Trần Thị Liên(1910- 1991) Bí danh: Sơn, Tuyết

Tác giả: admin
Ngày 2010-10-04 13:42:25

Trần Thị Liên sinh năm 1910 tại làng Yên Nghi, tổng Yên Trường, huyện Hưng Nguyên (sau đổi thành phố Đệ Nhị- thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An) trong một gia đình kinh tế không đến nỗi nghèo túng. Cha là ông Trần Khắc Am, sau khi tốt nghiệp primer ông làm nghề trắc địa và tham gia xây dựng đường quốc lộ số 7, số 9 sang nước Lào; mẹ buôn bán nhỏ tại chợ Vinh. Gia đình có điều kiện nên đủ nuôi 5 người con(2 gái, 3 trai) ăn học đàng hoàng. Là con gái đầu lòng, chị vẫn được cha mẹ cho học hết cấp 1(trường tiểu học Nguyễn Tường Tộ- trường dành riêng cho nữ). Chị rất đảm đang công việc khi cha mẹ vắng nhà. Năm 1927, tổ chức Hưng Nam phát triển mạnh, chị cùng học sinh các trường như Cao Xuân Dục, Nguyễn Tường Tộ, Quốc học Vinh tham gia tích cực vào phong trào đòi ân xá cho cụ Phan Bội Châu và để tang cụ Phan Chu Trinh. 

Chị Liên thường giúp mẹ trông coi hàng hoá buôn bán tại chợ Vinh, tại đây chị đã gặp chị Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thị Nhuận Do cùng độ tuổi lại thường giúp mẹ trông hàng ở chợ nên ba người này dễ thân nhau. Dần dần chị được chị Minh Khai giác ngộ và kết nạp vào Đảng Tân Việt, chị sinh hoạt ở tiểu tổ phụ nữ cùng chị Nguyễn Thị Nhuận do chị Minh Khai tổ chức. 

Thời gian này cùng sinh hoạt trong tổ chức Tân Việt, chị đã gặp Trần Văn Cung(em của thầy giáo Trần Văn Tăng dạy em trai chị học năm 1922 tại trường Cao Xuân Dục). Lúc này Trần Văn Cung vừa về sau đợt đi tham dự lớp huấn luyện do đồng chí Nguyễn Ái Quốc tổ chức tại Quảng Châu(Trung Quốc). Về Vinh, Trần Văn Cung cùng các đồng chí khác đã thành lập chi bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội(VNTNCMĐCH) đầu tiên. Hai anh chị đã tổ chức lễ ăn hỏi. 

Hè năm 1927, Trần Văn Cung, vị hôn phu của chị được chi bộ Thanh niên cử sang Quảng Châu công tác. Đúng trong thời gian này Tưởng Giới Thạch đã phản bội lại đường lối “Thân Nga, dung cộng, phù trợ công nông” của Tôn Trung Sơn và làm đảo chính (ngày 12/4/1927). Vừa sang đến Quảng Châu, Trần Văn Cung đã bị Lý Tế Thâm( tỉnh trưởng Quảng Đông) bắt giam. Tổng bộ Thanh niên phát động phong trào đấu tranh đòi thả Trần Văn Cung. Lý Tế Thâm buộc phải trả tự do cho Trần Văn Cung sau 3 tháng giam giữ tại nhà lao tỉnh. Ra tù anh cùng các đồng chí như Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Trương Vân Lĩnh...tham gia cuộc khởi nghĩa Quảng Châu( 11/12/1927). 

Hè năm 1928 anh Trần Văn Cùng về nước. Hai người tổ chức lễ kết hôn. Ngày cưới hai người, chị Minh Khai và chị Nhuận tới dự và quà tặng chỉ là một bó hoa tươi thắt một cái nơ đỏ và chị Minh Khai đã ghi dòng chữ: “cách mạng chân chính” đầy ý nghiã, vì lúc này anh Cung thuộc tổ chức Thanh niên còn hai chị thuộc Tân Việt, thời điểm này đang có vấn đề chưa thống nhất trong hai tổ chức. Tháng 8/1928, hai vợ chồng chị Liên ra Hà Nội để buôn bán, nhưng thực chất là đồng chí Trần Văn Cung được tổ chức Thanh niên điều ra Hà Nội công tác. Cuối năm 1928, tổ chức VNTNCMĐCH đã thuê căn nhà số 5 D(phố Hàm Long, Hà Nội) làm trụ sở hoạt động bí mật và giao cho hai vợ chồng chị Liên trông nom ngôi nhà này. Căn nhà 5 D là một ngôi nhà gạch một tầng, một bên là giáp với nhà số 5 C, 5 B và 5 A cùng một dãy, kiến trúc giống nhau; một bên giáp với một ngõ hẻm có lối thông về phía sau sang phố Lê Văn Hưu. Khi có động, người trong nhà có thể luồn ra phía sau, vượt qua một bức tường theo ngõ này thoát ra ngoài. 

Hai vợ chồng chị với hai tay nải quần áo ra Hà Nội. Tổ chức đã sắm cho hai người một số đồ dùng cần thiết. Đồng chí Nguyễn Phong Sắc phải chở thêm bàn ghế ở nhà mình đến để bày biện cho ra vẻ một gia đình bình thường và sắm thêm một số nồi bát để nấu ăn. Chị Liên(tên lúc này là Yến) chăm lo việc cơm nước canh gác cho cán bộ khi đến làm việc tại đây như Ngô Gia Tự, Nguyễn Phong Sắc, Trịnh Đình Cửu, Đỗ Ngọc Du...Trong vai một cô gái quê miền Trung hiền lành, chân chất theo chồng ra Hà Nội làm việc, đảm đang công việc nhà cửa, nhìn vào không ai nghi ngờ gì cả. Tại đây chị Liên được gặp chị Mai Thị Vũ Trang, một nữ cán bộ cách mạng hoạt động trong phong trào công nhân ở vùng mỏ Quàng Ninh, Hải Phòng. Chị vô cùng khâm phục chị Trang - một cô gái trẻ chưa có gia đình nhưng hoạt động cách mạng rất hăng hái và đã có lần một mình mang súng từ Hải Phòng vào Nghệ Tĩnh cho cách mạng. 

Ở Hà Nội, vì lý do công việc, chồng chị thường đi công tác lúc thì đi Sơn Tây, Hải Phòng, Nam Định...Một mình chị trông coi nhà cửa và đón tiếp các đồng chí ở các nơi khác về. Tháng 9/1928, Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ được thành lập, đồng chí Trần Văn Cung được cử làm Bí thư. Kỳ bộ chủ trương “vô sản hoá” nhằm đẩy mạnh việc tuyên truyền chủ nghĩa Mác – Lê nin trong công nhân và rèn luyện cán bộ. Các đồng chí được cử về xây dựng cơ sở ở Hải Phòng, Nam Định như Nguyễn Đức Cảnh, Mai Thị Vũ Trang... 

Tháng 3/1929, Chi bộ Cộng sản đầu tiên được thành lập tại số nhà 5 D Hàm Long và chồng chị được cử làm Bí thư chi bộ. Chị Trần Thị Liên nhớ như in vào buổi tối của trung tuần tháng 3, các anh Ngô Gia Tự, Trịnh Đình Cửu, Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Phong Sắc .... đến họp tại “nhà chị” và sau cuộc họp mọi người ra về với tâm trạng rất phấn khởi. 

Tháng 5/1929, Trần Văn Cung được cử làm trưởng đoàn đại biểu Kỳ bộ Bắc Kỳ(Ngô Gia Tự, Nguyễn Tuân, Dương Hạc Đính) đi dự Đại hội Đại biểu Thanh niên ở Hương Cảng. 

Sau khi Đông Dương cộng sản Đảng thành lập(ngày 17/6/1929), Ban chấp hành Trung ương lâm thời đã cử đồng chí Trần Văn Cung và Nguyễn Phong Sắc vào xây dựng cơ sở Đảng ở Trung Kỳ. Chị Liên lại khăn gói theo chồng về Vinh. Lúc này chị đã được đồng chí Ngô Gia Tự kết nạp vào Đông Dương cộng sản Đảng ở Bắc Kỳ 

Đồng chí Nguyễn Phong Sắc và Trần Văn Cung về Nghệ An gặp đồng chí Võ Mai thành lập Kỳ bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Trung Kỳ và Nguyễn Phong Sắc làm Bí thư. Cơ sở của Kỳ bộ lúc này đóng ở làng Vang, thành phố Vinh, hai vợ chồng chị Liên lại “trông coi” ngôi nhà này. Về đây chị Liên có thêm thuận lợi là gần nhà cha mẹ đẻ nên được sự giúp đỡ rất nhiều về mọi mặt. Làng xóm dân cư vùng này thưa thớt, cây cối rậm rạp và ngoài rìa thành phố Vinh nên ít ai chú ý. Được một thời gian ngắn, cơ quan Xứ uỷ lại dời xuống cống Đệ Nhất, phố Cô Đầu(nay là khu vực bên trái nhà văn hoá thiếu nhi Việt - Đức, thành phố Vinh). Và đến khi đồng chí Trần Văn Cung bị bắt thì cơ quan Xứ uỷ phải chuyển xuống nhà đồng chí Lê Doãn Sửu ở phố Đệ Thập 

Sau cuộc rải truyền đơn của Đông Dương cộng sản Đảng ở Nghệ An kêu gọi quần chúng kỷ niệm ngày Quốc tế phản đối đế quốc chiến tranh(1/8/1929), chồng chị bị bắt. Tên của đồng chí Trần Văn Cung đã nằm trong sổ theo dõi đặc biệt của mật thám Pháp từ lâu nên lần này thì chúng đã có chứng cớ để bắt đồng chí. 

Ngày 14/10/1929, đồng chí Trần Văn Cung bị toà án Nam triều tỉnh Nghệ An kết án tử hình cùng đồng chí Ngô Thiêm, Vương Thúc Oánh và kết an tử hình vắng mặt Nguyễn Ái Quốc, Hồ Tùng Mậu, Lê Duy Điếm, Trần Phú. Sau đó toà án xử lại và giảm án Trần Văn Cung xuống khổ sai chung thân đày đi Guy Am, trước mắt chuyển đi nhà tù Lao Bảo. 

Hôm toà Nam án xử các đồng chí đảng viên Tân Việt và Thanh niên, chị Nguyễn Thị Minh Khai và chị Nguyễn Thị Nhuận đã tới dự. Lúc toà tuyên án: Nguyễn Văn Lợi, Nguyễn Sỹ Sách và Trần Văn Cung tội tử hình, chị Liên ngất lịm, các chị phải cấp cứu cho chị Liên. 

Trên đường về chị Nhuận lo lắng và nói với chị Minh Khai rằng: “Anh Cung mà bị bắn thì Liên nó thối chí cách mạng cũng nên”. Chị Minh Khai trả lời chắc nịch: “Không đâu ! nếu sự việc quả như vậy thì chắc Liên sẽ hăng hái thêm, thù nhà nợ nước như vậy làm sao có thể ngã lòng được”. Đúng như vậy thật. 

4 giờ sáng ngày 4/12/1929, đoàn tù chính trị trong đó có Trần Văn Cung, Nguyễn Sỹ Sách, Nguyễn Ngọc Tuyết, Nguyễn Lợi, Vương Thúc Oánh lên tàu hoả đi Quang Trị. Ba mươi người tù chính trị chân tay bị xiềng xích do lính áp giải lên tàu tại ga Vinh. Từ 2 giờ sáng, trời mưa phùn, chị Liên cùng người nhà mang quà bánh, quần áo đứng đợi ở sân ga, nhưng bọn lính áp giải không cho tù nhân nhận quà. May sao chị Lợi người nhà anh Tuyết nhanh ý, giả dạng làm người đi buôn nhảy lên theo đoàn tàu, trên đường đi chị lân la trò chuyện và cuối cùng cũng chuyển được số quà bánh cho các anh. 

Chồng chị bị bắt đày đi Lao Bảo, chị Liên ở lại tham gia hoạt động trong phong trào phụ nữ thành phố Vinh. Hội Phụ nữ giải phóng được thành lập vào cuối năm 1930 do chị Nguyễn Thị Nhuận và chị Nguyễn Thị Duệ tổ chức dưới sự chỉ đạo của đồng chí Lê Doãn Sửu(Bí thư thành uỷ Vinh). 

Cuối năm 1931, chị bị bắt và toà án Nam triều tỉnh Nghệ An đã kết án 1 năm tù và 9 tháng quản thúc (theo bản án số 28 ngày 18/1/1932). Trong thời gian bị giam ở nhà lao Vinh, con gái chị không nuôi được vì thiếu sữa . 

Tháng 8/1932 được trả tự do, chị Trần Thị Liên lại hoạt động tích cực trong tổ chức Hội Phụ nữ giải phóng. Tổ chức này phát triển mạnh thu hút chị em công nhân các nhà máy, buôn bán nhỏ...đã giúp đỡ chị em trong lúc gặp khó khăn hoặc quyên góp quần áo gửi cho anh em tù chính trị ở nhà lao Vinh đấu tranh bị địch tịch thu hết quần áo. 

Tháng 4/1933, chị Liên xin phép vào Lao Bảo thăm chồng, cùng đi với chị có chị Nguyễn Thị Hồng vợ đồng chí Nguyễn Sỹ Sách. Đồng chí Sách đã hy sinh anh dũng trong cuộc đấu tranh tuyệt thực tại Lao Bảo ngảy 19/12/1929. Chị Hồng xin được giấy của Toà Khâm sứ Trung Kỳ tại Huế cho phép bốc chuyển hài cốt chồng về quê. Nhưng khi đến Quảng Trị, công sứ Pháp tại đây không chịu, ý đồ của chúng là để mộ đồng chí Sách lại để răn đe tù chính trị ở Lao Bảo. 

Sau khi đi thăm chồng về, chị Liên hoạt động tích cực trong phong trào cách mạng. Trong vai người buôn bán hàng tấm, chị đi hết Anh Sơn, Phủ Quỳ...hoạt động cách mạng. Ngày 18/10/1935, chị bị bắt tại Phủ Quỳ trong lúc đang rải truyền đơn. Ngày 1/4/1936, toà án Nam triều tỉnh Nghệ An kết án chị 2 năm tù giam và 2 năm quản thúc(theo bản án số 35). 

Năm 1936, phong trào đấu tranh đòi ân xá của nhân dân tại thuộc địa và chính quốc phát triển mạnh, mặt trận bình dân Pháp lên nắm chính quyền buộc thực dân Pháp ở Đông Dương phải thả tù chính trị. Ngày 15/7/1936, chị Liên được trả tự do. Thời gian này đồng chí Trần Văn Cung cũng được tự do từ nhà tù Lao Bảo. Chị Liên vào Quảng Trị đón chồng và hai người vào Nha Trang sinh sống và hoạt động cách mạng. 

Tháng 4/1938, hai vợ chồng chị về Vinh và ở nhà bố mẹ chị ở làng Vang. Lúc này em trai chị là Trần Khắc Hồ cũng vừa được tự do từ nhà tù Buôn Ma Thuột về. Đồng chí Trần Khắc Hồ hoạt động cách mạng tại Khánh Hoà và bị toà Nam án tỉnh Khánh Hoà kết án 9 năm tù khổ sai (theo bản án số 48 ngày 8/10/1931). Trong nhà tù Buôn Ma Thuột đồng chí Trần Khắc Hồ tích cực tuyên truyền cách mạng nên bị chúng tăng án thêm 3 năm nữa(bản án số 25 ngày 29/7/1932 của toà án tỉnh Đắc Lắc). 

Về Vinh trong lúc phong trào đấu tranh đòi dân sinh dân chủ của nhân dân đang lên cao, chị Liên tham gia tích cực trong tổ chức của Phụ nữ. Chị Liên cùng chị Nguyễn Thị Nhuận, Phan Thị Hảo, Đinh Thị Cẩn, Nguyễn Thị Hoan(vợ đồng chí Nguyễn Viết Lục)....trong số 40 người đóng góp cổ phần xây dựng “Tiệm may phu nữ” của thành phố Vinh Ban lãnh đạo của tiệm may có 7 người do bà Ngô Thị Hiên làm Chủ tịch. Tiệm may thực chất là một Hợp tác xã nữ công may mặc, có Điều lệ, mục đích hoạt động: Tổ chức may chung để đảm bảo đời sống vật chất cho xã viên, dạy cho tất cả mọi người không có nghề nghiệp đến học việc”. Tiệm may này thực chất là cơ sở liên lạc của Đảng và có điều kiện kinh tế để ủng hộ cách mạng. 

Một lần nữa tên của chị Liên lại nằm trong sổ đen theo dõi của mật thám Pháp khi chị cùng mọi người ngày 27/8/1939 tham dự đám tang đồng chí Siêu Hải- Bí thư Khu uỷ Vinh. 

Sau cách mạng tháng Tám năm 1945 từ tháng 10/1946 đến 4 /1949, chị Trần Thị Liên là uỷ viên Ban chấp hành Hội Phụ nữ tỉnh Nghệ An. Từ tháng 4/1949 đến tháng 10/1954 chị là Hội trưởng Phụ nữ tỉnh Nghệ An. 

Để tạo điều kiện cho chồng chị là đồng chí Trần Văn Cung công tác tại Ban Thường trực Quốc hội được tốt, tháng 5/1955 chị Liên chuyển công tác ra Ban xã hội của Hội Liên hiệp Trung ương. Năm 1964, là cán bộ Toà án tối cao Trung ương.
Đồng chí Trần Thị Liên từ trần ngày 7/4/1991 hưởng thọ 81 tuổi. 

Do có nhiều cống hiến trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước, đồng chí Trần Thị Liên được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba.

                                                                                                                                                            Lê Thị Hạnh Phúc

Video