Trao đổi về phương pháp dạy và học lịch sử Xô Viết Nghệ Tĩnh ở bậc Phổ thông Trung học

Tác giả: admin
Ngày 2009-04-09 07:17:06

Cách đây 70 năm, khi mới thành lập, Đảng cộng sản Việt Nam đã phát động và lãnh đạo một phong trào cách mạng rộng lớn trong cả nước. Hưởng ứng chủ trương của Đảng, quần chúng công nông cả nước đã vùng dậy đấu tranh mạnh mẽ, đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh. 

Để thử nghiệm năng lực lãnh đạo của mình và tinh thần giác ngộ cách mạng của quần chúng, Trung ương Đảng đã chủ trương phát động công nông xuống đường tranh đấu trực diện với quân thù nhân kỷ niệm Quốc tế lao động 1/5/1930. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào cách mạng quần chúng nhanh chóng lan rộng và phát triển mạnh mẽ thành cao trào. Trước khí thế “xung thiên” của quần chúng, chính quyền đế quốc, phong kiến ở nhiều địa phương trên đất Nghệ Tĩnh đã tê liệt và tan rã, chính quyền Xô Viết được thành lập. 

Xô Viết Nghệ Tĩnh ra đời là một sự kiện chính trị lớn lao, làm rung chuyển nền thống trị của chủ nghĩa thực dân Pháp và phong kiến phản động ở Đông Dương. Sự kiện đó đã đánh dấu một bước ngoặt trên con đường đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, giành chính quyền cho nhân dân, Xô Viết Nghệ Tĩnh là chính quyền cách mạng, là mô hình Nhà nước công nông đầu tiên ở Việt Nam và là sự kiện trọng đại của cả khu vực Đông Nam châu Á. 

Xô Viết Nghệ Tĩnh là cuộc tổng diễn tập đầu tiên của Đảng cộng sản Việt Nam và quần chúng công nông Việt Nam. Qua Xô Viết Nghệ Tĩnh Đảng ta đã rút ra nhiều bài học từ trong máu lửa đấu tranh, đó là những bài học thành công trở thành vô giá cho cách mạng Việt Nam: 

- Bài học về xây dựng khối liên minh công nông vững chắc dưới sự lãnh đạo của Đảng cách mạng. 

- Bài học về xây dựng mặt trận dân tộc thống nhất trong đấu tranh cách mạng. 

- Bài học về xây dựng bạo lực cách mạng để đập tan bạo lực phản cách mạng, giành và giữ chính quyền. 

- Bài học về thời cơ cách mạng, và việc xây dựng linh hoạt các phương pháp đấu tranh cách mạng trong từng điều kiện cụ thể. 

- Bài học về xây dựng Đảng Vô sản kiểu mới của giai cấp công nhân. 

70 năm trôi qua, “ ngọn lửa thiêng” trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh đã trở thành ngọn đuốc soi đường cho toàn Đảng, toàn dân ta bước tiến trên con đường cách mạng phản để, phản phong giành thắng lợi. 

Tinh thần và những bài học kinh nghiệm của Xô Viết Nghệ Tĩnh vẫn còn nguyên giá trị, vì vậy việc nghiên cứu, học tập lịch sử Xô Viết Nghệ Tĩnh để nắm vững bản chất tốt đẹp, giá trị cách mạng cao quý của nó nhằm khắc sâu lòng tự hào và tình yêu quê hương đất nước, phát huy truyền thống vẻ vang anh hùng của Xô Viết Nghệ Tĩnh là vấn đề có ý nghĩa tư tưởng, thực tiễn quan trọng và cần thiết, trong đó việc dạy và học lịch sử Xô Viết Nghệ Tĩnh ở trong các trường học giữ một vị trí hết sức quan trọng. 

Trong bài viết này chúng tôi xin được nêu lên vài suy nghĩ về việc dạy và học lịch sử Xô Viết Nghệ Tĩnh trong các cấp học, nhất là ở các trường trung học phổ thông. 

- Dạy và học lịch sử Xô Viết Nghệ Tĩnh trong giờ chính khóa. 

Hiện nay trong sách giáo khoa lịch sử được dùng giảng dạy, học tập ở bậc PTTH, khi trình bày về phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh chỉ đề cập đến những nét cơ bản về diễn biến của phong trào cách mạng 1930-1931, kết quả của nó là làm cho chính quyền đế quốc phong kiến ở nhiều địa phương bị tê liệt, tan rã và nhân dân ta đã thành lập được chính quyền Xô Viết ở Nghệ Tĩnh, một hình thức chính quyền cách mạng công nông, và hoạt động của chính quyền này, cuối cùng là nêu ý nghĩa của Xô Viết Nghệ Tĩnh, như vậy là chưa đầy đủ. 

Phải chăng vì vậy mà học sinh không giải thích được: vì sao phong trào cách mạng ở Nghệ Tĩnh thời kỳ 1930-1931 lại phát triển mạnh thành cao trào và đạt được thành qủa kỳ diệu là lập nên chính quyền cách mạng công nông? 

Qua tiếp xúc với hàng ngàn học sinh đã tốt nghiệp lớp 12 phổ thông trung học, chúng tôi nhận thấy hầu hết những em được hỏi đều không trả lời đầy đủ, đúng câu hỏi nêu trên. Có chăng một số học sinh trả lời được là do có Đảng cộng sản lãnh đạo mà thôi. Điều đáng lo lắng hơn là một số học sinh hiểu rằng cách mạng ở Nghệ Tĩnh năm 1930-1931 phát triển thành cao trào là một hiện tượng ngẫu nhiên, bột phát. 

Khi được hỏi: “ Tại sao chính quyền cách mạng là chính quyền của dân, do dân và vì dân ? thì học sinh chỉ có thể nêu được những nét cơ bản về hoạt động của Xô Viết, chứ không trình bày được bản chất của nó. 

Từ thực trạng đó đã nảy ra vấn đề khi giảng về lịch sử Xô Viết Nghệ Tĩnh, cần phải làm cho học sinh nhận thức được về nguyên nhân, diễn biến, kết quả và ý nghĩa của phong trào cách mạng Nghệ Tĩnh năm 1930 – 1931 với việc thành lập một chính quyền Xô Viết một cách đầy đủ, lôgíc, có hệ thống. 

Một là về những điều kiện cơ bản làm bùng nổ và phát triển thành cao trào của cách mạng 1930- 1931 ở Nghệ Tĩnh, cần phải làm cho học sinh ( sinh viên) nhận thức được rằng ngoài những nguyên nhân chung dẫn đến sự bùng nổ và phát triển của phong trào cách mạng trong cả nước, Nghệ Tĩnh còn có những nhân tố cơ bản sau: 

1. Nghệ Tĩnh vốn là mảnh đất kiên cường của Tổ quốc Việt Nam. Nhân dân Nghệ Tĩnh vốn có truyền thống yêu nước, anh hùng, bất khuất, kiên cường chống ngoại xâm để bảo vệ Độc lập Tự do của dân tộc. Nghệ Tĩnh vốn là nơi diễn ra nhiều phong trào đấu tranh lẫy lừng tiêu biểu là khởi nghĩa do Mai Thúc Loan lãnh đạo (năm 722). Trong cuộc kháng chiến 10 năm chống quân Minh xâm lược, nhân dân Nghệ Tĩnh đã có những đóng góp to lớn vào thắng lợi của khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi, Nguyễn Trãi lãnh đạo. Chiến thắng liệt oanh, vang dội trong trận Bồ Đằng, Trà Lân trên đất Nghệ An đã được nhắc đến trong “ Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi, Bản Tuyên ngôn độc lập thứ hai của dân tộc ta: “ Trận Bồ Đằng sấm ran, chớp dật, Miền Trà Lân trúc chẻ, tro bay”. Trong cuộc kháng chiến chống quân Thanh xâm lược do Quang Trung lãnh đạo, nhân dân Nghệ Tĩnh đã có đóng góp to lớn về sức người và sức của, cùng nghĩa quân làm nên chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa giải phóng kinh đô Thăng Long vào ngày mồng 5 tết Kỷ Dậu (1789). Trong cuộc hành quân vĩ đại của quân Quang Trung có công sức của 5 vạn quân Xứ Nghệ ( Lịch sử Nghệ Tĩnh tập 1- Nxb Nghệ Tĩnh – Vinh 1984, Tr.156) ( lúc bấy giờ dân số Nghệ Tĩnh chỉ có 12,5 vạn). Khởi nghĩa do Phan Đình Phùng lãnh đạo là ngọn cờ tiêu biểu trong phong trào Cần Vương chống Pháp trên đất Nghệ Tĩnh và trong toàn quốc. Nhân dân Nghệ Tĩnh đã tạo lập ra những căn cứ quan trọng cho khởi nghĩa, như Cồn Chùa Thượng, Hạ Bồng, Hói Trùng, Hói Trí... xây dựng lực lượng chống Pháp... 

Nghệ Tĩnh là nơi sản sinh ra nhiều người con ưu tú cho dân tộc Việt Nam như: Mai Thúc Loan, đại thi hào Nguyễn Du, Phan Đình Phùng, Nguyễn Xuân Ôn, Phan Bội Châu, Nguyễn Ái Quốc, Trần Phú... 

2. Nghệ Tĩnh là vùng đất thời tiết rất khắc nghiệt, nông dân Nghệ Tĩnh vẫn kiên trì bám đất, bám ruộng, lao động cần cù, vật lộn với thiên nhiên để làm nên sản phẩm xã hội. Nông dân Nghệ Tĩnh bị đế quốc, phong kiến áp bức, bóc lột rất nặng nề, nên họ mang nặng mối căm thù đế quốc, phong kiến, đã hăng hái vùng lên đấu tranh đòi giải phóng . 

3. Đến những năm 1929-1930, Nghệ Tĩnh có một khu công nghiệp lớn ở Vinh - Bến Thuỷ, tập trung khoảng trên 5 ngàn công nhân ( riêng nhà máy xe lửa Trường Thi đã có khoảng 4 ngàn công nhân ). Công nhân Vinh - Bến Thuỷ phải làm việc từ 12 đến 17 giờ trong ngày với đồng lương rẻ mạt, các khoản phụ phí phải đóng góp ngày càng tăng, đời sống vô cùng cực khổ. Được vũ trang lý luận cách mạng vô sản, giai cấp công nhân Nghệ Tĩnh là lực lượng hùng hậu lãnh đạo phong trào đấu tranh của quần chúng công nông. 

4. Đảng Cộng sản được thành lập sớm và phát triển mạnh. (Sau ngày thống nhất Đảng, tỉnh Đảng bộ lâm thời Nghệ An thành lập vào ngày 20/2/1930 và tỉnh uỷ Hà Tĩnh cũng ra đời đầu tháng 3 năm 1930. Đến tháng 8 năm 1930 hầu hết các Huyện uỷ, Phủ uỷ đều được thành lập. Số lượng đảng viên Cộng sản ở Nghệ Tĩnh chiếm ½ tổng số đảng viên cộng sản trong cả nước. Nhờ có cơ sở từ trước, các đoàn thể quần chúng như Công hội Đỏ, Nông hội Đỏ, Thanh niên cộng sản đoàn, Tự vệ, Phụ nữ giải phóng do Đảng thành lập đã nhanh chóng được chuẩn bị về tư tưởng, tổ chức để đưa quần chúng ra tranh đấu. Đảng ra đời và phát triển mạnh đã trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng của quần chúng Công Nông phát triển. 

Ngoài nguyên nhân chung, 4 nhân tố trên là điều kiện cơ bản làm cho phong trào cách mạng ở Nghệ Tĩnh năm 1930-1931 phát triển mạnh thành cáo trào và đạt được thành quả vĩ đại là : lập ra Chính quyền Xô viết. 

Thứ hai. Khi trình bày về sự ra đời và hoạt động của Xô Viết Nghệ Tĩnh, và bản chất của Xô viết là chính quyền cách mạng Công Nông, chúng ta cần làm cho học sinh nắm được hai chức năng cơ bản đặc trưng của chính quyền cách mạng là “ chức năng trấn áp và chức năng xây dựng” 

Về chức năng trấn áp, chính quyền cách mạng có nhiệm vụ trừng trị bọn phản cách mạng và các lực lượng chống đối, bãi bỏ những di hại do chế độ cũ gây nên. 

Về chức năng xây dựng: chính quyền cách mạng có nhiệm vụ lãnh đạo nhân dân xây dựng cuộc sống mới, chế độ mới tốt đẹp ưu việt. 

Trên cơ sở nhận thức đó sẽ trình bày những hoạt động của Xô viết Nghệ Tĩnh trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, tức là hoạt động với hai chức năng cơ bản nêu trên của chính quyền cách mạng. Từ đó học sinh dễ dàng rút ra bản chất của Xô viết Nghệ Tĩnh là chính quyền cách mạng Công Nông, do dân, vì dân, đó là mô hình nhà nước Công Nông đầu tiên ở nước ta. 

Từ cơ sở nhận thức và thực trạng nêu trên, chúng tôi xin mạnh dạn đề xuất vài ý kiến về việc giảng dạy lịch sử Xô viết Nghệ Tĩnh để những người quan tâm cùng trao đổi, nhằm cung cấp cho học sinh những hiểu biết cần thiết về Xô Viết Nghệ Tĩnh một cách hệ thống, lôgic, chặt chẽ, góp phần nâng cao lòng tự hào truyền thống cách mạng của quê hương, đất nước.
Khi giảng về “ Phong trào cách mạng 1930-1931, đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh “ nên thể hiện theo trình tự sau: 

Sau khi trình bày nguyên nhân,diễn biến của cách mạng cả nước trong nửa đầu năm 1930, chúng ta trình bày đến “ Cao trào cách mạng ở Nghệ Tĩnh với việc thành lập chính quyền Xô Viết” theo bố cục sau: 

1. Những điều kiện cơ bản dẫn đến bùng nổ và phát triển thành cao trào cách mạng ở Nghệ Tĩnh

Ở phần này cần cung cấp cho học sinh những hiểu biết cơ bản về 4 nhân tố: 

• Truyền thống yêu nước, anh hùng chống ngoại xâm của nhân dân Nghệ Tĩnh. 

• Sức mạnh to lớn của giai cấp Nông dân Nghệ Tĩnh trong đấu tranh cách mạng. 

• Lực lượng hùng hậu và khả năng lãnh đạo cách mạng của giai cấp Công nhân Nghệ Tĩnh. 

• Đảng bộ Cộng sản Nghệ Tĩnh ra đời sớm và phát triển mạnh, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng quần chúng, làm cho cách mạng Nghệ Tĩnh bùng nổ và phát triển lên đến đỉnh cao của phong trào cả nước.

2. Tóm tắt diễn biến cao trào cách mạng ở Nghệ Tĩnh năm 1930-1931
Phần này với nội dung lượng kiến thức và nội dung như đã trình bày trong các tài liệu sách giáo khoa là vừa phải thích hợp


3. Sự ra đời, tính chất và hoạt động của Xô Viết Nghệ Tĩnh 

Ở phần này chúng ta cần làm cho học sinh hiểu rõ khái niệm “ Xô Viết Nghệ Tĩnh” cụ thể là: Khi cơ quan chính quyền địch ở nhiều địa phương bị tê liệt, tan rã, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của các tổ chức cơ sở của Đảng đã bầu ra Ban chấp hành Nông hội xã, Ban chấp hành nông hội thôn để tổ chức quản lý điều hành các hoạt động ở địa phương mình (ở Thanh Chương, Nam Đàn, một phần huyện Anh Sơn, Diễn Châu, Nghi Lộc, Nghi Xuân, Can Lộc, Thạch Hà, Hương Khê…). Các Ban chấp hành này có hình thức tổ chức và hoạt động với các chức năng cơ bản của chính quyền cách mạng giống như các Xô Viết ở nước Nga trong cách mạng Tháng Mười (từ Xô Viết, tiếng Nga là “ Coben”, đọc là Xô VVết nghĩa là Uỷ ban hoặc Ban chấp hành), nên Xô viết được thành lập ở Nghệ Tĩnh được gọi là “ Xô Viết Nghệ Tĩnh”. 

Khi trình bày về tính chất và hoạt động của Xô Viết Nghệ Tĩnh chúng ta cần làm cho học sinh rõ những công việc của Xô Viết Nghệ Tĩnh đã tiến hành là thực hiện hai chức năng cơ bản của chính quyền cách mạng: 

Về chức năng trấn áp: Xô Viết Nghệ Tĩnh đã lãnh đạo nhân dân trừng trị bọn phản cách mạng, bãi bỏ các thứ thuế vô lý do đế quốc và phong kiến đặt ra, bắt địa chủ phải xoá nợ, giảm tô, tịch thu ruộng đất của đế quốc và phong kiến Việt gian, phản động chia cho dân nghèo, bài trừ các hủ tục và các tệ nạn xã hội do đế quốc cũ để lại. 

Về chức năng xây dựng: Xô Viết Nghệ Tĩnh đã lãnh đạo nhân dân xây dựng cuộc sống mới tốt đẹp, ưu việt như: 

* Về chính trị: Thực hiện tự do dân chủ, quần chúng được tự do hội họp, tự do hoạt động trong các đoàn thể cách mạng, thực hiện nam nữ bình đẳng, thành lập các hội tương tế và các tổ chức cách mạng. 

• Về kinh tế: Chia lại ruộng đất cho dân nghèo, thực hiện giảm tô, xoá nợ cho người nghèo, tổ chức ra các hội giúp đỡ nhau làm ăn, thực hiện ngày làm 8 giờ. 

• Về văn hoá xã hội: Tổ chức cho nhân dân học chữ quốc ngữ, tổ chức các đội đọc sách báo, thực hiện nếp sống mới, không tổ chức ma chay, cưới hỏi linh đình, tốn kém, lãng phí. 

• Về an ninh: Xô Viết còn lập ra các đội Tự vệ để tuần tra, canh phòng bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, đảm bảo trật tự an ninh trong thôn xóm… 

Từ đó học sinh dễ dàng rút ra : Tuy mới chỉ là hình thức sơ khai và tồn tại được một thời gian ngắn song Xô Viết Nghệ Tĩnh đã tỏ rõ tính ưu việt và bản chất tốt đẹp của một chính quyền Cách mạng Công Nông, do dân, vì dân. Đó là mô hình Nhà nước Công Nông đầu tiên ở nước ta. Vì Xô Viết Nghệ Tĩnh đã thực hiện những chức năng cơ bản của chính quyền Cách mạng như đã nêu trên. 

4. Ý nghĩa của Xô Viết Nghệ Tĩnh 

Tuy mới bắt đầu trong một thời gian ngắn, song Xô Viết Nghệ Tĩnh đã chứng tỏ tính ưu việt và bản chất tốt đẹp của chính quyền cách mạng, của dân, do dân và vì dân. Đó là mô hình Nhà nước Công Nông đầu tiên ở nước ta và ở Đông Nam Á.
Xô Viết Nghệ Tĩnh là thành quả vĩ đại, là sự sáng tạo kỳ diệu, phi thường của Công Nông cả nước ta nói chung và Công Nông Nghệ Tĩnh nói riêng dưới sự lãnh đạo của Đảng. 

Xô Viết Nghệ Tĩnh thực sự xứng đáng là ngọn lửa đăng tỏa sáng, vẫy gọi con thuyền cách mạng Việt Nam tiến lên sớm cập bến bờ thắng lợi vẻ vang. 

Xô Viết Nghệ Tĩnh là nguồn cổ vũ lớn lao đối với quần chúng nhân dân cả nước. Tinh thần của Xô Viết Nghệ Tĩnh sống mãi trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam. 

Đánh giá về Xô Viết Nghệ Tĩnh, trong báo cáo gửi BCH Quốc tế Cộng sản ngày 19/2/1931 với nhan đề: “ Nghệ Tĩnh Đỏ”, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã viết: “Trong thời kỳ Pháp xâm lược cũng như trong phong trào cách mạng Quốc gia ( 1905-1925), Nghệ Tĩnh đã nổi tiếng. Trong cuộc đấu tranh hiện nay Công nhân và Nông dân Nghệ Tĩnh vẫn giữ vững truyền thống cách mạng của mình… Nghệ Tĩnh thật xứng đáng với danh hiệu “Đỏ”!.”(Hồ Chí Minh- Tuyển tập, Tập 1, Nxb Sự Thật, HN.1980, Tr.310) 

- Dạy và học lịch sử Xô Viết Nghệ Tĩnh trên hiện trường lịch sử ( ngoại khóa). 

Ngoài những tiết học chính khóa trên lớp, một hình thức dạy và học lịch sử có hiệu quả là tổ chức cho học sinh, sịnh viên tiếp cận với những di tích lịch sử, những di vật và những chứng tích còn lưu giữ ở các hiện trường lịch sử hoặc tại các Bảo tàng lịch sử. 

Đã từ lâu việc dạy và học trên hiện trường lịch sử đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là nội dung bắt buộc trong quy trình đào tạo đối với sinh viên ngành sử của các trường Đại học và Cao đẳng, THPT. 

Ngoài những hiện trường lịch sử trên phạm vi cả nước, cán bộ, sinh viên khoa lịch sử trường ĐH Vinh còn coi Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh là một địa điểm học lý thuyết kết hợp với thực tế tốt nhất về giai đoạn lịch sử cận, hiện đại. 

Trong nhiều năm qua khoa lịch sử ĐHSP Vinh đã xây dựng được mối quan hệ gắn bó với Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu học tập lịch sử Xô Viết Nghệ Tĩnh cho cán bộ và sinh viên. Nhiều hình thức giáo dục truyền thống cách mạng cho sinh viên đã được thực hiện tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh như tham quan, học tập, nóí chuyện truyền thống, tham gia hội thảo khoa học nhân kỷ niệm các ngày lịch sử trọng đại của dân tộc, giao lưu văn hóa tìm hiểu về các danh nhân thế kỷ XVIII … 

Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã trải qua 40 năm xây dựng và phát triển, thực sự trở thành một trong những trung tâm văn hóa, giáo dục truyền thống cách mạng cho nhân dân, giúp các học giả, du khách trong và ngoài nước hiểu thêm về lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần đấu tranh anh dũng, kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam và nhân dân trên đất Lam Hồng. Thông qua ngôn ngữ đặc trưng của mình Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã và sẽ tác động vào quá trình nâng cao dân trí, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tăng thêm tình yêu quê hương đất nước, hướng tới những giá trị đích thực của chân- thiện- mỹ cho mọi thế hệ. Xô Viết Nghệ Tĩnh là di sản quý giá, tự hào, là sự kết tinh truyền thống yêu nước của dân tộc. Xô Viết Nghệ Tĩnh phản ánh chân thực và sinh động cốt cách, tinh thần, cũng như đời sống của người dân xứ Nghệ. Đồng thời qua đó phản ánh đời sống văn hóa xã hội cùng cuộc đấu tranh cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ta trong những năm đầu thế kỷ XX, đặc biệt là trong những ngày đầu có Đảng. Đến nghiên cứu, học tập tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh, được tiếp cận với những hình ảnh, những di vật, những chứng tích, di tích lịch sử Xô Viết Nghệ Tĩnh, chúng ta như được sống lại với không khí hào hùng, với tinh thần quả cảm hy sinh của các chiến sỹ Xô Viết. Trong khi chúng ta chưa có điều kiện đưa học sinh, sinh viên đến tất cả các địa phương, nơi diễn ra cao trào cách mạng 1930-1931, thì việc tổ chức dạy và học lịch sử Xô Viết Nghệ Tĩnh tại Bảo tàng là việc làm bổ ích, làm được và rất nên làm, chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả tốt cho việc giáo dục truyền thống cách mạng, tình yêu quê hương đất nước cho thế hệ trẻ. Đến với Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh, học sinh, sinh viên được tận mắt nhìn thấy những bộ sưu tập có giá trị như các loại vũ khí thô sơ mà các chiến sỹ Xô Viết đã dùng để áp đảo quân thù. “Trống Xô Viết” là một thứ vũ khí đấu tranh, tiếng trống thôi thúc cổ vũ quần chúng tham gia đấu tranh đòi tự do cơm áo. Trong các cuộc biểu tình năm 1930-1931, tiếng trống là hiệu lệnh tập hợp bà con về các sân đình, gốc cây đa hay sân nhà thờ nào đó để sẵn sàng đi đấu tranh, tiếng trống năm 1930-1931 đã làm khiếp đảm quân thù. 70 năm trôi qua mà tiếng trống ấy vẫn còn lay động tâm hồn bao thế hệ hôm nay. Đến với Bảo tàng, học sịnh, sinh viên được nhìn thấy biểu tượng mái đình cổ Việt Nam, lũy tre làng chân chất hiền hòa với chiếc trống mang đầy dũng khí xung phong của người dân xứ Nghệ. Học sinh, sinh viên còn được tiếp cận với những cái súng trường, gươm, giáo, mác, mìn chai, gậy gộc, cuốc thuổng… là vũ khí của tinh thần Xô Viết. Nhìn thấy bức tranh “ Xô Viết Nghệ Tĩnh” người xem hiểu được cuộc thử nghiệm phương pháp bạo lực cách mạng của quần chúng công nông dưới sự lãnh đạo của Đảng, thấm thía về tinh thần quả cảm, đấu tranh quyết liệt của quần chúng cách mạng, sự hy sinh anh dũng cao cả vì nghĩa lớn của các chiến sỹ Xô Viết… 

Nhân kỷ niệm 70 năm Xô Viết Nghệ Tĩnh, với tư cách là người nghiên cứu, giảng dạy lịch sử, tham gia đào tạo ra những giáo viên dạy lịch sử tương lai cho các bậc phổ thông, chúng tôi xin được nêu lên phương pháp học chính khóa với việc học tập trên hiện trường lịch sử bằng hình thức nêu trên. Đồng thời xin được kiến nghị với các Sở GD-ĐT, đặc biệt là Sở GD&ĐT Nghệ An, Hà Tĩnh cần quan tâm và tạo điều kiện tổ chức cho học sinh được học thực tế về lịch sử Xô Viết Nghệ Tĩnh tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh để khắc đậm thêm phần bài học chính khóa và coi đó là một nội dung trong chương trình bắt buộc về dạy và học lịch sử địa phương. 

Thiết nghĩ rằng tổ chức tốt việc kết hợp học chính khóa với học ngoại khóa tại Bảo tàng về lịch sử Xô Viết Nghệ Tĩnh, cho học sinh tức là chúng ta đã thực sự góp phần phát huy truyền thống và tinh thần Xô Viết Nghệ Tĩnh trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đồng thời thiết thực đưa nghị quyết Trung Ương V khóa VIII của Đảng vào cuộc sống về việc xây dựng một nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dận tộc trên quê hương Xô Viết anh hùng.

GVC. Th.S Sử học. Phan Hoàng Minh

Video