1204
431
4886
16608
20962
6846015
Đồng chí Nguyễn Nhật Phương
Đồng chí Nguyễn Nhật Phương, tên thường gọi là Nguyễn Nhật Lam (bí danh Tính, Lý), sinh năm 1911 tại thôn Bùi Thiên, tổng Cát Ngạn (nay là xã Cát Văn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An). Cha là Nguyễn Nhật Dũng, một người có tinh thần yêu nước, biết chữ Hán, chữ Quốc ngữ, mẹ là Nguyễn Thị Phát, một người phụ nữ trung hậu, cần cù, chăm chỉ làm ăn. Đồng chí Nguyễn Nhật Phương sinh ra và lớn lên trong một gia đình, dòng họ có truyền thống yêu nước và cách mạng, được gia đình giáo dục cẩn thận nên đã sớm ấp ủ lòng yêu nước, thương dân và căm thù giặc sâu sắc.
Năm 1925, tiểu tổ Phục Việt Cát Ngạn được thành lập do đồng chí Trần Hữu Doánh phụ trách. Hội đã tổ chức các phường tương tế ái hữu, nhóm đọc sách báo tiến bộ, dạy chữ Quốc ngữ cho con em, đồng thời quyên góp tiền, gạo cho những thanh niên xuất dương sang Trại Cày của cụ Đặng Thúc Hứa.
Lúc này, cậu bé Nguyễn Nhật Phương vừa tròn 14 tuổi đã cùng bạn bè theo học ở trường Thổ Sơn. Sau đó, cậu chuyển về học ở trường Pháp Việt, thành phố Vinh, được thầy giáo Nguyễn Văn Hứa giảng dạy. Cùng với sự giác ngộ của đồng chí Hà Huy Tập, đồng chí Nguyễn Nhật Phương có tố chất thông minh, sáng dạ, tiếp thu bài học rất nhanh, được thầy và các bạn cùng trang lứa khen ngợi và thán phục. Sau một thời gian học tập ở thành phố Vinh, đồng chí đã trở về quê hương và tham gia vào phong trào yêu nước ở địa phương.
Ngày 20/3/1930, Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam ở Thanh Chương được thành lập gồm 8 ủy viên, do đồng chí Tôn Gia Tinh làm Bí thư. Cuối tháng 3/1930, Chi bộ Cát Ngạn được thành lập do đồng chí Đặng Đình Chấn làm Bí thư. Lúc này, cùng với việc tích cực phát triển đảng viên, Chi bộ đã bí mật tuyên truyền đường lối của Đảng, lãnh đạo quần chúng nhân dân chống lại sự áp bức, bóc lột của thực dân phong kiến, đòi chia lại ruộng đất công cho dân nghèo, bãi bỏ các loại sưu cao, thuế nặng. Đồng chí Nguyễn Nhật Phương lúc này hoạt động dưới sự chỉ đạo của chi bộ Cát Ngạn. Nhà của đồng chí trở thành nơi hội họp của những thanh niên yêu nước, là cơ sở in ấn tài liệu, truyền đơn của Đảng.
Thực hiện nghị quyết của Huyện ủy Thanh Chương về việc tổ chức cuộc biểu tình trên quy mô toàn huyện vào ngày 1/9/1930, chi bộ Cát Ngạn đã lãnh đạo nhân dân biểu tình. 1 giờ sáng ngày 1/9/1930, truyền đơn được rải khắp các ngả đường, cờ đỏ búa liềm được cắm trên nóc đình Đạo Ngạn, đền Vì, cây sanh đồng Rú Đất… cùng với tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng mõ và tiếng reo hò. Đồng chí Nguyễn Nhật Phương cùng đoàn biểu tình vượt qua sông Giăng, sông Trai, nhập vào đoàn của tổng Võ Liệt kéo xuống huyện lỵ. Hơn hai vạn người, với khí thế sục sôi bao vây huyện đường, quan huyện hoảng sợ chạy trốn. Trước sự tấn công dồn dập của quần chúng cách mạng, bộ máy chính quyền thực dân Pháp và tay sai ở Thanh Chương hoàn toàn tê liệt và tan rã.
Với những hoạt động tích cực của mình, tháng 10/1930, đồng chí Nguyễn Nhật Phương được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, và được tổ chức giao nhiệm vụ bí mật rải truyền đơn, tài liệu.
Tháng 2/1931, đồng chí Nguyễn Nhật Phương được giao phụ trách công tác tuyên truyền của Chi bộ Đảng, làm công tác ấn loát của Huyện ủy Anh Sơn.
Từ tháng 8/1931 - 12/1931, đồng chí được điều về công tác ở cơ quan Xứ ủy Trung Kỳ, sau đó, đồng chí bị địch bắt và đày đi nhà tù Buôn Ma Thuột, kết án 13 năm tù khổ sai, 10 năm quản thúc (hồ sơ tù mang số 1059). Đồng chí là một trong số tù nhân cùng giam chung với đồng chí Nguyễn Duy Trinh và nhiều đồng chí khác. Trong thời gian bị giam cầm, dù phải chịu sự hà khắc của nhà tù, sự tàn ác của bọn cai ngục với những hình thức tra tấn dã man, như: dí điện vào người, đóng đinh vào ngón tay, trói hai chân… nhưng đồng chí vẫn nghiến răng chịu đựng, cương quyết không khai ra tổ chức và các đồng chí của mình và khẳng định:
“…Dù khi tắt lửa tối trời
Vững lòng tin Đảng không rời Đảng ta
Dù khi giặc khảo, giặc tra
Cắn răng thà chết, không xa Đảng mình”!!!
Tháng 7/1936, đồng chí được trả về địa phương và chịu sự quản thúc của địch, đồng chí lại tiếp tục bắt mối liên lạc với một số đảng viên khác, hướng dẫn quần chúng nhân dân chuyển từ hoạt động bí mật sang hoạt động công khai hợp pháp, khéo léo vận dụng tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của cấp trên, định hướng phát triển các hội như: phường cày, phường lợp nhà, hội đọc sách báo…
Năm 1940, Chi bộ Cát Ngạn được củng cố lại, bao gồm các đồng chí mãn hạn tù và những đồng chí lâu nay đang hoạt động bí mật. Tháng 3/1941, đồng chí Nguyễn Nhật Phương lại bị địch bắt lần hai. Kẻ địch đã dùng mọi biện pháp tra khảo, nhưng vẫn không khai thác được gì thêm, chúng giao đồng chí cho bọn Hương lý quản thúc. Mãi đến 1945, đồng chí trở lại hoạt động, bí mật tham gia phong trào Việt Minh và trực tiếp tham gia Ủy ban khởi nghĩa xã Cát Văn. Năm 1946, đồng chí được tổ chức giao nhiệm vụ làm chủ nhiệm Việt Minh ở xã.
Năm 1947, Tỉnh ủy điều động đồng chí Nguyễn Nhật Phương làm công tác ở miền Tây Nghệ An. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, đồng chí trở về hoạt động ở Ủy ban kháng chiến hành chính xã Cát Văn. Tháng 5/1949, Khu ủy IV điều động đồng chí về làm công tác văn phòng ở Bộ tư lệnh Quân khu IV, sau đó phụ trách công tác chính trị ở Bệnh viện K43 (nay là viện Quân y IV).
Năm 1953, đồng chí trở về công tác ở E44, phụ trách chính trị viên Đại đội. Năm 1954, đồng chí được điều động đi học trường Lục quân khóa 9 ở Trung Quốc, sau khi tốt nghiệp trở về được bổ nhiệm làm lãnh đạo ở tiểu đoàn 419. Từ năm 1956 - 1961, do yêu cầu của cấp trên, đồng chí trở lại công tác ở VQY 4, Quân khu IV, được phong hàm Thượng úy sớm nhất trong thời điểm đó.
Từ năm 1961 - 1969, đồng chí được cử đi đào tạo ở trường Tổng Công đoàn Việt Nam, sau đó trở về trực tiếp làm Bí thư Đảng ủy nhà máy Phốt phát 32, một nhà máy sản xuất phân bón lớn của tỉnh nhà. Đến cuối năm 1969, đồng chí được Đảng và Nhà nước cho nghỉ hưu ở xã Cát Văn.
Từ 1969 - 1975, đồng chí Nguyễn Nhật Phương vừa là hội trưởng, vừa là thành viên Mặt trận, thành viên hưu trí xã, góp phần xây dựng phong trào trồng cây, xây dựng mô hình nông lâm đã được Đảng, Nhà nước công nhận là một trong những điểm đi đầu của cả nước.
Tháng 10/1996, do tuổi cao sức yếu, đồng chí Nguyễn Nhật Phương đã từ trần tại quê nhà, hưởng thọ 85 tuổi.
Với những đóng góp to lớn của mình trong phong trào giải phóng dân tộc, đồng chí Nguyễn Nhật Phương đã được Đảng và Nhà nước tôn vinh, tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương Độc lập hạng Ba; Huy chương Kháng chiến hạng Nhì; Kỷ niệm chương chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày. Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng; Huy hiệu Bác Hồ và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Nhật Phương là tấm gương sáng về tinh thần kiên trung, trọn đời phấn đấu cho sự nghiệp đấu tranh và giải phóng dân tộc để các thế hệ trẻ học tập và noi theo./.
ThS.Hồ Thị Hải Liễu
Phòng STKKBQ - Bảo tàng XVNT
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Hồ sơ tù lưu tại Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh
Lịch sử Đảng bộ huyện Thanh Chương (1930 – 1963), NXB Nghệ An 2005.
Lịch sử đảng bộ xã Cát Văn (1930 – 2015), NXB Nghệ An.
Tư liệu của gia đình ông Nguyễn Nhật Liên: con trai đồng chí Nguyễn Nhật Phương cung cấp.