Ngục Kon Tum - nơi nuôi dưỡng tinh thần thép của Tù chính trị trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh

Tác giả: admin
Ngày 2013-08-20 08:48:06

Nghệ- Tĩnh là mảnh đất “ địa linh, nhân kiệt”, có truyền thống lịch sử - văn hoá từ lâu đời. Người Nghệ Tĩnh ngoài sự ham học, khổ học còn nổi tiếng là dân cách mạng, gan góc, dũng cảm. Chính vì vậy mà từ những ngày đầu thành lập Đảng, nơi đây đã nổ ra một phong trào đấu tranh vĩ đại của công, nông, bính. Đó là Xô viết Nghệ Tĩnh, cuộc Tổng diễn tập đầu tiên làm tiền đề cho Tổng khởi nghĩa cách mạng Tháng Tám sau này.

Xô viết Nghệ Tĩnh, đỉnh cao của cao trào cách mạng 1930 – 1931 trong cả nước, là cuộc đấu tranh giai cấp rung trời chuyển đất của quần chúng công nông Nghệ Tĩnh, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam Xô viết Nghệ Tĩnh không những là một sự kiện lớn trong bước ngoặt vĩ đại của lịch sử cách mạng Việt Nam, mà còn là một sự kiện vẻ vang trong sự nghiệp giải phóng các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới.

Viết về sự kiện này, trong Báo cáo gửi Quốc tế Cộng sảng ngày 05/3/1931, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đánh giá: “Nhân dân Nghệ Tĩnh có tiếng cứng đầu. Trong thời kỳ chinh phục của Pháp và trong phong trào cách mạng quốc gia (1905 – 1925), Nghệ Tĩnh đã nổi tiếng. Trong cuộc đấu tranh hiện nay, công nhân và nông dân Nghệ Tĩnh vẫn giữ vững truyền thống cách mạng của mình. Nghệ Tĩnh thật xứng đáng với danh hiệu Đỏ”.

Điên cuồng trước sự nổi dậy của quần chúng cách mạng, Thực dân Pháp đã dốc toàn lực thực hiện cuộc khủng bố trắng hết sức tàn bạo. Từ năm 1930 đến năm 1933 có tới 246.512 người bị bắt, hàng nghìn người bị bắn chết. Toàn bộ Ban Thường vụ Trung ương, một số Uỷ viên Trung ương, Xứ uỷ, Tỉnh uỷ bị bắt: ( Trần Phú: 4/1931), Nguyễn Phong Sắc: 5/1931, Nguyễn Ái Quốc: 6/1931, Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Thị Minh Khai, Trương Vân Lĩnh, Đỗ Ngọc Du…

Các chiến sỹ Xô viết Nghệ Tĩnh bị bắt giam, kết án và đưa đi lưu đày khắp các nhà tù trên cả nước, trong đó có Ngục Kon Tum (hay còn gọi là nhà đày Kon Tum).

1. Những âm mưu xảo quyệt của đế quốc, phong kiến đối với tù chính trị trong Ngục Kon Tum:
Để giải quyết lượng tù nhân quá tải, đồng thời phục vụ cho ý đồ khai thác thuộc địa để góp phần giải quyết hậu quả cuộc đại khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản, từ tháng 12-1930 đến tháng 4-1931, thực dân Pháp đày ải những đoàn tù chính trị từ nhà lao các tỉnh miền Trung, mà phần lớn là từ Nhà lao Vinh và Nhà lao Hà Tĩnh lên giam giữ tại Kon Tum. Tính đến tháng 4-1931, tổng số tù ở đây lên tới 295 người.

Thực dân Pháp đưa tù chính trị lên đày ải ở nhà lao Kon Tum nhằm mục đích:
- Nhanh chóng giảm bớt số lượng tù nhân bị giam giữ chật kín ở nhà đày các tỉnh miền Trung.
- Khai thác sức lao động không công của tù nhân để xây dựng tuyến đường 14 nối liền các tỉnh Tây Nguyên với vùng đồng bằng, trung du ven biển để phục vụ cho mưu đồ cai trị và khai thác thuộc địa của chúng.
- Lợi dụng nơi rừng núi xa xôi, dân cư thưa thớt cách xa các trung tâm đô thị và đồng bằng nhằm cách ly tư tưởng Cộng sản; đồng thời để giết dần, giết mòn các tù nhân chính trị mà không sợ tai tiếng và dư luận lên án.

Những thủ đoạn thâm độc mà bọn cai ngục thường sử dụng đối với tù chính trị là:
Đánh phủ đầu, trấn áp tù nhân bằng roi vọt, báng súng, gậy gộc, uy hiếp tinh thần để xem xét phân loại tù nhân từ đó sử dựng các mánh khoé để lôi kéo, mua chuộc những người non kém, nắm những phần tử cốt cán, gan dạ để có đối sách riêng.

Thực hiện một chế độ lao vô cùng hà khắc, tàn bạo, sắn sàng sử dụng vũ lực giết hại dã man tù chính trị trên công trường làm đường 14 cũng như trong nhà ngục.

Công việc trên công trường làm đường rất nặng nhọc, tù nhân làm lụng quần quật, dầm mưa, dãi nắng, không mũ nón, không áo mưa, mỗi ngày lao công không dưới 10 tiếng đồng hồ với đòn roi tới tấp của lính cai. Công trường làm đường với đèo, dốc hiểm trở, cây cối âm u nhưng công cụ lao động lại hết sức thô sơ, hoàn toàn không có các phương tiện bảo hiểm.
Cài cắm những phần từ phản động giả tù nhân trà trộn vào anh em trong tù làm mật thám, chỉ điểm, chia rẽ khối đoàn kết, gây nghi ngờ lẫn nhau giữa anh em tù chính trị. Thâm độc hơn, bọn cai Pháp đã đào tạo một đội quân lính cai người đồng bào thiểu số và nhồi nhét vào họ tư tưởng căm ghét tù chính trị bằng việc tuyên truyền, lừa mị rằng những tù nhân là những tên xấu xa, lười biếng, là những tên cướp của và rất ghét người dân tộc…Vì thế bọn lính cai càng hung hăng, tàn bạo. Ngoài những đánh đập thông thường hàng ngày, bọn lính còn bày ra những trò chơi man rợ để giết hại anh em tù: bắt ăn phân người, treo tù lên cây cho đến chết, bắt anh em bị ốm trẫm mình dưới nước khe cho đến khi tắt thở, ép người khát nước phải uống đến mức lăn ra mà chết…

Đối xử tàn bạo với tù nhân, thực hiện một chế độ sinh hoạt vô cùng khắc nghiệt. Về chế độ ăn uống, dù để mị dân và che mắt công chúng, chúng công khai chế độ ăn của tù nhân khá đầy đủ nhưng trong thực tế bị ăn bớt rất nhiều, lại sử dụng các loại lương thực, thực phẩm đã hư hỏng như gạo mốc, mắm thối lẫn giòi bọ, cá mục…cho tù nhân ăn. Về ngủ, tù nhân luôn phải nằm trên các bệ xi măng ẩm ướt, lạnh lẽo, thường xuyên bị cùm chân, không khí sặc mùi hôi thối vì tù nhân phải phóng uế ngay trong phòng giam. Đau ốm, bệnh tật đều không được khám chữa bệnh tử tế, mà chỉ làm chiếu lệ. Vì điều kiện sống và lao động như thế nên tù nhân nhanh chóng bị kiệt sức, thương tích, bệnh tật đầy mình, nhất là bệnh kiết lỵ và tiêu chảy. Khi bị bệnh họ vẫn phải làm việc, hễ ai chậm một chút thì bọn chúng liền bắn bỏ.

Với cách đối xử tàn bạo, dã man ấy, chỉ trong 6 tháng làm đoạn đường dài 15 km từ Đăk Pao đi Đăk Pék, gần 2/3 trong số 295 người tù chính trị đã bị chết một cách thê thảm, chỉ còn lại chừng 1/3 sống sót trong cảnh ốm yếu, da bọc xương.

Chính sách đàn áp và tra tấn cũng những âm mưu nham hiểm, thủ đoạn tàn bạo của kẻ thù, cộng với chế độ ăn uống hà khắc đã làm cho anh em tù chính trị Ngục Kon Tum không thể ngồi yên nhìn anh em, đồng đội, đồng chí mình phải chết dần, chết mòn. Những người Cộng sản đã đi đầu, lãnh đạo quần chúng cách mạng đấu tranh. Họ không sợ chế khi giáp mặt với kẻ thù. Khi bị giam ở Ngục Kon Tum, họ lại một lần nữa toả sáng chất thép, trở thành chỗ dựa cho quần chúng cách mạng trong ngục tù đế quốc. Những người cộng sản, đã được tôi luyện trong ngọn lửa đấu tranh cách mạng của Xô viết Nghệ Tĩnh, những người con Nghệ Tĩnh đã kiên cường, bất khuất đấu tranh chống lại mọi mưu mô, thủ đoạn thâm độc, xảo quyệt của kẻ thù, biến nhà tù thành trường học cách mạng.

2. Ngục Kon Tum, nơi tôi luyện khí tiết của những người cộng sản:
Chính sách đối xử hà khắc và những âm mưu thâm độc của nhà tù thực dân không những không dập tắt được lòng yêu nước, chí khí kiên cường của những người cộng sản, trái lại đã thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh, tôi luyện ý chí gang thép của họ. Nhà tù thực dân trở thành trường học cách mạng để những người cộng sản lớp trước đào tạo, rèn luyện cho những chién sỹ cách mạng đàn em về lý rưởng cộng sản, về lý luận Mác – Lênin, về đường lối đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng xã hội mới, về phẩm chất của những người cộng sản…

Trải qua những thời khắc khó khăn, gian khổ, ngày 25 tháng 9/1930, chi bộ Đảng Ngục Kon Tum được thành lập do đồng chí Ngô Đức Đệ, người huyện Can Lộc, Hà Tĩnh làm Bí thư. Đây là chi bộ Đảng đầu tiên ra đời ở Kon Tum và ngày này đã trở thành ngày truyền thống của Đảng bộ tỉnh Kon Tum.

Từ khi có chi bộ Đảng ra đời, phong trào đấu tranh trong Ngục Kon Tum được tổ chức chặt chẽ để vừa đạt được mục đích, vừa đỡ mất mát hy sinh, xây dựng được khối đoàn kết, thống nhất trong anh em tù chính trị, giác ngộ tù thường phạm và cả những người lính cai ngục có lòng yêu nước.

Nhiều chiến sỹ cộng sản kiên trung đã không tiếc sinh mạng của mình, sẵn sàng chấp nhận hy sinh để bảo vệ chính nghĩa, để anh em tù được sống tốt hơn như đồng chí Trương Quang Trọng, Nguyễn Huy Lung, Ngô Đức Đệ và 8 đồng chí khác đã ngã xuống trong cuộc đấu tranh ngày 12/12/1931.

Trong đấu tranh gian khổ, tù nhân chính trị đã có nhiều hình thức tuyên truyền, động viên lẫn nhau giữ vững chí khí, nhiệt huyết đầu tranh, giữ vững niềm tin chiến thắng cuối cùng của cách mạng. Tiêu biểu là hoạt động sáng tác thơ văn trong Ngục Kon Tum. Những tác phẩm văn học ra đời trong máu lửa ấy đã để lại cho chúng ta một bức tranh đặc sắc về cuộc sống gian khổ và tinh thần kiên cường, lạc quan của người chiến sỹ cộng sản trong lao tù đế quốc.

Có thể dẫn ra đây một vài tác phẩm tiêu biểu:
Đặng Thái Thuyến, người con trai yêu quý của chí sỹ Đặng Thái Thân, cảm kích trước sự hy sinh của đồng đội, đã sáng tác bài Văn tế hết sức cảm động:
“ Nhớ anh em xưa:
Sinh đất Hồng Lam, vốn dòng Âu Việt.
Tư thời hun đúc chí hy sinh, nết đất sẵn sàng lòng cảm quyết.
Kẻ đèn sách sớm khuya nghiên bút, miếng chung đỉnh đã kề môi gần miệng những nghĩ anh em xơ xác, vào luồn ra cúi, vinh thân mình như thế được là bao?
Người ruộng trâu khuya sớm cày bừa, trải nắng mưa vừa miệng lủm tay vo, nghĩ khi thuế bắt sưu gia, đem của nuôi người, khó cái xác, nói ra càng thêm mệt.”


Gặp hội cơ trời đất đổi lúc, mấy nghìn triệu anh em cùng cực khổ, hăm hở dơ liềm dựng búa, vỗ tay lên toan đòi lại lợi quyền. Nhân nay cơ hội xui nên, bảy mươi năm chìm đắm đã chán chường, hiên ngang cổ cánh giương vây, cất đầu dậy quyết theo gương Xô viết.

Có kẻ đứng treo cờ rải giấy, liều thân vàng vào tận chốn cơ nghiêm. Có người ra đầu đạn mũi tên, hô quần chúng đứng lên kịch liệt.

Khí quốc dân càng tiến lại càng hăng. Hồn đế quốc mỗi ngày thêm mỗi khiếp.
“ Ngoảnh đầu lại mấy mồ lưu lạc, một vùng cỏ áy, nước non rầu rĩ khóc hồn oan. Đau lòng thay những kẻ điêu linh, nửa nắm đất vàng, cây cỏ ngậm ngùi thân tử biệt.
Truyện thiên cổ hỏi các hàng hào kiệt mấy ai mà hài cốt ở quê hương? Cuộc bách niên thương mấy bậc công khanh lấp đất cùng thảo vu cùng tuế nguyệt.”

Đồng chí Nguyễn Huy Lung, quê ở Can Lộc, Hà Tĩnh, trong khi bị giam ở lao Kon Tum, gửi thư về cho thầy mẹ:
Con xin thầy mẹ chớ phiền thương,
Luy tiết lao lung vốn sự thường.
Đã quyết liệu thân cùng xã hội,
Lẽ nào trơ mặt với quê hương.
Gia đình khuyên mẹ lo chăm sóc,
Việc nước xin thầy cố đảm đương.
Nghĩa nặng tình dày chưa kịp giả,
Con xin tỏ máu trải can trường.

Hồ Tùng Mậu, một trong những người thành lập nhóm thơ “ Tao đàn ngục thất” ngay trong ngục Kon Tum để sinh hoạt thơ văn, động viên tinh thần đồng đội. Ông đã sáng tác bài thơ Viếng mộ rất cảm động:
“ Tám mồ liệt sỹ táng kề nhau
Nấm mới vun thêm, dậu mới rào.
Thể phách dẫu vùi miền đất trắng
Tinh thần còn tỏ giữa trời cao
Khí xông mất vía phường cai trị
Máu đỏ kinh hồn tụi xếp lao?
Sớm tối đi về lòng thổn thức.
Thấy người nằm đó, nghĩ mình sao?”

3. Những cuộc đấu tranh vang động núi rừng của tù chính trị ở Ngục Kon Tum:
Tháng 6-1931, mùa mưa đến, thực dân Pháp đưa số tù nhân còn sống sót về giam tại Ngục Kon Tum, trong đó có các đồng chí Ngô Đức Đệ, Đặng Thái Thuyến, Nguyễn Huy Lung, Trương Quang Trọng, Lê Viết Lượng, Bùi San…là những cán bộ cốt cán của Đảng. Tại đây, số tù nhân này phải tiếp tục chịu một chế độ hà khắc, tàn bạo của thực dân Pháp và tay sai, cảnh sống, sinh hoạt khổ cực không kém gì ở Đăk Pao, Đăk Pét.

Dù bị đối xử tàn bạo và giết chóc dã man, tinh thần đấu tranh bất khuất của những tù chính trị càng trỗi dậy mạnh mẽ, nhất là những chiến sỹ Xô viết Nghệ Tĩnh. Họ sẵn sàng chấp nhận lấy cái chết của mình để đổi lấy sự sống cho đồng chí, anh em “Sau khi ta chết rồi, họa may mấy trăm anh em mới còn phương sống”. Đầu tiên là các cuộc đấu tranh ôn hoà bằng các hình thức: tổ chức lễ truy điệu những người hy sinh trên công trường Đăk Pao, Đăk Pét; chăm sóc những anh em ốm đau, bệnh tật, đấu tranh chống lệnh bắt lao dịch quá sức... Họ tích cực tuyên truyền, vận động, giác ngộ nhân dân và binh lính, làm cho họ hiểu rõ hơn, đúng hơn về người tù chính trị. Vì vậy, tình cảm của đồng bào với tù chính trị trở nên thân thiết hơn. Thái độ và hành động đối xử của binh lính đối với tù nhân cũng khá hơn trước. Một số anh em lính bắt đầu chống lại bọn chỉ huy, họ đứng về phía tù nhân đấu tranh khi chúng bắt tù đi làm ngày chủ nhật hoặc chống lại sự đàn áp người tù. Đầu tháng 7-1931, Ban phụ trách nhà lao được thành lập, tổ chức lực lượng, xây dựng kế hoạch đấu tranh chống lại chính sách cai trị tàn ác của chế độ thực dân, giành lại quyền sống, quyền tự do cho tù chính trị; chống lại âm mưu tiêu diệt người Cộng sản của đich, soạn các bài tuyên truyền bằng tiếng phổ thông, tiếng Pháp, tiếng Ba Na, tiếng Gia Rai.

Phương châm đấu tranh là từ thầm lặng đến công khai, trực diện. Biện pháp đấu tranh theo từng tổ, nhóm: tổ chức 3 người thành một nhóm, nhiều nhóm gộp lại thành tổ. Tổ trưởng mỗi tổ thường xuyên giữ mối liên lạc với Ban phụ trách nhà lao. Cuộc đấu tranh đã thu được một số kết quả đáng khích lệ.

Trên cơ sở đó, Ban phụ trách nhà lao quyết định vận động anh em tiếp tục nâng lên hình thức đấu tranh mới, cao hơn, quyết sống mái với kẻ thù , giành lại quyền được sống, quyền được tự do. Vì vậy, hai đội cảm tử và quyết tử trong nhà lao được thành lập. Thành phần của hai đội là lực lượng trung kiên, tiên phong, tự nguyện gánh vác mọi công việc nguy hiểm nhất, sẵn sàng hy sinh vì lý tưởng, vì đồng chí, đồng đội.

Từ đó, nhiều cuộc đấu tranh với những hình thức khác nhau đã liên tục nổ ra, đỉnh cao là cuộc đấu tranh Lưu huyết vang động núi rừng sáng ngày 12-12-1931. Anh em tù nhân đã đồng tâm đóng chặt cửa, hô khẩu hiệu phản đối chế độ thực dân cai trị... kiên quyết không chịu lên công trường Đăk Pet lần thứ hai. cuộc đấu tranh diễn ra rất quyết liệt. Anh em tù xiết chặt hàng ngũ và tiếp tục hô vang các khẩu hiệu, đồng thời dùng gậy gộc chống lại, không để cho bọn địch vào định bắt từng người đưa đi. Trong cuộc đấu tranh ấy, đồng chí Trương Quang Trọng đã dũng cảm đứng ra trực diện với kẻ thù và anh dũng hy sinh. Bọn địch còn điên cuồng nã súng tàn sát làm 8 người chết, 8 người bị thương.

Sáng ngày 13-12-1931, số anh em tù còn lại đã tổ chức lễ truy điệu cho các đồng chí đã hi sinh. Trong niềm đau thương vô hạn, nỗi uất hận khôn lường, tù nhân càng siết chặt đội ngũ đấu tranh đến cùng. Chiều cùng ngày, Bản tuyên ngôn chính trị và yêu sách của tù nhân được đưa ra. Bản tuyên ngôn đã vạch trần chế độ đối xử tàn bạo với tù chính trị của thực dân Pháp, đưa ra các yêu sách đòi quyền được ăn uống, được thuốc men khi đau ốm cho tù nhân; bãi bỏ chế độ đánh đập, bắn giết, gông cùm và các hình phạt khắc nghiệt; đòi quyền được đọc sách báo và viết thư từ cho người thân…

Tiếp theo là cuộc đấu tranh tuyệt thực để phản đối đi làm đường, phản đối hành động giết người tàn bạo của kẻ địch. Nhận thấy không thể lay chuyển được tinh thần đấu tranh đến cùng của tù chính trị, sáng ngày 16-12-1931, thực dân Pháp lại nã súng tàn sát làm cho 7 đồng chí hy sinh và 8 đồng chí bị thương, đồng thời lập tức phân tán số tù nhân còn lại, hòng dập tắt cuộc đấu tranh.

Lo sợ trước tinh thần đấu tranh của tù chính trị, nhà cầm quyền Pháp buộc phải thả 50 người tù chính trị , thay đổi chế độ lao dịch, bỏ chế độ đánh đập tù nhân, người tù ốm đau được nghỉ và có thuốc men. Tháng 12-1932, địch bỏ hẳn việc đưa tù chính trị đi làm đường 14, tháng 4-1934 xóa bỏ nhà đày Kon Tum và đưa tất cả số tù chính trị còn lại vào nhà đày Buôn Ma Thuột.

Những cuộc đấu tranh trong Ngục Kon Tum đã thể hiện được bản lĩnh, khí phách hiên ngang của các chiến sĩ Công sản, trong đó nổi bật là các chiến sỹ Xô viết Nghệ Tĩnh. Các anh đã tô thắm thêm truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng của quê hương Kon Tum cũng như quê hương Nghệ Tĩnh anh hùng.

4. Một số ý kiến về việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy tác dụng giá trị di tích lịch sử Ngục Kon Tum:
Việc trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử Ngục Kon Tum phải tuân thủ các điều khoàn quy định của Luật Di sản văn hoá, các Nghị định của Chính phủ, các Thông tư liên quan của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.

Theo đó, căn cứ Hồ sơ khoa học xếp hạng di tích lịch sử Ngục Kon Tum để phục dựng lại các di tích gốc trong khu vực bảo vệ, đặc biệt là trong khu vực 1. Tập trung khôi phục lại Lao trong và lao ngoài, có thể nghiên cứu hình thức sử dụng các nhóm tượng manơcanh ( như ở Côn Đảo, Hoả Lò…) để tại hiện lại khung cảnh các cuộc đấu tranh anh dũng cũng như cảnh bị cùm kẹp, tra tấn dã man và sinh hoạt khắc khổ của tù chính trị trong nhà tù thực dân. Việc phục dựng không chỉ phần nội thất mà cần quan tâm phục dựng lại quang cảnh khuôn viên Ngục Kon Tum thời kỳ những năm 30 của thế kỷ XX.

Bên cạnh đó cần tôn tạo lại nhà ngục Đăk Lây, xây dựng bia tưởng niệm các chiến sỹ đã hy sinh anh dũng trên đoạn đường số 14 từ Đak Pao đến Đak Pet và các địa điểm liên quan khác để tái tạo lại hệ thống cụm di tích lịch sử liên quan đến hoạt động cảu tù chính trị trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Các công trình Nhà tưởng niệm, Nhà trưng bày cần được đặt ở vị trí thích hợp ( Khu vực 2; 3, hoặc địa điểm trang trọng khác). Trong Nhà tưởng niệm cần có bia đá khắc tên những chiến sỹ đã hy sinh trong thời gian bị giam giữ tại Ngục Kon Tum để lưu danh muôn đời. Tổ chức tốt công tác sưu tầm để có đủ tài liệu, hiện vật trưng bày về Ngục Kon Tum và cuộc sống tù đày gian khổ cũng như những cuộc đấu tranh anh dũng, sự hy sinh oanh liệt của những tù nhân chính trị tại Ngục Kon Tum, trong đó có những chiến sỹ Xô viết Nghệ Tĩnh.

Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, sáng tác để có những ấn phẩm sâu sắc về nội dung, đẹp về hình thức thể hiện, có ý nghĩa giáo dục để tuyên truyền sâu rộng về tấm gương của những chiến sỹ cách mạng bị tù đày tại Ngục Kon Tum.

Tổ chức tốt các hoạt động chuyên môn, ngoài việc trưng bày, giới thiệu tại chỗ, cần xây dựng các bộ triển lãm lưu động, tổ chức giao lưu văn hoá, thi tìm hiểu lịch sử về Ngục Kon Tum, phối hợp với các địa phương, đơn vị, nhất là các trường học để thực hiện công tác tuyên truyền ngoài bảo tàng, di tích, góp phần giáo dục thế hệ trẻ hiểu rõ thêm và học tập tấm gương chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân của những người cộng sản bị giam cầm tại Ngục Kon Tum.

Ngục Kon Tum, di tích lịch sử - văn hoá quốc gia, nơi lưu giữ những tài liệu, hiện vật vô giá về một chặng đường đấu tranh gian khổ nhưng vô cùng oanh liệt của những người cộng sản, một địa chỉ đỏ có ý nghĩa to lớn trong công tác giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho các tầng lớp nhân dân, một điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước mỗi dịp đến thăm Kon Tum. Phục dựng, tôn tạo và phát huy tốt giá trị di tích Ngục Kon Tum là việc làm hết sức cần thiết nhằm lưu giữ lâu dài những giá trị truyền thống tốt đẹp mà cha ông để lại, là sự tri ân và tôn vinh những đóng góp của những người con anh hùng của dân tộc đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, đồng thời góp phần giáo dục truyền thống anh hùng của dân tộc, quê hương, đưa sự nghiệp cách mạng vững bước đi lên, xây dựng Kon Tum ngày càng giàu mạnh./.

Nguyễn Xuân Thủy - Bảo tàng XVNT

Video