Trần Hữu Quán ( 1909 - 1989 )

Tác giả: admin
Ngày 2014-08-08 08:19:04

Trần Hữu Quán sinh năm 1909, ở một vùng quê đồi núi chập chùng nằm cạnh sông Lam rì rào sóng vỗ, tổng Cát Ngạn, huyện Thanh Chương – vùng đất cổ có bề sâu văn hóa và truyền thống yêu nước.

Đầu thế kỷ XX ai có dịp về đây nhìn mấy ngọn đồi xanh um bóng cây với những ao cá, những ngôi nhà, những lẫm thóc…hỏi dân bản địa: đó là vùng nào do ai dựng nên, họ sẽ trả lời: đó là rú Cố Mân. Từ bao đời nay, gia đình cố nổi tiếng cần cù, gan góc, bằng sức lao động của mình mà bạt đồi trồng cây, kinh tế ngày càng khá giả mà cũng luôn che chở cưu mang giúp đỡ người nghèo khó. Họ tên khai sinh của cố là Trần Hữu Hoằng, vợ là bà Giản Thị Chuẩn. Vợ chồng cố có năm người con, ba trai, hai gái đều là những người ham học và lao động giỏi. Được truyền thống quê hương và gia đình hun đúc, lớn lên họ có lòng yêu nước nồng nàn, căm ghét thực dân Pháp và bọn tay sai. Khi phong trào cách mạng phát triển, cố cho cả năm người con tham gia cách mạng, trang trại của cố trở thành nơi nuôi dưỡng và che chở những người yêu nước.

Trần Hữu Quán là cậu con trai út của cố. Năm 1926, khi anh trai của mình là Trần Hữu Doánh – học sinh trường Quốc học Vinh mời thầy Hà Huy Tập về quê dạy chữ quốc ngữ cho thanh niên trong vùng, Trần Hữu Quán vừa học chữ vừa làm cách mạng.

Năm 1927, tình hình Trung Hoa diễn biến xấu, Chính phủ Quốc dân Đảng của Tưởng Giới Thạch lùng bắt cán bộ cách mạng của Việt Nam. Các lớp huấn luyện của Tổng bộ Hội Thanh niên không thực hiện được, nên đã chuyển về Trại Cày ở Xiêm (Thái Lan) do cụ Đặng Thúc Hứa thành lập. Là một thanh niên khỏe mạnh làm nông giỏi, làm thợ mộc giỏi Trần Hữu Quán được chọn đi đào tạo. Tháng 12/1927, qua nhiều ngày gian khổ vượt suối băng rừng, Trần Hữu Quán cùng một số thanh niên đến biên giới Thái Lan nhưng không bắt được liên lạc, ít hôm sau đành trở về quê nhà. Lúc này, anh Doánh đã cùng hai thanh niên lập nên Chi bộ Hội Thanh niên. Dưới sự lãnh đạo của Hội Thanh niên tỉnh, Hội Thanh niên Cát Ngạn ngày càng phát triển. Hơn ba mươi thanh niên trong xã đã lập Trại Cày ở Khe Trường vừa sản xuất, vừa tập võ, vừa đọc sách báo cách mạng để nâng cao giác ngộ. Trần Hữu Quán là một thanh niên tích cực của trại. Dưới ánh sáng cuốn sách “Đường cách mạng” của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, trình độ giác ngộ của anh em ngày càng cao.

Tháng 11/1929, dưới sự phụ trách của đồng chí Nguyễn Cảnh Côn, Nguyễn Sỹ Doãn ở Đa Văn, chi hội Thanh niên Cát Ngạn chuyển thành Chi bộ của Đông Dương Cộng sản Đảng đến 3/1930 chuyển thành Chi bộ của ĐCSVN. Trần Hữu Quán chính thức trở thành đảng viên và được giao phụ trách lực lượng tự vệ. Cao trào cách mạng lên cao, bọn thực dân, cường hào và tay sai ra sức đàn áp, lực lượng tự vệ do Trần Hữu Quán chỉ huy đã hăng hái hoạt động bảo vệ các cơ sở của Đảng. Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh lên cao, nhân dân Hạnh Lâm biểu tình phá đồn điền Ký Viễn, Trần Hữu Quán cùng đội tự vệ đã là lực lượng quan trọng bảo vệ Đảng và trấn áp bọn tay sai. Giặc điên cuồng khủng bố, hàng chục đồn Tây mọc lên cùng với hệ thống bang tá, đoàn phu dày đặc, nhiều cuộc chém giết đã xảy ra, đồng chí Trần Hữu Quán cùng đồng đội vẫn vững vàng chiến đấu đánh lính đồn, tiêu diệt cường hào ác ôn.

Bước vào thời kỳ khủng bố trắng đến đầu năm 1932, các tổ chức cơ sở của Đảng bộ Thanh Chương hầu hết tan rã. Ngày 20/2/1932, Huyện ủy quyết định tìm đường lên Anh Sơn để chắp nối liên lạc với tỉnh. Đồng chí Nguyễn Văn Đồng – Bí thư Huyện ủy cùng với đồng chí Trần Hữu Quán và một số đồng chí khác lên đường. Dọc đường bị địch phục kích, đồng chí Đồng bị bắt, bị chặt đầu đưa về huyện. Đồng chí Trần Hữu Quán thoát được và bắt được liên lạc với Tỉnh ủy, lập ra Chi bộ Anh – Thanh. Phong trào cách mạng dần dần được khôi phục, đồng chí Trần Hữu Quán được bầu vào Ban Chấp hành Huyện ủy là Ủy viên Thường vụ phụ trách khối huấn luyện của Huyện bộ Anh Sơn.

Tháng 6/1932, anh ruột là Trần Hữu Doánh – Tỉnh ủy viên cùng cơ quan Tỉnh ủy sa lưới địch, chị gái là Trần Thị Tuyết – một đảng viên kiên trung của Cát Ngạn cũng bị bắt tại Đô Lương, Trần Hữu Quán bị bang tá huyện Anh Sơn bắt tại Yên Phúc (Anh Sơn). Biết đồng chí là một cán bộ chủ chốt của Đảng, địch ra sức dụ dỗ, mua chuộc, tra tấn hòng tìm bắt nốt những đồng chí còn lại nhưng Trần Hữu Quán vẫn kiên cường giữ vẹn lòng trung thành với Đảng. Tháng 7/1932, Tòa án Nam triều tỉnh Nghệ An đã kết án đồng chí tù khổ sai chung thân. Ngày 13/5/1933, đồng chí bị đưa đi lưu đày ở nhà lao Buôn Ma Thuột.

Từ năm 1938, tù chính trị vào nhà lao Buôn Ma Thuột ngày càng nhiều trong đó có đồng chí Nguyễn Chí Thanh từ Quảng Trị vào, đồng chí Nguyễn Thế Lâm (người Nghệ An) từ nhà tù Kon Tum sang và anh ruột của Trần Hữu Quán là Trần Hữu Oánh cũng bị đày vào đây. Như vậy, cả ba người con trai của cố Trần Hữu Hoằng cùng bị giam trong một nhà tù. Thương con, giàu nghị lực, bà Giản Thị Chuẩn trong vai người đi buôn đã vượt qua ngàn trùng núi non vào tận Buôn Ma Thuột tiếp tế cho ba người con để đủ sức sống và chiến đấu giữ vững lòng trung thành với cách mạng.

Năm 1936, ở Pháp, Mặt trận Bình dân lên nắm chính quyền, sự hà khắc của bọn cai ngục trong các nhà tù ở Việt Nam có giảm bớt, một số tù chính trị được giảm án. Năm 1939, đồng chí Trần Hữu Quán được giảm từ khổ sai chung thân xuống 20 năm khổ sai. Thời kỳ 1943-1944, tình hình thế giới có nhiều biến động, địch nới nhẹ sự đàn áp, nhiều đồng chí được tha nhưng Trần Hữu Quán và một số đồng chí trung kiên khác vẫn bị giam cầm. Mãi đến sau ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, đồng chí Nguyễn Chí Thanh, đồng chí Trần Hữu Quán và nhiều đồng chí khác mới được tha khỏi nhà tù.

Về đến quê nhà lúc phong trào cách mạng lên cao, các cựu tù chính trị trong hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh nhóm họp thành lập Mặt trận Việt Minh liên tỉnh. Chấp ủy Việt Minh huyện Thanh Chương được thành lập do đồng chí Nguyễn Như Cầu phụ trách. Ngày 16/8/1945, Việt Minh huyện Thanh Chương tổ chức đại hội bàn kế hoạch lãnh đạo nhân dân cướp chính quyền. Ủy ban khởi nghĩa được thành lập trong đó có đồng chí Trần Hữu Quán. Ngày 23/8/1945, trước hàng ngàn quần chúng ở huyện Thanh Chương, đồng chí Nguyễn Côn thay mặt Việt Minh huyện tuyên bố thủ tiêu bộ máy chính quyền tay sai của Nhật, thành lập Ủy ban cách mạng lâm thời huyện Thanh Chương gồm 9 ủy viên do đồng chí Nguyễn Côn làm chủ tịch, đồng chí Trần Hữu Quán là Ủy viên phụ trách kinh tế.

Năm 1947, đồng chí Quán được Ủy ban kháng chiến Liên khu IV điều lên công tác ở Ban Tài chính. Năm 1949, đồng chí công tác ở phân sở Mậu dịch Liên khu IV. Cuối năm 1952, đồng chí được điều về công tác tại Khu Công an Liên khu IV và được giao làm giám thị trại cải tạo số 1, rồi giám thị trại cải tạo số 2. Năm 1960, đồng chí Trần Hữu Quán được điều về phụ trách trại cải tạo số 6 đóng ở địa bàn Hạnh Lâm. Đã từng qua cảnh tù đày, giỏi công tác tổ chức, có sự nghiêm khắc và lòng độ lượng đồng chí Quán đã hoàn thành tốt công tác.

Năm 1968, đồng chí được điều về Ty Công an Nghệ An, rồi được cử làm Phó Ty phụ trách công tác xây dựng lực lượng.

Đồng chí được tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Ba và nhiều Bằng khen của Bộ và Tỉnh.

Năm 1974, đồng chí nghỉ hưu về sống đầm ấm với vợ con ở thành phố Vinh. Đồng chí mất ngày 16 tháng 8 năm 1989.
Tám mươi năm tuổi đời, năm mươi chín năm tuổi Đảng, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào trên bất kỳ cương vị công tác nào, đồng chí Trần Hữu Quán luôn là người đảng viên kiên cường vẹn nguyên tấm lòng kiên trung với Đảng, tận hiếu với dân, chí tình với đồng chí, sống giản dị và liêm khiết hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng, đồng đội, nhân dân tín nhiệm và yêu quý.

Đồng chí Trần Hữu Quán là tấm gương sáng của những người chiến sỹ cộng sản, của con người xứ Nghệ.

Video