Nhà thờ và mộ cụ Vương Thức

Tác giả: admin
Ngày 2014-10-29 02:42:57

Nhà thờ và mộ cụ Vương Thức cách thành phố Vinh khoảng hơn 50km về phía Tây Bắc. Muốn đến thăm Mộ cụ Vương Thức, du khách đi theo Quốc lộ 1A đến ngã ba Cầu Bùng rẽ trái theo đường Tỉnh lộ 538, đi khoảng 7km đến xã Diễn Thái, rẽ trái đi khoảng 300m là đên khu mộ. Muốn đến thăm nhà thờ, du khách trở ra đường 638, tiếp tục đi đến ngã tư Hợp Thành, rẽ phải theo đường huyện 533 đi khoảng 4km là đến làng Xuân Đào, xã Hồng Thành. Từ đây, du khách rẽ phải theo đường liên hương đi khoảng 500m là đến Nhà thờ cụ Vương Thức.

Nhà thờ và mộ cụ Vương Thức thuộc loại hình di tích lịch sử, là nơi thờ phụng và lưu giữ hài cốt người có công với dân, với nước: cụ Vương Thức.

Vương Thức sinh năm 1830, con ông Vương Ngọc Kính và bà Hà Thị Biếm. Ông quê ở làng Trang Nương, huyện Đông Thành, nay là làng Xuân Đào, xã Hồng Thành huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.

Từ nhỏ, Vương Thức đã nổi tiếng thông minh, khí khái, cương trực và quyết đoán. Ông được bố mẹ cho ăn học chu đáo. Năm 1859, ông thi và đỗ Khóa sinh. Lúc đầu ông quyết tâm nuôi chí học hành, đỗ đạt thành tài. Nhưng rồi, gặp lúc vận mệnh dân tộc đang lâm nguy, thực dân Pháp nổ súng xâm lược. Hết Gia định, 6 tỉnh Nam Bộ rồi Hà Nội, Huế lần lượt rơi vào tau giặc. Triều đình Huế lục đục, kẻ chủ hòa, người chủ chiến, lòng dân rất hoang mang. Một số văn thân, sỹ phu yêu nước ở Nghệ Tĩnh bất mãn từ quan về ẩn dật, nhiều người chuẩn bị lực lượng chờ thời cơ khởi nghĩa chống Pháp. Vương Thức quyết định thôi học, tìm cách góp sức cứu nước.

Năm 1866, Vương Thức tham gia phong trào Văn Thân, kết liên với các nhà yêu nước như Trần Hoán (Giáo thụ Diễn Châu), Phó bảng Lê Doãn Nhã … để chuẩn bị lực lượng chờ thời cơ khởi nghĩa. Ông đã tự nguyện bán hơn 10 mẫu ruộng tốt do cha ông để lại để mua sắm vũ khí như súng trường của Anh quốc. Súng mua về ông bỏ vào chum sành có nắp đậy , gắn xy rồi chôn xuống đất. Ông đã tuyên truyền khơi dậy lòng yêu quê hương, đất nước trong mỗi người dân của làng Xuân Đào để khi cần họ sẵn sàng xả thân vì tổ quốc.

Năm 1879, dân làng Xuân Đào bầu Vương Thức làm Lý trưởng kiêm Hội trưởng Hội Văn Sỹ. Ông còn được người dân làng tổng cử làm Tuần Quyển, lo canh phòng, trị an thôn xóm. Nhiều năm cầm triện bạ trong tay nhưng ông không hề tơ hào của công. Tất cả tiền thóc thuế, sưu do dân nộp, ông đều dùng vào việc mua sắm vũ khí, rào làng, dựng điếm canh, nhất định không chịu nộp cho Pháp.

Năm 1885, hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, nhân dân khắp dưới sự lãnh đạo của các sỹ phu văn thân yêu nước đã sôi nổi tham gia phong trào chống Pháp. Tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Xuân Ôn đã làm cho thức dân Pháp và bọn tay sai run sợ.

Khi cuộc khởi nghĩa Nguyễn Xuân Ôn nổ ra, thực dân Pháp đã cho đóng đồn ở Cồn Đồng (nay thuộc làng Cồn Đồng, xã Hồng Thành) và bắt nhân dân đắp con đường từ Đập Vẽ để liên lạc với đồn Yên Mã (nay thuộc xã Mã Thành). Con đường đó đi qua làng Trang Nương.

Sau khi nhận được chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, nhận biết được vị trí chiến lược quan trọng của làng Trang Nương, Vương Thức đã chủ động tìm đến cụ Nghè Ôn bàn cách đánh Pháp và nhanh chóng lập ra nghĩa quân chống Pháp ở làng Trang Nương.

Được sự chỉ đạo, giúp đỡ tận tình của cụ Nghè Ôn, với cương vị là Lý trưởng của làng, ông Vương Thức đã nhanh chóng huy động dân binh, vũ khí. Chỉ trong một thời gian ngắn, ông đã triệu tập được hơn 300 người trong làng, xã và các tổng mà ông làm Tuần quyển tham gia nghĩa quân. Vũ khí chủ yếu là giáo, mác, năm chục khẩu súng hỏa mai và hơn 20 khẩu súng trường đã được chôn cất bấy lâu nay.

Lễ ra mắt của nghĩa quân có cụ Nghè Ôn – An Hiệp đốc Quân vụ Đại thần về dự. Cụ khuyên đổi tên làng Trang Nương thành làng Xuân Đào và cử ông Vương Thức làm Đội trưởng Xuân Nghĩa Đội.

Xuân Nghĩa Đội nhanh chóng án ngự con đường huyết mạch từ Cồn Sắt đi Yên Mã. Địch biết đó là mối nguy cơ lớn, chúng liền cho đóng đồn tại Phú Đa (một làng giáp núi, nay thuộc xã Hồng Thành, huyện Yên Thành). Bọn giặc Pháp coi làng Xuân Đào là một địa danh nguy hiểm, một cứ điểm quan trọng của quân đội Cần Vương. Vì vây, chúng tập trung binh lính từ Đồn Sy, Thừa Sũng, Cồn Đông, Yên Mã, Phú Đa … để càn quét và tổ chức theo dõi nghiêm ngặt.

Sau mấy tháng tập luyện, Xuân Nghĩa Đội ra đánh trận đầu. Đó là trận tập kích đồn Cồn Đông, có gần 100 tên lính làm cho quân địch hoảng loạn, chỉ còn một số rất ít thoát thân. Trận tập kích đã gây được tiếng vang lớn trong vùng. Từ đấy, tên tuổi của Xuân Nghĩa Đội càng được vang xa.

Nhận được lệnh của Chủ tướng Nghè Ôn, Nghĩa quân Vương Thức rút về Thừa Sủng để phối hợp với nghĩa quân của Chiêu Hoạt (con trưởng cụ Nghè) và Đề Đốc Phan Bá Niên đánh địch tại Thừa Sủng – Đồng Mơm (nơi tiếp giáp giữa huyện Yên Thành và Diễn Châu hiện nay) tiêu diệt hàng trăm tên địch.

Sau chiến thắng Thừa Sủng – Đồng Mờm, chủ tướng Nguyễn Xuân Ôn và phó tướng Lê Doãn Nhã đã tổ chức buổi tuyên dương Đội trưởng Vương Thức và Xuân Nghĩa Đội đồng thời tặng các gia đình đã góp công, góp của cho cuộc khởi nghĩa là bút tích của cụ Nghè với hai chữ “Cứu quốc”.

Có thể nói, với tài lãnh đạo của Đội trưởng Vương Thức, với những kế sách linh hoạt lúc ẩn lúc hiện, xuất quỷ nhập thần, nghĩa quân của ông đã gây cho địch bao phen khốn đốn. Trận dùng kế nhử mồi “Điệu hổ ly sơn” kéo địch ra khỏi Cồn Đông và dùng kế sách đánh du kích làm cho quân địch ở Đồn Công nhiều phen kinh hồn bạt vía, đã đi vào lịch sử như một sự kiện bi tráng của làng Xuân Đào. Nhân dân khắp vùng Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Nghi Lộc… nức lòng phấn khởi.
Cuối năm 1886, phong trào Cần Vương ở các tỉnh Bắc, Trung Kỳ đều lâm vào tình thế khó khăn. Trong một trận đánh không cân sức, chủ tướng Nghè Ôn bị thương nặng phải rú vào Lèn đá Vũ Kỳ chữa trị.

Ngày 25/7/1887, Tên Tóc – một tên lưu manh hám tiền thưởng đã dẫn đường cho quân Pháp vây bắt cụ Nghè khi cụ còn nằm trên giường bệnh. Đội trưởng Vương Thức dốc hết sức lực chặn đánh địch, bảo vệ chủ tướng. Nhưng rồi chính ông cũng bị bắt và giam ở Diễn Châu, Vinh suốt mấy năm ròng. Cuối năm 1889, ông được thả về quê trong trình trạng than tàn lực kiệt.

Ngày 1/7/1890, cụ Vương Thức qua đời. Trước khi mất, ông trăng trối lại: an tang ông tại Cồn Trôi nằm trên địa phận làng Cồn Sắt, quê hương của cụ Nghè (nay là xã Diễn Thái, huyện Diễn Châu) và khuyên những nghĩa quân còn trẻ, khỏe hãy tiếp tục chiến đấu dưới cờ khởi nghĩa của nghĩa quân Phan Đình Phùng.

Nhà thờ cụ Vương Thức là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử của dân tộc.

Năm 1874, khi Trần Tấn và Đặng Như Mai dấy cờ khởi nghĩa thì nhân dân làng Xuân Đào mà đứng đầu là Lý trưởng Vương Thức đã kịp thời ứng nghĩa. Ông đã lấy nhà của mình làm nơi hội họp, kêu gọi nhân dân rào làng, dựng điếm canh, mua sắm vũ khí chờ thời cơ khởi nghĩa. Đặc biệt khi ngọn cờ Cần Vương tung bay trên rừng núi Ấn Sơn (Hương Khê, Hà Tĩnh), phong trào đấu tranh của nhân dân Xuân Đào càng phát triển. Xuân nghĩa Đội đã ra đời và đội trưởng là cụ Vương Thức. Nhà cụ Vương Thức lúc này trở thành đại bản doanh của nghĩa quân. Nơi đây đã từng đón chủ tướng Nguyễn Xuân Ôn trong lễ ra mắt của Xuân Nghĩa Đội, là địa điểm hội họp, đàm đạo, tập hợp lực lượng, mọi kế hoạch của nghĩa quân được bàn bạc tại đây.

Trong các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ ác liệt, nhân dân làng Xuân Đào cũng đã nổi dậy đấu tranh mạnh mẽ, đặc biệt là trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931. Nhà thờ cụ Vương Thức với lợi thế là nằm trên một khu đất cao và khá rộng, giữa một làng mạc trù phú, sầm uất đã trở thành nơi tập hợp quần chúng nhân dân đi biểu tình. Tiêu biểu là cuộc đấu tranh ngày 7/2/1931, nhân dân làng Xuân Đào cùng với nhân dân các làng thuộc tổng Vân Tụ phá vỡ âm mưu tập trung quần chúng phát “thẻ quy thuận” của địch. Cuộc đấu tranh thắng lợi không những có tác dụng động viên, cổ vũ quần chúng trong huyện mà còn có tiếng vang khắp cả tỉnh.

Nhà thờ cụ Vương Thức nay trở thành Nhà thờ Vương Thức là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của dòng họ gắn với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Tại đây, hàng năm diễn ra nhiều kỳ lễ trọng như: Rằm tháng Giêng, Rằm tháng Bảy, Ngày giỗ cụ Vương Thức (1/7 âm lịch).

Nhà cụ Vương Thức được xây dựng vào đầu thời Nguyễn, ngoảnh mặt về hướng Nam. Lúc khởi dựng gồm một nhà 3 gian hai chái, làm bằng gỗ lim, mái ngói lợp âm dương. Trải qua thời gian, con cháu đã nhiều lần tu bổ tôn tạo lại nhà thờ. Hiện nay, di tích có diện tích là 503m2, gồm các công trình như: cổng, sân, Tiền đường, Hậu cung.
Thể theo nguyện vọng của cụ Vương Thức, con cháu đã an táng cụ tại Cồn Trôi nằm trên địa phận làng Cồn Sắt, quê hương của cụ Nghè Ôn (nay thuộc xã Diễn Thái, huyện Diễn Châu). Khu mộ nghoảnh mặt về hướng Đông, với diện tích 74m2.

Trải qua thời gian lâu dài, lại bị ảnh hưởng của thiên tai bão lụt và chiến tranh nên Nhà thờ và mộ cụ Vương Thức đã bị hư hỏng nhiều. Song được sự quan tâm của chính quyền, nhân dân, con cháu di tích đã được phục hồi lại, góp phần bảo lưu giá trị văn hóa, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân. Hiện nay, di tích nhà thờ và mộ cụ Vương Thức đã được công nhận là di tích Lịch sử cấp Tỉnh.

Video