Xô Viết Nghệ - Tĩnh trong các công trình khảo cứu của các nhà sử học trong và ngoài nước

Tác giả: admin
Ngày 2009-04-09 08:57:18

Cao trào cách mạng 1930-1931 với đỉnh điểm Xô Viết Nghệ - Tĩnh đã diễn ra cách đây tròn 70 năm. Nếu đặt nó trong phong trào yêu nước chống thực dân Pháp sau phong trào Cần Vương cuối thế kỷ XIX thì nó là cuộc vùng dậy dài nhất, với cường độ mạnh và quy mô lớn nhất. Phong trào chống sưu thuế ở Trung Kỳ năm 1908 chỉ diễn ra ở một vài tỉnh miền Trung, kéo dài trong ít tháng, hay các cuộc khởi nghĩa của Quốc dân Đảng năm 1930 chỉ nổ ra ở một vài tỉnh ở Bắc kỳ. Nếu đặt nó trong tiến trình giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam thì nó là những trận chiến đấu xung thiên, là cuộc tập dượt đầu tiên cho khúc khải hoàn tháng Tám năm 1945. Trên ý nghĩa đó, cao trào cách mạng 1930-1931, đặc biệt là Xô Viết Nghệ - Tĩnh, một kiểu chính quyền mà nhân dân tự nguyện lựa chọn, có một chỗ đứng quan trọng trong lịch sử cận hiện đại Việt Nam, trong lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. Vì thế, nó được nghiên cứu từ rất sớm, từ nhiều góc độ khác nhau và cho đến nay vẫn là một đề tài hấp dẫn, thu hút sự chú ý của nhiều nhà nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau trong và ngoài nước. Theo thống kê mà chúng tôi có được cho đến hôm nay (mà chắc chắn là chưa đầy đủ) đã có hàng chục đầu sách viết về Xô Viết Nghệ - Tĩnh. Theo đó, chúng tôi biết được công trình đầu tiên đề cập đến Xô Viết Nghệ - Tĩnh là cuốn Kỉ niệm Nghệ An bạo động của Hồ Nam (William J.Duiker. The Communiot Roat to Power in Vietnam Westriew Preso / Boulder, Colorado, 1981, P, 347.), tức Trần Văn Giàu; Hồ Nam viết cuốn sách này năm 1932 khi ông còn là sinh viên tại trường Đại học Phương Đông ở Matxcơva, chỉ một năm sau khi Xô Viết Nghệ - Tĩnh bị dìm trong biển máu. Chỉ tiếc là cuốn sách này không được công bố, đang ở dạng bản thảo, chắc đang nằm đâu đó trong kho lưu trữ của Quốc tế Cộng sản. Tiếp đến là công trình của một người con xứ Nghệ - Hồng Thế Công, tức Hà Huy Tập có tựa đề “Essai d’histoire du mouvement communiste en Indochine” (Sơ thảo lịch sử phong trào cộng sản ở Đông Dương), 1933. Hai tập sách đầu tiên viết về Xô Viết Nghệ - Tĩnh ở hai mức độ khác nhau. Nếu tập sách đầu (của Hồ Nam) Xô Viết Nghệ - Tĩnh được tiếp cận như một đối tượng nghiên cứu riêng, thì ở công trình thứ hai Hồng Thế Công nghiên cứu Xô Viết Nghệ - Tĩnh như là một thời đoạn biểu hiện của phong trào cộng sản ở Việt Nam. Dù thế này hay thế khác, Xô Viết Nghệ - Tĩnh là một biến cố lịch sử trọng đại, đã trở thành đối tượng nghiên cứu ngay sau khi nó bị dìm trong máu. Và tập sách mới nhất xuất bản vào dịp 70 năm Xô Viết Nghệ - Tĩnh với tựa đề “Xô Viết Nghệ - Tĩnh 1930-2000” do sự hợp sức của hai cơ quan: Bảo tàng Cách mạng Việt Nam và Sở Văn hóa Thông tin Nghệ An. 

Có thể sắp xếp các công trình nghiên cứu về Xô Viết Nghệ - Tĩnh theo hai nhóm lớn sau đây: 

Nhóm thứ nhất: Những công trình lấy Xô Viết Nghệ - Tĩnh làm đối tượng nghiên cứu chủ yếu. 

1. Hồ Nam (Trần Văn Giàu). Kỷ niệm Nghệ An bạo động 1932. 

2. Hoàng Trung Thông. Xô Viết Nghệ An, Nghệ An, 1950. 

3. Dự thảo lịch sử Xô Viết Nghệ An. Ban Tuyên huấn Nghệ An, 1956. 

4. Trần Huy Liệu. Bài học về Xô Viết Nghệ - Tĩnh. Tạp chí Văn Sử Địa, số 32 (9/1957). 

5. Bùi Hữu Khánh. Một vài ý kiến về vấn đề phản phong trong phong trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh. NCLS, số 13 (4/1960). 

6. Trung Chính. Tính chất tự phát của Xô Viết Nghệ - Tĩnh. NCLS. Số 31 (10/1960). 

7. Trung Chính. Tính chất độc đáo của Xô Viết Nghệ - Tĩnh. NCLS, số 32 (11/1960). 

8. Trung Chính. Một vài ý kiến về tinh thần hiện thực của Xô Viết Nghệ - Tĩnh. NCLS, số 30 (9/1960). 

9. BNC LSĐTW Xô Viết Nghệ - Tĩnh, NXB ST, 1961. 

10. Vũ Huy Phúc. Vấn đề ruộng đất trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. NCLS, số 108 (3/1963). 

11. William J. Duiker. The Red Sovets of Nghệ - Tĩnh: An Early Communist rebellion in Vietnam. Journal of Southeast Asian Studies. No.4 (Sep. 1973). 

12. Ngô Vĩnh Long. The Indochinese Communist Party and peasant Rebellion in central Vietnam, 1930-1931. Bullentin of concerned Asian Scholars 10, No. 4 (December, 1978). 

13. Chu Trọng Huyến. Cách mạng tháng Mười và Xô Viết Nghệ - Tĩnh NCLS Nghệ Tĩnh, số 3. 1983. 

14. Ninh Viết Giao. Ảnh hưởng của cách mạng tháng Mười trong thơ văn Xô Viết Nghệ - Tĩnh. NCLS Nghệ Tĩnh, số 3/1983. 

15. Sở Văn hóa TT Nghệ An. Kỷ yếu hội thảo khoa học 65 năm Xô Viết Nghệ - Tĩnh. Vinh, 1996. 

Nhóm thứ hai: Những công trình nghiên cứu về Xô Viết Nghệ - Tĩnh trong tiến trình lịch sử của đất nước, của chính Đảng, của quân đội và lịch sử của địa phương. 

1. Hồng Thế Công. Essai d’histoire du mouvement communiste en Indochine. 1933. 

2. Bùi Công Trừng. Góp phần nhỏ về lịch sử cận đại Việt Nam. Tập 1, NXB ST, H, 1958. 

3. Trần Huy Liệu. Lịch sử 80 năm chống Pháp. Quyển 2, Ban nghiên cứu Văn Sử Địa, 1959. 

4. Nguyễn Khánh Toàn. Vấn đề dân tộc trong cách mạng vô sản. Tập 2, NXBST. H, 1962. 

5. X.A Mkhitarian. Giai cấp công nhân và phong trào giải phóng dân tộc ở Việt Nam (tiếng Nga). M, 1969. 

6. Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam (tập 1. NXB Quân đội, 1974). 

7. Trần Văn Giàu. Giai cấp công nhân Việt Nam từ Đảng Cộng sản thành lập đến Cách mạng tháng Tám. NXB Khoa học XH, H, 1978. 

8. William J. Duiker. The Communist Road to Power in Vietnam. Westview Presis Boulder, Colorado, 1981. 

9. Huỳnh Kim Khánh. Vietnamese Communism 1925 – 1945. Cornell University Presis. Ithaca and London, 1982. 

10. Việc truyền bá chủ nghĩa Mác- Lênin ở Việt Nam (tiếng Nga) NXB Khoa học M, 1983. 

11. BNCLSĐTW. Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Sơ thảo, tập 1 (1920-1955). NXB ST, H.1984 

12. UBKHXH Lịch sử Việt Nam, tập 2, NXB KHXH, H, 1985. 

13. Lịch sử Đảng bộ ĐCSVN tỉnh Nghệ - Tĩnh, tập 4 (1925-1954), NXB Nghệ Tĩnh, V.1987. 

14. Lịch sử Đảng bộ Hà Tĩnh 1930-1945, tập 1, NXB Chính trị Quốc gia, H.1993. 

15. Lịch sử Đảng bộ các huyện của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. 

Cũng phải thú thực rằng những công trình được phân loại theo hai nhóm trên là hoàn toàn chưa đầy đủ, mà chỉ là những công trình chủ yếu, quan trọng hơn là chúng tôi không có đầy đủ trong tay các công trình đã liệt kê ở trên, cho nên những nhận xét mà chúng tôi rút ra dưới đây không thể tránh khỏi phiến diện. Biết vậy nhưng chúng tôi cũng xin mạnh dạn làm cái việc lẽ ra chưa nên làm ấy. 

1. Về hình thức, nhìn trên tổng thể, Xô Viết Nghệ - Tĩnh thu hút sự quan tâm của các nhà Sử học ở Trung ương như Trần Văn Giàu, Nguyễn Khánh Toàn, Trần Huy Liệu, Bùi Công Trừng, Trung Chính (tức Đào Duy Kỳ) và các nhà nghiên cứu ở Ban nghiên cứu Lịch sử Đảng TW, ở địa phương như Hoàng Trung Thông, Ninh Viết Giao, Chu Trọng Huyến…ở nước ngoài, mà mạnh nhất là các nhà sử học Xô Viết như X.A. Mkhitarian, Reznhicốp, các nhà sử học Hoa Kỳ như Huỳnh Kim Khánh, Ngô Vĩnh Long, William J.Duiker. Ở trong nước các công trình nghiên cứu liên quan tới Xô Viết Nghệ - Tĩnh thường được công bố vào dịp kỷ niệm các năm chẵn biến cố lịch sử trên, đặc biệt nhiều công trình được công bố vào năm 1960 và năm 1995. 

2. Xô Viết Nghệ Tĩnh - một biến cố lịch sử trọng đại, mặc dù chưa thành công, nhưng được khai thác từ rất sớm, chủ yếu là rút ra những bài học kinh nghiệm, phục vụ cho việc hoạch định đường lối và chỉ đạo thực hiện ở các giai đoạn cách mạng tiếp sau. Ý tưởng khai thác bài học kinh nghiệm Xô Viết Nghệ - Tĩnh được nảy nở từ số thanh niên nước ta đang học tập và công tác tại Matxcơva đầu những năm 1930, phần lớn họ là sinh viên của trường Đại học Phương Đông của Quốc tế cộng sản. Tiêu biểu trong số đó là Hồ Nam ( tức Trần Văn Giàu), Hồng Thế Công ( tức Hà Huy Tập). Trong công trình của mình, Hồng Thế Công đã thể hiện rất rõ tính chính trị trong việc khai thác bài học Xô Viết cho mục tiêu cách mạng. Ông đã viết:
“ Thời kỳ Xô Viết là thưòi kỳ vẻ vang nhất của phong trào cách mạng Đông Dương…Phong trào Xô Viết là đỉnh cao nhất của cuộc cách mạng trong những năm 1930-1932. Ảnh hưởng của Xô Viết đã thu hút được đông đảo quần chúng lao động còn lạc hậu vào cuộc đấu tranh mà trước tháng 9-1930 họ chưa hề biết đến. Chính quyền Xô Viết ở Bắc Trung Kỳ đã làm cho uy tín của Đảng cộng sản tăng lên rất nhiều trong đông đảo quần chúng bị áp bức…Qua phong trào Xô Viết ở Nghệ An và Hà Tĩnh, Đảng ta đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, bài học phong phú về ưu điểm và khuyết điểm , những phương pháp mới về tổ chức và lãnh đạo quần chúng, những hình thức đấu tranh đặc biệt của nhân dân lao động cũng như tinh thần chiến đấu và hi sinh của họ. Đảng ta phải đặt thành nhiệm vụ nghiên cứu những bài học của phong trào Xô Viết, để trong công tác sau này chúng ta khỏi mắc phải những khuyết điểm cũ và có thể khai thác những mặt tích cực của thời bạo động”. 

Thực chất, khuyết điểm đó chính là tính chất tả khuynh, cô độc hẹp hòi của cao trào cách mạng 1930-1931. Đảng ta đã dần dần khắc phục nó và khắc phục hoàn toàn vào tháng 5-1941 với Nghị quyết Hội nghị TW lần thứ Tám tại Cao Bằng. 

3. Ở trong nước xuất hiện ý tưởng khơi dậy truyền thống Xô Viết và phát huy nó trong hành động cách mạng của quần chúng nhân dân từ chính trên mảnh đất đã sản sinh ra phong trào Xô Viết. Năm 1950, Tỉnh ủy Nghệ An đã giao cho đồng chí Hoàng Trung Thông, phụ trách tuyên huấn, sưu tầm tài liệu và biên soạn cuốn Xô Viết Nghệ An. Ấy là lúc Đảng ta chưa ra công khai hoạt động, còn ẩn dưới bóng Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác, nhưng chúng ta đã phá được vòng vây của kẻ thù, đang tập trung sức người, sức của chuyển mạnh sang tổng phản công. Sách xuất bản vào dịp kỷ niệm lần thứ 20 Xô Viết Nghệ - Tĩnh. Như vậy, cuốn sách đầu tiên lấy Xô Viết Nghệ - Tĩnh làm đối tượng nghiên cứu trực tiếp xuất hiện sau 20 năm diễn ra biến cố Lịch sử đó. Vậy là muộn, nhưng có lý do của nó. Từ sau cao trào cách mạng 1930-1931, đất nước ta bị cuốn vào những vòng xoáy cách mạng 1936-1939; 1939-1945; rồi cách mạng tháng Tám và tiếp đến cầm súng đánh Pháp. Nghệ Tĩnh là vùng tự do mới có đủ điều kiện để sưu tầm tài liệu, gặp gỡ các nhân chứng Lịch sử, để cuối cùng mới có được ấn phẩm quý giá đó, đặt nền móng cho việc khơi dậy truyền thống Xô Viết phục vụ cuộc kháng chiến chống Pháp. Chắc chắn trong sức người, sức của mà người dân xứ Nghệ góp vào cuộc kháng chiến, cho chiến trường Điện Biên Phủ, cho nước bạn anh em có một phần tinh thần Xô Viết Nghệ - Tĩnh năm xưa mà cuốn sách của Hoàng Trung Thông làm sống lại và biến thành hành động cụ thể. 

4. Về nội dung, một trong những vấn đề lớn đã và đang được khắc phục dần - từ Xô Viết Nghệ An thành Xô Viết Nghệ - Tĩnh. Những công trình đầu tiên viết về biến cố lịch sử này đều có tên là Xô Viết Nghệ An, trong nội dung thường nặng về những gì diễn ra trên đất Nghệ An. Điều đó làm cho người đọc tưởng rằng phong trào Xô Viết chỉ diễn ra trên đất Nghệ An. Sự “thiên lệch” đó có lý do của nó mà chủ yếu những cuốn sách đó đều do Tỉnh ủy Nghệ An chủ trương. Năm 1957 Trần Huy Liệu công bố một công trình với tựa đề “Bài học Lịch sử về Xô Viết Nghệ - Tĩnh” trên Tập san Văn Sử Địa như một chỉ dẫn đúng đắn. Từ đó trở đi các công trình nghiên cứu (một loạt bài trên Tạp chí NCLS năm 1960, đặc biệt là cuốn Xô Viết Nghệ - Tĩnh của Ban NCLSĐ TW xuất bản năm 1961) đã khắc phục dần sự thiên lệch về nội dung trong biến cố Lịch sử đó, có nghĩa là sẽ cố gắng phản ánh đúng hiện thực khách quan của phong trào Xô Viết. Độc giả đọc những ấn phẩm về đề tài này trong những năm gần đây chắc chắn có ý nghĩ như chúng tôi: từ Xô Viết Nghệ An đã trở thành Xô Viết Nghệ - Tĩnh. 

5. Bảy mươi năm qua các nhà sử học đã cố gắng tiếp cận chân lý lịch sử của phong trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh. Những nỗ lực đó đã được ghi nhận. Nói như vậy không có nghĩa là mọi vấn đề trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh đã được giải quyết thấu đáo. Theo chúng tôi, đến nay vẫn còn một số vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu để làm rõ thêm hoặc khẳng định. 

a) Phong trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh là cuộc vùng dậy của quần chúng nhân dân dẻo dai nhất trong cao trào 1930-1931. Biến cố lịch sử này cũng giống như phong trào Cần Vương cuối thế kỷ XIX, khởi nghĩa Phan Đình Phùng bùng nổ cùng với chiếu Cần Vương (1885) và thời điểm cuộc khởi nghĩa bị dập tắt cũng là thời điểm kết thúc cả toàn bộ phong trào Cần Vương (1896). Với Xô Viết Nghệ - Tĩnh cũng tương tự như vậy. Nó tồn tại từ đầu chí cuối cao trào 1930-1931, không một địa phương nào như vậy. Cần phải khẳng định điểm nổi trội này trong nghiên cứu. 

b) Cần phải thu thập và khai thác triệt để hồ sơ Morché đang được lưu trữ trong kho lưu trữ Pháp. Hồ sơ này gồm điện, truyền đơn, báo chí tài liệu và đặc biệt là những lời khai của trên một trăm nhân chứng do Ủy ban điều tra biến cố Bắc Trung Kỳ lập ra ngay sau khi phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh bị dập tắt. Chắc chắn, trong đống hồ sơ này ẩn chứa nhiều thông tin quý giá. Hiểu biết một cách đầy đủ và viết cuốn Lịch sử phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh không thể không khai thác triệt để hồ sơ này. Cái khó chính là không phải của chúng ta, mà là tài sản của nước Pháp. 

c) Có ý kiến cho rằng ngày 12-9 cuộc biểu tình Hưng Nguyên bị địch đàn áp khốc liệt mà chúng ta lấy làm ngày kỷ niệm Xô Viết Nghệ - Tĩnh, chỉ phản ánh một thực tế là đó là cuộc đụng đầu lịch sử giữa ta và địch, chứ không phải đỉnh cao của phong trào. Đỉnh cao của phong trào phải là ngày ra đời của chính quyền Xô Viết. Trong các công trình viết về đề tài này chưa có sự lý giải rạch ròi, có sức thuyết phục về đỉnh cao. 

d) Tiếp tục nghiên cứu ảnh hưởng và tác động của phong trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh đối với phong trào cách mạng trong nước và trên thế giới có nghĩa là chúng ta xác định mức độ tỏa sáng của phong trào và trên tất cả là chúng ta chưa có một công trình nghiên cứu bề thế xứng đáng với tầm cỡ của phong trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh. Hy vọng rằng, từ sau Hội nghị khoa học này chúng ta cùng hợp sức để năm năm sau, vào dịp kỷ niệm 75 năm Xô Viết Nghệ - Tĩnh chúng ta có được một bộ Lịch sử phong trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh.


PGS.TS Phạm Xanh

Video