269
601
4361
16746
34073
6825191
Nhân dịp kỷ niệm 85 năm cuộc biểu tình ủng hộ phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh tại cây sồ 7 tài Lương (23/7/1931-23/7/2016), Huyện ủy Hoài Nhơn, Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Định phối hợp với Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học: “Cuộc biểu tình ủng hộ phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh của Đảng bộ huyện Hoài Nhơn tại cây sồ 7 Tài Lương ngày 23/7/1931”. Tham dự và chủ trì Hội thảo có PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà – Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Tổng biên tập Tạp chí Lịch sử Đảng, đồng chí Cao Văn Xích – Giám đốc Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Bình Định, đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành, các huyện, thị xã trong và ngoài tỉnh, các cơ quan thông tấn báo chí, Đài phát thanh và truyền hình Trung ương và địa phương.
Huyện Hoài Nhơn nằm ở phía Bắc tỉnh Bình Định, giáp địa phận tỉnh Quảng Ngãi, cách thành phố Quy Nhơn hơn 100 km. Với địa hình bao gồm cả núi, sông, hồ, biển, Hoài Nhơn sở hữu một nét đẹp vừa mộc mạc, hiền hòa đặc trưng thôn quê vừa có nét hùng vĩ của tự nhiên hoang dã. Hưởng ứng phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh và cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân Quảng Ngãi vào đêm 22 rạng ngày 23/7/1931, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Bình Định, trực tiếp là Đảng bộ huyện Hoài Nhơn đã tổ chức cuộc biểu tình lịch sử thu hút hơn 3000 người tham gia. Đây không chỉ là sự kiện lớn trong phong trào cách mạng của tỉnh Bình Định mà còn đối với phong trào cách mạng của khu vực miền Trung lúc bấy giờ. Cuộc biểu tình “Tiêu biểu cho khí thế đấu tranh cách mạng của công nhân và nông dân Bình Định trong cao trao 1930 – 1931”.
Ngày 26/1/2011, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã ra Quyết định số 323 QĐ/BVHTTDL công nhận di tích “Cuộc biểu tình năm 1931 Cây số 7 Tài Lương, xã Hoài Thanh Tây, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định” là di tích cấp Quốc gia. Đây là vinh dự lớn, đồng thời cũng là minh chứng sinh động, khẳng định tầm vóc, ý nghĩa của sự kiện lịch sử này, góp phần tô thắm trang sử vẻ vang của Đảng.
Ban tổ chức đã nhận được nhiều bài tham luận của các nhà khoa học ở Trung ương và địa phương. Đồng chí Nguyễn Thị Kim Chi – trưởng phòng Sưu tầm – Kiểm Kê – Bảo Quản bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh cũng tham gia Hội thảo với bài tham luận: “Đồng chí Phan Thái Ất với phong trào cách mạng miền Trung và Bình Định”. Bài tham luận được trình bày ngắn gọn, súc tích đã khẳng định vai trò to lớn của đồng chí Phan thái Ất đối với sự nghiệp cách mạng, đồng thời cho chúng ta thấy và hiểu rõ hơn sự gắn bó mất thiết, tình đoàn kết đồng lòng chung sức của mảnh đất, con người Bình Định với đồng chí Phan Thái Ất nói riêng và mảnh đất xứ Nghệ nói chung.
Sau Hội thảo, Huyện ủy Hoài Nhơn, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Định phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh sẽ sớm tổ chức biên tập, thẩm định và xuất bản cuốn sách về sự kiện cuộc biểu tình này.
Cũng trong chuỗi sự kiện này, chiều ngày 23/7/2016, huyện Hoài Nhơn đã tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm 85 năm ngày diễn ra cuộc biểu tình tại Cây số 7 Tài Lương (Hoài Thanh Tây). Lễ mít tinh thu hút trên 3.000 người dân tham dự như tái hiện lại khí thế hào hùng của nhân dân Hoài Nhơn năm 1931.
Sự tham gia các hoạt động kỷ niệm tại huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định của lãnh đạo và cán bộ Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh đã góp phần khẳng định mối quan hệ gắn bó, mật thiết và sự biết ơn của cán bộ và nhân dân tỉnh Nghệ An đối với mảnh đất và con người Bình Định, những người đã dũng cảm đấu tranh để chia lửa cùng nhân dân Nghệ Tĩnh trong những năm 1930-1931.
Phạm Kim Lân - Bảo tàng XVNT