Sự quan tâm của Đảng, Bác Hồ đối với đồng bào các dân tộc Môn Sơn, Lục Dạ huyện Con Cuông

Tác giả: admin
Ngày 2009-04-02 06:48:08

Bác Hồ là vị lãnh tụ tối cao, kiệt xuất của Đảng ta. Là người cầm lái vĩ đại, đưa đất nước ta, dân tộc ta vượt qua mọi hiểm nguy, đánh thắng “thù trong giặc ngoài”, nghèo nàn lạc hậu, giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của đế quốc phong kiến.

“Yêu nước một lòng sâu nghĩa Đảng
Thương dân trăm nẻo nặng tình đời…
Điệp điệp trùng trùng che đất nước
Cây đây rừng đó Bác vun trồng…”

Một vinh dự lớn cho đồng bào Mường Quạ (Môn Sơn - Lục Dạ) huyện Con Cuông, Miền Tây Nam xứ Nghệ, Đảng, Bác Hồ luôn ưu đãi, quan tâm một cách đặc biệt kể cả vật chất, tinh thần, giúp đồng bào dân tộc nơi này vượt qua mọi khó khăn gian khổ, xây dựng Môn Sơn - Lục Dạ phát triển toàn diện chính trị, kinh tế văn hoá, xã hội, an ninh quốc phòng. Từ một thung lũng Mường Quạ, ngày xưa đế quốc, phong kiến miệt thị gọi nơi đây là “Man di”, “Tiều phu bám núi”, nay trở thành một Mường Quạ xanh, sạch, đẹp, một cộng đồng làng xã trù phú “Trai thanh gái lịch”, có hệ sinh thái yên lành trở thành một điểm du lịch xanh hấp dẫn.

Tại sao Đảng, Bác Hồ lại có sự quan tâm đến Môn Sơn - Lục Dạ như vậy? 

Để minh chứng một cách khoa học về luận điểm này, chúng tôi có những lý giải sau đây: 

Qua những trang sử sách của ông cha để lại, Đảng, Bác Hồ đã sớm nhận diện nắm bắt, Mường Quạ (Môn Sơn - Lục Dạ) là một miền biên ải, địa linh. Trong công cuộc dựng nước, giữ nước. đồng bào các dân tộc ở đây, qua các thời kỳ thăng trầm của lịch sử đã biết đoàn kết chặt chẽ thành một cộng đồng bản xã vững chắc, chung thuỷ, thông minh, gan dạ, sáng tạo, chiến thắng “thuỷ hỏa, đạo tặc” ma thiêng nước độc giữ vững biên cương Tổ quốc. 

Môn Sơn - Lục Dạ còn là một vị trí địa lý quan trọng nằm ở điểm cực Tây của nước Đại Việt, một căn cứ địa đất rộng người đông, điểm dừng chân cuối cùng của đồng bào dân tộc Thái trong cuộc Thiên di từ miền núi rừng Bắc Hà vào. Một giải phên dậu, Nguyễn Trãi đã từng viết trong Địa dư chí “Nơi này là con đường sơn cước, giao thông được tất cả mọi vùng trong nước An Nam”. 

Thời nhà Lê, Mường Quạ gồm có 2 tổng: 

- Tổng Lục Dạ có 2 xã Cẩm Đường - Hữu Lễ 

- Tổng Tứ Dương có xã Môn Sơn 

- Tổng Lục Dạ (chữ Hán) “Rừng xanh nội lục bao quanh làng doành” Lục Dạ phong cảnh thơ mộng, rừng xanh bạt ngàn trải dài như màu lúa, ngô, khoai xanh ở đồng nôi, ban ngày ánh mặt trời toả ánh hào quang xuống núi rừng, đẹp như đêm trăng xanh. 

- Tổng Tư Dương – Môn Sơn: Môn Sơn là cửa núi, có 4 cửa núi, thiên tạo hình khe thế núi kỳ vĩ “có lợi cho người ở trong, bất lợi cho người ở ngoài” 

- Con đường thứ nhất từ sông Lam rẽ ngược theo dòng sông Giăng ở Thanh Chương lên Môn Sơn (trước đây là sông Giăng nước lớn sông rộng thuyền bè đi lại dễ dàng) 

- Con đường thứ hai từ sông Lam lên gần ngã ba Tam Giang theo núi Cẩm Sơn (ở dưới chân dốc Dừa) vào cửa núi Môn Sơn. 

- Con đường thứ ba từ sông Lam đến Lèn Chùa, vào cửa rõ đến Môn Sơn “Một người ở cửa có thể địch nổi vạn người” (Nguyễn Trãi) 

- Con đường thứ tư từ tỉnh Pôly Khăm xay (Lào) theo con sông Giăng vào Môn Sơn. 

Với một vị trí địa lý mang tầm chiến lược quan trọng, với truyền thống yêu nước nồng nàn của đồng bào các dân tộc ở đây, Môn Sơn - Lục Dạ là một miền địa linh nhân kiệt của đồng bào dân tộc miền Tây xứ Nghệ. Ngay từ đầu, Đảng, Bác Hồ quan tâm đặc biệt, xây dựng nơi này trở thành một tiền đồn cách mạng vững chắc. Theo lời kể của ông Vi Văn Khang đầu năm 1931 có 3 người (2 nam 1 nữ) đến gặp ông, trong đó có ông Chắt Lũ lên xã Môn Sơn buôn bè. Là dân buôn bè nhưng bề ngoài họ có phong thái nho nhã, thư sinh. Lúc này ở Môn Sơn, ông Khang là người có học vấn, biết đọc thông viết thạo chữ Hán, chữ quốc ngữ. Họ đã đến nhờ ông giao tiếp với dân bản, mua gỗ mét chở về xuôi. Họ nhờ ông tìm hiểu địa dư Môn Sơn - Lục Dạ, họ nhờ ông dẫn đường ngược dòng sông Giăng thăm người Đan Lai, ở khe Khặng. Họ gọi dân Đan Lai là người ở Thanh Chương lên đây làm “Tiều phu bám núi”, những ngày sống ở đây họ đàm đạo, viết sách, có lúc họ sáng tác thơ. 

Hôm đó sau một vài câu hỏi ông Chắt Lũ nói “Tôi là Lê Xuân Đào cán bộ Xứ uỷ” được cán bộ cấp trên giao đến gặp ông Vi Văn Khang yêu cầu ông vận động một số thanh niên thành lập một chi bộ Đảng ở Môn Sơn, chỉ định ông Vi Văn Khang làm Bí thư. Nhiệm vụ vủa chi bộ, lãnh đạo đồng bào dân tộc ở đây lật đổ chính quyền cũ, xây dựng chính quyền Xô Viết, xây dựng nơi này thành nơi an toàn cho các chiến sĩ cách mạng từ miền xuôi lên hoạt động bí mật. Mặc dầu lúc này ở Môn Sơn bọn Tây đồn cho quân lính kiểm soát gắt gao. Ông vẫn nhận lời của cấp trên giao, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Lê Xuân Đào, tháng 4/1931 Chi bộ Đảng Môn Sơn được thành lập gồm có 5 đảng viên. 

Ngày 9/8/1931 chi bộ Đảng đã lãnh đạo quần chúng đồng loạt nổi trống gõ mõ, hàng trăm người mang giáo mác, hừng hực khí thế diễu hành dưới màu cờ búa liềm, ánh lửa đỏ rực vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu “chống sưu cao thuế nặng”, “chống ức hiếp quần chúng lao động”. Bộ máy chức dịch hào lý đều đầu hàng vô điều kiện, sẵn sàng chấp nhận những yêu cầu của cách mạng đề ra. 

Sau khi Nhật đảo chính Pháp tháng 3/1945, đồng chí Lên Mạnh Duyệt thoát khỏi nhà tù đế quốc, được Đảng phân công trở lại Môn Sơn liên hệ với các đồng chí hoạt động thời kỳ 1930 – 1931, gây cơ sở Việt Minh dưới vỏ bọc tổ chức “Thanh niên tiền tuyến”. Ngày 23/8/1945 cơ sở Việt Minh xã Môn Sơn phát động quần chúng đứng lên đấu tranh, trấn áp tịch thu thẻ bài triện đồng của tổng lý, tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng. Từ nay đồng bào dân tộc Môn Sơn - Lục Dạ được sống cuộc đời tự do, không phải chịu cảnh sông nô lệ “một cổ hai tròng” của đế quốc phong kiến. Núi rừng dong trống cờ bay, xua tan cảnh bản làng heo hút xác xơ héo mòn (theo lời ông Hồ Sĩ Đường trong đoàn biệt phái Việt Minh tỉnh cho biết Môn Sơn thành lập chính quyền trong huyện 5 ngày). Từ đó cho đến nay được sự quan tâm của Đảng, Bác Hồ, luôn cử cán bộ cấp trên xuống giúp chính quyền đồng bào dân tộc Môn Sơn, Lục Dạ, xây dựng cuộc sống yên lành. Năm 1946, phục hồi lại chi bộ Môn Sơn lấy tên là “chi bộ Mạnh”. Đại hội huyện Đảng bộ khoá IV (tháng 4/1952) đã chọn Môn Sơn làm điểm định cư. Xây dựng làng bản đổi mới, cử đoàn cán bộ cấp trên xuống chỉ đạo toàn bộ Môn Sơn thành 5 cụm bản, các bản quy hoạch theo ô bàn cờ ngay hàng, thẳng lối rộng rãi. Các gia đình có vườn cây ăn quả, vườn rau, giếng nước, chuồng trại tách ra xa nhà ở. Năm học 1948 – 1949, nhà nước mở trường tiều học Môn Sơn, năm 1950, mở trường tiểu học Lục Dạ. Giáo viên trợ lực ở miền xuôi lên cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc, đi vận động mở lớp bình dân học vụ nên năm 1949 – 1950 hầu hết thanh niên 2 xã Môn Sơn - Lục Dạ thoát nạn mù chữ. 

Năm 1948, dân quân Môn Sơn - Lục Dạ do đồng chí Lương Thái Bằng chỉ huy, bắt gọn nhóm phản động do tên Vi Vản Chưởng cầm đầu giả danh đi buôn trâu qua Lào làm tay sai cho Pháp. Bọn chúng đã bị đưa ra xét xử tại tòa án Liên khu IV. Những ngày đầu kháng chiến, hưởng ứng các cuộc vận động “Tuần lễ vàng”, “Bán gạo cho Hồ Chủ tịch” công lương, công phiếu, hũ gạo đều tiết kiệm, số công phiếu chia cho xã Môn Sơn, 8 vạn bà con đều mua hết. 

Năm 1956 thực hiện chỉ thị 59 của Trung ương xây dựng phong trào tổ đội công, Môn Sơn là xã có phong trào mạnh nhất, toàn xã có 90/94 tổ đội công. 

Năm 1958 Môn Sơn được tỉnh công nhận thanh toán xong nạn mù chữ, được Uỷ ban hành chính Khu IV khen thưởng huyện Con Cuông có nhiều thành tích trong phong trào đổi công và bình dân học vụ. Trong lần về thăm quê năm 1957, Bác Hồ đã biểu dương “Con Cuông là huyện thượng du bình dân học vụ cũng tốt. Trong 107 xóm đã có 105 lớp. Tổ đôi công cũng tốt: có 62% nhân dân lao động đã vào tổ chức. Đồng bào có nên đề nghị chính phủ thưởng cho huyện Con Cuông không?” (Cả hội trường vỗ tay rầm rộ). 

Cũng vào thời điểm này một sự kiên lịch sử quan trọng cho đồng bào dân tộc miền Tây Nam xứ Nghệ, năm 1958 Bác Hồ đã ra chỉ thị cho Bộ Giáo dục, Uỷ ban hành chính tỉnh Nghệ An, mở trường Sư phạm miền núi Nghệ An, cử nhà giáo Nguyễn Mỹ Tài (thân sinh nhà bác học Nguyễn Đình Tứ) làm Hiệu trưởng, thầy giáo Vi Văn Phúc (quê Con Cuông) làm Hiệu phó. Cách 3 năm sau, tháng 12/1961 Bác Hồ về thăm quê lần thứ 2, Bác vào thăm trường, trước lúc đến trường, Bác nhờ Tỉnh uỷ mời gia đình cách mạng ở Con Cuông về trường cho Bác gặp. Lúc này các đồng chí lão thành cách mạng, người thì qua đời, còn ông Khang, ông Lâm tuổi già sức yếu. Hai ông bàn cử bà Vi Thị Lan, vợ đồng chí Vi Văn Hanh (đảng viên của chi bộ Môn Sơn (1931) và bà Vi Thị Lâm vợ đồng chí Vi Văn Lâm xuống gặp Bác Hồ). Những năm chi bộ hoạt động bí mật ở làng Mon (Thái Hòa) hai bà đã gan dạ, quả cảm, thông minh, vượt qua được những lúc cam go, gay cấn để bảo vệ các đồng chí đảng viên thoát khỏi sự truy bắt của kẻ thù. Lúc bấy giờ chi bộ thường không họp ở nhà ông Khang, vì tên Chánh Nhưng luôn luôn được tri huyện cử theo dõi Vi Văn Khang, nên thường sang họp ở nhà ông Vi Văn Lâm. Cuộc họp nào bà Vi Thị Lan – Vi Thị Lâm đều được bố trí canh gác. Một hôm chi bộ họp trên chạn nhà ông Lâm, Chánh Đoàn đánh hơi được la ó quân địch ngoài đường “phải bắt cho được mấy thằng làm loạn”, hai bà liền lên chạn, lấy lúa rũ tấp kín các đồng chí đảng viên. Chánh Nhưng vào lục soát dưới nhà không thấy gì, lao thẳng lên lán, thấy lúa chất đầy ngăn nắp liền xuống lán la ó quân dịch, “nói mò, đi tìm nới khác bắt cho được quân cộng sản”. Một lần chi bộ họp ở nhà ông Lâm, ở phía sau chuồng trâu, chuồng lợn, lần này Chánh Đoàn có cả quân dịch của tri huyện mang súng ống, bí mật xuất hiện trước cổng, không kịp báo cho các đồng chí, hai bà liền đốt khung cửi cháy to, hô hoán làng xóm, “ông Chánh Đoàn Nhưng ơi nhờ ông cứu với”. Các đồng chí đảng viên nghe vậy liền trốn thoát, chạy vào rừng sâu. 

- Có lần chi bộ vào họp ở Khe Khặng, hai bà ở nhà theo dõi, biết tên Chánh Nhưng đem quân lính vào bắt cộng sản, hai bà đã tìm cách gửi mật hiệu cho ông Khang qua bì lúa nhờ người Đan Lai đưa vào, chi bộ đã kịp thời đối phó. Tên Chánh Nhưng vào Khe Khặng, bị hổ vồ chết, thấy thế quân dịch vội chạy ra, đặc biệt hai bà đã làm nhiệm vụ đưa cơm gạo vào cho các đồng chí đảng viên. Có lần Phó Chánh Đoàn hỏi “Sao hai bà đưa cơm nhiều thế này?”, hai bà trả lời, chị em tôi làm rẫy ăn cả ngày, tôi có xôi ngon, cá nướng ông có ăn không, tên Phó Chánh háu ăn, liền lấy xôi cá, để hai bà đi. 

- Bà Lâm kể, tôi 8 lần đưa tài liệu vào cho ông Đào, 6 lần an toàn, 2 lần bị lục soát. Thấy bọn chúng từ xa, tôi giả vờ đi tiểu buộc tài liệu vào trong váy ở thắt lưng, bọn chúng xem vào trong giỏ chỉ thấy kim chỉ thêu thùa, nên chúng bỏ qua. 

Theo bà Vi Thị Lan kể, xuống gặp Bác Hồ biết công lao của hai chị em tôi, Bác mừng lắm, Bác nắm tay hai bà, Bác nói: “Bác về thăm quê, chưa lên thăm được đồng bào dân tộc, bản làng vùng cao, nhất là các đồng chí lão thành cách mạng ở Môn Sơn, Bác mời đại diện đồng bào về đây Bác gặp, nhờ các vị về gửi niềm thương nỗi nhớ, lời hỏi thăm của Bác chúc đồng bào mạnh khoẻ. Bác mời tôi, bà Lâm và con cháu Môn Sơn, Lục Dạ, chụp ảnh chung với Bác”. Bức ảnh đó nay vẫn còn, người ngồi bên Bác treo phù hiệu là bà Vi Thị Lan, tiếp đó là bà vợ ông Lâm, bên trái Bác là cô Vi Thị Mùi (Lục Dạ), cô Lang Thị Quế (Môn Sơn), đều là con của các cán bộ cách mạng lão thành… Bà Lan đem về bức ảnh kể chuyện cho dân bản nghe, ai cũng mừng vui, riêng ông Vi Văn Khang cầm bức ảnh này ngắm đi ngắm lại, nước mắt ông lưng tròng. 

“Dân bản xem bức ảnh nảy nhiều người rưng rưng nước mắt, bản làng xem bức ảnh này, lòng nhớ Bác khôn nguôi”. 

Năm 1965 đế quốc Mỹ đánh phá thành phố Vinh. Trường Sư phạm miền núi Nghệ An sơ tán lên ở Môn Sơn. Năm 1966 mở trường cấp III Con Cuông tại Môn Sơn. Đây là cái nôi đào tạo trí thức cho con em Môn Sơn, Lục Dạ có điều kiện theo học, trước đây muốn học cấp III phải xuống Đô Lương hoặc sang Nghĩa Đàn. Có nhiều người con học trường này thành đạt như giáo sư tiến sỹ Hà Văn Thuyết, phó giáo sư - tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Long, nhà báo Minh Thư (phóng viên báo nhân dân), hoạ sĩ Ngân Văn Chài (Giám đốc bảo tàng Trường Sơn), nhạc sĩ Lương Tuyển (Phó giám đốc TTVH tỉnh Nghệ An), cử nhân chính trị Lang Văn Tí, Chủ tịch huyện, cử nhân kinh tế Vi Văn Phúc, Chủ tịch huyện, cử nhân luật Lương Sơn Hà, Bí thư huyện uỷ, cử nhân kinh tế Lô Văn Ước, Chủ tịch huyện, Đinh Văn Oanh, Chủ tịch mặt trận Tổ quốc tỉnh - đại biểu Quốc hội… 

Trong công cuộc chống Mỹ cứu nước, Môn Sơn - Lục Dạ là địa phương thực hiện tốt khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến”, luôn hoàn thành nhiệm vụ “lương không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Ngày 29/7/1964, lực lượng dân quân xã Môn Sơn đã bắt gọn một tổ biệt kích, xâm phạm biên giới Việt Lào gồm 10 tên, thu nhiều vũ khí quân trang. Thực hiện Chỉ thị của Tỉnh uỷ, tháng 9/1969, nhân dân Môn Sơn - Lục Dạ với tinh thần quốc tế vô sản, thực hiện lời Bác Hồ dạy “Bốn phương vô sản đều là anh em”, đã huy động 42.000 ngày công xây dựng, 12.000 ngôi nhà ở, nhà làm việc, đón nhận 8.000 dân và cán bộ của bạn Lào đến sơ tán sinh sống ở đây. Nhân dân Môn Sơn - Lục Dạ đã đối nhân xử thế với một nghĩa cử đẹp “trong ấm ngoài êm” được bạn Lào đánh giá cao tình hữu nghị cao cả ấy. 

Với những thành tích trong công cuộc chống Mỹ cứu nước xã Môn Sơn được tuyên dương đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang. Đồng chí Vi Đức Cường ở Lục Dạ được phong tặng Anh hùng Quân đội Nhân dân Việt Nam. Môn Sơn có ba bà mẹ Việt Nam anh hùng: 

Ngân Thị Tưởng (Môn Sơn) 

Hà Thị Kỳ (Lục Dạ) 

La Thị Chương (Lục Dạ) 

Trong sự nghiệp đổi mới năm 1986 đến nay, Đảng luôn quan tâm có những chu trương, biện pháp hữu hiệu, giúp Môn Sơn - Lục Dạ xây dựng phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng. Bộ trưởng Nguyễn Cảnh Dinh cùng đoàn chuyên viên khoa học đã đến nghiên cứu dự án xây đập Phả Lại lấy nước sông Giăng tưới cho đồng Kẻ Quạ. Đại tướng Phạm Văn Trà, Bộ trưởng Quốc phòng đã trực tiếp vào đây chỉ đạo quân đội xây dựng đập Phả Lại với giá trị kinh phí hơn 26 tỷ đồng. Nguyên Phó thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm đã vào đây tham quan, thăm dân tộc người Đan Lai. Đảng và Nhà nước đã bỏ ra hàng trăm tỷ đồng làm con đường nhựa từ đường 7 (Từ eo vực Bồng, Bồng Khê) vào tận Môn Sơn - Lục Dạ, xây trạm xá, đường điện, trạm điện, trạm truyền hình, trường phổ thông nội trú Mường Quạ, khang trang đàng hoàng thu hút học sinh 2 xã, Môn Sơn - Lục Dạ. Hiện nay Nhà nước đã có chủ trương xây dựng Môn Sơn thành một điểm du lịch đa dạng vừa du lịch sinh thái, vừa du lịch văn hoá lịch sử. 

Đặc biệt đồn Biên phòng 555 cùng đồng bào Môn Sơn - Lục Dạ giữ vững an ninh biên giới, xây dựng nơi này thành một tiền đồn vững chắc của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chính trị an ninh quốc phòng vững vàng, kinh tế văn hoá xã hội phát triển toàn diện. 

Để đền đáp sự quan tâm của Đảng, Bác Hồ, đồng bào dân tộc Môn Sơn - Lục Dạ luôn đi theo con đường Bác Hồ đã chọn, nhiều người con ra làm việc cho Đảng, không những ở Môn Sơn - Lục Dạ, mà cả huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An. 

Đồng chí Vi Văn Khang – Bí thư chi bộ đầu tiên của huyện (1931). 

Đồng chí Vi Văn Lâm – Bí thư Huyện uỷ Con Cuông (1956 – 1961). 

Đồng chí Lương Văn Lục – Bí thư huyện uỷ (1961 – 1963). 

Đồng chí Lương Sơn Hà – Bí thư huyện uỷ (1996 – 2003). 

Đồng chí Vi Chiến Thắng - Chủ tịch Uỷ ban hành chính huyện (1953 – 1954) sau là Phó chủ tịch tỉnh Nghệ An. 

Đồng chí Vi Đình Trinh - Chủ tịch huyện (1971 – 1982). 

Đồng chí Lang Văn Tí - Chủ tịch huyện (1982 – 1990). 

Đồng chí Vi Văn Phúc - Chủ tịch huyện (1990 – 1998). 

Đồng chí Lô Văn Ước - Chủ tịch huyện (1999 – 2004). 

Đồng chí Đinh Văn Oanh - Đại biểu quốc hôi - Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh. 

Toàn Đảng, toàn dân Môn Sơn - Lục Dạ đang thi đua đoàn kết bên nhau, xây dựng Môn Sơn - Lục Dạ trở thành một Mường Quạ thực hiện tốt mục tiêu của Đảng đề ra “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” xứng đáng là địa phương có chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên của đồng bào dân tộc ít người ra đời trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Trần Vương- Nhạc sỹ, nhà nghiên cứu VNDG

Video