Tráp gỗ và mâm chè của gia đình đồng chí Từ Đức Ký

Tác giả: admin
Ngày 2018-09-19 09:19:01

Đồng chí Từ Đức Ký sinh năm 1903 tên thật là Từ Nhẫn ở làng Xuân Trạch, tổng Phù Long, huyện Hưng Nguyên (nay là xã Nam Cường, huyện Nam Đàn). Đây là vùng đất có lịch sử lâu đời, giàu truyền thống hiếu học và yêu nước.

Họ Từ của đồng chí là một trong 12 dòng họ ở Nam Cường có nhiều người tham gia phong trào yêu nước và đóng góp công sức xây dựng quê hương. Từ nhỏ đã được gia đình cho theo học chữ nên đồng chí Từ Đức Ký là người có hiểu biết và sớm được tiếp xúc với những trào lưu tư tưởng mới.

Vào những năm đầu thế kỷ XX, nhân dân cả nước nói chung cũng như nhân dân Nam Cường nói riêng đã sôi nổi hưởng ứng cuộc vận động “Đông Du” của Phan Bội Châu, phong trào Duy Tân của Phan Chu Trinh. Sách báo, văn thơ yêu nước được lưu hành rộng rãi, đồng chí Từ Đức Ký cũng tham gia vào các nhóm đọc sách báo, bình thơ văn của xã.

Những năm 1927 – 1928, đồng chí Bùi Hải Thiều, Bùi Hữu Lương, Từ Lam xây dựng và phát triển cơ sở Đảng Tân Việt và Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội ở các xã lân cận và Nam Cường đã thức tỉnh nhân dân Nam Cường đi theo cách mạng.

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3/2/1930), tháng 7/1930 Chi bộ Nam Cường ra đời lấy tên là Phổ Đông do đồng chí Bùi Hữu Lương làm Bí thư. Đồng chí Từ Đức Ký đã tham gia tích cực vào các phong trào đấu tranh cách mạng địa phương với tư cách là quần chúng tiêu biểu của Đảng: ngày 18/6/1930, nhân dân tổng Phù Long, tổng Nam Kim đã tập trung kéo đến chợ Đồn để dự cuộc biểu tình; Ngày 30/8/1930, quần chúng nhân dân đã kéo về Huyện đường Nam Đàn biểu tình đốt phá các điếm canh, phá nhà giam giải thoát cho những người đang bị cầm tù và buộc tri huyện Lê Khắc Tưởng ký vào bản yêu sách của quần chúng với lời cam kết: từ nay về sau không được nhũng nhiễu dân. Tháng 9/1930, đồng chí Từ Đức Ký được kết nạp vào Đảng, thuộc Chi bộ Xuân Trạch.

Sau cuộc biểu tình, bộ máy chính quyền địch ở các thôn xóm tỏ ra hoang mang, Chi bộ Đảng Xuân Trạch đã nắm lấy thời cơ cách mạng tiếp tục lãnh đạo nhân dân đấu tranh. Các tổ chức quần chúng như Nông hội đỏ, Cứu tế đỏ, Đồng tử quân... cũng nhanh chóng được thành lập. Đồng chí đã cùng với các đảng viên trong Chi bộ đã tích cực tuyên truyền, giác ngộ quần chúng nhân dân trong làng về ý thức cách mạng cũng như tinh thần đấu tranh trong giai đoạn mới.

Công tác ấn loát tài liệu của Xứ ủy, Tổng ủy được tăng cường nhằm đẩy mạnh công tác tuyên tuyền cách mạng. Nhà của đồng chí Từ Đức Ký được Tổng ủy chọn làm nơi đặt cơ sở in ấn. Đồng chí vừa là thành viên trong tổ ấn loát, vừa thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền.

Chiếc mâm chè bằng gỗ, dài 40cm, rộng 27,5cm, cao 22cm, dụng cụ của gia đình được tổ in ấn sử dụng để đổ thạch in truyền đơn, tài liệu. Truyền đơn, tài liệu sau khi in xong được đồng chí cất giấu vào trong tráp gỗ dài 35cm, rộng 20cm và cao 12cm, là vật dụng đựng đồ tế tự thường ngày của gia đình và để dưới sập gỗ. Nhờ đó mà tài liệu và truyền đơn cách mạng được cất giấu một cách bí mật và an toàn.

Để chuẩn bị cho cuộc biểu tình ngày 12/9/1930, Từ Đức Ký cùng các đồng chí của mình trong tổ ấn loát đã làm việc cật lực để in truyền đơn mang đi rải nhằm vận động bà con tham gia. Sáng ngày 12/9/1930, đồng chí và các đảng viên trong Chi bộ đã dẫn đầu đoàn biểu tình của nhân dân ba làng Xuân Trạch, Mai Sơn, Long Xuyên kéo về Thái Lão phối hợp với 8.000 nhân dân Hưng Nguyên. Đoàn biểu tình vừa đi vừa hô vang các khẩu hiệu đấu tranh đòi quyền lợi.

Thực dân Pháp cho máy bay ném bom tàm sát làm 217 người chết, 125 người bị thương. Đồng chí Từ Đức Ký may mắn thoát chết nhưng bị địch bắt giam vào đồn Phù Xá, sau chuyển xuống Vinh. Trong thời gian bị giam cầm trong nhà lao Vinh, đồng chí vẫn tiếp tục hoạt động chính trị cùng với các đồng chí khác như Nguyễn Ngọc Ngoạn, Phạm Nghiêm, Nguyễn Cảnh Sâm...

Sau khi ra tù, Từ Đức Ký tiếp tục bắt mối liên lạc với các đồng chí để hoạt động cách mạng. Năm 1936, đồng chí bị địch bắt giam lần thứ hai.

Năm 1939, đồng chí được tha và trở về quê nhà tiếp tục hoạt động trong phong trào cách mạng của xã.

Năm 1945, đồng chí được bầu làm Chủ tịch Ủy ban lâm thời làng Xuân Trạch.

Sau năm 1945, đồng chí Từ Đức Ký được điều sang làm kinh tài ở huyện Hưng Nguyên. Đồng chí đã tích cực hoạt động cho đến khi nghỉ hưu.

Năm 1983, đồng chí mất do tuổi già sức yếu.

Chiếc tráp gỗ và mâm chè là những hiện vật gắn liền với quãng đời hoạt động cách mạng năng nổ và nhiệt tình của đồng chí Từ Đức Ký trong năm 1930 – 1931 đang được bảo quản tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Video