Tôn Gia Chung( 1909-1979)

Tác giả: admin
Ngày 2010-04-27 14:37:48

Tôn Gia Chung bí danh là Xích, Sâm, Thanh Thiên sinh này 14/7/1909 tại làng Võ Liệt, tổng Võ Liệt(nay là xã Võ Liệt), huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. 

Võ Liệt là một vùng đất “Sơn thuỷ hữu tình”, có sông Lam chảy qua với bến Rộ sầm uất, có núi Tam Thai nên thơ, tạo nên ranh giới giữa huyện Thanh Chương và huyện Hương Sơn(tỉnh Hà Tĩnh). Từ xưa, làng Võ Liệt có nhiều hồ sen, mùa hè mùi thơm dịu toả khắp nơi. Võ Liệt nổi tiếng có đền Bạch Mã đẹp và thiêng, thờ vị tướng của Lê Lợi là Phan Đà, đã hy sinh anh dũng trong trận đánh giặc Minh ở Nghệ An. Đình Võ Liệt đã từng là nơi bình văn của các nho sĩ đến cao trào Xô Viết lại trở thành nơi hội họp của Xã bộ nông. Võ Liệt đã từng là huyện lỵ của Thanh Chương từ triều vua Thành Thái cho mãi tới tháng Tám 1945. Võ Liệt cũng là đất văn vật, qua các kỳ thi Hương, thi Hội, nhiều người đỗ đạt làm quan. Xưa kia, tại đình Võ Liệt có tấm bia đá khắc tên các vị đậu đại khoa của tổng Võ Liệt. Truyền thống hiếu học của nhân dân Võ Liệt được giữ gìn và phát huy tốt qua nhiều thế hệ. Khoảng năm 1903-1904, làng Võ Liệt đã cử ông Đồ Cẩm tới làng Sen, Nam Đàn mời ông Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc lên dạy học. Ông đã đưa cả hai con là Nguyễn Tất Đạt và Nguyễn Tất Thành cùng đi. Nguyễn Tất Thành(tức Hồ CHí Minh thời niên thiếu) đã từng ở Võ Liệt, thỉnh thoảng sang Nguyệt Bổng thăm anh ruột. .. 

Lúc bấy giờ Tôn Gia Chung mới 3, 4 tuổi. Sinh trưởng giữa đất văn vật, trong một dòng họ có tảê nói là “danh gia vọng tộc”, Tôn Gia Chung đã sớm có biểu hiện thông minh, dĩnh ngộ. Tiếng là con nhà giàu nhưng cha mẹ qua đời (cha là Tôn Quang Giáp nho sĩ thầy thuốc, mẹ là Tôn Thị Cuộc dệt vải) lúc Tôn Gia Chung chưa kết hôn và gia sản để lại không còn bao nhiêu. Lớn lên Tôn Gia Chung theo học cả chữ Hán và Quốc ngữ. Cũng như những con cháu trong dòng họ Tôn, Tôn Gia Chung đã sớm có ý thức tuân thủ lời răn của cụ tổ Lỗ Xuyên Tôn Đức Tiến (cuối thế kỷ XIX): “Phàm cai quản việc nhà lấy cần làm đầu, lấy nghĩa làm gốc, lấy trung hậu làm chất, lấy kiệm cần làm trọng, lấy cờ bạc rượu chè làm răn. Chung thân theo đó mà làm thì không thể trở thành người bậy được...” 

Những tên lót của họ Tôn do cụ Tôn Đức Tiến đặt theo thứ tự từng thế hệ, có ý nghĩa như một phương châm của đời sống: “Đức – Huy – Quang – Gia – Tích - Thiện - Lương”. (Tôn Quang Phiệt sinh con đặt là Tôn Gia Ngân; Tôn Quang Giáp sinh con đặt là Tôn Gia Chung, sinh cháu là Tôn Tích...) 

Ông nội của Tôn Gia Chung là cụ Tôn Huy Thân, đậu cử nhân khoa Mậu Thìn, Tự Đức 21 (1868), làm quan đến tri huyện rồi làm quản đốc hoả thuyền, về sau bỏ quan về dạy học. Trong số 4 con trai của cụ có ba người đỗ tú tài, trong đó có Tôn Quang Giáp (phụ thân Tôn Gia Chung). Ông là một thầy thuốc giỏi đã tham gia phong trào Cần Vương. Do sốt sắng lấy tiền nhà đóng góp cho nghĩa quân, bị một tên lưu manh lừa dối tự xưng là người đi quyên tiền cho phong trào Cần Vương nên ông bị mất của rất lớn; từ đó gia đình bị phá sản. 

Bề dày truyền thống văn hoá dòng họ Tôn thật là quý giá; nó hun đúc các chàng trai, cô gái trong họ trở nên người có tài, có đức, có lòng yêu nước thương nòi. 

Đến tuổi trưởng thành, Tôn Gia Chung vào học trưòng kỹ nghệ Hải Phòng (từ năm 1921-19240. Tại đây anh đã tham gia các cuộc đấu tranh biểu tình, bãi khoá chống chế độ hà khắc trong nhà trường (như hình phạt giam vào phòng tối); chống bọn chủ thầu gian dối và độc ác... 

Ra trưòng, Tôn Gia Chung vào làm công nhân hoả xa(đường sắt) từ năm 1924-1926. Môi trường công nhân đã tạo thuận lợi cho Tôn Gia Chung sớm có ý thức giác ngộ giai cấp. Thời điểm đó, tiếng bom Sa Điện của Phạm Hồng Thái mưu giết Toàn quyền Méc lanh(ngày 19/6/1924 tại Quảng Châu, Trung Hoa) đã chấn động dư luận trong nước và nước ngoài. Ý thức dân tộc được khơi dậy mãnh liệt trong lòng chàng trai trẻ Tôn Gia Chung. Anh hăng hái tham gia phong trào đòi ân xá cho Phan Bội Châu(1925) và phong trào truy điệu Phan Chu Trinh. Anh còn tham gia đình công cùng anh em công nhân nhà máy sửa chữa máy bay ở Bạch Mai. 

Khi trình độ tay nghề được nâng cao qua mấy năm thực hành, Tôn Gia Chung đã cùng Vi Văn Mừng, Phạm Thiêm...mạnh dạn mở một xưởng cơ khí rêng tại Thái Hà Ấp, vừa làm vừa đào tạo thợ, vừa là nơi tuyên truyền, cổ vũ thanh niên tham gia hoạt động yêu nước. 

Bọn mật thám đã để ý những hành động của Tôn Gia Chung, và đến tháng 10/1927 chúng đã bắt anh. Nhưng tội danh của Tôn Gia Chung chỉ được ghi là “tình nghi hoạt động cách mạng”, vì chưa đủ chứng cớ cụ thể. Do đó, Tôn Gia Chung được trả tự do. Anh nhượng lại xưởng cho người khác và về quê. 

Thời điểm đó(năm 1928), tại Nghệ Tĩnh, Đảng Tân Việt đang phát triển mạnh, và trong các nhà lãnh đạo Tân Việt có Tôn Quang Phiệt là chú họ anh. Tôn Gia Chung đã gia nhập Đảng Tân Việt vào cuối năm 1928. Anh đã cùng Võ Trọng Ân vận động anh em buôn gỗ ở Rạng – Phù Long - Chợ Đuổi, gây cơ sở tổ chức Tân Việt ở Hưng Nguyên. 

Lúc bấy giờ, trong cả hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, hai tổ chức tiền thân của Đảng là Tân Việt và Hội Thanh niên cùng hoạt động song song và phát triển, tổ chức xen kẽ với nhau. Nhiều huyện, xã vừa có Đảng Tân Việt vừa có Hội Thanh niên. Hai tổ chức đã tiến hàh bàn việc hợp nhất nhưng chưa đi đến kết quả. Trong lúc đó, Đông Dương Cộng sản Đảng đã được thành lập ở Bắc Kỳ(17/6/1929) và phát triển tổ chức vào Nghệ Tĩnh. 

Cuối năm 1929, đầu năm 1930, phái tả trong Đảng Tân Việt ra Tuyên đạt gải tán Đảng và thành lập Đông Dương Cộng sản liên Đoàn. Cùng thời điểm đó, An Nam Cọng sản Đảng cũng được hình thành và phát triển tổ chức ở miền Nam. Thế là, trong cả nước có ba tổ chức Cộng sản. 

Trước tình hình đó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc với tư cách là đại biểu của Quốc tế cộng sản về Hồng Kông(Trung Hoa) triệu tập Hội nghị hợp nhất ba tổ chức cộng sản trong nước, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và vạch ra Chánh cương, Sách lược vắn tắt của Đảng. 

Sau ngày thành lập Đảng, đồng chí Nguyễn Phong Sắc (tức Thịnh), Uỷ viên Trung ương Đảng lên Thanh Chương bắt liên lạc với một số đảng viên Tân Việt ở Võ Liệt thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên(trong đó có Tôn Thị Quế, Hoàng Thuật là bí thư chi bộ). 

Ngày 17/3/1930, Tôn Gia Chung được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam (hai người giới thiệu là Tôn Thị Quế và Hoàng Thuật). Ngay sau ngày làm lễ tuyên thệ dưới lá cờ búa liềm của Đảng, Tôn Gia Chung đã bắt tay vào công tác tuyên truyền, ra tờ báo Dân cày của chi bộ Võ Liệt. 

Tháng 4/1930, Tôn Gia Chung được giao nhiệm vụ làm công tác phát triển Đảng ở các xã trong huyện Thanh Chương. Sau đó đồng chí được Tỉnh uỷ lâm thời Nghệ An bổ sung vào làm uỷ viên Tỉnh uỷ và được phân công nhem nhóm cơ sở Đảng ở các xã Đồng Du, Than La, Thượng Thọ, Ngọc Lập, Phong Nậm, Bích Thị... 

Tháng 8/1930, Tôn Gia Chung được Tỉnh uỷ cử là Trưởng ban Tuyên truyền cổ động(Tuyên huấn) của Tỉnh bộ; chủ nhiệm báo Tiến lên, cơ quan ngôn luận của Tỉnh uỷ Nghệ An. Đồng chí còn phụ trách cả công tác ấn loát và phát hành. 

Từ tháng 9/1930 (sau cuộc biểu tình lịch sử vĩ đại ngày 1/9/1930 ở Thanh Chương), các Xã bộ nông (chính quyền Xô Viết thôn xã) đã hình thành trên nhiều vùng trong tỉnh. Bọn thực dân cấu kết với quan lại phong kiến Nam triều đàn áp đẫm máu các vùng Xô viết (điển hình vụ ném bom ở Thái Lão huyện Hưng Nguyên làm chết 217 người và bị thương 125 người). 

Trong bối cảnh đó, Đảng bộ Nghệ An đã tổ chức Đại hội đại biểu tại làng Đồng Xuân(tổng Xuân Liễu, huyện Nam Đàn, nay thuộc xã Xuân Tường, huyện Thanh Chương). Đại hội đã bầu Ban chấp hành Đảng bộ chính thức do Nguyễn Tiềm làm Bí thư. Tôn Gia Chung là một trong 7 uỷ viên chính thức của Đảng bộ Nghệ An. Đồng chí được phân công phụ trách Ban Tuyên truyền cổ động (Tuyên huấn) của Tỉnh bộ. Từ tháng 12 /1930 đến tháng 4/1931, đồng chí là Uỷ viên Thường vụ Tỉnh uỷ, phụ trách phân cục Yên Thành, Diễn Châu và Nghĩa Đàn. 

Sau ngày nhậm chức Tổng đốc Nghệ An (15/12/1930), Nguyễn Khoa Kỳ đã đề ra sáng kiến “ rước cờ vàng”, “phát thẻ quy thuận”. Đó là một thủ đoạn vô cùng thâm độc. Tôn Gia Chung đã cùng các uỷ viên khác chỉ đạo các địa phương tích cực chống phá trò hề đó của địch. Cuộc chống phá thắng lợi nhất là ở làng Tràng Kè(nay thuộc xã Mỹ thành, huyện Yên Thành).
Hôm ấy, ngày 7/2/1931), bọn quan lại Yên Thành mời cả tên Công sứ Pháp , Tổng đốc Nguyễn Khoa Kỳ và cả tên giám binh Pơ ti khét tiếng gian ác về dự. Khi buổi lễ bắt đầu, bỗng truyền đơn xuất hiện la liêt khắp nơi, cả trên ô tô của bọn chúng. Lạ hơn nữa là truyền đơn lại rơi ra từ ống tay áo tên Nguyễn Loan, một tên tay sai đắc lực chuyên chỉ điểm cho mật thám Pháp bắt cán bộ cách mạng. Thế là buổi lễ hỏng bét. Trên đường về tỉnh, chúng tức giận bắn chết tên Nguyễn Loan. Cuộc phá lễ phát thẻ quy thuận này có sự chỉ đạo trực tiếp của Tôn Gia Chung, Tôn Thị Quế và Nguyễn Trình. 

Thời điểm đó từ đầu năm 1931 trở đi, chính quyền thực dân phong kiến khủng bố khốc liệt các vùng Xô Viết, bắt bớ giam cầm, bắn giết nhiều đảng viên, cán bộ và quần chúng cách mạng. Riêng Xứ uỷ Trung Kỳ đã bị mất nhiều cán bộ chủ chốt. Đồng chí Nguyễn Tiềm, Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An được Xứ uỷ điều bổ sung vào Ban Thường vụ Xứ uỷ, phụ trách tuyên truyền. Tôn Gia Chung được cử làm Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An (tháng 4/1931). 

Lúc đó phong trào đã bắt đầu lắng xuống, Đảng bộ phải đối phó với những thử thách quyết liệt. Hầu hết các vùng Xô Viết đều bị kẻ địch khủng bố dữ dội. Tỉnh uỷ phải lo chỉ đạo chống khủng bố hết vùng này đến vùng khác. Bản thân cán bộ lãnh đạo cũng rất khó tránh mạng lưới bao vây dày đặc của địch. Chức vụ càng cao càng dễ bị xử tử hoặc tù chung thân. Làm Bí thư Tỉnh uỷ thời đó là sẵn sàng chấp nhận sự hy sinh bất cứ lúc nào. 

Trong tình hình phức tạp ấy, tháng 4/1931, Xứ uỷ Trung Kỳ lại ra “Chỉ thị thanh Đảng” với khẩu hiệu “Trí phú, địa hào, đào tận gốc, trốc tận rễ”, phạm sai lầm ấu trĩ tả khuynh, ảnh hưởng không nhỏ đến phong trào và công tác xây dựng Đảng. Tôn Gia Chung tuy là con nhà giàu, có học thức(tức vừa trí vừa phú) nhưng đã từng làm công nhân nên không bị xử trí mà vẫn giữ chức Bí thư tỉnh uỷ. Nhưng trong toàn Đảng bộ lúc ấy có biểu hiện hoang mang giao động. Tỉnh uỷ phải đi sát các đảng bộ cơ sở để nắm thông tin kịp thời và giải quyết những trường hợp khó xử. 

Tiếp sau “Chỉ thị thanh Đảng”, Xứ uỷ Trung Kỳ lại ra Chỉ thị “Chiến lược ra trận”. Chỉ thị đó ra đời trong lúc địch đang khủng bố trắng, rất bất lợi cho việc bảo vệ lực lượng cách mạng và tính mạng của quần chúng. Rất may là chỉ sau một thời gian ngắn, Trung ương đã phê bình nghiêm khắc Xứ uỷ và ra lệnh thu hồi chỉ thị “Chiến lược ra trận”. 

Để đối phó với âm mưu, thủ đoạn khủng bố tàn khốc của địch, Tôn Gia Chung đã cùng Ban Thường vụ Tỉnh uỷ vạch ra những biện pháp thích hợp để duy trì lực lượng, bảo vệ tài sản và tính mạng của nhân dân. Ban Thường vụ đã ra Thông cáo ngày 29/4/1931: “ Mỗi chi bộ phải phái ra một đồng chí chuyên trách việc liên lạc với lính trong một thời gian ngắn sắp tới đây. Huyện bộ nào, phân chi bộ nào cũng phải tổ chức cho được những Chi bộ Đảng trong quân lính. Dùng tình cảm dân tộc mà kéo cho được quảng đại quần chúng lính theo ảnh hưởng Đảng...” 

Chính nhờ chủ trương sngs suốt về công tác binh vận của Tỉnh uỷ Nghệ An mà chi bộ lính Lê dương Man - giăng(quốc tịch Đức) làm Bí thư được thành lập. Chi bộ này rải truyền đơn bằng ba thứ tiếng Đức, Pháp, Việt; kêu gọi binh lính ủng hộ cách mạng Việt Nam(về sau Man giăng bị bắt và bị Toà án binh Pháp xử tại Hà Nội ngày 10/6/1931, lãnh án 6 tháng tù giam). 

Mặc dù Tôn Gia Chung, Bí thư cùng toàn Đảng bộ Nghệ An có những cố gắng cao độ, nhưng xu thế chung là phong trào cách mạng trong hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh cũng như toàn quốc đã đi vào bước thoái trào từ đầu năm 1931. Số lượng cán bộ, đảng viên và quần chúng bị giết, bị bắt, bị tù ngày càng lớn. Có những hố chôn người tập thể (như ở Thanh Quả, Thanh Chương)... 

Ngày 21/7/1931, Tôn Gia Chung và một số cán bộ khác bị địch bắt, trong đó có Nguyễn Thị Kỳ, người bạn đời yêu quý của đồng chí. Đây là một sự kiện khá đặc biẹt mà nhiều người ở Nghệ An còn nhớ mãi. 

Tôn Gia Chung bị kết án 20 năm tù. Sau 4 năm bị giam ở nồa lao Vinh, đồng chí bị giải vào nhà tù Buôn Ma Thuột. Đây là một nhà đày nổi tiếng dã man với chế độ gông cùm và sinh hoạt rất ghê tởm. Đặc biệt số tù nhân chính trị quê ở Nghệ An và Hà Tĩnh chiếm số đông. Điều đó chứng tỏ phong trào cách mạng ở hai tỉnh mạnh đến mức nào. Trong tù Tôn Gia Chung đã nhiều lần tham gia đấu tranh và bị tăng án liên tục. 

Từ tháng 2 đến tháng 10/1932, đồng chí xung phong phụ trách cai bếp để đấu tranh đòi cải thiện chế độ ăn uống trong tù. Ngày 2/9/1935, đồng chí tham gia đấu tranh, bị thực dân Pháp tăng án 5 năm tù. Không sờn lòng nản chí, từ đó đồng chí vẫn liên tiếp tham gia đấu tranh nên bị chứng xử cầm cố 2 lần(trên 1 năm), bị tăng án 2 lần nữa. 

Thời kỳ Mặt trận Bình dân Pháp chống phát xít Đức được thành lập, chính phủ phái tả lên cầm quyền, phong trào vận động dân chủ ở Đông Dương lên cao(1936-1939), rất nhiều chính trị phạm được ân xá, thế mà Tôn Gia Chung vẫn bị giam cho tới tháng 5/1945. Tính ra đồng chí đã ngồi tù 14 năm(từ tuổi 31 đến 45). Trong khi đó, người đồng chí, người vợ thuỷ chung Nguyễn Thị Kỳ đã ra tù từ năm 1934 và mòn mỏi trong chờ ngày tái ngộ. 

Khi Tôn Gia Chung được ra tù thì Ban vận động Việt Minh liên tỉnh đang hoạt động rất tích cực để chuẩn bị giành chính quyền một khi có thời cơ xuất hiện. Đồng chí Võ Mai được Ban vận động biệt phái lên công tác Thanh Chương và đã gặp gỡ các chính trị phạm để bàn phương hướng giành chính quyền. Tôn Gia Chung đã nhanh chóng hoà nhập với phong trào khởi nghĩa và tham gia xây dựng cơ sở tổ chức Việt Minh ở Võ Liệt Thượng. 

Ngày 23/8/1945, nhân dân huyện Thanh Chương khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi. Tôn Gia Chung được cử làm Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cách mạng tổng Võ Liệt. 

Từ tháng 3/1946 đến tháng 6/1947, đồng chí được cử làm phó Bí thư huyện uỷ kiêm Chủ tịch Uỷ ban hành chính huyện Thanh Chương. Từ giữa năm 1947 đến tháng 8/1948, đồng chí được bổ nhiệm làm Bí thư Đảng đoàn Nông hội tỉnh Nghệ An. 

Từ năm 1948 đến 1956, Tôn Gia Chung giữ chức Phó Chủ tịch Nông hội Liên khu IV kiêm Bí thư đảng đoàn Nông hội Liên khu IV. Từ tháng 5/1950 đến 4/1951, đồng chí là uỷ viên Ban cán sự chi nhánh Tín dụng sản xuất tỉnh Nghệ An. 

Tháng 5/191, đồng chí được Trung ương điều động ra Chiến khu Việt Bắc giúp việc cho Ngân hàng Nhà nước. Đồng chí đã kinh qua các chức vụ: Vụ phó Vụ nghiệp vụ, Phó giám đốc tín dụng trong Bộ Nông nghiệp, Giám đốc vụ Hợp tác xã tín dụng. Năm 1960 đồng chí được Nhà nước cho nghỉ hưu, nhưng sau đó lại được điều về phụ trách chi nhánh Ngân hàng Nghệ An cho tới năm 1963. 

Thời gian hưu trí, đồng chí Tôn Gia Chung vẫn sinh hoạt Đảng đều dặn và tham gia tích cực các phong trào địa phương, nhất là hoạt động trong tổ chức Hội Phụ lão. 

Với những thành tích trong công tác, đồng chí Tôn Gia Chung đã được Liên khu uỷ khu IV tặng bằng khen “ Chí công vô tư”, được tỉnh hội Liên Việt Nghệ An tặng “Bằng ghi công”, Uỷ ban hành chính Nghệ An tặng danh hiệu “ Chiến sĩ thi đua’ hai năm liền, được Chính phủ tặng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhì 

Đồng chí đã từ trần năm 1979, hưởng thọ 80 tuổi. 

Năm 2001 đồng chí Tôn Gia Chung được Nhà nước truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh 

                                                                                                                           Bùi Ngọc Tam. Ban NCLSĐ Nghệ An

Video