Trưng bày online - xu thế phát triển tất yếu của hệ thống Bảo tàng hiện nay

Tác giả: admin
Ngày 2021-06-11 02:57:55

Đại dịch Covid-19 xuất hiện trên thế giới đã làm cho tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội… của các nước bị đảo lộn. Phải tự thay đổi để thích nghi với tình hình mới trước sự tấn công của dịch bệnh là điều mà tất cả các nước bắt buộc phải làm. Hệ thống bảo tàng trên thế giới cũng không phải ngoại lệ, bảo tàng thế giới trong đó có Việt Nam buộc phải chuyển mình mạnh mẽ bằng việc áp dụng công nghệ trong trưng bày để giúp công chúng tiếp cận dễ dàng hơn với những tài liệu, hiện vật quý mà không cần đến Bảo tàng. Từ năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống bảo tàng Việt Nam đến năm 2020, chính sách này đã mở ra cơ hội phát triển thuận lợi cho các bảo tàng trong xu thế phát triển hội nhập của thế giới. Năm 2018, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch tiếp tục phê duyệt Đề án “Đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động Bảo tàng gắn với phát triển du lịch” đòi hỏi các Bảo tàng phải tự chuyển mình để phát triển trong bối cảnh mới. Tuy nhiên, đầu năm 2020 chỉ khi Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam thì dường như việc ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực trưng bày mới thực sự được quan tâm hơn và ứng dụng mạnh mẽ.

Trưng bày online xu thế phát triển của hệ thống các Bảo tàng tại Việt Nam

Trước khi Covid-19 xuất hiện ở nước ta, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia là một trong những đơn vị tiên phong tại Việt Nam trong việc xây dựng một bảo tàng ảo tương tác 3D với việc giới thiệu hai khu trưng bày chuyên đề là Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam và Đèn cổ Việt Nam. Đây được coi là bước đột phá của hoạt động bảo tàng ở nước ta.

Sự thay đổi đột phá của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia nhận được những phản hồi tích cực về tính phù hợp với xu hướng phát triển của bảo tàng hiện đại. Đặc biệt là phần tương tác, đã thỏa mãn được nhu cầu quan sát kỹ các hoa văn đa chiều hay tìm hiểu sâu về nội dung hiện vật của khách tham quan… Đến nay, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã xây dựng hoàn chỉnh hệ thống tham quan 3D ảo và nhiều trưng bày chuyên đề hấp dẫn khác như: Việt Nam thời tiền sử; Văn hóa Đông Sơn; Triều Ngô – Đinh – Tiền Lê – Lý, Trần; Óc Eo – Phù Nam; đèn cổ Việt Nam

Trên cơ sở xác định hiện đại hóa thông qua ứng dụng công nghệ trong trưng bày, giới thiệu là một xu hướng tất yếu của các bảo tàng hiện đại, nhiều triển lãm, bộ sưu tập đã được bảo tàng đưa đến với công chúng dưới hình thức ảo. Hiện đại hóa trưng bày hay giới thiệu trưng bày không chỉ là phương thức online mà còn là các phương thức số hóa, điện tử hóa các hoạt động.

Trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid 19, nhiều Bảo tàng ở các địa phương vùng dịch phải đóng cửa, còn hầu hết các bảo tàng ở địa phương chưa có dịch, mở cửa trong tình trạng đìu hiu, vắng vẻ. Thực trạng này còn khiến các hoạt động dịch vụ phục vụ khách tham quan tại bảo tàng cũng đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng. Nhưng trong khó khăn, khi đối diện với thách thức thì bản thân những người làm bảo tàng lại nhìn thấy cơ hội to lớn từ người dân khi biết sử dụng thành thạo các thiết bị công nghệ số. Một bộ phận công chúng bắt đầu quen với thao tác sử dụng công nghệ, điện thoại thông minh, máy tính để truy cập và tìm hiểu, tham quan những bộ trưng bày online, tương tác ảo mà không cần phải đi đến tận nơi vẫn có thể nhìn ngắm, nghiên cứu nguồn hiện vật, tài liệu phong phú, đa dạng, hấp dẫn trong bảo tàng.

Nắm bắt xu hướng này, trước làn sóng áp dụng công nghệ trong lĩnh vực trưng bày, các bảo tàng Việt Nam cũng đã tìm mọi cách đưa tư liệu, hiện vật đến gần với người xem. Một số đơn vị đã bắt đầu áp dụng công nghệ trong việc trưng bày với hệ thống tham quan ảo 3D hấp dẫn, sống động và nhiều bộ trưng bày chuyên đề giá trị, theo kịp hơi thở cuộc sống. Trung tâm Bảo tồn Hoàng thành Thăng Long đã ra mắt và giới thiệu với người xem nhiều nội dung trưng bày online hấp dấn, độc đáo như: “Thần tốc – Táo bạo- Bất ngờ - Chắc thắng”, Hương sắc thảo mộc Đoan Dương; Triển lãm độc lập; Lung linh trăng rằm; Kinh đô mãi muôn đời, Đất nước trọn niềm vui… cùng hệ thống tham quan ảo các nội dung như: Di tích cách mạng nhà và hầm D67; Di tích lịch sử Hầm Bộ Tổng tham mưu; Lịch sử nghìn năm từ lòng đất; Mộc bản triều Nguyễn – Thành Hà Nội – Thi Đình Thời Lê; Vương triều Lý – Trần – Lê – Mạc”. Chùm tác phẩm nghệ thuật tạo hình đặc sắc về đề tài kháng chiến chống Mỹ được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam giới thiệu trực tuyến trên website. Các triển lãm 3D của Bảo tàng Hồ Chí Minh như:  Việt Nam - Độc lập, Tự cường; Chân dung Hồ Chí Minh – góc nhìn từ tranh cổ động; Hành trình vươn tới những ước mơ… Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam với nhiều bộ trưng bày online ấn tượng như: Nữ tướng khăn rằn, Những trái tim vì hòa bình, Vị giọt mồ hôi; 24h trên phố; Phụ nữ trong gia đình; Phụ nữ trong lịch sử

Tất cả sự đầu tư công nghệ tham quan 3D của một số Bảo tàng lớn trong thời gian qua đã cho thấy ứng dụng công nghệ kỹ thuật số đã trở thành xu thế tất yếu của các bảo tàng trên thế giới và ở nước ta hiện nay. Nhưng so với so với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thì số lượng các đơn vị bảo tàng bắt tay vào thực hiện xây dựng bảo tàng “ảo” tại Việt Nam vẫn dừng lại ở con số khiêm tốn. Để có những bước đột phá, theo kịp sự phát triển của công nghệ 4.0 thì việc ứng dụng sao cho hiệu quả, để các cuộc triển lãm thực sự cần có các giải pháp để triển khai đồng bộ của các Bảo tàng. 

Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh với trưng bày online đầu tiên – bước đột phá mới trong áp dụng công nghệ đưa nội dung trưng bày đến gần hơn với người xem.

Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh là Bảo tàng lưu niệm sự kiện lịch sử về phong trào cách mạng của nhân dân Nghệ Tĩnh diễn ra trong những năm 1930-1931. Tọa lạc trong khu thành cổ Nghệ An cổ kính, uy nghiêm, trong những năm qua Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh đã thực sự trở thành điểm du lịch địa phương hấp dẫn thu hút du khách khi dừng chân tại quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

Trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đầu năm 2021, được sự chỉ đạo sáng suốt, quyết liệt của lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An, Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh đã xây dựng thành công bộ trưng bày chuyên đề online đầu tiên nhân dịp kỷ niệm 90 năm thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Bộ trưng bày mang chủ đề “Tuổi trẻ Nghệ An trên quê hương Xô viết anh hùng” với hình thức trưng bày mới, lạ, hấp dẫn đã thu hút đông đảo sự quan tâm của các bạn trẻ, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa tới các bạn đoàn viên Thanh niên trong toàn tỉnh. Nghiên cứu và tìm ra những ưu, nhược điểm của các loại hình trưng bày khác nhau, Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh đã lựa chọn giải pháp kết hợp video và trưng bày 3D nhằm đem lại hiệu ứng tốt nhất cho khách tham quan. Với những ưu điểm nổi bật như: tạo được luồng thuyết minh cho người xem hiểu rõ nội dung trưng bày; yêu cầu thiết bị xem thấp, đường truyền internet không yêu cầu cao; thao tác xem dễ dàng; trải nghiệm không gian trưng bày 3D tốt; tương tác trực tiếp, nội dung sinh động; đầy đủ các hình thức tương tác như hướng nhìn, đi lại trong phòng, âm thanh, chữ viết… Trưng bày online của Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh lần đầu tiên ra mắt đã được người xem đón nhận tích cực.  Chỉ sau một tuần ra mắt, bộ trưng bày online đã có gần 200.000 lượt truy cập, hơn 1.300 lượt chia sẻ trên các trang mạng xã hội. Đây là hướng trưng bày mới, hiệu quả và thiết thực trong xu thế phát triển công nghệ 4.0 cũng như trong tình hình dịch bệnh đang diễn ra phức tạp như hiện nay.

Link liên kết Trưng bày Online chuyên đề Thanh niên: http://www.trungbay3d.btxvnt.org.vn

Video Tổng quát giới thiệu về chuyên đề: 

Những thay đổi trong hình thức trưng bày của Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh tuy muộn hơn so với các Bảo tàng lớn của cả nước nhưng đây là bước chuyển mình đầu tiên có ý nghĩa đột phá đáng ghi nhận của một Bảo tàng cấp tỉnh có quy mô nhỏ trong hệ thống bảo tàng nước ta. Với những hiệu quả mang lại và sự đón nhận của công chúng , Bảo tàng đang tiến hành xây dựng hệ thống trưng bày bảo tàng ảo 3D cũng như nghiên cứu và xây dựng nhiều bộ trưng bày chuyên đề online để góp phần đưa những di sản văn hóa trên quê hương Bác đến gần hơn với du khách trong cả nước và trên thế giới.

ThS. Trần Thị Hồng Nhung 

Phó Giám đốc Bảo tàng XVNT

 

 

 

Video