Đồng chí Lê Cỏn – Người chiến sỹ cộng sản kiên trung của quê hương Nghi Xuân

Tác giả: Nguyễn Vân Anh
Ngày 2024-06-10 16:41:00

Xã Xuân Hội thuộc huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh không chỉ nổi tiếng về nghề đánh bắt hải sản mà còn là mảnh đất có truyền thống lịch sử, văn hóa từ ngàn đời. Qua các chặng đường lịch sử, người dân xã Xuân Hội luôn có tinh thần yêu nước, góp sức người, sức của để chống giặc ngoại xâm, xứng đáng với các danh hiệu được phong tặng: “Làng Kiên nghĩa”, “Xã Anh hùng lực lượng vũ trang".

Đồng chí Lê Cỏn là một trong những người con ưu tú của quê hương Xuân Hội. Sinh năm 1907, trong một gia đình ngư dân tại làng Hội Thống, tổng Đan Hải, Lê Cỏn đã sớm được giác ngộ tham gia hoạt động cách mạng.

Ảnh: Đồng chí Lê Cỏn

Từ đầu năm 1928, dưới ảnh hưởng hoạt động yêu nước của Đảng Tân Việt  trong và ngoài huyện, người dân Hội Thống đã đứng lên hưởng ứng cuộc vận động yêu nước theo xu hướng cách mạng dân tộc, dân chủ. Đồng chí Thái Dinh, người con của Hội Thống, một đảng viên Tân Việt ở phân xưởng sửa chữa đầu máy xe lửa Trường Thi (Nghệ An) đã về quê, gặp gỡ và tuyên truyền, giác ngộ một số bạn cùng lứa tuổi, như đồng chí Lê Cỏn, Phạm Nghị, Hoàng Yên,... Từ đó, đồng chí Lê Cỏn hoạt động tích cực trong phong trào cách mạng địa phương, tham gia các cuộc rải truyền đơn, hội họp bí mật để bàn bạc và tuyên truyền đường lối cách mạng, tinh thần đấu tranh đến với Nhân dân.

Tháng 4/1930, Đảng bộ lâm thời huyện Nghi Xuân được thành lập gồm các đồng chí: Ngô Hữu Yên (Bí thư), Trần Mạnh Táo, Hồ Văn Ninh, Phan Viết Chiểu, Nguyễn Thị Kim. Thực hiện chủ trương của Tỉnh uỷ về tổ chức lễ kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động (1/5/1930), công tác tổ chức được Đảng bộ Nghi Xuân chuẩn bị hết sức khẩn trương và phân công nhiệm vụ cụ thể từng người. Đồng chí Lê Cỏn được tổ chức giao đi rải truyền đơn ở vùng Hội Thống trở lên.

Sáng ngày 1/5/1930, ngay từ mờ sáng, cờ búa liềm đã tung bay trên đỉnh núi Cơm, phía Nam phà Bến Thủy và trước cổng đền cạnh huyện đường Nghi Xuân. Hàng trăm tờ truyền đơn được rải nhiều nơi trên đường kéo dài từ Gia Lách đến Xuân Mỹ, Đan Phổ, Hội Thống. Trong lúc bọn quan lại ở huyện lỵ và cường hào ở các làng xã hoảng hốt trước sự kiện đặc biệt này thì hàng ngàn người dân Nghi Xuân nức lòng chiêm ngưỡng cờ Đảng và đón đọc truyền đơn với nội dung: “Đả đảo đế quốc Pháp và Nam triều phong kiến; Ngày làm 8 giờ, tăng tiền lương cho thợ thuyền; Giảm sưu thuế cho dân cày; Chia ruộng đất công cho nông dân!”

Tháng 12/1930, đồng chí Phan Viết Chiểu, Phan Năm Tuyết được Huyện ủy Nghi Xuân phân công về các xã Đan Trường và Hội Thống, bắt liên lạc với các đồng chí Lê Cỏn, Hoàng Yên, Phạm Nghị để xây dựng cơ sở, làm nòng cốt cho phong trào. Đồng chí Lê Cỏn cùng với các cán bộ cốt cán của xã và huyện, tích cực trong tuyên truyền, gây dựng phong trào tại địa phương.

Năm 1931, địch tăng cường khủng bố, đàn áp các hoạt động yêu nước của Nhân dân. Các đồng chí: Lê Cỏn, Thái Dinh, Thái Phương, Võ Khang,... bị địch bắt giam, tra khảo, đánh đập tàn nhẫn. Đồng chí Lê Cỏn bị tòa án Nam triều tỉnh Hà Tĩnh kết án 5 năm tù giam (Bản án ngày 13/3/1932).

Đầu năm 1936, đồng chí Lê Cỏn hết hạn tù, trở về quê hương, tiếp tục hoạt động tích cực trong phong trào cách mạng tại địa phương. Các đồng chí: Lê Cỏn, Thái Phương, Hoàng Yên,... đã vận động Nhân dân làm đơn kiện bọn hào lý chức dịch Hội Thống tham ô công quỹ, chiếm đoạt công điền, buộc Nam triều Hà Tĩnh phải kết tội và tuyên án hào lý xã Hội Thống trả lại cho dân 75 mẫu công điền, 350 quan tiền công quỹ.

Năm 1937, đồng chí Lê Cỏn và Nhân dân Hội Thống đấu tranh kiện tên chủ thầu người Pháp, tri huyện, hào lý, ăn quỵt tiền công của người lao động trong việc đắp đê điều. Vụ kiện thắng lợi, buộc chủ thầu phải trả lại 350 đồng bạc Đông Dương cho người dân.

 Khí thế thắng lợi của hai vụ kiện đã cổ vũ phong trào cách mạng của Nhân dân trong xã. Dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy Nghi Xuân, nhiều tổ chức biến tướng ở xã Xuân Hội ra đời, như: hội đọc sách báo, các phường cày, phường gặt, phường cấy, phường góp tiền, góp thóc,... nhằm tập hợp đông đảo Nhân dân, giác ngộ tinh thần đoàn kết, giúp nhau trong đời sống.

Cuối năm 1938, đồng chí Phan Năm Tuyết - cán bộ Huyện ủy khi về chỉ đạo phong trào ở Hội Thống bị mật thám vây bắt. Đồng chí Lê Cỏn, Thái Dinh, Hoàng Yên đã vận động gần 100 nam nữ thanh niên và trung niên tổ chức giải thoát cho đồng chí Phan Năm Tuyết. Sau vụ này, lính khố xanh về đàn áp, có sự chỉ điểm của hào lý, đồng chí Hoàng Yên, Lê Cỏn, Thái Phương, Thái Dinh, Võ Tư, Trần Ba, Võ Cung bị bắt giam 6 tháng tại huyện lỵ Nghi Xuân. Trước đòn roi tra tấn dã man của quân thù, đồng chí Lê Cỏn vẫn không một chút run sợ, nao núng, luôn bền gan, quyết chí, kiên định lập trường của người cách mạng. Do không có chứng cứ buộc tội nên thực dân Pháp phải thả đồng chí.

Tháng 4/1945, đồng chí Lê Tính (Xuân Giang) đã về Hội Thống bắt liên lạc với đồng chí Thái Dinh, Lê Cỏn, Thái Khuê, Thái Phương,... để xúc tiến thành lập tổ chức Việt Minh trong xã.

Tháng 7/1945, Việt Minh Hội Thống được thành lập, nòng cốt là các đồng chí: Lê Cỏn, Thái Dinh, Thái Phương, Thái Khuê, Hoàng Yên.

Thực hiện mệnh lệnh của Ủy ban khởi nghĩa huyện, Ban lãnh đạo Việt Minh ở Hội Thống đã khẩn trương lên kế hoạch, cử ra Ban khởi nghĩa gồm các đồng chí: Lê Cỏn, Thái Phương, Võ Dũng. Các đồng chí huy động lực lượng đến nhà lý trưởng, hương bộ tịch thu triện đồng, sổ sách, công quỹ.

Sáng ngày 20/8/1945, đồng chí Lê Cỏn cùng với Nhân dân ở xã Xuân Hội tập trung tại đình Hội Thống biểu tình kéo lên huyện dự lễ ra mắt của Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời huyện Nghi Xuân.

Sáng ngày 21/8/1945, Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời xã Xuân Hội được thành lập, do đồng chí Võ Dũng làm Chủ tịch, đồng chí Lê Cỏn được phân công làm chủ nhiệm Việt Minh. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Lê Cỏn, Việt Minh xã khẩn trương xây dựng lực lượng chính trị, bao gồm các đoàn thể quần chúng như: Nông hội cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Tự vệ cứu quốc,... làm nòng cốt cho phong trào của toàn dân trong công cuộc xây dựng chế độ mới.

Ngày 2/5/1946, tại nhà đồng chí Lê Cỏn, Thường vụ Huyện uỷ Nghi Xuân triệu tập 10 quần chúng cốt cán tiêu biểu ở Hội Thống để kết nạp đảng viên mới, thành lập Chi bộ Đảng. Tham dự Hội nghị lịch sử này, có đồng chí Thái Dinh đại diện Huyện uỷ và đồng chí Nguyễn Tuy đặc phái viên của Tỉnh uỷ Hà Tĩnh chỉ đạo phong trào Nghi Xuân. Thay mặt Thường vụ Huyện uỷ, đồng chí Thái Dinh đã đọc Quyết định của Huyện ủy Nghi Xuân về việc kết nạp đảng 10 đảng viên mới, quê ở Hội Thống là: Lê Cỏn, Thái Phương, Võ Long, Võ Như Điện, Võ Cung, Đào Chỉnh, Đào Trưng, Lê Duyền, Trần Hành, Trần Cảnh. Quyết định thành lập Chi bộ Hội Thống và chỉ định Chi uỷ gồm 2 đồng chí: Lê Cỏn - Bí thư, Thái Phương - Phó Bí thư. Đầu năm 1947, đồng chí Lê Cỏn đi học chính trị, đồng chí Thái Phương làm Bí thư.

Thực hiện Nghị quyết của cấp trên về tích cực chuẩn đối phó với sự tái xâm lược của thực dân Pháp, sau Hiệp định sơ bộ (6/3/1946), bên cạnh Uỷ ban Hành chính có thêm Uỷ ban Phòng thủ do đồng chí Lê Còn làm Chủ tịch. Uỷ ban Phòng thủ do Đảng trực tiếp chỉ đạo và sắp xếp cán bộ cốt cán chuyên trách công tác quân sự, công an chuẩn bị chiến đấu, bảo vệ địa phương.

Cuối 1946, Uỷ ban Phòng thủ được giải thể để thành lập Uỷ ban Kháng chiến xã Xuân Hội gồm có 5 người, do đồng chí Lê Cỏn làm Chủ tịch và 4 Ủy viên phụ trách các công việc cụ thể, như: Địch vận, cảm tử, giao thông liên lạc, tuyên truyền cổ động, tiếp tế, tản cư, phá hoại, cứu thương, trật tự và xây dựng trận tuyến.

Đầu năm 1951, Đại hội Chi bộ xã Xuân Hội lần thứ 3 được tổ chức, gồm có 69 đảng viên. Đại hội đã bầu chi ủy mới gồm 5 đồng chí, do đồng chí Đào Trưng làm Bí thư. Sau Đại hội, Uỷ ban Kháng chiến hành chính được củng cố vào cuối 1951, đồng chí Võ Dũng chuyển sang làm Chủ tịch Mặt trận Liên Việt, đồng chí Lê Cỏn - Phó Bí thư làm Chủ tịch xã. Tháng 4/1957, Đại hội chi bộ xã Xuân Hội đã bầu lại Ban chi ủy mới, cử đồng chí Phan Giai làm Bí thư, đồng chí Lê Cỏn - Phó Bí thư, Chủ tịch Uỷ ban Hành chính xã.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, tuy gặp nhiều khó khăn, gian khổ nhưng đồng chí Lê Cỏn vẫn giữ vững phẩm chất, ý chí của người đảng viên, luôn hoàn thành nhiệm vụ khi công tác, gương mẫu trong mọi sinh hoạt. Với những cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng quê hương, đồng chí Lê Cỏn đã được công nhận là cán bộ lão thành cách mạng, xứng đáng là một trong những chiến sỹ tiên phong của Đảng trong thời kỳ tiền cách mạng và tổng khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám 1945.

Do nhiều năm tháng sống trong cảnh tù đày, tra tấn của thực dân, phong kiến, nên sức khỏe của đồng chí Lê Cỏn ngày càng suy yếu. Năm 1970, đồng chí qua đời, hưởng thọ 63 tuổi. Tấm gương yêu nước của đồng chí Lê Cỏn cùng rất nhiều người con ưu tú khác, đã góp phần tô thắm truyền thống cách mạng của quê hương Nghi Xuân.

Nguyễn Vân Anh

Phòng STKKBQ - Bảo tàng XVNT

Tài liệu tham khảo:

- Lịch sử Đảng bộ huyện Nghi Xuân (1930 - 1945), xuất bản năm 2000

- Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Xuân Hội (1930-2005), xuất bản năm 2005

- Hồi ký đồng chí Phan Viết Chiểu, Trần Mạnh Táo lưu tại kho lưu trữ Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Video