104
475
1104
10304
16514
6784676
Đồng chí Hà Huy Giáp sinh ngày 04/4/1907[1], tại xã An Hoà Thịnh, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Hương Sơn – quê hương của đồng chí Hà Huy Giáp là một huyện miền núi nằm về phía Tây Bắc của huyện Hà Tĩnh. Đây là vùng đất giàu truyền thống yêu nước, hiếu học với các dòng họ nổi tiếng và cũng là nơi ươm mầm nên nhiều nhân tài, hào kiệt đã được lưu danh trong pho sử vàng dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Họ Hà Huy là một trong những dòng họ lớn, có truyền thống lâu đời của huyện Hương Sơn. Theo gia phải họ Hà Huy ở Hương Sơn thì người khai sinh ra họ Hà ở xứ Nghệ nói chung, Hương Sơn nói riêng là Tướng quân Hà Mại, tự Tông Hiểu (1334 – 1410). Với những công lao và đóng góp của mình, Ngài đã được vua Trần phong tặng đạo sắc “Đoan túc dực bảo trung hưng thần”; đến triều Nguyễn, niên hiệu Duy Tân năm thứ 3, Ngài được phong đạo sắc “Đoan túc dực bảo trung hưng Đồng Giang linh ứng thần”. Tiếp nối truyền thống được tạo dựng từ vị Thủy Tổ Hà Mại, các thế hệ con cháu họ Hà đã luôn chăm chú việc học hành, rèn luyện và trở thành những hiền nhân có nhiều cống hiến đối với sự phát triển của lịch sử dân tộc.
Sinh ra trong một dòng họ hiển hách và được ươm mầm lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống, đồng chí Hà Huy Giáp đã sớm mang trong mình khát vọng được cống hiến tuổi trẻ cho khát vọng độc lập của dân tộc, tự do của nhân dân.
Đồng chí Hà Huy Giáp trong quá trình hoạt động còn có các bí danh là Bùi Xuân Tế, Giáo, Muôn, Anh Hai, Dinh. Cha của đồng chí Hà Huy Giáp tên Hà Huy Ái[2], thường gọi là cụ Tú Ái, là một thầy giáo dạy chữ nho và làm thầy thuốc. Ông là một người có tư tưởng yêu nước, thương dân tiến bộ. Không chỉ dạy chữ, đồng chí Hà Huy Giáp còn được cha dạy về lễ nghĩa và thường xuyên kể cho đồng chí nghe chuyện về những tấm gương yêu nước của các bậc tiền bối như: Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu,... Dưới sự chỉ dạy của cha, đồng chí Hà Huy Giáp đã sớm thấu hiểu, đồng cảm với nỗi khổ cực của người nông dân sống trong cảnh lầm than “một cổ đôi tròng áp bức”.
Năm 1925, sau khi tốt nghiệp cao đẳng tiểu học ở Vinh, đồng chí Hà Huy Giáp được ra Hà Nội theo học trường Tú Tài bản xứ. Tại đây, đồng chí Hà Huy Giáp đã được tiếp cận với phong trào yêu nước trong giới học sinh, trí thức. Đồng chí và những thanh niên trí thức yêu nước tiến bộ đã hội họp, chuyền tay cho nhau những sách báo, tài liệu tiến bộ như: Le Paria, Việt Nam hồn... và là một trong những thành viên tham gia hoạt động bãi khóa trong dịp lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh.
Do tích cực tham gia phong trào học sinh, sinh viên, đồng chí Hà Huy Giáp bị thực dân Pháp đuổi học. Cuối năm 1926, sau khi tìm cách sang Quảng Châu, Trung Quốc dự lớp huấn luyện chính trị của Nguyễn Ái Quốc không thành công, đồng chí Hà Huy Giáp được giới thiệu vào Sài Gòn hoạt động. Tại đây, đồng chí Hà Huy Giáp đã có dịp gặp các đồng chí Nguyễn Văn Lợi và Phan Trọng Bình, là những người đã dự lớp huấn luyện chính trị Nguyễn Ái Quốc, đồng thời được các đồng chí truyền đạt cho những nhận thức mới về chủ nghĩa Mác - Lênin và con đường giải phóng dân tộc của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Sau đó, đồng chí Hà Huy Giáp đã được kết nạp vào tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.
Cuối năm 1928, sau khi xảy ra “vụ án Barbier”, đồng chí Hà Huy Giáp được tổ chức điều về dạy học ở một trường tiểu học tư thục của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do đồng chí Châu Văn Liêm sáng lập tỉnh Long Xuyên (nay là tỉnh An Giang). Tại đây, đồng chí Hà Huy Giáp đã tích cực tham gia các hoạt động viết sách báo, dịch và tuyên truyền các sách báo về chủ nghĩa Mác – Lênin trong nhân dân và trở thành một trong những cán bộ nòng cốt của Hội. Sau khi An Nam Cộng sản Đảng thành lập thì tháng 9/1929, Đặc ủy An Nam Cộng sản đảng Hậu Giang cũng được ra đời. Đồng chí Hà Huy Giáp với uy tín của mình đã trở thành một trong những ủy viên của Đặc ủy.
Năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã lãnh đạo cuộc đấu tranh của công nông với quy mô lớn trên toàn quốc và đạt đến đỉnh cao là phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Sau khi chính quyền Xô viết Nghệ Tĩnh ra đời và bị thực dân Pháp đàn áp đẫm máu, Trung ương Đảng kịp thời ra “Thông cáo gửi các đồng chí” kêu gọi nhân dân khắp trong cả nước đứng lên đấu tranh ủng hộ Xô viết Nghệ Tĩnh. Hưởng ứng Lời kêu gọi của Trung ương Đảng, một phong trào đấu tranh từ Bắc đến Nam đã dấy lên mạnh mẽ nhằm “chia lửa” với nhân dân Nghệ Tĩnh, trong đó có phong trào đấu tranh của công nhân và nông dân Sài Gòn - Gia Định.
Cuối năm 1930, đồng chí Hà Huy Giáp được bầu vào Ban Thường vụ Xứ ủy Nam Kỳ, đảm nhận công tác tuyên huấn, kiêm phụ trách Đảng bộ thành phố Sài Gòn - Gia Định. Trên cương vị mới, đồng chí Hà Huy Giáp – người chiến sỹ cộng sản kiên trung của quê hương Nghệ Tĩnh đã cùng với Xứ ủy chỉ đạo báo chí cách mạng Sài Gòn đưa tin về Xô Viết Nghệ Tĩnh như báo "Cờ Đỏ" của Xứ uỷ Nam Kỳ, báo “Bồi Bếp” của chi bộ Đảng Sài Gòn... Tài Liệu của mật thám Pháp về đồng chí Hà Huy Giáp lưu tại Cục Hồ sơ nghiệp vụ Bộ Công an đã chỉ rõ vai trò của đồng chí Hà Huy Giáp: “Tháng 12/1930, ông hoạt động tại vùng Sài Gòn với tư cách là Xứ ủy viên, phụ trách công tác tuyên truyền: duyệt nội dung các truyền đơn và báo chí của Đảng như báo “Cờ đỏ”, báo “Nhà quê”,…”[3]
Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Hà Huy Giáp và Xứ ủy, trong những ngày cuối năm 1930 đầu năm 1931, ở Nam Kỳ đã nổ ra hàng chục cuộc biểu tình đòi quyền lợi, phản đối chính sách khủng bố của chính quyền thực dân phong kiến, ủng hộ phong trào đấu tranh của nhân dân Nghệ Tĩnh. Tiêu biểu có cuộc biểu tình của công nhân Sở Bông Sài Gòn tranh ủng hộ Xô viết Nghệ Tĩnh năm 1930-1931. Hình ảnh cuộc biểu tình của công nhân Sở Bông Sài Gòn hiện đang được trưng bày tại phòng trưng bày số 9 của Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh như một minh chứng về sức ảnh hưởng của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, cũng như tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa nhân dân Sài Gòn - Nghệ Tĩnh dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Khi phong trào đấu tranh đang diễn ra sôi nổi thì ngày 1/4/1931, đồng chí Hà Huy Giáp bị địch bắt tại trụ sở Xứ ủy Nam Kỳ, số nhà 131 phố Hamelin (Sài Gòn)[4] và giải về bốt Poalô. Trong tù, mặc dù bị địch dùng nhiều thủ đoạn tra tấn nhưng đồng chí vẫn giữ vững khí tiết cách mạng. Bên cạnh đó, đồng chí Hà Huy Giáp đã tận dụng thời gian để tuyên truyền, giác ngộ mật thám, lính canh của địch. Nhờ vậy, đồng chí là người tổ chức và đã cùng một số đồng chí khác vượt ngục thành công. Tuy nhiên đến ngày 23/9/1931, đồng chí Hà Huy Giáp bị địch bắt lại tại số nhà 14, phố Kipling (Sài Gòn) và giam ở Khám Lớn Sài Gòn vào.
Ngày 07/5/1933, Tòa Đại hình Sài Gòn đã kết án đồng chí Hà Huy Giáp mức án tù khổ sai chung thân, đày đi Côn Đảo. Tại đây, đồng chí Hà Huy Giáp tích cực tham gia các hoạt động biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng. Với tư cách là thành viên Ban phụ trách huấn luyện chính trị, đồng chí đã cùng đồng chí Ngô Gia Tự dịch cuốn “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” và các tác phẩm khác phục vụ công tác tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin. Cũng trong thời gian ở nhà tù Côn Đảo, đồng chí Hà Huy Giáp và đồng chí Nguyễn Văn Cừ là những người phụ trách báo“Người Tù Đỏ”.
Tháng 9/1936, đồng chí được trả tự do. Tháng 11/1936, đồng chí Hà Huy Giáp về đến Hà Tĩnh, sau đó bí mật ra Vinh. Dù bị mật thám theo dõi sát sao nhưng đồng chí Hà Huy Giáp vẫn tìm mọi cách bắt liên lạc với các đồng chí đảng viên khác để tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng. Kẻ địch đã đánh giá đồng chí Hà Huy Giáp là “…một trong những nhà lãnh đạo phong trào cách mạng nổi tiếng ở Trung Kỳ, thường xuyên liên lạc với các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản ở Bắc Kỳ và Nam Kỳ...”[5]
Năm 1937, đồng chí Hà Huy Giáp là một trong những nhà lãnh đạo phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân ở Nghệ Tĩnh. Ngày 24/2/1937, đồng chí Hà Huy Giáp đã dẫn đầu 30 đại biểu thay mặt cho công nhân các nhà máy lớn và nhân dân Nghệ An đến gặp Gôđa để đưa bản dân nguyện. Sau 3 giờ trao đổi, Gôđa đã vui vẻ tiếp nhận những nguyện vọng của quần chúng nhân dân.
Với những hoạt động năng nổ của mình, ngày 04/8/1937, đồng chí Hà Huy Giáp bị địch bắt lần thứ ba. Đồng chí đã bị kết án 03 năm tù giam, 03 năm quản thúc theo Bản án số 147 ngày 24/9/1937 của Tòa án Nam triều tỉnh Nghệ An và Bản án số 1398-P ngày 08/10/1937 của Bộ Tư pháp Nam triều với tội danh “âm mưu bạo động nhằm lật đổ chính quyền Pháp - Nam triều”.
Năm 1940, đồng chí bị mật thám Pháp nhận xét là “phần tử nguy hiểm cho nền an ninh quốc gia” nên đã đưa đi an trí tại Đắk Glei, Kon Tum theo Sắc lệnh ngày 20/3/1940 của Toàn quyền Đông Dương. Sau đó, đồng chí tiếp tục bị đưa về căng Trà Kê ở Phú Yên. Dù ở đâu, đồng chí Hà Huy Giáp vẫn luôn nêu cáo khí tiết của người cộng sản, luôn đoàn kết cùng các bạn tù của mình vượt mọi khó khăn nhằm biến lao tù đế quốc thành trường học cách mạng. Ở căng Trà Kê, đồng chí Hà Huy Giáp đã tham gia vào ban lãnh đạo nhà tù. Khi Nhật đảo chính Pháp, đồng chí Hà Huy Giáp đã vận động anh em lính bỏ ngũ và cùng các bạn tù chính trị phá trại, vượt ngục.
Sau khi vượt ngục thành công, đồng chí Hà Huy Giáp đã vào Sài Gòn bắt liên lạc với tổ chức Đảng tiếp tục hoạt động. Với uy tín của mình, đồng chí Hà Huy Giáp được bầu vào Xứ ủy Tiền Phong[6]. Cùng với các đồng chí khác trong Xứ ủy Nam Kỳ, đồng chí Hà Huy Giáp đã tham gia lãnh đạo, góp phần làm nên thắng lợi Cách mạng Tháng Tám ở Sài Gòn năm 1945.
Sau Cách mạng Tháng Tám, đồng chí Hà Huy Giáp ra Bắc hoạt động và đã được Trung ương Đảng giao phó nhiều vị trí quan trọng: Phó ban Tuyên huấn Trung ương và Phó Giám đốc Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương (năm 1949 dự Đại hội toàn quốc lần thứ 2 của Đảng, được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng (năm 1951); Phó Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương Đảng; Bí thư Đảng Đoàn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục (năm 1956); dự Đại hội toàn quốc lần thứ 3 của Đảng, được bầu là Ủy viên Trung ương Đảng (năm 1960); Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Bí thư Đảng Đoàn Bộ Văn hóa và Hội Văn nghệ; Phó Trưởng ban nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương (1963-1976)...
Đặc biệt trong quá trình hoạt động năng nổ của mình, đồng chí Hà Huy Giáp, vị cán bộ lão thành cách mạng kiên trung của quê hương Hà Tĩnh chính là người gắn liền với sự kiện cắt băng khánh thành Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh. Năm 1960, nhân kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng, 30 năm Xô viết Nghệ Tĩnh và 15 năm nước nhà đã giành được độc lập, thể theo nguyện vọng của Đảng bộ và nhân dân hai tỉnh Nghệ -Tĩnh, được sự nhất trí của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chính Phủ, ngày 15/1/1960, Bộ Văn hóa đã ra Quyết định số 106- QĐ/VH cho hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh thành lập Bảo tàng chuyên đề đầu tiên, về sự kiện lịch sử phong trào đấu tranh trong thời kỳ 1930- 1931. Sau 3 năm chuẩn bị, nhân kỷ niệm 33 năm ngày Xô Viết Nghệ Tĩnh (12/9/1930 - 12/9/1963), đồng chí Hà Huy Giáp - Thứ trưởng Bộ Văn hóa đã cắt băng khánh thành Bảo tàng. Từ đây trở đi, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh chính thức đi vào hoạt động phục vụ khách đến tham quan, nghiên cứu. Đây có thể xem cột mốc không thể quên trong quá trình hoạt động của Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Sớm tham gia cách mạng, đồng chí Hà Huy Giáp là chiến sỹ cộng sản kiên trung luôn cố gắng phấn đấu vì sự nghiệp độc lập của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân, xứng đáng là tấm gương sáng để mọi thế hệ học tập và noi theo. Với nhiều công lao và cống hiến, đồng chí Hà Huy Giáp đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng Nhất; Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng cùng nhiều huân huy chương cao quý khác./.
ThS. Đặng Huyền Trang
Trưởng phòng STKKBQ - Bảo tàng XVNT
Tài liệu tham khảo:
- Lịch sử Đảng bộ tỉnh Nghệ An (1930-1945), NXB Nghệ An 2018;
- Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh. NXB Chính trị Quốc gia- Hà Nội 1993
- Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh (1930-1975), NXB Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, 2014;
- Hồi ký của đồng chí Hà Huy Giáp, NXB Tp. Hồ Chí Minh, 1994;
- Hồ sơ mật thám Pháp về đồng chí Hà Huy Giáp.
Chú thích:
[1] Có tài liệu ghi đồng chí Hà Huy Giáp sinh năm 1908
[2] Theo tài liệu Mật thám Pháp về đồng chí Hà Huy Giáp, tên cha của đồng chí là Hà Huy Đỉnh
[3] Bản dịch hồ sơ mật thám Pháp về đồng chí Hà Huy Giáp do Bộ Công an cung cấp lưu tại BTXVNT
[4] Bản dịch hồ sơ mật thám Pháp về đồng chí Hà Huy Giáp do Bộ Công an cung cấp lưu tại BTXVNT
[5] Bản dịch hồ sơ mật thám Pháp về đồng chí Hà Huy Giáp do Bộ Công an cung cấp lưu tại BTXVNT
[6] Năm 1945, ở Nam Bộ có 2 Xứ ủy cùng hoạt động lãnh đạo phong trào cách mạng. Để phân biệt, từ tháng 5/1945, Trung ương Đảng đã gọi hai xứ ủy theo tên gọi tờ báo đại diện cơ quan ngôn luận của hai xứ ủy là: Xứ ủy Tiền Phong (hoặc nhóm Tiền Phong ) và Xứ ủy Giải phóng (hoặc nhóm Giải phóng).