Từ đỉnh cao Xô viết Nghệ Tĩnh đến tinh thần quật khởi của nhân dân Bình Định trong cao trào cách mạng 1930-1931

Tác giả: admin
Ngày 2018-06-13 03:45:31

Cách đây 88 năm về trước, dưới ánh sáng soi đường của Đảng, nhân dân Nghệ Tĩnh đã anh dũng đứng lên làm cuộc cách mạng long trời chuyển đất với đỉnh cao Xô Viết Nghệ Tĩnh. Lịch sử đã khẳng định Xô Viết Nghệ Tĩnh là một mốc son chói ngời trong trang sử vàng của dân tộc Việt Nam. Ảnh hưởng của Xô Viết Nghệ Tĩnh đã lan tỏa khắp mọi vùng miền của Tổ quốc, làm dẫy lên một làn sóng đấu tranh mạnh mẽ từ Bắc chí Nam, trong đó đặc biệt có các cuộc đấu tranh với tinh thần quật khởi của nhân dân Bình Định.

Ngọn lửa Xô Viết Nghệ Tĩnh bắt đầu được thắp lên từ cuộc đấu tranh ngày 1/5/1930 của công nông Vinh – Bến Thủy, nhân dân Thanh Chương. Từ đây, nó đã bùng lên mạnh mẽ và lan rộng ra các huyện ở hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh với các cuộc đấu tranh tiêu biểu như: ngày 1/8/1930 của nhân dân Can Lộc (Hà Tĩnh), ngày 30/8 của nhân dân Nam Đàn (Nghệ An), ngày 1/9/1930 của nhân dân Thanh Chương (Nghệ An) và đỉnh cao là cuộc đấu tranh ngày 12/9/1930 của nhân dân Hưng Nguyên và Nam Đàn… Bất bất sự khủng bố của kẻ thù, chính quyền Xô Viết vẫn ra đời ở nhiều nơi như Võ Liệt, Nguyệt Bổng (Thanh Chương), Phù Việt (Thạch Hà), Hữu Biệt (Nam Đàn)… Với những thành quả to lớn, tiến bộ về các mặt chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa – xã hội,… chính quyền Xô viết Nghệ Tĩnh đã mang lại một cuộc sống mới cho nhân dân Nghệ Tĩnh lúc bấy giờ. Mặc dù chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn nhưng những thành quả tốt đẹp của chính quyền Xô Viết và tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất, không ngại hy sinh của nhân dân Nghệ Tĩnh như mạch nước ngầm thấm sâu vào lòng đất và lan tỏa tới nhiều địa phương khác trong đó có tỉnh Bình Định – mảnh đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Đảng, Xứ ủy Trung Kỳ, trong suốt năm 1930 các tổ chức Đảng ở Bình Định đã tích cực tuyên truyền chủ trương đấu tranh cách mạng của Đảng, đồng thời tích cực vận động các địa phương thành lập các tổ chức quần chúng như: Nông hội đỏ, Công hội Đỏ, Cứu tế đỏ… nhằm thu hút đông đảo nhân dân tham gia đấu tranh. Từ tháng 8 đến tháng 11/1930, tại Bình Định đã diễn ra các cuộc đấu tranh sôi nổi của công nông với các hình thức như rải truyền đơn, treo cờ đảng, mít tình, biểu tình đòi tăng lương, giảm giờ làm, giảm sưu thuế, ủng hộ nhân dân Nghệ Tĩnh… Trong đó tiêu biểu là các cuộc đấu tranh ngày 1/8, ngày 26 đến ngày 29/9 và đặc biệt là các cuộc đấu tranh diễn ra liên tiếp trong tháng 10/1930 để ủng hộ cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh với khẩu hiệu: phản đối thực dân Pháp thảm sát nông dân Nghệ An – Hà Tĩnh. Để chuẩn bị cho các cuộc đấu tranh này, truyền đơn của Đảng kêu gọi đấu tranh được rải ở nhiều địa phương trong tỉnh như Quy Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát; cờ Đảng cũng đã được treo tại trường Tiểu học Tam Quan trong ngày 28/9/1930. Bên cạnh các hoạt động rải truyền đơn, mít tinh, Đảng bộ Quy Nhơn còn mở các cuộc vận động quyên tiền ủng hộ công nông Nghệ Tĩnh trong học sinh, viên chức công tư sở, chủ khách sạn, nhà buôn… Đợt quyên góp đầu tháng 10/1930, Đảng bộ Quy Nhơn đã góp được hơn 100 đồng Đông Dương để ủng hộ công nông Nghệ Tĩnh. Trong các cuộc đấu tranh, tinh thần cách mạng của Đảng bộ và nhân dân nơi đây càng lên cao như mạch nguồn Xô viết Nghệ Tĩnh bắt đầu phun trào trên quê hương Bình Định.

Nhân dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga ngày 7/11/1930, Trung ương Đảng ra Lời kêu gọi quần chúng nhân dân cả nước tiếp tục đứng lên đấu tranh đồng thời tố cáo tội ác dã man của chính quyền thực dân, phong kiến. Thực hiện chủ trương này, các tổ chức Đảng trên địa bàn tỉnh Bình Định đã phát động một đợt đấu tranh mới để kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga nhưng mục tiêu là tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ phong trào đấu tranh của nhân dân Nghệ An – Hà Tĩnh. Như những đợt sóng nối tiếp nhau, tại Quy Nhơn truyền đơn và biểu ngữ kêu gọi công nhân, nông dân đứng lên đấu tranh lại tung bay trên các đường phố, công sở; cờ đảng được treo cao trên các cột điện ở ngã ba Công Quán, đèo Phủ Cũ. Với sự tham gia của hàng trăm quần chúng nhân dân, làn sóng đấu tranh mạnh mẽ tại Bình Định đã khiến cho thực dân Pháp hoang mang, lo sợ, chúng đã ráo riết mở các cuộc truy lùng, tàn sát, bắt bớ cán bộ, đảng viên ở khắp các địa phương. Trước sự càn quyét của kẻ thù, tại Bình Định nhiều cán bộ, đảng viên trung kiên đã sa vào tay giặc, Đảng bộ Tỉnh mất liên lạc với Xứ ủy nhưng không vì thế mà phong trào bị dập tắt.

Tháng 4/1931, Xứ ủy Trung Kỳ cử đồng chí Trần Hường đến Quy Nhơn để chỉ đạo các tổ chức Đảng thực hiện những chủ trương của Trung ương và Xứ ủy. Sợi dây liên lạc giữa Xứ ủy và các tổ chức Đảng ở Bình Định được nối lại. Riêng trong hai tháng 4 và tháng 6/193, Đảng bộ huyện Hoài Nhơn và Quy Nhơn phối họp tổ chức 2 đợt đấu tranh lớn.

Nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5/1931, Huyện ủy Hoài Nhơn phối hợp với Đảng bộ Quy Nhơn tổ chức đấu tranh sôi nổi chống khủng bố trắng; ủng hộ phong trào đấu tranh của nhân dân Nghệ Tĩnh, Quảng Ngãi; tổ chức tuần hành vũ trang đưa quần chúng vào huyện lỵ đấu tranh. Địa bàn đấu tranh được mở rộng ra nhiều vùng mới như: Phú Phong (Tây Sơn); Kim Sơn, Vạn Đức, Mộc Bài (Hoài Ân); Đập Đá (An Nhơn); Diêm Tiêu (Phù Mỹ). Tại Quy Nhơn, Phù Mỹ ngoài việc phát tán truyền đơn, treo cờ búa liềm, mít tinh bí mật, công nhân nhà máy Đèn còn tổ chức cắt điện toàn thành phố, cắt phá đường dây điện thoại của Pháp ở nhiều nơi…

Trong tháng 6 và tháng 7 năm 1931, tại Bình Định lại diễn ra hai cuộc đấu tranh sôi nổi của nhân dân Quy Nhơn và Hoài Nhơn đòi thực dân Pháp và Nam Triều miễn sưu, giảm thuế cho dân nghèo, tẩy chay các cuộc “hiểu dụ” dân chúng của Công sứ Pháp và Tri phủ Hoài Nhơn.

Cũng giống như Xô Viết Nghệ Tĩnh với đỉnh cao là cuộc biểu tình lịch sử ngày 12/9/1930 của 8000 nhân dân Hưng Nguyên, Nam Đàn; đỉnh cao của phong trào cách mạng tỉnh Bình Định những năm 1930-1931 là cuộc đấu tranh bạo lực chính trị và vũ trang của hơn 3000 quần chúng Hoài Nhơn với tinh thần kiên trung, bất khuất.

Thực hiện chủ trương ủng hộ và đoàn kết với phong trào đấu tranh của nhân dân Quảng Ngãi và Nghệ Tĩnh của Xứ ủy Trung Kỳ, nhân ngày Quốc tế chống chiến tranh đế quốc 1/8/1931, Đảng bộ huyện Hoài Nhơn đã tổ chức quần chúng xuống đường đấu tranh với quy mô lớn vào đêm 22, rạng ngày 23/7/1931 tại Cây số 7 Tài Lương. Cuộc biểu tình dưới sự bảo vệ của lực lượng Tự vệ đỏ đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, thu hút sự tham gia của đông đảo quần chúng. Đoàn biểu tình chia làm 4 cánh với hơn 3000 người hàng ngũ chỉnh tề hướng theo lá cờ búa liềm do đồng chí Huỳnh Lịch giương cao, khí thế rầm rộ, cờ giong trống thúc liên hồi náo động cả huyện lỵ, đuốc cháy sáng rực một vùng trời. Đoàn biểu tình tiến đến đâu, trấn áp đoàn phu, thám báo, đốt trụi các điếm canh dọc đường đến đó. Đến 20 giờ ngày 22/7, đội Tự vệ Đỏ làng Tài Lương bắt Chánh Tổng Vân Sơn và Trung Yên, đốt cháy 1 xe ô tô của đồn lính khố xanh Bồng Sơn trên đường xuống Đồn Tam Quan. Rạng ngày 23/7, sau thời gian hoang mang, lo sợ, địch bắt đầu đàn áp đoàn biểu tình. Quần chúng cách mạng không hề nao núng trước lưỡi lê và súng đạn của kẻ thù, người trước ngã xuống, người sau tiếp tục xông lên hô vang các khẩu hiệu: “Phản đối đế quốc chiến tranh!”; “Ủng hộ Liên bang Xô Viết!”; “Phản đối việc bắn giết nhân dân trong các cuộc biểu tình ở Nghệ Tĩnh và Quảng Ngãi!”; “Phản đối việc rào làng, bỏ lệ tuần canh!”; Giảm các sắc thuế: đinh, điền, chợ, môn bài,…!”. Trong cuộc đấu tranh này 13 đảng viên, quần chúng đã anh dũng hy sinh, 1 đảng viên bị kết án tử hình, 3 đảng viên bị kết án tù chung thân, 20 đảng viên bị lưu đày lên nhà lao Buôn Mê Thuột, 11 đồng chí bị đày lên Ngục Kon Tum, 47 đồng chí bị giam cầm tại nhà lao Bình Định – Quy Nhơn và hàng trăm quần chúng bị giam cầm tại Nhà lao Phù Ly.

Cuộc biểu tình đêm 22, rạng ngày 23/7/1931 tại Cây số 7 Tài Lương là một đòn tấn công bất ngờ và quyết liệt, làm rung chuyển bộ máy cai trị của thực dân phong kiến tại một số làng xã của huyện Hoài Nhơn và tác động đến nhiều địa phương khác trong tỉnh. Đây không chỉ là sự kiện lớn trong phong trào đấu tranh của nhân dân Bình Định mà còn là sự kiện lớn của cả miền Trung Việt Nam lúc bấy giờ, thể hiện lòng yêu nước, tinh thần quật khởi, ý chí kiên cường của nhân dân Bình Định nói chung trong cao trào cách mạng 1930-1931.

Có thể khẳng định rằng Xô viết Nghệ Tĩnh đã trở thành nguồn cổ vũ, động viên tinh thần mạnh mẽ cho quần chúng công nông cả nước nói chung và nhân dân Bình Định nói riêng đứng lên đấu tranh trong cao trào cách mạng 1930-1931. Các cuộc đấu tranh sôi nổi của nhân dân Bình Định trong giai đoạn này không chỉ thể hiện tinh thần yêu nước, tình đoàn kết “chia lửa” cùng nhân dân Nghệ Tĩnh mà còn minh chứng cho sức mạnh đoàn kết, chung lưng đấu cật của cả dân tộc Việt Nam chống lại sự nô dịch của đế quốc và tay sai vì nền độc lập dân tộc, vì cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân.

Trần Thị Hồng Nhung – Bảo tàng XVNT

Video