Truyền thống quê hương, dòng họ, gia đình – những yếu tố góp phần hun đúc nên lòng yêu nước, tư tưởng, đạo đức cách mạng của đồng chí Lê Viết Thuật

Tác giả: admin
Ngày 2017-09-26 07:30:58

Đồng chí Lê Viết Thuật - Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ năm 1931, cán bộ tiền bối tiêu biểu của Đảng, người con ưu tú của quê hương Bến Thủy. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí tuy không dài nhưng những đóng góp của đồng chí cho sự nghiệp cách mạng của Đảng ta và nhân dân ta vô cùng to lớn. Một trong những yếu tố góp phần hun đúc nên lòng yêu nước, tư tưởng, đạo đức cách mạng của đồng chí Lê Viết Thuật đó chính là truyền thống quê hương, dòng họ và gia đình.

Phường Bến Thủy – quê hương của đồng chí Lê Viết Thuật, thuở xa xưa gọi là xã Dũng Quyết; thời thuộc Pháp là Yên Dũng Hạ, Đệ Thập; sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 được gọi là xã Hưng Thủy; từ năm 1981 đến nay được gọi là phường Bến Thủy – một địa phương giàu truyền thống văn hóa, yêu nước và cách mạng được lịch sử ghi danh là vùng đất địa linh nhân kiệt, có nhiều đóng góp to lớn vào sự nghiệp đánh giặc giữ nước với nhiều người con ưu tú kiên trung.

Với địa hình tự nhiên có núi cận sông kề, lại có tuyến đường thủy, bộ quan trọng của quốc gia và tỉnh Nghệ An c

hạy qua nên Bến Thủy xưa và nay luôn là một vị trí chiến lược về quân sự, kinh tế và chính trị không chỉ của thành phố Vinh mà của cả tỉnh Nghệ An…

Cùng chung khí hậu của dải đất miền Trung nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, thường xuyên bị thiên tai đe dọa, lại phải chịu đựng nhiều thử thách cam go của binh lửa chiến tranh nên nhân dân Bến Thủy từ lâu đời đã hình thành nên những phẩm chất tốt đẹp: cần cù, chịu thương, chịu khó trong lao động, sản xuất; anh dũng kiên cường trong chiến đấu và có một đời sống văn hóa vô cùng phong phú...

Dù có diện tích không lớn nhưng Bến Thủy là mảnh đất có bề dày truyền thống văn hóa.  Đây là nơi phát hiện nhiều di chỉ khảo cổ khẳng định sự tồn tại của cư dân Việt cổ cách đây hơn 2.000 năm đồng thời đây cũng là nơi tập trung nhiều loại hình kiến trúc cổ như: Chùa Bà Cai Thắng, chùa Quanh, chùa Hạng, đền Tam Tòa, đền Mũi Rồng, đền Làng Hưng, đền Làng Tĩnh, Làng Bường, Phát Lát, nhà Văn Thánh, Võ Miếu… và hầu như làng nào cũng có đình. Tuy nhiên, các công trình này hiện chỉ còn lại phế tích bởi sự tàn phá của chiến tranh.

Do vị trí thuận lợi nên ở Bến Thủy cũng đã hình thành một số khu chợ khá sầm uất như: chợ Dũng Quyết, chợ Bò, chợ Đò và thu hút dân cư nhiều vùng trong nước tìm về khai cơ lập nghiệp. Đến giữa thế kỷ XIX, tại đây đã hình thành nhiều dòng họ lớn như: Lê Viết, Cao Tất, Nguyễn Khắc, Trần, Hoàng, Phạm, Đinh…

Năm 1807, nhà Nguyễn cho dời trường thi Hương từ Lam Thành về Yên Dũng  Hạ. Từ đây việc học hành thi cử của con em các làng xã phụ cận Vinh – Bến Thủy, trong đó có học trò của Yên Dũng Hạ đỗ đạt ngày càng nhiều. Chỉ tính khoa thi năm Canh Tý, đời vua Minh Mạng thứ 21 (1840) đến khoa thi năm Kỷ Dậu (1909),  xã Yên Dũng đã có 7 vị đỗ Cử nhân, còn số người đỗ Tú tài trở xuống thì khá nhiều…

Bến Thủy không chỉ là nơi có bề dày truyền thống văn hóa mà còn là mảnh đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Đây là địa bàn hoạt động của các tổ chức yêu nước, nơi nhen nhóm ngọn lửa đấu tranh cách mạng của Đảng và đã trở thành địa phương đứng đầu dậy trước trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Chính những truyền thống tốt đẹp ấy đã góp phần hình thành và bồi đắp thêm tư tưởng yêu nước, đạo đức và bản lĩnh cách mạng kiên trung của đồng chí Lê Viết Thuật.

Sau khi thực dân Pháp đánh chiếm tỉnh thành Nghệ An năm 1885, các lái buôn, các hãng công nghiệp của Pháp và Phương Tây đã nhanh chóng tìm đến để khai thác Vinh - Bến Thủy. Nhằm biến Vinh – Bến Thủy trở thành một trung tâm công nghiệp và thương mại ở Bắc Trung Kỳ, thực dân Pháp đã xây dựng ở đây rất nhiều nhà máy như: nhà máy gỗ Vinh, nhà máy Diêm, nhà máy sửa chữa xe lửa Trường Thi , Nhà máy Đèn…  Đồng thời chúng còn cho nạo vét lại Cảng Bến Thủy và mở nhiều đường giao thông quan trọng như đường số 7, đường số 8. Những chính sách khai thác và bóc lột trên của thực dân Pháp đã tạo nên ở đây một đội ngũ công nhân đông đảo. Tính đến năm 1930, có khoảng 5.000 công nhân sống tập trung tại Vinh – Bến Thủy. Phần lớn công nhânVinh – Bến Thủy xuất thân từ nông dân. Rời nhà máy, ngày nghỉ, họ là những nông dân thực thụ. Chính mối liên hệ tự nhiên đó là điều kiện đặc biệt hình thành mối liên minh công – nông ở Bến Thủy nói riêng và Nghệ Tĩnh nói chung. Và cũng chính do những điều kiện đặc biệt ấy, theo đúng quy luật “có áp bức ắt có đấu tranh”, Vinh – Bến Thủy nói chung, Yên Dũng Hạ - Đệ Thập nói riêng đã trở thành một trong những mảnh đất tốt cho những hạt giống đỏ của cách mạng nảy nở và phát triển từ đó.

Tại Vinh – Bến Thủy từ năm 1925-1929, đã có nhiều tổ chức yêu nước và cách mạng ra đời, phát triển mạnh như: Hội Phục Việt (sau này gọi là Đảng Tân Việt), Chi hội Thanh niên Nghệ An và các chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng cùng các tổ chức quần chúng của Đảng như Công hội, Nông hội, Sinh hội...

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3/2/1930), Xứ ủy Trung kỳ cũng đã được thành lập vào tháng 3/1930 do đồng chí Nguyễn Phong Sắc làm Bí thư. Các đồng chí Lê Mao, Lê Viết Thuật, Nguyễn Lợi, những người con của quê hương Yên Dũng Hạ, Đệ Thập, đều đã được bầu làm Ủy viên Xứ ủy Trung Kỳ. Đồng chí Lê Mao, được chỉ định là Bí thư Tỉnh ủy Vinh - Bến Thủy. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, đến tháng 6/1930, Vinh – Bến Thủy đã có 9 Chi bộ nhà máy và các Chi bộ trong các làng nông thôn ở vùng Bến Thủy… 

Trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Trung Kỳ, Tỉnh ủy Vinh – Bến Thủy, Chi bộ Đảng địa phương, phong trào cách mạng ở Yên Dũng Hạ và Đệ Thập đã phát triển liên tục và rất mạnh mẽ như: trong tháng 3/1930 đã có 3 cuộc đấu tranh của công nhân các nhà máy Cưa Thái Hợp, nhà máy rượu Sôva, nhà máy cưa Lao Xiên, nhà máy Diêm… và đặc biệt là cuộc đấu tranh ngày 1/5/1930 của hơn 1.200 công – nông Vinh Bến Thủy và các vùng phụ cận đã đi vào lịch sử là mốc son mở đầu cho phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Sau cuộc đấu tranh ngày 1/5/1930 nhân dân Yên Dũng Hạ, Đệ Thập tiếp tục đứng lên đấu tranh bất chấp sự khủng bố của thực dân Pháp như: cuộc đấu tranh ngày 14/7/1930 của hơn 600 quần chúng; cuộc đấu tranh tháng 2/1931 và cuộc đấu tranh ngày 1/5/1931 đòi miễn sưu giảm thuế, cứu đói cho dân…

Chỉ trong hai năm 1930-1931, ở Yên Dũng Hạ, Đệ Thập có: 8 đảng viên trung kiên bị địch giết hại; 3 đảng viên hy sinh trong nhà tù đế quốc; 81 chiến sỹ bị bắt, tra tấn, tù đày (trong đó 53 người bị tù từ 2 năm đến chung thân); trên 40 gia đình có công nuôi dấu cán bộ Đảng; 7 căn nhà bị đốt cháy; 12 gia đình bị tịch thu tài sản, 34 hộ gia đình bị địch cướp bóc… Những đóng góp, hy sinh, mất mát của nhân dân Bến Thủy đã góp phần làm nên cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh rung trời chuyển đất trong lịch sử cách mạng của dân tộc…

Không chỉ được sinh ra trên quê hương Bến Thủy giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, đồng chí Lê Viết Thuật còn là con cháu của dòng họ Lê Viết nổi tiếng.  Dòng họ Lê Viết là một trong những dòng họ lớn nhất ở phường Bến Thuỷ nói riêng và TP Vinh nói chung. Theo gia phả của dòng họ, thì dòng họ Lê Viết có nguồn gốc từ huyện Nam Đàn. Đến đời Lê Kính Tông, niên hiệu Hoằng Định (1601-1619), ông Lê Doãn Số di cư đến vùng đất giáp Đông, thôn Hạ, xã Dũng Quyết, tổng Ngô Trường (nay là khối 10, phường Bến Thủy, thành phố Vinh) sinh sống. Ông đã xây dựng gia đình và hạ sinh 3 người con trai là Lê Doãn Toán, Lê Doãn Phòng, Lê Viết Bình. Sau khi ông mất, người con Lê Viết Bình kế thế, đảm đương mọi trọng trách của gia đình và tiếp tục sự nghiệp của cha, khai khẩn đất đai, xây dựng cơ đồ, lập nên dòng họ Lê Viết tại thành phố Vinh, Nghệ An. Tính đến nay dòng họ đã được 17 đời, 6 chi, có gần 500 đinh và hàng ngàn con cháu. Và hầu như ở thời nào dòng họ Lê Viết cũng có con cháu đóng góp cho quê hương. Trong gia phả của dòng họ còn lưu danh 25 vị quan văn, võ thời xưa là những tấm gương sáng về đức độ, tài trí.  

Trong  phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, những người con ưu tú của dòng họ Lê Viết tiếp tục có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng tiêu biểu như các đồng chí: Lê Mao, Lê Viết Thuật, Lê Doãn Sửu, Lê Viết Cường…

Đồng chí Lê Viết Thuật sinh ra trong một gia đình nghèo nhưng giàu lòng yêu nước.Thân phụ là ông Lê Viết Hiến, vừa là một nhà nho vừa là một thầy thuốc chuyên chữa bệnh cho những người dân nghèo. Thân mẫu là bà Phạm Thị Hai, một người phụ nữ chịu thương, chịu khó luôn hết lòng vì chồng vì con. Đồng chí Lê Viết Thuật là con trai cả trong gia đình có 8 anh em. Cùng với đồng chí Lê Viết Thuật, dù chưa đến tuổi trưởng thành nhưng để giúp đỡ cha mẹ có 3 anh em trai khác trong gia đình đều xin vào làm công nhân trong các nhà máy ở Vinh – Bến Thủy như: Lê Trọng Thớu (công nhân bốc vác ở Cảng Bến Thủy), Lê Viết Thiệu và Lê Viết Quýnh (công nhân nhà máy Gỗ - Vinh)… Tại đây các anh vừa làm công nhân vừa tham gia hoạt động cách mạng tích cực, sôi nổi…

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, là con cháu của dòng họ Lê Viết nổi tiếng, lại được nuôi lớn bằng tình yêu thương ấm áp của cha mẹ anh em… tất cả đã góp phần tạo nên khí chất, bản lĩnh của người cộng sản kiên trung Lê Viết Thuật: yêu nước thiết tha, hoạt động không biết mệt mỏi và không bao giờ chịu khuất phục trước mũi súng kẻ thù.

Từ một công nhân làm việc tại nhà máy Diêm, nhà máy cưa Lao Xiên, nhà máy sửa chữa xe lửa Trường Thi, công nhân bốc vác tại Cảng Bến Thủy, đồng chí Lê Viết Thuật đã được giác ngộ trở thành đảng viên Đảng Tân Việt; đảng viên Đông Dương Cộng sản Đảng năm 1929; Bí thư Chi bộ nhà máy Trường Thi, Ủy viên lâm thời Tỉnh ủy Nghệ An (tháng 3/1930); Ủy viên Xứ ủy Trung Kỳ (tháng 12/1930).

Từ giữa năm 1931, hầu hết cán bộ lãnh đạo của Xứ uỷ lần lượt hy sinh và bị sa lưới địch. Đồng chí Lê Viết Thuật là người đứng đầu Xứ uỷ đã tìm mọi cách bảo vệ tổ chức Đảng, tổ chức đoàn thể cách mạng. Sau khi đồng chí Nguyễn Phong Sắc bị bắt, Lê Mao bị bắn chết, đường dây liên lạc với Trung ương bị đứt, Lê Viết Thuật với cương vị Bí thư Xứ ủy đã tập trung củng cố lại tổ chức Xứ uỷ Trung Kỳ. Đến đầu năm 1932, cơ quan Xứ uỷ Trung Kỳ bị lộ, đồng chí Lê Viết Thuật, người Bí thư Xứ uỷ cuối cùng bị sa vào tay địch.

Sau một thời gian chịu đựng tra tấn của kẻ thù tại Nhà lao Vinh, đồng chí Lê Viết Thuật đã anh dũng hy sinh vào tháng 3/1932.

Dù hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ nhưng tên tuổi, hình ảnh và những cống hiến của đồng chí Lê Viết Thuật cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân vẫn luôn sống mãi cùng đất nước, quê hương và trong lòng mỗi chúng ta. Tấm gương của đồng chí mãi tỏa sáng, nhắc nhở các thế hệ Việt Nam hôm nay và mai sau phải không ngừng nỗ lực, phấn đấu, vươn lên xây dựng đất nước, quê hương ngày càng giàu mạnh, xứng đáng với truyền thống tốt đẹp của các thế hệ cha anh đi trước.

Trần Thị Hồng Nhung – Bảo tàng XVNT

Tài liệu tham khảo:

1. Nhà lao Vinh (Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An), Nhà xuất bản Nghệ An, 2005.

2. Nghệ An những tấm gương cộng sản Tập 2 (Tiểu ban nghiên cứu lịch sử Đảng Tỉnh ủy Nghệ An), Nhà xuất bản Nghệ An, 2005

3. Gia phả dòng họ Lê Viết ở phường Bến Thủy

4. Lời kể của thân nhân gia đình đồng chí Lê Viết Thuật

5.  Lịch sử Đảng bộ phường Bến Thủy (Đảng ủy, Ủy Ban nhân dân phường Bến Thủy), Nhà xuất bản Nghệ An, 2016.

 

Video