Võ Trọng Cánh (1887-1931)

Tác giả: admin
Ngày 2014-07-30 03:28:33

Đồng chí Võ Trọng Cánh sinh năm 1887 tại làng Phù Xá, xã Phù Long (nay là xã Hưng Xá, huyện Hưng Nguyên), trong một gia đình có truyền thống yêu nước, chống Pháp nổi tiếng.

Ông nội của Võ Trọng Cánh là Võ Trọng Ái đậu tú tài Hán học khoa thi Quý Dậu (1873). Cụ thân sinh là Võ Trọng Doãn thông minh, học hành đỗ đạt nhưng không ra làm quan. Tiếp nối truyền thống của gia đình, Võ Trọng Cánh được tiếp thu những tư tưởng tiến bộ, có tinh thần yêu nước và sớm tham gia vào các tổ chức yêu nước tại quê nhà. Năm 1918, Võ Trọng Cánh được ông chú Võ Trọng Đài đưa sang Xiêm gia nhập Trại Cày của Đặng Thúc Hứa và cho đi học tập. Sau đó ông được giao nhiệm vụ trở lại quê nhà đón bà Đặng Quỳnh Anh lánh sang Xiêm và tiếp tục đưa những lớp thanh niên khác xuất dương. Sau khi đưa bà Đặng Quỳnh Anh sang Xiêm, trở về quê nhà ông bị lính phủ bắt về huyện giam giữ, tra hỏi gần một năm trời, do không đủ chứng cứ, chúng buộc phải trả tự do cho ông.

Đầu năm 1924, sau một thời gian chuẩn bị công phu, hai anh em Võ Trọng Cánh, Võ Trọng Ân đã tổ chức được một chuyến xuất dương gồm nhiều thanh niên ưu tú như Lê Huy Doãn (Lê Hồng Phong), Phạm Thành Khôi (Phạm Hồng Thái), Lê Văn Nghiệp (Lê Thiết Hùng)….sang Xiêm.

Giữa năm 1926, Võ Trọng Ân bị bắt và con đường xuất dương thực sự bị chấm dứt vào đầu năm 1927 khi mà Võ Trọng Cánh bị một tên họ Nguyễn, người xã Nam Lâm, Nam Đàn tố cáo. Y đã khai báo Võ Trọng Cánh nhiều lần chiêu mộ, dẫn đường những người xuất dương bất hợp pháp. Lính Pháp đã bất ngờ bao vây làng Phù Xá, lục soát nhà Võ Trọng Cánh. Tìm thấy một bức thư tay bí mật của Nguyễn Bá Hiệp quê xã Nam Thanh, Nam Đàn đang học trường Võ bị Hoàng Phố gửi cho đồng chí, thế là chúng bắt giam đồng chí. Thời gian này, chính quyền Pháp còn phối hợp với nhà đương cục Xiêm phá vỡ một số cơ sở cách mạng của người Việt Nam ở Thái Lan. Trong số người bị bắt do không chịu nổi đòn tra tấn đã có người khai một số lần Võ Trọng Cánh dẫn người qua Trại Cày. Với hai chứng cứ trên, tòa án Pháp kết án đồng chí 3 năm tù khổ sai với tội danh: tổ chức vận động đưa thanh niên sang học ở Xiêm nhằm chống lại nhà nước bảo hộ.

Tháng 3/ 1930, khi đang ở tù, Võ Trọng Cánh được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Ở trong tù, đồng chí đã vận động thuyết phục và giác ngộ những người binh lính. Cai tù đã cho đồng chí làm công việc chăm sóc hai con ngựa của Tổng đốc An - Tĩnh. Nhờ đó mà đồng chí có điều kiện liên lạc với bên ngoài.

Giữa năm 1930, đúng lúc Võ Trọng Cánh mãn hạn tù 3 năm khổ sai được trở về quê hương Hưng Nguyên, cả nước ta đang diễn ra cao trào đấu tranh chống thực dân, phong kiến rất sôi nổi và mạnh mẽ. Về quê, Võ Trọng Cánh đã tham gia tích cực các hoạt động các hoạt động đấu tranh biểu tình do Đảng lãnh đạo, đồng thời được cử vào Cấp ủy của Chi bộ Phù Xá thành lập tháng 5-1930. Chi bộ này gồm có 8 người thì có 4 người họ Võ. Võ Trọng Cánh được phân công phụ trách, tài chính, cứu tế.

Nhận nhiệm vụ đó, đồng chí đã bàn với vợ là Nguyễn Thị Kính bán đi hai sào ruộng để lấy tiền mua dụng cụ, giấy, mực in truyền đơn. Thời gian trước đó cùng với chồng, bà Kính đã từng nuôi cơm hàng tháng cho Ngô Tuân, Hồ Tùng Mậu, lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong, Phạm Hồng Thái….để chờ ngày xuất dương sang Trại Cày.

Cuối năm 1930 tri phủ Hưng Nguyên ra sức đàn áp phong trào cách mạng ở đây, một hệ thống đồn bốt được dựng lên khắp các làng xã, Võ Trọng Cánh được bọn chúng xếp vào một trong những phần tử nguy hiểm, chúng treo ảnh đồng chí khắp nơi và treo thưởng cho ai bắt được ông.

Từ tháng 2 đến tháng 4-1931, Phủ ủy Hưng Nguyên phát động nông dân vay thóc gạo, tiền bạc của các phú hữu để kịp thời cứu đói. Đồng chí Võ Trọng Cánh hăng hái chỉ huy các cuộc đấu tranh và đã kịp thời chống đói, giúp đỡ những người bị nạn. Do vũ khí thô sơ, lính đồn kéo về ngày một đông, cuộc đấu tranh cuối cùng đã thất bại, đồng chí Võ Trọng Cánh bị địch bắt và bị chúng đánh cho gãy tay. Tại nhà lao Vinh, bị tra tấn dã man nhưng đồng chí vẫn kiên quyết giũ vững chí khí, chửi thẳng vào mặt kẻ thù: “Chúng tao tổ chức ra Đảng để hoạt động cho dân, không phải để khai cho chúng mày”.. Cuối cùng chúng ghép Võ Trọng Cánh vào mức án tử hình và đưa về hành quyết ở quê nhà. Ngày 2-4-1931 chúng đưa đồng chí về hành quyết tại làng Phúc Xá, trước giờ phút hy sinh đồng chí ngẩng đầu nói dõng dạc: “Tao không có gì phải khai cả, các đồng chí của tao, đồng bào của tao đánh đổ bọn cướp nước và tay sai bán nước là tất nhiên. Tao không thèm cầu xin mạng sống với bọn mày. Ngực tao đây, cứ bắn!”

Võ Trọng Cánh hy sinh khi còn rất trẻ khi chỉ mới 43 tuổi nhưng tấm gương của đồng chí mãi sáng ngời trong trang lịch sử quê hương Hưng Nguyên Xô Viết anh hùng. Để ghi nhớ công lao của đồng chí, hiện nay đảng bộ cơ quan Khối Dân chính huyện Hưng Nguyên mang tên Đảng bộ Võ Trọng Cánh.

Video