Đồng chí Nguyễn Hữu Thái, tấm gương cộng sản kiên trung của quê hương Hà Tĩnh

Tác giả: Đặng Huyền Trang
Ngày 2024-09-30 07:21:36

Cẩm Quang là xã nằm về phía Bắc huyện Cẩm Xuyên, có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, yêu nước và cách mạng. Trong dòng chảy lịch sử của dân tộc, không thể không nhắc đến những người con của mảnh đất Cẩm Quang đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh, đóng góp sức người, sức của cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng chí Nguyễn Hữu Thái là một trong những tấm gương chiến sỹ cộng sản tiêu biểu của quê hương Cẩm Quang nói riêng, của Hà Tĩnh nói chung trong những ngày đầu Đảng Cộng sản Việt Nam vừa mới được thành lập. 

Đồng chí Nguyễn Hữu Thái sinh năm 1898 trong một gia đình nông dân nghèo ở làng Nhân Lộc, xã Thạch Khê Trung, tổng Vân Tán (nay thuộc xã Cẩm Quang), huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh.

Lớn lên trên mảnh đất Cẩm Quang giàu truyền thống, lại là người có tư tưởng yêu nước tiến bộ nên đồng chí Nguyễn Hữu Thái sớm được giác ngộ. Cuối năm 1929 đầu năm 1930, đồng chí Nguyễn Hữu Thái là thành viên trong tổ chức Thanh niên, hoạt động bí mật tại Thạch Khê Trung.

Tháng 3/1930, sau khi Đảng bộ Lâm thời Hà Tĩnh ra đời đã bí mật điều một số đồng chí Tỉnh ủy viên và một số cán bộ về các địa phương để gây dựng thêm cơ sở Đảng. Đồng chí Trần Hưng và Nguyễn Thị Linh Quy là Tỉnh ủy viên được Tỉnh ủy phân công vào Cẩm Xuyên, gây dựng phong trào cách mạng vùng phía Bắc tổng Vân Tán. Chỉ trong một thời gian ngắn, phong trào cách mạng của Nhân dân tổng Vân Tán đã có những bước tiến vượt bậc, các chi bộ Đảng, tổ chức quần chúng yêu nước lần lượt ra đời.

Xã Cẩm Quang lúc này tuy chưa phát triển đảng viên và chưa có chi bộ cộng sản, song đồng chí Nguyễn Hữu Thái, Hoàng Hữu Tín, Nguyễn Văn Chi, Trần Viết Nghi đã thành lập tổ chức Nông hội đỏ bí mật hoạt động tại Thạch Khê Trung. Nhờ hoạt động tuyên truyền năng nổ của các đồng chí, Nông hội đỏ Thạch Khê Trung đã tập hợp được nhiều quần chúng nhân dân vào các phường, hội để hỗ trợ nhau trong cuộc sống, như: hội Cày, hội Cấy, hội Lợp nhà,… Đồng chí Nguyễn Hữu Thái và Nông hội cũng đã vận động Nhân dân Thạch Khê Trung tham gia vào các cuộc đấu tranh do Ban Cán sự huyện Cẩm Xuyên lãnh đạo, như: cuộc mít tinh, biểu tình tố cáo tội ác của quan lại, cường hào tại cây bàng làng Gia Hội (ngày 1/5/1930); các cuộc mít tinh, tuần hành thị uy trong tháng 7/1930…

Sau khi cuộc biểu tình ngày 9/9/1930 của Nhân dân Cẩm Xuyên bị địch đàn áp đẫm máu, Huyện ủy đã ra chủ trương vận động Nhân dân các tổng tham dự cuộc mít tinh truy điệu những người đã hy sinh. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Hữu Thái, Hoàng Hữu Tín, Nguyễn Văn Chi, Trần Viết Tiến, hơn 200 quần chúng Nhân dân Thạch Khê Trung đã tập trung tại Quán Kho để tham dự lễ.

Khi phong trào cách mạng ở Cẩm Xuyên đang trong giai đoạn phát triển thì các đồng chí trong Ban Chấp Hành Huyện ủy đã lần lượt rơi vào tay kẻ địch. Đứng trước tình hình khó khăn của phong trào cách mạng địa phương cũng như đòi hỏi cần phải có sự lãnh đạo của Đảng bộ sau khi tổ chức bị địch phá vỡ, tháng 2/1931, Ban Cán sự Huyện ủy Cẩm Xuyên được tái lập do đồng chí Trần Đào làm Bí thư. Sau khi được cử ra, Ban Cán sự đã thực hiện chủ trương củng cố các tổ chức quần chúng yêu nước và chú trọng công tác phát triển các cơ sở Đảng.

Ngày 20/3/1931, Chi bộ Thạch Khê Trung được thành lập gồm 4 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Hữu Thái là ủy viên chi bộ. Sau khi thành lập, đồng chí Nguyễn Hữu Thái và Chi bộ Thạch Khê Trung đã nhanh chóng đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền giáo dục và phát triển đảng viên. Dưới sự chỉ đạo của các đồng chí, phong trào đấu tranh Nhân dân Thạch Khê Trung ngày càng được củng cố, quần chúng tích cực tham gia vào các phong trào đấu tranh do chi bộ phát động.

Nhân ngày Quốc tế Lao động 1/5/1931, để biểu dương lực lượng cách mạng và tinh thần đoàn kết, Ban Cán sự Huyện ủy Cẩm Xuyên đã chủ trương vận động quần chúng nhân dân biểu tình kéo lên huyện để đưa yêu sách đấu tranh đòi quyền lợi. Thực hiện chủ trương của Huyện ủy, đồng chí Nguyễn Hữu Thái cùng các đảng viên tổng Vân Tán đã lãnh đạo Nhân dân toàn tổng phối hợp với quần chúng các tổng Mỹ Duệ, Thổ Ngọa (Cẩm Xuyên) và Hạ Nhất (Thạch Hà) kéo về tập trung tại miếu Thượng Tướng (thị trấn Cẩm Xuyên) để biểu tình. Khi quần chúng đang mít tinh nghe diễn thuyết thì lính kéo đến đàn áp và bắn làm hai người chết, nhiều người bị thương.

Sau cuộc biểu tình, kẻ địch tiến hành cuộc khủng bố mới, tập trung lực lượng truy lùng, bắt bớ, tra tấn các đảng viên và quần chúng yêu nước. Bên cạnh đó, nạn đói năm 1931 hoành hành cũng  khiến cuộc sống của Nhân dân càng thêm cơ cực. Trước tình thế đó, đồng chí Nguyễn Hữu Thái và Chi bộ Thạch Khê Trung đã lãnh đạo quần chúng đấu tranh giành được một số quyền lợi kinh tế nhằm cải thiện đời sống cho Nhân dân, làm cho quần chúng Nhân dân càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và phấn khởi đẩy mạnh sản xuất. 

Ngày 1/8/1931, Tỉnh ủy có chủ trương tổ chức các cuộc biểu tình theo từng xã, từng tổng để gây dựng lại phong trào. Thực hiện chủ trương đó, Huyện ủy Cẩm Xuyên đã tổ chức hội nghị mở rộng và đưa ra quyết định: tổ chức quần chúng mít tinh theo từng tổng, có tuần hành thị uy để trấn áp thế lực phản động trong huyện. Ngay sau đó, đồng chí Nguyễn Hữu Thái và các đồng chí đảng viên đã phân công nhau về phụ trách phong trào của từng tổng, chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc mít tinh.

Đêm 31/7/1931, dưới sự vận động và chỉ đạo của các đồng chí đảng viên, truyền đơn cách mạng đã được rải khắp các tổng, cờ búa liềm đã được cắm và tung bay trên các đỉnh núi Nhược Thạch, núi Trộn, Động Choác và đình Gia Hội. Tiếp đó, hơn 3.000 quần chúng Nhân dân 4 tổng Vân Tán, Mỹ Duệ, Lạc Xuyên, Thổ Ngọa đã phân chia nhau tập trung tại 5 địa điểm mít tinh. Tiếng trống, mõ cổ động, tiếng chân người rầm rập kép đến địa điểm tập trung khiến cho Tây đồn, tri huyện và tổng lý cường hào hoang mang, không dám ra ngoài. Sau khi dự lễ kỷ niệm, quần chúng Nhân dân đã kéo đi tuần hành thị uy và sau đó giải tán trong an toàn.

Để dập tắt ý chí chiến đấu của Nhân dân, trung tuần tháng 8/1931, thực dân Pháp và chính quyền tay sai đã tập trung lính khố xanh về đóng thêm đồn ở Cẩm Xuyên, đồng thời lập thêm hàng trăm điếm canh với nhiều dụng cụ tra tấn. Kẻ địch phối hợp với hệ thống mật thám và quan lại địa phương đã tiến hành vây ráp, bắt và cầm tù rất nhiều đảng viên, quần chúng yêu nước Cẩm Xuyên, khiến phong trào cách mạng ở nhiều nơi bị sa sút.

Cuối tháng 11/1931, đồng chí Nguyễn Hữu Thái được bổ sung vào Ban Thường vụ Huyện ủy Cẩm Xuyên, phụ trách tổng Vân Tán. Ở trên cương vị mới, đồng chí Nguyễn Hữu Thái đã kề vai sát cánh cùng các đồng chí Huyện ủy viên gồng gánh phong trào cách mạng Cẩm Xuyên trong tình hình mới.

Bị mất liên lạc với cấp trên, Huyện ủy lúc này chỉ còn lại 3 đồng chí là Trần Đào, Nguyễn Hữu Thái và Trần Điền. Trước mắt khi chưa thể phát động đấu tranh, đồng chí Nguyễn Hữu Thái và Huyện ủy lựa chọn chú trọng về công tác tuyên truyền, giáo dục quần chúng Nhân dân thông qua tờ báo “Bước tới”. Bên cạnh đó, đồng chí Nguyễn Hữu Thái và Trần Đào đã sáng tác thêm những bài thơ, bài ca có ngôn từ gần gũi, dễ hiểu và được tuyên truyền rộng rãi, góp phần củng cố thêm tinh thần cho Nhân dân, như bài: “Tuyên truyền cộng sản”, “Kêu gọi nông dân”, “Vợ khuyên chồng”, “Con hỏi cha”,… Nhờ sự kiên cường bám trụ địa bàn, linh hoạt trong công tác tuyên truyền của các đồng chí, đến cuối tháng 12/1931, tuy không có những cuộc mít tinh, biểu tình sôi nổi như trước nhưng các cơ sở Đảng, tổ chức quần chúng yêu nước Cẩm Xuyên đã dần được khôi phục. Phong trào cách mạng dần được phục hồi ở các thôn xã, như: Yên Dượng, Yên Xá, Thạch Khê Trung, Thạch Khê Hạ, Cẩm Bào, Gia Hội,…

Khi phong trào ở Cẩm Xuyên vừa mới được phục hồi, đang trên đà phát triển thì thực dân Pháp và phong kiến tay sai đã tiếp tục huy động đợt càn quét mới. Trong đợt khủng bố này, hầu hết các đảng viên, quần chúng yêu nước đã bị địch bắt, giải đi giam giữ tại nhà lao Hà Tĩnh và các nhà lao khác.

Trước tình hình khó khăn của phong trào, Huyện ủy Cẩm Xuyên lúc này tuy chỉ còn lại đồng chí Nguyễn Hữu Thái nhưng đồng chí vẫn quyết tâm bám lấy phong trào. Tháng 5/1932, đồng chí Nguyễn Hữu Thái đã bắt liên lạc được với đồng chí Nguyễn Quốc Hải, một cán bộ Đảng ở vùng Yên Dượng, Yên Xá, Thạch Khê Trung, để trao đổi tình hình và bàn kế hoạch hoạt động, gây dựng lại phong trào. Nhờ tinh thần và hoạt động tích cực của các đồng chí, phong trào cách mạng ở một số thôn xã của Cẩm Xuyên đã dần được phục hồi.

Đầu tháng 7/1932, một hội nghị gồm khoảng 12 đảng viên đã được triệu tập tại nhà đồng chí Nguyễn Quốc Hải. Hội nghị bàn về phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tiếp theo và cử ra Ban Cán sự huyện nhận nhiệm vụ lãnh đạo phong trào toàn huyện. Đồng chí Nguyễn Hữu Thái được bầu là Bí thư của Ban Cán sự Huyện ủy.

Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Hữu Thái, đến cuối năm 1932, toàn huyện đã có 10 chi bộ và nhiều tổ chức quần chúng yêu nước được tái lập. Những nơi chưa có tổ chức Đảng thì tổ chức Nông hội đã được thành lập, chịu sự lãnh đạo của Ban Cán sự Huyện ủy. Nhờ đó, công tác văn hóa, xã hội, binh vận và bảo vệ trị an trong các làng xã đã được khôi phục, đẩy mạnh.

Trước tình hình đó, kẻ địch một lần nữa đã tập trung khủng bố vào các làng xã. Các đồng chí đảng viên và Ban Chấp hành các Chi bộ Yên Dượng, Yên Xá, Thạch Khê Trung đều rơi vào tay giặc. Trước sự vây ráp, truy lùng của địch, tháng 3/1933, đồng chí Nguyễn Hữu Thái bị bắt. Biết đồng chí Nguyễn Hữu Thái là cán bộ Huyện ủy cốt cán, địch đã đưa đồng chí giam tại nhà lao Hà Tĩnh. Sau 5 năm giam cầm, tra khảo nhưng không khai thác được thông tin gì, tháng 2/1938, địch đã đày đồng chí vào Nhà đày Buôn Mê Thuột.

Sau ngày Nhật đảo chính Pháp, đồng chí Nguyễn Hữu Thái và một số tù chính trị được trả tự do. Về đến quê nhà, đồng chí Nguyễn Hữu Thái đã nhanh chóng bắt liên lạc với cơ sở cách mạng ở Cẩm Xuyên.

Ngày 13/8/1945, trước chuyển biến và yêu cầu mới của lịch sử, Việt Minh Nam Hà[1] đã tổ chức cuộc họp bàn tại Nhượng Bạn và quyết định thành lập Ủy ban Khởi nghĩa Nam Hà để xúc tiến lãnh đạo Nhân dân các địa phương chuẩn bị cho công cuộc giành chính quyền. Các đồng chí: Nguyễn Hữu Thái, Trần Hữu Duyệt, Trần Hữu Chương, Tôn Sỹ Khuê, Phạm Thể, Nguyễn Huỳnh, Trần Đào, Đặng Trọng Phượng và Phạm Thế Đống,… chính là các đại diện của Việt Minh huyện Cẩm Xuyên tham dự hội nghị này.

Sau hội nghị, đồng chí Nguyễn Hữu Thái và các Việt Minh Cẩm Xuyên đã xúc tiến thành lập Ủy ban Khởi nghĩa huyện, đồng thời phân công nhau về phụ trách các tổng, các xã để chuẩn bị mọi việc cho việc giành chính quyền trên toàn huyện. Dưới sự lãnh đạo của Ủy ban Khởi nghĩa, Nhân dân Cẩm Xuyên đã hăng hái tham khởi nghĩa, góp phần vào thắng lợi của Cách mạng tháng Tám trên địa bàn toàn tỉnh. Với vai trò quan trọng trong phong trào cách mạng, ngày 25/8/1945, đồng chí Nguyên Hữu Thái được bầu là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời huyện Cẩm Xuyên.

Ngày 12/12/1945, tại Đại hội Đảng bộ Hà Tĩnh, đồng chí Nguyễn Hữu Thái đã được tín nhiệm bầu giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh.

Trong những giai đoạn lịch sử tiếp theo, đồng chí Nguyễn Hữu Thái luôn được tổ chức tín nhiệm giao giữ nhiều vị trí quan trọng ở tỉnh và Trung ương.

Tháng 9/1947 đến tháng 9/1948, đồng chí Nguyễn Hữu Thái là Bí thư Nông hội Quân khu 4.

Tháng 6/1956 đến tháng 3/1959, đồng chí Nguyễn Hữu Thái lần thứ hai được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh.

Tháng 2/1961 đến năm 1963, đồng chí Nguyễn Hữu Thái là Vụ trưởng Vụ Tòa án Nhân dân tối cao.

85 tuổi đời, 53 năm tuổi Đảng, đồng chí Nguyễn Hữu Thái là tấm gương cộng sản kiên trung tiêu biểu của quê hương Hà Tĩnh. Ở trong bất cứ hoàn cảnh nào, đồng chí Nguyễn Hữu Thái vẫn luôn nêu cao tinh thần, khí phách của người cộng sản để hoàn thành mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhân dân tín nhiệm, giao phó. Với nhiều công lao to lớn trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Hữu Thái đã được Đảng, Chính phủ tặng nhiều bằng khen, huân chương cao quý, như: Gia đình Có công với nước, Huân chương Hồ Chí Minh,...

Đặng Huyền Trang

Trưởng phòng STKKBQ - Bảo tàng XVNT

Chú thích:

[1] Phân khu Việt Minh Nam Hà gồm các địa phương: Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và Thị xã Hà Tĩnh.

 

Video