chốt. Ở Quỳnh Lưu, sau nhiều ngày bị truy tìm, các đồng chí Nguyễn Hữu Giảng, Nguyễn Đức Mậu, Đào Quang… đã lần lượt sa vào tay giặc. Tri huyện Tôn Thất Định giải đồng chí Nguyễn Hữu Giảng về giam tại Nhà lao Vinh để tra tấn, xét hỏi. Sau khi xét xử, đồng chí bị tòa án Nam triều tỉnh Nghệ An kết án 3 năm tù khổ sai và 3 năm quản thúc (theo Bản án số 166/ngày 28/11/1930) đày đi nhà lao Kon Tum với tội danh hoạt động cộng sản.

Đời sống của tù nhân trong các nhà tù của thực dân Pháp ở Việt Nam nói chung và nhà lao Kon Tum nói riêng vô cùng cực khổ. Đặc biệt, đối với tù nhân chính trị, thực dân Pháp càng đối xử tàn bạo, quy định chế độ sinh hoạt khắc nghiệt. Tại đây, Nguyễn Hữu Giảng đã bị bọn địch dùng nhiều thủ đoạn đê hèn, bỉ ổi, tàn bạo và man rợ nhất để khuất phục tinh thần cách mạng và lòng yêu nước. Nhưng đồng chí đã học tập tinh thần chiến đấu kiên cường của các lớp đàn anh đi trước, bền gan dũng chí đấu tranh chống lại mọi chế độ hà khắc và tham gia nhiều cuộc đấu tranh do anh em trong tù tổ chức và một lòng luôn tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Sau một thời gian dài chịu đựng tra tấn và mọi thủ đoạn xảo trá của kẻ thù, Nguyễn Hữu Giảng đã hi sinh anh dũng trong xà lim giám binh Kon Tum năm 1933, khi vừa tròn 29 mùa xuân, khi tuổi trẻ và chí khí cách mạng vẫn dâng trào.

 Ghi nhận những đóng góp to lớn của đồng chí Nguyễn Hữu Giảng cho Đảng và phong trào cách mạng Việt Nam, ngày 17/11/1947, gia đình đồng chí đã được Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng ký tặng Bằng Tổ quốc ghi công theo Quyết định số 218/CP và nhiều danh hiệu cao quý khác. Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Hữu Giảng là tấm gương sáng ngời về tinh thần quả cảm, kiên cường, trọn đời phấn đấu cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc để các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau học tập và noi theo./. 

                                                              Phan Thị Thảo

Phòng STKKBQ - Bảo tàng XVNT

Sách tham khảo

1-Theo Sách LSĐB xã Quỳnh Hồng năm 2007.

2- Theo hồ sơ tù lưu tại Bảo tàng XVNT (Bộ công an cấp).

3- Sách LSĐB Quỳnh Lưu năm 2000 .

4- Theo sách Tấm gương Cộng sản tập 5.

5-Gia đình đ/c Nguyễn Hữu Giảng cung cấp.

Video