Trưng bày lưu động phục vụ lễ hội Đền Cuông ( Xã Diễn An, Huyện Diễn Châu, Tỉnh Nghệ An)

Tác giả: admin
Ngày 2009-04-03 00:40:02

Đến mùa lễ hội Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh lại tổ chức trưng bày lưu động tại các di tích lịch sử, văn hóa. Đây là một trong những hoạt động thường niên của Bảo tàng. Ngoài hệ thống trưng bày cố định, bộ trưng bày lưu động với những hình ảnh chọn lọc, tiêu biểu đã thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham quan tại các lễ hội, góp phần không nhỏ cho hoạt động tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước của Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Đền Cuông (còn gọi là Đền Công), nằm ở xã Diễn An, huyện Diễn Châu (Nghệ An). Đền Cuông thờ  Thục An Dương Vương, một trong những vị vua của nước ta ở buổi đầu dựng nước.

Năm 257 trước Công Nguyên, Thục Phán - thủ lĩnh người Âu Việt ở phía Bắc nước Văn Lang, đánh đuổi Hùng Vuơng thứ 18 của người Lạc Việt, hợp nhất Văn Lang vào đất nước mình gọi là Âu Lạc, xưng là An Dương Vương, đống đô ở Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội). Sau khi gả con gái là Mỵ Châu cho Trọng Thủy, con trai của Triệu Đà (xưng Vương nước Nam Việt), An Dương Vương bị Trọng Thủy đánh cắp nỏ thần về cho vua cha. Triệu Đà cất quân đánh chiếm Âu Lạc. Không có nỏ thần, quân Thục bị thua. An Dương Vương đã lên ngựa chở Mỵ Châu chạy vào Nghệ An.

Triều Đại nhà Thục mở ra ở Cổ Loa ( nơi An Dương Vương đóng đô) và khép lại trên đất Nghệ An ( nơi An Dương Vương từ giã cõi đời). Ở hai mảnh đất này nhân dân đều lập Đền thờ An Dương Vương. Đền Cuông đặt ở nơi Thục An Dương Vương mất.

Lễ hội Đền Cuông năm nay được tổ chức trong 3 ngày: từ ngày 9/3/2009 đến ngày 11/3/2009 (tức ngày 13 đến ngày 15 tháng 2 âm lịch).

Thắp hương tại Đền Cuông, đi từ cổng tam quan đồ sộ, cổ kính, dọc theo hai dãy tả vu, hữu vu là 3 tòa: hạ điện, trung điện và thượng điện, du khách thập phương được hòa mình trong khí linh thiêng và chiêm ngưỡng những kiến trúc độc đáo của ngôi Đền với những hoa văn chạm trổ trên gỗ hay đắp bằng vôi vữa bên ngoài hết sức tinh xảo. Từ tòa Thượng điện du khách có thể thả hồn vào cảnh đẹp thiên nhiên của núi, của rừng, của trời mây biển cả và mắt thấy tai nghe những truyền thuyết, huyền thoại về thần Thục An Dương Vương với những dấu tích như: tảng đá bàn cờ (nơi An Dương Vương ngồi đánh cờ với thần Kim Quy), tảng đá gạo (An Dương Vương phát cho quân lính), núi Kỳ, núi Kiếm, núi Áo, núi Mão, núi Gươm, núi Đầu Cân…(mỗi núi mang tên một vật trên mình An Dương Vương) và đặc biệt là giếng Ngọc trên núi Mộ Dạ gắn với câu chuyện tình bi thương của Mỵ Châu, Trọng Thủy.

Đối diện với Đền là sân Hội nơi diễn ra nhiều hoạt động văn hóa sôi nổi như thi đấu thể thao (bóng chuyền, đẩy gậy, kéo co...), hội diễn văn nghệ, các trò chơi dân gian (bịt mắt đập nồi, nhảy bao bố, chọi gà, cờ người...), biểu diễn võ thuật cổ truyền, các cuộc thi tìm hiểu lịch sử Đền Cuông, liên hoan nghệ thuật các làng văn hóa, đốt lửa trại v.v…Đặc biệt trong dịp lễ hội năm nay, các nghi lễ như: lễ khai quang, lễ cáo trung thiên, lễ yết cáo, lễ rước Vua, Công Chúa và Chư thần vi hành, lễ rước Vua, Công chúa và Chư thần về Đền, lễ đại tế, lễ tạ… được tổ chức rất long trọng, tôn nghiêm đã đưa du khách như trở về với không khí lễ hội ngày xưa.

Tham gia phục vụ lễ hội, bộ trưng bày lưu động của Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã  thu hút du khách tham quan.

Thông qua những hình ảnh sinh động về phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930-1931) từ nguyên nhân, diễn biến, kết quả, ý nghĩa và hình ảnh những tấm gương cộng sản tiêu biểu sinh ra trên quê hương Diễn Châu đã gây ấn tượng mạnh mẽ với du khách. Không chỉ được hòa mình vào không khí linh thiêng của ngày hội, không khí sôi nổi của các trò chơi dân gian, du khách còn được sống lại với những năm tháng đấu tranh long trời chuyển đất của quần chúng nhân dân Nghệ Tĩnh trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Chính tâm trạng thoải mái của du khách khi ra về đã thể hiện sự thành công của lễ hội Đền Cuông năm nay.

Hồng Nhung - Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh

Video