Võ Quang Cách

Tác giả: admin
Ngày 2011-01-18 02:52:20

Võ Quang Cách, bí danh Chính Trị, sinh năm 1899 trong một gia đình nông dân nghèo ở Trảo Nha ( nay là xã Đại lộc ), huyện Can Lôc, tỉnh Hà Tĩnh.

Can Lộc là nơi sinh thành những danh nhân lịch sử nổi tiếng như: Nguyễn Thiếp, Thám hoa Đặng Bá Tính, Nguyễn Huy Oánh, Phan Kính, Mai Thế Định, Phan Huân…Can Lộc là quê hương của các vị cách mạng tiền bối Ngô Đức Kế, Hoàng Khoái Lạc, Nguyễn Huy Lung, Nguyễn Đình Mai, Lê Tiềm,Võ Quê...

Thời Pháp thuộc, Can Lộc ruộng đồng nhiều nhưng chủ yếu tập trung trong tay 370 địa chủ lớn nhỏ. Bọn địa chủ dựa vào thế lực đế quốc và phong kiến thống trị ra sức vơ vét bóc lột nhân dân. Tài sản duy nhất của gia đình Võ Quang Cách là 3 gian nhà tranh và mấy sào ruộng. Nông dân vất vả sớm khuya, một năm chỉ đủ ăn 4 tháng, thuế vẫn phải nộp, chưa kịp nạp thì cường hào lý trưởng đánh đập, thậm chí tịch thu cả gia tài điền sản.

Sinh ra và lớn lên ở một miền quê nghèo khó, nhưng giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, Võ Quang Cách sớm nung nấu một tinh thần căm thù giặc, một ý chí quyết tâm làm cách mạng.

Năm 1929, lúc đang băn khoăn tìm một con đường, qua đọc báo “ Tiến lên” Võ Quang Cách biết nhân dân ở nhiều xã trong huyện nổi dậy bài trừ mê tín dị đoan, lập phường hội giúp nhau sản xuất, trì hoãn sưu thuế, kiện hào lý lạm dụng quỹ công, đòi chia lại công điền, đánh lính đoan về làng bắt rượu, bắt muối.., lại được đồng chí Trần Đóa, Trần Mưu cán bộ Đảng Tân Việt nói cho nghe về các hoạt động đó là con đường duy nhất để bảo vệ quyền lợi cho những người nghèo khổ. Võ Quang Cách nghĩ mình cũng là người nghèo khổ và chắc chắn đây là con đường mà bấy lâu nay mong chờ.

Tháng 12 năm 1929, Võ Quang Cách được tham gia hoạt động cách mạng của tổ chức Đông Dương Cộng sản Liên đoàn ở Trảo Nha, làm nhiệm vụ rải truyền đơn. Lần đầu tiên cầm tập truyền đơn trong tay, Võ Quang Cách rất mừng, bởi từ hôm nay mình đã đi trên con đường mới- con đường cách mạng. Võ Quang Cách đã hoàn thành nhiệm vụ tổ chức giao một cách tốt đẹp mà bọn mật thám không thể tìm ra thủ phạm, mặc dù có đợt rải ở đồn Nghèn phải vượt qua núi rậm, cây cao, đá lởm chởm, lính canh phòng nghiêm ngặt.

Tháng 3 năm 1930, Võ Quang Cách vinh dự được kết nạp vào Đảng cộng sản Đông Dương tại nhà đồng chí Trần Đóa ở thôn Yên Ninh, xã Trảo Nha. Đứng trưới cờ Đảng, Võ Quang Cách đã hứa : Tôi nguyện suốt đời hy sinh cho Đảng, dù gặp khó khăn gian khổ vẫn không sờn lòng. Buổi lễ kết nạp diễn ra nhanh chóng và bí mật, vì Trảo Nha gần đồn bốt, không lúc nào bọn địch ngừng lùng soát nhằm lùng bắt cán bộ. Trên đường về, đồng chí thấy lòng mình rộn lên một niềm vui. Phút chốc gương các cụ văn thân, cần vương yêu nước hiện lên như tiếp thêm sức mạnh cho Võ Quang Cách vững tin vào ngày mai tươi sáng của cách mạng.

Tháng 4 năm 1930,Chi bộ Trảo Nha họp bầu Ban chấp hành mới. Đồng chí Trần Đóa làm Bí thư, Trần Mưu làm Phó Bí thư, Võ Quang Cách, Trần Đắc Châu, Nguyễn Phuông là ủy viên. Võ Quang Cách cùng các đồng chí tích cực tổ chức quần chúng rải truyền đơn, treo cờ Đảng, lãnh đạo bà con gặt lúa của hào cường lý trưởng rồi chia nhau đem về nhà dùng, phá núi đầu làng tránh sự rình mò lùng bắt cán bộ của bọn việt gian, thành lập nông hội đỏ, cứu tế đỏ, phụ nữ, thanh niên, tự vệ đỏ.

Thực hiện chủ trương của Huyện ủy, phát động quần chúng đấu tranh kỷ niệm ngày Quốc tế Đỏ. Sáng ngày 1-8-1930, Võ Quang Cách dẫn đầu đoàn người từ Trảo Nha kéo xuống cầu Nghèn cùng với các xã biểu tình, buộc tri huyện Trần Mạnh Đàn phải cúi đầu chấp nhận yêu sách của quần chúng. Ngày 7-9- 1930, Chi bộ lãnh đạo nhân dân tham gia cuộc đấu tranh kéo về huyện đường phá nhà lao giải phóng cho tù chính trị, đốt giấy tờ, sổ sách, yêu cầu tri huyện giải quyết yêu sách 1-8, nha lại, tri huyện hoảng sợ bỏ chạy, binh lính không giám nổ súng, bước đầu bộ máy hào lý thôn xóm bị tê liệt, các Ban chấp hành Nông hội đứng ra gải quyết việc công. Kỷ niệm cách mạng tháng Mười Nga (7-11) và Quảng Châu Công xã (22-12) năm 1930, nhân dân Can lộc lại biểu tình mạnh mẽ. Trong đấu tranh, sự có mặt của đồng chí Võ Quang Cách làm cho nhân dân Trảo Nha thêm vững bước tiến lên phía trước, bất chấp sự đàn áp của kẻ thù.

Tháng 3 năm 1931, bọn địch tăng cường khủng bố, căn nhà tranh của đồng chí bị phá nát. Tình thế ấy, tổ chức đã cho đồng chí thoát ly lên huyện hoạt động. Kinh tế gia đình không có hỗ trợ, Võ Quang Cách phải dựa vào sự giúp đỡ của anh em. Mặc dù bữa no, bữa đói, có thể bị bắt bắt cứ lúc nào nhưng đồng chí không nản lòng, vẫn kiên định con đường mình đã lựa chọn. Sau 2 tháng dự lớp huấn luyện về công tác tổ chức nông hội, Võ Quang Cách được phân công về chỉ đạo phong trào ở các xã Phan Xá, Lợi Xá, Đông Trung (Hậu Lộc), Tam Đa (Quang Lộc)…Rút kinh nghiệm khi hoạt động ở xã nhà, đồng chí đã vận động nhân dân tham gia Thôn bộ nông, Xã bộ nông và hướng dẫn họ cách chống sưu thuế, tăng tiền công làm thuê, lấy lúa của nhà giàu. Trước sức mạnh của quần chúng, bọn cường hào phải nhượng bộ.

Tháng 11 năm 1931, Võ Quang Cách được bầu là Phó Bí thư Đảng ủy tổng Đoài. Thời kỳ này, phong trào các nơi có chiều hướng xẹp xuống, bọn cường hào hống hách rước Tây về làng lùng bắt đảng viên, đàn áp biểu tình. Được nhân dân đùm bọc, cach gác, giữ bí mật, lo cho cơm ăn, áo mặc, các đồng chí đã lăn lộn ngày đêm bám sát cơ sở để thực hiện Nghị quyết của Tổng ủy: các hội Cứu tế đỏ tổ chức thêm hội viên, Nông hội phải giữ vững tinh thần, đấu tranh bất khuất chống đế quốc và tay sai, vận động những Hương mục, Đoàn kiểm, Kiểm đốc có cảm tình với cách mạng giúp đỡ cách mạng.

Năm 1933, phong trào đấu tranh của quần chúng lắng hẳn xuống, nhiều đảng viên bị bắt và cơ sở Đảng bị phá vỡ. Thường vụ Tổng ủy còn 3 đồng chí: Võ Quang Cách, Trần Văn Hoàn và Trần Điệt. Những ngày này rất khó khăn cho các đồng chí trong công tác cách mạng, phải hoàn toàn dựa vào dân che trở. Được tin Ban Tài chính của Xứ ủy đang công tác bên Lào, Võ Quang Cách và Trần Văn Hoàn không quản hiểm nguy, vượt qua nhiều trạm gác và đồn bốt địch, trèo núi, băng rừng, lội suối, đi từ bản này sang bản kia, đến bản Nà Kèn thì gặp các đồng chí Xứ ủy. Hai đồng chí được bổ xung vào Ban Tài chính. Kế hoạch của Ban là sẽ về xuôi bắt liên lạc, gây dựng lại cơ sở để tiếp tục hoạt động.

Một tuần sau đoàn về đến Hương Khê, tạm dừng chân tại đồn của nghĩa quân Phan Đình Phùng, rồi phân công các đồng chí đi các huyện. Võ Quang Cách và đồng chí Hiền về Can Lộc. Dựa vào một số đảng viên chưa bị bắt, các đồng chí gây dựng lại tổ chức Đảng, phổ biến chủ trương của cấp trên về nội dung hoạt động trong hoàn cảnh mới và cung cấp cho mỗi Chi bộ từ 30 đến 50 đồng bạc mua giấy, thạch, vải để in truyền đơn, tài liệu, may băng, cờ…

Đêm 14 tháng 3 năm 1933, trên đường về cơ quan Xứ ủy, đồng chí Cách bị tên đồn trưởng Hương Khê bắt. Trưa hôm sau, chúng đưa đồng chí về giam ở nhà lao Hà Tĩnh. Đồng chí bị kết án tù 3 năm. Ra tù, Võ Quang Cách lại tiếp tục hoạt động. Ngày 24- 6- 1936, đồng chí bị bắt lại, bị kết án 4 năm tù tại nhà lao Hà Tĩnh. Lần nào cũng vậy, suốt 6 tháng dòng, bị đánh đập tra tấn rất dã man, hết kìm kẹp, đến quì đinh, phơi nắng làm cho chân tay bầm dập, thân thể đầm đìa máu, chết đi sống lại nhiều lần nhưng đồng chí Võ Quang Cách vẫn giữ nguyên tấm lòng đối với Đảng. Trong tù, đồng chí tham gia Chi bộ, đấu tranh tuyệt thực phản đối việc cho tù nhân ăn cơm trộn trấu, thức ăn ôi thiu. Cuộc đấu tranh thắng lợi, đến ngày thứ 6, bọn chúng phải nhượng bộ.

Tháng 6 năm 1940, thực dân Pháp có chủ trương bắt các tù chính trị lại nhằm dập tắt phong trào cách mạng Việt Nam, Võ Quang Cách cùng 380 người Hà Tĩnh bị bắt đi Ly Hy đầu năm 1941. Vào đây, các đồng chí thành lập ngay Chi bộ. Đồng chí Hiền làm Bí thư, Trần Vũ là Phó Bí thư, Võ Quang Cách và Mai Trác là ủy viên. Nơi đây rừng thiêng nước độc, rất nhiều đồng chí bị ốm nặng. Vì biết nghề thuốc, Võ Quang Cách tận tình chăm sóc cho bạn tù. Anh em đấu tranh mạnh, bọn chúng đã xử bắn 3 đồng chí và đày một số đi Đắc Lắc.

Cuối tháng 2 năm 1944, đồng chí Cách được thả. Về Sơn Lộc, nơi gia đình ở, mặc dù sức khỏe yếu nhưng đồng chí vẫn tham gia Mặt trận Việt Minh. Ngày 18- 6- 1945, Võ Quang Cách lãnh đạo nhân dân Sơn Lộc cướp chính quyền. Cách mạng Tháng 8 thành công, đồng chí trở về Đại Lộc làm Chủ tịch UBND trong niềm vui hân hoan của nhân dân quê nhà.

Từ một thanh niên tiến bộ, được rèn luyện trong phong trào cách mạng, đồng chí Võ Quang Cách trở thành đảng viên cộng sản. Vượt qua bao chông gai thử thách, đồng chí đã thể hiện bản lĩnh của người chiến sỹ cộng sản kiên cường. Lăn lộn với phong trào quần chúng, không may sa vào tay giặc, đồng vẫn giữ trọn khí tiết của người cộng sản. Ra khỏi nhà tù, đồng chí lại tìm về với Đảng.

Tạ Thị Thanh Hà - Bảo tàng XVNT

 

Video