Trưng bày chuyên đề: Một số hình ảnh về “Cuộc đời và sự nghiệp đồng chí Hồ Tùng Mậu” nhân dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Hồ Tùng Mậu (15/6/1896 - 15/6/2016)

Tác giả: admin
Ngày 2016-06-20 01:35:39

Nhân dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Hồ Tùng Mậu (15/6/1896 - 15/6/2016), thực hiện Kế hoạch của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ và Sở Văn hóa,TT&DL, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh tổ chức trưng bày chuyên đề: Một số hình ảnh về “Cuộc đời và sự nghiệp đồng chí Hồ Tùng Mậu” tại sân Nhà Văn hóa xã Quỳnh Đôi từ ngày 13 đến ngày 16/6/2016.

Bộ trưng bày được thiết kế hoành tráng với chiều dài 30m, cao 2m40, giới thiệu 3 chủ đề:
Chủ đề 1: Quê hương, dòng họ và gia đình đồng chí Hồ Tùng Mậu
Chủ đề 2: Sự nghiệp cách mạng của đồng chí Hồ Tùng Mậu
Chủ đề 3: Đất nước, quê hương tri ân và tôn vinh đồng chí Hồ Tùng Mậu

109 ảnh tư liệu và bản trích được trưng bày nổi bật trên nền đai màu đồng sáng đã phản ánh một cách chân thực, đầy đủ, khái quát về truyền thống lịch sử văn hóa của quê hương Quỳnh Lưu nói chung, Quỳnh Đôi nói riêng; về truyền thống khoa bảng, yêu nước cách mạng của dòng họ Hồ, gia đình đồng chí Hồ Tùng Mậu và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Hồ Tùng Mậu. Trong đó, có nhiều hình ảnh, tư liệu quý như: Di chỉ văn hóa Quỳnh Văn, văn hóa Bàu Tró, dụng cụ lao động sản xuất của nhân dân Quỳnh Đôi thời kỳ lập làng, Hương ước Quỳnh Đôi năm 1636, chân dung cụ Hồ Sỹ Dương, Phạm Đình Toái, Nữ sỹ Hồ Xuân Hương, sưu tập hiện vật của nhân dân Quỳnh Lưu trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, hình ảnh gia đình cụ Hồ Học Lãm; vali da của đồng chí Hồ Tùng Mậu dùng trong thời kỳ hoạt động ở Thái Lan và Trung Quốc; Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Hồ Tùng Mậu tại Đại hội Kháng chiến Toàn quốc ở Việt Bắc năm 1948, đồng chí Hồ Tùng Mậu cùng các đồng chí cán bộ Ủy ban Hành chính Kháng chiến Liên khu IV năm 1949; đặc biệt là ảnh Bác Hồ và đồng chí Diệc Lan, bài viếng đồng chí Hồ Tùng Mậu của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 1/8/1951.

Trong hai ngày 13 và 14/6/2016, bà con ở Quỳnh Đôi và các xã lân cận đã đến tham quan trưng bày. Sáng ngày 15/6, sau lễ dâng hương, dâng hoa tại Khu lăng mộ và Khu lưu niệm đồng chí Hồ Tùng Mậu, đoàn đại biểu lãnh đạo các ban ngành Trung ương, Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An, các ban ngành của Tỉnh, Huyện ủy, UBND huyện Quỳnh Lưu, thân nhân dòng họ, gia đình đồng chí Hồ Tùng Mậu và nhân dân địa phương về Nhà Văn hóa nghe thuyết minh viên Phạm Thị Kim Lân của Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh giới thiệu nội dung trưng bày. Với giọng nói truyền cảm, nữ thuyết minh đã đem đến cho đại biểu và nhân dân hiểu sâu sắc hơn về truyền thống lịch sử hào hùng của quê hương cũng như sự nghiệp vẻ vang của đồng chí Hồ Tùng Mậu.

Quỳnh Lưu, quê hương đồng chí Hồ Tùng Mậu là mảnh đất có bề dày lịch sử văn hóa. Trong quá trình đấu tranh chống giặc ngoại xâm, nhân dân Quỳnh Lưu luôn sát cánh cùng cả nước lập nên những chiến công hiển hách. Với truyền thống yêu nước, cần cù, hiếu học và sáng tạo, mảnh đất này đã đào tạo, hun đúc cho đất nước nhiều nhân tài trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, văn hóa.

Quỳnh Đôi, nơi đồng chí Hồ Tùng Mậu sinh ra và lớn lên là làng quê nổi tiếng về truyền thống văn hóa và cách mạng. Nhiều người con của họ Hồ ở Quỳnh Đôi đã làm rạng danh cho quê hương, đất nước như: Đông các Đại học Hồ Sỹ Dương, Hoàng Giáp Hồ Sỹ Đống, Tiến sỹ Hồ Phi Tích, nữ sỹ Hồ Xuân Hương, Tiến sỹ Hồ Bá Ôn, chí sỹ Hồ Bá Kiện...

Đồng chí Hồ Tùng Mậu xuất thân trong một gia đình, dòng họ có truyền thống khoa bảng và yêu nước, đó là "bầu sữa mẹ" nuôi dưỡng chí khí cách mạng; truyền thống quê hương là "nguồn trong" để tư tưởng cứu nước của anh trưởng thành và sớm đến với cách mạng. Từ năm 1923 đến năm 1931 là thời kỳ hoạt động sôi nổi và có nhiều đóng góp to lớn cho cách mạng của đồng chí Hồ Tùng Mậu: tham gia sáng lập tổ chức Tâm Tâm Xã; được Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp đào tạo trở thành cán bộ cốt cán của Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, một cây bút tích cực của báo Thanh Niên, làm phụ giảng cho Người tại Quảng Châu, Trung Quốc, đưa thanh niên Việt Nam sang Trung Quốc học tập, tham gia Đảng cộng sản Trung Quốc và khởi nghĩa ở Quảng Châu, tích cực giúp Lãnh tụ Nguyên Ái Quốc tổ chức thành công Hội nghị thành lập Đảng cộng sản Việt Nam, nhờ Hội cứu tế đỏ Quốc tế can thiệp và vận động luật sư Lô Zơ Bai cứu Bác Hồ thoát khỏi nhà tù thực dân Anh ở Hồng Công.

Những hoạt động cách mạng của Hồ Tùng Mậu không tránh được sự theo dõi của kẻ địch. Ngày 30/6/1931, đồng chí bị bắt. 14 năm bị lưu đày trong những nhà tù khét tiếng tàn bạo của thực dân Pháp: Hỏa Lò, Vinh, Lao Bảo, Kon Tum, Buôn Ma Thuột, Trà Khê. Lao tù cơ cực, nhưng đồng chí Hồ Tùng Mậu luôn giữ vững bản lĩnh của người cách mạng kiên trung, lãnh đạo anh em tù chính trị quyết tranh đấu với kẻ thù.

Tháng 3/1945, lợi dụng Phát xít Nhật đảo chính Pháp, đồng chí cùng các bạn tù vượt ngục trở về tiếp tục hoạt động cách mạng cho đến lúc hy sinh. Đồng chí đã giữ những cương vị trọng trách của Đảng và chính quyền: Giám đốc kiêm Chính ủy trường Quân chính Nhượng Bạn, Chủ tịch UBHCKC Liên khu IV, Ủy viên Thường vụ Liên Khu ủy, Tổng Thanh Tra Chính phủ đầu tiên, Hội trưởng đầu tiên Hội hữu nghị Việt- Hoa, Uỷ viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Trưởng ban Kiểm tra Trung ương Đảng. Ở bất cứ cương vị công tác nào, đồng chí đều hăng hái, nhiệt tình và phát động được cán bộ, nhân dân tham gia. Ngày 23/7/1951, đồng chí đã trúng đạn địch trên đường đi công tác tại Còng, Tĩnh Gia, Thanh Hóa.

31 năm hoạt động không ngừng nghỉ, từ một người yêu nước, đồng chí Hồ Tùng Mậu trở thành một chiến sỹ cách mạng sống có lý tưởng, hoạt động nhiệt thành, phẩm chất kiên trung, trí tuệ mẫn tiệp, phong cách giản dị. Đồng chí Hồ Tùng Mậu là tấm gương cộng sản sáng ngời để các thế hệ nối tiếp nhau học tập, noi theo.

Bộ trưng bày chuyên đề: Một số hình ảnh về “Cuộc đời, sự nghiệp đồng chí Hồ Tùng Mậu” là hoạt động tri ân của Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh đối với công lao đóng góp của đồng chí Hồ Tùng Mậu- vị lãnh đạo tiền bối tiêu biểu cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân.

Phạm Thị Kim Lân - Bảo tàng XVNT

Video