Trưng bày phục vụ Lễ hội Làng Sen – năm 2009

Tác giả: admin
Ngày 2009-06-04 03:36:32

Kỷ niệm 119 năm ngày sinh của Chủ Tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2009), Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh tổ chức trưng bày lưu động phục vụ đông đảo nhân dân và du khách về tham dự Lễ hội Làng Sen tại Kim Liên Nam Đàn ngày 18 và 19/5/2009.

Nam Đàn là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Nơi đây cũng là quê hương của nhiều danh nhân tiêu biểu như Phan Bội Châu, Vương Thúc Mậu, Lê Hồng Sơn, Nguyễn Tiềm, Vương Thúc Oánh…

Làng Hoàng Trù thuộc xã Kim Liên - quê ngoại của Bác, một làng quê bình dị như bao làng quê khác, cũng cây đa, bến nước và lũy tre làng nhưng đây là nơi chôn rau cắt rốn của của một con người huyền thoại - Hồ Chí Minh. Cách Hoàng Trù không xa là Làng Sen quê nội của Bác - một làng quê đã đi vào lịch sử, vào trái tim triệu triệu con người Việt Nam và trở thành quê hương thứ hai của họ. Nơi đây Bác đã từng sống trong thời niên thiếu từ năm 1901-1906.

Lễ hội Làng Sen được tổ chức vào dịp kỷ niệm ngày sinh của Chủ Tịch Hồ Chí Minh hàng năm, được mở rộng trên quy mô toàn quốc. Lễ hội diễn ra từ ngày 17/5 thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tham dự. Đây cũng là dịp để nhân dân cả nước hành hương về thăm quê Bác, thắp nén hương thơm tưởng nhớ vị Lãnh tụ kính yêu của dân tộc.

Tham dự lễ hội năm nay, bộ lưu động của Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã được trưng bày tại sân vận động Kim Liên, nơi tổ chức những hoạt động văn hóa, thể thao sôi nổi như biểu diễn văn nghệ, cắm trại, bóng chuyền, thi người đẹp, nhảy sạp…
Với nội dung ngắn gọn, súc tích về phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh năm 1930-1931, cùng 65 ảnh chân dung các chiến sỹ yêu nước và cách mạng quê Nam Đàn bị giam cầm tại nhà tù Vinh, bộ trưng bày lưu động đã phần nào tái hiện được không khí đấu tranh hào hùng của nhân dân Nghệ Tĩnh nói chung và nhân dân Nam Đàn nói riêng đã đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ lựa chọn để làm nên cao trào cách mạng với đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh. Bộ trưng bày đã gây được ấn tượng mạnh mẽ trong lòng người xem.

Cùng với những hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao quần chúng của các đơn vị, bộ trưng bày “Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 1930-1931" của Bảo tàng đã góp phần làm cho Lễ hội làng Sen thêm phần phong phú và đặc sắc hơn. Hơn nữa còn có tác dụng to lớn trong việc giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, tự hào với truyền thống đấu tranh anh dũng của cha ông mình trên quê hương Bác Hồ kính yêu. 

Nguyễn Thị Hội - Bảo tàng XVNT

Video