266
601
4358
16743
34073
6825188
Vào mùa thu này, dân tộc Việt Nam đứng trước một thời điểm Lịch sử trọng đại - bên thềm bước vào thiên niên kỷ mới. Toàn Đảng và toàn dân ta đang nhìn lại những chiến công oanh liệt của dân tộc, của Đảng trong thế kỷ XX để phát huy sức mạnh đoàn kết hướng tới Đại hội IX của Đảng, hướng tới sự nghiệp CNH, HĐH đất nước trong thế kỷ XXI với một niềm tin mãnh liệt vào thắng lợi vào tiền đồ tươi sáng của Tổ quốc Việt Nam XHCN. Đúng vào thời điểm ấy. Kỷ niệm 70 năm Xô Viết Nghệ - Tĩnh (1930-2000) trên thành phố Đỏ của quê hương Bác Hồ là một biểu hiện sinh động, thiết thực có ý nghĩa lớn theo tinh thần đổi mới của Đảng.
Suốt 70 năm qua, kể từ khi phong trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh diễn ra, Lịch sử dân tộc, Lịch sử Đảng ta luôn luôn ghi đậm sự nghiệp to lớn, vẻ vang của Xô Viết Nghệ - Tĩnh. Vì Xô Viết Nghệ - Tĩnh là đỉnh cao của cao trào cách mạng 1930-1931 do ĐCS Đông Dương lãnh đạo; là sự kiện lớn “rung trời chuyển đất” trong phong trào cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam đầu thế kỷ XX; là dấu son đỏ chói đầu tiên trên bước đường Đảng lãnh đạo nhân dân ta đấu tranh gian khổ, hi sinh để giành lại Độc lập dân tộc, giành chính quyền, quyền làm chủ đất nước, xây dựng xã hội mới – xã hội XHCN ở Việt Nam. Diễn ra ngay sau khi Đảng mới ra đời, có đường lối đúng; lực lượng quần chúng cách mạng đông đảo tỏ rõ sức mạnh phi thường, tuy tồn tại một thòi gian ngắn và có những hạn chế của Lịch sử, nhưng thắng lợi của Xô Viết Nghệ - Tĩnh có tiếng vang rộng lớn. Đó là trận tấn công quyết liệt đầu tiên vào ách thống trị của đế quốc thực dân, phong kiến thống trị Đông Dương dưới ảnh hưởng vũ khí lý luận của chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và quan điểm cách mạng dân tộc dân chủ của Đảng, mở ra một thời kỳ mới cho cách mạng Việt Nam đi con đường cách mạng vô sản. Xô Viết Nghệ - Tĩnh khẳng định sức mạnh vĩ đại của khối đoàn kết toàn dân mà biểu hiện lúc đó là Công – Nông, học sinh, trí thức và binh lính yêu nước; khẳng định sức sáng tạo cách mạng của nhân dân trong đánh đổ đế quốc, phong kiến, lập chính quyền dân chủ: khẳng định vai trò lãnh đạo quyết định của giai cấp công nhân, của ĐCS Việt Nam. Sự nghiệp vĩ đại của Xô Viết Nghệ - Tĩnh là đã rèn luyện lực lượng cách mạng hùng hậu, để lại những bài học kinh nghiệm quý báu cho các thời kỳ cách mạng về sau. Những bài học đó là: giương cao ngọn cờ Độc lập dân tộc và CNXH; giải quyết đúng đắn mối quan hệ kết hợp giữa hai nhiệm vụ chiến lược chống đế quốc và chống phong kiến; nêu cao sự nghiệp cách mạng của toàn dân, thực hiện đoàn kết dân tộc, đoàn kết các nước Đông Dương, đoàn kết Quốc tế; dùng cách mạng bạo lực với các hình thức bạo lực của nhân dân như khởi nghĩa địa phương, khởi nghĩa từng phần lên tổng khởi nghĩa toàn dân trong cả nước, bài học tình thế cách mạng, kết hợp cách mạng trong nước với cách mạng thế giới; bài học xây dựng Đảng kiểu mới, liên hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, tích cực vận động nhân dân đấu tranh trên cơ sở kiên định mục tiêu lâu dài mà thực hiện những mục tiêu trước mắt. Những bài học, kinh nghiệm đó của Xô Viết Nghệ - Tĩnh đã được Đảng ta vận dụng, phát triển qua mỗi thời kỳ lịch sử. Nhờ đó mà có thắng lợi của cao trào Mặt trận dân chủ (1936-1939); thành công của Cách mạng tháng Tám (1945), dẫn tới thắng lợi của cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp và thắng lợi của cuộc kháng chiến 20 năm chống đế quốc Mỹ xâm lược. Do đó, dù bị đế quốc Pháp và phong kiến dìm trong biển máu đàn áp, khủng bố, sự nghiệp của Xô Viết Nghệ - Tĩnh là bất tử.
Đã từ lâu, tuyên truyền giới thiệu sự nghiệp của Xô Viết Nghệ - Tĩnh đã trở thành nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân ta; của các cơ quan nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn; của các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, nghệ thuật; trong đó có các nhà nghiên cứu lịch sử Đảng và Tạp chí Lịch sử Đảng. Ra đời năm 1983, Tạp chí đã xác định rõ nhiệm vụ là cơ quan ngôn luận, là diễn đàn khoa học của ngành Lịch sử Đảng, giới thiệu những vấn đề cách mạng Việt Nam, tư tưởng Hồ Chí Minh, những sự kiện cách mạng thế giới liên quan đến cách mạng nước ta, những nhân vật lịch sử tiêu biểu của dân tộc, của Đảng và nhân dân ta…Trong khi thực hiện mục đích tôn chỉ của mình, Tạp chí đã thực hiện một nhiệm vụ quan trọng là tuyên truyền, giới thiệu, nghiên cứu sự nghiệp Xô Viết Nghệ - Tĩnh.
Kế tục sự nghiệp của tờ Nội san nghiên cứu Lịch sử Đảng của BNCLSĐTW, những năm 1983-1989, trên Tạp chí LSĐ đã có nhiều bài tư liệu, bài nghiên cứu về Xô Viết Nghệ - Tĩnh, như số 2-1984, số 2-1986, số 1-1989, số 3-1989. Năm 1990 là năm ghi đậm dấu ấn trên Tạp chí về tuyên truyền giới thiệu sự nghiệp Xô Viết Nghệ - Tĩnh. Với sự hợp tác của Bảo tàng Xô Viết Nghệ - Tĩnh, tạp chí ra số đặc biệt (9-1990) Kỷ niệm 60 năm Xô Viết Nghệ - Tĩnh (1930-1990). Trong số này, với 68 trang nội dung, 4 trang bìa màu, Tạp chí đã đăng toàn bộ nhiều bài, ảnh tư liệu, hồi ký, nghiên cứu giành cho phong trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh. Đáng chú ý là các bài: “Nghệ Tĩnh Đỏ” của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc; bài “Phát huy truyền thống Xô viết trong sự nghiệp đổi mới” của Nguyễn Bá, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ - Tĩnh, nhiều bài nghiên cứu của các tác giả ở cơ quan Trung ương và địa phương như GS Đinh Xuân Lâm, PGS. TS Trịnh Nhu, TS Triệu Quang Tiến, TS Trình Mưu, TS Nguyễn Thanh Tâm, PGS. TS Đức Vượng, PGS. TS Phạm Xanh, PGS. TS Phạm Quang Hưng, nhà nghiên cứu Ninh Viết Giao, Đặng Thắng Châu – Giám đốc Bảo tàng Xô viết, Bùi Ngọc Tam, Phan Xuân Thành, Trương Quế Phương, Hoàng Minh Truyền; các tác giả nước ngoài như M.Tôrê, A.Viôlít, Ixaep, Trécnưxép, D.Hebơcxtem. Đặc biệt có hai hồi ký quan trọng của hai đồng chí lão thành cách mạng, những nhân chứng lịch sử Nguyễn Lợi, Lê Lộc. Số tạp chí đó còn giới thiệu các bài viết về các di tích của Xô Viết Nghệ - Tĩnh như Ngã ba Bến Thủy, di tích Thái Lão, Làng đỏ Hưng Dũng, cầu Bùng, nhà thờ họ Nguyễn Duy, nơi làm việc của Tỉnh uỷ Nghệ An, di tích nhà đồng chí Mai Kính, nơi họp Đại hội Đảng bộ Hà Tĩnh, Đình Võ Liệt ( Thanh Chương), Đình Đỉnh Lữ (Can Lộc), những chiếc trống Xô Viết, lá cờ đỏ, chiếc mõ Hương Sơn, giếng nước Tây Hồ…do các cán bộ Bảo tàng Xô Viết thực hiện. Có thể nói, đây là tập chuyên san đầu tiên của Tạp chí LSĐ tuyên truyền, giới thiệu khá đầy đủ về diễn biến, ý nghĩa lịch sử và sự nghiệp to lớn của Xô Viết Nghệ - Tĩnh. Số tạp chí này được các nhà khoa học trong nước và ngoài nước; được đoàn cán bộ Tạp chí Những vấn đề lịch sử Đảng cộng sản Liên Xô, khi sang thăm và làm việc tại Viện Mác-Lênin (Việt Nam) đánh giá cao.
Trong những năm 1991-1996, là cơ quan ngôn luận khoa học về Lịch sử Đảng, chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh của Viện Mác-Lê nin, Tạp chí Lịch sử Đảng tiếp tục giới thiệu các bài nghiên cứu, tư liệu về phong trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh. Số 1-1991, giới thiệu bài thơ của Lê Hồng Phong ca ngợi quê hương Lam - Hồng, tổng kết bài học, kinh nghiệm của Xô Viết Nghệ - Tĩnh. Số 1-1993, giới thiệu chuyên mục Hà Tĩnh - Lịch sử và hiện tại với bài viết của Bí thư Tỉnh uỷ Trần Quốc Thại, TS Đặng Duy Báu – Phó Bí thư Tỉnh ủy, GS Đinh Xuân Lâm, trong đó nêu bật nội dung phát huy truyền thống Xô viết năm 1930 và các thời kỳ lịch sử kế tiếp vào công cuộc đổi mới xây dựng Hà Tĩnh. Số 1-1994, Tạp chí giới thiệu bài “Đảng ta” của Trần Thắng Lợi, bí danh của Bác Hồ, viết năm 1949 ở Việt Bắc in trên tờ Sinh hoạt nội bộ do đồng chí Trường Chinh phụ trách. Trong bài đó có đánh giá Xô Viết Nghệ - Tĩnh càng gần giống như cuộc cách mạng Nga 1905, Xô Viết Nghệ - Tĩnh lôi cuốn được cả nông dân, học sinh, đã lập được chính quyền nhân dân, đã làm cho đế quốc Pháp kinh sợ, “Xô viết Nghệ An là cuộc cách mạng oanh liệt đầu tiên do giai cấp vô sản Việt Nam lãnh đạo”. Số 5-1994, Tạp chí giới thiệu chuyên mục Nghệ An làm theo lời Bác Hồ dạy, hợp tác với tiểu ban NCLSĐ Tỉnh uỷ Nghệ An, với các bài của các đồng chí lãnh đạo tỉnh: Nguyễn Bá, Bạch Hưng Đào; các nhà nghiên cứu Phong Lê, Phan Đại Doãn, Bùi Ngọc Tam, Hoàng Minh Truyền…nhấn mạnh Đảng bộ, nhân dân Nghệ An phát huy truyền thống Xô Viết Nghệ - Tĩnh, thực hiện lời dạy của Bác Hồ vào các thời kỳ đấu tranh dân chủ. Cách mạng tháng Tám, kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ và đổi mới. Số 6-1994, Tạp chí giới thiệu một tư liệu quý do GS Đinh Xuân Lâm lấy từ kho lưu trữ Paris (Pháp) cung cấp: “Nghị quyết về việc vận động bênh vực Nghệ An Đỏ và chống khủng bố”, nội dung tố cáo những chính sách của chính phủ thuộc địa, kêu gọi các đồng chí đấu tranh bảo vệ các Đảng viên bị bắt ở Nghệ An và ngăn chặn chính phủ thuộc địa tăng cường đàn áp đối với Đảng ta trong phong trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh.
Năm 1995, hướng tới kỷ niệm 65 năm ngày Xô Viết Nghệ - Tĩnh, từ số 1-1995, Tạp chí đăng bài “Kỉ niệm 4 năm thành lập Đảng” do Nguyễn Ái Quốc viết năm 1934. Bài tư liệu khẳng định ĐCS Đông Dương lập ngày 3-2-1930, phong trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh diễn ra sau khi Đảng ra đời là một phong trào chưa từng có, tràn ngập xứ Trung Kỳ. Tồn tại 4 tháng, Xô Viết Nghệ - Tĩnh là “một vinh quang trong lịch sử cách mạng Đông Dương”. Số 4-1995. Tạp chí giới thiệu bài viết của Phan Xuân Thành, khẳng định thêm vai trò to lớn của Tự vệ đỏ trong Xô Viết Nghệ - Tĩnh, là “mầm mống đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng của Đảng ta”.
Đặc biệt số 5-1995, số Kỷ niệm 65 năm Xô Viết Nghệ - Tĩnh (1930-1995) với bài phát biểu của Tổng bí thư Đỗ Mười: “Phát huy tinh thần Xô Viết Nghệ - Tĩnh, tiếp tục đưa sự nghiệp đổi mới tiến lên”; các bài nghiên cứu của GS Đinh Xuân Lâm, PGS. TS Chương Thâu, TS Nguyễn Thanh Tâm, TS Đinh Trần Dương, TS Đức Vượng, nhà nghiên cứu Bùi Ngọc Tam, tiếp tục làm rõ thêm về tư liệu, nhận định các vấn đề vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Xứ ủy Trung Kỳ, vấn đề ruộng đất, những chính sách khủng bố của đế quốc Pháp, quan hệ giữa Phan Bội Châu với Xô Viết Nghệ - Tĩnh, những tư liệu mới giúp cho việc nghiên cứu, tái hiện Xô Viết Nghệ - Tĩnh. Những bài viết đó là một phần kết quả trong cuộc hội thảo khoa học lớn về Xô Viết Nghệ - Tĩnh do Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An tổ chức (9-1995).
Năm 1996, trên các số 3, số 5, số 6, Tạp chí tiếp tục giới thiệu những tư liệu mới của Cục lưu trữ Trung ương về Xô Viết Nghệ - Tĩnh. Đó là 3 tài liệu: Kế hoạch và NQ thi hành trong tháng 10; Phát biểu của đại biểu ĐCS tại buổi lễ truy điệu những người hi sinh trong cuộc biểu tình năm 1930; Thư của Tỉnh bộ Nghệ An (6-4-1931) gửi các huyện bộ về tổ chức nông hội chuẩn bị biểu tình. Số 5-1996, Tạp chí giới thiệu chuyên mục Đảng bộ và nhân dân Can Lộc phát huy truyền thống trong sự nghiệp đổi mới, với các bài của các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy Đặng Chính, Phan Văn Sĩ, có nội dung về sự nghiệp Xô Viết Nghệ - Tĩnh. Số 6-1996, giới thiệu thêm về cuộc biểu tình 1-8-1930 ở Can Lộc của Nguyễn Xuân Đình.
Từ năm 1997 đến nay, Tạp chí Lịch sử Đảng là cơ quan ngôn luận khoa học của Học viện CTQG Hồ Chí Minh. Trong thời gian này, phát hành mỗi tháng một kỳ. Tạp chí có điều kiện giới thiệu nhiều về sự nghiệp Xô Viết Nghệ - Tĩnh. Số 1-1997, giới thiệu đồng chí Đặng Thái Thuyến, người cộng sản kiên cường trong phong trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh của TS Đinh Trần Dương. Số 4-1997 có bài “Thanh Chương trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh” của Bùi Ngọc Tam. Số 9-1997 có bài “Đồng chí Lê Hồng Phong với việc tổng kết kinh nghiệm phong trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh” của TS Nguyễn Thanh Tâm. Số 10-1997 có bài “Kỷ niệm cách mạng tháng Mười trong cao trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh” của GS Phan Ngọc Liên, PGS TS Nguyễn Đình Lễ.
Tháng 7-1998, số Tạp chí hợp tác với Bảo tàng Hà Tĩnh, giới thiệu công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa ở Hà Tĩnh trong đó có cụm di tích Xô Viết ở Ngã ba Nghèn. Các số 9,10,11-1998 đều có bài giới thiệu tư liệu về phong trào này. Năm 1999, các số 1, số 7, số 12 có các bài “Vai trò của Xứ uỷ trong thời kỳ 1930-1945” (TS Trình Mưu): “Bảo tàng Xô Viết Nghệ - Tĩnh thực hiện lời dạy của Bác Hồ”, “Nguyễn Phong Sắc với sự ra đời của công hội Nghệ An”, “Nguyễn Sỹ Sách – nhà cách mạng tiền bối” (Trương Quế Phương) đều liên quan đến Xô Viết Nghệ - Tĩnh.
Năm 2000, thực hiện chỉ thị của Bộ Chính trị về kỷ niệm những ngày lễ lớn, từ số 1-2000, với sự tiếp tục cộng tác của Bảo tàng Xô Viết, Tạp chí LSĐ tiếp tục ra chuyên mục Kỷ niệm 40 năm thành lập Bảo tàng Xô Viết Nghệ - Tĩnh (1960-2000), với nhiều bài viết của các đồng chí Trương Công Anh - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An, Hồ Hữu Thới – Giám đốc Sở Văn hóa Nghệ An, Xuân Hoài – Giám đốc Sở Văn hóa Hà Tĩnh, Phan Xuân Thành – Giám đốc Bảo tàng Xô Viết và một số cán bộ bảo tàng. Những bài viết đó đều nhấn mạnh hoạt động của Bảo tàng trong 40 năm qua nhằm bảo vệ, tôn tạo các di tích, phát huy truyền thống giáo dục sự nghiệp Xô Viết Nghệ - Tĩnh cho cán bộ, đảng viên nhân dân Nghệ Tĩnh, nhiều địa phương trong nước và nhiều đoàn khách quốc tế. Tiếp đó các số 2, số 8 -2000 có bài giới thiệu về liệt sỹ Hoàng Lạc – cán bộ Xứ ủy Trung Kỳ trong phong trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh (TS Đinh Trần Dương), liệt sỹ Nguyễn Văn Tường, một đảng viên gốc giáo kiên cường bất khuất trong những năm 1930-1933 (Trương Quế Phương).
Liệt kê một cách khá chi tiết, nhưng chưa thể nói hết những bài viết về Xô Viết Nghệ - Tĩnh trên Tạp chí LSĐ. Có thể nói từ khi thành lập đến nay. Tạp chí LSĐ đã qua 17 năm, xuất bản 117 số qua 3 thời kỳ các cơ quan chủ quản: Viện Lịch sử Đảng, Viện Mác-Lênin, Học viện CTQG Hồ Chí Minh. Mỗi thời kì là một bước tiến trưởng thành của Tạp chí cả về nội dung và hình thức. Tạp chí đã giành nhiều số, một số lượng trang đáng kể để tuyên truyền, giới thiệu, nghiên cứu về sự nghiệp Xô Viết Nghệ - Tĩnh, về truyền thống các Đảng bộ , nhân dân về thành tích đổi mới ở hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Những bài viết tư liệu đăng trên Tạp chí nói về Xô Viết Nghệ - Tĩnh là những tư liệu quý, có giá trị nghiên cứu đúc kết thực tiễn lịch sử hào hùng, khái quát thành lý luận, đã góp phần vào việc nghiên cứu, dựng lại quá trình hiện thực Xô Viết Nghệ Tĩnh - cuộc tổng diễn tập đầu tiên của cách mạng nước ta.
Sở dĩ Tạp chí Lịch sử Đảng có được những dịp may mắn và vinh dự tuyên truyền giới thiệu về sự nghiệp Xô Viết Nghệ - Tĩnh là nhờ sự quan tâm chỉ đạo, ủng hộ của các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND; sự hợp tác của các Ban tuyên giáo, Sở Văn hóa, các Bảo tàng Xô viết, Bảo tàng Lịch sử, một số ban ngành trong hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Tạp chí được sự công tác chặt chẽ, nhiệt tình của các nhà khoa học của các cơ quan nghiên cứu ở Trung ương; các cán bộ làm công tác tư tưởng, nghiên cứu Lịch sử Đảng, Lịch sử dân tộc, Bảo tồn, Bảo tàng ở Nghệ An, Hà Tĩnh; của đông đảo bạn đọc ở địa phương và trong cả nước.
Sự nghiệp Xô Viết Nghệ - Tĩnh đã, đang và sẽ mãi mãi là bất tử cùng với sự nghiệp cách mạng đi lên của Đảng ta, nhân dân ta. Cùng với nhiều vấn đề Lịch sử Đảng, nhiều vấn đề về Lịch sử Xô Viết Nghệ - Tĩnh còn cần phải được tiếp tục được nghiên cứu, soi sáng. Là cơ quan ngôn luận nghiên cứu Lịch sử Đảng toàn quốc, Tạp chí LSĐ hi vọng tiếp tục là công cụ quan trọng, người tuyên truyền cổ động tập thể, là diễn đàn chung để tích cực tuyên truyền, giới thiệu với bạn đọc về sự nghiệp khai phá con đường đi tới thắng lợi của Xô Viết Nghệ - Tĩnh anh hùng.
TS. Nguyễn ThanhTtâm
Phó Tổng biên tập Tạp chí Lịch sử Đảng