Sự ra đời của chi bộ Đảng Môn Sơn nét đặc sắc của Xô Viết Nghệ Tĩnh

Tác giả: admin
Ngày 2009-04-02 09:16:36

Môn Sơn - Lục Dạ cũng như cả huyện Con Cuông hiện nay là một vùng đất xưa kia nằm giữa hai phủ: phía tây (ở trên) là Tương Dương, phía đông (ở dưới) là Anh Sơn. Tên huyện Con Cuông mới có từ sau cách mạng tháng Tám, còn trước kia theo sự ghi chép ở một số tài liệu được Uỷ ban Nhân dân huyện Con Cuông cho tập hợp lại trong sách “Con Cuông, huyện cửa ngõ miền Tây Nam xứ Nghệ” (Nhà xuất bản Nghệ An, 1993) thì miền đất này còn gọi là Kiềm Châu, thời Lê là đất của phủ Trà Lân. Phủ Trà Lân hồi ấy rộng lắm, gồm từ Nậm Cắn biên giới Việt – Lào xuống tận giáp Anh Sơn và chia ra làm 4 huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Hội Nguyên và Vĩnh Khang. Con Cuông hiện nay chiếm một phần lớn đất Vĩnh Khang thời đó. Đến thời Nguyễn, ngày 15/3/1899 Toàn quyền Đông Dương ra quyết định đặt một Đại lý của người Pháp tại Cửa Rào. Huyện Vĩnh Khang bấy giờ chuyển thành Vĩnh Hòa và vùng đất Con Cuông (hiện nay) bắt đầu được chú ý. Triều đình đã cho xây lại phủ thành của Tương Dương, ở xứ Trầm Hương, Trầm Hương sau đổi thành Chính Yên, tức đất Tân Dân thuộc xã Bồng Khê ngày nay. Tuy nhiên trong cái mông lung của phía Tây Nam xứ Nghệ lúc bấy giờ, ta chỉ biết hình dung địa bàn của Con Cuông thuở đó là gồm đất đai chia bốn tổng: Tứ Dương, Yên Duyệt, Lục Dạ, Lịch Cốc. Sau cách mạng tháng Tám 1945, huyện Vĩnh Hòa tạm nhập vào đất Tương Dương. Ngày 25/3/1948, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Sắc lệnh số 148.SL, chia Tương Dương thành hai huyện là Tương Dương và Con Cuông. Từ đó huyện Con Cuông bắt đầu có tên trên bản đồ đất nước. Đến ngày 19/8/1988 thì Chính phủ có Quyết định thành lập thị trấn Con Cuông. Như thế là ngày nay, huyện Con Cuông có 12 xã và một thị trấn. Các địa danh lịch sử Môn Sơn, Lục Dạ, đều được đặt làm tên xã mới trên vùng đất của mình.

Rời thị trấn Anh Sơn ngược lên, khi qua chỗ con sông Cả quành sát vào quốc lộ số 7, ta đi nữa, đến phần cuối của địa phận huyện này là tới vùng Dừa - Lạng, nơi được xếp sau Kinh Kỳ vẻ cảnh đẹp người xinh (câu ca truyền miệng của dân gian: Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Dừa – Lạng (nay là Tường Sơn, Đức Sơn). Người ta cho rằng, về nhan sắc và dáng vẻ, họ chỉ thua đất Kinh Kỳ). Thì phía bên trái khuất vào trong vùng sâu kia là đất Môn Sơn - Lục Dạ mà cứ đi mãi về phía Nam thì ta sẽ gặp Trường Sơn ngút ngàn bí hiểm và bên kia là đất của nước bạn Lào. Thế mà trong phong trào cách mạng 1930 – 1931, nhân dân nơi đây đã làm nên những kỳ tích lẫy lừng, tổ chức được Chi bộ Đảng cộng sản và xây dựng nên Chính quyền Xô Viết nông dân, là nét đặc sắc của cả vùng núi rừng Tây – Nam xứ Nghệ.

Vì sao ở một nơi khuất vắng thế này mà lại lập được kỳ tích lịch sử như vậy?

Ta biết hạt giống cách mạng sẵn sàng nảy mầm và phát triển ở bất cứ trên mảnh đất nào đủ điều kiện để đón nhận nó. Môn Sơn - Lục Dạ thuở bấy giờ đã có được một môi trường như thế.

Vả lại, tuy nằm ở địa thế khuất vắng nhưng Môn Sơn - Lục Dạ vẫn có những ưu thế tự nhiên của riêng mình. Các tác giả sách “Con Cuông, huyện cửa ngõ Tây Nam xứ Nghệ” đã qua khảo sát thực tế mà viết: Phía Tây Nam bờ sông Lam (thuộc huyện này) chủ yếu là những dãy núi đá vôi của chân Trường Sơn… (chạy ra mà) tạo nên những thung lũng nhỏ hẹp. Lớn nhất là thung lũng Môn Sơn - Lục Dạ. Còn về sông, sách này cũng viết: Những con sông ở đây có đặc điểm là lòng sông khúc khuỷu, nước chảy xiết, sông Giăng nước chảy qua xã Môn Sơn nhập vào với sông Lam tại Thanh Chương. Khúc sông Giăng ở phía thượng lưu của nó mà sách kia vừa nói đó chính là dòng Đan Lai.

Bùi Dương Lịch (1757 – 1828) viết Nghệ An ký. Sách này rất ít đề cập đến miền núi nhưng trong đó vẫn viết về con sông Đan Lai: Đan Lai tại Thanh Chương huyện trung, nguyên xuất đại sơn Thanh Loa Phong hạ, kinh Chi Quân, Thượng Thọ, Thanh La nhập vu Lam Giang.

Tức là: “Sông Đan Lai ở trong huyện Thanh Chương. Nó khởi nguồn từ sườn phía Bắc của ngọn núi lớn Thành Loa, chảy qua các xã Chi Quân, Thượng Thọ và Thanh La rồi đổ vào sông Lam.” Thanh Loa Phong chính là một ngọn núi nằm trong địa phận Môn Sơn - Lục Dạ. Mạch nguồn của văn hóa vùng Môn Sơn - Lục Dạ là ở chỗ đó. Từ sông Đan Lai mà có tên gọi của tộc người Đan Lai – Ly Hà, một thành phần quan trọng của cộng đồng người Thổ. Và so với tất cả các tộc người thiểu số khác trên đất Nghệ An chỉ có tộc người Đan Lai là gọi theo tên của một dòng sông. Ở đây không gần với quốc lộ 7 và sông Lam nhưng bù vào đó, với đôi chân trần của con người lao động thưở trước, có nơi nào là ngăn cản được bước di của họ, Hơn nữa, họ có một lối thông thương khác, đó là Con đường muối cổ sơ từ chân phía đông của dãy Trường Sơn. Thuở Trung Đại, địa bàn huyện Thanh Chương rộng lắm.Cư dân huyện này từng vượt Cao Vều mà lên sinh sống trên lưu vực các dòng sông Đan Lai – Ly Hà kia. Nhà dân tộc học Đặng Nghiêm Vạn (1978) khi phát biểu về nhóm người Đan Lai – Ly Hà đã nêu ý kiến: “có thể họ là cư dân từ Thanh Chương, Nghi Lộc… chuyển lên do không chịu nổi chế độ tô thuế và ách áp bức của quan lại và cường hào phong kiến địa phương trước đây”. Như vậy là thung lũng Môn Sơn - Lục Dạ cũng vốn có một sức sống giao lưu nhất định. Huống chi nó lại là một bồn địa lớn nhất của huyện Con Cuông. Mà đã là thung lũng thì bao giờ nó cũng là nơi tích đọng chất phì nhiêu, màu mỡ từ các sườn núi, sườn đồi gần xa nên nó cũng là chốn hội tụ của văn minh, văn hoá cho dù có ít ỏi hạn hẹp. Ở những nơi đó, từ bao đời, khi mà nền kinh tế tự cấp tự túc còn đủ để con người ung dung tự tại với cảnh nước khe chè rú/ thơ túi rượu bầu thì những ốc đảo như vậy là nơi sống ổn định và an toàn cho những ai không tham công danh, phú quý mà chỉ khát vọng một cuộc sống tự do, bình đẳng. Trên cơ sở điều kiện tự nhiên như vậy rồi lấy cái bản lĩnh của người Nghệ mà suy xét, ta sẽ thấy, khi quốc gia hữu sự, nhất là lúc có làn sóng cách mạng ập tới thì một nơi như Môn Sơn - Lục Dạ, người dân đã đứng lên lập nên chính quyền Xô Viết, góp phần vào việc làm rung chuyển cả chế độ thuộc địa là điều hợp lý. Và sự thật là Chi bộ Đảng cộng sản Môn Sơn - Lục Dạ đã ra đời và nơi đây đã tồn tại một hình thức Chính quyền Xô Viết.

Sách “Lịch sử Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Nghệ Tĩnh”, Sơ thảo, tập 1, Nxb Nghệ An 1987, Tr. 90 – 91 viết: Từ các huyện đồng bằng, cơ sở Đảng và phong trào cách mạng phát triển dần vào một số đồn điền và một số làng xã thuộc các huyện miền núi như… Làng Môn, Đồng Khùa, Làng Bàu, Cửa Rào, Kẻ Tại, Chõ Yên thuộc huyện Con Cuông. Nếu tính là huyện miền núi vào thuở đó thì ngoài Con Cuông có Nghĩa Đàn là nói có Chi bộ Đảng Cộng sản.

Sách “Con Cuông cửa ngõ Tây Nam xứ Nghệ”, Tr.21 viết: Tháng 3/1931, Chi bộ Đảng xã Môn Sơn được thành lập là Chi bộ Đảng đầu tiên thuộc dân tộc ít người ở huyện Con Cuông.

Sách “Lịch sử Đảng bộ Nghệ An”, Tập 1, Nxb Chính trị Quốc gia Hà Nội 1998, Tr. 67 ghi: Chính quyền Xô Viết được hình thành hầu khắp các làng xã ở Thanh Chương, Nam Đàn và các vùng khác ở Anh Sơn (bao gồm cả Đô Lương bây giờ), Nghi Lộc, Hưng Nguyên. Riêng miền núi, tại Môn Sơn - Lục Dạ đã có cơ sở Đảng và Chính quyền Xô Viết.

Vì sao ở chỗ này các tác giả của sách “Lịch sử Đảng bộ Nghệ An” không nói đến các Chi bộ Đảng huyện Nghĩa Đàn, mặc dù các chi bộ đó được thành lập sớm hơn (từ 10/1930 – 1/1931)? Có lẽ lý do là ở chỗ, các Chi bộ tại Nghĩa Đàn là do các đồng chí từ dưới xuôi lên tổ chức và hầu hết là gồm các Đảng viên người Kinh hoạt động tại miền núi. Chính sách “Lịch sử Đảng bộ huyện Nghĩa Đàn” (thời kỳ 1930 – 1945), Tr.41 đã nói rõ: Như vậy đến đầu năm 1931, ở Nghĩa Đàn ngoài các Chi bộ do đồng chí Võ Nguyên Hiến tổ chức, còn có một số chi bộ khác do cán bộ đảng viên từ nhiều huyện miền xuôi lên xây dựng và hoạt động theo một đầu mối riêng (Tháng 10/ 1930 Võ Nguyên Hiến và Võ Thược (người Diễn Châu) lên Thọ Lộc (nay là Nghĩa Khánh) thành lập Chi bộ ghép Thọ Lộc - Cự Lâm gồm 5 người do Phan Đình Lại làm Bí thư và Nguyễn Đình Thạc làm Phó Bí thư. Đầu tháng 1/1931, Phan Đình Lại và Võ Thược đến Cự Lâm lập thêm Chi bộ mới do Nguyễn Đình Thạc làm Bí thư, Nguyễn Chiểu là Phó Bí thư, Nguyễn Hoát làm Thư ký (theo” Lịch sử Đảng bộ huyện Nghĩa Đàn”). Và cuốn sách ấy cũng không nói đến việc ra đời của chính quyền Xô Viết tại Nghĩa Đàn. Còn Chi bộ Môn Sơn của Con Cuông là tổ chức của các đồng chí thuộc dân tộc thiểu số mà Bí thư là Vi Văn Khang (người Thái). Ngay từ khi mới thành lập, Chi bộ đã kêu gọi đồng bào các dân tộc Thái, Thổ, Kinh… trong vùng gia nhập các tổ chức quần chúng cách mạng. Riêng tại Môn Sơn đã co 5 tổ Nông hội đỏ. Làng nào cũng có các tổ chức Thanh niên Cộng sản Đoàn, Phụ nữ cứu quốc và Tự vệ đỏ. Ngày 9 – 8 – 1931 từ một giờ sáng, Chi bộ Đảng và các đoàn thể cách mạng đã vận động quần chúng các làng bản Kẻ Yên, Sơn Vều, Khe Môn, Động Khùa, Cửa Rào, Bàu Dạ, Kẻ Tại, gồm khoảng 300 người biểu tình, tuần hành thị uy, dương cao cờ đỏ búa liềm, nêu cao các khẩu hiệu với nội dung đả đảo đế quốc Pháp và Nam triều phong kiến, đòi miễn sưu, hoãn thuế. Đồng thời, đoàn biểu tình cũng kéo đến nhà Phó tổng và Chánh đoàn phu là những kẻ giàu nhất trong vùng vay thóc để cứu dân địa phương bị đói và tiếp tế cho số đồng bào Phúc Sơn (Anh Sơn) vì bị địch khủng bố phải chạy đi lánh nạn đang cư trú tại Đồng Sở (Lịch sử thường ghi là Động Sớ). Bọn thổ ty và hào trưởng các thôn bản đều phải bỏ chạy, hoặc nằm im, Chi bộ Đảng và Nông hội đỏ đã tự điều hành các hoạt động của thôn bản và đấu tranh bảo vệ đất mương, đất trại. Tuy chưa tổ chức được sự bầu cử từ quần chúng nhưng sự phân công của cấp uỷ và các đoàn thể lúc bấy giờ đã được bà con các giới ủng hộ và thực hành. Sự thực là một hình thức tổ chức quản lý mường bản mới gồm những người do đồng bào các dân tộc thiểu số tin cậy đứng ra đảm nhiệm đã hình thành và tồn tại trên vùng đất này. Thế là nhờ sự ra đời Chi bộ Đảng Cộng sản của của tộc người thiểu số mà Môn Sơn - Lục Dạ đã dựng nên Chính quyền Xô Viết nông thôn. Đó là nét đặc sắc của phong trào cách mạng 1930 – 1931 tại Nghệ An.

Rất tiếc là trong giới nghiên cứu gần xa chưa có ai được biết đầy đủ về số lượng đảng viên và thời gian tồn tại của Chi bộ Môn Sơn - Lục Dạ, một tổ chức Đảng duy nhất mang đặc thù miền núi này. Chắc vì chúng ta còn thiếu tư liệu và tiếc hơn nữa là chúng ta không kịp gặp các chứng nhân của lịch sử. Hy vọng với sự nỗ lực của huyện bộ Đảng bộ Con Cuông, không lâu nữa, chúng ta sẽ được sáng rõ thêm về vấn đề này, về một sự kiện hết sức quan trọng, tiêu biểu cho sức sống của các dân tộc thiểu số Nghệ An vào thời kỳ gay cấn nhất của tình hình đất nước, thêm một nét son ghi vào trang đầu tiên trong pho sử vàng của Đảng Cộng sản Việt Nam.

                                                                                                                                                 Chu Trọng Huyến - Nhà sử học

Video