Công tác chỉnh lý trưng bày của Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh trong 40 năm

Tác giả: admin
Ngày 2009-04-17 08:05:09

Ngày 15/1/1960 Bộ Văn hóa  ra quyết định thành lập Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh đặt tại nội thành Vinh 

Chặng đường lịch sử trong 40 năm qua, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh(XVNT) đã không ngừng phát triển đi lên cùng với sự đổi thay kỳ diệu của đất nước để đến nay đã khẳng định được vị trí của mình. Thành tựu ấy có đóng góp to lớn, quyết định thành công của Bảo tàng đó là công tác trưng bày. 

Kể từ ngày khánh thành Bảo tàng 12/9/1963, đến nay Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã qua 6 lần chỉnh lý. 

Những ngày đầu cuối thập kỷ 60 thật khó khăn vất vả. Mặc dù được Bộ Văn hóa và thường trực 2 Tỉnh uỷ Nghệ An và Hà Tĩnh hết sức quan tâm, song đội ngũ cán bộ yếu về chuyên môn nghiệp vụ và mỏng không đủ đảm đương trách nhiệm. Nhưng cuối cùng cũng có được một nhà trưng bày chừng 600 m2 nguyên là kho bảo quản hiện vật của Bảo tàng, để kỷ niệm 33 năm ngày Xô Viết Nghệ Tĩnh, hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Tỉnh giao. 

Ngày 3/2/1964, nhân dịp sinh nhật Đảng lần thứ 34, Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã ghi “Lời đề tựa” cho Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh. Trong “Lời đề tựa”, Bác Hồ đã đánh giá cao sự kiện Xô Viết Nghệ Tĩnh, càng thêm thôi thúc, cổ vũ cán bộ Bảo tàng cũng như lãnh đạo hai tỉnh quyết tâm xây dựng nơi đây trở thành trường học giáo dục truyền thống cách mạng cho nhân dân. 

Mở cửa đón khách tham quan chưa được bao lâu, công việc của Bảo tàng còn bộn bề thì đế quốc Mỹ leo thang, bắn phá miền Bắc. Năm 1965 Bảo tàng XVNT phải đóng cửa sơ tán về xã Kim Liên – huyện Nam Đàn. Ở Kim Liên địa điểm sơ tán chật chội, cơ sở vật chất nghèo nàn, lại trong tình trạng cả nước có chiến tranh. Yêu cầu lúc này là làm sao trưng bày gọn nhẹ trong phạm vi 3 ngôi nhà cấp bốn có diện tích khoảng 100 m2 . Tuy vậy, bố cục nội dung cũng đã nêu được bốn phần cơ bản: Nguyên nhân, diễn biến, ảnh hưởng, ý nghĩa của Xô Viết Nghệ Tĩnh. Nhờ cố gắng đó Bảo tàng đã tạo nên được hoạt động văn hóa sôi nổi tại nhà trưng bày và đi lưu động phục vụ bộ đội, thanh niên xung phong ở nhiều nơi. Bảo tàng đã góp tiếng nói chung vào công tác tuyên truyền của Đảng, động viên tinh thần đấu tranh cách mạng cho nhân dân và tranh thủ sự ủng hộ đồng tình của bạn bè Quốc tế đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của chúng ta. 

Năm 1975 đất nước được giải phóng, Tổ quốc đã thống nhất nhưng mãi 5 năm sau (1980) Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh mới từ địa điểm sơ tán trở về Vinh, về đúng vị trí cơ quan đặt trụ sở. Sau gần 18 năm sơ tán, nhà trưng bày của bảo tàng đã bị bom Mỹ đánh sập, sân vườn tan hoang tiêu điều, Bảo tàng Xô Viết đã tu sửa lại nhà trưng bày, hệ thống sân vườn; Đồng thời cùng các nhà khoa học lịch sử, các lão thành cách mạng họp bàn nhiều phiên để thống nhất về đề cương chỉnh lý lần thứ hai cho phù hợp với hoàn cảnh thời bình. 

Về nội dung: Cơ bản vẫn trung thành với đề cương cũ và bổ sung thêm hiện vật, tư liệu trưng bày trong 9 phòng với diện tích gần 1000m2. 

Về phương pháp trưng bày: Đơn giản theo biên niên sử, dùng hiện vật rời lẻ để diễn giải lịch sử ít chú trọng hiện vật khối.
Các khung cảnh, hiện vật giấy bỏ vào khung treo trên tường bằng dây. Đó cũng là cách trưng bày thường gặp của các bảo tàng Việt Nam trong thập niên 70. 

Về phương tiện trưng bày: Dùng tủ, bục bằng gỗ, đặt rời tường trong đó đặt các hiện vật thể khối. Các bản trích đa phần bằng gỗ viết chữ nổi. Có bản trích cũ từ trước vẫn được sử dụng. Nhìn tổng thể nhà trưng bày nói chung là một sự dàn trải tư liệu, hiện vật một cách đơn điệu, không có điểm nhấn và những khối trọng tâm. 

Năm 1985 trước yêu cầu của công tác tuyên truyền, được sự quan tâm và chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ Tĩnh, Bộ và Sở Văn hóa Thông tin, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, bảo tàng XVNT đã tổ chức hội thảo chuyên đề “Công tác trưng bày tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh” . Đây là cuộc chỉnh lý lần thứ ba của Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh 

Về nội dung: Các phần được chia trong đề cương cũ vẫn giữ nguyên, bổ sung thêm nhiều tư liệu hiện vật và làm mới một số khoa học phụ như bản đồ điểm Di tích Lịch sử văn hóa Nghệ Tĩnh có gắn địa danh lịch sử. 

Nhiều tư liệu quý sưu tầm từ kho lưu trữ Đà Lạt được cung cấp cho nội dung trưng bày. Về phần chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp được bổ sung khá nhiều tư liệu quý. 

Các bản trích được làm mới và đẹp hơn. Các tủ “chân cò” thanh thoát đã thay thế cho những tủ cổ điển nặng nề. Tuy vậy giải pháp trưng bày vẫn sử dụng cách treo móc cũ, dàn trải tư liệu. 

Ngày 20/8/1985, Chủ tịch Trường Chinh đã về thăm Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh và trồng cây lưu niệm tại Bảo tàng. Đây cũng là niềm động viên cổ vũ cán bộ, nhân viên Bảo tàng cũng là nhắc nhở tinh thần trách nhiệm của mọi ngưòi đối với sự nghiệp này. 

Dịp kỷ niệm 60 năm Xô Viết Nghệ Tĩnh (1990) Bảo tàng lại được nâng cấp, chỉnh lý lần thứ tư. Lúc này Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã trở thành chi nhánh của Bảo tàng Cách mạng Việt Nam. Đợt chỉnh lý lần này đã có sự đột phá nhảy vọt trong công tác trưng bày do Bảo tàng Cách mạng Việt Nam giúp đỡ. 

Về nội dung. Cơ bản vẫn tuân thủ bố cục từ trước, nhưng bổ sung nhiều hiện vật đặc biệt là mảng chuyên đề sự hình thành giai cấp công nhân ở Nghệ Tĩnh, Tự vệ Đỏ Nghệ Tĩnh… Các sưu tập hiện vật tuy chưa trọn vẹn, song đã có sự chú ý hơn trước và được trưng bày kết hợp với biên niên sử. 

Đặc biệt đợt chỉnh lý này đã loại bỏ được treo móc cổ điển hàng chục năm nay và thay vào đó là tường được ốp gỗ dán khung ảnh được đóng bằng đinh ghim trực tiếp và tường. Từ đây một giải pháp mới đã được đặt ra nhằm hoàn thiện nhà Bảo tàng. Có thể nói lần chỉnh lý này đã tạo tiền đề tư tưởng về nội dung và nghệ thuật cho đợt chỉnh lý sau. 

Nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn năm 1995 và 65 năm Xô Viết Nghệ Tĩnh. Được sự quan tâm của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Bộ Văn hóa, Cục Bảo tồn- Bảo tàng, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam và Thường trực Tỉnh Ủy, UBND tỉnh của hai tỉnh Nghệ -Tĩnh. Bảo tàng XVNT đã nâng cấp ngoại thất và chỉnh lý nội dung trưng bày toàn diện, quy mô lớn. Có thể nói đợt chỉnh lý lần này là một cuộc cách mạng trong công tác trưng bày làm thay đổi bộ mặt của Bảo tàng. 

Về nội dung: Đề cương và ma két trưng bày  được Bộ Văn hóa Thông tin chỉ đạo, Thường trực hai tỉnh thông qua bổ sung thêm nhiều tư liệu hiện vật gốc có trong kho nhờ một đợt sưu tầm quy mô lớn của Bảo tàng. Hồ sơ cá nhân, ảnh tư liệu gốc được Bộ Nội vụ cung cấp là nguồn khai thác quý báu cho công cuộc chỉnh lý mới. Số ảnh chân dung của các chiến sỹ cách mạng hoạt động trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh nguyên từ các hồ sơ cá nhân trên đã được trưng bày trang trọng trong an bum đã gây sự chú ý cho người xem. Ngoài ra cách làm trên còn giúp các thân nhân, gia đình cách mạng tìm được người thân của mình. 

“ Nhà tưởng niệm các liệt sỹ Xô Viết Nghệ Tĩnh”: nơi thắp hương tưởng niệm gần 2000 liệt sỹ đã được  xây dựng làm cho Bảo tàng thật sự đã trở thành “chốn linh thiêng”. Biết bao thế hệ, các tầng lớp nhân dân, tín đồ phật tử đã đến đây để thắp nén hương kính dâng linh hồn các liệt sỹ để thỏa lòng biết ơn sâu sắc. Các cơ quan đơn vị, lực lượng vũ trang, nhà trường thường xuyên đến dâng hương báo công với các liệt sỹ. 

Một hệ thống tranh tượng, phù điêu được làm mới hoành tráng đã đưa vào sử dụng để tăng thêm sự phong phú cho Bảo tàng. Cùng với các sưu tập đáng giá, các tài liệu khoa học phụ đã góp phần nâng cao chất lượng trưng bày cho sự kiện Xô Viết Nghệ Tĩnh đúng với tầm vóc vĩ đại của nó. 

Về giải pháp trưng bày: Không dùng các vật bày đơn lẻ để diễn giải lịch sử như trước đây mà chú trọng sử dụng các sưu tập hiện vật để giới thiệu. Cách này đã huy động tối đa hiện vật gốc tham gia trưng bày và gây ấn tượng mạnh cho người xem bởi những mẩu chuyện có xuất xứ lý lịch hiện vật được người thuyết minh khéo léo dẫn dắt. 

Đợt chỉnh lý mới còn loại bỏ được nhiều bản đồ, sơ đồ, bản trích, văn bản sao chụp mà thay vào đó các hiện vật gốc đặc biệt là hiện vật thể khối. 

Về phương tiện trưng bày: Thay thế đai trưng bày và tủ bục cũ mà dùng các mảng khối, tủ nghệ thuật dựa trên nội dung đã được cách điệu để minh họa lịch sử. Kết quả thể hiện đã cho ra đời những sản phẩm hoàn toàn mới mẻ. Từ trước đến nay chưa bao giờ trưng bày gặt hái được thành công đến như vậy. 

Khảo sát qua phòng trưng bày số 1, hình tượng mái đình, cây tre, trống Xô viết, trưng bày đã lột tả được truyền thống văn hóa Lịch sử xa xưa của quê hương Nghệ Tĩnh. Chấm phá thêm một vài hình ảnh là những Di tích lịch sử, Danh lam thắng cảnh như Núi Hồng, sông Lam, đền thờ Mai Hắc Đế mà người xem khám phá được cội nguồn gốc rễ cốt cách con người xứ Nghệ: Cần cù trong lao động, anh dũng trong chiến đấu, thủy chung son sắt với lý tưởng cao đẹp của đất nước, của non sông. Ở phòng này người xem còn gây ấn tượng mãi khi xem hai dòng chữ nổi nhũ đồng “Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 1930-1931” và “Nghệ Tĩnh thật xứng đáng với danh hiệu Đỏ”. Như vậy chỉ bằng một số hình tượng với một vài tư liệu mà ở phòng thứ nhất đã giảm được bản đồ điểm Di tích Lịch sử văn hóa dày đặc địa danh và nhiều ảnh di tích từ thời tiền sử đến nay. Không những thế trưng bày mới còn tránh cho người thuyết minh phải nói nhiều như đọc một quyển sách Lịch sử vậy. 

Nhiều phòng trưng bày đã dùng mảng khối nghệ thuật để tạo điểm nhấn thay thế các bức ảnh phóng to trước đây khi muốn làm nổi bật một vấn đề. Đó là mảng xuất dương phòng 2 với hình tượng nghệ thuật ngã ba đường với khoảng không gian màu xanh thể hiện sự khát khao hòa bình, độc lập, tự do của người dân nô lệ và sự bâng khuâng, bỡ ngỡ trước con đường cứu nước của những nhà cách mạng. Qua đó khẳng định con đường cứu nước đúng đắn mà người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã chọn. 

Ở phòng 6, phần hình tượng nghệ thuật cũng đạt được ý tưởng. Làn sóng đỏ nghệ thuật đi từ thấp lên cao với các mốc 1/5; 1/8; 1/9; 12/9; Bên cạnh là Kim tự tháp màu vàng xung quanh là những cuộn sóng rực lửa. Qua lời giới thiệu của thuyết minh, khách tham quan hiểu rõ những cuộc biểu tình đấu tranh, làn sóng cách mạng của nhân dân bằng sự kiện mở đầu là 1/5 và đỉnh cao là 12/9 mà không cần lấy tư liệu dàn trải. Các mốc con số thể hiện các cuộc đấu tranh đi từ thấp lên cao, từ chính trị đến vũ tranh và bị đàn áp đẫm máu nhưng nó đã thu được kết quả rực rỡ là làm bật tung hệ thống cai trị của đế quốc phong kiến ở nhiều nơi và thiết lập nên chính quyền Xô viết (Kim tự tháp có vầng lửa là biểu tượng kết quả đó). 

Nhiều khi mảng khối còn được kết hợp hài hòa với màu sắc, ánh sáng để tạo cảm giác cho người xem. Sự thành công này đã đạt được ở phòng số 7 khi thể hiện âm mưu thủ đoạn nham hiểm của kẻ thù. Ở phòng này trưng bày đã dùng các khối sắc nhọn với gam màu đen bí hiểm, tối tăm để thể hiện âm mưu thâm độc của kẻ thù. Trên các khối hình sắc nhọn đó được bày những tên thực dân phong kiến càng tăng thêm bộ mặt dã thú của bọn giết người được trang bị bởi lưỡi hái tử thần để dáng vào đầu những người Việt Nam yêu nước. 

Khi nói đến tinh thần đấu tranh bất khuất của các chiến sỹ Cộng sản trong nhà tù đế quốc thì không gian sáng bừng lên với hình ngôi sao vàng năm cánh cách điệu. Để có được ý tưởng nghệ thuật này phải dùng ánh sáng đèn chiếu tạo ra. Giữa khoảng sáng mênh mang của không gian là bài thơ yêu nước của các chiến sỹ cách mạng làm trong lao tù. Người xem càng xúc động cảm phục các chiến sỹ bao nhiêu, càng căm thù bọn đế quốc phong kiến bấy nhiêu. 

Một hệ thống âm thanh tiếng động được phối hợp hài hòa với nội dung trưng bày càng tăng thêm hào khí đấu tranh của nhân dân. Ở phòng số 1 khi giới thiệu tiếng trống Xô viết người xem được nghe qua băng ba hồi chín tiếng trống lệnh giúp họ sống lại không khí đấu tranh sôi sục thời bấy giờ. 

Phong trào cách mạng lên cao, nhân dân đấu tranh như thác lũ giữa những ngày cuối hè đầu thu nóng nực, oi ả bỗng nghe vang lên làn điệu dân ca xứ Nghệ : 

"Ai biết nước sông Lam răng là trong là đục
Thì biết sống cuộc đời răng là nhục là vinh
Thuyền em lên thác xuống ghềnh
Nước non là nghĩa là tình ai ơi”. 

Thì người xem như được thư giãn chút đỉnh khi hình dung một làng quê thanh bình bị bọn ngoại xâm dày xéo. Họ thấy càng thêm yêu quê hương đất nước của mình hơn. 

Điều độc đáo của trưng bày lần này là các sưu tập, hiện vật gốc được trình bày hợp lý bên cạnh tư liệu và khoa học phụ. Các sưu tập hiện vật gốc đã đem lại thành công cho công tác trưng bày mà những hiện vật khác không thể thay thế được. Sưu tập về giai cấp công nhân trong phòng 2, sưu tập ấn loát của Đảng ở phòng 3, sưu tập trống ở phòng 5, sưu tập Tự vệ, sưu tập triện ở phòng 6, sưu tập nuôi dấu cán bộ ở phòng 7… Mỗi sưu tập có một vị trí riêng, một sắc thái riêng nhưng hợp lại đó là rường cột, là xương cốt của Bảo tàng. Xem bảo tàng khách thường dừng lâu bên các sưu tập hiện vật gốc. Họ bồi hồi xúc động trước những sưu tập ấn loát của Đảng, sưu tập nuôi giấu cán bộ thể hiện thêm một quãng đường đầy gian khổ hy sinh đã trải qua của Đảng ta. Họ thật sự tự hào khi được xem sưu tập Tự vệ Đỏ cùng chân dung các chiến sỹ Tự vệ là lực lượng vũ trang đầu tiên của Việt Nam. 

Khi dừng chân ở sưu tập triện thì khách tham quan dễ nhận thấy không có gì minh chứng hùng hồn cho sự sụp đổ của hệ thống cai trị đế quốc phong kiến ở nông thôn Nghệ Tĩnh trước bão táp cách mạng nhân dân. Nếu trưng bày một con triện đơn lẻ thì không nói lên được điều gì. Cả sưu tập triện là một sự kiện to lớn vì người xem cảm nhận được tính toàn cục của phong trào rầm rộ đều khắp ở nhiều địa phương trong hai tỉnh. 

Cùng với việc nâng cao chất lượng nội dung nghệ thuật trưng bày, chỉnh lý lần này còn thay đổi cả những chi tiết nhỏ. Đó là toàn bộ Eti két được thay mới hoàn toàn. Trước đây mỗi bản giải thích chỉ in một thứ tiếng thì nay thêm cả tiếng Anh để khách Quốc tế dễ tiếp cận với Bảo tàng hơn. 

Song song với việc chỉnh lý nội thất trưng bày thì phần ngoại thất cũng được trưng bày toàn diện. Sân vườn quy hoạch lại. Phân bố cây xanh, cây lưu niệm hợp lý hơn. Khuôn viên Bảo tàng trông giống như một công viên bậc nhất thành phố. Điều này làm cho Bảo tàng thêm hấp dẫn với mọi lứa tuổi khi đến đây để hưởng thụ, thưởng thức văn hóa và tìm thấy một sự tĩnh tại để tu tâm dưỡng sức. Đặc biệt trong lần chỉnh lý này các phòng trưng bày được thông thoáng, thông thoáng đến từng phòng, tạo thành không gian thoáng mát hợp lý. 

Có thể nói đợt chỉnh lý lần thứ 6 là một sự nâng cấp toàn diện của Bảo tàng nhất là phần nội dung trưng bày. Đó là kết quả của quá trình lao động sáng tạo của các nhà khoa học, các kiến trúc sư, các nhà họa sỹ, điêu khắc tâm huyết với Bảo tàng. Là sự quan tâm của Tỉnh Ủy, UBND hai Tỉnh, Bộ, Sở Văn hóa Thông tin, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, các đồng chí lão thành cách mạng, sự nỗ lực của tập thể lãnh đạo và cán bộ Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh. 

Sau khi nhà trưng bày Bảo tàng được chỉnh lý nâng cấp, đến nay Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã đón tiếp được gần 2 triệu khách tham quan trong và ngoài nước. Nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà Nước đã đến thăm và trồng cây lưu niệm như đồng chí Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nguyễn Đức Bình, Trần Đức Lương, Phan Văn Khải, Nguyễn Mạnh Cầm. Các đồng chí lãnh đạo Bộ Văn hóa Thông tin như Trần Hoàn, Nguyễn Khoa Điềm và các Bộ trưởng của các ngành cùng 17 vị giám đốc Bảo tàng cả nước đã đến tham quan Bảo tàng. 

Tất cả những thành tựu đó là nhờ Bảo tàng thường xuyên đổi mới, chỉnh lý. 

40 năm hoạt động của Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh là chặng đường dài thời gian trăn trở suy tư tìm tòi cho một giải pháp trưng bày. Lần chỉnh lý trước là tiền đề cho lần chỉnh lý sau và lần sau bao giờ cũng kế thừa và phát huy hơn lần trước làm cho Bảo tàng ngày càng hoàn thiện. 

Từ năm 1990 đến nay  công tác trưng bày đã có nhiều chuyển biến để đến năm 1995 có thể nói đã đạt tới đỉnh cao của trưng bày Bảo tàng 40 năm qua. Đó là những năm tháng năng động đổi mới nhất của Bảo tàng. 

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Xô Viết Nghệ Tĩnh, chúng ta ôn lại quá trình hoạt động của Bảo tàng để rút ra những bài học kinh nghiệm cho hướng chỉnh lý trưng bày sắp tới. Những thành tựu mà trưng bày đạt được đã hòa chung cùng nhịp điệu phát triển của đất nước. Đặc biệt Đảng ta quan tâm sự nghiệp xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Mục tiêu đó càng tăng thêm tinh thần trách nhiệm của mỗi cán bộ công nhân viên Bảo tàng. Bảo tàng Xô viết chưa thỏa mãn với những gì mình làm được mà phải nâng cao hơn nữa về nội dung và nghệ thuật trưng bày. Bảo tàng phải làm sống lại quá khứ hào hùng oanh liệt của Xô Viết Nghệ Tĩnh để các thế hệ mai sau mỗi khi đến đây lại được hun đúc thêm ý chí cách mạng và tin tưởng tuyệt đối vào Đảng mà ra sức xây dựng quê hương đất nước. Đó cũng là việc làm có ý nghĩa thiết thực để chúng ta báo công trước anh linh liệt sỹ Xô Viết Nghệ Tĩnh. 

Vì vậy sắp tới chúng ta phải tìm tòi bổ sung hết chân dung những người xuất dương tìm đường cứu nước, chân dung những người hoạt động cách mạng thời kỳ Xô Viết Nghệ Tĩnh bị đế quốc giam cầm trong nhà tù. 

Khai thác hết chiều sâu các sưu tập hiện vật gốc trong kho bảo tàng để hoàn thiện các sưu tập đã có ở nhà trưng bày. 

Phần danh nhân cách mạng: Bổ sung thêm hồ sơ cá nhân, tư liệu lấy được từ các kho lưu trữ để cho khách hiểu thêm được cuộc đời sự nghiệp của các lãnh tụ Đảng ta. Thể theo nguyện vọng và góp ý của khách tham quan chúng ta sửa lại sa bàn cho sinh động bằng việc thể hiện các cuộc biểu tình của nhân dân. 

Phòng số 7 có thể làm hộp hình “chiến khu cách mạng” nơi rút lui vào hoạt động của Tỉnh ủy Nghệ An - Hà Tĩnh. Phần ảnh hưởng, ý nghĩa của Xô Viết Nghệ Tĩnh chưa nổi bật tính Quốc tế, cần phải bổ sung thêm nội dung và nâng cao giải pháp trưng bày bằng các mô hình nghệ thuật. 

Trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, tinh thần đấu tranh bất khuất kiên cường của các chiến sỹ Cộng sản trong nhà tù đế quốc là bản anh hùng ca bất diệt. Vậy trưng bày cần thể hiện được mô hình nhà lao Vinh, Nhà lao Hà Tĩnh để giúp khách tham quan hiểu tõ hơn. 

Về ngoại thất: Củng cố lại sân vườn cho đẹp hơn. Nghiên cứu để làm tượng đài trong khuôn viên Bảo tàng, xây dựng nhà chiếu phim cho khách xem phim lịch sử, Di tích cách mạng và những hoạt động lễ hội diễn ra ở các Di tích đó. 

Ở nhà tưởng niệm: từng bước một hoàn thiện  danh sách các liệt sỹ năm 1930-1931 bằng việc xác minh khoa học tên tuổi, quê quán hoạt động của từng người. Và còn biết bao điều phải làm để công trình này xứng đáng với tầm vóc Lịch sử của nó: Xô Viết Nghệ Tĩnh anh hùng.

                                                                                                                         Nguyễn Thị Hồng Vân - Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh

Video