305
601
4397
16782
34073
6825227
Thực hiện Kế hoạch năm 2017 về công tác sưu tầm tài liệu hiện vật và Quyết định số 49/QĐ-BTXV của Giám đốc Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh, ngày 14 tháng 4 năm 2017, đoàn cán bộ phòng Sưu tầm đã tiến hành chuyến công tác tầm các hình ảnh, tư liệu, hiện vật trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh của huyện Kỳ Anh về kho cơ sở Bảo tàng để bảo quản lâu dài, phục vụ cho công tác nghiên cứu, trưng bày,tuyên truyền giáo dục truyền thống lịch sử và cách mạng cho thế hệ trẻ.
Sau khi Tỉnh ủy lâm thời Hà Tĩnh ra đời (cuối tháng 3/1930), đầu tháng 6 năm 1930, Đảng bộ huyện Kỳ Anh cũng nhanh chóng được thành lập gồm 7 đồng chí, do đồng chí Nguyễn Tiến Liên làm Bí thư. Sự ra đời của Đảng bộ Kỳ Anh đã đánh dấu bước phát triển mới của lịch sử huyện nhà.
Ngay sau khi ra đời, Ban chấp hành Huyện ủy đã phân công các Huyện ủy viên về các Tổng để củng cố tổ chức cơ sở Đảng và phát triển đảng viên. Tính đến tháng 9 năm 1930, toàn huyện đã có 9 chi bộ với 93 đảng viên. Cùng với việc xây dựng tổ chức cơ sở Đảng, các tổ chức quần chúng như: Công hội đỏ, nông hội đỏ, tự vệ đỏ, thanh niên, phụ nữ…cũng được tổ chức và phát triển, trong đó Nông hội đỏ là tổ chức phát triển nhanh nhất. Số hội viên ở cả hai Tổng Cấp Dẫn và Tổng Hà Trung là 875 người.
Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy lâm thời Hà Tĩnh, Đảng bộ huyện kỳ Anh đã phát động một cuộc đấu tranh trên quy mô toàn huyện để kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5/1930. Tiếp đó là các cuộc đấu tranh kỷ niệm ngày Quốc tế chống chiến tranh đế quốc 1/8/1930. Dưới sự chỉ đạo của các chi bộ Đảng, quần chúng nhân dân khắp các thôn xóm đã hăng hái tham gia cách mạng. Cờ đỏ búa liềm, biểu ngữ tung bay khắp đầu làng, ngõ xóm, tạo nên không khí cách mạng sôi động chưa từng thấy. Trong suốt tháng 8 và tháng 9/1930, các cuộc đấu tranh của nhân dân Kỳ Anh liên tiếp diễn ra, đỉnh cao là cuộc biểu tình ngày 9/9/1930 với hơn 5.000 người tham gia. Sức mạnh của cuộc biểu tình này đã làm cho chính quyền thực dân phong kiến ở các thôn xã bị lung lay, tê liệt.
Bằng hình thức điền dã, đoàn cán bộ sưu tầm của Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã cùng cán bộ văn hóa xã Kỳ Bắc, Kỳ Tiến đến từng gia đình thân nhân các cụ lão thành cách mạng như: Nguyễn Huân, Hoàng Thị Hoán, Cao Quang Duyệt, Lê Quế… để tìm hiểu thông tin, khai thác các tư liệu, hiện vật về phong trào cách mạng của nhân dân Kỳ Tiến, Kỳ Bắc trong những năm 1930-1931.
Những hiện vật, tài liệu và những mẩu chuyện kể của thân nhân các đồng chí lão thành cách mạng là những bằng chứng lịch sử về sự đóng góp công sức của nhân dân huyện Kỳ Anh nói chung, về tinh thần đấu tranh của nhân dân Kỳ Bắc, Kỳ Tiến nói riêng trong phong trào cách mạng 1930-1931.
Đặng Huyền Trang - BT XVNT