Vai trò của Bảo tàng nói chung và Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh nói riêng trong giáo dục lịch sử đối với học sinh phổ thông

Tác giả: admin
Ngày 2019-09-09 03:35:57

Bảo tàng là một thiết chế văn hóa quan trọng, không thể thiếu đối với đời sống sinh hoạt văn hóa của con người. Do vậy, trên thế giới, không một quốc gia nào là không có bảo tàng kể cả ở các nước chưa phát triển. Bởi vì: “Bảo tàng là một thiết chế vĩnh cửu, không vụ lợi nhằm phục vụ cho xã hội, mở cửa phục vụ công chúng và tiến hành những nghiên cứu liên quan đến di sản của con người và môi trường xung quanh, sưu tầm và bảo quản, trưng bày và tuyên truyền về nó vì mục đích nghiên cứu và giáo dục” [1 tr.1] Bảo tàng là nơi bảo quản và trưng bày các sưu tập hiện vật về lịch sử tự nhiên và xã hội nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, giáo dục, tham quan và hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Điều 47, Luật di sản văn hóa của Việt Nam xác định: Bảo tàng là nơi bảo quản và trưng bày các sưu tập về lịch sử tự nhiên và xã hội nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, giáo dục, tham quan và hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Theo xu hướng phát triển chung của thiết chế văn hóa này, bảo tàng đã, đang trở thành địa điểm “vui chơi”, “giải trí tích cực”, vừa học, vừa chơi lại vừa được dung dưỡng về tinh thần, trở thành “loại học đường đặc biệt” định hướng nhân cách cho thế hệ trẻ - chủ nhân tương lai của đất nước. Hiệu quả giáo dục của bảo tàng góp phần thúc đẩy sự phát triển của xã hội, cung cấp những kiến thức và hiểu biết về lịch sử tự nhiên, lịch sử xã hội vô cùng phong phú, độc đáo. Cùng với sự hình thành, phát triển của bảo tàng trên thế giới thì việc xác định chức năng xã hội, vai trò giáo dục của bảo tàng có ý nghĩa rất quan trọng.

Từ những năm 50, 60 của thế kỷ XX, giới bảo tàng học Mác xít cho rằng: bảo tàng có hai chức năng chính đó là chức năng nghiên cứu khoa học và giáo dục khoa học. Chức năng nghiên cứu khoa học: được thực hiện xuyên suốt trong các hoạt động của bảo tàng từ nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày và giáo dục. Chức năng giáo dục khoa học phần lớn tập trung vào các nhiệm vụ: Giáo dục truyền thống cách mạng và truyền thống yêu nước. Trong bảo tàng, kết quả của công tác nghiên cứu đều nhằm phục vụ cho các hoạt động của bảo tàng với mục đích cuối cùng là giáo dục xã hội và được thể hiện chủ yếu thông qua nội dung hệ thống trưng bày bằng hiện vật gốc. Chính những hiện vật gốc đó là nguồn nhận thức trực tiếp giúp người xem nhận biết được lịch sử quá khứ một cách chân thực, chính xác khi tận mắt chứng kiến những vật chứng lịch sử, từ đó giúp người xem có niềm tin chắc chắn vào sự thật lịch sử, bởi vì: “… mỗi một nền văn hóa đều được thể hiện trong các hiện vật bảo tàng. Nó là vật chứng cho sự tồn tại của loài người và là sợi chỉ thắt chặt những yếu tố mang tính cá nhân với những yếu tố dân tộc thành một thể thống nhất” [2: 408]. Do đó, “tất cả các bảo tàng đều có trách nhiệm giáo dục công chúng mà bảo tàng phục vụ” [2 tr.400]. V.I. Lê nin đã chỉ rõ: bảo tàng phải thực hiện chức năng của nhà nước là giáo dục cũng như mọi cơ quan giáo dục khác. Bảo tàng làm công tác giáo dục với đặc trưng riêng của mình, nó là nơi gặp gỡ duy nhất của con người với hiện vật và tạo ra những quan niệm cho con người thuộc mọi lứa tuổi, sở thích, năng lực và kiến thức. Ở đây, “vấn đề giáo dục nhìn tổng thể tức là truyền đạt văn hóa mà các bảo tàng có thể đóng một vai trò quan trọng trong quá trình này. Sẽ sai lầm nếu nghĩ rằng bảo tồn văn hóa tách biệt với việc tuyên truyền văn hóa thông qua hình thức giáo dục” [2:403].

Lịch sử là môn học hấp dẫn, lí thú, bộ môn lịch sử có những đặc điểm riêng, không trộn lẫn với bất cứ khoa học nào. Lịch sử ngày càng lùi xa, thời gian trở thành một tác nhân cản trở quá trình nhận thức đối với học sinh. Kiến thức lịch sử mang tính quá khứ. Đây là điều trái ngược với qui luật nhận thức của học sinh: nhận thức từ gần đến xa, dễ đến khó. Do đó cần có tư duy sáng tạo, cần khơi gợi sự đam mê, hứng thú cho học sinh, hình thành cho học sinh phương pháp tư duy đúng đắn, để nhận thức đúng, khách quan về lịch sử. Mỗi một sự kiện, hiện tượng lịch sử chỉ diễn ra một lần, có bối cảnh, diễn biến, kết thúc cụ thể. Học sinh phải biết cách khôi phục sự kiện một cách đầy đủ, với các yếu tố cấu thành như: tên gọi, địa điểm, thời gian - giai đoạn; nguyên nhân, diễn biến, kết quả, ý nghĩa và ảnh hưởng, ai tham gia, do ai lãnh đạo, tại sao sự kiện diễn ra như vậy? Từ đó mà tri thức lịch sử mang tính cụ thể, không lặp lại. Xuất phát từ đặc điểm này, học sinh cần tái hiện sự kiện lịch sử với tính cụ thể của chúng. Kiến thức lịch sử phải đảm bảo sự thống nhất giữa “sử” và “luận”. Từ việc khôi phục bức tranh của quá khứ với hình hài, dáng vẻ riêng của nó, học sinh cần hình thành các biểu tượng lịch sử đúng đắn. Tổ chức dạy học lịch sử tại Bảo tàng sẽ giúp cho học sinh có được cái nhìn chân thực, khách quan, sinh động về sự kiện lịch sử. Từ đó, phân tích, so sánh để hiểu được bản chất của sự kiện, hiện tượng lịch sử. Đặc trưng kiến thức lịch sử Việt Nam được giảng dạy ở lớp 12 Trung học phổ thông chiếm dung lượng lớn nhất trong toàn bộ cấp học. Phần lịch sử Việt Nam ở lớp 10, 11, học sinh được học với tổng số 28 tiết. Trong khi đó, ở lớp 12, các em được học lịch sử Việt nam giai đoạn 1919 đến 2000 với thời lượng 32 tiết. Việc tìm hiểu lịch sử Việt nam từ 1919-2000 chứa đựng nhiều nội dung, nhiều giai đoạn và nhiều biến cố lịch sử trọng đại. Hơn nữa, những nội dung lịch sử đó mang tính hiện đại, thời điểm diễn ra các sự kiện chưa lâu. So với lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc, thì chúng đang còn tươi mới, gần gũi. Thậm chí có những nhân vật trực tiếp tham gia vào các sự kiện lịch sử, hay những nhân chứng lịch sử vẫn còn sống. Họ có thể kể lại các câu chuyện mà họ là một phần trong những trận đánh, trong một cuộc kháng chiến. Thông qua những buổi giao lưu: nhân chứng lịch sử với thế hệ trẻ được tổ chức tại Bảo tàng, học sinh sẽ có cơ hội được gặp gỡ những vị tiền bối cách mạng, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, mẹ Việt Nam anh hùng...qua đó học sinh sẽ được nghe nhân chứng lịch sử-chính người trong cuộc kể về những trận đánh, quá trình tham gia hoạt động cách mạng, bị bắt giam, tù đày hay quá trình vượt ngục, thoát khỏi ngục tù đế quốc trở về với Đảng....

Những năm gần đây, tiếng chuông cảnh tỉnh xuất hiện trên mọi phương tiện thông tin đại chúng về các biểu hiện sống gấp, thiếu lành mạnh, thiếu hụt kiến thức cơ bản về lịch sử dân tộc, theo đó là sự “nguội lạnh” với truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng ở một bộ phận không nhỏ của thế hệ trẻ nước nhà, trong đó có thế hệ trẻ học đường, khiến cho không chỉ các bậc phụ huynh, mà cả toàn xã hội thật sự quan tâm. Thực tế ở các trường phổ thông chỉ rõ, việc dạy học lịch sử ở các nhà trường chủ yếu chỉ dựa vào nội dung sách giáo khoa, rất nghèo nàn về đồ dùng trực quan. Phần lớn giáo viên dạy lịch sử chỉ dạy “chay”, không có giáo cụ trực quan. Nhiều cuộc khảo sát bằng hình thức hỏi trực tiếp và thông qua phiếu điều tra gần đây cho thấy nhiều học sinh hiểu biết về lịch sử còn hạn chế. Tình trạng phổ biến hiện nay là học sinh không nhớ sự kiện lịch sử cơ bản, nhớ sai hoặc lẫn lộn sự kiện lịch sử và nhân vật lịch sử...Nhiều học sinh không biết hoặc biết rất ít về Quang Trung, Nguyễn Trường Tộ, Cao Xuân Dục, Phan Đình Phùng... Tình trạng này đòi hỏi cấp thiết phải nâng cao tri thức lịch sử cho thế hệ trẻ, đặc biệt là thế hệ trẻ học đường, góp phần to lớn vào việc giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho học sinh.

Nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, nâng cao chất lượng dạy học bộ môn, Bộ giáo dục đào tạo, Sở Giáo dục các tỉnh, thành trong cả nước đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo như: Đổi mới phương pháp dạy học lịch sử ở trường phổ thông do Bộ GD và ĐT tổ chức (11/1999); Đổi mới phương pháp dạy học để nâng cao chất lượng giáo dục bộ môn Lịch sử ở trường phổ thông, ĐHSP Hà Nội (9/2006); Nghiên cứu và giảng dạy Lịch sử trong bối cảnh hội nhập QT và phát triển kỹ năng tự học cho học sinh, HN, 2011; Dạy học lịch sử ở trường phổ thông Việt Nam, Đà Nẵng (8/2012); Nghiên cứu và giảng dạy Lịch sử trong bối cảnh hiện nay, NXB Lí luận chính trị, 2016; Đào tạo và bồi dưỡng giáo viên môn lịch sử đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, SGK, NXBĐHQG, 2017... Trong dạy học bộ môn, giáo viên dạy lịch sử xác định chuyển từ mô hình “tập trung vào kiến thức” sang việc phát triển năng lực, phẩm chất của người học; thực hiện phương châm “lấy học sinh làm trung tâm” trong dạy học lịch sử; đổi mới các phương pháp dạy học truyền thống; sử dụng các phương pháp dạy học hiện đại để phát huy tích tích cực, chủ động và sáng tạo của học sinh; đề xuất việc tăng cường tổ chức dạy học lịch sử với Bảo tàng và Di tích, tăng cường hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm cho học sinh. Trong nhiều biện pháp được sử dụng, việc tham quan Bảo tàng hoặc sử dụng những tư liệu, hình ảnh, hiện vật của Bảo tàng trong việc dạy học lịch sử là điều cần thiết để góp phần nâng cao tri thức lịch sử văn hóa nói chung và chất lượng dạy học lịch sử ở các trường phổ thông nói riêng. Nhiều giáo viên lịch sử đã đến Bảo tàng nghiên cứu các tài liệu, hình ảnh, hiện vật trưng bày để củng cố thêm tư liệu, rồi căn cứ vào nội dung trong sách giáo khoa để vận dụng vào tiết giảng

Để đưa Bảo tàng trở thành một trung tâm văn hóa, giáo dục truyền thống lịch sử, trở thành một mô hình học ngoại khóa hấp dẫn đối với các trường phổ thông, Bảo tàng phải tổ chức các hoạt động giáo dục phong phú, đa dạng, hấp dẫn dưới nhiều hình thức, bởi đó là một trong những chức năng của bảo tàng. Trong tất cả các hình thức giáo dục công chúng của bảo tàng thì hoạt động hướng dẫn tham quan luôn có vai trò đặc biệt quan trọng bởi lẽ nó có mục đích rõ ràng về mặt chính trị, có hướng dẫn thuyết minh về nội dung giá trị của hệ thống trưng bày của bảo tàng. Trong đó việc trưng bày hiện vật gốc, sưu tập hiện vật gốc có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật… là đặc trưng của bảo tàng. Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời đã từng nói về hoạt động tham quan của bảo tàng như sau: “Người đến Viện bảo tàng cần vừa xem vừa suy nghĩ và liên hệ với bản thân mình, các đồng chí phụ trách giới thiệu thì cần nói rõ ý nghĩa cách mạng của những hiện vật trưng bày, làm như thế sẽ rất bổ ích” [3]. Hoạt động trưng bày dù hoàn thiện đến mức nào cũng không nói hết được các vấn đề của lịch sử, truyền cảm hết giá trị lịch sử của hiện vật. Hướng dẫn khách tham quan tức là “làm sống lại” các sự kiện lịch sử , làm tăng sức hấp dẫn và những nội dung lịch sử mà trưng bày không thể nói hết được. Khi tham quan, người xem được trực tiếp quan sát hiện vật, nghe cán bộ thuyết minh kể những câu chuyện lịch sử gắn liền với hiện vật gốc chắc chắn sẽ để lại những ấn tượng sâu sắc. Khi đến xem phần trưng bày của Bảo tàng, học sinh vừa được nghe người thuyết minh giới thiệu, vừa được nhìn, quan sát kỹ hiện vật, thậm trí ở bảo tàng các nước còn có thể được sờ những hiện vật thuộc các sưu tập phục vụ chương trình giáo dục, lại vừa có thể trao đổi ý kiến với người thuyết minh, đồng thời, nói lên suy nghĩ của bản thân, kể cả việc so sánh những gì các em vừa tham quan với những gì mà các em thấy hàng ngày về vấn đề liên quan. Hay nói cách khác, người thuyết minh bảo tàng không nên làm vai trò của một giáo viên lên lớp mà phải như cầu nối giữa bảo tàng với các em học sinh, làm sao để khuyến khích các em chia sẻ những hiểu biết cũng như những suy nghĩ của bản thân về các vấn đề các em quan tâm. Những hình ảnh, hiện vật, sưu tập hiện vật trong nội dung trưng bày sẽ theo chân học sinh đến trường, về nhà, giúp các em ghi nhớ lâu hơn những ấn tượng của cuộc tham quan. Em Bùi Thanh Huyền học sinh lớp 10E trường PTTH Nguyễn Huệ, Hà Nội đã xúc động ghi vào sổ cảm tưởng khi đến tham quan tại Viện Bảo tàng cách mạng: “... Mỗi hiện vật gợi lại cho em một sự kiện lịch sử em đã học, mà đến nay em mới tận mắt được nhìn thấy”. Một em khác cho rằng: “Lịch sử cách mạng gần đây hình như bị lãng quên, truyền thống là cái gốc để một dân tộc từ đó mà đi lên, để cho con người từ đó sống tốt hơn, đẹp hơn” (Trần Thanh Huyền, lớp 12C Trường PTTH Đoàn Kết). Trên phiếu “Tìm hiểu lịch sử Việt Nam”, em Nguyễn Thùy Trúc, học sinh lớp 9A2 Trường THCS Thanh Quan, Hà Nội đã nói lên cảm xúc của mình khi được đến tham quan và học tập tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia: “Bước chân vào cỗ máy thời gian – Bảo tàng Lịch sử Quốc gia để quay về quá khứ, khám phá lịch sử đất nước Việt Nam từ thời tiền sử đến nay, tôi thấy vô cùng hứng thú. Những kiến thức lịch sử cứ đưa tôi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Tôi càng biết nhiều hơn, tôi càng yêu lịch sử của dân tộc. Yêu những di tích còn sót lại thời kỳ đồ đá...yêu văn hóa trống đồng đặc sắc, yêu những năm tháng đấu tranh chống giặc ngoại xâm anh dũng của dân tộc. Qua buổi tham quan hôm nay, cho tôi có quyền được tự hào về lịch sử Việt Nam và càng nhận thấy rõ trách nhiệm của mình với đất nước, quyết tâm xây dựng Việt Nam ngày một tươi đẹp để đền đáp công ơn của cha anh đã làm trong quá khứ. Tôi yêu lịch sử Việt Nam!”

Nằm trong hệ thống Bảo tàng cách mạng, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh là Bảo tàng lưu niệm sự kiện lịch sử tiêu biểu của Đảng cộng sản Việt Nam và quê hương Nghệ Tĩnh. Gần 60 năm xây dựng và phát triển, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh luôn đặt công tác giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống yêu nước cho mọi thế hệ đặc biệt là thế hệ trẻ học đường lên trên hết, là nhiệm vụ hàng đầu. Một vấn đề xã hội nổi bật hiện nay là thực trạng thờ ơ, yếu kém về việc dạy và học môn lịch sử trong các nhà trường, tình trạng vắng khách đến báo động của các bảo tàng dẫn đến thế hệ trẻ kém hiểu biết lịch sử dân tộc, truyền thống cách mạng của cha ông, ảnh hưởng không nhỏ đến việc hình thành nhân cách, xây dựng lòng tự tôn, tự hào dân tộc, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá quê hương. Để nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học phổ thông, chú trọng chất lượng giáo dục toàn diện, xây dựng và đưa các nội dung giáo dục truyền thống lịch sử, truyền thống cách mạng, văn hóa xứ Nghệ…vào các trường học, với các hình thức phong phú, đa dạng để học sinh dễ học, dễ hiểu, dễ tiếp thu. Tháng 12/2005, Sở Văn hóa - Thông tin và Sở Giáo dục- Đào tạo Nghệ An đã thống nhất chủ trương đưa giáo dục lịch sử Xô Viết Nghệ Tĩnh vào học trong nhà trường. Ngày 6/7/2007, hai ngành chính thức ban hành Kế hoạch số 1341/SVHTT- SGDĐT về giáo dục truyền thống XVNT cho học sinh THCS và THPT.

Trong suốt hơn 10 năm (2007-2019) thực hiện kế hoạch giáo dục, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã triển khai thực hiện kế hoạch phối hợp giữa hai ngành như: Biên soạn hai bài giảng ngoại khoá về Xô Viết Nghệ Tĩnh cho học sinh lớp 9 và lớp 12; Phối hợp với Đài PTTH Nghệ An xây dựng phim khoa giáo “ Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 1930-1931” phục vụ tiết học ngoại khóa cho các trường học; Làm tốt công tác đón tiếp, hướng dẫn, thuyết minh cho học sinh các trường; Bảo tàng XVNT đã phối hợp với các địa phương, nhà trường tổ chức: Câu lạc bộ lịch sử; giao lưu văn hóa; trưng bày lưu động; giao lưu; đối thoại với nhân chứng lịch sử; nói chuyện chuyên đề; tổ chức cuộc thi “thuyết minh viên nhí”... Sau mỗi chương trình, lãnh đạo nhà trường, giáo viên bộ môn lịch sử và lãnh đạo Bảo tàng đã họp, hội ý nhằm đánh giá, rút kinh nghiệm để lần sau tổ chức tốt hơn; Trong việc xây dựng mô hình “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã giúp trường lập danh mục di tích Xô Viết Nghệ Tĩnh đã được xếp hạng để học sinh có thể vừa tổ chức học ngoại khóa vừa nhận chăm sóc di tích tại địa phương mình. Ngoài ra bảo tàng còn cung cấp tài liệu, các ấn phẩm cho các trường làm tư liệu giảng dạy, giáo dục truyền thống cách mạng cho học sinh như cuốn: Chiếc va ly màu đỏ, Ráng đỏ Hồng Lam, Kỷ yếu Hội thảo khoa học 65 năm, 70 năm XVNT, Tập sách Nghệ An - những tấm gương cộng sản; những mẩu chuyện về danh nhân và tấm gương dũng cảm, kiên trung của các chiến sỹ cộng sản trong phong trào XVNT như: Nguyễn Phong Sắc, Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Hà Huy Tập, Nguyễn Sỹ Sách, Lê Mao, Phan Thái Ất…; Tuyên truyền về Xô Viết Nghệ Tĩnh trên các phương tiện thông tin đại chúng như Wes, Fanpage; mở rộng liên kết trang thông tin điện tử của Bảo tàng với công chúng trong và ngoài nước, các công ty lữ hành và các cộng tác viên của báo Nghệ An, báo Lao Động, Tạp chí Văn hóa Nghệ An, Tạp chí Thông tin Sở KH-CN…

Từ khi triển khai đến nay (2007-2019), số học sinh trong các trường học được đến tham quan, học tập tại  Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh ngày càng nhiều hơn. Số lượng học sinh được tham quan trưng bày lưu động, được tham gia giao lưu văn hóa, thi tìm hiểu lịch sử, nghe nói chuyện truyền thống, xem phim khoa giáo về phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh đã tăng lên, trong đó có một số trường ở miền núi như Con Cuông, Nghĩa Đàn, Quỳ Châu, Tân Kỳ, Quế Phong.... Ước tính số lượng học sinh trong tỉnh đến tham quan, học tập tại Bảo tàng Xô Viết hàng năm là gần 20 ngàn lượt. Hầu hết các trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh Nghệ An như THPT Huỳnh Thúc Kháng, Lê Viết Thuật, Hà Huy Tập, Nguyễn Sỹ Sách, Đặng Thúc Hứa…hàng năm đều tổ chức cho học sinh đến tham quan Bảo tàng Xô Viết và duy trì thành nề nếp. Một số trường ở các huyện như: Tương Dương, Kỳ Sơn, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Quế Phong…mặc dù xa xôi nhưng những năm học  2017-2018, 2018-2019 các nhà trường đã phối hợp với các công ty lữ hành tổ chức cho các em về tham quan, học tập tại Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh. Qua đó, nhận thức, hiểu biết của các em về lịch sử địa phương, về phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh sâu sắc hơn.

Có thể nói rằng việc tham quan, học tập tại bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh đã thu được kết quả tốt về mặt giáo dưỡng (kiến thức), giáo dục (tư tưởng, phẩm chất, đạo đức) và kỹ năng (tư duy, thực hành). Phần lớn giáo viên bộ môn lịch sử thấy được sự cần thiết trong việc sử dụng các tài liệu, hiện vật, hình ảnh của Bảo tàng để nâng cao chất lượng dạy học bộ môn. Về phía học sinh các em cũng rất hứng thú vì có dịp được học tập, ôn lại truyền thống lịch sử, cách mạng của quê hương, của đất nước một cách tương đối có hệ thống. Các em đã xác định được trách nhiệm của mình trong việc kế thừa truyền thống yêu nước và cách mạng của cha anh. Nhiều em học sinh lớp 11, 12 đã rút ra kết luận: phải thực sự tỉnh táo, không được phủ nhận quá khứ, phải bảo vệ giữ gìn truyền thống tốt đẹp của cha ông (Nguyễn Thị Thảo, trường PTTH Huỳnh Thúc Kháng).  Thông qua hệ thống trưng bày của Bảo tàng, kiến thức lịch sử mà các em đã được học ở nhà trường sẽ được củng cố và nâng cao, tác dụng về nhận thức và tình cảm của các em rất rõ rệt, thể hiện rõ nét ở các bài thu hoạch, bài cảm tưởng sau khi tham quan Bảo tàng. Em Nguyễn Phạm Vân Trinh, Lê Nguyễn Phương Linh, lớp 9C, Trường THCS Lê Mao đã viết: “Hôm nay, chúng em những học sinh khối 9 trường THCS Lê Mao vinh dự được về tham quan, học tập tại Bảo tàng XVNT. Sau chuyến tham quan đã giúp chúng em học hỏi được rất nhiều bài học đáng quý về lòng yêu nước của các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì dân tộc để cho chúng em có được cuộc sống hòa bình, ấm no, hạnh phúc. Chúng em được hiểu biết thêm về lịch sử dân tộc, cảm nhận được những mất mát của đất nước. Qua đó chúng em như được nung nấu thêm tấm lòng yêu nước, rèn luyện ý chí bảo vệ dân tộc. Đây là động lực để chúng em chăm chỉ học tập, rèn luyện đạo đức để trở thành công dân tốt, góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp. Chúng em xin hứa sẽ luôn cố gắng rèn luyện để làm tròn trách nhiệm những chủ nhân tương lai của đất nước, luôn trung thành  với dân tộc để không phụ sự hy sinh xương máu của các thế hệ cha anh”.

Trong các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam, yêu nước là giá trị cao nhất, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ lịch sử Việt Nam. Nó thể hiện nổi bật mỗi khi người Việt Nam đánh giặc ngoại xâm. Truyền thống yêu nước và cách mạng của dân tộc Việt Nam là nguyên tắc đạo đức và chính trị, là tình yêu và lòng trung thành với Tổ quốc, lòng tự hào về quá khứ và hiện tại, ý chí bảo vệ những lợi ích của dân tộc. Giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cho nhân dân, cho tuổi trẻ, trong đó có tuổi trẻ học đường, hiển nhiên không phải là nhiệm vụ, là chức năng riêng có của Bảo tàng XVNT mà là nhiệm vụ chung của mọi Bảo tàng có hiện vật ở nước ta hiện nay. Thông qua hệ thống trưng bày với hàng ngàn tư liệu, hiện vật gốc Bảo tàng đã và đang ngày càng khẳng định được vai trò của mình trong công tác giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng, trở thành trường học lịch sử cách mạng cho mọi thế hệ, đúng như cảm nhận của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đến tham quan Viện Bảo tàng cách mạng, được người kể lại trên Báo nhân dân số ra ngày 4/7/1959 với nhan đề bài viết “Xem Bảo tàng Cách mạng”: “Hôm cùng đi xem Viện bảo tàng Cách mạng với Tổng thống Xu-các-nô, một người bạn nói một cách thân thiết “Nếu người ta chú ý, thì xem Viện Bảo tàng Cách mạng một lần cũng bằng học một pho lịch sử cách mạng”.     

Trần Thị Kim Phượng - Bảo tàng XVNT

Tài liệu tham khảo

1. Timothy Ambrose and Crispin paine (2000), Cơ sở Bảo tàng, Lê Thúy Hoàn dịch, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Hà Nội.

2.  Gary Edson và David Dean (2001), Cẩm nang Bảo tàng, Hà Nội.

3. M. Harrison, Vấn đề giáo dục và các viện Bảo tàng, Phan Đình Giễm dịch,  Tài liệu dịch của Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.

4.. Hồ Chí Minh (1997), Về văn hóa văn nghệ, Nxb. Văn hóa, Hà Nội. 

Video