Vấn đề ruộng đất trong phong trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh (1930-1931)

Tác giả: admin
Ngày 2009-04-13 01:22:53

Cách mạng ruộng đất là một nhiệm vụ chiến lược của cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân do Đảng cộng sản lãnh đạo. Ở nước ta, nhiệm vụ này, lần đầu tiên được đặt ra và giải quyết trong thực tiễn sôi động của phong trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh. Cùng với việc đánh đổ một bước uy thế chính trị của đế quốc, phong kiến, việc thực hiện chia ruộng đất cho nông dân nghèo trong phong trào cách mạng đó là một thành tựu to lớn của chính quyền Xô viết. 

Đây là một vấn đề lịch sử có ý nghĩa lý luận và thực tiễn, đã và đang được nhiều người nghiên cứu. Sách lịch sử Đảng cũng đã trình bày. Tuy vậy, vấn đề này vẫn cần phải được tiếp tục nghiên cứu, trao đổi để có sự thống nhất đánh giá những giá trị đích thực của nó. Mặt khác, trong khi cố gắng làm rõ thêm vấn đề lịch sử ấy, hy vọng sẽ tìm thấy ở đấy những bài học kinh nghiệm có thể vận dụng và phát huy trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay.

Theo tinh thần đó, trở lại vấn đề ruộng đất trong phong trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh, bài viết này sẽ bắt đầu từ việc tổng quát tình hình ruộng đất dưới thời Xô viết rồi đối chiếu với quan điểm tư tưởng của Đảng, của Hồ Chí Minh về vấn đề ruộng đất được nêu trong các sách báo, các Cương lĩnh chính trị năm 1930, từ đó rút ra những kết luận cần thiết.

1. Điểm khẳng định đầu tiên về thực trạng vấn đề ruộng đất thời Xô viết là: đại bộ phận những nơi lập Xô viết đều thực hiện chia ruộng đất, còn việc thu và chia đất tư của địa chủ là hạn hữu. Theo số liệu điều tra công bố năm 1968, cho biết “nếu trong hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh hồi ấy, phong trào Xô viết đã nổ ra ở 173 xã thì vấn đề ruộng đất đã được giải quyết ở 109 xã và tất cả những xã này đều là những nơi đem công điền chia cho nông dân nghèo” (Vũ Huy Phúc - Vấn đề ruộng đất trong phong trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh; nghiên cứu lịch sử số 108; 3/1961). Ngoài ra còn có 16 xã, tuy chưa lập Xô viết, nhưng do ảnh hưởng của phong trào cũng thực hiện chia công điền cho dân. Tổng diện tích công điền thu được chia cho nông dân là 6.718 mẫu 5 sào (tương đương 3.359 ha). Trong đó Nghệ An chia được 4.953 mẫu, 5 sào (nhiều nhất là Thanh Chương: 1450 mẫu, Nam Đàn: 1.332 mẫu, Hưng Nguyên: 1.197 mẫu); Hà Tĩnh 1.765 mẫu (nhiều nhất là Can Lộc: 1027,3 mẫu, Đức Thọ 407 mẫu, Hương Khê: 115 mẫu…) (Vũ Huy Phúc - Vấn đề ruộng đất trong phong trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh; nghiên cứu lịch sử số 108; 3/1961, tr17).

2. Theo ghi chép trong sách Lịch sử Đảng bộ của các huyện Thạch Hà, Can Lộc, Cẩm Xuyên, Nghi Xuân, Đức Thọ (Hà Tĩnh); Thanh Chương, Hưng Nguyên, Diễn Châu, Yên Thành (Nghệ An), mà chúng tôi tập hợp gần đây thì thấy những nơi đó có 226 làng, xã lập Xô viết (xã bộ nông) chiếm khoảng 2/3 tổng số làng xã trong các huyện đó. Số ruộng công chia cho nông dân cũng nhiều hơn. Theo số liệu của Bảo tàng Xô Viết Nghệ - Tĩnh (cung cấp tháng 3-1995) thì ruộng đất công thu hồi và đem chia ở các huyện Thanh Chương, Anh Sơn, Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Yên Thành (Nghệ An), Can Lộc, Đức Thọ, Thạch Hà, Hương Khê, Cẩm Xuyên, Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đã lên tới 7264 mẫu 8 sào (Nghệ An: 4646 mẫu, Hà Tĩnh: 19413 mẫu) và tổng diện tích ruộng đất chung của hai tỉnh là 283.000 mẫu (Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số 108; 3-1968, tr 16), thì chúng ta thấy số ruộng công mà chính quyền Xô viết chia cho nông dân nghèo đã chiếm một tỉ lệ đáng kể.

Về phương thức chia và sử dụng đất công rất đa dạng. Có những nơi Xô viết tập trung đất công để cày cấy chung như các xã Phúc Lộc, Hồng Lộc, Thuần Thiện (Can Lộc, Hà Tĩnh), Xuân Lâm, Võ Liệt, Đại Đồng (Thanh Chương, Nghệ An). Có những nơi Xô viết trích một phần đất công cho các đội tự vệ, nông hội. Còn phổ biến, chính quyền Xô viết các làng xã đã chia ruộng cho nông dân nghèo hoặc thiếu ruộng cày. Tiêu chí để chia đất cũng khác nhau. Có nơi Xô viết chia theo đầu người theo một hộ gia đình, không phân biệt nam nữ (Xuân Lâm, Đại Đồng); có xã chia theo đinh và có nơi lại bán cho người thiếu ruộng.

Bên cạnh việc giải quyết công điền một cách phổ biến, chính quyền Xô viết đã bắt đầu tiến hành tịch thu ruộng đất tư của giai cấp địa chủ. Đây cũng là một sự thật lịch sử trong phong trào Xô viết. Báo Lao Khổ, cơ quan của Xứ ủy Trung Kỳ Đảng cộng sản Đông Dương số ra ngày 5-10-1930 đưa tin: “ở nhiều nơi, địa chủ buộc phải chia ruộng đất cho dân cày nghèo” (Tài liệu Viện Lịch sử Đảng. Hồ sơ Q32 - tiếng Pháp). Trong báo cáo của Đảng ta năm 1935 cũng đã nhận định như thế. Theo khảo cứu của nhà sử học Vũ Huy Phúc, thì ở Hà Tĩnh, có 9 xã thuộc 4 huyện: Đức Thọ (4 xã), Can Lộc (3 xã), Hương Khê (1 xã), Nghi Xuân (2 xã) đã thu được 552,3 mẫu ruộng đất tư chia dân nghèo (Nghiên cứu lịch sử, số 108, tháng 3/1968). Hai xã Đức Lâm, Đức Thanh (Đức Thọ) Xô viết đem ruộng đất tư cho Nông hội cày cấy. Như vậy thu ruộng đất tư của địa chủ trong phong trào Xô viết là ít.

2. Từ thực trạng lịch sử ấy, có ý kiến nhận xét: ở hai tỉnh Nghệ - Tĩnh sự bóc lột nông dân kiểu địa chủ không phải là hiện tượng chủ đạo. Ở đây, vấn đề tư điền khách quan phải chăng bị lu mờ trước vấn đề công điền?

Nhìn hiện tượng bề ngoài thì đúng như vậy. Nhưng xét bản chất bên trong của vấn đề thì không phải như thế. Sở dĩ dưới thời Xô viết, thu đất công chia đất công phổ biến là vì: Một mặt do chính sách chiếm đất của thực dân Pháp, phong kiến Nam triều; mặt khác do ảnh hưởng tư tưởng cách mạng ruộng đất của Đảng cộng sản Việt Nam và tư tưởng cứu nước Hồ Chí Minh.

Mục tiêu của đế quốc, phong kiến về kinh tế, là chiếm đất, khai thác nguồn lợi, bóc lột sưu cao, thuế nặng và trả tiền công lao động rẻ mạt. Dựa vào đạo dụ do vua Đồng Khánh ban ra năm 1888, công nhận người Pháp ở Đông Dương có quyền sở hữu bất động sản, thực dân Pháp ra sức chiếm đất lập công điền trong cả nước nói chung và hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh nói riêng. Ở Hà Tĩnh, cho đến năm 1945 có 15 đồn điền Pháp, trong đó đồn điền của tên Xiret (300 mẫu ven biển Nghi Xuân); đồn điền Sông Con (Hương Sơn) của Ferây; đồn điền Hà Tân – Hà Thượng của Bordet, Voi Bổ của Công ty nông nghiệp Bắc Trung Kỳ (SANA) là lớn nhất. Ở Nghệ An, đến năm 1928, Pháp đã cướp đất huyện Nghĩa Đàn lập 10 đồn điền lớn, với tổng diện tích là 15.389 ha (Theo báo cáo của Sở công chánh Trung Kỳ 1928), trong đó có đồn điền Vante (Đông Tây Hiếu 6000 ha), Lapico (Nghĩa Hưng 7.500 ha), Xanh Ta (Nghĩa Hợp, 500 ha), Maroto (Cát Mộng, 418 ha)…Năm 1920 tên Sapansơ đã chiếm một vùng rộng lớn Lạc Sơn (Nhuận Trạch, Thanh Chương). Năm 1923, tri huyện Thanh Chương Nguyễn Khoa Nghi cho tên Nguyễn Tường Viện (Ký Viện) lập đồn điền Thanh Lâm, từ 2 héc ta đã mở rộng thành hàng trăm héc ta, rào chắn cả đường đi lối lại của nhân dân (Ráng đỏ Hồng Lam. NXB Lao động, 1995, tr 100). Tính đến 1929, tư bản Pháp đã lập ở Nghệ An 40 đồn điền với diện tích 19720 ha.

Nguồn sống của nhân dân Nghệ Tĩnh chủ yếu bằng nông nghiệp, sống dựa công điền, hi vọng ở quyền lợi duy nhất nhỏ nhoi này mà xã hội phong kiến quy định để giải quyết những căng thẳng thường xuyên nẩy sinh trong xã hội. Do diện tích trồng trọt tăng chậm, nguồn lao động gia tăng cho tăng dân số, đẫn đến tình trạng thiếu ruộng cày cấy, nông dân phiêu tán. Lợi dụng lúc nông dân phiêu tán, nhiều tên tay sai việt gian đã tăng cướp ruộng của nông dân. Hoàng Cao Khải, Lê Văn Khê là những tên việt gian được cắt cả vùng đất lớn lập dinh cơ, trang ấp. Địa chủ Trần Xu ở Can Lộc bao chiếm 1000 mẫu ruộng của nông dân (Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh. T1. NXB CTQG 1993).

Lợi dụng thẩm quyền, bọn địa chủ công giáo ở các xứ đạo lớn: Xã Đoài, Nhân Hòa, Cửa Lò (Nghi Lộc); Đồng Tháp (Diễn Châu); Thuận Nghĩa (Quỳnh Lưu); Bảo Nham (Yên Thành); Bút Đà (Đô Lương); Cầu Rầm (Vinh); Đức Thọ, Hương Khê, Can Lộc, Nghi Xuân, Cẩm Xuyên cũng chiếm dụng nhiều ruộng đất. Nhiều làng có phong trào trong khởi nghĩa Giáp Tuất (1874) như Thanh Chi, Nguyệt Bổng (Thanh Chương); Thanh Thủy (Nam Đàn); Nghi Công, Nghi Kiều (Nghi Lộc); Thọ Ninh, Thọ Tường (Đức Thọ), Lãng Ngò (Cẩm Xuyên)…nông dân còn phải mang ruộng gán nợ cho nhà chung. Tính đến trước Cách mạng tháng Tám, nhà chung ở đây chiếm 7804 mẫu.

Trong lúc đó thuế má ngày một chồng chất lên vai người nông dân. Khi lĩnh canh họ phải nộp tô chính (50%) và phải chịu tô phụ (làm không công, lễ tết mỗi năm 2 vụ cho chủ đất). Được hay mất mùa, họ còn phải đóng thuế thân - một thứ thuế dã man. Thuế thân – tăng rất nhanh: Năm 1897: 2đ3, năm 1914 lên 2,9đ (tương đương 3 tạ thóc hồi đó). Ngày 20-10-1929, toàn quyền Đông Dương còn ra Nghị định tăng thuế thân hơn nữa. Mâu thuẫn giữa một bên là nông dân với một bên là đế quốc, phong kiến về ruộng đất ở nông thôn Nghệ Tĩnh ngày càng sâu sắc. Cuộc đấu tranh đòi ruộng đất tất yếu phải quyết liệt.

3. Chính quyền Xô viết giải quyết vấn đề ruộng đất dưới ảnh hưởng tư tưởng đường lối giải phóng dân tộc sâu sắc của Đảng cộng sản và của Nguyễn Ái Quốc. Mục tiêu của đường lối đó là kết hợp lợi ích dân tộc với lợi ích giai cấp nhằm thực hiện độc lập dân tộc người cày có ruộng, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Đường lối đó đã nhấn mạnh “công nông là gốc cách mệnh”, “học trò là nhà buôn nhỏ, điền chủ nhỏ là bầu bạn của công nông” ( Các tổ chức tiền thân của Đảng. H.1997,tr 24-25). Các tổ chức Tân Việt cách mạng Đảng, VNTNCMĐCH ở Nghệ Tĩnh đã tiếp thu đường lối và phương pháp cách mạng này. Khi các tổ chức cộng sản ra đời, tuy hình thức tổ chức khác nhau, nhưng nền tảng tư tưởng vẫn dựa vào chủ nghĩa Mác-Lênin và đường lối cứu nước đó của Nguyễn Ái Quốc. Khi ra đời (3-2-1930) quán triệt tư tưởng đó, Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt của Đảng có nói rằng: cách mạng Việt Nam là cách mạng tư sản dân quyền: Cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng ruộng đất để tiến tới chủ nghĩa cộng sản. Nhiệm vụ của Đảng là “phải thu hết ruộng đất của đế quốc chủ nghĩa làm của công và chia cho dân cày nghèo, miễn thuế cho dân nghèo”. “Đảng phải thu phục cho được đại đa số dân cày và phải giữ vững vào hạng dân cày nghèo, phải hết sức lãnh đạo cho dân cày nghèo làm thổ địa cách mạng, đánh trúc bọn đại địa chủ và phong kiến”, “Đảng phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản trí thức và trung nông… để kéo họ về phía cách mạng” (Văn kiện Đảng 1930-1945,H1977, tr 18-20). Cong đường đi tới độc lập dân tộc, dân chủ và CNXH ở nước ta phải trải qua nhiều chặng đường khó khăn, gian khổ. Những phần tử tiên tiến trong Tân Việt, Thanh niên hoạt động ở Nghệ Tĩnh khi chuyển thành Đảng viên cộng sản đã tiếp thu những tư tưởng đó. Do vậy cuộc đấu tranh ở Nghệ Tĩnh lúc bấy giờ chủ yếu vẫn nhằm vào nhiệm vụ dân sinh, dân chủ, quyền sống hàng ngày. Đảng chưa có chủ trương khởi nghĩa giành chính quyền, vì lúc đó trong cả nước chưa có tình thế cách mạng trực tiếp. Đảng cũng chưa chủ trương thực hiện ngay nhiệm vụ tước đoạt ruộng đất của bọn đế quốc và địa chủ phong kiến nói chung, vì chưa thể lập được chính quyền cách màn và giữ vững chính quyền đó.

Tuy vậy, trước sự áp bức bóc lột, đàn áp tàn khốc của kẻ thù, sự tuyên truyền và sức lôi cuốn của tư tưởng cách mạng, đã thổi bùng lên ngọn lửa cách mạng hừng hực, thế áp đảo của quần chúng nhân dân, làm cho bộ máy cai trị của đế quốc, phong kiến ở nông thôn, làng xã bị tê liệt. Đấy là cơ hội giúp cho nông dân Nghệ Tĩnh đang cùng cực về đời sống hy vọng vùng lên đổi đời. Trong điều kiện ấy, các Xô viết (xã bộ nông) - một hình thức tự quản của nhân dân, đứng ra nắm lấy những ruộng đất công, đất hoang hóa (mà đế quốc, phong kiến chiếm được nhưng quản lý chưa chặt), để chia cho nông dân, hoặc tổ chức nhân dân cày cấy làm ăn chung và thi hành một số biện pháp cứu đói tạm thời.

Như vậy việc thu đất công, chia đất công trong phong trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh là hình thức đấu tranh phù hợp có lý lẽ với điều kiện, truyền thống lịch sử, nhằm thực hiện một bước mục tiêu chiến lược chống đế quốc, chống phong kiến do Đảng ta đề ra.

Còn những trường hợp tịch thu đất tư của địa chủ như đã nêu trên thì sao? Ở đây có vấn đề nhấn mạnh đấu tranh giai cấp, có vấn đề “tả khuynh” không? Trước đây lý giải vấn đề này, có ý kiến cho rằng, đó là do tư tưởng của Luận cương chính trị (10-1930) về tịch thu ruộng đất của toàn bộ giai cấp địa chủ chia cho dân cày nghèo “tỏa chiếu ánh sáng soi đường của nó vào thực tiễn phong trào Hà Tĩnh đang đi lên, mà ở Nghệ An làn sóng đấu tranh đã bắt đầu đi vào thoái trào” (Nghiên cứu Lịch sử, số 108, 3-1968). Cho nên phong trào Hà Tĩnh có điều kiện tiếp thu tưởng làm cách mạng ruộng đất, tịch thu ruộng đất của giai cấp địa chủ chia cho dân cày và cũng có điều kiện thực hiện nhiệm vụ cách mạng ấy (Văn kiện Đảng 1930-1945, T2, HN.1977, tr 14).

Thực tế, đúng là có sự tuyên truyền tích cực đường lối của Đảng trước đó. Nhưng khi Hội nghị TW lần thứ nhất họp và Luận cương chính trị (10-1930) đưa ra thì các Xô viết Nghệ An, Hà Tĩnh đã thành lập và hoạt động chia ruộng đất. Trong 9 xã ở Hà Tĩnh tịch thu đất của địa chủ, có 7 xã có chính quyền Xô viết. Số đất thu của địa chủ ở 4 huyện Đức Thọ, Can Lộc, Hương Khê, Nghi Xuân, chỉ là một phần nhỏ trong số đất đai của chúng. Ở Đức Thọ, tịch thu nhiều đất nhất của địa chủ, thì địa chủ bị tịch thu nhiều đất nhất không quá 60 mẫu. Ở Can Lộc, có địa chủ bị tịch thu 3 sào. Địa chủ Bát Xu có hàng nghìn mẫu ruộng mà chỉ bị tịch thu 30 mẫu. Hơn nữa, có những ruộng đất địa chủ bị thu là ruộng đất bỏ hoang; có nơi trên danh nghĩa của địa chủ, nhưng lại vô chủ (đất do địa chủ ở làng khác đến xâm canh), có nơi địa chủ tự nguyện hiến ruộng cho chính quyền Xô viết (địa chủ Bùi Hán ở Can Lộc hiến 44 mẫu). Trong số 552 mẫu, 3 sào tịch thu của địa chủ, thì số ruộng đất thật sự tước đoạt từ tay địa chủ trực tiếp quản lý chỉ chiếm hơn 50% (317 mẫu). Điều đặc biệt là số đất này đều bị đế quốc, địa chủ dùng mọi thủ đoạn tàn ác lấy lại hết khi phong trào Xô viết thất bại. Vấn đề ruộng đất rõ ràng là cuộc đấu tranh giai cấp quyết liệt. Theo tinh thần đó thì việc chính quyền Xô viết thu đất tư của địa chủ như trên là một hạn chế “làm giảm mất nhiều khí thế đấu tranh giành ruộng đất của nông dân” (Văn kiện Đảng 1930-1945, T2, HN.1977, tr 14). Nhưng phê phán sự lãnh đạo của Đảng và Xô viết đã phạm sai lầm hữu khuynh, khi quy định “ chỉ tịch thu ruộng đất của những địa chủ có trên 100 mẫu”, là ảnh hưởng “tàn dư của Cương lĩnh các nhóm cộng sản cũ đã máy móc chia giai cấp địa chủ thành hạng đại và trung” (Văn kiện Đảng 1930-1945, T2, HN.1977, tr 1, 15).

Tuy có hạn chế, nhưng việc làm của chính quyền Xô viết Nghệ Tĩnh là sáng tạo, vĩ đại. Trong báo cáo của đồng chí Lê Hồng Phong (1902-1942), Trưởng đoàn đại biểu Đảng ta tại Đại hội VII QTCS có viết: “Tất cả những biện pháp cách mạng của chính quyền Xô viết là thuộc một phần nhiệm vụ của cuộc cách mạng tư sản dân chủ. Nó là tấm gương cho tất cả những người lao động Đông Dương trong cuộc đấu tranh sắp tới chống đế quốc và Phong kiến” (Văn kiện Đảng 1930-1945, T2, H 1977, tr1,15) Hai thành quả to lớn nhất mà chính quyền Xô viết đã thực hiện được là: “Đánh đuổi đế quốc Pháp, địa chủ phong kiến và cường hào nông thôn thành lập Xô viết. Tịch thu ruộng đất của đại địa chủ và ruộng đất công chia cho dân cày nghèo” (Văn kiện Đảng 1930-1945, T2, H, tr 13) để lại dấu ấn không phai mờ trong lòng người dân Nghệ Tĩnh và nhân dân cả nước.

4. Vấn đề ruộng đất trong Xô Viết Nghệ - Tĩnh để lại nhiều bài học quý trong CMDTDC, CMXHCN cũng như trong sự nghiệp đổ mới đất nước hiện nay. Một trong những bài học, kinh nghiệm có thể vận dụng, phát huy là đấu tranh giành quyền lợi của giai cấp nông dân phải gắn liền quyền lợi của giai cấp công nhân và quyền lợi của toàn xã hội, dân tộc. Giai cấp nông dân là đông đảo, là một động lực chính của cách mạng.Cách mạng Việt Nam không có nông dân tham gia dưới sự lãnh đạo của công nhân không thể giành được thắng lợi. Nhưng quyền lợi của nông dân chỉ là một bộ phận trong quyền lợi tối cao của dân tộc. Khi chưa giành được độc lập dân tộc, chưa thiết lập được chính quyền công nông một cách vững chắc thì vấn đề ruộng đất của nông dân không thể thực hiện được, và nếu có thực hiện được mức độ nào đó, không sớm, thì muộn cũng sẽ bị tước đoạt lại. Do đó, để thực hiện cuộc cách mạng ruộng đất triệt để, bảo đảm quyền làm chủ ruộng đất lâu dài cho nông dân, trước hết phải xác lập và giữ vững chủ quyền quốc gia dân tộc, thực hiện quyền làm chủ của nhân dân thông qua chính quyền Nhà nước thực sự của dân, do dân, vì dân. Nhà nước ấy là của toàn dân, dựa trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân, nông dân và tầng lớp trí thức, do Đảng cộng sản có đủ năng lực, trí tuệ lãnh đạo.

PTS. Nguyễn Thanh Tâm
Đinh Trần Dương
(Tạp chí Lịch sử Đảng)

Video