Đồng chí Nguyễn Thanh Triêm – Người chiến sỹ cộng sản kiên trung của quê hương Diễn Ngọc – Diễn Châu trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930 – 1931

Tác giả: admin
Ngày 2023-12-11 09:07:17

Đồng chí Nguyễn Thanh Triêm (bí danh là Tân), sinh năm 1914 trong một gia đình nông dân nghèo yêu nước tại làng Lý Nhân, tổng Lý Trai, phủ Diễn Châu (nay là xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An). Với những truyền thống tốt đẹp của quê hương, gia đình, đồng chí Nguyễn Thanh Triêm đã sớm giác ngộ, tiếp thu những tư tưởng tiến bộ, đi theo con đường yêu nước của các bậc tiền bối, tham gia tích cực vào phong trào cách mạng tại địa phương như: mít tinh, biểu tình, rải truyền đơn…

Ảnh: Đồng chí Nguyễn Thanh Triêm

Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã mở ra bước ngoặt lớn cho phong trào cách mạng Việt Nam nói chung và Nghệ Tĩnh nói riêng - nơi có phong trào phát triển mạnh mẽ nhất. Ngày 15/03/1930, tại nhà đồng chí Vũ Duy Trọng (làng Lý Nhân) chi bộ Khoán Đông được thành lập trên cơ sở chi bộ Tiên Lý do đồng chí Lê Thơ làm Bí thư. Sau khi được thành lập, chi bộ đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền, giáo dục quần chúng bằng những hình thức: như họp quần chúng theo các đoàn thể, tổ chức mít tinh toàn xã, phổ biến đường lối chính sách của Đảng, rải truyền đơn, treo cờ búa liềm… Đồng chí Nguyễn Thanh Triêm được đồng chí Lê Thơ (Bí thư chi bộ), tuyên truyền giác ngộ và phân công nhiệm vụ về làm thợ may ở chợ Vạn nắm bắt tình hình để chuẩn bị cho các cuộc đấu tranh sắp tới.

Nhân kỷ niệm lần thứ 13 Cách mạng Tháng Mười Nga (7/11/1930), Phủ ủy Diễn Châu tổ chức một cuộc tổng biểu tình biểu dương lực lượng quần chúng gồm 5 tổng vào phủ đường Diễn Châu. Ngay từ chiều 06/11/1930, không khí đã tưng bừng với truyền đơn, tài liệu của cách mạng, tất cả đều ở tư thế sẵn sàng. Sáng ngày 07/11/1930, dòng người như sóng cuồn cuộn tiến về thành phủ, vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu: ủng hộ chính quyền Xô Nga. Đồng chí Nguyễn Thanh Triêm đã cùng  nhân dân Tiên Lý hò reo hưởng ứng, đưa yêu sách đòi giảm sưu, giảm thuế, chia ruộng đất cho dân nghèo. Trong niềm hân hoan, mọi người hướng theo lá cờ đỏ búa liềm màu vàng đang tung bay trước gió tiến vào bao vây thành phủ. Tên tri phủ Vũ Trọng sai lính đóng chặt các cửa thành và ra lệnh cho bọn lính Tây và lính khố xanh bắn vào đoàn biểu tình làm nhiểu người chết và bị thương. Nhưng người này ngã xuống, người khác đứng lên cứ thế đoàn biểu tình tiến lên vừa hô vang khẩu hiệu bắt quân thù đền nợ máu cho đồng bào, đồng chí. Trước sự khủng bố dã man của địch, Ban chỉ đạo cuộc biểu tình hướng dẫn các đoàn biểu tình rút về để bảo toàn lực lượng.

Sau cuộc biểu tình ngày 07/11/1930, phong trào cách mạng ở Diễn Châu lên đến đỉnh cao. Chính quyền phong kiến trong các làng, xã hoàn toàn tê liệt, bọn Lý trưởng, ngũ Hương bỏ trốn hoặc nằm im. Các tổ chức quần chúng như Hội Phụ nữ, Thanh niên Cộng sản Đoàn, Nông hội Đỏ, Tự vệ Đỏ được thành lập, thu hút đông đảo quần chúng tham gia. Xã bộ Nông ở Tiên Lý do Lê Sỹ Huyên làm Bí thư. Các hội viên là: Vũ Trọng, Nguyễn Nhân, Nguyễn Báu, Nguyễn Lê Mai, Nguyễn Sáu, Nguyễn Thị Em, Nguyễn Thanh Triêm… Sau khi ra đời, Xã bộ Nông và các Thôn bộ Nông đã tích cực lãnh đạo và vận động nhân dân tiếp tục đấu tranh chống chế độ phong kiến thực dân và chăm lo các công việc trong làng xã như một tổ chức chính quyền Xô Viết.

Nhưng chỉ một thời gian sau đó, trước những thắng lợi của phong trào đấu tranh của nhân dân Diễn Châu và các địa phương khác ở Nghệ Tĩnh. Bọn cường hào lo sợ, tìm mọi cách cấu kết với thực dân Pháp để dập tắt. Chúng ra sức khủng bố, tăng cường lính khố xanh, mật thám, những tên quan lại khét tiếng gian ác về đàn áp. Trong các thôn xóm, ngày đêm vang tiếng súng, tiếng mõ... Tháng 12/1931, chi bộ Khoán Đông bị vỡ, nhiều đảng viên cộng sản và quần chúng yêu nước bị bắn giết hoặc tù đày, đồng chí Nguyễn Thanh Triêm và một số đồng chí khác lui vào hoạt động bí mật để chờ thời cơ. Đến năm 1933, đa số các đồng chí đảng viên còn sống sót sau cuộc khủng bố đã tìm cách liên lạc với các tổ chức của Đảng để tiếp tục hoạt động củng cố và tổ chức lại lực lượng.

Đầu năm 1936, khi thế giới ngày càng trở nên phức tạp,trước nguy cơ của chủ nghĩa phát xít và chiến tranh thế giới, Trung ương Đảng chủ trương tạm thời gác khẩu hiệu đánh đuổi đế quốc Pháp, giai cấp  địa chủ và ruộng đất cho dân cày mà chỉ đưa ra mục tiêu trước mắt là: “Đấu tranh  chống chế độ phản động thuộc địa, chống phát xít và chiến tranh, đòi tự do dân chủ, cơm áo và hòa bình”. Mặt trận Dân chủ Đông Dương được thành lập, với hình thức đấu tranh vừa bí mật, vừa công khai hợp pháp. Đồng chí Nguyễn Thanh Triêm, Lê Ngọc Hải được sự hỗ trợ giúp đỡ của Chi bộ phố Xuân An vận động thanh niên Khoán Đông tổ chức cuộc họp tại nhà ông Lê Thịnh Khánh chuẩn bị cho Đại hội thành lập Thanh niên Tân Tiến (sau này đổi tên là Thanh niên Dân chủ). Đoàn Thanh niên Dân chủ của Tiên Lý đã hăng hái vận động cho phong trào Dân chủ Đông Dương.

Mở đầu cho giai đoạn mới là cuộc vận động Đông Dương Đại hội. Các đồng chí nòng cốt như: Đậu Thặng, Nguyễn Thanh Triêm, Vũ Trọng và Lê Dân Lương cùng một số thanh niên khác, nhất là số thanh niên trong Đoàn Thanh niên Dân chủ của xã tham gia.

 Cuối năm 1937, các đồng chí Nguyễn Thanh Triêm, Lê Ngọc Hải được sinh hoạt Đảng ở phố Xuân An đã lãnh đạo các phong trào đòi dân sinh, dân chủ ở Tiên Lý ngày càng đa dạng và sôi nổi hơn.

Tháng 6/1938, Phủ ủy đã cử đồng chí Nguyễn Thanh Triêm và cán bộ Khoán Đông lãnh đạo gồm 350 ngư dân các làng Lý Nhân, Phú Lộc, Thanh Bích phản đối chủ thuyền cường hào Phạm Khắc Ninh cắt phần cá của người làm thuê, lâm lạm trong ăn chia. Cuộc đấu tranh thắng lợi, quan hệ giữa chủ, thợ được công bằng, quan hệ sản xuất nghề biển được cởi trói. Qua đó, người dân đã thấy được sức mạnh của sự đoàn kết trong ngư dân.

Tháng 10/1938, Tỉnh ủy Nghệ An mở cuộc vận động chống lại tên Khâm sứ Trung Kỳ đưa ra dự án tăng thuế để buộc Viện dân biểu Trung Kỳ phải thông qua vào cuối năm. Hưởng ứng chủ trương của Phủ ủy về cuộc vận động của Tỉnh ủy, Khoán Đông lấy được nhiều chữ ký nhất, nên đồng chí Nguyễn Thanh Triêm (Huyện ủy viên) và đồng chí Lê Ngọc Hải được Phủ ủy cử mang Bản dân nguyện vào Vinh đưa cho ông nghị Lương Trọng Hoàn. Ngày 16/09/1939, Viện dân biểu Trung Kỳ đã biểu quyết bãi bỏ Dự án tăng thuế thân và sau đó bỏ cả Dự án tăng thuế điền thổ, nhờ đó mà nhân dân ta giảm bớt được một phần nỗi khổ.

Tháng 11 năm 1939, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ VI – Đảng ta nhận định: “Nhật sẽ xâm lược Đông Dương, Pháp sẽ đầu hàng Nhật. Chế độ cai trị ở Đông Dương trở thành chế độ phát xít quân phiệt vô cùng tàn bạo. Mâu thuẫn giữa dân tộc ta với chủ nghĩa đế quốc trở nên gay gắt và quyết liệt nhất”. Từ đó, Đảng ta chỉ rõ mục tiêu trước mắt: “Đánh đổ đế quốc và tay sai, giải phóng các dân tộc Đông Dương, làm cho Đông Dương hoàn toàn độc lập. Tạm gác khẩu hiệu cách mạng ruộng đất, thành lập chính quyền Cộng hòa Dân chủ, thay Mặt trận Dân chủ bằng Mặt trận Thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương”. Sự chỉ đạo kịp thời của Đảng đã đem lại ánh sáng mới cho phong trào cách mạng nước ta. Đối với nhân dân Tiên Lý, vừa tổ chức thành công phong trào chống phát xít, đòi quyền dân sinh, dân chủ. Lúc này đồng chí Nguyễn Thanh Triêm là Phủ ủy viên, chỗ dựa tin cậy của nhân dân Tiên Lý.

Ngày 08/02/1940 (xuân Nhâm Thìn), Đồng chí Nguyễn Thanh Triêm đã cùng với các đồng chí Lê Dân Lương, Nguyễn Phú, Nguyễn Trúc, Nguyễn Nhân, Vũ Trọng, Cao Bá Thọ, Đậu Tuấn Trì, Đậu Thặng, Ngô Phạm Tá, Trần Văn Ngọc, Đặng Bá, Nguyễn Viết Tốn, Nguyễn Dụy, Nguyễn Miên Từ, Nguyễn Lê Ngũ, Ngô Sỹ Nại… tổ chức buổi tưởng nhớ kỷ niệm 10 năm ngày mất của liệt sỹ Lê Sỹ Thận - người đảng viên đầu tiên của Tiên Lý, đây đổng thời cũng là dịp để tuyền truyền các chủ trương, chính sách của Đảng đến nhân dân.  

Ngày 25/11/1940, khi đang trên đường đi làm nhiệm vụ, đồng chí Nguyễn Thanh Triêm bị địch bắt. Tháng 07/1941, Tòa án Nam triều tỉnh Nghệ An mở phiên tòa xét xử, chúng kết án đồng chí 18  năm tù khổ sai và 18 năm quản thúc (theo bản án 136 ngày 18/07/1941) và đưa đi đày ở nhà tù Buôn Ma Thuột vào ngày 02/10/1941), với tội danh tuyên truyền cộng sản. Sau bao nhiêu năm bị giam cầm, tù đày, đồng chí Nguyễn Thanh Triêm và các chiến sỹ cộng sản vẫn luôn nêu cao khí phách của một người chiến sỹ cộng sản, giữ vững một niềm tin vào cách mạng do Đảng lãnh đạo.

Vào đầu năm 1945, đồng chí được trả tự do, trở về quê hương đã cùng với các đồng chí Lê Dân Lương, Đậu Thặng và Lương Bổn khẩn trương thành lập Việt Minh Khoán Đông - là một trong những tổ chức Việt Minh Lê Sỹ Thận cơ sở của huyện và cử đồng chí Lường Bổn làm chủ nhiệm phụ trách chung. Những đồng chí khác như: Lê Dân Lương, Đậu Thặng, Nguyễn Nhân, Vũ Trọng, Nguyễn Dụy, Nguyễn Thanh Triêm, Nguyễn Trúc… mỗi người nhận một nhiệm vụ quan trọng như: chủ nhiệm Việt Minh nắm lực lượng Bảo an Đoàn và Thanh niên Phan Anh, tuyên truyền vận động họ vào các tổ chức cứu quốc của Việt Minh.

Sau khi Cách mạng Tháng 8 thành công, ngày 20/8/1945 thực hiện chủ trương của trên, xã Đông Hải được thành lập. Tuy nhiên, cũng như nhiều địa phương khác, xã Đông Hải phải đương đầu với những khó khăn, thử thách “ngàn cân treo sợi tóc”. Các đồng chí : Nguyễn Trúc, Nguyễn Thị Dung, Nguyễn Thanh Triêm, Đặng Bá và Nguyễn Liên… đặt bí danh là: Việt, Nam, Dân, Chủ, Cộng, Hòa đã cùng với các đồng chí Nguyễn Hữu Tịch, Nguyễn Dụy, Vũ Trọng, Nguyễn Nhân, Đậu Thặng, Đậu Khuy, Trần Quýnh là những hạt nhân trong phong trào giành chính quyền ở Khoán Đông đã tổ chức sinh hoạt, họp bàn triển khai các nhiệm vụ kế tiếp trong giai đoạn mới tại gia đình ông Nguyễn Đoan (nhạc phụ của đồng chí Nguyễn Thanh Triêm). Cũng trong buổi họp này, các đồng chí đã nhất trí đề nghị cấp trên cho phục hồi lại tổ chức Đảng ở cơ sở là chi bộ Tô Kiều (tháng 4 năm 1930). Vì thế cuộc họp này cũng được xem như là Hội nghị thứ nhất của chi bộ lâm thời. Ngoài 6 đảng viên bí danh là: Việt, Nam, Dân, Chủ, Cộng, Hòa, còn 5 đảng viên mang bí danh khác là: Tứ, Hải, Giai, Huynh, Đệ. Hội nghị cũng bầu đồng chí Nguyễn Thanh Triêm làm Bí thư Chi bộ.

Căn cứ vào tình hình trước mắt, đề cao ý nghĩa liên hiệp, đoàn kết toàn dân, Hội nghị cũng nhất trí giới thiệu ông Đặng Khiêm (người chủ thuyền rộng bụng, người kỳ hào tiến bộ) làm Chủ tịch Ủy ban Cách mạng lâm thời. Ủy ban Cách mạng lúc này, ngoài ông Khiêm còn có ông Nguyễn Thanh Triêm (Phó Chủ tịch), ông Đậu Thặng (Ủy viên Kinh tế), Nguyễn Hữu Tịch (Ủy viên Quân sự) và Ngô Sỹ Nại (Ủy viên Thư ký). Từ đây Chi bộ Đảng trực tiếp giúp đỡ chính quyền làm cầu nối với nhân dân. Cuộc họp này kết thúc hồi 14 giờ ngày 20/10/1945.

Đầu tháng 11-1945, các ông: Nguyễn Thanh Triêm (Bí thư Chi bộ), Lường Bổn (Chủ nhiệm Việt Minh) và Đặng Khiêm (Chủ tịch Ủy ban Hành chính) chủ trì Hội nghị Liên tịch Quân – Dân – Chính – Đảng tại chùa Tiên Sơn để phổ biến pháp lệnh ngày 8/9/1945 về việc thành lập Bình dân học vụ của Chính phủ.

Cuối tháng 11-1945, đồng chí Nguyễn Thanh Triêm được Tỉnh ủy điều lên làm Bí thư lâm thời của Phủ ủy Diễn Châu. Đồng chí Đậu Thặng được bầu làm Bí thư Chi bộ. Cấp ủy đẩy mạnh phong trào bình dân học vụ lên cao thêm một bước mới.

Sau quyết định của Phủ ủy thừa nhận xã Đông Hải có chi bộ Đảng chính thức, đồng chí Nguyễn Thanh Triêm (nguyên là Bí thư Phủ ủy lâm thời) thay mặt cấp trên phổ biến bức thư của Hồ Chủ tịch “Gửi các đồng chí tỉnh nhà”. Thực hiện lời dạy của Người, Chi bộ đã lãnh đạo ổn định đời sống nhân dân, bước đầu xây dựng cơ sở vật chất, tổ chức sản xuất tự túc, sẵn sàng chống thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta. Chi bộ còn thảo luận chỉ thị “kháng chiến kiến quốc” của Trung ương Đảng ra ngày 25/11/1945, những công việc bài trừ nội phản, chống thực dân Pháp và cải thiện đời sống nhân dân đều được bàn bạc chu đáo…

Đến tháng 10 năm 1964, đồng chí Nguyễn Thanh Triêm tạm dừng hoạt động cách mạng trở về nghỉ ngơi tại quê nhà và mất năm 1992, thọ 78 tuổi.

Với những đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của Nhân dân, đồng chí đã được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương chống Pháp hạng Hai, Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất và nhiều huân huy chương cao quý khác.

Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Thanh Triêm là tấm gương sáng ngời cho các thế hệ trẻ chúng ta phấn đấu và noi theo./

                                                                                 Đoàn Cẩm Tú

                                                Phòng TBTTGD - Bảo tàng XVNT

Tài liệu tham khảo:

- Sách LSĐB huyện Diễn Châu 1930 -2005 – NXB-XH-Hà Nội 2005. 

- Sách LSĐB xã Diễn Ngọc 1930-2010– NXBVTT - Hà Nội 2010.

- Hồ sơ Hiện vật lưu tại Bảo tàng XVNT - năm 2007.

- Hồ sơ tù lưu tại Bảo tàng XVNT.

Video