Đồng chí Nguyễn Gia – Phó Bí thư Thanh niên Cộng sản Đoàn tỉnh Nghệ An năm 1931, Bí thư Huyện ủy Nam Đàn – tấm gương chiến sỹ cộng sản kiên trung của quê hương Nghệ An

Tác giả: Đặng Huyền Trang
Ngày 2024-06-17 09:37:45

Huyện Nam Đàn được biết đến vùng đất “địa linh nhân kiệt” với bề dày lịch sử, văn hóa, truyền thống hiếu học, yêu nước, cách mạng và là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc biệt, trong những năm đầu khi Đảng Cộng sản Việt Nam vừa mới được thành lập, đất và người Nam Đàn được xem là một trong những điểm sáng của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Đồng chí Nguyễn Gia là một trong những tấm gương cộng sản kiên trung, tiêu biểu của quê hương Nam Đàn trong giai đoạn lịch sử đầy gian khó và hào hùng này.

Đồng chí Nguyễn Gia (trong quá trình hoạt động còn có các tên gọi: Nguyễn Gia Tường, Kiên, Càn), sinh năm 1906[1], quê ở làng Đan Nhiệm, tổng Xuân Liễu (nay là xã Xuân Hòa), huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Cha của Nguyễn Gia là một nhà Nho nghèo có tinh thần yêu nước tiến bộ. Nhận thấy tư chất thông minh và giàu lòng trắc ẩn của con, ông bà đã tạo điều kiện để cậu được tham gia lớp học chữ Hán và các lớp học chữ Quốc ngữ từ năm tròn 7 tuổi.

Ảnh: Đồng chí Nguyễn Gia

Năm 1927, cơ sở Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội đã được ươm mầm, phát triển ở các tỉnh Trung Kỳ. Tiểu tổ Hội ở Kim Liên, Nam Đàn lúc này được xem là một trong những tiểu tổ Thanh niên được thành lập sớm ở Nghệ An. Từ tiểu tổ Thanh niên đầu tiên ở Kim Liên, cơ sở Hội đã dần được phát triển sang các làng khác như: Đan Nhiệm, Thanh Thủy, Thanh Đàm,… Dưới sức ảnh hưởng mạnh mẽ của Hội Thanh niên, đồng chí Nguyễn Gia đã được tiếp cận với nhiều sách báo tiến bộ, sớm tích cực tham gia vào các hoạt động yêu nước tại địa phương. Là người hiểu biết, đồng chí trở thành thành viên tích cực tham gia tuyên truyền văn thơ yêu nước, cách mạng thông qua lớp dạy chữ Quốc ngữ được đặt tại nhà thờ họ Nguyễn Cảnh Hiến.

Tháng 4/1930, Ban Chấp hành lâm thời Huyện ủy Nam Đàn được thành lập, nhận nhiệm vụ lãnh đạo phong trào cách mạng của quần chúng Nhân dân. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đó, Xứ ủy và Tỉnh ủy đã chỉ đạo kiện toàn lại Ban Chấp hành Huyện ủy Nam Đàn mới do đồng chí Đặng Chánh Kỷ làm Bí thư. Sau khi được thành lập, các đồng chí Huyện ủy viên đã hội họp và ra quyết định nhanh chóng tuyên truyền để thành lập các tổ chức cơ sở Đảng trên địa bàn toàn huyện. Chỉ trong một thời gian ngắn, Đảng bộ huyện Nam Đàn đã xây dựng hệ thống tổ chức Đảng quy củ từ cấp tổng đến làng, xã.

Tại đình làng Đan Nhiệm, Chi bộ Đan Lạc đã được thành lập, chịu trách nhiệm lãnh đạo phong trào đấu tranh chung của Nhân dân hai làng Đan Nhiệm và Thịnh Lạc. Để sự lãnh đạo của Đảng đến tận các thôn xóm, chi bộ làng Đan Nhiệm cũng được ra đời. Đồng chí Nguyễn Gia đã được các đồng chí đảng viên trong chi bộ tín nhiệm bầu là Bí thư. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Gia và Chi bộ Đan Nhiệm, Nhân dân đã nhanh chóng tham gia các hoạt động nghe diễn thuyết, tuyên truyền cách mạng. Chỉ sau một thời gian ngắn, quần chúng đã được giác ngộ, hăng hái tham gia phong trào đấu tranh chung của tổng, huyện và toàn tỉnh.

Đầu tháng 6/1930, Huyện ủy Nam Đàn triệu tập hội nghị tại núi Chung, bàn kế hoạch vận động quần chúng biểu tình, đưa yêu sách lên Tri huyện Nam Đàn, phản đối thực dân Pháp, phong kiến Nam triều khủng bố Nhân dân ở Vinh - Bến Thủy và Hạnh Lâm (Thanh Chương), đòi chúng thực hiện các yêu sách của công nhân và nông dân đưa ra trong ngày Quốc tế Lao động (1/5/19530). Để tập hợp lực lượng quần chúng và tạo sự bất ngờ đối với kẻ địch, Huyện ủy quyết định chọn ngày 18/6/1930 (ngày họp chợ Đồn) là ngày tiến hành cuộc đấu tranh.

Thực hiện chủ trương của Huyện ủy, đồng chí Nguyễn Gia và các đồng chí trong chi bộ đã nhanh chóng tiến hành công tác tuyên truyền chủ trương đến bà con Nhân dân. Chi bộ Đan Nhiệm đã tổ chức nhiều cuộc mít tinh, diễn thuyết với quy mô nhỏ ở đình làng để vận động bà con vùng lên chống áp bức, bóc lột.

Nhờ sự vận động kịp thời của chi bộ, ngay từ sáng sớm ngày 18/6, Nhân dân làng Đan Nhiệm đã nhập vào các dòng người từ các ngả kéo về chợ Đồn. Cuộc biểu tình đã tạo bất ngờ đối với bọn quan lại trong huyện. Tri huyện Lê Khắc Tưởng hốt hoảng định lẩn trốn về Vinh nhưng bị đoàn biểu tình chặn lại, buộc y phải trở về huyện đường và nhận bản yêu sách của đoàn biểu tình để chuyển lên cấp trên. Tiếp đó, Huyện uỷ cử đại diện diễn thuyết tại chợ Đồn, đòi giảm sưu thuế, chống phu phen, tạp dịch,... Cuộc biểu tình của Nhân dân Nam Đàn ngày 18/6 ở chợ Đồn gây tiếng vang lớn, góp phần cùng công nhân Vinh - Bến Thuỷ, Nhân dân các huyện thúc đẩy phong trào đấu tranh cách mạng trên địa bàn toàn tỉnh phát triển.

Giữa tháng 8/1930, trong tình thế cách mạng sục sôi, Huyện ủy Nam Đàn đã triệu tập hội nghị cán bộ tại nhà Cố Cơ (ở xã Kim Liên). Hội nghị chủ trương dựa vào tình thế cách mạng đang dâng cao để vận động quần chúng tham gia cuộc biểu tình trên quy mô lớn toàn huyện. Thực hiện chủ trương của Huyện ủy, đồng chí Nguyễn Gia và chi bộ đã không quản ngại khó khăn để đi sâu, vận động Nhân dân Đan Nhiệm gấp rút chuẩn bị tinh thần sẵn sàng cho cuộc đấu tranh mới với quy mô lớn. Nhờ hoạt động năng nổ của các đồng chí, công tác chuẩn bị cho cuộc biểu tình đã được sắp xếp chu đáo, cụ thể.

Ngày 30/8/1930, dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, Nhân dân mỗi tổng sẽ tổ chức tập trung tại một địa điểm, tập trung riêng trước khi tiến hành tập hợp. Khi trời vừa hửng sáng, tiếng trống, mõ, tiếng chuông, tiếng reo hò, hô khẩu hiệu đã vang khắp các thôn, xóm. Quần chúng Nhân dân Đan Nhiệm dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Gia đã kéo về chùa Tân Đường (là địa điểm tập trung của quần chúng tổng Xuân Liễu). Tại đây, Nhân dân được nghe cán bộ Đảng diễn thuyết, khích lệ tinh thần cách mạng, tố cáo tội ác của thực dân, phong kiến, kêu gọi ủng hộ Đảng,... Sau khi nghe diễn thuyết, dưới lá cờ búa liềm, đoàn người biểu tình của các tổng vừa đi, vừa đánh trống, chiêng, vừa hô vang khẩu hiệu, truyền đơn rải khắp mọi nơi. Đoàn biểu tình mang theo gậy đi qua các làng, đập phá điếm canh, trừng trị bọn hào lý chống phá cách mạng.

Khi Tri huyện sai lính đóng cổng huyện đường, đoàn biểu tình đã phá cổng, phá rào, tràn vào khiến bọn lính và các viên chức trong huyện tìm cách lẩn trốn. Quần chúng biểu tình phá cửa nhà lao, giải phóng những người bị giam giữ, đốt hết hồ sơ, sổ sách, bắt Tri huyện Lê Khắc Tưởng ra trước quần chúng để diễn thuyết vạch trần tội ác. Sợ hãi trước khí thế đấu tranh của quần chúng, Tri huyện phải ký và đóng dấu vào bản cam kết: "Tri huyện Nam Đàn từ này không được nhũng nhiều Nhân dân”[2].

Trên đà thắng lợi đó, Huyện ủy Nam Đàn đã chủ trương cho từng tổng, từng xã tổ chức mít tinh, biểu tình thị uy, trấn áp trừng trị bọn cường hào phản động, bắt chúng nộp triện bạ, sổ sách cho Xã bộ nông (Ban Chấp hành Nông hội). Xã bộ nông, Thôn bộ nông chính thức ra mắt Nhân dân và điều hành mọi công việc trong xã, trong thôn từ việc xây dựng, bảo vệ chính quyền cách mạng đến việc tổ chức đời sống kinh tế, chính trị xã hội địa phương. Với uy tín của mình, đồng chí Nguyễn Gia đã được tổ chức tín nhiệm bầu làm Bí thư Nông hội làng Đan Nhiệm.

Đầu năm 1931, đồng chí Nguyễn Gia được Tỉnh ủy điều đi nhận nhiệm vụ khác. Tháng 5/1931, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã chỉ định đồng chí làm Phó Bí thư đầu tiên của Thanh niên Cộng sản Đoàn tỉnh Nghệ An. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí, của Tỉnh đoàn, tuổi trẻ Nghệ An đã trở thành lực lượng nòng cốt của các cấp bộ Đảng và các đoàn thể quần chúng, là động lực chính của các cuộc đấu tranh trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931.

Những hoạt động năng nổ của đồng chí Nguyễn Gia đã bị mật thám Pháp và chính quyền tay sai để ý. Tháng 1/1932, đồng chí Nguyễn Gia bị địch bắt và kết án 03 năm tù giam 02 năm quản thúc, theo Bản án số 38 ngày 2/1/1932 của Tòa án Nam triều tỉnh Nghệ An.

Năm 1933, sau khi được trả tự do, đồng chí Nguyễn Gia trở về quê hương, bắt liên lạc với các tổ chức Đảng ở Vinh và Thanh Chương, tiếp tục hoạt động cách mạng, gây dựng lại phong trào của huyện Nam Đàn. Hồ sơ theo dõi của địch, mật thám Pháp đã viết: “… tháng 5/1935, theo dõi hoạt động vì gặp gỡ những đảng viên cộng sản ở Huyện bộ Thanh Chương…”.

Trong phong trào cách mạng dân chủ 1936-1939, đồng chí Nguyễn Gia đã trở thành một trong những ngọn cờ đầu của huyện Nam Đàn. Ngày 20/9/1936, cùng với các đồng chí: Phạm Nghiêm, Lê Văn Thông, Huyễn Hữu Thái,… đồng chí Nguyễn Gia đã thay mặt Nhân dân Nam Đàn tham dự Đông Dương Đại hội toàn tỉnh tại hội trường Quảng Trị, thành phố Vinh. Đây được xem là thắng lợi đầu tiên của phong trào đấu tranh hợp pháp ở Nghệ An trong thời kỳ 1936-1939.

Sau cuộc họp này, để kịp thời chỉ đạo việc khôi phục Đảng bộ và phát động phong trào Đông Dương Đại hội ở Nam Đàn, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Đức Dương, đại diện Tỉnh ủy Nghệ An, Ban Chấp hành Huyện ủy lâm thời Nam Đàn đã được thành lập gồm ba đồng chí: Nguyễn Gia, Phạm Nghiêm và Nguyễn Hà Sâm. Đồng chí Nguyễn Gia được cử làm Bí thư.

Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, đồng chí Nguyễn Gia đã lãnh đạo các đảng viên đi sâu vào từng làng xã để móc nối liên lạc với các đồng chí đảng viên, tù chính trị, đồng thời tăng cường công tác vận động quần chúng Nhân dân. Ngày 23/2/1937, đồng chí Nguyễn Gia và Huyện ủy lâm thời Nam Đàn đã vận động quần chúng Nhân dân xuống Vinh dự cuộc đón tiếp Gordard, phái viên điều tra của Chính phủ Mặt trận Nhân dân Pháp. Bản Dân nguyện của các làng, xã cũng đã được đồng chí Nguyễn Gia và Huyện ủy tập hợp lại bàn giao cho đoàn đại biểu tỉnh trực tiếp trao cho Gordard. Bên cạnh đó, nhờ sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Gia cũng như hoạt động tích cực của các đồng chí đảng viên, cựu tù chính trị, các chi bộ Đảng ở Nam Đàn đã dần được khôi phục để vận động, lãnh đạo Nhân dân tham gia các tổ chức công khai, nửa công khai để đoàn kết đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ trong tình hình mới.

Tháng 3/1938, Đại hội Đảng bộ huyện Nam Đàn được tổ chức, đã bầu ra Ban Chấp hành chính thức Huyện ủy, gồm 5 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Gia được Đại hội tín nhiệm bầu tiếp tục giữ chức vụ Bí thư. Đồng chí Nguyễn Gia và Nguyễn Hà Sâm cũng là hai đại biểu của huyện vinh dự tham gia Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ hai (tháng 4/1938).

Ngày 23/10/1939, do bị chỉ điểm nên đồng chí Nguyễn Gia bị địch bắt. Biết đồng chí là cán bộ Đảng cốt cán, Bí thư Huyện ủy, kẻ địch đã dùng nhiều thủ đoạn mua chuộc, dụ dỗ, đánh đập để lấy thông tin. Không khai thác được gì, chính quyền Nam triều phong kiến đã kết án đồng chí 01 năm tù giam, 01 năm quản thúc theo Bản án số 44, ngày 12/3/1940. Đến ngày 24/10/1940, đồng chí Nguyễn Gia bị địch xem là “phần tử nguy hiểm” nên đã giải đồng chí từ Nhà lao Vinh đi an trí ở Trà Khê (Phú Yên).

Tháng 3/1945, đồng chí Nguyễn Gia được trả tự do, trở về quê hương. Đồng chí tiếp tục bắt tay cùng các đảng viên, cựu tù chính trị tham gia tích cực phong trào cách mạng địa phương, góp phần làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám trên địa bàn toàn huyện vào ngày 23/8/1945. Sau khi giành chính quyền, Ủy ban Cách mạng lâm thời huyện Nam Đàn cũng nhanh chóng được cử ra, giới thiệu trước toàn thể Nhân dân. Đồng chí Nguyễn Gia đã được tín nhiệm bầu là một trong 11 Ủy viên của Ủy ban, phụ trách công tác Tư pháp.

Trong các giai đoạn lịch sử tiếp theo, đồng chí Nguyễn Gia đã luôn phát huy tinh thần kiên trung, bất khuất của người chiến sỹ Xô Viết Nghệ Tĩnh, đóng góp sức mình vào công cuộc đấu tranh và giải phóng đất nước. Đồng chí đã từng kinh qua nhiều nhiệm vụ quan trọng, như: Bí thư chi bộ xã Hùng Tiến (1948), Ủy viên Ban Chấp hành Huyện ủy Nam Đàn (1949), cán bộ Bộ Nội vụ (1955-1959), Phó phòng Tổ chức Bệnh viện Hữu nghị Việt -Xô tại Hà Nội (1959-1965),…

Được tôi luyện từ khó khăn, gian khổ trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, đồng chí Nguyễn Gia đã trở thành một trong những tấm gương chiến sỹ cách mạng kiên trung của quê hương Nam Đàn. Trong cuộc đời công tác của mình, đồng chí đã được Đảng, Nhà nước tín nhiệm, giao phó nhiều nhiệm vụ, trọng trách quan trọng và ở bất cứ vị trí nào, đồng chí vẫn luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Với những đóng góp của mình trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, đồng chí Nguyễn Gia đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận và trao tặng nhiều phần thưởng cao quý, như: Huân chương Độc lập hạng Nhì (1985, Huy chương Kháng chiến hạng Nhất (1987), Kỷ niệm chương Chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù, đày (1997), Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng (2000),…

ThS. Đặng Huyền Trang

Trưởng phòng STKKBQ - Bảo tàng XVNT



[1] Trong hồ sơ mật thám Pháp theo dõi về đồng chí Nguyễn Gia tại Bộ Công an có thông tin, đồng chí sinh năm 1910

[2] Nguyên văn chữ Hán: Nam Đàn Tri huyện, huyện quan tự tư dĩ hậu bất đắc nhũng nhiễu Nhân dân.

Video