Tự vệ đỏ trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh và sưu tập những tài liệu, hiện vật tiêu biểu của Tự vệ Đỏ hiện đang được lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh

Tác giả: admin
Ngày 2017-07-24 02:22:50

Trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931, do yêu cầu bảo vệ phong trào đấu tranh của quần chúng, các đội Tự vệ đỏ đã ra đời. Tự vệ đỏ được tuyển chọn từ những thanh niên ưu tú, trung thành, dũng cảm, giỏi võ, có tinh thần hăng hái, tháo vát, có sức khỏe tốt trong các tổ chức Công hội đỏ, Nông hội đỏ, Đoàn thanh niên Cộng sản v.v… Các đội tự vệ đã được tổ chức thành các đội vũ trang để bảo vệ người dân đấu tranh đòi các quyền dân sinh, dân chủ và trong các cuộc mít tinh, biểu tình chống thực dân Pháp, bảo vệ chính quyền Xô Viết Nghệ Tĩnh, bảo vệ nhân dân và các cơ quan Xứ ủy, Tỉnh ủy và Huyện ủy khi rút lui vào hoạt động bí mật, bảo vệ an toàn cho các cuộc hội họp của Đảng, vận động quần chúng chống khủng bố trắng

Hiện nay tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh đang lưu giữ gần 200 tài liệu, hiện vật tiêu biểu của Tự vệ Đỏ trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh bao gồm: ảnh chân dung các chiến sỹ và những đội tự vệ tiêu biểu; ảnh di tích ghi dấu những sự kiện tiêu biểu cùng nhiều hiện vật mà lực lượng Tự vệ Đỏ đã sử dụng trong phong trào cách mạng 1930-1931.

Từ cuộc đấu tranh mở đầu phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, lực lượng Tự vệ đỏ đã dũng cảm tham gia đấu tranh và treo cờ đỏ búa liềm để cổ vũ nhân dân. Bảo tàng hiện còn lưu giữ và trưng bày sưu tập cờ của tự vệ Nghi Xuân, Đô Lương, Hương Khê, Can Lộc để cổ vũ nhân dân trong cuộc đấu tranh ngày 1/5/1930…

Khi tập trung đội viên bảo vệ các cuộc họp của Đảng, tập hợp quần chúng đi mít tinh, biểu tình, đi học chữ quốc ngữ, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ…, các đội tự vệ Đỏ đã sử dụng những vật dụng quen thuộc như: tù và, mõ, chiêng, thanh la. Ngoài ra, Bảo tàng còn lưu giữ và trưng bày bộ sưu tập trống mà lực lượng Tự vệ Đỏ đã sử dụng, tiêu biểu như: trống của Tự vệ Đỏ Lộc Đa, Đô Lương, Con Cuông dùng làm hiệu lệnh tập trung đội viên luyện tập quân sự, đi canh gác, bảo vệ an ninh thôn xóm; trống của Tự vệ Đỏ Hưng Nguyên dùng tập hợp nhân dân các làng đi biểu tình trong ngày 12/9/1930… Tiếng tù và, tiếng mõ, thanh la và tiếng trống vang lên từ những mái đình làng, từ những miền thôn quê Nghệ Tĩnh không chỉ thôi thúc quần chúng đứng lên đấu tranh mà còn làm cho kẻ thù hoang mang lo sợ. Những hiện vật này đang được lưu giữ và bảo quản gần như nguyên vẹn để phát huy giá trị trong việc tuyên truyền, giới thiệu, giáo dục cho khách tham quan khi ghé thăm Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Với tinh thần tự lực cánh sinh, các đội tự vệ còn tự chế tạo ra nhiều vũ khí thô sơ để luyện tập và chống lại kẻ thù như: gậy gộc, giáo, mác, nỏ, búa, kìm, quả đấm, dao găm, mã tấu, kiếm, lưỡi lê, chĩa ba răng, cào, cuốc, mìn chai, ống lói, dùi ngạnh, thước tay, thỏi thép... Đây là sưu tập vũ khí đa dang, phong phú về chủng loại, đơn giản về hình thức của Tự vệ đỏ sử dụng trong các cuộc đấu tranh, trấn áp kẻ thù năm 1930-1931. Du khách tham quan trong và ngoài nước khi tới tìm hiểu về phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh đều không khỏi ngạc nhiên, tự hào và khâm phục trước tinh thần, nghị lực phi thường của Tự vệ đỏ. Chỉ với những vũ khí thô sơ, tự tạo đó, Tự vệ đỏ đã dũng cảm xông pha trong các cuộc mít tinh, biểu tình, dám đương đầu với bom đạn, súng máy hiện đại của kẻ thù không ngại gian khổ, hy sinh. Nhiều đội Tự vệ như: Đặng Sơn (Đô Lương), Hương Sơn, Thái Yên (Đức Thọ), Thanh Hà (Thanh Chương), Phúc Sơn (Anh Sơn), Môn Sơn (Con Cuông)… đã lập được nhiều chiến công vang dội trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Tên tuổi của những đội viên Tự vệ đỏ như: Hoàng Trọng Trì, Trần Cảnh Bình, Nguyễn Văn Thường, Nguyễn Lâm Yên … đã đi vào sử sách và trở thành những tấm gương sáng ngời về tinh thần quả cảm và nghị lực phi thường trong đấu tranh cách mạng.

Không chỉ tham gia vào các cuộc đấu tranh sôi nổi của quần chúng nhân dân Nghệ Tĩnh từ những ngày đầu phong trào cách mạng nổ ra mà ngay sau khi chính quyền Xô Viết Nghệ Tĩnh ra đời, Các Ban chấp hành Nông hội đỏ đã sử dụng các Đội tự vệ đỏ để bảo vệ chính quyền non trẻ, trấn áp bọn phản cách mạng, giữ gìn an ninh thôn xóm và chống lại các cuộc khủng bố của thực dân Pháp.

Tại Hội nghị lần thứ nhất  (tháng 10/1930),  Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thành lập các đội tự vệ Đỏ: Mục đích của Đảng là lãnh đạo quần chúng võ trang bạo động. Vậy nên ngay từ bây giờ Đảng phải tổ chức bộ quân sự của Đảng để.

- Làm cho Đảng viên được quân sự huấn luyện.

- Giúp cho công nông hội tổ chức đội tự vệ.

- Vận động trong quân đội của bọn địch nhân"(1)

Với chủ trương đó tính đến tháng 6/1931, ở Nghệ Tĩnh đã thành lập được 411 đội tự vệ với 9.178 đội viên, trong đó có 322 đội viên tự vệ cảm tử và hàng trăm nữ tự vệ. Các đội Tự vệ đỏ đã thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng như: phát hiện và ngăn chặn mật thám, tay sai, lính đồn tấn công, phá hoại; thường xuyên canh gác bảo vệ an toàn cho các lớp học chữ quốc ngữ, các buổi diễn thuyết, nói chuyện, tuyên truyền về tinh thần yêu nước; gây áp lực yêu cầu địa chủ giảm tô, chia lại ruộng đất; vận động nhân dân thực hiện nếp sống mới; bảo vệ các phiên tòa của Xô viết Công - Nông xét xử bọn phản cách mạng; đe dọa, thị uy bọn hào lý, bang tá cứng đầu...

Khi thực dân Pháp thực hiện các cuộc khủng bố trắng để dập tắt phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, với những vũ khí thô sơ như giáo mác, gậy gộc… Tự vệ đỏ lại tiếp tục bảo vệ nhân dân và các cơ quan Xứ ủy, Tỉnh ủy và Huyện ủy rút lui vào hoạt động bí mật, bảo vệ an toàn cho các cuộc hội họp của Đảng, vận động quần chúng đấu tranh để duy trì phong trào cách mạng.

Bên cạnh hình ảnh các đội Tự vệ đỏ, chân dung của các đội viên, nhiều di tích liên quan đến hoạt động của Tự vệ đỏ đang được lưu giữ cẩn thận trong kho bảo quản của Bảo tàng. Đặc biệt, một số di tích gắn liền với những thắng lợi của Tự vệ Đỏ đã trở thành những điểm nhấn trong các mảng trưng bày như: đình Trung ở Thành phố Vinh nơi tự vệ tập trung bảo vệ Công – nông tham gia cuộc đấu tranh ngày 1/5/1930; cột đèn Ngã ba Bến Thủy, nơi tự vệ Trần Cảnh Bình treo cờ Đảng cổ vũ cuộc biểu tình ngày 1/5/1930; ga Yên Xuân ở Hưng Nguyên, nơi tự vệ cắt đứt đường dây điện thoại và bắt giữ trưởng ga ngày 12/9/1930; đình Long Ân ở Diễn Châu, nơi tự vệ tập trung đi bảo vệ cuộc đấu tranh ngày 7/11/1930; cây Đa Chính Vỵ ở Nghi Lộc, nơi tự vệ trừng trị tên tri huyện Tôn Thất Hoàn và 11 tên lính ngày 2/1/1931; dốc Động Đá ở Anh Sơn, nơi tự vệ giết tên đồn trưởng Pháp Perie ngày 28/8/1931; cánh đồng Bùi Xá ở Đức Thọ  nơi Tự vệ trừ khử tên tay sai gian ác Đỗ Văn Thiện ngày 14/4/1931…

Sự tham gia của Tự vệ đỏ trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh là sự khích lệ tinh thần, ý chí đấu tranh và là một chỗ dựa tin cậy cho quần chúng công nông trong cuộc đấu tranh không cân sức với kẻ thù. Có thể khẳng định rằng trong những thành quả đáng tự hào của chính quyền Xô Viết có phần đóng góp không nhỏ của Tự vệ đỏ.

Đến tham quan Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh, một trong những địa chỉ Đỏ tại thành phố Vinh, du khách không chỉ được ôn lại truyền thống đấu tranh hào hùng của nhân dân Nghệ Tĩnh trong cao trào cách mạng 1930-1931, mà thông qua những tài liệu, hiện vật sinh động, gần gũi, du khách còn được tìm hiểu sâu hơn về Tự vệ Đỏ - tiền thân của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam ngày nay.

Trần Thị Hồng Nhung – Bảo tàng XVNT

Chú thích:

(1) Trích Án Nghị quyết của Trung ương toàn thể Đại hội nói về tình hình hiện tại ở Đông Dương và nhiệm vụ cần kíp của Đảng tháng 10/1930. Văn kiện Đảng: Toàn tập (Ta2), NXB. CTQG, HN, Tr 116,1998) 

Video