Vi Văn Khang (1900 – 1978)

Tác giả: admin
Ngày 2011-08-30 01:20:33

Vi Văn Khang sinh năm 1900 tại bản Thái Hòa, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An trong một gia đình người Thái khá giả. Là một người thông minh, nhanh nhẹn lại sớm được tiếp xúc với các cụ đồ Nho và nhà buôn dưới xuôi lên dạy học và buôn bán nên sự hiểu biết của anh vượt trội hơn cả mọi người trong bản. Được tắm mình trong những giai thoại về lịch sử xây dựng làng bản, những cuộc đấu tranh với thiên nhiên và giặc ngoại xâm, với những tấm gương sáng của cha ông, nhất là tù trưởng Lang Văn Út nên anh sớm giác ngộ cách mạng. Ngay từ những năm 1929 – 1930, anh đã được các đảng viên cộng ản thuộc Xứ ủy Trung Kỳ rút lên hoạt động bí mật ở Con Cuông tin tưởng trao cho nhiều nhiệm vụ, qua thử thách, anh đều hoàn thành tốt mọi việc, trở thành cốt cán của phong trào cách mnagj ở địa phương.

Đầu năm 1931, Xứ ủy Trung Kỳ cử đồng chí Lê Xuân Đào lên Môn Sơn xây dựng cơ sở Đảng để chuẩn bị cho việc Xứ ủy và Tỉnh ủy rút lên hoạt động khi dưới miền xuôi bị thực dân Pháp khủng bố trắng. Tháng 4 – 1931, chi bộ Đảng ở Môn Sơn được thành lập tại nhà đồng chí Vi Văn Khang gồm có 5 đảng viên: Vi Văn Khang, Vi Văn Hanh, Ngân Văn Quý, Trần Ngân, Lê Mạnh Duyệt do đồng chí Vi Văn Khang làm Bí thư. Đây là chi bộ Đảng đầu tiên của đồng bào các dân tộc thiểu số đầu tiên ở Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung. Ra đời trong bối cảnh cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh đã bị đàn áp dã man, chi bộ đứng trước những thử thách vô cùng cam go, ác liệt. Hoàn cảnh đó đã chứng tỏ bản lĩnh và năng lực tổ chức của Vi Văn Khang. Ông đã chỉ đạo thành lập các tổ chức cách mạng như: Nông hội đỏ bao gồm 12 tổ với 65 hội viên, 3 đội Tự vệ đỏ với 20 hội viên…Ngoài ra ông còn tập hợp lực lượng rộng rãi, thu hút người tài, người có học từ miền xuôi lên làm ăn buôn bán tại Môn sơn để họ tự nguyện tham gia vào các tổ chức cách mạng. Ông còn thu hút được một số chức dịch như lý trưởng Vi Văn Quyền tham gia vào đoàn thể và cung cấp thông tin của kẻ địch cho Đảng, nhờ đó chi bộ biêtd sớm âm mưu của địch để đối phó. Chánh tổng đoàn phu đã phát thừa nhận “ Con ma cộng sản tài thật! Cái gì ta định làm, nó đều biết được".

Từ khi có Đảng, phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân phát triển mạnh mẽ. Các tổ nông hội đã có những hoạt động thiết thực như vận động nhân dân quyên góp lương thực, quần áo ủng hộ nhân dân Yên Phúc ( Anh Sơn) đang lánh nạn trong rừng tránh sự tàn sát của Thực dân Pháp. Chi bộ đã tổ chức cho nhân dân biểu tình. Đêm 14 tháng 9 năm 1931, hơn 300 quần chúng đã đồng loạt nổi trống, chiêng, mõ, mang theo gậy gộc, giáo mác, hàng trăm người hừng hực khí thế hô vang khẩu hiệu chống sưu cao, thuế nặng, chống ức hiếp lao động…Đoàn biểu tình kéo đến nhà địa chủ lấy thóc lúa, tiền bạc chia cho dân nghèo. Bọn hào lý, chức dịch phải tuân theo yêu cầu của nhân dân. Cuộc đấu tranh của nhân dân Môn Sơn đã khiến cho bọn thực dân phong kiến vô cùng hoang mang, lo sợ. Chúng phải huy động lực lượng đến đàn áp dã man, bắt bớ các đảng viên, chiến sỹ cách mạng.

Cuối năm 1931, phong trào cách mạng ở Môn Sơn bị đàn áp khốc liệt phải tạm thời rút vào hoạt động bí mật. Đồng chí Vi Văn Khang bị địch bắt, kết án ba năm tù giam. Mặc dù kẻ địch dùng đủ mọi cực hình tra tấn, hành hạ nhưng Vi Văn Khang vẫn một mực kiên trung, giữ vững khí tiết của một người cộng sản.

Sau khi được trả lại tự do. Ông trở về quê hương làm nghề dạy học, góp phần dưa ánh sáng của Đảng về cho dân bản và các bản trong vùng, trong đó có tộc người Đan Lai ở bản Khe Khặng.

Đầu năm 1945, đồng chí Lê Mạnh Duyệt, cán bộ Phủ ủy Anh Sơn được ra tù, trở lại Môn Sơn cùng Vi Văn Khang tập hợp lực lượng chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa.

Ngày 28 tháng 8 năm 1945, chi bộ Đảng Môn Sơn, dưới sự chỉ đạo của các đồng chí Lê Mạnh Duyệt, Vi Văn Khang đã lãnh đạo nhân dân tham gia cướp chính quyền thành công ở xã Môn Sơn và huyện Con Cuông.

Trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, đồng chí Vi Văn Khang đã có nhiều đóng góp trong phong trào của địa phương.

Đồng chí mất năm 1978 tại quê nhà, cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí là một tấm gương sáng cho nhân dân miền Tây Nghệ An một lòng đi theo Đảng, phụng sự cho Tổ quốc và nhân dân.

Sự ra đời của Chi bộ Đảng Môn Sơn ®ánh dấu một bước phát triển mới của phong trào cách mạng lên miền núi; là niềm tự hào của bà con Môn Sơn nói riêng và các dân tộc huyÖn Con Cuông nói chung. Hàng năm, cứ vào dịp tháng 4, nơi đây lại diễn ra Lễ hội Môn Sơn – Con Cuông để kỷ niệm ngày thành lập Chi bộ Đảng miền núi đầu tiên và tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT với sự tham gia của nhân dân các dân tộc miền núi Nghệ An. Nhà cụ Vi Văn Khang đã được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử, văn hóa quốc gia và đang được đầu tư Bảo tồn, tôn tạo và phát huy tác dụng, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng và yêu nước cho nhân dân các dân tộc.

Nguyễn Xuân Thủy - bảo tàng XVNT

 

Video