Trần Hữu Doánh (1906-1945)

Tác giả: admin
Ngày 2009-04-25 08:55:16

Ngày 5 tháng 12 năm 1942, tại nhà tù Đắc Min, Buôn Ma Thuột, xẩy ra vụ vượt ngục của bốn người tù cộng sản quê ở Nghệ Tĩnh. Bọn thực dân Pháp và chính quyền tay sai ở Trung Kỳ đã huy động nhiều binh lính vây quét các khu rừng xung quanh Buôn Ma Thuột, bủa lưới ngăn chặn các ngả đường từ Tây Nguyên về Nghệ Tĩnh hòng đón bắt những người tù vượt ngục. Chúng còn dán yết thị treo giải thưởng mỗi đầu người tù 300 đồng và sức cho bọn tổng lý ở Nghệ Tĩnh đón bắt ở quê nhà. Nhưng tất cả những thủ đoạn của địch đều không thu được kết quả. Bốn chiến sĩ chúng ta, mặc dù thân thể ốm yếu sau gần mười năm tù đày, nhưng với một nghị lực phi thường, tự vạch đường rừng mà đi, chiến đấu dũng cảm với bệnh tật, thú dữ, đói cơm, thiếu muối, vượt qua hàng trăm điếm canh, trạm gác của địch, trở về với dân, với Đảng, tiếp tục hoạt động. Một trong bốn chiến sĩ cộng sản kiên cường ấy là Trần Hữu Doánh. 

Trần Hữu Doánh, bí danh là Đình, Phi, Doanh, sinh năm 1906 tại làng Thổ Sơn, xã Cát Ngạn, tổng Cát Ngạn, nay là xã Cát Văn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. 

Ông ngoại Trần Hữu Doánh là Giản Tư Sắt, một nhà nho trung thực, khảng khái. Đau lòng trước cảnh nước nhà bị giặc Pháp xâm lược, đồng bào phải sống cảnh nô lệ, ông bỏ nghề dạy học, vào núi gia nhập nghĩa quân Cần Vương của Phan Đình Phùng. Ông được phong chức quản chỉ huy khoảng 30 nghĩa quân, nên nhân dân trong vùng thường gọi là ông Quản Sắt. Khi cuộc khởi nghĩa bị giặc Pháp đàn áp, ông bị giặc bắt và hi sinh anh dũng trên quê hương. 

Thân sinh của Trần Hữu Doánh là ông Trần Hữu Hoằng, mẹ là bà Giản Thị Chuẩn, thường gọi là bà Mân. Cả hai ông bà đều có tinh thần yêu nước, ghét Pháp, ghét bọn cường hào ở địa phương và sẵn sàng ủng hộ những công việc đại nghĩa. Ông bà có 5 người con, ba trai, hai gái thì cả năm người đều tham gia hoạt động cách mạng từ những ngày đầu dựng Đảng, trong đó có 3 người là Đảng viên cộng sản. 

Trần Hữu Doánh là con thứ tư trong gia đình. Lúc nhỏ, anh được cha mẹ cho học tập chu đáo. Năm 19 tuổi, Trần Hữu Doánh tốt nghiệp tiểu học và thi đậu vào Trường Quốc học Vinh. Bấy giờ là năm 1925, thị xã Vinh đang dấy lên phong trào yêu nước sôi nổi do Hội Phục Việt phát động. Ở trường Quốc học, nhiều học sinh vốn là con em các gia đình có cha anh tham gia các phong trào Cần Vương…Họ không còn thiết tha với học tập mà thường bàn tán nhiều về tiền đồ tương lai của đất nước, của tuổi trẻ. Họ bí mật trao cho nhau đọc những bài thơ sục sôi tâm huyết của cụ Phan Bội Châu và các sĩ phu yêu nước. Họ châm biếm, đả kích chính sách giáo dục ngu dân của thực dân Pháp. 

Được sống giữa một môi trường thuận lợi cho sự phát triển những tình cảm cao đẹp, Trần Hữu Doánh tiếp thu nhanh nhạy những điều mới mẻ qua các buổi trò chuyện của bạn bầu, qua phong trào yêu nước của quần chúng Vinh - Bến Thủy. Anh háo hức đi nghe các buổi diễn thuyết của các thầy giáo Hà Huy Tập, Trần Đình Thanh ở hội quán Quảng Trí. Anh tham gia tích cực các cuộc đấu tranh của học sinh đòi nhà trường phải: “bỏ phạt cấm kí túc xá một cách vô lý”, “cho học sinh ký túc được ra ngoài chiều thứ bảy và ngày chủ nhật.” Qua một số bạn bè có chân trong tiểu tổ Phục Việt trường Quốc học như Nguyễn Tiềm, Phạm Huy Thường, Trần Hữu Doánh được tiếp xúc với thầy giáo Hà Huy Tập, một cán bộ của Hội Phục Việt. Được thầy giáo Hà Huy Tập gần gũi, giác ngộ. Trần Hữu Doánh hiểu thêm về tổ chức yêu nước Phục Việt, hiểu việc rèn đúc “tư cách cao thượng của một người quốc dân” và “ý chí của một người cách mệnh”. Cùng với các bạn học tiến bộ ở trường Quốc Học, Trần Hữu Doánh được kết nạp vào tổ chức Sinh đoàn của Hội Phục Việt. 

Bước sang năm 1926, nhờ những cố gắng của các tiểu tổ Phục Việt, phong trào học sinh phát triển khá sâu rộng. Trần Hữu Doánh là một trong những học sinh nòng cốt của tổ chức Sinh đoàn. Sau một thời gian hoạt động, Trần Hữu Doánh được kết nạp vào Hội Phục Việt. 

Mùa hè năm 1926, Trần Hữu Doánh mời thầy Hà Huy Tập về chơi ở quê nhà. Để tạo điều kiện cho việc xây dựng cơ sở của Hội ở Cát Ngạn, các anh mở lớp dạy Quốc ngữ cho thanh niên trong vùng, dùng lớp học để tập hợp quần chúng và tuyên truyền chủ trương của Hội. Thầy Tập là thầy giáo chính, Trần Hữu Doánh làm trợ giáo, giúp việc tổ chức lớp, đi lại các nơi liên lạc, mua sách báo. Nhờ có nhiều bạn bầu trước cùng một hội, một phường đã từng “sống chết có nhau” trong kỳ hội hè ném đá ở rú Treo vào dịp mồng 5 tháng Năm (Âm lịch) hàng năm, Trần Hữu Doánh khi thì gặp riêng từng người để rỉ tai chuyện trò, khi thì mời các bạn về nhà để uống nước chè xanh và nghe thầy Tập đàm luận thời thế. Có lúc lại tập hợp hàng chục người đọc sách, giảng báo ở chợ Cồn (Cát Ngạn). Chỉ trong vài tháng, dưới sự hướng dẫn của Hà Huy Tập, Trần Hữu Doánh đã tổ chức được một tiểu tổ Phục Việt ở Cát Ngạn. 

Thời gian này, bọn hào lý ở Thổ Sơn rắp tâm nhường bãi bồi ven sông Lam của làng cho một số phần tử thân Pháp. Trước tình hình đó, tiểu tổ Phục Việt Cát Ngạn đã vận động hàng trăm nông dân kéo ra đình làng, vạch mặt những tên hào lý ăn của đút của bọn xấu, giữ lại toàn bộ bãi bồi Thổ Sơn, cái núm ruột của đồng đất làng này. Cuộc đấu tranh thắng lợi, uy tín của tiểu tổ Phục Việt do Trần Hữu Doánh đứng đầu được củng cố thêm. 

Năm 1927, một sự kiện mới mẻ diễn ra trong nội bộ những người yêu nước ở Nghệ An, có ảnh hưởng lớn đến phương hướng hoạt động của Hội Phục Việt. Đó là bên cạnh tổ chức Phục Việt, bắt đầu xuất hiện thêm tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội (tức Hội Thanh niên). Tổ chức cách mạng mới này do một số cán bộ từ nước ngoài về xây dựng. Các tài liệu quan trọng như tuần báo Thanh niên, báo Nhân đạo của Hội chuyển về đã có sức thu hút đặc biệt tới các đảng viên tiên tiến trong Hội Phục Việt. Trần Hữu Doánh qua Đa Văn gặp các đồng chí Nguyễn Cảnh Đôn, Nguyễn Sĩ Doãn rồi xuống Vinh gặp các đồng chí Nguyễn Tiềm, Phạm Huy Thường để hỏi thăm tình hình. Sau khi xem xét những hoạt động cụ thể của các chi bộ Hội Thanh niên. Nhận thấy đây là một tổ chức cách mạng tiến bộ hơn tổ chức Phục Việt, Trần Hữu Doánh quyết định chuyển hẳn sang Hội Thanh niên. Đây là bước chuyển biến quan trọng trong từng bước đường hoạt động của đồng chí. Trong số những hội viên Phục Việt ở Cát Ngạn, có hai người đồng ý chuyển qua Thanh niên. Trần Hữu Doánh đã cùng với hai thanh niên hăng hái ấy thành lập một chi bộ Hội Thanh niên. Đối với những hội viên Hội Phục Việt không chuyển qua Hội Thanh niên, Trần Hữu Doánh vẫn kiên trì chờ đợi và tin tưởng rằng, sớm muộn các đồng chí tích cực của Hội Phục Việt sẽ hướng theo con đường cách mạng của Hội Thanh niên. Thái độ của Trần Hữu Doánh đã tạo cho chi bộ Hội Thanh niên Cát Ngạn có điều kiện thuận lợi để hoạt động, giữ được mối liên hệ mật thiết giữa các hội viên Phục Việt, và quần chúng yêu nước. Dần dần, các hội viên Phục Việt ở Cát Ngạn cũng hoạt động theo khuynh hướng của Hội Thanh niên. 

Được các đồng chí cán bộ lãnh đạo của Hội Thanh niên ở Nghệ An giúp đỡ. Trần Hữu Doánh cùng với chi bộ Hội Thanh niên Cát Ngạn vận động hơn 30 thanh niên trong xã tổ chức Trại Cày ở Khe Trường. Ngoài việc vỡ hoang, trồng chè, trồng khoai, trại tổ chức cho anh em đọc sách báo, tập võ. Một số cán bộ Thanh niên từ Vinh lên được đón vào đây để tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản và thực hiện khẩu hiệu “lão nông hóa”. Trên những ngọn đồi, những thung lũng vốn xưa là đồn trại, là bãi tập của nghĩa quân Cần Vương, của Đội Quyên, Đội Quảng, nay trở thành căn cứ hoạt động của chi bộ Hội Thanh niên Cát Ngạn. Anh em thanh niên ở Trại Cày Khe Trường là lực lượng nòng cốt trong việc vận động nhân dân sửa sang đường sá, chống hào lý tham nhũng, bài trừ mê tín dị đoan. Phong trào phát triển đòi hỏi cần phải có một tổ chức thích hợp hơn. Đầu tháng 11/1929. Trần Hữu Doánh được Nguyễn Cảnh Đôn, Nguyễn Sĩ Doãn trong chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng ở Đa Văn, Anh Sơn sang bắt liên lạc. Các đồng chí này đã thay mặt đoàn thể chuyển chi bộ Hội Thanh niên Cát Ngạn thành một chi bộ của Đông Dương Cộng sản Đảng. Đồng chí Trần Hữu Doánh được cử làm Bí thư chi bộ. 

Lo lắng trước nhiệm vụ mới của mình, đồng chí nhanh chóng dựa vào các tổ chức quần chúng sẵn có, lập các tổ Nông hội ở các làng Thổ Sơn, Văn Ba, Bài Thiên. Đồng chí tranh thủ mọi thời gian để nghiên cứu Tuyên ngôn của Đông Dương Cộng sản Đảng. Từ Cát Ngạn, đồng chí mở rộng hoạt động của mình với các nhóm cộng sản ở Dương Xuân, Đa Văn(phủ Anh Sơn) để nhận sách báo, tài liệu, xuống Vinh mua thạch và giấy in truyền đơn để rải trong dịp kỉ niệm Cách mạng tháng Mười Nga. Truyền đơn do nhóm cộng sản Cát Ngạn phổ biến đã có tác dụng thức tỉnh tinh thần yêu nước và cách mạng trong quần chúng nhân dân. Chi bộ cộng sản Cát Ngạn do Trần Hữu Doánh đứng đầu là một trong bốn chi bộ cộng sản đầu tiên ở Thanh Chương. 

Tháng 3-1930, Đảng bộ huyện Thanh Chương được thành lập, Trần Hữu Doánh vừa làm Bí thư chi bộ Cát Ngạn, vừa gây thêm cơ sở cộng sản các xã lân cận. Trong những ngày đầu xây dựng cơ sở Đảng, phát triển tổ chức quần chúng cách mạng, đồng chí Trần Hữu Doánh đã cùng với tập thể đảng viên trong chi bộ vượt qua nhiều khó khăn, tổ chức rải truyền đơn, gặp gỡ từng người để khơi dậy truyền thống yêu nước trong nhân dân, biến vùng Cát Ngạn thành nơi có cơ sở Nông hội, Thanh niên, Phụ nữ, phát triển mạnh. 

Trong thời gian ấy, một số cán bộ Xứ ủy Trung Kỳ như Nguyễn Liễn, Nguyễn Hữu Bình về công tác ở Thanh Chương, đồng chí Doánh đã bố trí nơi ăn ở, tạo mọi điều kiện để các đồng chí hoạt động. Đồng chí đã tranh thủ thời gian học hỏi các đồng chí lãnh đạo những kinh nghiệm vận động quần chúng xây dựng cơ sở Đảng. 

Ngày 15-4-1930, Trần Hữu Doánh dẫn đầu hơn 40 đảng viên và quần chúng hai làng Thổ Sơn và Đạo Ngạn đi tuần hành dọc đường làng, hô vang khẩu hiệu cách mạng. Đây là một trong những cuộc đấu tranh chính trị đầu tiên của nhân dân vùng trên huyện Thanh Chương. 

Tiếp theo đó, ngày 1-5-1930, hơn 500 nông dân các làng Hạnh Lâm, La Mạc, Nhuận Trạch…, kéo đến biểu tình đốt phá đồn điền Ký Viễn. Chi bộ Cát Ngạn không tham gia trực tiếp nhưng các đồng chí đã tổ chức treo cờ, rải truyền đơn hưởng ứng cuộc biểu tình. Trong những ngày chi bộ Đảng và dân làng Hạnh Lâm đấu tranh gay go với địch, đồng chí Doánh đã vận động các cơ sở đóng góp tiền, gạo, ủng hộ quần chúng Hạnh Lâm và tổ chức đón tiếp bảo vệ các cán bộ, đảng viên bị lộ phải tạm lánh sang Cát Ngạn. 

Là một thanh niên sôi nổi, hoạt bát, có giọng nói lưu loát, hấp dẫn, Trần Hữu Doánh đã tổ chức nhiều buổi diễn thuyết ở bến đò, đình làng, có khi ở giữa buổi chợ Cồn. Đồng chí chú ý tuyên truyền chính trị cho đông đảo quần chúng lao khổ. Cuối tháng 8-1930, chi bộ Cát Ngạn phát triển thêm được 16 đảng viên, xây dựng được 14 tổ Nông hội với trên 200 hội viên. 

Để chuẩn bị cho những cuộc đấu tranh quyết liệt hơn, thực hiện chủ trương của Xứ ủy Trung Kỳ, huyện ủy Thanh Chương quyết định tổ chức cuộc biểu tình lớn vào ngày 1-9-1930, Trần Hữu Doánh bám sát địa bàn Cát Ngạn, xuống tận từng chi bộ, phổ biến kế hoạch của Huyện ủy và bàn việc chuẩn bị cụ thể như tổ chức in thêm truyền đơn, may thêm cờ, gấp rút luyện tập cho anh em tự vệ biết cách bảo vệ quần chúng. 

Sáng sớm ngày 1-9-1930, hơn hai vạn nhân dân Thanh Chương rầm rộ kéo về huyện lỵ. Quần chúng cách mạng thiêu huỷ huyện đường, thả tù chính trị, tự thực hiện các yêu sách của mình. Với cương vị là “hậu chỉ huy” (người chỉ huy phía cuối đoàn) đồng chí Doánh đã góp phần lãnh đạo quần chúng đấu tranh thắng lợi. 

Phong trào cách mạng phát triển đòi hỏi những cán bộ trẻ tuổi xốc vác, táo bạo mưu trí. Tại Đại hội Đảng bộ huyện, Trần Hữu Doánh được bầu là Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ (chính thức), phụ trách công tác tuyên truyền cổ động. 

Vốn kinh nghiệm công tác Đảng chưa có nhiều, chỉ có lòng nhiệt tình hăng hái, nay được tổ chức Đảng tin tưởng giao phó cho một nhiệm vụ nặng nề, Trần Hữu Doánh đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, dồn hết tâm trí để lo lắng làm sao đưa tiếng nói của Đảng đến với quần chúng lao động. Huyện ủy mới thành lập, cơ sở tài chính còn nghèo, nhưng dựa vào sự giúp đỡ của nhân dân, đồng chí đã triển khai tốt các công tác tuyên truyền của Đảng bộ. Cơ quan tuyên truyền của Huyện ủy xuất bản tờ báo Nhà quê. Tờ báo in thạch, trên giấy bản thô, phát hành mỗi số trên 20 tờ, nội dung vạch tội ác của đế quốc, phong kiến, động viên khích lệ tinh thần đấu tranh của nhân dân, phổ biến chủ trương của Đảng bộ, đồng chí Doánh vừa làm chủ bút viết bài, vừa tìm nơi in, đem báo về từng chi bộ. Thiếu tiền mua thạch, mua giấy, đồng chí về tận từng làng, vừa tuyên truyền vừa làm công tác tài chính cho Đảng. Có khi thiếu tiền chưa kịp đi các nơi để lạc quyên, đồng chí đã về gia đình mình xin tiền để mua thạch, mua giấy. Báo Nhà quê là cơ quan tuyên truyền đầu tiên của Đảng bộ Thanh Chương. Tờ báo vừa hướng dẫn quần chúng nhân dân đấu tranh lúc phong trào đang phát triển mạnh, vừa hướng dẫn quần chúng xây dựng chế độ mới, nếp sống văn hóa mới. 

Cuối năm 1930, Xứ ủy Trung Kỳ tổ chức đại hội để học tập “Luận cương chính trị” của Trung ương Đảng, kiểm điểm tình hình chung và đề ra những công tác trước mắt. Trần Hữu Doánh được Huyện ủy Thanh Chương cử là đại biểu đi dự Đại hội. Đầu tháng Giêng năm 1931, đồng chí được Tỉnh ủy Nghệ An chỉ định làm Bí thư Đảng bộ Huyện Thanh Chương. 

Trần Hữu Doánh nhận trọng trách làm cán bộ chủ trì của Đảng bộ huyện giữa lúc phong trào cách mạng trong huyện và trong tỉnh đứng trước những khó khăn, thử thách to lớn. Bọn đế quốc, phong kiến tập trung lực lượng đàn áp khốc liệt các cơ sở Đảng, các làng Xô Viết. Làm sao giữ được mối liên lạc với cấp trên, với các Tổng ủy, các chi bộ? Làm sao để tránh được tổn thất cho Đảng, cho phong trào? Làm sao giữ được khối đoàn kết thống nhất trong nội bộ Đảng, tránh được những va vấp? Những câu hỏi ấy ngày đêm nung nấu trong tâm trí Trần Hữu Doánh. Dưới ánh sáng của Luận cương chính trị và các Nghị quyết của Xứ ủy Trung Kỳ, dựa vào sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy Nghệ An, Trần Hữu Doánh đã thể hiện những phẩm chất cao thượng và tài năng của một cán bộ lãnh đạo cơ sở trước những giờ phút khó khăn, thử thách gay go nhất. 

Những tháng đầu năm 1931, cuộc đấu tranh giữa ta và địch diễn ra gay gắt, quyết liệt. Trong nội bộ những người cách mạng ở địa phương, có một bộ phận nhỏ dao động, cá biệt có kẻ đầu hàng, phản bội. Trần Hữu Doánh vẫn bình tĩnh, vững vàng lãnh đạo Huyện ủy chấp hành nghiêm chỉnh, đúng đắn và sáng tạo những chủ trương lớn của Đảng. Đối với những kẻ sai lầm, đồng chí kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng. Cơ quan Huyện ủy có khi đóng ở một làng Xô Viết, có khi phải tạt vào bìa rừng. Đồng chí Doánh ít khi ở cơ quan mà thường xuyên bám sát các chi bộ, chỉ đạo kịp thời sát sao các chủ trương của Huyện ủy. Đồng chí có sáng kiến đưa anh chị em, cán bộ ở cơ quan Huyện ủy về các chi bộ, trực tiếp lãnh đạo quần chúng đấu tranh. 

Tháng 4 - 1931, Trần Hữu Doánh được chuyển lên công tác ở cơ quan Tỉnh ủy Nghệ An. Ít lâu sau, đồng chí được bổ sung vào Ban chấp hành Đảng bộ Tỉnh, vừa làm công tác tuyên truyền, vừa làm công tác tài chính cho Đảng. Đồng chí không nề hà bất cứ việc gì, từ việc viết truyền đơn, in tài liệu đến việc đi về các cơ sở Đảng, củng cố các chi bộ bí mật, gặp các gia đình có cảm tình với cách mạng vận động tài chính cho Đảng. Sống giữa vòng vây của địch hàng tháng trời, có khi ba bốn người phải chia nhau một miếng bánh đúc đã khô cứng, mốc xịt, “vốn là miếng bánh dùng để thay thạch in để đã lâu ngày”, có khi phải ăn củ rừng hàng tuần lễ nhưng đồng chí vẫn lạc quan, yêu đời. Đồng chí thường nhường khẩu phần gạo, khoai ít ỏi của mình cho các đồng chí khác trong cơ quan. Đối với những anh chị em đau yếu, đồng chí tận tình chăm sóc. Khi bị giặc truy lùng đồng chí đã cõng đồng đội băng qua hết khu rừng này đến khu rừng khác, có lúc mệt lả tưởng không bước nổi, đồng chí vẫn kiên trì trèo đèo, vượt núi cùng toàn bộ cơ quan đến nơi ở mới. Cho đến những tháng đầu năm 1932 sự liên lạc giữa Tỉnh ủy Nghệ An với Xứ ủy Trung Kỳ bị gián đoạn, đồng chí vẫn chủ động cùng một số anh em viết truyền đơn về một số địa phương nhen nhóm lại cơ sở Đảng. Tháng 2 -1932, đồng chí Doánh đã về Lưu Sơn thành lập chi bộ Anh Thanh, một trong những chi bộ cuối cùng của hai Đảng bộ Thanh Chương, Anh Sơn trong cao trào 1930-1931. 

Tháng 3-1932, Lê Xuân Đào, người lãnh đạo và là người bạn chiến đấu thân thiết của Trần Hữu Doánh hy sinh. Đó là tổn thất lớn cho Tỉnh bộ Nghệ An. Đồng chí Doánh đã kiên trì động viên đồng đội giữ vững tinh thần cách mạng. Đồng chí định cùng với một số cán bộ còn sót lại của Tỉnh ủy vượt Trường Sơn, tạm lánh sang Xiêm để rồi tìm cơ hội trở về hoạt động. Nhưng kế hoạch đó chưa thực hiện được thì ngày 6-6-1932, Trần Hữu Doánh cùng tất cả cán bộ trong cơ quan Tỉnh ủy Nghệ An bị sa lưới địch. 

Bắt được Trần Hữu Doánh, người lãnh đạo cuối cùng của Tỉnh ủy Nghệ An trong cao trào 1930-1931, bọn địch hi vọng sẽ khai thác được nhiều đầu mối liên lạc quan trọng của các cơ sở cộng sản trong vùng. Chúng giải Trần Hữu Doánh xuống huyện đường Thanh Chương để “nhận diện”. Ở đây, đồng chí đã chửi thẳng vào mặt viên tri huyện và không nhận bất cứ điều gì mà bọn chúng vu khống. 

Ở huyện đường Thanh Chương một ngày đêm, Trần Hữu Doánh bị địch giải xuống nhà lao Vinh. Tên chánh mật thám Bi-ê và tên Tôn Thất Hối tìm đủ mọi cách để cưỡng bức, dụ dỗ nhưng đồng chí cương quyết phản kháng. Không khuất phục được Trần Hữu Doánh, kẻ địch xếp đồng chí vào loại trọng tội, kết án khổ sai chung thân và đày vào Lao Bảo. 

Trên con đường thiên lý từ Bắc vào Nam, trong đoàn tù chính trị bị án nặng, có ba anh em ruột của Trần Hữu Doánh (anh ruột là Trần Oánh và em ruột là Trần Hữu Quán). Cả ba anh em đều bị án chung thân, đày biệt xứ. Gặp gỡ người anh thứ hai và người em trai út trong một cảnh ngộ éo le nhưng Trần Hữu Doánh không hề buồn nản. Đồng chí vẫn cười vui, vẫn tìm cách động viên những người ruột thịt của mình giữ vững khí tiết, tiếp tục cuộc chiến đấu mới. 

Hơn mười năm trời, trải qua ba địa ngục trần gian, đồng chí Trần Hữu Doánh càng tỏ rõ những phẩm chất cao quý của người cán bộ cách mạng. Đồng chí tích cực tham gia các cuộc đấu tranh của tập thể anh chị em tù chính trị. Có cuộc, đồng chí hò la gần 45 ngày. Khi bọn địch khủng bố, Trần Hữu Doánh xin được nằm ở phía ngoài, vòng ngoài để nhận phần đòn roi thay cho các đồng chí khác. 

Cuộc sống gian khổ ở nhà tù đã làm cho cơ thể của đồng chí Doánh suy yếu. Tuy bị bệnh sốt rét kinh niên, thân thể gầy còm, xanh xao, nhưng đồng chí vẫn cố gắng rèn luyện, học tập. Những ngày tham gia lãnh đạo phong trào cách mạng ở Thanh Chương, đồng chí là một cán bộ trẻ, xốc vác, sắc sảo. Vào tù, được tiếp xúc với nhiều cán bộ lãnh đạo của tỉnh quy tụ về đây, thấy đó là một “dịp may” hiếm có, Trần Hữu Doánh tranh thủ học tập về lí luận chủ nghĩa Mác-Lê nin, về kinh nghiệm công tác Đảng. Đồng chí còn học cả nghề mộc, nghề rèn. Trần Hữu Doánh say sưa nhất là những bài học về đường lối võ trang cách mạng và cách đánh du kích. 

Tháng 12-1942, Trần Hữu Doánh được chi bộ nhà tù giao trách nhiệm vượt ngục cùng với Trương Vân Lĩnh, Chu Huệ, Nguyễn Tạo. Vừa ra khỏi nhà tù, các đồng chí bị địch phát hiện, đuổi theo…Bốn đồng chí dìu nhau chạy vào rừng và từ đó các đồng chí bắt đầu cuộc hành trình vô cùng gian khổ từ Tây Nguyên về Nghệ An. Trên đường về quê, các đồng chí bàn bạc kế hoạch tiếp tục xây dựng lại cơ sở Đảng, vận động quần chúng đấu tranh, tổ chức chiến khu cách mạng. Trong số bốn đồng chí thoát ngục thì hai đồng chí Trương Vân Lĩnh và Trần Hữu Doánh thường bị những cơn sốt bất chợt ùa tới hành hạ. Nhưng đồng chí vẫn đi, bò, lết từ khu rừng này đến khu rừng khác… 

Đến ngày thứ 18, cả bốn đồng chí bị lạc nhau. Trương Vân Lĩnh và Nguyễn Tạo đi đường khác, Trần Hữu Doánh và Chu Huệ thì lần theo đường Buôn Ma Thuột – Tam Kỳ ra Huế rồi về Nghệ - Tĩnh. Tối ba mươi tết năm ấy (tức tháng 1-1943), Trần Hữu Doánh về đến Cát Ngạn. 

Thoát khỏi nanh vuốt của hổ dữ rừng sâu lại gặp mạng lưới bủa vây của mật thám, tổng lý, phu đoàn ở làng xã, Trần Hữu Doánh phải tự mình định đoạt mọi việc, tự mình tổ chức lấy cơ sở để hoạt động. Biết mình cơ thể gầy yếu, da dẻ rách xước, đen sạm, hai chân sưng to, đôi mắt thâm quầng, nếu về ngay nhà mình dễ bị kẻ địch phát hiện, nên đồng chí về nhà ông Trần Văn Khuê, một cơ sở quần chúng từ hồi 1930-1931 ở Thổ Sơn để nương náu. 

Để tạo thế hoạt động lâu dài, Trần Hữu Doánh đã cải trang thành một lái buôn, buôn thuốc lào, mật ong, hàng lâm thổ sản. Với cái mũ phớt đội đầu, bộ ria mép để rậm, với giọng nói nửa pha Bắc, nửa pha Trung, đồng chí qua nhiều trạm gác của Pháp, của Nhật, của bọn tuần nậu các làng. Trên những địa bàn hoạt động từ thời kỳ Xô viết 1930-1931, Trần Hữu Doánh đã khôi phục được một số cơ sở ở huyện Thanh Chương, Anh Sơn. Đồng chí chủ trương trước hết hãy gây cơ sở, giáo dục quần chúng, cho dù chưa liên lạc được với Đảng thì đó cũng là chuẩn bị cơ sở để khi các đồng chí khác ra tù có địa bàn hoạt động. 

Trong hai năm 1943-1944, ngoài một số cơ sở cũ ở Cát Ngạn,Đô Lương, Thanh Chương, đồng chí đã xây dựng được một cơ sở ở Vĩnh Giang, Trà Ná, tập hợp được một số thanh niên yêu nước, bước đầu hướng dẫn cho anh em cách thức vận động quần chúng, cách đánh du kích, xây dựng căn cứ địa chống Nhật – Pháp. Niềm tin sâu sắc của đồng chí vào sự tất thắng của cách mạng đã có tác dụng động viên, lôi cuốn những người xung quanh. Ngay một số tù chính trị cũ, vì nặng gia đình, vì sợ khủng bố, yên phận làm ăn, nay được đồng chí Doánh động viên đã “tung chăn”dậy, trở lại hoạt động. 

Bằng nhiều hình thức, tranh thủ mọi hoàn cảnh có thể tranh thủ được, đồng chí đã khôi phục, phát triển thêm một số cơ sở quần chúng cách mạng và một số nhóm quần chúng trung kiên. 

Đồng chí thường đi xa, đi lâu, có khi dăm ba ngày, có khi nửa tháng rồi lại về Cát Ngạn. Bọn tổng lý địa phương đánh hơi được những hoạt động của Trần Hữu Doánh, chúng báo mật thám Đô Lương sang vây bắt. Nhưng được cơ sở quần chúng hết lòng che chở, bảo vệ, đồng chí Doánh vẫn tiếp tục hoạt động. Đối với bọn tổng lý Cát Ngạn, đồng chí đã đến tận nhà từng tên, dùng lí lẽ vạch rõ thế thắng của cách mạng, ngăn đe không cho bọn chúng tiếp tục phạm thêm nhiều tội ác với cách mạng và nhân dân. 

Những ngày về quê, đêm đêm, đồng chí Doánh đến nhà những cơ sở quần chúng tìm cách khêu gợi truyền thống cách mạng, vạch tội ác của giặc Nhật. Đồng chí thường mơ ước làm sao bắt được liên lạc với Đảng, xây dựng căn cứ địa cách mạng, vận động quần chúng đấu tranh võ trang, đánh đuổi Nhật – Pháp ra khỏi đất nước, giành lại chính quyền về tay nhân dân. 

Mơ ước của đồng chí Trần Hữu Doánh chưa thực hiện được thì đêm mồng 5 tháng Tư (tức 23-2 Âm lịch) năm 1945, trên đường từ cơ sở Vĩnh Giang – Trà Ná vào khu rừng phía dưới Truông Dong thuộc xã Giang Sơn, đồng chí đã hi sinh vì vấp phải một toán lính Pháp từ Vinh lên. 

Nhớ đồng chí Trần Hữu Doánh, cán bộ, đảng viên quần chúng cách mạng 1930-1931 ở Nghệ Tĩnh, những người bạn tù ở nhà lao Vinh, Buôn Ma Thuột, Đắc Min nhớ đến một người con ưu tú của quê hương, một chiến sỹ cộng sản trẻ tuổi đã tiếp thu nhanh nhạy chủ nghĩa Mác-Lê nin, đã có công nhen nhóm một trong những cơ sở đầu tiên của Đảng bộ Nghệ An, một trong những người lãnh đạo kiên cường của Đảng bộ Thanh Chương, của Đảng bộ Nghệ An trong những ngày quyết liệt nhất, người đồng chí thân thiết đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng.

Ngô Đức Tiến. Ban nghiên cứu lịch sử Đảng tỉnh uỷ Nghệ Tĩnh 1982

Video