Tinh thần đấu tranh của tù chính trị Nghệ Tĩnh tại Nhà đày Buôn Ma Thuột

Tác giả: admin
Ngày 2023-06-26 01:16:49

Những chiến sỹ cộng sản trên quê hương Nghệ Tĩnh dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, khi đấu tranh hay khi bị giam cầm tra tấn vẫn luôn nêu cao bản lĩnh, giữ vững khí tiết kiên trung của người cộng sản. Bản chất, cốt cách của con người Nghệ Tĩnh trong môi trường càng khó khăn, khắc nghiệt càng tỏa sáng và vươn lên mạnh mẽ. Tinh thần đấu tranh của tù chính trị Nghệ Tĩnh bị giam cầm tại nhà đày Buôn Ma Thuột giai đoạn 1930-1945 đã minh chứng cho điều đó.

1. Nhà đày Buôn Ma Thuột – địa ngục trần gian giữa đại ngàn Tây Nguyên

 Ngay từ đầu năm 1930, khi phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh nổ ra mạnh mẽ tại Trung Kỳ, Khâm sứ Trung Kỳ đã ra lệnh cho Công sứ Đắk Lắk phải xây dựng một nhà đày có khả năng trước mắt giam 200 tù nhân và sau đó sẽ lên tới 600 tù nhân đưa từ các tỉnh đồng bằng và các tỉnh Trung Kỳ vào.

Ảnh: Nhà đày Buôn Ma Thuột

Cuối tháng 11/1931, công việc xây dựng nhà đày kiên cố đã hoàn thành. Các dãy nhà giam đều được xây tường gạch, mái lợp ngói. Có tất cả 6 nhà giam bao kín một sân rộng hơn 1ha. Một bức tường gạch cao chạy bao quanh khu vực nhà giam thay cho lớp rào tre và dây thép gai không chắc chắn. Nếu so với các nhà đày Côn Đảo, Lao Bảo, Sơn La – những nơi có hệ thống hầm giam bê tông kiên cố với hàng loạt cổng sắt thì nhà đày Buôn Ma Thuột không kiên cố bằng nhưng cách giam giữ và chế độ lao tù thì không kém phần tàn bạo so với các nhà đày khác.

Tại đây, Khâm sứ Trung Kỳ đã đích thân ban hành quy chế và giao cho chính quyền tỉnh Đắk Lắk trực tiếp quản lý những tên giám ngục do Khâm sứ chỉ định. Nhiệm vụ cai quản nhà tù do bọn bảo an phụ trách, bọn cai ngục được tuyển trong số những sỹ quan trong ngạch bảo an trông coi tù nhân theo chế độ, cách thức nhà binh. Ở Buôn Ma Thuột lúc này có một đội lính khố xanh người Thượng (Ê đê) do tên Thanh tra Maulini chỉ huy và hai sỹ quan giúp việc là chánh cảnh vệ Moshin và Bonelli chỉ huy đồn lính khố xanh thị xã kiêm cai quan nhà lao tỉnh. Đối với tù nhân nhà đày Buôn Ma Thuột, cả ba tên chỉ huy nói trên đều rất tàn ác, đặc biệt là Moshin. Hắn đánh đập tù nhân và cả binh lính địa phương một cách tàn nhẫn, thậm chí còn dùng lưỡi lê đâm tù nhân rồi liếm máu dính trên lưỡi lê…

Khi thực dân Pháp đàn áp phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, hàng loạt cán bộ, chiến sỹ, đảng viên đã bị bắt và bị kết án nặng. Trong số đó những tù nhân bị kết án từ 9 năm trở lên, hoặc chung thân đều bị đưa vào các nhà đày tại Tây Nguyên hòng giết dần những chiến sỹ cộng sản. Trong đoàn 61 tù nhân của tỉnh Nghệ An đưa vào Buôn Ma Thuột tháng 8/1931 có tới 16 người án chung thân, 36 người từ 9-13 năm. Đoàn từ 70 người từ Hà Tĩnh và từ các tỉnh khác đến cũng đều là tù chính trị có mức án nặng, bị liệt vào loại tù nguy hiểm. Điều đó chứng minh cho quyết định của chính quyền thực dân, phong kiến ở Trung Kỳ là “dành miền Thượng Du Trung Kỳ để giam những phạm nhân nguy hiểm nhất”1.

Không những thế, ở nhà đày Buôn Ma Thuột, tù nhân nào tham gia đấu tranh còn bị phạt tăng án. Báo Ánh Sáng ngày 8/4/1935 đưa tin: “Mới đây, ở Nhà tù Buôn Ma Thuột, ba tù chính trị là Nguyễn Hữu Tuân, Nguyễn Duy Trinh và Hồ Thiết, mỗi người bị tăng thêm 5 năm tù giam chỉ vì cái tội đã yêu cầu được bãi bỏ hình phạt nhốt xà lim và ăn cơm khô hàng tháng… Tiếp theo vụ đó, một tù nhân khác tên là Thái Đồng đã yêu cầu nới rộng cùm chân. Kết quả là tù nhân này được tăng thêm 5 năm rưỡi tù giam, còn lỗ cùm chân thì vẫn không được nới rộng chút nào.”2. Một người tù viết một bài báo gửi ra ngoài bị phạt thêm 5 năm tù giam. Theo Nghị định ngày 1/12/1931 của Khâm sứ Trung Kỳ thì những người cầm đầu các cuộc đấu tranh trong tù sẽ bị giam xà lim cấm cố, ăn cơm nhạt, hoặc bị đày tiếp đến Côn Đảo. Trong xà lim, người tù bị cùm chân và xích cả tay vào sàn gỗ.

Giống như địa ngục trần gian Côn Đảo và các nhà đày khác, nhà đày Buôn Ma Thuột là nơi đày biệt xứ và giam giữ tù nhân với chế độ vô cùng khắc nghiệt. Không những bị giam cầm, cùm kẹp, đánh đập dã man, tù nhân ở đây còn phải lao dịch khổ sai làm nhà tù, mở đường chiến lược, xây dựng nhà cửa, cầu cống, doanh trại cho quân đội, làm vườn, trồng cây cho bọn cầm quyền. Ngoài việc tận dụng sức lực của tù nhân vào mục đích kinh tế, chúng còn nhằm hành hạ họ cả về thể xác lẫn tinh thần, làm cho tù nhân kiệt sức mà rã rời ý chí đấu tranh, từ bỏ lý tưởng cách mạng.

Chính vì vậy, số tù nhân tử vong tại nhà đày Buôn Ma Thuột không ngừng tăng lên. Năm 1930, khi quyết định xây nhà đày, thực dân Pháp dự tính hàng năm tù nhân chết ít nhất là 10%; nhưng sang năm 1931 chúng ước tính khoảng 25%. Trong hai năm 1931,1932 đã có tới 100 tù nhân chết, theo đó thì chỉ trong khoảng 5 năm, số tù nhân tại đây sẽ không còn.

2. Kiên cường, bất khuất giữ vững khí tiết của người cộng sản

Chịu biết bao khổ cực, đau đớn nhưng không bao giờ những chiến sỹ Xô viết lại từ bỏ đấu tranh, khát khao được tự do để trở về cống hiến cho quê hương, đất nước luôn âm ỉ cháy, chờ thời cơ sẽ bùng lên mạnh mẽ. Các cuộc đấu tranh của tù chính trị trong nhà đày diễn ra từ năm 1930-1931 và thực sự quyết liệt khi các đoàn tù cộng sản từ Nghệ An, Hà Tĩnh và một số tỉnh khác bị đày lên Buôn Ma Thuột. Khẩu hiệu chung của các chiến sỹ là dù hoàn cảnh nào và giam ở đâu, tù chính trị cũng không được để mất liên lạc, phải đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau nhất là những người đau yếu…

Tranh vẽ Giờ tự học của các chiến sỹ tại nhà đày Buôn Ma Thuột

Cuộc đấu tranh đầu tiên là nhằm chống đánh đập và chế độ ăn uống tồi tệ. Sau khi thu thập được bằng chứng tù nhân đấu tranh với quản ngục đòi bố trí người tốt vào thay tên nấu bếp. Hình thức đấu tranh này đã có tác dụng lôi cuốn nhanh tù nhân tham gia, bước đầu giành thắng lợi và mở đầu cho nhiều cuộc đấu tranh với hình thức và mục tiêu đấu tranh khác nhau. Các cuộc đấu tranh tuyệt thực, hay bằng hình thức hô khẩu hiệu, hò la xuất hiện ngày càng nhiều trong những cuộc đấu tranh chống đánh đập kết hợp yêu cầu kinh tế với chính trị.

Ngày 18/3/1932, anh em tù chính trị đã tổ chức một cuộc đấu tranh lớn phản đối lính đánh đập tàn nhẫn và chế độ ăn uống tồi tệ trên công trường làm đường chiến lược ở Km 33. Buổi tối hôm trước, một số tù nhân liên lạc với nhau bàn nhân kỷ niệm Công xã Pa ri (năm 1871) để tổ chức đấu tranh và quyết định đưa 3 yêu sách:

- Không được đánh đập, phạt tù.

- Phải cho ăn uống khá hơn, sạch sẽ hơn. Mỗi tuần phải được ăn một bữa thịt.

- Phải có thuốc chữa bệnh, tắm rửa phải có xà phòng.

Sáng hôm sau, khi đi làm, tù nhân đưa yêu sách cho một tên chỉ huy đội lính khố đỏ. Nó đánh tù nhân và bắt các đồng chí đưa yêu sách. Ngay trưa hôm đó, đoàn tù đi làm về nhưng không ai chịu ăn cơm trước lời dọa nạt hay dụ dỗ của tên chỉ huy. Bất lực trước hành động tuyệt thực của anh em tù chính trị, chúng vội vã về thị xã báo với cấp trên đồng thời ra lệnh cho binh lính lùa tù nhân vào trại giam cùm chân. Hôm đó không một tù nhân nào đi làm, lính gọi không ai lên tiếng. Chúng cho lính bao vây cả khu trại, bắt các đồng chí tình nghi là chủ mưu chở về giam tại Nhà lao thị xã. Tù nhân ở trại giam trên công trường tiếp tục đấu tranh đòi giải quyết yêu sách và trả tự do cho các đồng chí bị bắt đi giam chỗ khác. Cuộc đấu tranh kéo dài 3 ngày, đến ngày thứ 4 chúng phải nhượng bộ giải quyết các yêu sách của tù chính trị.

Hằng ngày tiếp xúc với binh lính và cai đội người Thượng, nhận thấy họ là những người bị nhồi nhét tâm lý chia rẽ dân tộc coi tù nhân như kẻ thù, do đó để vận động giác ngộ binh lính nói chung, giảm bớt sự đánh đập hành hạ của họ đối với tù nhân nói riêng, anh em tù chính trị đã cố gắng học tiếng Ê-đê để giao tiếp và tuyên truyền vận động binh lính người Thượng. Sự bất đồng ngôn ngữ là rào cản ngăn cách giữa tù nhân và binh lính dần bị phá bỏ, một số binh lính được cảm hóa, sau này trở thành cơ sở cách mạng ủng hộ, đi theo Việt Minh.

Lo sợ trước các cuộc đấu tranh của tù nhân, chính quyền Pháp tìm cách đối phó. Chúng chuyển một số tù nhân cho là cầm đầu các cuộc đấu tranh ở Buôn Ma Thuột đến nhà đày Lao Bảo hoặc ra Côn Đảo. Tuy nhiên các đồng chí vẫn luôn tâm niệm: “Địch muốn đưa chúng ta đi đâu thì đưa, nhưng tinh thần người cách mạng ở đâu cũng trung kiên, bất khuất”.

Cuối năm 1932, Hội Tương trợ được hình thành tại nhà đày Buôn Ma Thuột nhằm cứu giúp những tù nhân nghèo không có gia đình đang bị đau ốm; đề ra kỷ luật giữ gìn vệ sinh, trật tự trong tù; tất cả hò la phản đối tù nhân bị lính canh đánh đập; giáo dục lòng trung thành với cách mạng… Nhờ hoạt động bí mật của Hội, nhiều tù nhân đã được động viên, tiếp thêm sức mạnh, vượt qua nỗi đau thể xác, nỗi nhớ gia đình, quê hương, quyết tâm giữ vững khí tiết của người cộng sản trước những âm mưu thủ đoạn thâm độc của kẻ thù.

Đầu năm 1934, số tù nhân ở Buôn Ma Thuột lên tới 650 người. Chế độ nhà đày càng nghiệt ngã, nghiêm ngặt hơn. Một số tù nhân đã bí mật viết thư gửi Khâm sứ Trung kỳ, tố cáo chế độ nhà đày và cung cấp tài liệu cho những tù chính trị đã được trả tự do về sống ở Huế viết bài đăng trên các báo công khai tố cáo tội ác của thực dân Pháp và đòi ân xá tù chính trị.

Các cuộc đấu tranh bằng hình thức này đã có tác dụng rất lớn. Một mặt tố cáo chế độ nhà đày với dư luận xã hội trong nước và lan tới dư luận xã hội Pháp. Mặt khác góp phần vô hiệu hóa âm mưu của địch là chia rẽ tù nhân có văn hóa cao với tù nhân trình độ văn hóa thấp; làm cho sự đoàn kết giữa các đồng chí càng chặt chẽ hơn.

Đầu tháng 9/1934, được tin toàn quyền Đông Dương Rô-banh và một số quan chức, nhà báo Pháp đến thị sát nhà đày, anh em tù chính trị đã bàn bạc viết đơn theo mẫu tố cáo chế độ lao tù khắc nghiệt. Khi đoàn thị sát đến, một đồng chí đã bước lên đưa tập đơn và nói bằng tiếng Pháp: “Chế độ nhà tù của các ông ở đây rất ác nghiệt, các xếp ngục đã dùng mọi hình thức dã man đánh đập, giết hại chúng tôi. Nhiều người trong chúng tôi đã bị tàn phế. Ở đây không có một chút gì gọi là quyền tự do dân chủ, thế mà lúc nào các ông cũng ca ngợi tự do, bình đẳng, bác ái của nước Đại Pháp. Tôi chỉ viết một bài báo mà bị kết án thêm 5 năm tù. Thế thì tự do ở chỗ nào?”3

Tập thể tù nhân đã đưa cho Toàn quyền Rô-banh bản yêu sách 12 điều trong đó có nhiều điểm mới như đòi thực hiện chế độ tù chính trị; đòi tù chính trị được đọc sách báo và không phải đi lao động khổ sai; đòi cải thiện chế độ ăn; đòi bỏ chế độ phạt nhốt xà lim, ăm cơm nhạt, bỏ cùm ban ngày; đòi chuyển những người bị bại liệt, ốm đau nặng về các tỉnh đồng bằng; đổi quản ngục Mô-sin đi nơi khác.

Trước mặt nhà báo, Toàn quyền Rô – banh phải chấp nhận giải quyết yêu sách của tù nhân và chuyển tên Mô-sin đi nơi khác nhằm xoa dịu sự bất bình của dư luận và tù nhân.

Những điều mắt thấy tai nghe từ nhà đày Buôn Ma Thuột đã được nhà báo Pháp bà An-đrê Vi-ô-lit phản ánh trong cuốn Đông Dương kêu cứu là phóng sự về tình hình đàn áp, khủng bố của chính quyền Pháp ở Đông Dương đối với phong trào cách mạng đầu những năm 30 của thế kỷ XX.

Được sự cổ vũ bởi những cuộc đấu tranh đó, cũng như do tác động của phong trào cách mạng đang được khôi phục trong cả nước, cuộc đấu tranh của tù chính trị trong nhà đày Buôn Ma Thuột càng phát triển mạnh, làm cho bọn cầm quyền lúng túng. Nhờ các cuộc đấu tranh trong giai đoạn 1930-1935, kinh nghiệm tổ chức lực lượng và phương pháp đấu tranh trong tù dần dần được tích lũy, chế độ lao tù hà khắc cũng dần dần phải thay đổi.

Trong những năm 1936-1939, hòa nhịp với cuộc đấu tranh chung của toàn Đảng, toàn dân, anh em tù chính trị Nghệ Tĩnh bị giam cầm tại nhà đày Buôn Ma Thuột ra sức phát huy, củng cố thắng lợi đã giành được trong giai đoạn trước để tiếp tục đấu tranh đòi cải thiện chế độ lao tù, đòi thi hành chế độ tù chính trị. Các cuộc đấu tranh lại liên tục diễn ra giành thắng lợi tạo điều kiện và tiền lệ cho các cuộc đấu tranh trong giai đoạn 1940-1945. Trong các cuộc đấu tranh đó, nhiều tấm gương chiến sỹ cộng sản Nghệ Tĩnh như: Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Duy Trinh, Phan Đăng Lưu, Phan Thái Ất, Tôn Quang Phiệt, Tôn Gia Chung, Chu Huệ, Ngô Đức Đệ, Mai Kính, Mai Trọng Tín… đã kiên cường giữ vững khí tiết của người cộng sản trước lưỡi lê, mũi súng của kẻ thù.

Không chỉ đấu tranh, các đồng chí còn tự tổ chức việc học tập, rèn luyện có hệ thống về chính trị, văn hóa, quân sự để khi được ra tù liền tham gia hoạt động cách mạng, làm nòng cốt cho phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ và chuẩn bị cho cuộc chiến đấu mới của toàn Đảng, toàn dân ta với tinh thần:

“… Tu thân luyện chí thềm bền vững

 Hễ nghe Đảng gọi cất cánh bay”4

ThS. Trần Thị Hồng Nhung

Phó Giám đốc Bảo tàng XVNT

Chú thích:

1 Công điện mật mã ngày 15/12/1931 của Khâm sứ Trung kỳ gửi Công sứ Pháp ở Nha Trang

2 Lịch sử Nhà Đày Buôn Ma Thuột 1930-1945, Viện Lịch sử Đảng; 2010; tr162

3 Lịch sử Nhà Đày Buôn Ma Thuột 1930-1945, Viện Lịch sử Đảng; 2010; tr72

4 Lịch sử Nhà Đày Buôn Ma Thuột 1930-1945, Viện Lịch sử Đảng; 2010; tr163

Video