Đồng chí Ngô Trí Đậu, người chiến sỹ cộng sản kiên trung của quê hương Lam Sơn, Đô Lương

Tác giả: Đặng Huyền Trang
Ngày 2024-03-11 10:53:26

Xã Lam Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An là một vùng đất giàu truyền thống văn hóa, yêu nước và cách mạng. Lam Sơn là địa phương nổi tiếng với các di tích lịch sử - văn hóa nổi tiếng như: Đền Quả Sơn, Đình Phúc Hậu, chùa Bà Bụt… Người dân nơi đây vẫn luôn tự hào về truyền thống cách mạng của quê hương, với những tấm gương chiến sỹ cộng sản đầu tiên tham gia phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, đến những người lính bộ đội cụ Hồ sẵn sàng cống hiến tuổi xuân vì khát vọng độc lập, tự do của dân tộc trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Đồng chí Ngô Trí Đậu – người đảng viên lão thành là một trong trong những tấm gương cách mạng tiêu biểu của quê hương Lam Sơn.

Đồng chí Ngô Trí Đậu (1901-1974) quê ở làng Nhân Trung, xã Bạch Ngọc, tổng Đô Lương, phủ Anh Sơn (nay là xóm 1, xã Lam Sơn, huyện Đô Lương), tỉnh Nghệ An.

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, sớm chứng kiến cuộc sống lầm than của những người dân quê hương, đồng chí Ngô Trí Đậu đã ấp ủ khát khao được cống hiến sức lực cho công cuộc giải phóng đất nước. Do đó, đầu những năm 20 của thế kỷ XX, đồng chí Ngô Trí Đậu đã là thành viên tích cực của phe hộ trong việc đấu tranh vạch rõ tham nhũng của phe hào và được đông đảo quần chúng nhân dân địa phương đồng tình ủng hộ.

Tháng 6/1930, chi bộ Bạch Truật ra đời với trọng trách lãnh đạo cuộc đấu tranh của nhân dân toàn xã Bạch Ngọc. Ngay sau khi thành lập, chi bộ đã thu hút đông đảo quần chúng yêu nước tiến bộ tham gia vào các hoạt động đấu tranh đòi quyền lợi, trong đó có đồng chí Ngô Trí Đậu. Dưới sự chỉ đạo của chi bộ, đồng chí Ngô Trí Đậu đã tiếp tục tham gia những hoạt động đấu tranh sôi nổi tại địa phương trong thời gian này như: cuộc biểu tình ngày 8/9/1930, buộc chính quyền phong kiến tay sai phải thực hiện những yêu sách của quần chúng mà Tri phủ đã ký nhận từ tháng 6/1930; cuộc đấu tranh phá kho thóc nhà giàu chia cho dân để cứu đói vào cuối năm 1930…

Đầu năm 1931, trên toàn tỉnh Nghệ An nói chung và ở làng Nhân Trung nói riêng, do hạn hán kéo dài, ruộng đồng phải bỏ hoang mấy vụ liền. Nhân dân Nhân Trung rơi vào cảnh đói khổ, phải tản lên rừng đào củ mài, củ đẹt cầm bữa. Trước tình thế đó, dưới sự chỉ đạo của chi bộ, đồng chí Ngô Trí Đậu cùng các đồng chí đảng viên và tổ chức quần chúng yêu nước đã tiến hành cuộc vận động vay thóc nhà giàu cứu đói. Đối với những nhà không cho vay, đồng chí Ngô Trí Đậu và các đồng chí Tự vệ đỏ chính là những người đi đầu trong hoạt động đấu tranh cưỡng chế phá kho thóc chia cho dân. Kết quả trong cuộc đấu tranh này, làng Nhân Trung đã thu được 80 thúng thóc. Cuộc đấu tranh thắng lợi đã khiến quần chúng nhân dân phấn khởi, càng tăng thêm niềm tin vào sự lãnh đạo của chi bộ. Đồng thời, hoạt động đấu tranh này cũng làm cho hào lý địa phương nao núng, không dám manh động.

Trước sự lớn mạnh của phong trào cách mạng, thực dân Pháp và chính quyền tay sai đã đồng loạt thực hiện nhiều chính sách đàn áp. Tại Bạch Ngọc, chúng đã lập các đồn, điếm canh ở đình Nhân Trung, Phúc Hậu..., bổ sung hệ thống bang tá, chánh phó đoàn ở các làng, đồng thời tăng cường tuần tra, lùng bắt cán bộ đảng viên. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, đồng chí Ngô Trí Đậu và quần chúng nhân dân làng Nhân Trung đã nhất mực đoàn kết, dũng cảm đứng lên, duy trì phong trào cách mạng với các cuộc đấu tranh như: cuộc biểu tình tại cây đa ông Thinh vào tháng 4/1931, cuộc biểu tình nghe diễn thuyết tố cáo tội ác của địch vào tháng 9/1931…

Đến cuối năm 1931, thực dân Pháp tăng cường thêm các chính sách khủng bố khiến nhiều cán bộ đảng viên bị bắt, cơ sở Đảng bị vỡ. Trước tình thế đó, đồng chí Ngô Trí Đậu cùng các đồng chí đảng viên, quần chúng yêu nước khác đã tạm thời rút lui vào hoạt động bí mật, chờ thời cơ cách mạng mới.

Năm 1936, cơ sở đảng ở xã Bạch Ngọc được phục hồi. Chi bộ đã tiến hành lựa chọn quần chúng ưu tú để kết nạp vào tổ chức. Đồng chí Ngô Trí Đậu đã được kết nạp Đảng vào thời gian này. Trên cương vị một đảng viên Đảng Cộng sản, đồng chí Ngô Trí Đậu đã tiếp tục hăng hái tham gia vào các hoạt động đấu tranh của chi bộ như: tham gia tuyên truyền thành lập các phường hội công khai; tổ chức các hoạt động tương tế giúp đỡ dân nghèo; đấu tranh đòi quyền lợi cho dân cày; vận động nhân dân tham gia các lớp học chữ quốc ngữ, đọc sách báo truyền đơn…

Những hoạt động năng nổ của đồng chí Ngô Trí Đậu đã không qua mắt được mật thám tay sai. Năm 1942, đồng chí bị địch bắt và kết án 03 năm tù giam, 03 năm quản thúc vì tội “tham gia hoạt động cách mạng chống Pháp và nhà nước Nam triều[1] theo Bản án số 26 ngày 30 tháng 1 năm 1942 của Tòa án Nam triều tỉnh Nghệ An.

Năm 1945, sau khi được trả tự do, đồng chí Ngô Trí Đậu đã tìm cách bắt liên lạc với cơ sở Đảng để tiếp tục hoạt động cách mạng. Đồng chí đã tích cực tham gia công tác chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trên địa bàn Bạch Ngọc nói riêng cũng như trên toàn phủ nói chung. Sáng sớm ngày 23/8/1945, dưới sự lãnh đạo của Ủy ban Khởi nghĩa, đồng chí Ngô Trí Đậu và nhân dân làng Nhân Trung đã gia nhập đoàn biểu tình xã Bạch Ngọc, sau đó hòa chung với đoàn biểu tình của các xã khác tạo thành một khối, hùng dũng tiến về hướng Phủ đường. Trước sức mạnh đấu tranh của quần chúng, cơ quan Tri phủ và nha lại đã đầu hàng và mang ấn triện ra nộp cho Ủy ban Khởi nghĩa. Sau khi giành chính quyền trên toàn phủ, đồng chí Ngô Trí Đậu và nhân dân đã kéo về mở cuộc mít tinh và nhận ấn triện do hào lý địa phương giao nộp ngay tại đình làng. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở làng Nhân Trung cũng chính thức giành thắng lợi. Ủy ban Hành chính lâm thời xã Bạch Ngọc được thành lập và ra mắt nhân dân (tháng 10/1945, đổi tên thành Ủy ban Nhân dân). Với sự tín nhiệm từ chi bộ và nhân dân, đồng chí Ngô trí Đậu là một trong 8 người làng Nhân Trung được bầu làm ủy viên Ủy ban Nhân dân xã Bạch Ngọc.

Trong những giai đoạn lịch sử tiếp theo, đồng chí Ngô Trí Đậu tiếp tục tham gia vào các hoạt động đấu tranh chống Pháp và chống Mỹ như: tham gia đón nhận và phục vụ chu đáo các đơn vị, nhân dân ở các vùng phụ cận đến sơ tán (1946); thực hiện tốt vai trò Chủ tịch Hợp tác xã tín dụng xã Lam Sơn, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Lam Sơn (1959-1964)…

Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Ngô Trí Đậu gắn liền với phong trào đấu tranh của nhân dân Lam Sơn ngay từ những ngày đầu có Đảng. Trải qua khó khăn, thử thách, đồng chí đã chính thức đứng vào hàng ngũ của Đảng từ năm 1936. Với những cống hiến của mình cho phong trào cách mạng, đồng chí Ngô Trí Đậu đã được Thủ tướng Pham Văn Đồng tặng thưởng Huy chương Kháng chiến hạng Nhất (1961), được Tỉnh ủy Nghệ An truy tặng danh hiệu Cán bộ lão thành cách mạng. Tên tuổi đồng chí cũng đã nhiều lần được đề cập đến trong cuốn Lịch sử đảng bộ xã Lam Sơn (1930-2020) như sự tri ân của thế hệ hôm nay đối với những cống hiến của đồng chí Ngô Trí Đậu trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

ThS. Đặng Huyền Trang

Trưởng phòng STKKBQ - Bảo tàng XVNT

Tài liệu tham khảo:

- Lịch sử Đảng bộ huyện Đô Lương 1930 - 1963, NXB Nghệ An 2005;

- Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Lam Sơn (1930-2020), NXB Dân trí, 2020;

- Tài liệu mật thám Pháp về đồng chí Ngô Trí Đậu;

- Tư liệu do gia đình đồng chí Ngô Trí Đậu cung cấp.


Chú thích:

[1] Theo Hồ sơ do Bộ Công an cung cấp.

Video