Vai trò của học sinh trường Quốc học Vinh đối với phong trào yêu nước và cách mạng từ 1920 đến 1945

Tác giả: admin
Ngày 2020-11-18 07:40:37

 

Dưới thời thuộc Pháp, cả Trung Kỳ chỉ có 3 trường là Quốc học Huế, Quốc học Vinh và Quốc học Quy Nhơn. Trường Quốc học Vinh được thành lập năm 1920, là nơi nhận học sinh của 4 tỉnh phía Bắc Trung Kỳ gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Ra đời và trưởng thành trên mảnh đất Nghệ An “địa linh, nhân kiệt”, giàu truyền thống cách mạng và hiếu học, trải qua 100 năm xây dựng và phát triển, Trường Quốc học Vinh (nay là trường THPT Huỳnh Thúc Kháng) có bề dày truyền thống rất đáng trân trọng và tự hào. Các thế hệ học sinh của trường Quốc học Vinh đã tiếp nối truyền thống hiếu học của thế hệ ông cha, có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc đặc biệt đối với phong trào yêu nước và cách mạng từ năm 1920 đến 1945. Tên tuổi của nhiều học trò trường Quốc học Vinh như: Nguyễn Tiềm, Trần Văn Cung, Tôn Quang Phiệt, Nguyễn Sỹ Sách, Chu Văn Biên, Siêu Hải (Nguyễn Nhật Tân), Trần Tố Chấn, Hà Sâm, Trần Hữu Doánh, Nguyễn Trương Khoát…  đã đi vào lịch sử, góp phần làm nên những thắng lợi của cách mạng quê hương, đất nước. Vai trò của học sinh trường Quốc học Vinh trong giai đoạn này được thể hiện trên các mặt sau:

1. Tiếp thu và truyền bá tư tưởng văn minh, tiến bộ phương Tây

Những thế hệ học trò của Quốc học Vinh khi ngồi trên ghế nhà trường, qua tiếng Pháp họ đã được tiếp thu những tư tưởng tiến bộ của nền văn minh phương Tây. Những kiến thức thu nhận được đã trở thành hành trang của các đồng chí . Đồng thời, qua quá trình theo học, được tiếp cận luồng tư tưởng mới đã góp phần giúp cho học sinh Quốc học Vinhnhận thức rõ hơn về xã hội lúc bấy giờ. Các đồng chí đã nhận ra rằng thực dân Pháp lập ra trường học không phải để khai phá văn minh cho người Việt mà cốt để biến thanh niên bản xứ thành tay sai phục vụ cho chính sách cai trị của chúng. Nhiều vấn đề các đồng chí muốn tìm hiểu lại không có trong nội dung giáo dục của nhà trường, bên cạnh đó sách báo tiến bộ bị ngăn cấm. Hàng ngày, chứng kiến người dân bị thực dân Pháp ngược đãi, bóc lột, bọn quan lại phong kiến tranh giành ngôi thứ, hà hiếp dân lành đã nhen nhóm lên trong những học sinh ưu tú của Quốc học Vinh lòng căm thù giặc sâu sắc, trở thành động lực để các đồng chí vừa học vừa tham gia vào phong trào yêu nước và cách mạng của nhân dân.

2. Học sinh Quốc học Vinh đã gia nhập, trở thành những nhân vật quan trọng của các tổ chức yêu nước và cách mạng như Hội Phục Việt, Hội Thanh Niên, Đông Dương Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn… và tích cực truyền bá Chủ nghĩa Mác – Lênin trên quê hương Nghệ Tĩnh, chuẩn bị cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trong lớp học đầu tiên của trường Quốc học Vinh niên khoá 1920-1921, có 3 đồng chí là những người con ưu tú của quê hương Thanh Chương đó là đồng chí Nguyễn Sỹ Sách, Tôn Quang Phiệt và Đặng Thai Mai. Sau khi tốt nghiệp Quốc học Vinh với loại xuất sắc, các đồng chí đã từ chối con đường “nhung lụa” mà thực dân Pháp đã “rải thảm” để dấn thân vào con đường cách mạng, trở thành những nhân vật quan trọng trong các tổ chức yêu nước và cách mạng trên quê hương Nghệ Tĩnh trước khi Đảng ra đời.

Năm 1925 Tôn Quang Phiệt cùng Đặng Thai Mai và một số nhà trí thức yêu nước như Lê Văn Huân, Trần Phú, Trần Mộng Bạch, Lê Duy Điếm, Ngô Đức Diễn, Phan Nghi Huynh… đã thành lập tổ chức yêu nước Hội Phục Việt tại núi con mèo Vinh – Bến Thủy (đồng chí Tôn Quang Phiệt được cử phụ trách chi hội Bắc Kỳ). Cùng với hai người bạn của mình, Nguyễn Sỹ Sách cũng tích cực gia nhập Hội từ những ngày đầu và nhận trách nhiệm xây dựng tổ chức và truyền bá tư tưởng yêu nước trong trường học và Thị xã Hà Tĩnh.

Ngay sau khi được thành lập, Hội Phục Việt đã cử cán bộ đi khắp hai tỉnh để xây dựng các tổ chức cơ sở và cử người sang Trung Quốc liên lạc với những người Việt Nam yêu nước. Từ Vinh- Bến Thủy, những tư tưởng "Hợp quần", "Ái quốc" đã lan tỏa ra cả nước. Cơ sở của Hội Phục Việt đã phát triển sâu rộng trong các nhà máy, trường học, nông thôn.

Năm 1925, dưới dự lãnh đạo của Hội Phục Việt học sinh các trường học trong đó có Quốc học Vinh, công nhân, nông dân nhóm họp nhau, lấy chữ ký gửi lên Công sứ, Khâm sứ, Toàn quyền đòi trả tự do cho cụ Phan Bội Châu. Trước làn sóng biểu tình mạnh mẽ đó, ngày 23/5/1925, Toàn quyền Varen đã phải ra nghị định hủy bỏ bản kết án cụ Phan.

Sau một thời gian hoạt động để bảo vệ lực lượng, Hội Phục Việt đã đổi tên thành Hưng Nam, Việt Nam Cách mệnh Đảng, Việt Nam Cách mệnh đồng chí trước khi trở thành Tân Việt năm 1928. Tham gia và hoạt động tích cực trong tổ chức này còn có rất nhiều học sinh trường Quốc học Vinh tiêu biểu như đồng chí Nguyễn Tiềm, Trần Văn Cung, Chu Văn Biên, Siêu Hải, Trần Hữu Doánh…

Ngày 27/3/1926, dưới sự lãnh đạo của Hội Phục Việt, Nguyễn Tiềm cùng với học sinh trường Quốc học Vinh tiếp tục hòa vào phong trào đấu tranh của quần chúng công nhân, nông dân, tiểu thương tuần hành quanh thành phố Vinh, tập trung tại chùa Diệc để dự đám tang cụ Phan Chu Trinh. Sự kiện này đánh dấu hoạt động đầu tiên của Nguyễn Tiềm trong sự nghiệp cách mạng của mình. Từ đây, Nguyễn Tiềm bắt đầu nung nấu mong muốn chống Pháp. Anh tìm đọc sách báo tiến bộ, thơ văn tự cường và thuộc làu lời răn của cụ Phan Bội Châu:

“Chẳng thèm chơi, chẳng thèm mặc, chẳng thèm ăn

Đúc gan sắt để dời non lấp bể

Xối máu nóng rửa vết nha nô lệ”

                                                                   (Bài ca chúc Tết Thanh niên)

Đầu năm 1927, khi Hội Hưng Nam cử người vào trường Quốc Học Vinh lập ra tổ chức Sinh đoàn để đoàn kết, tập hợp thanh niên, học sinh nhen nhóm phong trào đọc báo tiến bộ, thơ văn yêu nước, Nguyễn Tiềm hăng hái gia nhập và được cử vào Ban Chấp hành Sinh Hội.

Trong thời gian này, một số thanh niên ưu tú đã được các tổ chức cách mạng cử sang Quảng Châu, Trung Quốc dự lớp học chính trị đặc biệt do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp giảng dạy trong đó có ba đồng chí từng là học sinh của Quốc học Vinh là Trần Tố Chấn, Trần Văn Cung và Nguyễn Sỹ Sách. Sau khóa học chính trị đặc biệt tại Quảng Châu, đồng chí Trần Tố Chấn được Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ trở lại Xiêm hoạt động xây dựng và phát triển cơ sở cách mạng. Với tinh thần trách nhiệm, anh nhanh chóng chiếm được cảm tình, sự yêu mến, tin tưởng của quần chúng và gây dựng được cơ sở cách mạng ở 4 tỉnh của Xiêm. Đồng chí Trần Văn Cung nhận nhiệm vụ về nước tuyên truyền giác ngộ quần chúng yêu nước đi theo Hội Thanh Niên. Còn đồng chí Nguyễn Sỹ Sách vinh dự được bầu làm Bí thư Kỳ bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội (VNTNCMĐCH) Trung kỳ. 

Đến cuối năm 1927, hai tổ chức Hội Phục Việt và Hội Thanh niên hoạt động mạnh ở Nghệ Tĩnh. Nguyễn Tiềm, Hà Sâm và nhiều đồng chí khác đã được kết nạp vào tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội. Nguyễn Tiềm đã cùng hai hội viên khác lập thành tiểu tổ Hội Thanh niên, hoạt động ở trường Quốc học Vinh. Từ đó Nguyễn Tiềm càng có điều kiện tìm hiểu sâu hơn về Chủ nghĩa Mác – Lênin để tuyên truyền lý tưởng cách mạng vô sản trong hàng ngũ học sinh.

Cũng trong năm 1927, đồng chí Tôn Quang Phiệt đã tham gia Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội và công tác ở Bắc Kỳ. Trong thời gian vận động thống nhất các tổ chức cách mạng Việt Nam, đồng chí ở trong nhóm Tân Việt Cách mạng Đảng, rồi Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Đồng chí nhận niệm vụ phát triển tổ chức Đảng ở cả Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Đồng chí đã về Vinh, đi các huyện kết nạp thêm các đồng chí cốt cán cho Đảng…

Tháng 01/1929, đồng chí Nguyễn Sỹ Sách sang Hương Cảng (Trung Quốc) dự cuộc họp Đại hội đại biểu trù bị toàn quốc. Đến tháng 04/1929, Nguyễn Sỹ Sách lại dẫn đầu đoàn đại biểu Trung kỳ sang Hương Cảng dự Đại hội đại biểu Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội. Sau Đại hội, Nguyễn Sỹ Sách trở về nước lo việc chuẩn bị công tác tổ chức cho cuộc họp hợp nhất các tổ chức tiền thân của Đảng để thống nhất một chính Đảng…

Do hoạt động tích cực của tổ chức Thanh niên trong có có đóng góp không nhỏ của các đồng chí là học sinh của trường Quốc học Vinh, Chủ nghĩa Mác- Lênin đã bắt đầu ăn sâu, bén rễ ở Nghệ An. Tháng 6/1929, Đông Dương Cộng sản Đảng ở Bắc Kỳ được thành lập. Trong số những người sáng lập tổ chức này có đồng chí Trần Văn Cung. Sau khi ra đời, Đông Dương Cộng sản Đảng đã cử đồng chí Nguyễn Phong Sắc và đồng chí Trần Văn Cung vào Nghệ An để xây dựng cơ sở Đảng và cơ sở quần chúng. Các đồng chí đã bắt liên lạc với đồng chí Võ Mai, lập ra Kỳ bộ Trung Kỳ của Đông Dương Cộng sản Đảng, trụ sở đặt tại làng Vang (nay là phường Đông Vĩnh, thành phố Vinh). Từ đây, nhiều cơ sở của Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội đã bắt liên lạc và chuyển thành các chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng. Trước tình hình như vậy, tiểu tổ Hội Thanh niên ở trường Quốc học Vinh do Nguyễn Tiềm đứng đầu được chuyển thành chi bộ của Đông Dương Cộng sản Đảng, Nguyễn Tiềm được chỉ định làm Bí thư của Chi bộ này.

Cùng với sự ra đời của Đông Dương Cộng sản Đảng, các tổ chức quần chúng của Đảng như Tổng Công hội, Tổng Sinh hội, Tổng Nông hội đã hình thành. Cuối tháng 11/1929, Nguyễn Phong Sắc thành lập Tổng Sinh hội Nghệ An do Nguyễn Tiềm làm Bí thư. Là người đứng đầu Tổng Sinh hội, Nguyễn Tiềm cùng với các đồng chí trong Chi bộ Đảng chuyển tổ chức Sinh hội đoàn trường Quốc học thành tổ chức Sinh hội của Đông Dương Cộng sản Đảng. Đồng thời đồng chí đã đổi tên Báo Hồng sinh của Tổng Sinh hội thành báo Xích sinh do Nguyễn Tiềm làm chủ bút để tuyên truyền chủ nghĩa Mác – Lê nin, đồng thời phê phán những nhận thức sai lệch về chủ nghĩa cộng sản của một số tờ báo khác.

Ảnh: Đồng chí Nguyễn Tiềm (1912-1933) - Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An năm 1930

Không chỉ lãnh đạo phong trào học sinh tại Vinh nói chung, tại trường Quốc học Vinh nói riêng, Nguyễn Tiềm còn đến các trường ở Nam Đàn, Thanh Chương, Thị xã Hà Tĩnh, Đức Thọ… để phát triển lực lượng, tuyên truyền giác ngộ học sinh tham gia cách mạng. Với sự nhiệt tình và năng lực hoạt động nổi bật của đồng chí Nguyễn Tiềm và các đồng chí trong Ban chấp hành Tổng Sinh hội, phong trào học sinh trong trường Quốc học Vinh đã có tiếng vang lớn và ảnh hưởng mạnh mẽ trong quần chúng công nông lúc bấy giờ…

Như vậy, từ năm 1920-1929, học sinh trường Quốc học Vinh không chỉ gia nhập, đóng vai trò quan trọng trong các tổ chức yêu nước và cách mạng, mà còn ra sức tuyên truyền Chủ nghĩa Mác- Lênin, những tư tưởng yêu nước tiến bộ đến với đông đảo tầng lớp công nhân và nông dân tại Nghệ Tĩnh. Có thể khẳng định rằng, những hoạt động trong thời gian này của học sinh trường Quốc học Vinh đã góp phần tạo những tiền đề cần thiết cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam vào mùa xuân năm 1930.

3. Trực tiếp tham gia và lãnh đạo nhân dân đấu tranh trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931.

Năm 1930-1931, dưới sự lãnh đạo của Đảng một cao trào cách mạng rộng lớn đã nổ ra khắp cả nước và đạt tới đỉnh cao trên mảnh đất Nghệ Tĩnh đó là Xô viết Nghệ Tĩnh. Trong cao trào cách mạng này, học sinh trường Quốc học Vinh đã hăng hái tham gia trực tiếp vào các cuộc đấu tranh của quần chúng nhân dân, đồng thời nhiều đồng chí đã trở thành cán bộ cốt cán lãnh đạo phong trào.

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3/2/1930), đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã trực tiếp chuyển Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng của trường Quốc học Vinh thành Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam. Để có điều kiện thời gian đi “vô sản hóa”, những học sinh tiến bộ của Trường Quốc học Vinh đi làm cách mạng đã tìm cách để “được đuổi học”, trong số đó có các đồng chí như: Nguyễn Tiềm, Chu Văn Biên, Lê Sỹ Thuật...

Rời ghế nhà trường, các đồng chí mỗi người một nơi để đi “vô sản hóa”.  Đồng chí Chu Văn Biên vào nhà máy xe lửa Trường Thi, đồng chí Lê Sỹ Thuật đi vào nhà máy Vôi Long Thọ ở Huế… Riêng đồng chí Nguyễn Tiềm không về nhà mà bí mật đi xuống tận các phủ huyện để tuyên truyền vận động phong trào cách mạng.

Đầu năm 1930, đồng chí Chu Văn Biên được bổ sung vào Xứ ủy Trung Kỳ và được phân công phụ trách công tác tuyên truyền của Xứ ủy. Được sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Nguyễn Phong Sắc, đồng chí Chu Văn Biên đã bám sát các mũi đấu tranh của quần chúng từ Trường Thi – Bến Thủy đến những vùng nông thôn Hưng Nguyên, Nam Đàn… in truyền đơn, biểu ngữ, tổ chức công tác tuyên truyền, góp phần thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh của quần chúng nhân dân.

Tranh vẽ: Học sinh Quốc học Vinh bãi khóa

Ngày 25/4/1930, Nguyễn Tiềm cùng Tổng Sinh hội Nghệ An kêu gọi học sinh các trường học ở Vinh phản đối trò hề diễn thuyết của Tổng đốc Nghệ An là Hồ Đắc Khải với mục đích nói xấu cách mạng, nói xấu học sinh và khủng bố học sinh tại nhà Văn Thánh. Hưởng ứng lời kêu gọi của đồng chí Nguyễn Tiềm và các đồng chí trong Tổng Sinh hội, học sinh trường Quốc học Vinh và các trường khác ở Vinh, Thanh Chương cùng công nhân, nông dân các huyện Nam Đàn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên tham gia rải truyền đơn, biểu tình kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5/1930.

Phong trào Sinh hội Đỏ hoạt động mạnh mẽ tại trường Quốc học Vinh rồi lan sang các huyện của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh và đặc biệt là huyện Thanh Chương. Với những hoạt động đó, đồng chí Nguyễn Tiềm và học sinh trường Quốc học Vinh thực sự hòa mình vào phong trào của quần chúng cách mạng.

Tháng 10/1930, Tại Đại hội đại biểu tỉnh Đảng bộ Nghệ An lần thứ nhất, đồng chí Nguyễn Tiềm được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ. Cuối năm 1930, nhiều cán bộ Xứ uỷ Trung Kỳ bị sa vào tay giặc, đồng chí Nguyễn Tiềm được bổ sung vào Ban Thường vụ Xứ uỷ, phụ trách công tác tuyên truyền.

Hòa chung với phong trào đấu tranh của công nông Nghệ Tĩnh, phong trào của Sinh hội Đỏ không ngừng trưởng thành. Trong kỳ nghỉ hè năm học 1930 học sinh trường Quốc học Vinh cũng như ở các trường Pháp – Việt Thanh Chương, Đức Thọ, Hương Sơn, Thị xã Hà Tĩnh đều về quê nghỉ hè. Đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã họp Ban chấp hành Sinh hội Đỏ và vạch ra kế hoạch sinh hoạt hè cho học sinh ở quê. Đây là một lực lượng mạnh, có trình độ tuyên truyền vận động ở các địa phương. Bởi vậy phong trào đấu tranh của các nhân dân các huyện đều được bổ sung lực lượng và phát triển nhanh chóng.

Khi phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh phát triển mạnh mẽ lên đến đỉnh cao với các cuộc đấu tranh đồng chí đã hăng hái tham gia, lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành thắng lợi. Bất chấp hiểm nguy, luôn đứng mũi chịu sào trong các cuộc đấu tranh, sự có mặt của các đồng chí đã tạo niềm tin vững chắc cho quần chúng nhân dân xông lên chống lại kẻ thù. Sự ra đời của chính quyền Xô Viết Nghệ Tĩnh ở các địa phương cũng có sự đóng góp không nhỏ của học sinh trường Quốc học Vinh tiêu biểu như: đồng chí Nguyễn Tiềm (Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An năm 1930); đồng chí Chu Văn Biên (Ủy viên Xứ ủy Trung Kỳ năm 1930); đồng chí Trần Hữu Doánh (Bí thư Đảng bộ Huyện Thanh Chương – người trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh ngày 1/9 của nhân dân Thanh Chương), Nguyễn Trương Khoát (Bí thư Phân bộ huyện Nghi Lộc năm 1930); Hà Sâm (Bí thư Chi bộ năm 1930, người lãnh đạo nhân dân làng Dương Liễu, Nam Đàn đấu tranh ngày 12/9/1930)…

Dù nhiều lần sa vào tay giặc, nhưng các đồng chí vẫn nêu cao khí tiết của mình, quyết tâm bảo vệ thành quả cách mạng. Trong lao tù đế quốc, dù bị tra tấn và đứng trước những âm mưu thủ đoạn thâm độc của kẻ thù các đồng chí vẫn luôn vững tin vào tương lại tươi sáng của cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam.

Ngày 12/9/1930, cuộc biểu tình Hưng Nguyên bùng nổ. Tuy mới 15 tuổi nhưng Siêu Hải - cậu học trò trường Quốc học Vinh đã hăng hái tham gia cùng quần chúng nhân dân. Sau cuộc biểu tình, Siêu Hải bị bắt giải về nhà lao Vinh. Thấy Siêu Hải còn bé, chúng dụ dỗ mãi để hòng khai thác những bí mật chung quanh vụ biểu tình và những cơ sở cách mạng ở Hưng Nguyên. Dụ dỗ không xong, chúng lại doạ dẫm và tra tấn đến nỗi anh không bước nổi. Trước sau, Siêu Hải chỉ trả lời: “Tôi còn bé, tôi chỉ biết học hành và chơi bời”. Lời khai ấy làm cho bọn chúng lúng túng khó xử, vì anh chưa hết tuổi thiếu niên. Từ lao Vinh ra Sở mật thám không xa mấy, nhưng vì anh đuối sức nên nhiều hôm bọn lính phải cõng anh ra, hỏi cung xong lại cõng về. Anh giao thiệp với lính, giác ngộ họ. Cũng có người lính tốt bụng, biết chăm sóc giúp đỡ Siêu Hải khi anh bị đòn đau. Khi nhà lao Vinh đã chật ních tù chính trị, thực dân Pháp lại chuyển Siêu Hải vào nhà lao Quảng Trị. Ngót một năm giam cầm Siêu Hải, chúng cũng không đủ bằng chứng để kết án anh. Cuối cùng, chúng phải tha người thiếu niên dũng cảm ấy. 

Cuối năm 1931, phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh bị địch đàn áp khốc liệt, cùng với nhiều đồng chí là học sinh của trường Quốc học Vinh, đồng chí Chu Văn Biên bị bắt giam vào nhà lao Vinh, bị kết án 7 năm tù khổ sai. Năm 1932, Chu Văn Biên bị đày đi nhà tù Lao Bảo. Tại đây đồng chí đã cùng với tù chính trị tổ chức thành lập chi bộ Đảng. Trong tù đồng chí không ngừng học tập lý luận cách mạng, giáo dục, giác ngộ quần chúng, tổ chức đấu tranh tuyệt thực, phản đối chế độ hà khắc của nhà tù Lao Bảo. Kẻ địch đã xếp Chu Văn Biên vào loại tù nguy hiểm, sau đó tăng lên khổ sai chung thân và đày lên Buôn Ma Thuột.

Tại đây, Chu Văn Biên bắt liên lạc được với đồng chí Phan Đăng Lưu, tiếp tục đấu tranh với bọn cai ngục, đồng chí đã cung cấp cho Phan Đăng Lưu nhiều tư liệu quý về nhà đày Lao Bảo, công khai tố cáo chế độ hà khắc của nhà tù đế quốc.

Đêm 17/11/1931, đồng chí Nguyễn Tiềm cũng bị địch bao vây và bắt ngay trên giường bệnh.Trong những ngày ở nhà lao Vinh, kẻ địch đã dùng mọi thủ đoạn tra tấn nhưng không thể khuất phục được ý chí sắt thép của đồng chí Nguyễn Tiềm. Ngày 18/1/1932, Toà án Nam triều tỉnh Nghệ An tuyên án tử hình đồng chí. Trước sức mạnh đấu tranh của nhân dân, Toà khâm sứ Trung Kỳ buộc phải giảm xuống án khổ sai chung thân và đày Nguyễn Tiềm vào Lao Bảo. Ngày 11/10/1932, đồng chí Nguyễn Tiềm đã hy sinh khi vừa tròn 21 tuổi, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho đồng chí, đồng bào.

Đảm nhận cương vị Bí thư Tỉnh ủy khi mới 18 tuổi, đến ngày hy sinh chỉ sau 2 năm (1930 - 1932) nhưng đó là quãng thời gian đầy khó khăn đối với đồng chí Nguyễn Tiềm cũng như với Đảng bộ tỉnh Nghệ An - chiếc nôi cách mạng của cả nước. Cuộc đời tuy ngắn ngủi nhưng đồng chí đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, cho lý tưởng cao đẹp của Đảng. Sự ra đi của đồng chí là tổn thất của phong trào cách mạng tỉnh nhà nhưng chân dung Nguyễn Tiềm - người chiến sỹ cách mạng hết lòng vì sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc, người học trò ưu tú của trường Quốc học Vinh vẫn mãi mãi tỏa sáng.

Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh tuy chỉ tồn tại trong hai năm 1930-1931 nhưng ý nghĩa và những bài học của cao trào cách mạng vẫn còn nguyên giá trị. Xô viết Nghệ Tĩnh đã trở thành mốc son đầu tiên trong trang sử vàng của Đảng ta ngay từ những ngày đầu mới thành lập. Cùng với công nông Nghệ Tĩnh, nhiều thế hệ học sinh Quốc học Vinh đã góp phần làm nên một Xô viết còn mãi với thời gian. Nhiều đồng chí đã anh dũng ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ như Nguyễn Tiềm, Siêu Hải… nhưng tên tuổi của các đồng chí mãi đi vào trang sử của quê hương dân tộc, luôn nhắc nhớ chúng ta về những hy sinh to lớn của thế hệ tiền bối cách mạng luôn tiên phong dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng.

4. Tiếp tục chiến đấu duy trì phong trào cách mạng và cống hết mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân đến ngày Cách mạng Tháng Tám thành công.

Sau khi phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh lắng xuống do sự đàn áp dã man thực thực dân Pháp, phát huy tinh thần yêu nước của quê hương, các thế hệ học sinh trường Quốc học Vinh vẫn tiếp tục học tập và chiến đấu cống hiến hết mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân. Tên tuổi của nhiều đồng chí đã trở thành niềm tự hào không chỉ của Quốc học Vinh mà còn cả quê hương, đất nước.

Cuối năm 1931, phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh bị địch đàn áp khốc liệt, nhiều đồng chí bị bắt giam vào các nhà tù của thực dân như: nhà lao Vinh, nhà lao Hà Tĩnh, bị kết án rồi đày đi các nhà tù khác như: Lao Bảo, Kon Tum, Buôn Ma Thuột... Tại đây đồng chí đã biến nhà tù thành trường học cách mạng, cùng với tù chính trị tổ chức thành lập chi bộ Đảng, không ngừng học tập lý luận cách mạng, giáo dục, giác ngộ quần chúng, tuyệt thực, đấu tranh với bọn cai ngục, công khai tố cáo chế độ hà khắc của nhà tù đế quốc.

Khi được trả tự do, trở về với quê hương, các đồng chí lại tiếp tục hoạt động  để khôi phục phong trào, gây dựng cơ sở cách mạng với niềm tin sắt son vào sự lãnh đạo của Đảng, góp phần làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Là cán bộ “thế hệ vàng” từ những ngày đầu thành lập Đảng, trải qua hàng chục  năm hoạt động, các chiến sỹ cách mạng là học sinh trường Quốc học Vinh qua các thế hệ đã có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Dù ở cương vị nào, trong ngục tù đế quốc hay trên mặt trận kinh tế, quân sự, ngoại giao, đồng chí luôn giữ vững niềm tin vào sự nghiệp cách mạng của Đảng. Nhiều đồng chí đã được bầu giữ các chức vụ lãnh đạo quan trọng của Đảng và Nhà nước như: đồng chí Đặng Thai Mai (Đại biểu Quốc hội khoá I, Uỷ viên ban dự thảo Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Bộ trưởng Bộ Giáo dục);đồng chí Trần Văn Cung (đại biểu Quốc hội khóa I, Ủy viên Ban Thường trực Quốc hội năm 1946); đồng chí Chu Văn Biên (Đại biểu Quốc hội khoá I, được Đảng và Nhà nước giao phó những nhiệm vụ quan trọng: Chính uỷ Mặt trận Bình-Trị-Thiên, Chủ nhiệm Khu uỷ Liên khu 4); đồng chí Hà Sâm (Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Nghệ An năm 1947); đồng chí Trần Tố Chấn (Trưởng ban Biên chính, kiêm nhiệm công tác chính trị; Trưởng ban dân quân Việt – Lào của Liên khu IV)…

Ghi nhận và tôn vinh những cống hiến của các đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng. Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập, Huân chương Kháng chiến, Huân chương Lao động…

Như vậy chúng ta có thể khẳng định rằng từ năm 1920 đến năm 1945, các thế hệ học sinh trường Quốc học Vinh đã đóng góp vai trò rất quan trọng trong phong trào yêu nước và cách mạng. Từ những học sinh ưu tú, mang trong mình truyền thống yêu nước quật cường của thế hệ cha ông, những học sinh ưu tú của Trường Quốc học Vinh đã trở thành những chiến sỹ cộng sản kiên trung, bất khuất trước bom đạn và súng máy của kẻ thù.

Trưởng thành trong phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân, các đồng chí đã trở thành những cán bộ tiền bối của Đảng, những cán bộ cốt cán lãnh đạo phong trào cách mạng của nhân dân và giữ nhiều chức vụ quan trọng trong Đảng, góp phần làm nên trang sử vàng của dân tộc. Nhiều đồng chí đã anh dũng hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, hiến dâng tuổi thanh xuân tươi đẹp nhất của mình cho sự nghiệp của Đảng của nhân dân. Dù trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn, hiểm nguy nào, dù bị giam cầm trong lao tù đế quốc hay ngày đêm hoạt động gây dựng phong trào… thì các thế hệ học sinh của Trường Quốc học Vinh vẫn luôn là những tấm gương sáng ngời với những tên tuổi luôn sống mãi cùng quê hương, đất nước.

Trần Thị Hồng Nhung - Bảo tàng XVNT

Video