Tự vệ đỏ trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh

Tác giả: admin
Ngày 2009-03-24 04:03:43

A. Phần mở đầu

I. Lí do chọn đề tài:

Xô Viết Nghệ Tĩnh, đỉnh cao của cao trào cách mạng 1930-1931 trong cả nước là cuộc đấu tranh giai cấp rung trời chuyển đất của quần chúng công- nông và nông dân Nghệ Tĩnh dưới sự lãnh đạo của hai tỉnh đảng bộ Nghệ An và Hà Tĩnh đã viết nên thiên anh hùng ca bất diệt trong chương đầu pho lịch sử bằng vàng của dân tộc ta. Báo Lao khổ của cơ quan Xứ Uỷ Trung kỳ số 13, ngày 18/9/1930 đã viết “Một người chết là nảy ra hàng trăm nghìn người cách mệnh, một tiếng súng bắn chết một người tức là tiếng gọi hàng trăm, hàng nghìn nổi dậy”.

Xô Viết Nghệ Tĩnh hoàn toàn khác với các cuộc bạo động của các hội kín, các chính Đảng trước đó, những cuộc bạo động chỉ do âm mưu của những người cầm đầu vì được thực hiện đơn thuần bằng biện pháp quân sự không có quần chúng nhân dân lao động tham gia. Xô Viết Nghệ Tĩnh nẩy mầm và phát triển trong cao trào đấu tranh cách mạng rộng lớn, là cuộc tổng diễn tập đầu tiên của quần chúng công nông sau khi có Đảng. Xô Viết Nghệ Tĩnh đã bước đầu góp phần khẳng định và làm phong phú thêm nhiều vấn đề cơ bản trong đường lối chiến lược và phương pháp cách mạng của Đảng. Một trong những lực lượng được Đảng tổ chức và lãnh đạo chặt chẽ là tự vệ đỏ và nông hội đỏ.

Để phục vụ ngày cáng tốt hơn về công tác nghiên cứu khoa học – trưng bày giới thiệu với mọi tầng lớp tham quan về những tài liệu, hiện vật lịch sử có liên quan đến vấn đề trên – để quần chúng lĩnh hội và làm sống lại không khí hào hùng oanh liệt, truyền thống đấu tranh bất khuất của Xô Viết Nghệ Tĩnh luôn luôn là nguồn sức mạnh cổ vũ động viên dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng tiếp tục cuộc chiến đấu đi đến thắng lợi ngày nay.

Xô Viết Nghệ Tĩnh là một sự kiện lịch sử vĩ đại của Đảng và có ý nghĩa quốc tế to lớn. Một trong vấn đề đó là phải tìm hiểu vai trò tự vệ đỏ và nông hội đỏ. Việc nghiên cứu công trình này đòi hỏi nhiều công sức và thời gian nhưng cũng là đề tài hấp dẫn đối với những cán bộ làm công tác nghiên cứu. Xuất phát từ lí do trên tôi quyết định chọn đề tài: Vai trò tự vệ đỏ và nông hội đỏ trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.

II. Quá trình nghiên cứu và đóng góp của đề tài.

Tác giả Nguyễn Trọng Cổn – viết về phong trào công nhân trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh giới thiệu và đề cập về nhiều vấn đề về phong trào công nhân và nông dân( Nhà xuất bản Lao Động, Hà Nội, năm 1980).  Bộ giáo trình lịch sử Đảng Cộng Sản Việt Nam do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia phát hành 1995, có nhiều phần tóm tắt về tự vệ đỏ và nông hội đỏ. Năm 1981 cuốn “ Xô Viết Nghệ Tĩnh” do Nhà xuất bản Sự thật Hà Nội cho ra đời được các nhà nghiên cứu quan tâm. Cuốn “ Lịch sử Công an Nghệ Tĩnh” tập 1, xuất bản năm 1985 ghi lại quá trình hình thành và đấu tranh của tự vệ đỏ.

Hơn 70 năm qua cứ đến ngày kỉ niệm Xô Viết Nghệ Tĩnh (12/9) trên các Tạp chí Cộng Sản, tạp chí Lịch sử Đảng...viết về phong trào và các tổ chức trong Xô Viết Nghệ Tĩnh. Các công trình nghiên cứu, các bài tham luận, các ý kiến phát biểu trong các hội thảo đều rất phong phú về nội dung, dồi dào về tư liệu. Tuy nhiên các công trình, các bài viết, các cuốn sách xuất bản đều đề cập chung chung và có tính chất khái quát, sơ lược chưa đề cập cụ thể về vấn đề cần nghiên cúu chi tiết cụ thể về vai trò của tự vệ đỏ và nông hội đỏ. Những kết quả và những bài học khinh nghiệm của hai tổ chức quan trọng này.

III. Quá trình tiến hành đề tài.

Ghi lại quá trình hình thành và phát triển, những kết quả mà tự vệ đỏ và nông hội đỏ đạt được trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh là công việc cần thiết quan trọng nhưng cũng rất khó khăn. Bởi vì sự kiện lịch sử đã xẩy ra cách đây gần 70 năm, nhiều chi tiết cụ thể đã đi vào dĩ vãng. Do đó việc xây dựng lại thực tế lịch sử một cách chính xác quả là việc làm rất khó khăn. Hơn nữa nghiên cứu về vai trò tự vệ đỏ, nông hội đỏ, yêu cầu người nghiên cứu phải khảo sát một khối tài liệu lớn, có khi quá khả năng của bản thân. Nhưng bằng những sự kiện lịch sử đã được chọn lựa, chúng tôi cố gắng minh hoạ nội dung đề tài nhằm làm sáng tỏ thêm một khía cạnh về vai trò, sứ mệnh của tự vệ và giai cấp nông dân từ ngày đầu khi mới thành lập Đảng.

Tuy nhiên bản thân cũng thấy đây là một chuyên đề khó. Hơn nữa vì khả năng có hạn, quá trình nghiên cứu, sưu tầm gặp nhiều khó khăn. Do vậy, nội dung, chất lượng đề tài chỉ mới bước đầu cung cấp tư liệu và khó tránh khỏi những thiếu sót. Bản thân mong đợi ý kiến phê phấn bổ sung của các bạn đồng nghiệp.

B. Phần nội dung

I.Tự vệ đỏ, lực lượng bạo lực của cách mạng đấu tranh bảo vệ phong trào quần chúng chống đế quốc và bọn phản cách mạng trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931.

Từ những năm 1924 những người yêu nước đầu tiên ở Nghệ Tĩnh đã tiếp thu đường lối cách mạng của đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Sau sự kiện lịch sử thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930) đến tháng 3-1930 đã thành lập các Tỉnh Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam ở Nghệ Tĩnh gồm Tỉnh Đảng bộ Vinh- Bến Thuỷ, Nghệ An, Hà Tĩnh.

Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của phân cục Trung ương và sự nỗ lực của Tỉnh bộ lâm thời, chỉ trong thời gian ngắn hệ thống tổ chức Đảng được hình thành từ tỉnh đến nhiều huyện xã. Những hội viên có giác ngộ cộng sản trong hội Thanh niên và Đảng Tân Việt đều lần lượt được kết nạp vào các chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam. Các hội quần chúng của Đông Dương Cộng sản Đảng, hội Thanh Niên và Đảng Tân Việt trước đây đều chuyển thành công hội đỏ, nông hội đỏ, sinh hội đỏ, Hội Phụ nữ giải phóng và các tổ chức khác dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ngày 18/3/1930, phân cục Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam ở Trung Kỳ đóng tại Vinh phát truyền đơn kêu gọi các giới gia nhập các tổ chức quần chúng của Đảng để đấu tranh đòi các quyền lợi.

Một trong những lực lượng được Đảng tổ chức và lãnh đạo chặt chẽ là tự vệ (có nơi gọi Xích vệ ). Tuy chưa có một cơ cấu tổ chức thành hệ thống từ trên xuống dưới nhưng ở hầu hết các tổng, làng xã, thôn đều thành lập tự vệ đỏ dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của cấp uỷ và sự chỉ đạo trực tiếp của Xã bộ nông (tức hình thức chính quyền cách mạng lúc ấy) được tổ chức thành tiểu tổ, tự trang bị vũ khí thô sơ. Trong những ngày sôi nổi nhất của phong trào quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tự vệ Đỏ đã vượt qua mọi gian lao, nguy hiểm vừa làm chỗ dựa cho phong trào quần chúng đấu tranh, việc phân công canh gác các ngả đường đề phòng bọn mật thám, theo dõi bọn tay sai, tìm diệt bọn gian ác, có nhiều nợ máu, bảo vệ tổ chức cơ sở Đảng, bảo vệ chính quyền Xô Viết còn non trẻ, bảo vệ các tổ chức quần chúng. Tự vệ Đỏ còn bảo vệ việc thực hiện các chính sách mới của Xô Viết, tuyên truyền quần chúng giữ gìn bí mật, bảo vệ cán bộ của Đảng.

Tự vệ Đỏ thực tế đã trở thành công cụ bạo lực vũ trang duy nhất của chính quyền Xô Viết. Trong thư của Ban chấp hành Trung ương Đảng gửi Xứ uỷ Trung Kỳ, khi nhận được báo cáo về việc thành lập chính quyền Xô Viết Nghệ Tĩnh, ngoài việc phê bình uốn nắn những thiếu sót về việc đề ra đường lối chủ trương chính sách. Trung ương Đảng đã chỉ dẫn kế hoạch bảo vệ và duy trì chính quyền Xô Viết, nêu nhiệm vụ của tự vệ Đỏ lúc này là “phải tập luyện quân sự, phải tìm kế mà cướp lấy súng địch, trật tự trong làng cho nghiêm, và khuyên dân cày bừa làm ăn bình thường.

Nội dung thư gửi của Trung ương nêu trên đã cho thấy Đảng ta rất coi trọng việc xây dựng lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang coi trọng việc xây dựng công cụ bạo lực để bảo vệ cách mạng, chống địch khủng bố, chống do thám chỉ điểm, bảo vệ phong trào quần chúng. Trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, tự vệ Đỏ đã được xây dựng, phát triển mạnh về số lượng và chất lượng. Hàng ngàn đội viên đã được lựa chọn từ trong nông hội đỏ, bao gồm những người trung kiên hăng hái nhất, được tổ chức thành đội ngũ tập luyện quân sự và các hoạt động quân sự trong công việc bảo vệ và chiến đấu. Tự vệ Đỏ đã tự chế tạo vũ khí thô sơ và cướp vũ khí địch để tự trang bị, luôn luôn sẵn sàng để đối phó với mọi tình hình, sẵn sàng làm những nhiệm vụ nặng nề nguy hiểm. Đã có 411 đội tự vệ Đỏ với 9148 đội viên. Các xã bộ nông, thôn bộ nông đã tịch thu thóc tiền của địa chủ hoặc thu tô nhẹ trên số ruộng đã chia cho nông dân, sung vào quỹ kinh phí để nuôi tự vệ tập luyện, lập tổ rèn giáo mác, chi vào việcy tế cứu tế.

Báo táp cách mạng tiếp tục dâng cao, khí thế cách mạng của quần chúng ngày càng đang cao tiếp sức cho tự vệ đỏ cùng hoạt động mạnh mẽ và có hiệu lực. Trong các cuộc biểu tình của công nông ở các địa phương, tự vệ đỏ đã cắt đường dây điện thoại, phá các bộ phận điện tín ở các nhà ga, đốt các chòi canh, điếm gác của địch. Ngày 1/9/1930, các đội tự vệ đỏ ở các huyện Thanh Chương đã đánh phá Rào Gang(nằm giáp giới hai huyện Thanh Chương và Nam Đàn) bắt giữ bọn hào lý các làng Xuân Bảng, Tú Viên, Xuân Tường, Phong Nậm, Nguyệt Bổng...Tự vệ tổng Đại Đồng phá cầu chợ Lạt chặn địch từ Đô Lương xuống. Tự vệ tổng Võ Liệt bắt giữ 11 tên tổng lý và những tên nghi làm mật thám. Chị em tổng Võ Liệt chuẩn bị sẵn sàng nước uống cho toàn huyện. Tự vệ Đỏ còn canh gác các ngả đường trong huyện bảo vệ cho 20000 nông dân kéo về huyện đường đốt phá nhà giam, giải thoát tù nhân.

Từ phía huyện đường Phan Sỹ Bàng cùng tên Công-đô-mi nat dẫn một toán lính chèo thuyền qua sông để hăm doạ quần chúng. Thuyền vừa đến giữa sông thì đội tự vệ đỏ của 2 tổng hội ra bao vây. Chúng hốt hoảng bắn vào đoàn biểu tình làm anh Nguyễn Công Thường bị chết và hai người khác bị thương. Đoàn biểu tình sục sôi căm giận, tự vệ khiêng thi hài của anh đi đầu kéo sau hàng vạn quần chúng biểu tinh ào ạt tràn vào huyện đường. Binh lính, thông đề, nha lại bỏ chạy, quần chúng đốt phá huyện đường, thiêu huỷ hồ sơ, tài liệu, đập phá nhà giam.giải thoát cho những chiến sỹ cách mạng bị cầm tù. Sở dại lý rượu Phông-ten của Pháp ở chợ Rộ bị đập nát. tri huyện Phan Sỹ Bàng phải bỏ chạy về trốn ở đồn Thanh Quả.

Ngày 12/9/1930, 8000 nông dân hưng Nguyên tập trung ở ga Yên Xuân để đi biểu tình. Đội tự vệ đỏ đã bao vây nhà ga, bắt giữ xếp ga, căt dây điện thoại không cho địch liên lạc. Giặc cho máy bay ném bom chặn đoàn biểu tình ở Thái Lão làm nhiều người chết và bị thương. Chiều đến, công sứ Pháp lại cho máy bay đến ném bom lần thứ hai, cả hai lần bọn chúng đã làm chết 217 người và 125 người bị thương. Tự vệ đỏ đã làm nòng cốt xung kích cùng bà con nông dân thu xếp chôn cất thi hài những người hi sinh và ngay tối hôm đó đã bảo vệ lễ truy điệu của huyện ủy vào tối hôm đó.

Ngày 13/9/1930, một ngàn đội tự vệ đỏ đã làm nhiệm vụ canh gác bảo vệ lễ truy điệu lớn tại chợ Cồn, huyện Thanh Chương do tỉnh uỷ Nghệ An tổ chức có đại biểu Trung ương, đại biểu các phủ huyện trong Tỉnh tham dự. Các đội viên tự vệ đỏ đã bảo vệ tấm băng đỏ mang dòng chữ “ Truy điệu những chiến sỹ vô danh đã hi sinh vì nhiệm vụ để bênh vực lợi quyền cho quần chúng lao khổ ở An Nam”.

Giữa tháng 9/1930 tự vệ đỏ đã bảo vệ an toàn Đại hội đại biểu Đảng bộ Hà Tĩnh tại thôn Phù Việt, huyện Thạch Hà, có 20 đại biểu của 8 huyện Đảng bộ tham dự.

Tháng 10/1930 sau khi Xô Viết Nghệ Tĩnh ra đời, Trung ương Đảng đã ra nghị quyết nói về tình hình hiện tại ở Đông Dương và nhiệm vụ cần kíp của Đảng trong đó có nhấn mạnh đến công tác quân sự:

“...ngay từ bây giờ, Đảng phải tổ chức Bộ quân sự của Đảng để:

  1. Làm cho Đảng viên được quân sự huấn luyện.
  2. Giúp công, nông hội tổ chức đội tự vệ.
  3. Vận động trong quân đội của bọn địch nhân..

Sau khi có thông báo và hướng dẫn của Trung ương, hoạt động của tự vệ đỏ càng được phát huy và có lãnh đạo chặt chẽ hơn.

Ngày 5/10/1930 Xứ uỷ Trung kỳ đánh giá và uốn nắn phong trào ở Nghệ Tĩnh. Trong bài “ Bây giờ phải làm gì?” đăng trên báo “Người cùng khổ” có viết: “Bây giờ bất cứ ngày và đêm, anh em, chị em đều tự do hội họp hàng ngàn, hàng vạn để diễn thuyết biểu tình. Anh chị em tự bỏ lễ tuần canh và ở các làng anh em đặt đội tự vệ đỏ để đề phòng mật thám và che chở cho nông dân”.

Điều này chỉ rõ chức năng của tự vệ đỏ là lực lượng xung kích chống địch thu thập tin tức phá hoại, đán áp và là lực lượng nòng cốt bảo vệ quần chúng cách mạng.

Tháng 10/1930, tự vệ đỏ đã bảo vệ an toàn Đại hội Đại biểu Tỉnh Đảng bộ Nghệ An tại làng Đồng Xuân(nay là tức xã Xuân Trường, huyện Thanh Chương.

Tháng 11,12 năm 1930 các đội tự vệ đỏ tiếp tục hoạt động tích cực trong các cuộc đấu trang như ngày 7/11 kỷ niệm cách mạng tháng Mười  Nga, huyện uỷ Hương Khê huy động 1.500 quần chúng, huyện uỷ Yên Thành huy động 1.000 quần chúng biểu tình kéo về các huyện đường đòi bỏ suu giảm thuế. Ở các huyện Anh Sơn, Thanh Chương, Nam Đàn, biểu tình phản đối đế quốc Pháp và Nam triều phong kiến thiết lập đồn binh và đoàn phu. Ngày 10 tháng 12/1930 lính đồn Ba Giang, Thạch Hà kéo vào làng Phù Việt đốt 270 nóc nhà cướp 9 con trâu bò và vơ vét nhiều tài sản. Huyện uỷ Thạch Hà kêu gọi quần chúng tới giúp đỡ, don dẹp, đem trâu bò tới cày cấy, giúp 50 thúng gạo. Tiếp đó các đội tự vệ đỏ bảo vệ các hạot động sôi nổi nhất là vào ngày 20/12/1930 kỷ niêm Quảng Châu công xã ở huyện Can Lộc, Thạch Hà, Đức Thọ, Diễn Châu, Hưng Nguyên, Nghi Lộc. Tri huyện Nghi Lộc là  Tôn Thất Hoàn cùng 5 tên lính đã bị tự vệ  làng Song Lộc  trừng trị ngày 2/1/1931. Để trả thù cho Tôn Thất Hoàn, giặc đốt trụi làng. Huyện uỷ Hưng Nguyên, Nghi Lộc tổ chức quần chúng và tự vệ đỏ nổi trống mõ, biểu tình thị uy phản đối hành động tàn ác của giặc Pháp và Nam triều, tổ chức đón tiếp và nuôi dưỡng gia đình bị đốt phá.

Trước sự khủng bố điên cuồng của địch, ngày 3/1/1930 thường vụ Trung ương Đảng gửi thông cáo hướng dẫn các cấp uỷ Đảng về việc chuyển hướng hoạt động trong điều kiện bị địch khủng bố dữ dội. Trong bản chỉ thị có đoạn viết: “phải hết sức hô hào cổ động thiết rộng trong quần chúng về ý nghĩa và sự lợi ích của đội tự vệ. Đem những phần tự hăng hái nhất, can đảm, lực lượng, tổ chức ra đội ấy.Phải làm sao cho mỗi nhà máy, mỗi làng đều có một đội tự vệ. Đội tự vệ không phải tổ chức trong cùng một lúc tranh đấu rồi giải tán đi mà phải duy trì khuyếch trương ra làm một lực lượng vĩnh viễn của quần chúng. Khi có đấu tranh thì đội tự vệ phải đi đầu, đi kèm quần chúngmà hộ vệ. Còn lúc thường phải tập luyện riêng, phải bàn định những cách hộ vệ và bênh vực tranh đấu”.

Thực hiện chỉ thị của Trung ương các cấp uỷ càng quan tâm lãnh đạo tổ chức các đội tự vệ. Tự vệ đỏ đã tích cực bảo vệ và hỗ trợ các cuộc đấu tranh chống tàn sát, chống buộc nhận thẻ “quy thuận”, chống địch bỏ thuốc độc vào các giếng để giết hại nhân dân ở các huyện Nghi Lộc, bảo vệ các cuộc đấu tranh kỷ niệm “tuần lễ đỏ” theo chủ trương Quốc tế cộng sản. Đoàn thể thiếu niên cách mạng cũng có những hoạt động sôi nổi. Ngày 12/2/1931 báo “Tiếng gọi” của huyện uỷ Thạch Hà viết: “Hơn 30 trẻ em vừa trai, vừa gái ở Đ - H tự tổ chức một đoàn thể, thường đi chăn trâu ngoài đồng, diễn tập ẩn nấp như đội quân, thỉnh thoảng các em nhỏ mở cuộc họp công khai diễn thuyết, lấy lá viết truyền đơn và kết đoàn biểu tình..cứ ra ban điều tra đi dò la xét hoạt động của địch...”

Ngày 14/4/1931 tự vệ đỏ làng Thái Yên (Đức Thọ) đã giết tên tay sai gian ác đội lùn Đỗ Nguyên thiện tại cánh đồng Bùi Xá.

Đội tự vệ đỏ Phúc Sơn (Anh Sơn) đã giết tên đồn trưởng Pe ri e  và 12 lính tại dốc đá Phúc Sơn.

Hiện nay tại Bảo tàng Xô Viết đang trưng bày chân dung  tiêu biểu của hai đội tự vệ đỏ tiêu biểu đó.

Ông  Nguyễn Duy Thị ở làng Diên Tràng là đội trưởng đội tự vệ đỏ và  là người bảo vệ đồng chí Nguyễn Tiềm – Bí tư Tỉnh uỷ, ông cùng đội tự vệ phục kích giết hai tên lính khố xanh giải thoát cho đồng chí Nguyễn Tiềm.

Đồng chí Phan Nguyên Thành tức Quiyền Thành (quê làng Đỉnh Lự (Huyện Can Lộc) , trước đi lính khố đỏ, sau giác ngộ cách mạng, là đội trưởng Xích vệ làng Đỉnh Lự, tổ chức được nhiều người tham gia tự vệ, tự tay hạ thủ một số tay sai gian ác, sau bị bắt cùng với đồng chí Phan Gần – bí thư Tổng uỷ. Bị tra tấn dã man, cả hai đồng chí đều dũng cảm, kiên trung và hy sinh anh dũng.

Các cuộc vây đồn, đánh lính trừng trị bọn hào lý và tay sai đế quốc Pháp, giải thoát cho các cán bộ đảng viên bị bắt, giúp các làng xã bị địch khống chế phục hồi lại phong trào cách mạng diễn ra liên tục trong hai tỉnh.

Thường vụ Tỉnh uỷ Nghệ An còn ra thông cáo số 6, hướng dẫn các các cấp độ Đảng và nông hội, họp dân chúng giải thích về tầm quan trọng của tổ chức tự vệ và kêu gọi ngững người đủ tiêu chuẩn gia nhập vào đội. Những xã có đông tự vệ thì tổ chức thành tiểu đội, trung đội, đại đội và có người chỉ huy trưởng và phó. Những xã số đội viên tự vệ còn ít thì sát nhập vào các xã trong vùng, lập thành một khu đội. Mỗi cấp bộ Đảng, công hội, nông hội đều phải có người phụ trách tự vệ đỏ. Các đội viên là Đảng viên, hội viên nông hội ở trong đơn vị tự vệ vẫn sinh hoạt trong Đảng và trong nông hội. Tiếp theo chỉ thị của thường vụ Tỉnh uỷ, quân uỷ Trung Kỳ cũng gửi cho các cấp uỷ Đảng bản “chiến lược ra trận” hướng dẫn kế hoạch tổ chức và tập luyện cho quần chúng cách thức đối phó với các hình thức khủng bố của địch khi đi biểu tình. Sau khi nhận được các bản chỉ thi này, khắp nơi đã dấy lên phong trào tập luyện quân sự. Các Đảng viên, hội viên nông hội ngày thì sản xuất đấu tranh, đêm thì nô nức tập luyện quân sự với tự vệ đỏ.

Đây là thời điểm sục sôi khí thế chiến đấu bảo vệ Xô Viết, bảo vệ phong trào cách mạng của nông dân Nghệ Tĩnh trong những ngày chống sự khủng bố của đế quốc Pháp.

Đi đôi với việc tập luyện quân sự, chuẩn bị cho các cuộc biểu tình thị uy trong ngày Quốc tế lao động, các cấp uỷ Đảng ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh liên tiếp vận động quần chúng biểu tình bao vây các đồn lính, chặn đánh các toán lính tuần tiểu của Đế quốc Pháp, giải thoát cho những cán bộ Đảng viên bị bắt và bổ trợ cho những nơi bị địch khống chế để phục hội phong trào cách mạng. Mở đầu cho phong trào này ngày 12/4/1931 nhân dân và tự vệ huyện Anh Sơn đồng loạt tấn công vào các đồn Mỹ Ngọc (tổng Thuần Trung), đồn Cự Đại ( tổng Bạch Hà), đồn Yên Trung (tổng Lạng Điền), đồn Yên Tỉnh ( tổng Đặng Sơn), đồn Đô Lương (tổng Đô Lương). Phối hợp với phủ Anh  Sơn, nhân dân tổng Cát Ngạn, huyện Thanh Chương cũng biểu tình bao vây đồn Chợ tổng (16/4). Tự vệ và nhân dân Phủ Long ( (phủ Hưng Nguyên) phá đồn Đông Lợi. Các cuộc vây đồn, đánh lính trừng trị bọn hào lý và tay sai đế quốc Pháp, giải thoát cho nhữưng cán bộ Đảng viên bị bắt, giúp các làng xã bị địch khống chế phục hồi lại phong trào cách mạng diễn ra liên tục trong hai tỉnh.

Ngày 15/5/1931 thường vụ Tỉnh uỷ Nghệ An gửi thư hướng dẫn các huyện chống bọn phản động trong đạo thiên chúa phá hoại cách mạng.Thư có đoạn viết: “Mỗi nơi cử ra một ban tranh đấu và chọn từ 100 đến 150 quần chúng can đảm về các làng tuyên truyền vận động chống đế quốc thu thuế, trấn áp bọn phản động, vạch trần luận điệu nói xấu cộng sản, chia rẽ cách mạng của bọn phản động trong thiên chúa giáo, hô hào mọi người đừng mắc mưu bọn chúng chống lại đồng bào cùng giai cấp, chống lại cách mạng”.

Ngày 18/5/1931 tự vệ đỏ làng Yên Phúc ( Anh Sơn) đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng giao. Sau ngày nhân dân làng Yên Phúc (Phủ Anh Sơn) phá vườn của tên Nghè Giá, một viên  quan  có uy thế trong vùng để lấy lại số đất đai bị hắn bao chiếm. Công sứ Pháp và Tổng đốc Nghệ An đưa một đơn vị lính khố xanh về đàn áp. Bị tự vệ và nhân dân phục kích quấy rối suốt ngày đêm bọn chúng phải chuyển đi nơi khác. Lính đồn rút ngày hom trước thì ngày hôm sau dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng cho tự vệ bắt 11 tên hào lý mật thám hợp tác với lính đồn chống phá cách mạng ra xử tội, một mặt vận động quần chúng vay lúa nhà giàu để cứu đói cho dân. Tên đồn trưởng vừa đi qua cũng bị tự vệ phục kích đánh chết.

Phong trào cách mạng tiếp tục phát triển, tự vệ đỏ càng tỏ rõ là lực lượng vũ trang sắc bén của chính quyền Xô Viết. Đế quốc Pháp và phong kiến Nam triều thi hành hàng loạt chính sách tàn bạo và thâm độc để đàn áp cách mạng. Chúng lập hệ thống bang tá, đoàn phu, lập đồn dày đặc, bắt dân nhận thẻ quy thuận, thẻ vãng lai....để tiện bề kiểm soát, ngăn ngừa cách mạng, các cấp uỷ Đảng lần lượt bị địch phá vỡ lại kiên trì xây dựng lại. Năm 1931 toà án thực dân ở Vinh đã kết án 1.336 người, trong đó có 15 án tử hình, 90 án chung thân, 250 người từ 7 đến 13 năm, 1.026 người từ năm năm đến khổ sai.

Dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, tự vệ đỏ đã chiến đấu ngoan cường làm cho địch trong một năm phải thay đổi quan đầu tỉnh  tới 3 lần. Tổng đốc Nghệ An - Hồ Đắc Khải bị đuổi đi nơi khác vì bất lực. Phan Bá Phổi ra giữ chức Tổng đốc dược mấy tháng không làm chủ được tình thế lại chịu chung số phận với Hồ Đắc Khải, nhường chỗ cho  Nguyễn Khoa Kỳ,

Cuối năm 1931 là thời kỳ khủng bố trắng cực kỳ ác liệt của địch. Ách kìm kẹp của đế quốc và phong kiến trùm lên mọi nơi. Lực lượng tự vệ đỏ quá nhỏ bé so với lực lượng lớn và thiện chiến mà kẻ địch huy động đến, các chính quyền Xô Viết không còn tồn tại. Địch khủng bố hết sức ác liệt nên tự vệ đỏ dần dần chấm dứt hoạt động.

Kết luận: Sự ra đời của lực lượng tự vệ đỏ đã chứng minh rằng con đường cách mạng bạo lực là con đường duy nhất đúng. Bạo lực cách mạng của quần chúng bao gồm lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang, muốn giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc chỉ có con đường cách mạng tiến công, cách mạng triệt để và kiên trì tiến hành sự nghiệp đấu tranh bằng phương pháp cách mạng bạo lực. Tự vệ đỏ trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931 là tiền thân của các lực lượng vũ trang cách mạng nước ta sau này.

Nguyễn Hữu Bình - Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh

Video